A dirty book is rarely dusty.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: tongkimlinh
Số chương: 50
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1784 / 34
Cập nhật: 2015-08-19 10:45:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
uốt thời gian đãi lệnh ở Tổng Quản trị Trung ương, Ngữ ở tạm nhà ông bà Thanh Tuyến. Chàng mừng thấy việc buôn bán trà và cà phê của ông bà có vẻ phát triển tốt đẹp.
Căn phố hẹp và sâu trên đường Lý Thái Tổ, từ ngoài mà nhìn, vẫn không khác trước. Hai cánh cửa sắt vẫn giữ màu hoen rỉ phù hợp với cả khu phố buôn bán nhỏ dành cho dân lao động nhà nghèo kéo dài từ Ngả Bảy đến đường Trần Quốc Toản. Nhưng vào bên trong, mới thấy sự thay đổi. Phần dành trưng bày hàng nới rộng thêm, dãy kệ gỗ bày các hộp trà và cà phê xếp đặt ngay ngắn thành một hàng dài lấp cả hai mảng tường. Tủ kính bày trà và cà phê mẫu cũng thay mới, mặt kính trong suốt, dày dặn, y như loại tủ kính bày nước hoa mỹ phẩm ở các hiệu y phục nữ trang trên thương xá Nguyễn Huệ.
Bà Thanh Tuyến ngồi đàng sau quầy thâu tiền bằng gỗ tạp dán mica vân xám, nét mặt đã mất vẻ đăm chiêu lo lắng. Bà mừng rỡ khi thấy Ngữ bước vào:
- Cháu Ngữ hả! Má dọn vào Qui nhơn bình yên chứ cháu?
Không để cho Ngữ trả lời, bà tiếp:
- Quỳnh Như nó về đây kể cảnh dọn nhà, bác phát khóc. Trời sinh giặc làm chi cho khổ vậy trời! Nhà nào cũng lưu tán. Gia đình nào cũng tan nát. Bác vào đây, tưởng nhà cháu bình yên ở lại được Huế. Ai ngờ…
Bà cảm động, giọng bắt đầu run. Rồi rơm rớm nước mắt. Ngữ đáp:
- Má cháu vẫn bình yên. Nhờ con Quế, nay việc sinh sống cũng tàm tạm.
Máu buôn bán của bà Thanh Tuyến nổi dậy. Bà vồ vập hỏi, gần như reo vui:
- Thế hả? Quế nó buôn thứ gì vậy cháu? Ô, mà cháu để cái xách tay ngồi xuống đó đi đã! Nghe nói ngoài đó làm ăn dễ lắm phải không cháu?
Ngữ bối rối thú nhận:
- Cháu cũng chẳng biết nữa. Quế nó sang một sạp bán đồ Mỹ dưới chợ.
Mắt bà Thanh Tuyến sáng lên:
- Ờ, ngoài đó Mỹ nhiều không thua Đà nẵng, mà người buôn bán còn ít. Dễ làm giàu lắm. Bác cũng có vài người quen định đem vốn ra đó làm ăn. Cháu cho bác địa chỉ, để bác gửi thư cho con Quế… ờ… ờ để bác gửi lời thăm má cháu!
Có tiếng ông Thanh Tuyến gọi từ phòng trong. Ngữ chờ cho bà Thanh Tuyến đáp lớn:
- Vâng, tôi vào đây!
Xong rồi mới hỏi nhỏ:
- Bác trai vẫn khỏe?
- Ờ, khá hơn trước. Cháu vào nói chuyện với bác trai đi. Mình ơi, có cháu Ngữ tới thăm. Đi! Xách luôn cái xách tay. Để đây kẻ vô người ra, họ lấy mất. Ăn cắp như rươi, chán lắm.
° ° °
Quả thật ông Thanh Tuyến khá hơn thời ở Huế nhiều. Miệng ông đã bớt méo, tự ngồi dậy, tự đi lại trong phòng, khỏi cần người dắt. Ông mặc một bộ pyjama màu nâu nhạt, đầu tóc chải gọn, không có vẻ gì là người tàn phế, bệnh hoạn. Biết có Ngữ đến ông đã ngồi dậy ở mép giường từ lúc nào, và khi Ngữ theo bà Thanh Tuyến tới cửa phòng, ông bước tới bắt tay Ngữ. Bước chậm dáng đi hơi xiêu xiêu, dấu hiệu duy nhất còn lại của tai nạn đã qua.
Ông bảo vợ đi mua cho ông tờ nhật báo. Bà Thanh Tuyến nhỏ nhẹ nhắc là Quỳnh Trang chưa về, không có ai trông hàng. Ông cười bảo thôi lúc nào mua cũng được, vì đã dặn sẵn sạp báo để dành tờ Chính Luận cho ông. Bà Thanh Tuyến trở ra ngoài. Ông Thanh Tuyến nắm vai Ngữ nhìn chằm chặp một lúc, ánh nhìn thân ái. Ông bảo:
- Ngữ không khác nhiều. Huế độ rày ra sao?
Ngữ nhìn quanh tìm một chỗ ngồi thích hợp. Ông Thanh Tuyến hiểu ý, trỏ ngay cái giường phủ drap trắng của ông, giọng thân mật như hai người bạn đồng trang lửa tâm tình:
- Lại ngồi ở cái giường của mình nói chuyện đi.
Ông vịn vào vai Ngữ bước chậm. Tay ông tì mạnh lên vai Ngữ. Ngữ thấy ông chưa hồi phục nhiều như mình tưởng. Vừa dìu ông Thanh Tuyến đi, Ngữ vừa đáp:
- Buồn lắm, điêu tàn lắm bác ạ! Người ta chưa hoàn hồn, hay là chưa có tiền để sửa sang lại nhà cửa. Phố xá sập nát thì vẫn còn là đống gạch vụn. Người ta chỉ vun quén lại, đắp điếm chút đỉnh để trú mưa nắng. Việc phải lo trước hết là cải táng cho thân nhân.
- Mộ ba cháu đã xong xuôi chưa?
- Thưa xong rồi ạl Má cháu và anh em cháu có lên lạy ba xin đi.
Ông Thanh Tuyến im lặng thật lâu, rồi mới nói:
- Bác có nghe kể hết mọi chuyện. Bác không biết nói sao nữa! Đằng nào gia đình bác cũng có một phần trách nhiệm.
Ngữ không ngờ ông Thanh Tuyến nghĩ xa như vậy, lặng người không biết phải xử trí ra sao. Cuối cùng, chàng tìm được một cách nói:
- Nói tới trách nhiệm thì ai cũng gánh lấy một phần trách nhiệm cả, bác ạ! Thảm họa không phải tự nhiên mà có, cũng không phải là do một người gây ra. Sau khi tìm được xác ba cháu, nhìn đâu cháu cũng thấy quỉ cả. May mà dần dần cháu tìm ra cái ý cháu vừa thưa với bác.
Ông Thanh Tuyến tươi vui hẳn lên, như Ngữ vừa gỡ cho ông một thứ gông cùm vô hình nhưng khủng khiếp, khắc nghiệt. Lưỡi ông líu lại vì mừng:
- Lâu lắm bác mới nghe được một lời… một lời…
Ông không tìm ra được chữ thích hợp. Ông ngượng nghịu vì ăn nói không trôi chảy trước một người đáng tuổi con ông, lặp đi lặp lại hai tiếng “một lời…” mãi, tay nắm chặt lấy tay Ngữ. Rồi ông xổ hết bao nhiêu ấm ức lâu nay không thể nói với ai.
Ông giữ riệt lấy Ngữ để Ngữ nghe ông nói, sợ Ngữ ra về. Cho nên khi Ngữ ngỏ ý xin ở tạm trong thời gian chờ Tổng Tham mưu phân phối đi đơn vị mới, ông mừng quá. Ông bám lấy Ngữ như người chết đuối bám lấy phao. Ngữ ngầm hãnh diện, nhưng cũng không khỏi cảm thấy vướng víu. Quỳnh Trang giúp Ngữ tránh được tâm trạng hàm hồ mâu thuẫn ấy!
° ° °
Quỳnh Trang mặc bộ đồ lụa màu vàng nhạt có in những đóa hoa cúc nhỏ màu tím, ống tay áo cắt cao lưng chừng dưới cùi chỏ, để lộ đôi cườm tay mập trắng. Lúc đặt gói cà phê chưa xay lên cái cân bàn, đầu hơi cúi xuống nhìn cây kim chỉ trọng lượng, cổ áo khoét rộng để lộ thêm một khoảng ức đầy. Ngữ tránh cám dỗ ngẫu nhiên bằng cách nhìn đôi tay Quỳnh Trang thoăn thoắt xếp miệng gói giấy, giăng rộng sợi dây thun rồi chúm năm đầu ngón tay lại cho sợi cao su cuốn chặt bao cà phê. Tiếng sợi dây thun đập vào chu vi gói giấy nghe “tách” một cái, như reo vui.
Những sợi lông măng mầu hung càng làm cho da cườm tay Quỳnh Trang trắng hơn. Ngữ chỉ hơi tiếc là mấy ngón tay Quỳnh Trang hơi thô, không thuôn nhỏ như búp măng. Chợt ngước lên thấy Ngữ đang nhìn bàn tay mình, Quỳnh Trang vội thu tay về, cầm gói cà phê đưa cho khách. Cậu bé mua hàng nói:
- Ghi sổ giùm em nghe chị Trang.
rồi vội vã ra về. Ngữ hỏi:
- Khách quen hay sao mà Trang cho mua chịu?
Quỳnh Trang cười giải thích:
- Nhờ vậy mà em bán được nhiều cà phê hơn tiệm bên cạnh, anh ạ! Tiêu thụ nhiều cà phê nhất là các tiệm cà phê bít tất ở vỉa hè, bến xe. Họ ít vốn, chỉ đủ tiền sắm vài cái bàn gỗ, ghế gỗ. Mua thêm cái lò than, cái ấm, vài chục ly nhựa. Nặng nhất là tiền cà phê. Họ mua chịu bán hôm trước, hôm sau đem tiền tới trả, rồi mua chịu tiếp. Anh trông đấy, toàn tiền lẻ.
Quỳnh Trang đưa cho Ngữ xem một xấp tiền lẻ nhàu nhò đượm mồ hôi cột qua quít bằng một sợi cao su. Ngữ hỏi:
- Của thằng bé lúc nãy à?
- Không. Nó xin nợ thêm một ngày. Của chị Thập bến xe taxi dưới Ngã Bảy.
Quỳnh Trang quay lưng về phía Ngữ, ngửng đầu luồn hai tay nắm chuôi tóc sau ót cột lại cho gọn bằng sợi dây cao su. Mái tóc vén gọn hơn, khuôn mặt Quỳnh Trang thêm dày dặn. Khí hậu bắt đầu nóng bức nên mồ hôi đọng thành những hạt nhỏ trên môi trên Quỳnh Trang. Cô gái tiện tay nắm một chéo ống tay áo ướm nhẹ lên môi và trán mình. Quỳnh Trang hỏi Ngữ:
- Hôm nay anh có phải lên trình diện trên đó không?
- Khỏi! Tôi chờ thằng Lãng đến chở đi thăm loanh quanh các tòa báo. Nó hẹn chín giờ. Chắc tới trễ.
Quỳnh Trang vui vẻ nói:
- Ông tướng ấy lâu lâu ghé lại đây, kéo theo mấy ông bạn dữ dằn, làm me em tưởng ai. Có bữa tối mịt còn gõ cửa mua cà phê. Lãng chỉ lấy cớ thế thôi, chứ thì giờ đâu mà pha. Lúc nào đến cũng có những câu chuyện hấp dẫn làm quà cả. Chuyện đánh nhau ấy mà! Lãng nó cứ đùa cợt, nhưng lũ bạn tưởng như thật…
Ngữ không hiểu vì sao tự nhiên Quỳnh Trang đỏ mặt lên, mỉm môi như dè dặt lựa từng tiếng. Quỳnh Trang chợt hỏi:
- Còn rảnh, anh có định về Huế ăn đám cưới của Diễm không?
Ngữ sững người, trân trối nhìn Quỳnh Trang. Cô gái tránh không nhìn Ngữ, quay lại thu dọn đống dây cao su cho vào cái túi ni lông. Ngữ cố trấn tĩnh hỏi:
- Chừng nào Diễm lấy chồng? Ai thế?
Quỳnh Trang ngước lên nhìn Ngữ giọng bình thường:
- Vẫn cái ông Mân ấy! Đeo đuổi mấy năm nay, cuối cùng Diễm nó phải xiêu lòng. Diễm không gửi thiệp báo hỉ cho anh à?
Ngữ cố làm tỉnh, đáp:
- Chắc bác Bỗng tưởng tôi còn ở Pleiku. Hôm nào?
- Em mới nhận thiệp hôm kia, nhưng đã biết tin trước. Quỳnh Như về thăm nhà đã cho em hay.
Thấy Quỳnh Trang hiểu lầm câu hỏi, Ngữ vội nói:
- Không. Hôm nào thì đám cưới?
- Hai mươi lăm tây tháng này. Mồng Tám ta. Thầy me em đã gửi mandat ra cho Quỳnh Như, bảo nó mua quà mừng ngoài đó cho tiện.
Ngữ giả vờ nhìn đồng hồ, rồi nói:
- Sao giờ này thằng Lãng chưa tới! Hay tôi đi mua thuốc lá rồi đứng chờ nó ở đầu đường luôn cho tiện. Bác gái đâu rồi Trang?
- Me em mới đi đâu đó. Có việc gì cần không, anh?
- Nhờ Trang thưa với bác là tối nay chắc tôi về muộn. Đừng chờ cơm.
Thấy Quỳnh Trang đăm đăm nhìn mình dò xét, Ngữ nói:
- Gặp mấy ông bạn văn nghệ văn gừng thì thế nào cũng có mục bù khú nhậu nhẹt. Tôi đi, Trang nhé!
Nói xong, Ngữ vội bước ra cửa. Vội vã như muốn trốn cái gì!
° ° °
Ngữ quên bẵng là mình có hẹn với Lãng. Chàng cứ bước tới trước, không hề biết mình đi đâu. Cảnh vật chung quanh nhòe đi, như nhìn qua một tấm kính xe hơi chạy giữa mưa mà lại thiếu cái gạt nước. Chàng theo lề đường mà bước, và chỉ tới lúc nghe nhiều tiếng còi xe hơi inh ỏi tức giận, chàng mới biết mình đang băng qua đường. Trước mặt là trạm xe buýt. Chiếc xe buýt trống không. Không do dự, chàng bước lên. Tài xế đi đâu mất. Ngữ lựa một cái ghế ở sau xe gần cửa sổ. Bây giờ chàng mới thấy thèm thuốc lá. Gói Ruby Quân tiếp vụ trong túi chỉ còn hai điếu đã bị dẹp và cong. Chàng để mặc như thế, gài điếu thuốc lá lên môi. Lại để quên cái bật lửa Zippo ở nhà ông bà Thanh Tuyến.
Không còn cách nào khác, Ngữ xuống xe, đến quầy bán thuốc lá mua một bao Ruby mới và hộp diêm.
Hơi thuốc giúp Ngữ tỉnh táo. Xe vẫn còn vắng, và tấm bảng trên đầu xe ghi hai chữ BÌNH ĐÔNG. Đông hay Tây cũng thế thôi. Ngữ cần một chỗ ngồi, và cần di chuyển. Chàng dựa đầu lên thành ghế, nhắm mắt lại. Không thể tin được! Nếu chẳng bao lâu nữa là đám cưới Diễm, thì quyết định này phải có từ lâu. Chắc chắn là Diễm chịu lấy Mân ngay từ những ngày Ngữ về Huế. Nếu thế, vì sao Diễm còn lặn lội xuống thăm chàng, vì sao còn sẵn sàng (và liều lĩnh bất chấp mọi thứ) cùng chàng sống hết cung bậc của nhục cảm. Ôn lại những gì trải qua đêm ấy, Ngữ thấy Diễm không hề bị hoàn cảnh lôi cuốn, Diễm dâng hiến trong bình tĩnh, trong sáng suốt. Ngữ nhớ chính Diễm cầm tay chàng đặt lên ngực trần của mình, và trong suốt cuộc ân ái hối hả, vồ vập, tham lam, Ngữ vụng về vì bất ngờ nhưng đã được Diễm giúp đỡ rất nhiều. Tại sao? Tại sao? Tại sao?
Hành khách bắt đầu lục tục lên xe. Tiếng chân bước. Tiếng cười nói. Tiếng thở mệt nhọc của một người nào đó khuân vật gì quá nặng. Tiếng con nít khóc. Một mùi mồ hôi nồng pha lẫn mùi rượu đế. Có ai đó ngồi xuống cạnh Ngữ. Một giọng đàn bà khàn đục, như một người suyễn kinh niên:
- Nhích chân cho để cái gói chút cậu!
Ngữ thu chân về. Người ta đập vào vai Ngữ. Chị bán vé xe buýt. Ngữ lục túi áo trả tiền xe, rồi nhắm mắt lại như cũ. Người đàn bà ngồi cạnh nhắc:
- Cái vé rơi rồi! Giữ lấy đừng bỏ mất. Tụi bán vé lưu manh lắm. Bỏ mất, nó hỏi không có, bắt mua vé khác đó!
Ngữ mở mắt, cúi tìm cái vé. Người hành khách trỏ cho chàng chỗ tấm vé rơi. Ngữ lí nhí cảm ơn, cất vé vào túi ngực áo, rồi lại nhắm mắt.
Xe bắt đầu rung chuyển vì tài xế đã đề máy. Hai ba tiếng còi mở đường, rồi chiếc xe bắt đầu chạy.
Xe dừng lại ở nhiều trạm, càng lúc mùi mồ hôi trong xe càng nồng. Có lúc hông xe phơi gọn trước nắng sáng, ánh mặt trời chiếu thẳng vào mặt Ngữ. Đôi ngươi sau lớp mí mắt nhận ra một màu đỏ chói. Tiếng động của phố xá ồn ào tấp nập trên mọi chặng đường đều đồng dạng, Ngữ chỉ nghe được chung chung một thứ âm thanh lao xao.
Cuối cùng, chiếc xe buýt dừng hẳn lại. Có nhiều tiếng rao hàng. Mía hấp đây! Cà phê đá đây! Hàng vặt rao bằng hai thứ tiếng Tàu Việt lẫn lộn. Hành khách lục tục xuống xe. Một giọng đàn ông rổn rảng từ phía đầu xe nói xuống:
- Tới rồi! Xe này hết phiên, không chạy nữa. Bà con xuống hết đi. Ê! Xe này không chạy lên Sài gòn nữa, hết phiên rồi. Chen lên làm chi hở trời!
Ngữ mở mắt. Chàng đã xuống khu trung tâm buôn bán Chợ lớn.
° ° °
Trừ đại lộ chạy ngang qua bến xe buýt, những con phố khác đều hẹp. Cửa hàng nối nhau từ phố nọ đến phố kia, cách bày hàng bề bộn. Bên trong, tối tăm. Người đi lại chen chúc tấp nập, đông nhất là những quán ăn, quán cà phê bày dọc theo lề đường. Ngữ xốc lại áo, cảm thấy phần nào an toàn trong cái ồn ào chen chúc vô danh này. Ngữ chắc chắn sẽ không gặp ai quen biết ở đây, và cũng không ai quan tâm tới chàng. Ngữ đi giữa phố đông mà như đi giữa công viên vắng. Chàng chỉ bận tâm về mình. Chân cứ bước tới, đầu óc cứ lan man nhớ lại những gì đã xảy ra giữa chàng và Diễm.
Ngữ ôn lại từ đầu, và khám phá ra rằng hai người rất ít có cơ hội gặp riêng nhau, hoặc nói chuyện thẳng với nhau, trừ những giây phút quí giá hiếm hoi lần cuối. Hầu hết những gì chàng biết về Diễm, nghe về Diễm đều qua một thứ trung gian. Một người thứ ba. Một trang thư. Quế, Nam, hay Quỳnh Như nói về Diễm trong ngẫu nhiên, Ngữ nghe câu được câu mất. Thư của Diễm thì dày, chữ nhỏ, nhưng mưa Huế chiếm hết chỗ, phần còn lại là những chuyện tầm phào. Lời Diễm trực tiếp gửi cho Ngữ, chỉ thu gọn vài dòng. Ngữ đọc được nhiều điều giữa hai hàng chữ. Mưa có lúc vui lúc buồn. Chuyện học hành, thi cử, thực tập, tin bạn bè họ hàng cũng có tin vui tin buồn. Nét chữ xiên hơi tháu của Diễm cũng thay đổi theo người cầm bút. Lời và ý thư Diễm bình thường như mọi lá thư bình thường trên dời, nhưng với Ngữ bao lâu nay là cái kính vạn hoa kỳ diệu, mỗi lần giở ra đọc lại mỗi lần thấy khác.
“Anh Ngữ biết răng không, suốt tuần lễ ni mưa dầm dề. Trời lạnh dễ sợ. Em nghĩ Pleiku của Anh không lạnh bằng Huế mô!”
Ngữ từng ngồi yên hàng giờ mỉm cười một mình vì hai tiếng “dễ sợ” trong thư. Diễm ưa dùng hai tiếng “dễ sợ”. Vui dễ sợ! Buồn dễ sợ! Chán dễ sợ! Ngữ cố nhớ lại những lần nói chuyện với Diễm, xem khi nói “dễ sợ”, nét mặt Diễm thế nào. Chịu! Không nhớ được. Có lẽ lúc nói “dễ sợ”, đầu Diễm hơi nghiêng, làm cho mái tóc che lấp một phần gò má hồng. Có thể che lấp cả một bên mắt, khiến Diễm phải đưa tay vén nhẹ rồi hất mái tóc lên sau vai. Diễm hơi nhấn mạnh và kéo dài tiếng “dễ” ra một chút, tiếng “sợ” buông ra đột ngột làm cho người nghe giật mình vì bất ngờ. Sau đó chắc Diễm cười.
Lần sau, xoay bức thư một chút nhìn vào kính vạn hoa, Ngữ lại chú ý đến câu: “Em nghĩ Pleiku của Anh không lạnh bằng Huế mô!” So sánh kỳ diệu! Một lời ngỏ kín đáo! Giả vờ trách móc tinh nghịch đồng thời cũng nói được đầy đủ trọn vẹn nỗi nhớ nhung xa cách!
Xoay chiếc kính vạn hoa lần nữa: Ơ! Tại sao sau chữ “Anh” lại có dấu ấn sâu xuống tờ pelure và màu mực Bic không đều. Soi nghiêng tờ thư trước ánh đèn, Ngữ thích thú khám phá dấu đầu viết Bic ấn xuống mặt giấy mà không ra mực là một chữ “A” viết theo lối chữ in, có cái gạch ngang hơi nghiêng một cách cẩu thả. Trong khi đó chữ “A” viết sau là một chữ A hoa, nắn nót, bay bướm. Ngữ hân hoan tột cùng khi khám phá được bí mật kỳ diệu này, hân hoan không kém nỗi hân hoan của Archimède khi vô tình ông tìm ra nguyên lý về sức đẩy của nước.
° ° °
Ngữ ghé ăn một tô hoành thánh ở cái xe bán đặt vệ đường. Chữ A hoa giúp chàng ăn ngon miệng. Thêm một ly xây chừng! Phố rộn rã dưới nắng trưa. Trẻ con người Hoa nói líu lo những gì Ngữ không hiểu, nhưng âm thanh thật vui tai. Một thiếu phụ địu con trên vai, tấm vải địu mầu sặc sỡ. Đứa bé ngủ ngon trên vai mẹ, đầu ngoẻo lắc lư. Dễ thương quá!
Ngữ huýt sáo, tiếp tục bước. Nhưng sao Diễm chịu lấy thằng Mân? Vì Diễm tính toán giỏi? Vì dưới mái tóc mềm thơm mùi chanh và bồ kết ấy, đằng sau khuôn mặt trái soan thơ mộng ấy, Diễm có nhiều ngăn hộc riêng biệt có dán nhãn phân minh: hộc của Lý, hộc của Tình. Hộc của Lãng mạn. Hộc của Thực tế! Hộc của Mơ! Hộc của Thực! Hộc đựng thư Ngữ! Hộc đựng sổ kế toán dự thu, dự chi! Dám lắm! Ngữ bậm môi lại, đầu óc nóng bừng vì đột nhiên giận. Ngữ tưởng tượng mình sẽ lố bịch thấp hèn bao nhiêu nếu bị Diễm bầy chàng như một cái hình nộm giữa rất nhiều hình nộm trên mặt bàn, lần lượt nhặt từng cái lên để cân đo, so sánh. Nếu Diễm làm vậy (mà tại sao không?) nhất định chàng thua. Và chắc Diễm đã làm vậy! Nếu không, sao nàng chịu lấy Mân!
Ngữ cảm thấy tự ái bị xúc phạm nặng nề. Càng nghĩ, chàng càng giận. Ngữ ghé vào một quán ăn. Gọi một chai bia 33. Anh bồi người Hoa không rành tiếng Việt xí xô một tràng. Ngữ giải thích mãi không được, trỏ hàng chai 33 trong tủ kính. Anh bồi vỡ lẽ, cười hô hố. Bia được đem ra. Nhưng không có ly. Lại lôi thôi ra dấu. Anh bồi mang cho Ngữ một cái ly nhựa dùng quá lâu nên còn mẻ nhiều chỗ, không còn giữ được trong suốt như lúc mới. Thiếu đá. Ngữ bực dọc, uống bia hâm hấp nóng trong không khí nóng bức của cửa hiệu nồng nặc mùi mỡ cháy và gia vị. Hớp bia đắng nghét. Thử tưởng tượng cảnh Diễm đặt chú hình nhân tên Ngữ lên mặt chiếc bàn ăn ngay cửa ra vào nhà Diễm. Bên cạnh chú hình nhân đó còn nhiều hình nhân khác. Mỗi hình nhân mang một tấm thẻ lý lịch nơi cổ. Năm ngón tay thon búp măng của Diễm chờn vờn do dự trước đám hình nhận. Đôi mắt Diễm sắc và lạnh. Bàn tay khổng lồ có móng sơn đỏ (Ngữ quên không biết Diễm có sơn móng tay hay không, nhưng bây giờ thì Ngữ quả quyết là Diễm ưa sơn móng tay màu đỏ bầm, như màu máu lạnh) không do dự lâu. Diễm cầm cái hình nhân khác trước, ngắm nghía say sưa. Mắt long lanh, miệng cười tươi. Nhìn ngắm say sưa một lúc, Diễm nhắm mắt lại, có vẻ phân vân. Đặt hình nhân này xuống, Diễm nâng hình nhân khác lên, chiêm ngưỡng. Diễm như đứa trẻ chóa mắt trước một đống đồ chơi lạ mắt, đắt tiền. Ngữ buồn, muốn biến khỏi mặt bàn. Ngữ căm thù tất cả. Cuối cùng Diễm cầm hình nhân Ngữ, nhíu mày đọc tấm thẻ lý lịch. Cao 1m68. Nặng 47 ký. Học lực: trung học. Cấp bậc: trung sĩ nhất… Ngữ không dám tưởng tượng thêm nữa!
Chàng gọi thêm một chai 33. Lần này anh bồi nhớ mang cả đá. Ngụm bia bớt đắng, nhưng hơi lạnh làm cho cái răng đau chưa kịp lấy tủy và trám của Ngữ nổi giận. Ngữ đau buốt cả đầu. Mặc. Chai bia vơi nhanh. Ngữ bắt đầu cảm thấy xâm xoàng, hình thù những người đi lại trong quán không còn rõ rệt. Ngữ nghĩ: Mình thất tình chăng? Hai mươi tám tuổi đầu mà còn lấy rượu để dằn nỗi đau thất tình, nhảm quá!
Ngữ bỏ chai bia chưa uống hết, trả tiền, đi ra đường. Trưa Chợ lớn bốc mùi nồng nặc của rác và những thức ăn thừa vất bừa bãi trên những miệng cống thoát nước. Ngữ cố bước nhanh cho người mệt nhoài để trí bớt căng thẳng. Ít khi Ngữ vào Chợ lớn nên chàng không biết mình đang ở đâu. Phố hẹp, quần áo phơi giăng mắc trước mặt tiền, đôi lúc nước giặt nhỏ giọt lên đầu Ngữ. Đường đi quanh co như mê lộ, ra khỏi một phố, lại bước vào một phố tối khác.
Ngữ ra được một đường phố rộng hơn có xe buýt chạy ngang. Chàng tự hỏi: Về chưa? Hỏi xong, chàng lại sợ những cái nhìn tọc mạch của bà Thanh Tuyến, của Quỳnh Trang khi thấy Ngữ mặt mày đỏ gấc. Con đường lớn hình như dẫn đến bờ sông, vì xa phía trái, thấp thoáng cảnh xe chuyên chở đến rồi đi như cảnh một bến cảng. Ngữ đoán có lẽ bến Bình đông. Nhớ tới gió sông, Ngữ đi về phía ấy.
Nhà cửa hai bên phố đều nhiều tầng cất theo lối mới, khác hẳn những khu phố ngói cũ kỹ chàng vừa đi qua. Cao nhất phố là một tòa building sáu tầng nằm ở chỗ có nhiều xe vận tải đậu. Kẻ ra người vào tấp nập, Ngữ tưởng đó là văn phòng nhận gửi hàng của một hãng chuyên chở, nhưng đến nơi mới biết chỉ là một khách sạn. Ba cô gái mặc mini jupe ngắn đến trên đầu gối đứng hút thuốc phì phèo trước cửa, còn hai cô khác ngồi ngay bên bậc tam cấp ăn đu đủ bò khô. Ngữ đứng lại, tò mò tìm tên khách sạn: Phú Đô. Cái tên nghe lạ, tên Việt nhưng vẫn nặng mùi Tàu.
Năm cô gái thấy Ngữ dừng lại, cười khúc khích. Một cô nói lớn:
- Thôi, dzô đi cha nội.
Bèo Giạt Bèo Giạt - Nguyễn Mộng Giác Bèo Giạt