Fiction reveals truths that reality obscures.

Jessamyn West

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: tongkimlinh
Số chương: 50
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1784 / 34
Cập nhật: 2015-08-19 10:45:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
ữa tiệc tiễn hành buồn tẻ và gượng gạo đến nỗi cả chủ lẫn khách không tìm ra được điều gì để nói, chỉ lo cắm cúi ăn. Đồ đạc đã vào thùng, nhà cửa trống trơn, chỉ còn hai cái bàn nhôm và mấy cái ghế đẩu bày giữa đám thùng giấy ngổn ngang. Chén bát, muỗng đũa cũng chỉ dành lại vừa đủ cho số khách được mời không nhiều. Con số dự tính là mười người, kể cả những người láng giềng và bạn bè làm ăn của Quế. Cuối cùng, chỉ có một ông già ở nhà đối diện qua dự tiệc, sẵn tiện xin một ít tôn cũ và ván ép về làm chuồng heo. Quế trả lời dứt khoát là đã bán cả ngôi nhà đổ nát lẫn đất cho chủ mới nên không có quyền cho chác bất cứ thứ gì. Ông láng giềng thất vọng, mặt dàu dàu, từ đó chỉ ngồi im không nói gì, ăn uống gượng gạo không vui. Bạn bè của Quế thì tíu tít hỏi thăm Quế về cơ hội làm ăn trong những nơi có nhiều quân đội đồng mình đồn trú như phi trường Phù cát, An khê, Chu lai. Nhóm này tạo được chút sinh khí cho buổi tiệc, nhưng câu chuyện họ bàn tán lại không thể là đề tài chung để mọi người có cơ hội góp chuyện.
Bà Văn đứng ngồi không yên, vừa ngồi xuống ăn vài miếng, đã bỏ đũa đứng dậy, chạy đi xem thử những đồ đạc đã gói ghém còn lỡ sót thứ gì không. Bà làm cho khách áy náy, và Quế phải bực dọc. Câu chuyện Quế kể cho các bạn buôn bán đang hăng, đột nhiên bà Văn hớt hải hỏi:
- Quế, cuộn dây thép phơi quần áo má đã cho vào thùng chưa?
Quế khựng lại, trả lời hơi gay gắt:
- Rồi. Chính má nói với con sáng nay mà!
- Ờ phải. Má đã cho vào cái thùng giấy kia mà. Để dưới mấy cái soong không. Chắc cái thùng khác, vì thùng soong chảo nhỏ quá, cuộn dây thép quá cứng má không nhét vào được. Chắc là trong cái thùng lớn này.
Rồi bà chạy lại hộp carton đựng sữa Ông Thọ mở nắp ra kiểm soát. Trong hộp chỉ toàn sữa của bé Thúy. Bà xanh mặt, nhưng không dám hô hoán sợ Quế lại gắt. Cứ như vậy, bà ngồi không yên, khi chạy đi kiểm soát mấy cái dao, khi đi tìm cái thớt. Trong lo lắng, bà làm cho khách khứa ăn mất ngon. Họ cảm thấy áy náy đã đến không đúng lúc. Người nào cũng im lặng, cắm cúi ăn cho xong.
Ở cái bàn nhỏ đặt sâu vào góc phòng, hơi xa bàn khách chỉ có Nam, Quỳnh Như và Ngữ. Con bé Thúy đã nằm ngủ trên cái ghế bố nhà binh, tấm chân màu rêu đắp lên tận cổ. Chỉ có Quỳnh Như thì thào nói chuyện với Ngữ. Ngay cả Quỳnh Như, người có biệt tài đi đến đâu cũng mang theo cái không khí vui nhộn, tối hôm ấy cũng ít nói. Ngữ thấy Quỳnh Như đã thay đổi nhiều. Đôi mắt bắt đầu vương vấn lo âu. Giọng nói bớt liếng thoắng, ít pha trò. Như mọi người Huế sau cơn bão dữ, Quỹnh Như đã mất quá nhiều, mất cả tiếng cười giòn giã và lòng hồn nhiên. Cả Quế, Nam lẫn Ngữ, Quỳnh Như đều có ý lóng ngóng đợi Diễm, nhưng Diễm không tới. Quế quên ngay người bạn gái thất hứa, nhưng Quỳnh Như thắc mắc:
- Hôm qua, buổi sáng gặp nó ngoài phố Phan Bội Châu, nó còn nhắn em mà!
Nam nói:
- Nhà có nhiều chuyện buồn, Diễm nó ít thích đi đâu. Tối hôm qua xuống đây nó chỉ hứa lấy lệ vậy thôi. Đừng chờ!
Ngữ cố giấu không muốn ai thấy lòng nôn nao chờ đợi của mình. Diễm đã nói với chàng là đêm nay Diễm không đến, nhưng biết đâu Diễm sẽ đổi ý. Biết đâu đêm qua, sau một đêm trằn trọc không ngủ được như chàng, Diễm mới cảm thấy chới với vì sắp phải xa nhau lâu thật lâu, mới hối hả tìm cách nhìn lại được nhau, nghe lại được nhau, chính mắt bắt gặp được ánh nhìn bối rối của nhau, chính tai nghe được hơi thở dồn dập vì xúc động của nhau. Ngữ tin chắc rằng từ giây phút màu nhiệm ấy, Diễm cũng sống trong trạng thái bập bềnh giữa mộng và thực như chàng, cũng khao khát có lại cơ hội được gần nhau như chàng. Giọng Quỳnh Như đều đều, buồn buồn, chàng nghe tiếng được tiếng mất:
- …Được về là may hơn những người khác rồi. Diễm nó than khổ là cuộc sống từ đây về sau. Anh Ngô đi theo họ, bác Bỗng như thế, hàng xóm người mất con, người mất chồng, người tan gia bại sản, họ đổ hết căm thù lên gia đình Diễm. Nó khóc, nó lo, vì vậy! Em ở trong tình cảnh hơi giống Diễm, em hiểu!
Quỳnh Như nói xong, e dè liếc nhìn Nam. Nam cắm cúi ăn, không nói gì. Quỳnh Như nói:
- Bỏ Huế mà đi là phải! Em cũng mong rán thêm một năm nữa cho xong, tốt nghiệp rồi tìm xin một chỗ dạy trong Nam, ở đâu gần Sàigòn cho tiện.
Ngữ hỏi:
- Có tin tức gì về Tường không?
Thốt xong, Ngữ mới thấy mình thiếu tế nhị. Chàng e ngại liếc về phía Nam. Quỳnh Như cũng do dự, không trả lời ngay. Nam đứng dậy bỏ ra phía bếp, mau mắn làm thay việc cho Quế khi bà Văn bảo tiếp thêm cơm cho bàn khách. Ngữ và Quỳnh Như đều áy náy trong lòng. Quỳnh Như hạ thấp giọng:
- Họ đồn đãi nhiều chuyện kinh khủng quá, em nghe mà bàng hoàng, không dám tin, nhưng cũng không biết đâu là sự thực. Họ bảo chính anh Tường cầm súng đi tìm một người bạn sinh viên từng chống đối anh ấy trong những vụ tranh đấu, và chính tay anh ấy xử tử người bạn. Em nghe mà không dám viết thư kể lại cho thầy me và chị Trang. Người ta cũng không kể thẳng những chuyện đó với em. Họ xì xào với nhau, khi em đến gần, họ im lặng. Ở trường, em cảm thấy như bị bao vây, bị cô lập, như em thuộc về một phe khác, một kẻ đáng ngờ. Em giận đến phát điên lên được. Chẳng thà họ nói thẳng ra cho dễ bàn cãi. Đằng này, chỉ có những tiếng suỵt, những lời thì thào sau lưng em, những cái nhìn… cái nhìn… làm Sao em diễn tả ra nhỉ?
- Anh hiểu. Anh hiểu. Còn Ngô?
Giọng Quỳnh Như tự nhiên hơn:
- Chuyện anh Ngô thì ghê gớm hơn nữa! Nhiều nhân chúng sống sót kể chính họ bị anh Ngô lấy cung. Em tin họ nói thật, vì họ chỉ tả hình dáng chứ không biết tên anh Ngô, và tả đúng. Diễm khổ vì vậy!
Rồi giọng Quỳnh Như có vẻ đắc thắng, gần như reo vui:
- Quả thật em không hiểu nổi. Em cứ tự hỏi có gì liên quan giữa những bức tranh thiếu nữ cổ cao thơ mộng của anh Ngô với những buổi lấy cung rồi tàn sát ấy. Cái gì? Cái gì nối kết một bài thơ và một bản án? Trường hợp anh Tường, nếu quả lời đồn đãi của thiên hạ có thật, em còn hiểu được. Từ chỗ anh ấy chế giễu cái áo gấm Thượng hải của em, ám ảnh vì đời sống những người sống dưới gầm cầu Gia hội, từ chỗ anh ấy dám nói thẳng với thầy em là chiếc Toyota trắng của thầy em chạy bằng máu và mồ hôi người khác, tới chỗ anh ấy thành đao phủ thủ, con đường có thể gần. Có thể giải thích được. Dale thích Camus, bắt em đọc, và em thấy ông nhà văn này cũng ưu tư về chuyện đó. Nhưng anh Ngô ở trong trường hợp khác. Em chịu, không hiểu!
Ngữ mỉm cười hỏi:
- Anh về đây, nghe nhiều người đồn Quỳnh Như bị bùa của ông Dale ông Điếc nào đó, phải không?
Quỳnh Như đỏ mặt bối rối, nhưng lấy lại được bình tĩnh ngay. Nàng hỏi:
- Anh nghe ai nói?
Ngữ trêu:
- Tất cả mọi người anh gặp.
- Con Quế phải không?
Ngữ ỡm ờ:
- Coi như có cả con Quế trong “mọi người” đi!
Quỳnh Như cắn môi im lặng, nhưng ánh mắt vui. Nàng đáp chậm:
- Em phải thú thực với anh là em có cảm tình với Dale. Ngoài cái ơn giúp em lúc em bị thương ở Jeanne d’Arc, còn có cái gì khác nữa. Chẳng hiểu tại sao, giao thiệp nói chuyện với Dale em cảm thấy thoải mái dễ chịu hơn với bạn bè người Việt ở đây. Có Dale, sao mọi sự trở nên đơn giản. Em chúa ghét cái rắc rối. Mà người Việt mình sao rắc rối quá. Nghĩ gì, cảm gì, muốn gì, cứ nói quách ra. Chắc tại tính em con trai, nên thế!
Thấy Ngữ nhìn mình với đôi mắt trìu mến, thông cảm, Quỳnh Như nói:
- Bây giờ, em chỉ còn có Dale! Em không biết điều ấy tốt hay xấu, may hay rủi. Hiện em gặp rắc rối vì chuyện đó. Thiên hạ thấy em đi với Dale, khó chịu ra mặt. Nhưng em bất cần!
Quỳnh Như giận, nói hơi lớn, làm cả bàn tiệc bên kia cùng quay lại nhìn. Nàng ngượng, cúi xuống tiếp tục ăn.
Khách khứa lần lượt ra về. Quế cười nói rổn rảng, hẹn gặp lại các bạn ở Qui nhơn. Bà Văn giục Nam rửa chén bát dao thớt để cho vào thùng. Quỳnh Như phụ Nam nên công việc xong nhanh chóng. Bà Văn nhìn quanh căn nhà trống, trỏ hai cái thùng giấy lớn còn để trống, bảo Ngữ:
- Hai cái thùng này mai đựng mền gối.
Ngữ trỏ vào đống sách vở bề bộn chất ở đầu chiếc ghế bố, hỏi mẹ:
- Còn đống sách vở này?
Bà Văn đáp:
- Ấy, con Quế định cho hết con Diễm. Cháu Quỳnh Như, cháu có thích, thì đem một ít về mà đọc.
Ngữ ngạc nhiên không hiểu tại sao Nam ơ hờ với số sách lâu nay Nam cất giữ, chưa kể những cuốn sách hiếm và quí ông Văn sưu tầm lâu nay để làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy. Quỳnh Như mau mắn xăn tay áo dài lên gần cùi chỏ, ngồi sà xuống đống sách, quay lại nói với bà Văn:
- May quá. Con được quà lưu niệm rồi!
Ngữ xót xa nhìn đống sách, ngậm ngùi nhớ tưởng đến cha. Thấy Ngữ đứng tần ngần, Quỳnh Như giục:
- Anh bật giùm cái đèn cho em. Hay thôi! Sợ chói mắt con bé. Anh giúp em bê hết lên phòng trên đi. Chắc sáng mai em phải thuê cyclo chở về mới hết. Trời! Thế mà chị Nam không cho em biết sớm. Em cứ tưởng… Quỳnh Như tíu tít vui mừng như đứa trẻ được quà, trở lại tính hồn nhiên mà Ngữ tưởng nàng đã đánh mất.
Hầu hết sách vở ông Văn để lại đều thuộc loại văn chương, sử học và triết học. Sách tiếng Việt thuộc loại nghiên cứu, còn sách tiếng Pháp là tiểu thuyết của những tác giả nổi danh từ trước thế chiến thứ hai, mới nhất là André Gide. Loại sách bìa mỏng in trên giấy hẩm trong collection Livre de poche do tài trợ của chính phủ Pháp đem qua bán ở Việt nam với giá quá rẻ. Đây là lần đầu tiên Ngữ có dịp lục soạn tủ sách của cha. Chàng nhận thấy sở thích của cha về văn chương, cả đến mẫu mực sống hoặc thang giá trị đều dựa trên những gì ông đọc trước thời cách mạng 1945 mà chuẩn là các tác phẩm cổ điển được giảng dạy ở nhà trường như Lamartine, Alfred de Vigny, Alfred de Musset, Victor Hugo, Gustave Flaubert, Honoré de Balzac… không có cuốn nào của Malraux, của Sartre, của Camus. Thời kỳ phát triển rực rỡ của khuynh hướng lãng mạn Pháp, tiếp theo thời kỳ tả chân hiện thực về sau như Emile Zola, Francois Mauriac… dường như ảnh hưởng đậm lên tâm hồn ông. Ngữ không tin cha mình có đủ điều kiện để tìm hiểu văn chương tư tưởng Pháp một cách có hệ thống. Sách vở hiếm hoi, ông đọc được cuốn nào là do may rủi tình cờ. Chắc có cuốn ông lỡ mua, đọc qua vài trang ngỡ ngàng không hiểu, rồi vất đi. Cuốn nào ông giữ lại là những cuốn ông cảm thấy gần gũi. Ông sống qua những giai đoạn đầy biến động thăng trầm của lịch sử, nhưng tâm hồn ông in đậm những mẫu đời êm ả và lý tưởng, những xã hội tuy chưa hoàn hảo, nhưng rõ ràng, phân minh trắng ra trắng, đen ra đen. Con người là một sinh vật có thể hiểu được, có thể cải thiện được. Mọi sự đều hợp lý. Những ý niệm ấy lại được bổ túc bằng số sách nghiên cứu nho học, đạo đức của Đông phương. Có lẽ thế giới sách vở êm ả đó giúp ông bình yên, hoặc ông là người không đủ sức thích ứng với các biến chuyển, nên cố bám vào những giá trị cũ như một tấm lá chắn.
Quỳnh Như buồn rầu đẩy mấy cuốn tiểu thuyết Pháp về phía Ngữ, nói:
- Pháp văn em dốt quá, đọc không nổi, khòng có cuốn nào viết bằng Anh văn cả. Để em lựa xin một ít sách Việt vậy!
Ngữ đưa cho Quỳnh Như bộ Chu Dịch của Phan Bội Châu:
- Quỳnh Như nên giữ bộ này.
Quỳnh Như lật qua vài trang, e ngại hỏi:
- Cụ viết cái gì trong này, anh?
- Viết về kinh Dịch.
- Kinh Dịch là cái gì?
- Quỳnh Như học văn chương mà hỏi thế!
Quỳnh Như lẩm bẩm đọc vài hàng, mày nhíu lại:
- Sách bói toán à?
Ngữ cười, đưa một bộ sách khác:
- Thôi lấy bộ này đi. Bộ Cổ Học Tinh Hoa.
Quỳnh Như reo lên:
- Phải đấy. Cổ Học Tinh Hoa thì em biết. Với lại em cũng xin mấy cuốn tiểu thuyết này nữa. Em quen tên tác giả, nhưng chưa đọc sách của họ. Chùa Đàn, Con Trâu, Bỉ Vỏ, Tắt Đèn… Có cả Bướm Trắng nữa. Em thích cuốn này. Anh chàng Trương có vẻ “update” hết sức! Anh Ngữ này, em định dịch thử một số truyện ngắn hay của Việt nam sang Anh ngữ, rồi nhờ Dale sửa hộ. Dale nói bên Mỹ hiện nay sách viết về Việt nam đang ăn khách. Có thể tìm được nhà chịu xuất bản. Mà xuất bản được, thì khối tiền! Em nhận tiền tác quyền xài không hết, sẽ gửi anh tiêu hộ! Anh đặt cọc trước đi! Muốn cái gì nào?
Ngữ đột ngột bảo:
-Chỉ muốn Quỳnh Như “đùa nghịch hồn nhiên” được mãi mãi, như lúc này đây!
Quỳnh Như bị bất ngờ, hơi ngớ ra. Đến khi hiểu, nàng cảm động, Chớp chớp mắt nhìn Ngữ:
- Em cũng chỉ mong được như vậy.
Khoảng chín giờ tối, Quỳnh Như xin phép về. Ngữ và Nam đưa Quỳnh Như ra cửa thì một người đàn ông lạ ăn mặc lôi thôi như một người lao động vất vả ở thành thị đến gõ cửa. Quế hỏi ra, mới biết ông Toàn cho người nhà đến nhận chìa khóa. Quế hỏi bà Văn, bà Văn lục tìm mãi, sau cùng hóa ra chùm chìa khóa bà Văn đang nắm khư khư trên tay. Quế trách mẹ vô ý, rồi lựa những chìa khóa cửa trước, cửa sau, chìa khóa cổng trao cho người lạ. Điều bình thường ấy lại có chấn động lớn lao trên tâm hồn bà Văn, Nam, Ngữ và cả Quỳnh Như. Mọi người không ai bảo ai đều im lặng, lòng chết lịm vì đau đớn. Giờ phút vĩnh biệt khu vườn nhỏ, ngôi nhà nhỏ, con phố nhỏ này đã gần tới. Đã bắt đầu tính theo đơn vị giờ trên mười ngón tay. Từ lúc này đây, dù có được trú lại một đêm trong căn nhà thân yêu cũng chỉ là tạm trú. Chìa khóa đã giao. Chủ quyền đã mất.
Người nhà ông Toàn chào cảm ơn, hẹn trở lại trước bảy giờ sáng mai, rồi ra về. Không khí trong nhà lạnh lẽo như khu nhà mồ. Quỳnh Như ngộp thở, muốn ra về để hít thở một thứ không khí khác. Nàng thì thào với Nam.
- Chị cho em hôn từ biệt cháu.
Nam dẫn Quỳnh Như vào nhà chái, đến bên giường Thúy. Khuôn mặt ngây thơ thiêm thiếp, môi như đang mỉm cười. Quỳnh Như cúi sát xuống, hôn nhẹ lên trán cháu. Thúy trở mình quay mặt vào phía bóng tối, nhưng không thức dậy. Quỳnh Như thở dài, nói với Nam:
- Chúc chị vào trong ấy bình yên, không biết chừng sang năm ra trường em cũng xin vào trong ấy. Cho có chị có em!
Nam đáp lấy lệ, giọng không chút tha thiết:
- Ừ, em rán xin vào ở với chị.
Quỳnh Như chào bà Văn lúc bà đang thút thít khóc. Ngữ đưa Quỳnh Như ra tận cổng, giúp nàng buộc chặt gói sách vào porte-bagage. Bóng Quỳnh Như vừa khuất sau một khúc phố quanh, Ngữ đã vội giơ tay xem đồng hồ. Chín giờ 27 phút!
Lòng Ngữ nôn nao như lửa đốt. Chỉ còn hai giờ rưỡi cho Huế, tính từ bây giờ cho đến giờ giới nghiêm. Chàng vội vã trở vào nhà, bảo cần đi thăm gấp vài người bạn để mượn chiếc Solex của Quế.
Được ngồi yên trên xe gắn máy khỏi phải cúi rạp người lấy sức đạp như đêm qua, Ngữ lan man so sánh tâm trạng mình đêm nay với đêm trước. Không hiểu sao, đêm nay Ngữ cảm thấy đau đớn thống khổ hơn. Đêm qua Ngữ hối hả đi tìm, nên chỉ hoang mang sợ tìm không thấy. Ngữ chấp nhận sự may rủi, và nếu không theo kịp Diễm, chàng chỉ buồn như bao lần trước đã buồn. Không ngờ chàng đã tìm thấy, đã ôm trọn được hạnh phúc bất ngờ. Cho nên đêm nay, chàng sợ mất. Và chàng thấy trước thời khắc ngắn ngủi còn lại không hứa hẹn chàng gì cả. Phần mất mát quá rõ, và quá lớn. Những gian phố sập hai bên đường, những thân cây quị ngã vì bom đạn, những cột điện xiêu vẹo hiện lên đón Ngữ, rõ mồn một.
Ngữ cho xe chạy chậm lại khi đến trước trường luật. Tiếng máy rồ lớn, thân xe rung mạnh vì bị hãm bất ngờ. Chàng tắt máy, kéo cái cần gài vào tay lái để đạp thong thả như đi xe đạp. Thay vì đi thẳng lên phía ga để qua khỏi cầu rẽ trái xuống nhà Diễm, chàng quẹo trái dọc hông trường luật, qua cầu Nam giao. Ngữ tính toán đi như vậy chàng sẽ ở phía bên này đường, đối diện nhà Diễm ở phía bên kia. Nếu trong nhà còn đèn sáng và cửa mở, chàng sẽ lấy cớ thay mặt mẹ lên chào từ biệt ông bà Bỗng để vào hẳn Qui nhơn. Cái cớ rất chính đáng, hợp lý, hợp tình.
Nhưng ngôi nhà thân yêu đầy huyền nhiệm ấy kín cửa. Ánh sáng trong nhà lọt qua khe không đủ trở thành một lời mời gọi. Ngữ đạp xe lên ga, chạy ngược về trường luật, theo đường cũ đảo qua nhà Diễm lần nữa. Cửa vẫn đóng im ỉm. Ngữ dừng hẳn xe lại, đứng sát lề bờ sông hồi hộp chờ đợi. Biết đâu đột nhiên một cánh cửa sổ bật mở, và một cánh tay vén tấm màn để một khuôn mặt hiện sau chấn song. Ánh đèn sẽ chiếu từ phía sau làm nổi rõ đường viền cửa một mái tóc, mái tóc thơm mùi chanh và bồ kết… Một đám trai gái đi chơi về khuya nói cười rộn rã từ phía ga đi xuống. Ngữ ngại bị bắt gặp đứng rình trước nhà Diễm, nên vội lên xe.
Vòng trở lại nhà Diễm lần thứ ba, đèn trong nhà đã tắt. Thôi hết rồi, Diễm ơi! Ngữ xuống xe ở cầu Nam giao đứng nhìn thật lâu về phía căn nhà Diễm. Nỗi mất mát quá lớn, Ngữ ôn lại từng chi tiết những gì đã xảy ra đêm qua, sống lại từng hơi thở, từng cảm giác. Càng ôn lại, sự mất mát càng lớn.
Đêm đau khổ nhất của đời Ngữ!
Bèo Giạt Bèo Giạt - Nguyễn Mộng Giác Bèo Giạt