The multitude of books is making us ignorant.

Voltaire

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: tongkimlinh
Số chương: 50
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1784 / 34
Cập nhật: 2015-08-19 10:45:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 25
ăn phòng UPI Sài gòn mau chóng nhận ra những cái thiếu và cái thừa trong nghề nghiệp của Dale. Sau vụ điều tra Mỹ lai, Dale chỉ được giao cho làm những tin “xe cán chó”. Vẫn việc cũ. Hàng ngày cầm một cuốn sổ con, bút chì giắt lên mép tai, một vai đeo máy ảnh, máy thu băng Uher trong một cái túi quàng vai khác, chàng đến phòng họp báo quen thuộc để nghe phát ngôn viên quân sự Việt Nam Cộng hòa phổ biến những câu chữ quen thuộc và những con số. Mỗi ngày các con số tổn thất ta và địch, số vũ khí tịch thu được hay mất đi có đổi. Nhưng người ta đã quen với những con số trăm, số ngàn, nên bây giờ con số nào cũng không gây được xúc động hoặc tò mò.
Dale ít khi phải dùng tới những dụng cụ hành nghề mang theo. Tin chiến sự thì văn phòng phát ngôn viên đã quay ronéo sẵn để phát cho báo chí. Dale không có gì cần hỏi hay chất vấn mà thu băng. Khuôn mặt ông Trung tá phát ngôn viên thì cũng không có gì hấp dẫn để chụp hình. Dale chỉ tốn mỗi ngày độ một giờ để hành nghề, phần thì giờ rỗi còn lại dùng để tập chụp hình, la cà ở phố Lê Lợi, Nguyễn Huệ, ngồi nhìn thiên hạ lũ lượt ở Catinat, Continental.
Chính trong một buổi “nhàn cư” như vậy, Dale đột nhiên nghĩ tới chuyện đổi nghề. Chàng không còn khoái nghề phóng viên nữa. Nhưng bỏ nghề này thì làm gì? Về San Jose nhờ David giúp xây dụng một cơ sở sửa chữa nhà cửa à? Hay về lại Berkeley làm thợ phụ sửa điện nước? Dale vẫn còn lưu luyến Việt nam, nơi chôn nhau cắt rún của một cô gái chàng biết là không bao giờ chàng quên được. Nhớ lại hai năm dạy học tại Huế, Dale vẫn thấy đó là thời kỳ hào hứng, vô tư, hạnh phúc nhất của mình. Dale thấy yêu nghề dạy học.
Ý tưởng đổi nghề có bám riết lấy Dale. Một hôm khác ngồi một mình ở Givral, Dale chợt nghĩ: Sao mình không xin một chân dạy học ở Việt nam? Vừa tự hỏi, Dale đã cau mày thất vọng. Bằng cấp mình thấp quá. Dạy học theo chương trình thiện chí thì sao cũng được vì dạy “free”, nhưng muốn dạy học chính thức, phải có bằng Ph.D. như ông Clark, như ông Woodward, như cô Larrington. Hay mình về Mỹ học tiếp cho xong cái Ph.D. rồi trở lại Việt nam. Ủa, mà tại sao không vận động để Quỳnh Như cùng đi học với mình luôn thể? Hai vợ chồng cùng có học vị cao, trở về Việt nam dưới danh nghĩa hai giáo sư đại học, Chúa ơi! Còn gì đẹp hơn!
Dale đem “giấc mộng huy hoàng” đó nói ngay với Quỳnh Như trong cuộc hẹn sau đó. Nét mặt Quỳnh Như biến đổi như có phép lạ. Một phép lạ ngắn ngủi, vì ngay sau đó, nét mặt Quỳnh Như xịu xuống. Nàng buồn rầu nói:
- Làm sao em đi với anh được!
- Không đi với anh thì ở đây làm gì?
Mắt Dale sáng lên, giọng hăng hái:
- Quỳnh Như, chúng ta thử cố gắng một trận quyết định cuối cùng. Anh tin là chúng ta sẽ thắng. Em nghĩ mà xem: em không đi dạy được. Thầy me em chắc chắn cũng đang hoang mang. Tại sao nhân cơ hội này, chúng ta không xin thầy me cho phép mình lấy nhau, để em được đi Mỹ học. Chỉ còn cách đó em mới xuất ngoại được. Vừa hợp lý, vừa hợp tình, em thấy không?
Quỳnh Như im lặng suy nghĩ, càng nghĩ nét mặt nàng càng rạng rỡ. Nàng vẫn còn ấm ức vì những lời xì xào của bạn bè, những cái nhìn đố kỵ khinh dễ của thiên hạ. Thù ghét đôi mắt lạnh lẽo xoi mói của thẩm sát viên cảnh sát, thù ghét vẻ mặt mệt mỏi lờ đờ của tay Giám đốc Sở Nhân viên Bộ Giáo dục. Nàng muốn đi khỏi đây, ngay lập tức.
° ° °
Quỳnh Như chờ bữa cơm chiều có đông đủ cả nhà gần xong, mới đem đề nghị của Dale ra thưa chuyện với ông bà Thanh Tuyến. Tuy chuẩn bị kỹ từng câu từng chữ, Quỳnh Như vẫn run, nhiều đoạn nói lấp bấp, nhiều tiếng bị hơi thở lấp mất. Quỳnh Như dứt lời, không khí trong nhà chợt lạnh như một nhà mồ. Cổ họng ai cũng nghẹn lại. Không ai tiếp tục và nổi miếng cơm. Đũa bát vẫn cầm trên tay, nhưng cả bốn người ngưng ăn cúi đầu im lặng, người nọ chờ người kia nói trước.
Quỳnh Như chờ lâu quá, bật khóc, vừa khóc vừa kể lể:
- Con khổ quá! Họ không chịu bổ dụng, chẳng lẽ con nằm đây ăn bám hoài. Con cũng không bỏ anh Dale được. Thầy me thương con thì cho phép con lấy anh ấy, để lập hôn thú, từ đó con mới đi Mỹ du học được. Hai vợ chồng tốt nghiệp về lại đây, đi dạy học, chắc cũng không làm hại đến danh giá của thầy me. Trên đại học, những cặp vợ chồng Mỹ Việt, Pháp Việt dạy học ở các phân khoa rất đông. Thầy me thương con…
Lâu nay không hề nghe Quỳnh Như nhắc tới Dale nữa, hai ông bà vẫn tưởng cơn ngông cuồng cũ đã qua. Chỉ còn lo cho con được bổ dụng, đi dạy, lấy chồng, yên ổn sống cuộc đời bình lặng của một cô giáo trung học. Bất ngờ Dale lại hiện về, ở ngay tại Sài gòn, và trong hoàn cảnh này, lại trở nên người duy nhất có thể cứu Quỳnh Như ra khỏi bế tắc, đưa Quỳnh Như lên một địa vị hứa hẹn hơn. Ông bà Thanh Tuyến choáng váng, rồi bối rối không tìm được phản ứng. Quỳnh Như khóc làm cho bà Thanh Tuyến cũng khóc theo. Bà trở thành người cho ý kiến trước.
- Thầy me không thương con thì thương ai, hở Quỳnh Như! Cả tháng nay thấy con ray rứt bồn chồn, me ăn không ngon, ngủ không yên. Nhưng me tin rằng trước sau con cũng được đi dạy. Con đi dạy học ở đây, thầy me có một ông rể người Việt, hè Tết các con đem cháu về cho thầy me hôn hít, thầy me chỉ mong có thế. Chứ nếu con…
Quỳnh Như bình tĩnh hơn, biết nắm lấy vai chủ động. Nàng cố tạo giọng rên rĩ, bi thảm:
- Con biết chắc là họ không cho con đi dạy đâu! Bao năm đi học tốn tiền thầy me chỉ phí đi! Anh Dale cũng chán nghề báo, muốn về Mỹ học tiếp để lấy cái bằng tiến sĩ. Có anh ấy chỉ dẫn, con đậu đạt bên đó cũng không khó. Chỉ một hai năm sau, chúng con về đây lại gần gũi thầy me.
Bà Thanh Tuyến nói:
- Mẹ nó cho nó bỏ xứ qua đây ở luôn hay sao?
- Thì lâu nay anh ấy vẫn xa nhà, bà cụ quen rồi. Vả lại, bà cụ đang sống với bà em, hai chị em giúp đỡ nương tựa nhau.
Bấy giờ ông Thanh Tuyến mới hỏi:
- Nhưng con đã dò hỏi thủ tục xin xuất ngoại theo lối đó chưa?
Quỳnh Như thấy có hy vọng, đáp bừa:
- Anh Dale đã hỏi rất kỹ, thầy ạ! Hễ có hôn thú thì đương nhiên Tòa Đại sứ Mỹ phải lo hết. Con không phải là sinh viên Việt nam xin đi du học mà là thân nhân của công dân Mỹ xin qua theo thể thức di dân.
Bà Thanh Tuyến vội vã hỏi:
- Đã cưới xin gì đâu mà có hôn thú? Me đau đầu quá đi mất! Thôi, cứ ăn cho xong bữa cơm đi đã. Còn nuốt sao cho trôi nữa! Thầy me sẽ bàn riêng với nhau chuyện này.
Quỳnh Như cố gắng lần chót:
- Thầy me thương con… chỉ còn cách ấy!
° ° °
Cơm nước dọn dẹp xong, Quỳnh Như tìm cớ ra khỏi nhà để cha mẹ bàn chuyện được tự nhiên hơn. Ông bà Thanh Tuyến chỉ mong có thế. Khi Quỳnh Như xin phép đi thăm một người bạn từ Huế vào, bà Thanh Tuyến gật đầu, chỉ dặn lấy lệ:
- Lái Honda ban đêm nhớ cẩn thận! Về sớm nhé!
Quỳnh Như đi khỏi, bà Thanh Tuyến hỏi chồng:
- Ý mình thế nào? Tôi nghi hai đứa chúng nó toa rập nhau chuyện gì đây.Ông Thanh Tuyến ôn tồn bảo vợ:
- Mình đừng nghĩ như vậy tội nghiệp con! Tôi…
- Không toa rập nhau sao lâu nay thằng đó ở đây mà nó giấu? Hai cha con thường đi xi nê với nhau, nó có nói với mình không?
Ông Thanh Tuyến nói dối:
- Có, Như nó có nói với tôi!
Bà Thanh Tuyến tức tối nói lớn:
- Sao ông không cho tôi hay!
Ông Thanh Tuyến nổi dóa:
- Cho hay thì bà làm gì? Cấm cửa không cho con Như ra khỏi nhà à. Nó lớn rồi, hai mươi bốn tuổi đầu, bà nhớ không?
- Nó lớn bao nhiêu tuổi thì vẫn là con nhỏ dại dột vô tâm như thường. Tôi không để cho người ta lừa dối nó.
- Ai lừa dối ai đâu? Mình, mình bình tĩnh lại đi. Thằng “Đeo”…
- Trời hỡi! Tên gì không đặt lại đặt tên “Đeo”!
- Bà kỳ quá! Tên Mỹ người ta vậy, chẳng lẽ người ta đặt tên Tí tên Tèo! Mình, hãy nghe tôi nói đây. Thằng “Đeo” cũng cao ráo, học thức, không đui què sứt mẻ, không ăn chơi đàng điếm. Với cái bằng cao học, nó là người trí thức, biết lẽ phải, biết xử thế. Hôm nó đến đây, cách ăn nói của nó chứng tỏ rõ ràng nó là người đàng hoàng. Nó chỉ có mỗi cái tội không phải là người Việt nam. Mình sợ gả con cho Mỹ bà con sẽ chê cười. Mỹ cũng ba bảy thứ Mỹ chứ! Nếu hai vợ chồng nó về dạy đại học, ai dám chê cười mình.
- Chắc gì nó đậu được tiến sĩ!
- Sao không chắc. Nó lấy được bằng M.A. ở đại học Michigan, một đại học nổi tiếng nhất nhì của Mỹ, thì lấy tiến sĩ đâu có khó.
- Sao ông rành rẽ quá vậy? Hay con Như đã năn nỉ trước với ông?
Ông Thanh Tuyến bực dọc một cách thành thực:
- Chiều nay tôi mới nghe nó nói lần đầu như bà. Nhưng mình này, tôi lên Bộ Giáo dục, qua cách họ nói, tôi đoán việc bổ dụng của con Như gặp trục trặc lớn lắm.
Bà Thanh Tuyến ngồi bần thần hồi lâu không nói. Ông Thanh Tuyến mỉm cười chờ đợi. Cuối cùng bà liếc nhìn xuống phía bếp. Quỳnh Trang đang lo xếp đặt lại soong chảo, quay lưng về phía nhà trên. Bà Thanh Tuyến hạ thấp giọng, nói nhỏ với chồng:
- Nhưng con chị còn đó, cho con em đi trước, sao tiện!
Ông Thanh Tuyến bị bất ngờ, ngồi lặng suy nghĩ. Phải, lâu nay ông đã quá bất công đối với Quỳnh Trang. Chưa bao giờ ông thắc mắc tìm hiểu xem Quỳnh Trang đã làm quen với người con trai nào, Quỳnh Trang đã yêu thương ai, đã mơ ước hy vọng gì. Cho nên câu hỏi của vợ làm ông ngơ ngẩn, rồi áy náy. Ông hỏi nhỏ:
- Lâu nay con nó có giao thiệp quen biết với ai không?
- Không thấy.
- Có ai ngỏ ý với bà không?
- Cũng không. Nhiều hôm tôi cũng lấy làm lạ. Bạn bè buôn bán của tôi cũng nhiều, người nào cũng có con trai lớn cả. Quỳnh Trang lại đảm. Thế mà không có ai, dù là nói đùa, ngỏ ý muốn làm sui gia với mình. Nó hai mươi sáu tuổi rồi! Cho con Như đi trước, nó càng thêm tủi. Mình thấy không?
- Nhưng chắc con Trang cũng để ý tới ai chứ?
- Ở đâu ngoài đường khi nó đi lại buôn bán thì tôi không biết, nhưng ở nhà thì tôi không thấy. Cũng chẳng có ai thư từ gì với nó cả. Mấy tháng nay thằng Ngữ thường tới chơi. Nhưng tôi nghĩ nó đến vì ông, và vì có con Quỳnh Như. Chắc giữa hai đứa không có tình ý gì.
Ông Thanh Tuyến mỉm cười. Ánh mắt ông sáng. Giọng ông vui:
- Nếu chúng nó có tình ý thì bà tính sao?
Bà Thanh Tuyến ngẫm nghĩ một chút, giọng uể oải:
- Chắc không có gì đâu. Giữa đàn bà con gái với nhau, nếu có, tôi đã biết. Mà nếu có, thì… thì cũng tạm được. Số con Trang nó vất vả!
° ° °
Lần nghỉ phép đầu tiên về Sài gòn, ghé thăm gia đình Thanh Tuyến, Ngữ nhận ra ngay không khí khác lạ. Dường như ai cũng tươi tắn, niềm nở hơn trước. Nhất là Quỳnh Như. Ngữ thấy lại được hình ảnh cô bé lém lỉnh ưa khôi hài những năm nàng còn học Đồng Khánh. Nhìn bộ quần áo khóa sinh sĩ quan ủi phẳng, đôi giày chùi bóng đến soi gương được của Ngữ, Quỳnh Như chào Ngữ theo lối nhà binh rồi nói:
- Xin trình diện tân khóa sinh.
Nói xong, Quỳnh Như phá lên cười. Ngữ ngượng đỏ mặt. Quỳnh Như lại tiếp:
- Anh làm mình làm mẩy cho lắm, cuối cùng cũng phải theo dòng như người ta. Thế là phải!
- Còn Như thì sao?
Quỳnh Như sáng mắt lên. Nàng kéo Ngữ ra cửa trước, khoe:
- Xong rồi! Bây giờ được hay không được bổ dụng, em không cần nữa.
- Cái gì xong rồi?
- Cái anh này. Giả vờ! Chuyện em với Dale.
- Hai bác thuận rồi à?
- Rồi.
Quỳnh Như kể lại diễn tiến, rồi tiếp:
- Chủ nhật trước, thầy me mời Dale lại ăn cơm. Vẫn em thông ngôn. Lần này em thông ngôn y nguyên văn, khỏi cần kiểm duyệt thêm bớt như lần trước. Thầy me em đã bằng lòng “trên nguyên tắc”.
- Bằng lòng “trên nguyên tắc” là sao?
Quỳnh Như cười giải thích:
- Đấy là chữ thầy em dùng. Thầy em nói chêm tiếng Pháp, đến đó thì dùng chữ en principle, em dịch là bằng lòng trên nguyên tắc, đúng không? Thầy em nói rành rẽ như một kế hoạch gia vậy. Thầy nói với Dalê trên nguyên tắc, thầy me bằng lòng cho em lấy Dale. Nghĩa là tụi em có thể lập hôn thú trước, để Dale làm hồ sơ cho em đi Mỹ. Khi hồ sơ đã xong, em đã có giấy xuất cảnh, thầy me cho làm đám cưới. Bấy giờ mới chính thức là vợ chồng. Anh đã hiểu vì sao thầy dùng chữ en principle chưa?
- Hiểu! Thủ tục lâu không?
- Dale nói không lâu. Tối đa chừng ba, bốn tháng. Trong ba bốn tháng ấy, Dale sẽ phải lo nhiều thứ lắm. Đáng kiếp, ai bảo mê con gái Việt! Dale phải… à quên… thầy me em nói đám cưới phải làm theo lễ nghi Việt nam, và phải có bà con thân mẫu anh Dale qua đây dự. Tốn khối tiền đấy!
- Dale chịu không?
- Ảnh phải cắn răng mà chịu chứ. Thấy anh ấy cái gì cũng vui vẻ gật, em thương quá!
Ngữ nói nịnh:
- Kể cũng đáng công gật!
Quỳnh Như không giấu được sung sướng.
Ông Thanh Tuyến đi xi nê xuất trưa về gặp Ngữ, bắt Ngữ ngồi nghe ông kể nội dung cuốn phim xuất sắc được năm giải Oscars ông vừa xem. Ông kể không được liên tục, gãy gọn, cái gì ông thích ông kể trước, kể một lúc ông lại “à quên” và móc ngoặc đơn một đoạn dài thoòng. Ngữ thấy ông thích thú vì chuyện khác, còn cuốn phim nếu nội dung chỉ có vậy thì được lây cái thích thú của ông khán giả mà thôi.
Bà Thanh Tuyến cũng ân cần niềm nỡ với Ngữ hơn bình thường. Bà hỏi cặn kẽ ở Trường Bộ binh Thủ đức người ta cho Ngữ ăn những món gì, chương trình học mỗi ngày ra sao. Nghe Ngữ bi thảm hóa cách nấu nướng hồ lốn của “nhà bàn” (phòng ăn), bà lo âu ra mặt, hỏi Ngữ có cần bà làm cho mấy thẩu thịt chà bông đem vào trường ăn dặm cho đủ chất bổ dưỡng luyện tập, học hành.
Bữa cơm chiều dọn sớm cho Ngữ ăn kịp vào trường cũng thịnh soạn hơn thường lệ. Trong bữa ăn, mọi người cười nói vui vẻ. Chỉ có Quỳnh Trang là lặng lẽ hơn thường lệ, dè dặt xa cách Ngữ hơn thường lệ.
Bèo Giạt Bèo Giạt - Nguyễn Mộng Giác Bèo Giạt