I like intellectual reading. It's to my mind what fiber is to my body.

Grey Livingston

 
 
 
 
 
Tác giả: Ý Yên
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Việt Thông
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1517 / 13
Cập nhật: 2015-10-06 21:43:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
hú Sỹ dán mắt vào những thân cây nhỏ trong khi tôi ngồi tựa hàng rào. Tôi đang kể cho chú nghe tất cả những chuyện trong chuyến đi Sàigòn. Gương mặt chú đượm một vẻ hững hờ, một chút trìu mến. Nhưng vẻ hững hờ khiến tôi bực tức:
- Chú Sỹ, chú không thèm nghe Uyên nói…
- Đâu có. Chú đang nghe rất kỹ đây.
- Nhưng chú ngồi xa Uyên quá. Uyên không muốn hét lên cho mọi người nghe.
Chú Sỹ chiều ý, ngồi xích lại gần tôi:
- Nào, cô bé nói đi. Một chuyện bí mật phải không?
- Không… nhưng Uyên muốn nói là Uyên đã có một ý định khác.
- Về việc gì?
Tôi nhăn mặt:
- Sao chú mau quên quá vậy? Chuyện có chút xíu mà chú không nhớ.
- Thật tình… Uyên thử nhắc lại tôi nghe.
Tôi vùng vằng:
- Thôi, chú quên thì thôi.
Thấy tôi giận dỗi, chú Sỹ có vẻ ân hận:
- Uyên đừng giận tôi. Có phải về cuốn truyện đó không?
Tôi cúi đầu lặng yên không đáp. Sự thờ ơ của chú Sỹ làm tôi buồn hơn bất cứ sự thờ ơ nào của những người khác. Chú là người duy nhất mà tôi nghĩ rằng sẵn sàng nghe tôi. Nhưng chú đã không nhớ gì những câu chuyện mà đối với tôi vô cùng quan trọng. Không bao giờ tôi thấy chú Sỹ tỏ ra chú ý đến một chuyện gì. Chú vẫn dửng dưng như thế. Nhưng bây giờ, điều đó khiến tôi cảm thấy tủi thân.
Tiếng chú Sỹ dỗ dành:
- Đừng giận tôi nữa Uyên. Câu chuyện của Uyên tôi đã biết hết rồi. Câu chuyện thật hay, phải vậy không? Và Uyên đã giao nó cho nhà sách để người ta in.
- Còn hơn thế nữa chú Sỹ à. Nếu chú biết Uyên đã vui như thế nào, khi nhà in đem bản thảo lên máy. Hồi hộp quá chú ạ, ông chủ nhà in là bạn với ba Uyên. Ông ta dễ thương lắm…
o O o
Suốt những ngày in “Cái vạc của con quỷ”, tôi túc trực luôn ở nhà in. Tôi nhìn say mê người thợ sắp chữ từng trang nhỏ, và tôi đứng dựa bên cô “Cò”, để xem cô ta sửa từng “morasse”. Chính tác phẩm của tôi, đã được in lên thành sách, thật là kỳ diệu.
Ông chủ nhà in bảo tôi:
- Cháu phải có một cái bìa, một bức tranh chẳng hạn, như thế mới hợp thời trang.
Tôi cảm thấy bối rối. Quả thật tôi đã không nghĩ đến điều đó. Trong đám bạn bè tôi, cũng có đứa học ngành họa, tôi nhờ chúng nó cũng được. Nhưng như thế tôi phải nói rõ tôi là một nữ văn sĩ hay sao? Không được, phải để đến khi nào tự dưng tôi nổi tiếng cho chúng nó phục.
Sau cùng tôi đề nghị với ông chủ nhà in, nên tìm những mẫu tự đẹp nhất để làm cái tựa cho quyển sách là được rồi.
Cuối cùng, nỗi sốt ruột của tôi cũng được kết thúc. Những cuốn sách đã được in xong. Tôi có 50 bản đặc biệt để tặng bằng hữu, trên loại giấy trắng mịn đẹp vô cùng. Tôi ôm những quyển sách trong tay như ôm một kho tàng. Thật lạ lùng khi những giòng chữ của mình được in thành sách. Như một phép nhiệm mầu mà tôi không thể nào tưởng được, là có ngày mình trở thành một nữ văn sĩ như bây giờ. Chắc chắn ba tôi sẽ sung sướng lắm. Chắc chắn chú Sỹ sẽ ngạc nhiên lắm. Niềm sung sướng khiến tôi muốn nhảy lên, reo lên, hát lên. Tôi nhìn ông chủ nhà in và thấy ông ta thật dễ thương. Tôi thấy chung quanh mình chỉ toàn một màu hồng, thứ màu hồng của bình minh vô cùng rực rỡ.
Việc đầu tiên của tôi là khoe với ba tôi tác phẩm đầu tay của mình.
- Ba coi, con gái ba đã trở thành một nữ văn sĩ. Thế nào ba cũng để thì giờ xem hết cuốn sách nghe ba!
Ba tôi vuốt tóc tôi âu yếm:
- Lẽ dĩ nhiên, ba sẽ đọc chứ, con gái cưng của ba.
- Ba xem này, ngay trên đầu bìa sách là tên của con…
Phải rồi, tên tôi nằm chễm chệ ngay trên đầu bìa sách. Rồi nó sẽ được tung bán, tên tôi sẽ có ở mọi nhà sách, mọi sạp báo. Tôi nghĩ đến lúc người ta sẽ tìm mua tác phẩm của tôi. “Cái vạc của con quỷ” sẽ gây những tiếng vang lớn, và những món tiền mang đến do “Cái vạc của con quỷ”. Đó là giấc mộng ngày xưa của tôi, nhưng bây giờ không còn là giấc mộng nữa. Nó đã là một sự thật mà tôi không ngờ.
Suốt buổi sáng, tôi ngồi thu mình trong ghế bành để đọc lại tác phẩm của mình. Tôi không thể ngờ mình có thể viết hay đến thế. Đọc trên bản in có một ý nghĩa nào đó làm khác trong bản thảo rất nhiều. Tôi tự mỉm cười, kiêu hãnh với chính mình vì những câu đối thoại bay bướm mà tôi đã nghĩ ra. Tôi hình dung đến sự thán phục của bè bạn, nhất là những đứa học lớp với tôi. Chắc chắn chúng nó không thể ngờ là trong số bạn bè của mình lại có thể có người trở thành nữ văn sĩ? Chắc chắn điều đó chỉ là tưởng tượng của những đứa con gái còn trong ngưỡng cửa học đường. Tôi đã từng nghe tụi nó thán phục những văn sĩ đương thời mà tôi phát thèm. Có đứa lại còn bày đặt viết thư làm quen, xin chữ ký tùm lum nữa. Biết đâu mai này tôi lại không như thế? Không trở thành một nữ văn sĩ danh tiếng? Và trong số độc giả viết thư về, biết đâu lại không có một đứa bạn tôi?
Tôi cố suy nghĩ để tìm danh sách những người mà mình sẽ tặng sách. Dĩ nhiên là nhiều. Chỉ mỗi bè bạn của tôi, những ông giáo sư của tôi, cũng đã khá nhiều. Họ hàng bên nội, bên ngoại. Nhất định là tôi phải làm cho ba tôi hãnh diện đã có đứa con gái là một nữ tiểu thuyết gia.
Những viễn ảnh huy hoàng khiến tôi náo nức. Tôi cảm thấy tâm hồn lâng lâng. Tôi chợt nghĩ đến chú Sỹ và tôi rời ghế chạy vội ra vườn.
Tôi thấy chú Sỹ đang chăm chú tỉa một cây hoa hồng nhung tuyệt đẹp. Những chiếc lá hơi úa rơi xuống mặt đất. Chú mải miết làm không biết đến sự hiện diện của tôi. Đợi một lát, tôi nóng lòng lên tiếng:
- Chú Sỹ!
Người đàn ông ngước lên:
- A! Cô Uyên. Sao? Công việc đến đâu rồi?
- Chú ham làm vườn quá à!
- Cũng như cô ham viết văn vậy thôi.
Tôi cảm thấy sung sướng vì nhận xét của chú Sỹ. Ít ra thì chú cũng phải hiểu rằng, tôi là con người của văn chương chứ! Chú hỏi tôi:
- Cuốn sách, tôi tin rằng nó đã gần hoàn thành phải không cô Uyên?
Thật ra “Cái vạc của con quỷ” đang nằm trong bàn tay giấu sau lưng tôi. Tôi muốn dành cho chú một sự ngạc nhiên mà. Tôi nói:
- Hơn thế nữa, nó đã xong!
- Thế à? Tuyệt! Chắc cô hài lòng?
- Khỏi nói chú ạ! Bản in sạch sẽ, sáng đẹp không thể tưởng. Chữ lớn, đều. Có điều lạ là khi nó được lên sách, Uyên đọc thấy hay hơn trong bản thảo.
Chú Sỹ gật gù:
- Dĩ nhiên rồi. Bao giờ in rồi nó cũng hay hơn. Có khi mình đọc đến những đoạn mà chính mình không ngờ có thể viết hay như thế.
Tôi nhìn chú Sỹ, ngạc nhiên vì nhận xét tinh tế đó. Quả thật chú nói “không sai một ly ông cụ” nào cả. Đã có khi tôi tự thán phục mình về những điều mình đã nghĩ được và viết ra. Vậy mà chú Sỹ biết điều đó? Chú biết điều đó nhưng chú chả biết viết bao giờ, không thích cả đọc thơ nữa. Tóm lại là chú “chê” văn chương. Với chú, chỉ có mảnh vườn và những bông hoa là đáng kể.
Đây là lần đầu tiên chú Sỹ có một nhận xét về môi trường của tôi. Những lần trước chú chỉ cười một cách lơ đễnh khi tôi kể say mê. Bây giờ thì không thế. Bây giờ chú Sỹ hẳn đã nhận thấy rằng văn chương là một cái gì đẹp và cần cho đời sống như hơi thở. Vì văn chương phản ảnh trung thực nhất con người của mình. Tôi là một nữ văn sĩ, tôi ở trong lãnh vực văn chương, chú Sỹ lại là bạn tôi, ít ra thì cũng phải có ảnh hưởng phần nào chứ!
Tôi đưa cuốn sách ra trước mặt chú Sỹ:
- Uyên tặng chú. Đã có sẵn chữ ký.
Bàn tay chú Sỹ đón vội lấy cuốn sách, tôi thấy mắt chú sáng lên:
- Tốt quá! Cô nhớ cho tôi nữa à?
- Chú nói kỳ. Chú là bạn Uyên mà. Có điều Uyên hơi buồn là chú không mấy ham thích văn chương. Chú phải biết là văn chương nắm một phần cuộc sống của mình.
Chú Sỹ hơi mỉm cười:
- Uyên thử nói rõ hơn?
- Thí dụ ý nghĩ là phần tinh thần cho cuộc sống. Mà khi mình hiểu biết về văn chương, có khiếu về văn chương, mình sẽ có thể dễ dàng diễn đạt ý nghĩ của mình hơn. Đó là chưa kể mình có thể mang tâm sự của chính mình lên sách báo, cho cả hàng vạn người đọc, thú lắm.
Nụ cười trên môi chú Sỹ đượm hờ nét hóm hỉnh:
- À, vậy ra “Cái vạc của con quỷ” cũng có một phần tâm sự của Uyên?
Tôi lắc đầu:
- Đó là truyện mà! Uyên lấy từ một cốt truyện ngoại quốc nên không thể lồng tâm sự mình vào đó nhiều được. Tuy nhiên, nhân vật Hà, con gái ông kỹ sư trong rừng rậm Phi Châu cũng có một vài cá tính giống Uyên.
- Như nhát gan?
Chú Sỹ xen vào, đùa cợt. Tôi vẫn cố tạo vẻ mặt trầm tĩnh:
- Hầu hết con gái đều ít nhiều mang tính đó. Cô Hà giống Uyên vì cô ta yêu không tính toán.
Tôi thấy rõ sự ngạc nhiên trong mắt chú Sỹ. Chú hỏi gần như là vội vàng:
- Uyên… yêu không tính toán?
Tôi chớp mắt. Thật ra tình yêu đối với tôi còn là một thế giới hoàn toàn kỳ bí mà tôi chưa hề bước vào để khám phá ra. Tôi biết chắc như hai với hai là bốn rằng, tình yêu là sự quyến luyến giữa người con trai và người con gái. Khi xa thì nhớ nhau, yêu thương rồi giận hờn… lẩm cẩm như thế. Đã có lần tôi làm “cố vấn” cho con nhỏ bạn về chuyện tình yêu, và tôi đã có nhiều sáng kiến khiến con bạn phục sát đất. Nhưng tôi lại chưa bao giờ yêu ai. Tôi trả lời chú Sỹ vẫn đang chờ đợi:
- Uyên chưa biết yêu. Nhưng Uyên nghĩ nếu yêu thì không nên tính toán. Vì đã tính toán thì sẽ không còn đẹp nữa. Cô Hà đã làm việc đó. Cô ta biết rõ tên phi công là người bất lương mà vẫn yêu.
Tôi chợt im lặng. Tôi thấy tôi đã nói quá nhiều với chú Sỹ về những điều riêng tư. Tôi nói lấp đi:
- Chú đọc đi rồi cho Uyên biết ý kiến nghe!
Bên Hàng Giậu Bên Hàng Giậu - Ý Yên Bên Hàng Giậu