Nếu mặt biển mãi mãi bình lặng, chắc chắn những thủy thủ tài ba sẽ chẳng bao giờ có mặt trên đời.

Ngạn ngữ Anh

 
 
 
 
 
Tác giả: Ý Yên
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Việt Thông
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1517 / 13
Cập nhật: 2015-10-06 21:43:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
rằn trọc hoài, tôi vẫn không sao chợp mắt được. Những ý nghĩ xoay quanh đầu óc: “Mình sẽ đi tìm nữ sĩ Mai Văn”. Ba tôi đã chấp thuận điều đó. Về Sàigòn, tôi sẽ ở nhà dì Tân, và tôi sẽ thực hiện những mộng ước của mình. Điều khiến tôi lo lắng là những lời tôi sắp nói với bà Mai Văn. Chắc chắn là bà ta phải dễ thương lắm, dễ thương như lời văn bà đã viết. Tôi sắp xếp những câu nói sao cho suôn sẻ để giới thiệu mình. Tôi đã nói dối chú Sỹ khi bảo rằng đã đọc hết những tác phẩm của bà Mai Văn. Thật tình thì tôi chỉ mới đọc có vài cuốn. Tôi muốn bắt chước lối viết văn của bà ta. Gần sáng tôi mới chợp mắt thiếp đi vì quá mỏi mệt.
o O o
Vú già nhìn đồng hồ: đã gần mười giờ sáng. Bà hấp tấp bước vào phòng Uyên:
- Dậy đi Uyên, trễ rồi con.
Tôi mở đôi mắt còn ngái ngủ, hỏi:
- Mấy giờ rồi vú?
Và tôi nhảy xuống giường thật lẹ khi nghe câu trả lời.
Để được tươi tỉnh hơn, tôi cố gắng ăn hết hai hột gà ốp la và khúc bánh mì nhỏ. Tôi chọn một chiếc áo màu hồng vằn nâu thật dễ thương để mặc, và mười một giờ trưa, tôi đã ngồi trên xe đò Sàigòn – Đà Lạt.
o O o
- Kìa chị Uyên, má ơi, chị Uyên về má ơi!
Tôi mỉm cười nhìn cô em họ:
- Dì có nhà hả Thủy?
Vừa lúc đó, dì Tân từ nhà sau đi lên:
- Cháu.
- Thưa dì con mới đến.
Tôi để cái xắc nhỏ lên bàn và ngồi vào ghế.
- Con về có chuyện gì không? Ba con vẫn mạnh chứ?
- Thưa dì ba con vẫn thường. Con về có chút việc.
- Việc của ba con phải không?
Tôi lắc đầu, hơi ngập ngừng khi nói mục đích của mình:
- Việc của con dì ạ.
Dì Tân không hỏi thêm, nhưng tôi nhìn Thủy, đứa em họ của mình. Thủy cũng trạc tuổi tôi, và ánh mắt tò mò của Thủy khuyến khích tôi tỏ lộ ý định:
- Con về để lo việc xuất bản.
Tôi đã nói dối, nhưng không có cách nào hơn khi nói đến chuyện đó. Và câu nói đã có hiệu lực gây sự tò mò cho Thủy, cô bé hỏi vội:
- Xuất bản gì đó chị?
Tôi cố giữ khiêm nhượng:
- Một cuốn sách của chị.
- Ồ!
Hai người đối diện tôi đều kêu lên một lượt. Thủy nói:
- Chị viết sách à?
- Ừ, chị viết sách.
- Đã đăng ở báo nào chưa chị Uyên?
Tôi thoáng bối rối. Thật tình tôi không nghĩ đến câu hỏi này để sửa soạn câu trả lời. Nhưng tôi cũng nói:
- Chưa… chị viết xong và in sách ngay. Nhưng ý kiến em rất hay! Đăng lên báo! Có lẽ chị sẽ làm.
Giọng Thủy vui vẻ và đầy khâm phục:
- Em không ngờ chị lại thích văn chương. Chị viết sách tức là trở thành một nữ văn sĩ rồi còn gì?
Dì Tân chen vào:
- Ba con lo việc in hả?
- Dạ… một người bạn của ba con. Ngày mai con sẽ đi gặp ông ta, và sẽ gặp nữ sĩ Mai Văn nữa.
- Ồ, chị quen cả với bà Mai Văn?
Cô bé Thủy đầy kinh ngạc và thán phục, đã hỏi tôi như thế. Tôi thấy mình tự dưng “quan trọng” hẳn lên, và có cảm tưởng như mình là một nhà văn chính cống, một thần tượng vĩ đại rồi vậy. Tôi gật đầu:
- Có, viết văn là phải quen với những người trong giới chứ.
Thủy tò mò:
- Chị quen bà ta lâu chưa?
Tôi moi óc tìm kiếm một thời gian thích hợp:
- Cũng khoảng nửa năm thôi, đúng rồi, mùa hè năm ngoái bà ta đi nghỉ mát ở Đà Lạt. Bà ta có mở cuộc họp mặt với những nhà văn trẻ, trong đó có chị.
- Bà ta ra sao chị?
- Rất tốt.
Tôi làm như mình đã hiểu thật nhiều về bà Mai văn.
- Tuy bà ta có hơi già, nhưng tâm hồn bà rất trẻ trung…
Thủy biểu đồng tình:
- Các nhà văn đều thế cả. Già khú đế mà vẫn như con nít. Nhưng chị Uyên nè, chị kể cho Thủy nghe làm thế nào chị trở thành văn sĩ đi!
Dì Tân gạt đi:
- Con để chị Uyên nghỉ đã, nó mới về chắc là mệt lắm.
Nhưng tôi đã nói:
- Dì đừng lo cho con, để con kể cho em Thủy nghe những gì con biết.
Và tôi bắt đầu thao thao về những đề tài văn chương, những vấn đề mà mình chỉ biết qua lý thuyết chứ không có một chút thực tiễn nào. Thủy chăm chú nghe, thỉnh thoảng lại gật đầu đầy vẻ hiểu biết và khâm phục.
o O o
Dừng trước một biệt thự xinh xắn, tôi đưa tay bấm chuông và chờ đợi. Một người đàn bà độ ngoài bốn mươi ra mở cửa. Bà ta hơi ngạc nhiên nghe tôi bảo muốn gặp nữ sĩ Mai Văn.
- Cô đã hẹn trước với bà ấy rồi chứ?
- Không! Nhưng phiền bà vào nói với bà nữ sĩ là có Ý Yên… một nữ văn sĩ…
Tôi bỏ dở câu nói, hơi bối rối vì người đàn bà vẫn dửng dưng trước tên của mình. Bà ta không biểu lộ chút kính trọng nào khi nghe tôi giới thiệu.
Sau cùng bà ta nói:
- Cô làm ơn viết cho vài chữ để tôi mang vào cho bà chủ.
Tôi vội nói:
- Nhưng việc này cần lắm, xin bà cho tôi được gặp nữ sĩ.
Người đàn bà tỏ vẻ ngần ngại:
- Cô đợi tôi nói chuyện này với cô Bích Ngọc xem sao.
Tôi nhìn theo người đàn bà trở gót vô phòng. Không đầy hai phút sau, một người đàn bà nhỏ con, khuôn mặt hơi ngắn, bước ra. Bà ta hỏi:
- Có chuyện gì ồn ào thế?
- Bà… có phải bà là nữ sĩ Mai Văn?
- Không, tôi là thư ký riêng. Nhưng hôm nay bà Mai Văn đâu có cái hẹn nào!
Tôi cố thu hết can đảm:
- Vâng, thưa bà, tôi biết mình thật táo bạo, nhưng xin bà cảm thông dùm. Tôi từ Đà Lạt về đây và chỉ có mong ước là gặp được nữ sĩ. Tôi rất ngưỡng mộ những tác phẩm của nữ sĩ. Tôi nghĩ là nữ sĩ không bao giờ từ chối giúp đỡ những người trẻ muốn theo nghiệp văn chương…
“Cô Bích Ngọc”, tức nữ thư ký riêng của bà Mai Văn, hơi nhún vai:
- Thiết tưởng đó không phải là công việc của chúng tôi. Tôi không có nhiều thì giờ.
Bà ta đặt tay lên chốt cửa. Vừa lúc ấy có tiếng lanh lảnh cất lên:
- Cô Bích Ngọc đâu rồi?
Sự phách lối biến mất trên gương mặt người đàn bà; bà ta chực chạy đến, nhưng cánh cửa đã mở.
Giọng nói đầy uy quyền:
- Gì thế cô Bích Ngọc?
- Thưa bà…
Tôi biết ngay đó là bà Mai Văn. Tia sáng lóe lên trong mắt và tôi nhận thấy giọng mình lạc đi:
- Thưa bà tôi muốn…
Tôi cảm thấy khó khăn khi nói lên ước muốn của mình. Những ý nghĩ đảo lộn trong đầu óc. Trước kia tôi đã tưởng tượng ra nữ sĩ Mai Văn như một vóc dáng mảnh mai, dịu dàng và nghiêm nghị, thanh nhã nhưng hiền lành. Đằng này, đứng trước tôi, Mai Văn là một người đàn bà lực lưỡng, có dáng dấp đàn ông với hai vai rộng và khuôn mặt vuông.
- Cái gì thế? Bà ta hất hàm về phía cô nữ thư ký.
Thêm một lần, tôi cố thu can đảm:
- Thưa bà, tôi rất sung sướng được gặp bà…
Bích Ngọc ngắt lời:
- Không có gì là quan trọng, tôi đã nói với cô ta rằng bà không có thời giờ…
Ba Mai Văn nói:
- Thôi được, chờ tôi một phút.
Rồi bà quay sang nói với tôi:
- Muốn gì cô cứ nói.
- Thưa bà, tôi mến mộ bà thật nhiều… Tôi muốn viết một quyển tiểu thuyết nhưng tôi hơi ngại. Bà có thể giúp tôi bằng cách chỉ dẫn được không?
Bà Mai Văn cười phá lên:
- Cô bé ơi, tôi đâu có thì giờ để dạy bảo, tôi còn nhiều chuyện khác để làm, tôi sắp đi xa.
Tôi cảm thấy thất vọng cùng cực. Tôi cúi đầu nói nhỏ:
- Nhưng thưa bà… một nghệ sĩ đại tài như bà không thể từ chối…
Bà Mai Văn có vẻ thương hại:
- Lẽ dĩ nhiên cô có thể thổi phồng những điều tôi làm. Nhưng trong mọi trường hợp người ta đều có sự bắt đầu. Cô đã viết được gì rồi nào?
- Ơ… chưa, tôi chưa viết gì ngoài những bài thơ và một vài tùy bút.
- Như thế chưa đủ, cô phải viết thêm. Nếu tôi có thì giờ, tôi sẽ nói với cô thật rõ ràng… hãy viết đi, viết thật nhiều, rồi cô sẽ thấy tôi nói có lý.
Lần này bà Mai Văn thật sự rời tôi, nhưng tiếng nói của bà vẫn còn vang đâu đây: “Hãy viết đi, hãy viết đi cô bé”… Người đàn bà giúp việc hiện ra. Không nói một lời, bà ta mở cửa và tôi bước ra như một cái máy.
Trên đường về tôi lan man trong muôn ngàn ý nghĩ. Mình sẽ viết vào chiều nay, phải bắt đầu ngay để khỏi mất cảm hứng. “Nó” sẽ là một thiên tiểu thuyết tuyệt vời, làm say sưa độc giả nhiều ngày; những cuộc mạo hiểm ly kỳ, ma quái làm giao động người đọc. Tôi đứng đón xe về nhà dì mà có cảm tưởng mình đang đi trên những cụm mây hồng. Chung quanh tôi, mọi vật hình như đẹp đẽ hơn, dễ thương hơn…
Bên Hàng Giậu Bên Hàng Giậu - Ý Yên Bên Hàng Giậu