Hope is important because it can make the present moment less difficult to bear. If we believe that tomorrow will be better, we can bear a hardship today.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 389 / 40
Cập nhật: 2019-11-10 14:20:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6 - Những Câu Hỏi Và Những Câu Trả Lời
gày 4 tháng 12, đồng hồ chỉ năm giờ sáng giờ Trái Đất, khi những nhà du hành thức dậy sau năm mươi bốn giờ du hành. Nếu tính theo thời gian thì họ chỉ mới đi hơn nửa khoảng thời gian đã ấn định là năm giờ bốn mươi phút, nhưng nếu tính theo hành trình thì họ đã hoàn thành được gần bảy phần mười đoạn đường.
Sở dĩ có sự lạ lùng như vậy là do vận tốc của đầu đạn đang giảm đều.
Khi họ quan sát Trái Đất qua cái cửa kính ở bên dưới, địa cầu chỉ còn là một chấm nhỏ mờ chìm ngập giữa những tia nắng Mặt Trời. Không còn hình lưỡi liềm, không còn ánh sáng màu xám tro nữa. Ngày mai vào lúc nửa đêm, Trái Đất lại bắt đầu một chu kỳ mới đúng ngay lúc trăng rằm. Ở bên trên, vầng trăng ngày càng tiến đến gần con đường của đầu đạn để gặp nó vào giờ đã định. Tất cả chung quanh là một vòm trời tối đen điểm những chấm sáng, những chấm này trông như đang di chuyển rất chậm. Nhưng vì chúng ta ở quá xa, độ lớn của chúng dường như không thay đổi gì. Mặt Trời và các sao xuất hiện cũng giống như khi người ta thấy chúng từ Trái Đất. Còn Mặt Trăng thì to ra rất nhiều, nhưng ống kính của những nhà du hành không đủ để có thể quan sát được bề mặt của nó và phát hiện những dữ kiện địa hình và địa chất ở đó.
Trong khoảng thời gian trôi qua đó, các nhà du hành bàn bạc không ngừng. Họ chỉ toàn nói về Mặt Trăng. Mọi người đều đóng góp phần hiểu biết của mình vào những cuộc tranh luận. Barbicane và Nicholl thì luôn luôn nghiêm trang, còn Michel Ardan thì bao giờ cũng cười cợt. Vật phóng, vị trí và hướng bay của nó, những dữ kiện bất ngờ có thể xảy ra, những đề phòng cần thiết khi nó rơi xuống Mặt Trăng, đó là những đề tài không bao giờ cạn trong phán đoán của họ. Chính ngay lúc đang ăn sáng Michel đã hỏi một câu có liên quan đến đầu đạn khiến Barbicane phải giải đáp một cách rất ngộ nghĩnh, đáng được tường thuật lại. Michel đưa ra giả thuyết rằng đầu đạn bỗng ngừng lại trong khi đang bay với vận tốc ban đầu khủng khiếp của nó, anh muốn biết những hậu quả sẽ xảy ra như thế nào.
Barbicane trả lời.
- Nhưng tôi không thấy một lý do nào khiến đầu đạn có thể ngừng lại.
- Ta cứ giả sử như thế đi – Michel bướng bỉnh.
- Một giả thuyết không thể thực hiện được – ông Barbicane thực tiễn vặn lại – Ngoại trừ có một lực đẩy nào đó. Nhưng lúc bấy giờ, vận tốc của đầu đạn sẽ giảm từ từ và nó không thể nào ngừng lại đột ngột được.
- Giả sử nó đụng phải một vật thể trong không gian chẳng hạn.
- Vật nào?
- Thiên thạch to tướng mà chúng ta vừa gặp đấy.
- Lúc bấy giờ – Nicholl nói – đầu đạn sẽ vỡ tung ra thành muôn ngàn mảnh cùng với chúng ta.
- Còn hơn thế nữa kia – Barbicane tiếp lời – chúng ta sẽ bị thiêu sống.
- Thiêu sống! – Michel kêu lên – Trời đất! Tiếc là chuyện ấy không xảy ra để xem như thế nào.
- Anh có thể xem được đấy – Barbicane nói tiếp – Ngày nay, người ta biết rằng sức nóng chỉ là một sự biến đổi của chuyển động. Khi người ta đã đun sôi nước, tức người ta tăng thêm sức nóng cho nó, đó là lúc người ta làm cho những phân tử chuyển động.
- Ấy! – Michel nói – Đó là một lý thuyết tài tình đấy.
- Đúng vậy, anh bạn ạ, bởi vì lý thuyết này giải thích được những hiện tượng năng lượng. Nhiệt lượng chỉ là một sự chuyển động phân tử, là một sự dao động của những phân tử trong vật thể. Khi người ta phanh một chiếc xe lửa, xe lửa đứng lại. Nhưng sự cọ xát ấy sẽ gây nên điều gì? Nó biến thành nhiệt lượng và cái phanh nóng lên. Tại sao người ta bôi mỡ vào trục xe? Để nó không nóng lên, vì khi trục xe nóng lên sẽ làm giảm sự chuyển động. Anh hiểu không?
- Hiểu chứ! – Michel đáp ra vẻ hiểu rõ – Như vậy chẳng hạn khi tôi chạy nhiều, khi mồ hôi ra như tắm, tại sao tôi phải dừng lại? Đơn giản chỉ vì sự chuyển động của tôi đã biến thành nhiệt lượng.
Barbicane không thể nhịn cười vì lời đối đáp này của Michel. Rồi ông lại nói tiếp lý thuyết của ông.
- Cũng thế, trong trường hợp có sự va chạm thì đầu đạn của chúng ta cũng giống như một viên đạn phát cháy khi va vào tấm kim loại. Chính sự chuyển động của nó đã biến thành nhiệt lượng. Vì thế, tôi khẳng định rằng nếu quả đạn của chúng ta đụng phải thiên thạch kia, tốc độ của nó bỗng chốc bị triệt tiêu sẽ biến thành một nhiệt lượng có thể làm cho nó cháy bùng lên ngay lập tức.
- Thế việc gì sẽ xảy ra nếu Trái Đất thình lình dừng lại trong khi đang di chuyển.
- Nhiệt độ của nó sẽ đạt đến độ khiến nó bốc hơi ngay lập tức – Barbicane đáp.
- Tốt, đó là một phương cách đơn giản nhất để chấm dứt cái thế giới này.
- Và nếu Trái Đất rơi xuống Mặt Trời thì sao? – Nicholl hỏi.
- Theo tính toán, Trái Đất rơi xuống Mặt Trời sẽ phát sinh một nhiệt lượng bằng nhiệt lượng của một ngàn sáu trăm quả cầu bằng than, mỗi quả có thể tích bằng quả đất chúng ta.
- Nếu Mặt Trời tăng nhiệt độ như thế, thì cư dân trên Thiên Vương Tinh hoặc Hải Vương Tinh chắc sẽ không phải phàn nàn về việc họ phải chết rét trên hành tinh của họ nữa – Michel lại nói.
- Thế đấy, các bạn ạ – Barbicane tiếp – Tất cả những chuyển động đột ngột ngừng lại đều sinh ra nhiệt lượng. Và lý thuyết này cho phép khẳng định rằng sức nóng của Mặt Trời được cung cấp bởi những trận mưa thiên thạch không ngừng rơi xuống bề mặt của nó. Người ta còn tính…
- Đáng nghi ngờ lắm – Michel thì thầm – Những con số cứ thế sẽ tăng lên mãi.
- Người ta còn tính rằng sự va chạm của mỗi thiên thạch vào Mặt Trời sẽ phát sinh một nhiệt lượng bằng nhiệt lượng của bốn ngàn khối lượng than đá có thể tích bằng thiên thạch đó – Barbicane không nao núng trả lời.
- Thế nhiệt lượng của Mặt Trời là bao nhiêu? – Michel hỏi.
- Nhiệt lượng của nó bằng nhiệt lượng được tạo bởi một lớp than dày hai mươi bảy kilômét bao quanh Mặt Trời.
- Thế nhiệt lượng này…?
- Có thể làm cho hai tỷ chín trăm triệu mét khối nước sôi lên trong mỗi giờ.
- Thế tại sao nó lại không nướng chín chúng ta? – Michel kêu lên.
- Không – Barbicane đáp – bởi vì khí quyển của Trái Đất hấp thụ bốn phần mười nhiệt lượng của Mặt Trời. Mặt khác, nhiệt lượng mà Trái Đất hấp thụ được chỉ là một phần hai tỷ bức xạ Mặt Trời mà thôi.
- Tôi rõ rồi, được như vậy thì tốt – Michel lại đáp – Lớp khí quyển này thật là một sáng tạo hữu ích, bởi vì không những nó cung cấp không khí cho chúng ta thở mà còn ngăn cho chúng ta bị nướng cháy.
- Phải – Nicholl nói – nhưng vô phúc là nó lại không như thế trên Mặt Trăng.
- Chà! Chắc chắn nếu có cư dân ở trên đó thì ắt họ phải thở chứ. Nếu họ không còn ở đó nữa, thì họ cũng để lại khá đủ ôxi, đủ ba người thở, chắc là trọng lực đã dồn nó vào dưới đáy những thung lũng! Thế thì chúng ta đừng leo lên núi làm gì! Vấn đề là ở đó.
Và Michel đứng dậy, lại bên cửa kính ngắm Mặt Trăng lúc ấy đang sáng chói lọi.
- Nơi chết giẫm! – Anh nói – Trên đó chắc là nóng.
- Đó là chưa nói đến chuyện ngày ở đó kéo dài tới ba trăm sáu mươi giờ đấy! – Nicholl đáp.
- Bù lại – Barbicane tiếp lời – đêm cũng kéo dài một khoảng thời gian như vậy. Và vì sức nóng được tạo ra bởi quá trình bức xạ nên nhiệt độ chỉ là nhiệt độ của không gian liên hành tinh.
- Một xứ sở thật tuyệt! – Michel nói – Mặc kệ tất cả! Tôi ao ước được ở trên đó! Chà! Các bạn ạ, giá như Trái Đất trở thành Mặt Trăng, từ Mặt Trăng chúng ta nhìn thấy Trái Đất mọc ở chân trời, nhận ra hình dáng của những lục địa, chúng ta tự nhủ. Kia là Châu Mỹ, kia là Châu Âu, rồi nhìn theo nó khi nó mất hút trong những tia sáng của Mặt Trời, kể cũng thú vị đấy chứ! À này, ông Barbicane, đối với người nguyệt cầu có thiên thực không nhỉ?
- Có, có nhật thực, – Barbicane đáp – khi tâm của ba thiên thể nằm trên một đường thẳng, Trái Đất ở giữa. Nhưng đó chỉ là những thiên thực bán phần. Trong những lúc ấy Trái Đất chiếu bóng mình lên Mặt Trời như một tấm màn, vẫn có thể thấy một phần lớn của Mặt Trời.
- Thế tại sao không có thiên thực toàn phần? Chóp bóng tối của Trái Đất không chiếu trùm lên Mặt Trăng à? – Nicholl hỏi.
- Sẽ có nếu không có sự khúc xạ do bầu khí quyển địa cầu, và sẽ không có nếu tính đến sự khúc xạ đó. Như vậy, nếu cho delta phẩy là thị sai ngang[16] và p phẩy là nửa đường bán kính…
[16] Parallaxe horizontale (ND).
- Trời ơi! – Michel kêu lên – Lại một phần hai v zêrô bình phương!… Ông hãy nói sao cho tất cả mọi người đều hiểu, nhà toán học ạ!
- Thôi được, tôi sẽ diễn giải bằng ngôn ngữ phổ thông vậy – Barbicane đáp – Khoảng cách trung bình giữa Mặt Trăng và Trái Đất bằng sáu mươi lần bán kính Trái Đất, chiều dài của chóp bóng tối sau khi khúc xạ, thu ngắn lại bằng khoảng bốn mươi hai lần bán kính ấy. Do đó, suy ra khi có những thiên thực, Mặt Trăng sẽ nằm bên ngoài chùm bóng tối, và như vậy không những Mặt Trời sẽ rọi những tia sáng ở rìa mà còn rọi những tia sáng vào trung tâm Mặt Trăng.
- Thế thì, tại sao lại có thiên thực, trong khi không có gì cả mới đúng? – Michel hỏi với giọng giễu cợt.
- Bởi vì những tia sáng của Mặt Trời bị khúc xạ nên yếu đi, và vì lớp khí quyển mà chúng xuyên qua đã làm tắt đi một số lớn.
- Lý lẽ này khá thuyết phục đấy – Michel đáp – Mặt khác, chúng ta sẽ thấy rõ điều này khi chúng ta ở trên đó.
- Bây giờ, ông Barbicane ạ, ông hãy nói cho tôi biết, ông có tin rằng Mặt Trăng vốn là một sao chổi không?
- Một ý hay đấy!
- Phải – Michel đáp với cái vẻ tự phụ dễ thương – tôi cũng có một vài ý nghĩ giống như vậy.
- Nhưng đó không phải là một ý nghĩ của Michel – Nicholl đáp.
- Cũng được! Tôi chỉ là một kẻ mạo nhận!
- Đúng thế – Nicholl đáp – Theo những tài liệu của ngày xưa để lại, thì người Arcadien cho rằng tổ tiên của họ đã ở trên Trái Đất trước khi Mặt Trăng trở thành vệ tinh của nó. Từ giả thuyết này, một số nhà bác học cho rằng Mặt Trăng nguyên trước đây là một sao chổi, vào một thời điểm nào đó, quỹ đạo của nó đi sát Trái Đất đến nỗi nó bị lực hút của Trái Đất giữ lại.
- Và trong giả thuyết này có gì là sự thật?
- Không có gì cả – Barbicane đáp – Bằng chứng là Mặt Trăng không còn giữ lại một dấu vết nào về cái lớp khí vẫn luôn luôn đi cùng những sao chổi.
- Nhưng trước khi trở thành vệ tinh của Trái Đất có thể Mặt Trăng khi qua điểm cận nhật đã đến sát Mặt Trời đến nỗi cả lớp khí này đã bị tiêu tan ở đó, điều đó có thể lắm chứ? – Nicholl tiếp tục tranh luận.
- Có thể như vậy, ông bạn Nicholl ạ, nhưng điều đó không chắc lắm đâu.
- Tại sao?
- Bởi vì… quả thật, tôi cũng không biết gì cả.
- Chà! – Michel kêu lên – Người ta có thể viết hàng trăm quyển sách về tất cả những điều người ta không biết.
- Chà, chà! Mấy giờ rồi?
- Thời gian không ngừng lại trong khi những nhà bác học như chúng ta nói chuyện! – Michel nói – Chắc chắn là tôi thấy mình biết thêm được nhiều chuyện. Tôi cảm thấy mình sẽ trở thành một cái giếng mất – Nói xong, Michel leo lên vòm đầu đạn “để quan sát Mặt Trăng cho rõ hơn” anh nói thế. Trong lúc đó những người bạn đồng hành của anh ngắm không gian qua cửa kính bên dưới. Không có gì mới đáng lưu ý.
Khi Michel Ardan đã leo xuống và đến gần cửa sổ bên hông, bỗng anh thốt lên một tiếng kêu kinh ngạc.
- Cái gì thế? – Barbicane hỏi.
Ông chủ tịch tiến lại gần cửa sổ và nhận thấy có một vật gì giống như một cái túi bị đập bẹp đang trôi nổi bên ngoài cách đầu đạn vài mét. Vật này trông có vẻ như đứng yên cũng như quả đạn và vì thế chắc nó cũng di chuyển cùng chiều với quả đạn.
- Cái máy gì thế kia? – Michel Ardan lặp lại – Có phải đó là một tiểu thiên thể mà đầu đạn của chúng ta đã giữ lại trong tầm hấp lực của nó, và vì thế mà nó sẽ đi kèm đầu đạn của chúng ta đến tận Mặt Trăng chăng?
- Điều làm tôi ngạc nhiên là trọng lực của vật thể này chắc phải nhỏ hơn trọng lực của quả đạn nhưng lại có thể giữ nó ở ngang tầm đầu đạn – Nicholl đưa ra thắc mắc.
- Ông Nicholl này – Barbicane lên tiếng sau một lát suy nghĩ – tôi không biết vật này là cái gì, nhưng tôi biết rõ tại sao nó lại nằm ngang tầm của đầu đạn.
- Tại sao?
- Bởi vì chúng ta đang trôi trong chân không ông đại uý ạ, và vì trong chân không, vật thể rơi hoặc chuyển động đều như nhau, với một tốc độ bằng nhau, cho dù trọng lực hoặc hình thể chúng có thế nào đi nữa. Chính không khí, bởi sức cản của nó đã tạo nên độ sai biệt về trọng lượng. Khi ông rút hết không khí ra khỏi cái ống để tạo ở đó khoảng chân không những vật thể được bỏ vào đó, hạt bụi hoặc cục chì, đều rơi với vận tốc như nhau, ở đây, trong không gian cũng cùng một nguyên nhân và cùng một kết quả như vậy.
- Rất đúng! – Nicholl nói – Tất cả những gì chúng ta quăng ra ngoài đầu đạn đều tiếp tục đi kèm nó trong một cuộc hành trình đến tận Mặt Trăng.
- À! Chúng ta dại lắm! – Michel kêu lên.
- Lấy đâu ra nhận xét này thế? – Barbicane hỏi.
- Vì chúng ta đã phải chất đầy trong đầu đạn những vật cần thiết, sách vở, dụng cụ, đồ đạc… Vậy thì chúng ta hãy quăng tất cả những thứ đó ra ngoài và “tất cả” sẽ chạy theo chúng ta thôi! Tôi còn nghĩ. Tại sao chúng ta không đi ra bên ngoài như các vật kia nhỉ? Tại sao chúng ta không ném mình qua cửa sổ để ra ngoài không gian? Thú vị biết bao khi được lơ lửng trong không khí ête, tuyệt vời hơn cả chim vì chim luôn luôn phải đập cánh để giữ mình trong không khí.
- Đồng ý – Barbicane nói – nhưng làm thế nào mà thở được?
- Không khí thật đáng nguyền rủa, nhằm lúc này lại thiếu đi!
- Nhưng nó không thiếu đi thì Michel ạ, tỷ trọng của anh sẽ nhỏ hơn tỷ trọng của đầu đạn, anh sẽ rơi lại đàng sau ngay thôi.
- Rõ là một vòng lẩn quẩn.
- Tất cả đều lẩn quẩn như vậy cả.
- Và chúng ta phải chịu nhốt trong toa tàu này à?
- Phải thế.
- A! – Michel la to lên.
- Cái gì thế? – Nicholl hỏi.
- Tôi biết rồi, tôi đoán ra được cái vật bên ngoài kia là cái gì rồi! Đó không phải là một tiểu hành tinh! Cũng không phải là một mảnh hành tinh vỡ ra!
- Vậy nó là cái gì? – Barbicane hỏi.
- Đó chính là con chó bất hạnh của chúng ta, chồng của con Diane đó!
Quả thật, vật thể méo mó, không biết là cái gì, hình thù gì kia, chính là cái xác của con Satellite, bẹp lép như một cái kèn túi xẹp hơi, và nó cứ bay lên, bay lên mãi.
Bay Quanh Mặt Trăng Bay Quanh Mặt Trăng - Jules Verne Bay Quanh Mặt Trăng