I find television to be very educating. Every time somebody turns on the set, I go in the other room and read a book.

Groucho Marx

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: tongkimlinh
Số chương: 50
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1784 / 34
Cập nhật: 2015-08-19 10:45:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 23
ông việc của Ngữ ở tòa báo Tiền Tuyến tương đối nhẹ nhàng, nên từ nửa năm nay, chàng âm thầm mua sách toán lý hóa về ôn lại, tự luyện thi để lấy bằng bán phần tú tài ban văn chương vào cuối tháng Sáu. Ngữ giấu biệt chuyện học hành, cho đó là một cách xét lại, một sự thỏa hiệp yếu đuối với qui ước xã hội. Cái nhìn khinh rẻ (dù cố ý hay vô tình) của bạn bè thân sơ khi nhìn cái cánh gà trên tay áo lính của Ngữ trở thành một ám ảnh khó chịu. Ngữ tìm được một cái cớ để tự bào chữa: phải là sĩ quan thì mới đủ thế để làm những gì cần làm, ngay cả trong sinh hoạt viết lách, sáng tác, không thể một sớm một chiều dứt bỏ các ràng buộc của xã hội.
Những môn nhân văn như Việt văn, Sử Địa, Công dân giáo dục, Sinh ngữ, trong chương trình đệ nhị văn chương không mấy khó khăn đối với Ngữ. Chàng chỉ cần ôn lại các môn khoa học như Toán, Lý Hóa, Vạn vật. Chương trình khoa học ban C lại dễ, nên Ngữ không phải vất vả nhiều.
Hôm đi thi, Ngữ cũng giấu không cho anh em trong tòa báo biết, kể cả việc xin giấy chứng nhận của cơ quan để hưởng điểm ưu tiên cho quân nhân Ngữ cũng không làm. Ngay khóa đầu, chàng đậu tú tài bán phần với hạng bình thứ.
Lãnh được mảnh chứng chỉ tạm xong, Ngữ sao ngay và làm đơn gửi cho Tổng Quản trị xin học khóa sĩ quan Thủ đức. Cả việc này, Ngữ cũng làm âm thầm. Trung tá chủ bút tờ Tiền Tuyến chỉ biết được tin Ngữ đậu tú tài và xin học sĩ quan khi Tổng Quản trị Trung ương gửi văn thư hỏi ý kiến của tòa soạn Tiền Tuyến. Thợ in, thợ sắp chữ, xếp typo, ban biên tập chúc mừng Ngữ, đòi Ngữ khao một bữa tại Ngân đình. Thi sĩ trung tá, thi sĩ đại tá nhân dịp làm hai bài thơ Đường mừng trung sĩ Ngữ được đại đăng khoa. Cả hai bài thơ so sánh Ngữ như là anh học trò nghèo ở chùa Long tuyền dùng ánh sáng đom đóm học thuộc lòng Tứ thư Ngữ kinh và đậu giải nguyên trong sách Quốc văn Giáo khoa thư thời Pháp thuộc:
Một anh trò kiết chùa Long Tuyền
Ai ngờ nay đã đỗ giải nguyên
Ở đời không có việc gì khó
Người ta lập chí phải nên kiên.
Rượu vào lời ra, anh nhà văn phụ trách trang văn nghệ cao hứng nói cái chí của Ngữ phải là tung hoành bốn bể, thanh gươm bắc phạt bình nam, trong khi túi văn vẫn nặng trên vai, thực hiện được giấc mộng “gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo” của đáng trượng phu.
Ngữ ngượng quá, lí nhí mấy lời cảm ơn. Chàng mơ ước được vô tư chấp nhận những lối mòn, những sáo ngữ như các bạn già các bạn trẻ chung quanh. Chữ nghĩa nói cho cùng chẳng qua chỉ là phương tiện ở đời. Cần làm quả bóng thả lên để chơi, thì bơm phồng nó lên, rồi reo hò nhảy múa. Có chết ai đâu!
Từ khi biết chắc Ngữ sắp chuyển ngành, không khí làm việc ở tòa soạn khác hẳn. Chàng trở thành khách tạm trú. Người ta đã mau chóng tìm ra người điền thế vào một chỗ tốt, và anh hạ sĩ tốt số nhận việc ngay. Ngữ được cho ở không suốt thời gian chờ ngày nhập khóa Thủ đức. Đáng lẽ khóa học bắt đầu từ tháng Bảy, nhưng vì Ngữ đã là hạ sĩ quan, nên chàng được miễn ba tháng huấn luyện quân sự căn bản.
Suốt ba tháng rảnh rỗi ấy, Ngữ có nhiều thì giờ lui tới chuyện vãn với chị em Quỳnh Trang, ông bà Thanh Tuyến, viết truyện đưa đăng ở các tạp chí, và chui vào những rạp xinê rẻ tiền có gắn máy lạnh như Lê Lợi, Vĩnh Lợi. Chiều nào, chàng cũng đi nhiều vòng ở phố Lê Lợi, xem sách cũ sách mới, và hít thở cái không khí rộn rã rất “người” của Sài gòn.
° ° °
Quỳnh Như trả cái công làm chim xanh của Ngữ bằng cách kêu riêng ra thì thào cho chàng biết tin Diễm vừa thoát một cái nạn lớn, Diễm sinh con thiếu tháng, thai nhi chưa đến ngày không lớn bao nhiêu nhưng xương chậu của Diễm hẹp hơn bình thường, bác sĩ phải mổ để đem đứa bé ra. Đứa bé cân nặng không tới ba ký, Diễm phải nằm ở phòng hồi sức một tuần mới được về nhà. Đến nay thì mọi nguy hiểm đã qua, có thể nói là mẹ tròn con vuông.
Ngữ nghe tin với một tâm trạng phức tạp. Trước đây, khi Diễm đã về nhà chồng, chàng vẫn chưa có cảm giác đau xót là mình mất Diễm. Hôn lễ của Diễm và Mân, chàng coi như một thủ tục hành chánh thông thường nào đó, như đúng 18 tuổi thì phải đi làm thẻ căn cước, con trai thì khai báo để hợp lệ tình trạng quân dịch. Diễm vẫn còn đó, như tự lúc nào. Sở hữu do hôn nhân, Diễm thuộc về Mân hay thuộc về Ngữ, điều đó mơ hồ. Mân ở Sài gòn, lâu lâu chàng có gặp, và lối sống buông thả bè bạn đông vui, nay quán cà phê mai phòng trà không có gì giống với mẫu mực cuộc sống một người chồng. Gặp Mân như thế, Ngữ càng nghĩ Diễm vẫn là Diễm xưa. Chàng đã định vị cho Diễm như thế như thế, chẳng khác nào một điêu khắc gia nặn được bức tượng mỹ nữ rồi đâm mê mẩn bức tượng thạch cao của mình, đem ra triển lãm khoe khoang với đời nhưng cấm thiên hạ đến gần sờ mó và treo bảng “tác phẩm dành riêng, không bán”.
Nay đột ngột được tin Diễm có con, Ngữ ngỡ ngàng nhận ra rằng Diễm ngày nay không thể mãi mãi là Diễm xưa. Ngữ ganh tị với Mân, không còn nhắm mắt trước sự thực được nữa: Mân cái anh chàng ngày ngày thong dong dạo chơi giữa Sài gòn lại được thêm cái độc quyền chiếm hữu Diễm, làm chủ thân xác Diễm, tự do hôn lên môi Diễm, ôm lấy tấm thân ấm của Diễm, dày vò thỏa mãn trên người Diễm như một chủ nhân ông hợp pháp, muốn cày xới trồng tỉa thứ gì tùy ý trên mảnh vườn sở hữu của mình. Tất cả những điều ấy phải có thực, bằng chứng là đứa con Diễm vừa sinh ra.
Quỳnh Như thấy Ngữ cắn môi suy nghĩ hồi lâu, tưởng chàng còn lo lắng cho người xưa, cười và nói:
- Anh còn si con nhỏ Diễm quá chừng! Đến khổ! Hôm nào nó dọn vào đây, anh phải tìm cách xa Sài gòn, không thì có ngày ông Mân ông ấy giết anh!
Ngữ vội hỏi:
- Diễm vào Sài gòn thật à?
- Sao không thật! Nó nói với em làm dâu bấy nhiêu là xong phận sự rồi. Nó đi làm, lương đủ để nuôi con. Ông Mân không xoay cho nó đổi từ bệnh viện hộ sinh Phú vang về Sài gòn, thì nó cũng không cần. Nó sẽ thuê nhà ở hẳn dưới quận lỵ Phú vang, rồi đem ba mạ ra ở chung. Nó nhất định không ở lại nhà ông Toàn. Nghe đâu, ông Mân sợ, đang vận động cho vợ thuyên chuyển về đây.
Ngữ chưa tin, hỏi lại:
- Diễm dám cứng cỏi như thế à?
- Thì em đã nói với anh một lần rồi. Anh không hiểu gì con Diễm cả. Để rồi anh xem em nói có đúng không. Anh vẫn còn nghi em nói xấu bạn chứ gì! Thôi tùy anh.
Ngữ thấy Quỳnh Như giận, tìm cách nói sang chuyện khác. Trong thâm tâm, chàng vẫn nghĩ Diễm yếu đuối, bị cảnh sống nghèo khó và hoàn cảnh đưa đẩy không cưỡng lại được phải tìm một chỗ khuất gió, và từ đấy âm thầm chịu đựng số phận người vợ hẩm hiu của một anh chồng quá lõi đời, tự do rong chơi và làm tiền để vung phá ở một nơi cách xa gia đình. Ngữ nhìn Quỳnh Như, thương hại người bạn gái. Những cuộc hẹn gặp Dale lén lút qua trung gian của Ngữ, cảnh sống thắc thỏm lo sợ không được bổ dụng đã biến Quỳnh Như thành một người khác. Quỳnh Như ít cười hơn trước, đôi mắt bớt sáng, bước đi bớt mạnh bạo linh hoạt. Cái vẻ tự tin yêu đời, như một của gia bảo, không dành riêng cho đứa con nào trong gia đình. Quỳnh Như đã giữ của gia bảo ấy khá lâu, bây giờ đến lượt cô chị được phép giữ, sau ba năm xắn tay áo tạo dựng được một căn cơ buôn bán vững vàng cho cả nhà.
° ° °
Không biết bắt đầu từ lúc nào, nhưng một hôm Ngữ nhận thấy mình thích lui tới nhà ông bà Thanh Tuyến, vì ông Thanh Tuyến và Quỳnh Trang hơn là vì Quỳnh Như và bà mẹ. Trước đó, Ngữ chỉ có một lối giải thích chung chung là tới hiệu trà để được sống cái không khí ấm cúng gia đình. Ngữ được xem như một người thân thuộc, không phải khách sáo kiểu cách. Ngữ nghĩ đến đó, gặp ai cũng vui. Bà Thanh Tuyến có cái dịu dàng kín đáo của người mẹ. Ông Thanh Tuyến từ ngày đi lại được dễ dàng, khỏi nằm liệt trong phòng, gần như đứa trẻ con qua thời kỳ chập chững tập đi muốn thử sức, cái gì cũng muốn bước tới với lấy cho được. Ông như người hồi xuân. Tóc tai chải gọn, những mảng tóc bạc được nhuộm đen nháy bằng thuốc Biden. Ông bỏ thói quen theo dõi thời sự quốc tế và quốc nội, thích điện ảnh ca nhạc. Chính ông đòi Quỳnh Như đèo ông bằng chiếc Honda mới mua đi xem cái phim mới nhập cảng đang được tờ Điện Ảnh ca tụng. Ông thuộc tên các tài tử điện ảnh thuộc đợt sống mới như Ali Mac Graw, Faye Dunaway, Steve Mc Queen, Omar Sharif… và ra mặt khinh chê lớp tài tử già như Liz Taylor, Lana Turner, Ava Garner, Sophia Loren, Gary Cooper, James Stewart, Frank Sinatra, Burt Lancaster v.v… Ông cũng sành những hoạt động nhạc trẻ không kém. Ông làm Ngữ kinh ngạc khi kể vanh vách ban Beach Boys gồm những ai, Sonny & Cher nỗi danh từ năm nào, Beatles rã đám vì ai, Ban Shotguns vừa ra băng nhạc gì, Trường Kỳ vừa trình diễn ở đâu, Tùng Giang học được cái gì của nhạc pop Mỹ…
Quỳnh Như quan sát cha thay đổi với lòng thích thú và hy vọng. Có lần nàng hỏi ý kiến Ngữ xem có nên xếp đặt cho ông Thanh Tuyến gặp Dale hay không. Ngữ thấy đề nghị táo bạo quá, hậu quả không biết ra sao nên không dám có ý kiến. Đã đành ông Thanh Tuyến đổi mới nên sẽ đứng về phe Quỳnh Như để “cải tạo” đầu óc cổ hủ của bà Thanh Tuyến. Nhưng ông Thanh Tuyến không nói được tiếng Anh, Ngữ cũng chẳng giỏi dang gì. Thành hay bại đều do tài thông ngôn của Quỳnh Như. Việc gì Ngữ phải can dự vào để nếu có sơ sẩy, sẽ lãnh đủ với bà Thanh Tuyến.
Ngữ gặp ông Thanh Tuyến bây giờ không cùng ông bàn những chuyện trừu tượng đau đầu như trước nữa. Gần như ông Thanh Tuyến là ông thầy đang khảo bài một anh học trò về những kiến thức thời trang. Ngữ cũng thích cái trò chơi lạ lùng đó. Chàng càng thấy con người phức tạp lạ lùng. Chàng không thể tưởng tượng ông Thanh Tuyến lúc mới bị thương nằm một chỗ trở thành triết gia tập sự với ông Thanh Tuyến chuyên viên điện ảnh đợt sóng mới, nhạc yé yé thời trang, vẫn là một con người. Mấy năm nằm một mình, cách biệt với cảnh đời rối loạn và hối hả bên kia cửa phòng, ông đã nghĩ gì. Ông ôn lại quá khứ, tất nhiên. Ông gặm nhấm những lỡ lầm, những rủi ro, những thất bại. Dĩ nhiên. Ông lo âu trước hiện tại. Dĩ nhiên. Nhưng từ lúc nào, do đâu, Ông khám phá ra nguồn suối ẩn tắm mát thần trí trì trệ của ông, ngọn lửa bí nhiệm nung sôi máu trong người ông. Ngữ chịu thua, không hiểu được. Ngữ thích nói chuyện với ông để tìm kiếm ra động cơ bí mật ấy.
Nhiều bữa Ngữ đến thì Quỳnh Như đã chở cha đi xem xi nê, bà Thanh Tuyến vắng nhà. Ngữ vui hơn bình thường. À, hóa ra từ lâu Quỳnh Trang không còn là cái bóng lặng lẽ ở hậu trường, một bè đệm cho những giọng ca chính. Giống như cha, Quỳnh Trang đột ngột tìm ra một sức sống mới. Nàng đã bỏ những bộ quần áo màu sậm. Bắt chước theo những mẫu thời trang in trên tờ Tin Ảnh, Quỳnh Trang biến chế, tự cắt may cho mình những bộ áo màu tươi có điểm hoa, cổ rộng không cân đối, nút cài lệch một bên, tay ngắn để lộ hai cườm tay trắng có lông măng. Nhiều hôm Ngữ thấy Quỳnh Trang có thoa một lớp son nhạt lên môi hoặc đôi má ửng một màu hồng không tự nhiên.
Những câu đối đáp với Ngữ cũng thoải mái và bạo dạn hơn. Một lần Quỳnh Trang cười, ranh mãnh nhắc lại một câu hỏi cũ:
- Anh thú thật đi, có phải hôm nghe tin Diễm nó đi lấy chồng, anh uống rượu cho say để quên phải không?
Dĩ nhiên Ngữ lại chối.
Quỳnh Trang mỉm cười bỏ qua, chốc sau lại hỏi:
- Anh viết một lúc tới bốn lá thư cho Diễm, nó có trả lời anh không?
Ngữ giật mình. Hóa ra Quỳnh Như đã kể hết cho chị nghe. Chàng trách Quỳnh Như. Quỳnh Như chống chế:
- Lạ lắm. Chị ấy cứ hỏi chuyện anh với con Diễm. Lâu nay chị ấy đâu có vậy. Chị ấy vẫn cứ la em là hay thích chen vào chuyện người khác. Ngữ cảm thấy thích thú. Chàng khám phá ra rằng ngoài cái không khí trầm lặng êm đềm Quỳnh Trang mang đến cho mọi người thân, nàng còn điều gì khác nữa, điều gì nửa vời hứa hẹn, e ấp mà buông thả như một cửa khẩu dẫn thuyền vào một dòng sông hiền chỉ lăn tăn gợn sóng.
° ° °
Chính vì vậy mà Ngữ chọn Quỳnh Trang để báo cho gia đình Thanh Tuyến tin chàng sắp vào Thủ đức vào đầu tháng Mười sắp tới. Chàng vẫn giấu biệt không cho gia đình này biết chuyện tự học để thi đậu bán phần tú tài, và làm đơn xin học khóa sĩ quan trừ bị. Cái mặc cảm bằng cấp đè nặng lên Ngữ, gỡ bỏ không phải dễ.
Thấy Ngữ tới, Quỳnh Trang nói:
- Anh tới sớm một chút đã giúp được gia đình em nhiều việc. Chuyện em Quỳnh Như ấy mà!
- Chuyện gì nữa? Dale…
- Không. Chuyện bổ dụng. Nó nghe tin các bạn đồng khóa đậu thấp hơn nó đều đã có sự vụ lệnh, còn nó thì chưa có gì, nó quýnh lên. Nó khóc rưng rức cả buổi sáng, lại đòi chở thầy lên Bộ Giáo dục để khiếu nại.
- Chắc vì chuyện Tường.
- Em cũng đoán thế!
Ngữ cố an ủi:
- Nhưng không sao đâu. Chỉ trễ ít lâu thôi!
- Em cũng an ủi như vậy, nhưng nó như người ngồi trên lửa. Nó đòi thầy phải làm đơn chất vấn Sở Nhân viên.
- Rồi thầy… rồi bác trai có chịu đi không?
Quỳnh Trang cười lớn:
- Sao lại không! Thầy bây giờ như một cậu trai mới lớn, thấy chuyện gì khó là xông vào.
Quỳnh Trang nhìn đồng hồ, rồi nói:
- Chắc lúc này ông Giám đốc Sở Nhân viên Bộ Giáo dục đang khốn khổ với thầy. Anh ở đây chơi, chờ thầy về để nghe thầy kể thành tích.
Ngữ chộp cơ hội, nói nhanh cho đỡ ngượng:
- Vâng. Phải chờ bác về để chào từ biệt trước.
- Ủa, anh sắp đi đâu?
- Thứ hai tuần tới tôi trình diện ở Thủ đức.
- Anh bị thuyên chuyển khỏi tờ Tiền Tuyến à? Vì sao vậy?
- Không. Tôi xin học khóa sĩ quan trừ bị.
- Nhưng…
- Tôi lấy cái bằng bán phần để chuyển ngành.
Quỳnh Trang mừng rỡ, giọng líu ríu:
- Trời! Me biết tin sẽ mừng lắm. Me cứ thắc mắc chẳng hiểu hồi trước tại sao anh học giỏi như thế lại bỏ ngang. Thủ đức gần, anh còn dịp đi lại đây, từ biệt với từ giã làm gì!
Ngữ không ngờ mọi sự diễn ra êm đẹp tự nhiên như thế. Như vậy là đủ. Chàng khỏi cần chờ ông bà Thanh Tuyến và Quỳnh Như về, để bối rối kể lể việc học hành, thi cử. Ngữ xin phép về. Quỳnh Trang vội hỏi:
- Anh không chờ thầy em về sao?
- Khỏi cần.
- Nhưng trước hôm trình diện, anh trở lại chứ?
- Vâng.
- Em và con Như sẽ làm tiệc tiễn hành.
- Thôi thôi! Tôi xấu hổ vì chuyện này, đừng bày vẽ. Vì sao xấu hổ. Trang hiểu không?
Quỳnh Trang dịu dàng nhìn Ngữ, mỉm cười nhỏ nhẹ đáp:
- Em hiểu! Em hiểu! Anh không thích nhưng làm như vậy là phải.
Bèo Giạt Bèo Giạt - Nguyễn Mộng Giác Bèo Giạt