Reading - the best state yet to keep absolute loneliness at bay.

William Styron

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: tongkimlinh
Số chương: 50
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1784 / 34
Cập nhật: 2015-08-19 10:45:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
iờ tan học qua đã lâu mà không thấy Quỳnh Như đến, Diễm nôn nao không yên tâm, nghĩ hôm qua mình đã nói nhiều điều làm cho bạn giận. Diễm cố nhớ lại xem đêm trước ở quán nước sinh tố và trước khi đi ngủ, Diễm đã nói với Quỳnh Như những gì. Trí óc Diễm những ngày sắp cưới như trí óc một người mộng du, nghiêng chao bất định, cây kim cầm trên tay mà cứ quẩn quanh tìm kiếm, khiến bà Bỗng phải gắt lên:
- Đi lấy chồng thì cũng như dọn nhà mới, có gì đâu mà mày như người mất hồn vậy!
Chờ không được Diễm xách xe đạp lên Jeanne d’Arc tìm Quỳnh Như. Quỳnh Như có mặt ở nội trú, mặt mày ủ rũ, ăn nói nhát gừng. Diễm lo ngại hỏi:
- Như còn giận mình à?
Quỳnh Như vội cải chính:
- Không đâu!
Hai cô bạn đẩy đưa khách sáo một lúc, cuối cùng Quỳnh Như phải thú thật:
- Mình buồn vì lá thư này!
Quỳnh Như đưa lá thư của ông bà Thanh Tuyến cho Diễm. Diễm hỏi:
- Mình đọc được không?
- Được. Đọc để biết là Như không giận Diễm. Như buồn chuyện khác.Diễm cắm cúi đọc thư, càng đọc khuôn mặt càng tươi vì thỏa mãn được lòng tò mò. Thỏa mãn cả lòng tự ái. Đọc xong, Diễm ngước lên, nụ cười không hợp thời vẫn còn trên môi, trong ánh mắt. Diễm nói:
- Phải nhận là Quỳnh Như bạo thật. Đòi lấy chồng Mỹ, biết người da trắng họ ăn ở ra sao, đối với vợ thế nào mà dám xông vào. Diễm cứ thắc mắc hoài.
Diễm đỏ mặt, ngập ngừng, rồi tiếp:
- Họ to lớn như thế, khoẻ như thế…
Quỳnh Như biết bạn đang nghĩ gì, cũng đỏ mặt, xua tay ngăn:
- Thôi thôi! Mày lại bắt đầu tiếu lâm như hồi xưa rồi.
Quỳnh Như nói lảng sang chuyện khác:
- Thầy me Như… thầy me tao viết thế, phải làm gì bây giờ?
Diễm thấy bạn cũng gặp cảnh trắc trở như mình, giọng đáp có vẻ kẻ cả:
- Ông cụ bà cụ cũng có lý phần nào trong chuyện này. Tao hỏi thật Quỳnh Như nhé: Bộ con trai Việt nam đui què mẻ sứt hết hay sao mà mày nằng nặc đòi phải lấy cho được một ông Mỹ.
Cách hỏi của Diễm làm cho Quỳnh Như giận. Nàng hỏi lại:
- Bộ người Mỹ không phải là người à?
- Vẫn là người, nhưng không phải “người mình”.
- Thế nào là “người mình”?
- Là người thân thiết, người mình yêu thương được.
- Người Mỹ không đáng yêu thương hay sao?
Bị chất vấn riết, Diễm cười thích thú, nói:
- Mày bênh ông Dale chầm chập tao còn nói gì được nữa.
- Thì hôm qua mày cũng bênh ông Mân chầm chập vậy!
Diễm xịu mặt xuống, mất ngay vẻ hớn hở hồn nhiên. Quỳnh Như biết mình Lỡ lời, dịu dàng nói:
- Như cũng chẳng hiểu tại sao từ lúc mới lớn Như không chú ý tới anh con trai Việt nào. Giao thiệp, chuyện vãn, đùa cợt với họ như những người bạn những người anh thì có. Nhưng tuyệt nhiên không nghĩ tới họ như là người tình, người chồng của mình. Lúc chưa gặp Dale, đôi lúc mình cũng tự hỏi: hay mình mắc chứng lãnh cảm rồi! Nhiều người nói bà mụ bắt lộn, đáng Iẽ mình là con trai chứ không phải con gái. Có lẽ như thế thật. Mình không ưa cái kiểu quanh co sướt mướt của mấy anh trai Việt ở đây. Sự đời đã rắc rối rồi, muốn gì cứ nói thẳng ra cho được việc. Mình thích Dale ở chỗ đó. Có nhiều chuyện nếu xảy ra cho người Việt mình thì rối rắm lần lữa, cân nhắc thế này, bàn cãi thế nọ. Lôi thôi lắm. Người Mỹ họ làm được là làm liền.
Diễm cười, hỏi:
- Mày bị làm gì chưa?
Quỳnh Như hằng ca tụng tính tháo vát của Dale, mãi tới lúc thấy cách cười của Diễm khác thường, mới hiểu. Quỳnh Như đập vào vai bạn, nói:
- Mày chuyên môn xuyên tạc, kể cả chuyện mày đang nghĩ…
- Tao có nghĩ gì đâu!
- Thôi đừng chối. Kể cả chuyện đó, tao cũng nói thẳng với Dale. Tao nói tao cũng thích lắm, nhưng quan niệm của người Việt là thế này, thế này. Dale bảo ở Mỹ nhiều gia đình vẫn giữ quan niệm như vậy, dù có cuộc cách mạng tình dục từ đầu thập niên 60 này. Thế là hai đứa tao sòng phẳng với nhau. Làm sao mày có thể nói được tự nhiên những điều đó với một người con trai Việt. Họ sẽ chê mày là người giả dối, hoặc là người sỗ sàng.
- Quỳnh Như đã đưa cho ông Dale xem thư này chưa?
Quỳnh Như buồn rầu đáp:
- Chưa!
Diễm bật cười, nói:
- Mày chỉ được cái hùng hổ ngoài miệng.
° ° °
Chỉ còn ba ngày nữa Diễm về nhà chồng. Mọi việc cứ tuần tự đến, như một bộ máy điều hòa đã vận chuyển trơn tru từ đời này sang đời khác, bất chấp mọi đổi thay của thời cuộc. Ông Toàn đã cho người đến giúp ông bà Bỗng dọn dẹp lại vườn tược, cắt hàng rào dâm bụt hai bên con đường đất dẫn vào nhà cho ngay ngắn. Bằng tôn cũ dỡ ra từ những căn nhà đổ ông mua lại, từ những mảnh ván ép và gỗ thông ông đấu thầu được với giá rẻ từ các doanh trại quân đội, ông cho thợ dựng một cái chái khá rộng trước nhà để đủ chỗ đãi khách khứa hai họ. Ông Toàn viện cớ sức khoẻ của bà không được tốt, nên không tổ chức lễ cưới rình rang bên nhà trai. Ông muốn đãi khách của hai họ tại nhà gái, cô dâu chú rể ra mắt thân nhân bè bạn ở nhà gái, sau lễ rước dâu, bên trai chỉ lập một bữa cỗ nhỏ cúng ông bà để đôi vợ chồng mới làm lễ gia tiên. Thế thôi!
Ông Bỗng đủ khôn ngoan để hiểu rằng bên nhà trai không có gì để khoe khoang với họ hàng trong cuộc hôn nhân này, nên quyết định như vậy. Ông căm lắm, càng căm càng tỏ ra bất cần, chẳng thèm phụ giúp hai mẹ con Diễm việc gì cả. Thợ thầy đến sửa rào, dựng chái, quét vườn, căng màn, ông giả vờ như không phải họ đến giúp ông. Ông không bắt chuyện với họ, không góp ý, không ân cần chào hỏi.
Ngọc ở Sài gòn về thấy thái độ khác thường của cha, tự thấy áy náy, xăn tay lăng xăng giúp những người làm công cho ông Toàn. Thật ra Ngọc chỉ làm thợ vịn, không làm được cái gì rõ ràng, cụ thể. Nhưng cố gắng tỏ lòng hợp tác của Ngọc vớt vát được phần nào thái độ lạnh lẽo của cha.
Suốt thời gian ấy, chiều nào Quỳnh Như cũng về nhà Diễm. Họ như hai người sắp bước vào một khúc quanh bất trắc, nên dựa vào nhau hưởng vội những ngày hồn nhiên còn lại. Diễm cứ bám lấy Quỳnh Như, đi đâu cũng rủ Quỳnh Như đi theo. Ông Mân đến nhà cô dâu thấy có Quỳnh Như cũng cố biểu diễn sự lịch duyệt, am tường mọi vấn đề, biểu diễn quá cái mức cần thiết. Mân không cần làm việc đó với Diễm. Với Quỳnh Như, Mân cứ áy náy sợ cô gái từng sống cuộc đời đầy đủ tiện nghi và quảng giao ấy chê mình cả quỷnh, nhà quê. Mân tìm dịp tỏ ra mình thông thạo cuộc sống trưởng giả, rượu nào là rượu ngon, nước hoa nào là nước hoa đắt tiền, thời trang phụ nữ nào đang được thịnh hành ở Paris. Bản nhạc pop nào đang ăn khách ở New York, Los Angeles. Diễm vừa ngượng vừa ghen với bạn vì các màn biểu diễn của Mân. Cho nên mỗi lần Mân lái chiếc xe Jeep dân sự đến đầu ngõ hẻm bóp còi thông báo trước, rồi đóng bộ lịch sự vào nhà đưa Diễm đi mua sắm vài thứ cần, Diễm đều đẩy việc về cho Ngọc. Diễm sợ Quỳnh Như xem thường chồng mình mà cũng sợ Mân âm thầm so sánh mình với bạn.
Quỳnh Như không lưu ý thái độ khác thường của Mân, nên Mân và Ngọc đi rồi, cười bảo Diễm:
- Trông ông Mân của Diễm có vẻ hí hửng lắm!
Diễm im lặng không nói gì. Quỳnh Như tưởng Diễm ngượng, nói tiếp:
- Ông Mân là típ người dễ thích nghi, có óc hoạt động, tháo vát, không mơ mộng quẩn quanh như mấy ông nghệ sĩ, nên phải là một người chồng tốt.
Diễm cáu, hỏi bạn:
- Sao tự nhiên mày khen ông Mân chầm chặp thế?
Quỳnh Như cười, nói tỉnh:
- Ông ấy đáng khen thì khen. Mày chọn, thì nhất định là chọn sáng suốt. Chẳng lẽ…
Giọng Diễm bực tức hơn trước:
- Chẳng lẽ thế nào?
- Thôi bỏ qua chuyện đó đi!
- Sao lại bỏ qua, xưa nay mày có giấu tao cái gì đâu. Sao bây giờ…
Cách xưng hô “mày tao” thân mật trong những lúc tâm sự gần gũi nhất giữa hai người bạn gái, giờ đây qua giọng nói của Diễm, đã không còn như trước nữa. Quỳnh Nhu bắt đầu cảm thấy có gì bất ổn. Quỳnh Như nhìn quanh, rồi hạ giọng bảo:
- Chẳng lẽ Diễm bằng lòng lấy anh Ngữ. Quỳnh Như vừa muốn hỏi câu đó.
Diễm thấy mình giận bạn vô cớ, nét mặt dịu lại. Quỳnh Như lắc đầu nhẹ, giọng trêu chọc cốt để làm hòa:
- Tính khí mày mấy hôm nay mưa nắng thất thường, không biết đâu mà lần. Nhưng tao đã tìm ra được phong-vũ-biểu để dự đoán thời tiết rồi. Mày chợt đổ cơn mưa hay đột ngột chói nắng, tao đoàn được hết.
Cách pha trò ỡm ờ của Quỳnh Như làm cho Diễm tò mò. Diễm hỏi:
- Mày nói gì tao không hiểu gì cả!
Quỳnh Như chớp mắt vì cảm động, nhìn bạn nói nhỏ:
- Mỗi lần tao nhắc đến anh Ngữ là mày chùng lại.
Diễm đỏ mặt nói:
- Tầm bậy!
- Tao thương mày vì vậy. Nhưng tao cũng mong mày được hạnh phúc.
Diễm mím môi suy nghĩ, không nói gì. Một lúc sau, Diễm nói:
- Mình cũng mong như thế. Nếu không may mắn cũng cam chịu, vì chính mình quyết định lấy anh Mân. Nhìn cảnh vợ chồng ba mạ mình, mình ớn quá rồi!
Quỳnh Như nắm tay bạn:
- Tao hiểu mày. Làm thân con gái, chán dễ sợ. Tao cũng không biết chuyện của tao ra sao nữa!
- Chừng nào ông Dale phải hồi hương?
- Tháng sau. Nếu thầy me tao chấp thuận, thì đã lo đính hôn trước khi anh ấy về Mỹ để anh ấy làm giấy tờ.
Diễm lo lắng hỏi:
- Còn bây giờ?
- Dale được tao dịch lá thư cho nghe, bảo sẽ tìm cách trở lại Việt nam ngay. Chắc anh ấy được hãng UPI thuê làm phóng viên.
- Còn nếu không qua?
Quỳnh Như vội nói:
- Sao lại không?
- Mày tin lòng ông Dale quá vậy?
- Không phải chỉ là tin. Đó là sự thực.
- Nếu ông ấy trở lại Việt nam nhưng thầy me mày vẫn không đổi ý, thì mày làm gì?
Quỳnh Như mất hẳn vẻ tự tín. Nàng thở dài, nói gượng:
- Chắc ít lâu nữa thầy me tao sẽ đổi ý.
° ° °
Đêm ấy là đêm cuối cùng Diễm còn ở nhà cha mẹ.
Mọi chuẩn bị cho ngày cưới đã xong xuôi, Bà Bỗng đi một vòng kiểm soát lại lần chót mọi thứ, rồi gọi riêng Diễm ra sân trước. Thấy mẹ sai vào nhà đem ra hai cái ghế đẩu, Diễm biết mẹ sắp nói điều gì quan trọng lắm. Nàng thấy càng gần đến ngày cưới, nét mặt mẹ càng thêm thẫn thờ, buồn rầu. Không cần nghĩ sâu xa, Diễm cũng biết mẹ có quá nhiều nỗi lo. Đời sống bấp bênh, con gái đi lấy chồng, trong nhà chỉ còn hai vợ chồng già. Ông chồng lại bất đắc chí nóng giận thất thường, bà Bỗng biết những ngày còn lại, không có Diễm, sẽ là những ngày đau khổ nhất của đời bà.
Diễm ái ngại cho mẹ, nên mỗi khi thấy mẹ ngồi một mình im lặng ngó mông ra ngoài vườn, Diễm thường đến bên cạnh mẹ vỗ về an ủi:
- Mạ đừng lo. Con sẽ về đây luôn để thăm ba mạ. Con và anh Mân không để cho ba mạ khổ đâu. Dù ở đây hay về Sài gòn, con với anh Mân cũng sẽ đem ba mạ đi theo.
Những lúc con gái hứa hẹn, bà Bỗng cảm động, và thường bắt đầu sụt sịt khóc. Bà hối hận là từ lúc lấy chồng đến lúc về già không chịu lăn lưng ra đời buôn bán như hồi chưa lấy chồng, để đến nỗi lúc hoạn nạn, chồng mất việc, trở thành vụng về lúng túng, thắc thỏm lo gạo cho từng bữa. Bà tin ở lời hứa của con gái, nhưng vẫn lo, vì chưa biết có tin được rể và gia đình ông Toàn hay không. Chính bà, từ hồi lấy ông Bỗng, bà cũng ít đi lại thăm viếng gia đình mình, nhất là từ lúc người mẹ góa của bà mất đi, và bà sinh được đứa con trai đầu lòng. Liệu bây giờ Diễm sẽ cưu mang giúp đỡ được ba mạ trong bao lâu? Và họ hàng nhà chồng, hay chính Mân có vui lòng cho phép Diễm làm việc trả hiếu ấy không! Trước đây, bà còn một chút hy vọng ở đứa con trai ngoan của mình: hy vọng ở Ngọc. Nhưng Ngọc về dự đám cưới em gái cho bà thấy hy vọng ấy chỉ là hão huyền. Ngọc đi kèm trẻ chỉ đủ tiền tự túc ăn ở và mua sách. Nếu ông bà Bỗng có muốn vào Sài gòn, Ngọc cũng không có cách nào để chu cấp giúp đỡ cho cha mẹ được.
Diễm thấy mẹ bảo đặt ghế vào bóng tối dưới gốc cây ổi hơi xa căn nhà, đoán biết mẹ muốn nói chuyện riêng với mình, không muốn cho Quỳnh Như lúc đó đang ở trong bếp nghe thấy.
Diễm chờ mẹ mở lời, nhưng hồi lâu vẫn chưa thấy bà Bỗng nói gì. Bà nhìn đăm đăm vào bóng đêm. Diễm nghe mẹ thở dài. Nàng nắm tay mẹ, khẩn khoản nói:
- Mạ đừng buồn. Con không xa mạ đâu! Con sẽ về thăm mạ hàng ngày.
Bà Bỗng bóp nhẹ bàn tay lạnh của con, hỏi:
- Con có lạnh thì vào lấy cái áo ấm mặc vào, không lại đau!
- Không đâu mạ! Con vào lấy áo cho mạ nghe!
- Thôi! Mạ không lạnh. Diễm, mạ lo quá.
- Con đã nói nhiều lần là mạ đừng lo gì cả. Con đi lấy chồng nhưng chẳng khác gì con còn ở với ba mạ.
- Không. Mạ lo cho con!
Diễm ngạc nhiên:
- Con có gì đáng cho mạ lo đâu!
Bà Bỗng im lặng hồi lâu, rồi bảo con:
- Mạ ít kể chuyện của ba mạ hồi mới gặp nhau cho các con nghe, vì thật ra cũng không có gì để kể. Mạ đi buôn cau và các thứ khác bằng đường tàu hỏa, nên mạ gặp ba. Rồi về sống với ba. Mạ sinh con ở căn nhà trên ga, từ nhỏ tới hồi Tết con vẫn ở đó, không biết họ hàng bên nội bên ngoại có ai cả. Quê mạ ở Đồng hới, mạ lại không liên lạc gì với gia đình bên mạ từ hồi sinh anh Ngô của con nên con không biết. Làng ngoại cách Đồng hới hơi xa, hồi trước đi xe lửa tới ga Đồng hới phải lấy xe ngựa đi về chợ, rồi từ chợ đi bộ hai ba giờ nữa mới tới. Ngoại nghèo lắm, mạ lên 13, 14 phải ra chợ đi buôn rau quả, rồi theo xe ngựa lên ga Đồng hới, lớn chút nữa dạn đường lại lên tàu hỏa buôn hàng chuyến vào tận Huế, cửa Hàn. Bên nội con cũng ở vùng Đồng hới, nhưng gần ga hơn. Và giàu có hơn. Ba con được gửi vào Huế học ở Pellerin cũng nhờ nhà giàu. Mạ lấy ba con, bên nội không bằng lòng. Nội không cho mạ theo ba con sống ở ga Vinh, bắt phải hầu hạ mẹ chồng một năm. Cảnh lấy chồng nhà giàu có hơn mình, mạ trải qua rồi, khổ lắm con ơi! Nhà nội con ruộng nương nhiều, tá điền người làm công lên cả trăm. Lo nấu ăn cho người làm, cho các chú các bác, cho khách khứa, cho các anh các chị, mọi việc đều do mạ cả.
Dọn bữa cho mọi người rồi, dọn dẹp xong xuôi hết, mạ mới được ngồi ăn với mấy chị vú, chị ở. Còn gì ăn nấy. Có bữa hết cơm, có bữa hết mắm. Cái gì nội cũng la rầy mạ. Nấu cơm khô một chút thì bị nói mỉa là ăn xong răng gãy hết. Nấu nhão một chút bị rầy là đem gạo đi nấu cháo. Bữa cơm nào mạ cũng phải ngồi cầm đũa bếp xới cơm cho cả nhà. Ban đầu mạ vụng tính, ngay thật, cả nhà ăn hết cơm, mạ phải nhịn đói. Về sau mạ vờ quấy đũa bếp vào cái nồi đồng bảo là hết cơm rồi, các chú các bác thôi ăn, mạ mới còn chút cơm cháy dính kẹt ở hông nồi.
Mạ thoát được cảnh làm dâu nhà nội cũng nhờ liều lĩnh, lấy cớ đi thăm ba rồi ở luôn trên ga Vinh không chịu về nữa. Bên nội từ mạ, nhưng mạ không cần. Mạ sinh anh Ngô con, cháu đích tôn của dòng họ mà bà nội cũng không hề thăm viếng, hay gửi lời nhắn thăm một tiếng. Càng nghĩ đến cái năm làm dâu đó, mạ càng lo cho con. Mạ mừng là con chịu lấy anh Mân, nhưng cũng lo.
Diễm rưng rưng cảm động ôm lấy vai bà Bỗng, dịu dàng vỗ về bà:
- Hồi trước khác bây giờ khác, mạ ạ! Con ra trường, có nghề nghiệp, nhà anh Mân tử tế thì con đi lại, không tử tế thì con “từ” họ, chứ không đợi cho họ “từ” con đâu! Nếu anh Mân bênh gia đình không chịu nghe lời con, thì con về đây sống với ba mạ. Con có lương của con, tuy không nhiều nhưng cũng đủ nuôi thân con, và chu cấp cho ba mạ. Mạ biết không, anh Mân mới ngỏ ý nhờ con chăm sóc bà cụ trong thời gian chờ bổ dụng, con gạt ngay. Con hỏi thẳng là anh ấy còn ý định đưa con vào Sài gòn sống với ảnh hay không, còn ba mạ thì tính sao. Nếu chưa tính được chuyện đó, thì để cho con sống với ba mạ. Bà cụ bên đó lâu nay đã có kẻ hầu người hạ, họ quen tay lại quen tính bà cụ, hãy để cho họ lo, đừng cho họ nghỉ việc.
Bà Bỗng lo lắng hỏi:
- Rồi anh Mân nói gì?
- Anh ấy bối rối. Hôm anh ấy từ Sài gòn ra, con bảo nếu chưa dứt khoát, hãy hoãn làm đám cưới lại, chưa cần vội. Không biết anh ấy thưa chuyện với ông bà cụ thế nào mà hôm sau, anh ấy bảo việc đó xong xuôi rồi.
- Mạ tin là con cứng cỏi hơn mạ, đời con sẽ bớt vất vả. Mạ mong con may mắn hơn mạ… Con có rủi ro gì, mạ ân hận cả đời.
- Không đâu mạ! Mạ có thúc, có khuyên con lấy anh Mân, nhưng chính tự con quyết định lấy chứ không phải do mạ đâu! Mạ đừng áy náy chuyện đó.
Bà Bỗng chưa tin, hỏi lại:
- Con nói thật không. Có thật vì con thương người ta nên lấy người ta không?
Diễm do dự một lúc, nhưng thấy đôi mắt bà Bỗng có vẻ khẩn khoản chờ đợi, nên vội nói:
- Nếu không yêu anh Mân, Trời cũng không ép được con lấy chồng. Tính con cứng đầu cứng cổ, mạ biết rồi.
Bà Bỗng mừng rỡ, giọng nói líu ríu vì vui:
- Thế sao trước đây lúc nào con cũng vùng vằng trở chứng khi Mân nó tới đón con đi công chuyện vậy? Con gái thời nay, mạ chịu, không hiểu được.
Bà Bỗng liếc nhanh về phía nhà bếp, hạ thấp giọng xuống:
- Mà còn đỡ, con ngủng ngoẳng một thời gian rồi đâu cũng vào đó, chọn yên phận ở chỗ đàng hoàng. Chớ như ông bà Thanh Tuyến… Mạ chẳng hiểu làm sao con Như nó dám đòi lấy chồng Mỹ.
Diễm kinh ngạc:
- Sao mạ biết chuyện đó?
- Ở Huế thì chuyện gì mà thiên hạ không biết. Thằng Ngọc mới về hôm trước, hôm sau ra chợ An Cựu uống cà phê gặp bạn cũ là đã nghe chuyện con Như rồi! Nhà bác Thanh Tuyến kể cũng xui. Mấy năm liên tiếp gặp toàn chuyện không may. Nghề buôn bán nó vậy!
Rồi đột ngột bà Bỗng hỏi:
- Lâu nay Ngữ nó có còn viết thư cho con không?
Diễm giật mình, bối rối nhìn mẹ. Nàng hỏi:
- Sao mạ hỏi thế?
Bà Bỗng nói:
- Mạ chỉ hỏi cho biết thế thôi. Con kịp nghĩ lại, là mạ mừng.
- Nhưng sao mạ biết anh Ngữ có viết thư cho con?
Giọng bà Bỗng có vẻ đắc thắng:
- Cứ thấy mỗi lần con Quế lên, hai chị em rù rì cả giờ với nhau, mạ hiểu. Ngày thường con đâu có ưa con Quế.
Diễm mừng rỡ, vì cứ tưởng mạ đã biết đến những lá thư Quỳnh Như vừa trao cho nàng hai hôm trước. Lòng Diễm chợt đau nhói. Tiếng lá xì xào trong vườn che lấp mất tiếng Diễm thở dài. Nhờ thế, bà Bỗng có được một giấc ngủ yên đêm ấy!
° ° °
Quỳnh Như chờ bạn hơi lâu vẫn chưa thấy vào, nên đi ngủ trước. Diễm vén màn thấy bạn đã nhắm mắt, tưởng Quỳnh Như đã ngủ, sẽ sẽ thay quần áo để khỏi đánh thức bạn dậy. Có tiếng Quỳnh Như cười khẽ sau lưng Diễm, rồi giọng Quỳnh Như nói nhỏ vừa đủ cho Diễm nghe:
- Tao đang tưởng tượng tao là chàng rể tốt số đêm mai đây!
Lúc đó Diễm chưa mặc lại bộ đồ ngủ may bằng lụa lèo, nên ngượng, lấy cái áo ngủ che phần dưới thân thể. Tiếng Quỳnh Như cười rúc rích dưới tấm chăn trùm lấp mặt. Diễm khoác vội cái áo, mặc quần, rồi đến nằm cạnh bạn. Quỳnh Như hất tấm chăn khỏi mặt, quay về phía Diễm nói:
- Tao được nhìn trộm mày thoát y, thấy anh chàng Mân thật có phúc. Ông ấy chịu đựng cho mày làm-tình-làm-tội bao nhiêu lâu nay, cũng xứng công.
Diễm cấu vào vai bạn, nói:
- Mày nói xỏ xiên, phải không?
- Ơ hơ, có gì xiên xẹo trong đó đâu.
- Mày nhắc lại từng chữ câu mày vừa nói đi, con quỉ!
Thấy bạn vui vẻ đùa cợt, Quỳnh Như đoán cuộc tâm sự của hai mẹ con không có gì bi đát, đáng lo. Nàng cố ý tìm cách đùa cợt cho bạn vui trọn đêm còn lại.
- Ngày mai thành tem đóng dấu rồi! Mày sợ không?
Diễm không trả lời ngay, vì chợt nhớ đến đêm ái ân với Ngữ,
Quỳnh Như tưởng bạn ngượng, trêu thêm:
- Mày rán ngủ đi, đêm mai không ngủ được đâu!
Diễm nói bạo cố lấp nỗi bối rối vì hồi tưởng:
- Chắc chắn vậy rồi. Ông ấy đâu cho phép mình ngủ!
Quỳnh Như tò mò nhắc lại câu hỏi:
- Mày sợ không?
- Mày quên là tao học nữ hộ sinh sao Như? Tao phải biết là vì sao phụ nữ mang thai rồi sinh con đẻ cái chứ!
- Biết rõ không?
Diễm cười, đáp bừa:
- Rõ lắm.
Rồi biết thế nào bạn cũng tò mò căn vặn, Diễm nói tránh sang hướng khác:
- Tao đi thực tập, gặp nhiều bà lạ lắm. Có bà cứ nằng nặc đòi phải cho phép ông chồng vào bên bàn đẻ, làm như phải bắt được tay vây được cánh kẻ làm nên bao nhiêu đau đớn mới yên tâm.
- Đau đớn lắm sao?
- Không. Tao nói là nói chuyện sinh đẻ kia!
- Mày “biết” rồi hay sao mà bảo chỉ sinh con mới đau đớn!
- Con quỷ này nữa! Trước sau gì rồi cũng đến phiên mày, tò mò làm gì! Tao nói tới đâu rồi? À, chuyện các bà đi sinh con. Có bà vừa rặn vừa ỉ ôi than: Anh ôi là anh ôi! Em đã bảo đừng, anh ham hố làm chi cho em khổ cực vậy anh! Mấy chị ở thôn quê phần nhiều cắn răng chịu đau không than thở gì. Nhưng đôi lúc cũng có chị đào mồ cuốc mả dòng họ ba đời ông chồng lên mà chửi. Làm như chỉ có tác giả là tội phạm, mình vô can.
Quỳnh Như cảm thấy sợ, giọng nói mất hẳn vẻ đùa cợt:
- Mày đi hộ sinh chứng kiến bao nhiêu cảnh ấy mà còn dám lấy chồng, tao phục thật! Đàn ông họ sướng nhỉ!
- Mày còn liều lĩnh hơn bọn tao nhiều.
Quỳnh Như nằm im không nói gì, biết Diễm nhắc tới chuyện Dale. Tuy hoang mang, nhưng Quỳnh Như vẫn thấy đây là một cuộc phiêu lưu đáng giá.
Bèo Giạt Bèo Giạt - Nguyễn Mộng Giác Bèo Giạt