If there's a book you really want to read but it hasn't been written yet, then you must write it.

Toni Morrison

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Trung Thiều
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2212 / 48
Cập nhật: 2016-05-15 20:27:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 23
gữ hào hứng hứa sẽ vào Lăng cô tìm Ngô cho Diễm, mà quên mất một điều quan trọng: Ngữ sẽ đi bằng phương tiện gì đây?
Từ lúc Huế gần như bị phong tỏa, các chuyến xe đò Đà nẵng – Huế đã ngưng hoạt động. Thiên hạ xao xác chạy đi lo mua trữ lương thực và đồ ăn khô, không ai còn tâm trí đâu lo chuyện buôn bán, di chuyển. Chiếc Honda 90 của Lãng không còn để ở nhà. Không ai biết nó ở đâu! Hoặc Lãng đã vào Lăng cô bằng xe Honda chứ không đi theo xe Dodge-4 Tiểu khu như các thanh niên quyết tử khác, hoặc Lãng đã giao chiếc xe đó cho những liên lạc viên thay thế mình tại Viện Đại học. Lãng và Ngô từ biệt ông Văn ra đi, ông bối rối không biết xử trí thế nào, nên ngăn họ hay nên khuyến khích cổ võ họ, cho nên hai người đi bằng phương tiện gì, ông nằm trong phòng không hề biết!
Ngữ chạy quanh một ngày tìm phương tiện đi Lăng cô không được, tìm gặp Tường để hỏi xem những chiếc Dodge-4 Tiểu khu cho mượn để chở thanh niên quyết tử có thể cho Ngữ quá giang không. Tường nghe Ngữ đòi đi Lăng cô, mừng rỡ nói:
- Mày vào trong đó hả? Hoan hô! Ít ra mày cũng phải chứng tỏ là... chứng tỏ là…
Tường không tìm được một chữ thích hợp, vì nếu dùng các chữ kêu quá, Tường biết Ngữ sẽ không hãnh diện mà chỉ khó chịu. Ngữ không chờ bạn nói hết câu, vội vã hỏi:
- Có chuyến xe nào đi Lăng cô không?
Tường chợt nhớ thực tế, nét vui mừng biến mất. Tường do dự, rồi một lúc sau phải nói thật với Ngữ:
- Tiểu khu họ rút xe về hết rồi. Tụi tao phải dùng xe gắn máy để thông tin và tiếp tế cho các toán xa. Kẹt nhất là những toán rải đi quá rộng, như Lăng cô chẳng hạn.
Thấy Ngữ thất vọng, Tường nói thêm:
- Để mai tao tìm cách xoay phương tiện cho mày. Bữa nay thì chịu. Mày ở lại đây làm việc với tụi tao không?
Ngữ thấy Tường thấp thỏm như muốn mau mau chấm dứt câu chuyện với bạn để còn lo việc khác,nên đáp:
-Thôi để sáng mai tao trở lại. Nếu không đi được, sẽ ở lại hoạt động với tụi mày luôn.
Tường thở phào nói:
- Thế cũng tiện. Tình hình gay go, tao cần những người thật tin cẩn giúp đỡ.
Ngữ chia tay Tường ra về. Chạy lăng quăng suốt ngày nên chàng mệt nhoài, tắm rửa xong ăn vài bát cơm là nằm lăn ra ngủ. Giấc ngủ chập chờn. Ngữ chỉ thức dậy khi bà Văn đập vai lay chàng.Chàng nghe mẹ bảo:
- Ngữ! Ngữ! Dậy giúp má một tay. Trời ơi! Chộn rộn thế này mà ngủ được!
Ngữ dụi mắt ngồi dậy, thấy trong phòng còn có cả Quế.
Ngữ hỏi:
- Chuyện gì vậy má?
Bà Văn đưa mắt liếc về phía phòng ông Văn có vẻ lo ngại. Giọng bà thấp xuống, gần như thì thào:
- Dậy khiêng giùm với má cái bàn thờ.
Ngữ không hiểu, hỏi lại:
- Khiêng bàn thờ à? Dời đi đâu?
Quế chen vào giải thích:
- Hàng xóm họ đem cả bàn thờ Phật bày trước đường. Nhà mình không đem ra, sợ họ nói.
Ngữ ngơ ngác chẳng hiểu gì cả, hỏi Quế:
- Ðem bàn thờ Phật ra đường làm gì?
Quế bắt đầu sốt ruột, giọng mất bình tĩnh:
- Em đâu biết! Nghe nói lệnh của chùa. Nghe nói… nghe nói các thầy bảo quân Sài gờn muốn tiêu diệt đạo Phật, thì cứ đem bàn thờ Phật đặt sẵn ngoài đường cho họ phá.
Ngữ ngạc nhiên, trí óc càng hoang mang hơn. Chàng ngờ rằng mình chưa tỉnh ngủ hẳn, nên nói với mẹ:
- Má để con đi rửa mặt đã!
Bà Văn mừng rỡ tưởng con bằng lòng, nên căn dặn:
- Con đi rón rén đừng làm rộn ba. Tao với ba mày vừa cãi nhau về chuyện đem bàn thờ ra đường đấy. Ổng biết lại phiền!
Ngữ xuống bếp rửa mặt. Quế và mẹ chàng vẫn còn ngồi đợi trong phòng. Rửa mặt xong, chàng đì thẳng ra phòng trước hé cửa nhìn hai bên phố. Quả nhiên đúng như lời mẹ chàng nói, hàng xóm đã mang bàn thờ Phật đặt ngay khoảng đường trước mặt nhà. Trên bàn thờ nào cũng đầy đủ lư hương, đèn cầy, tượng hoặc ảnh Đức Phật, dĩa hoa quả. Nhiều bà cụ đang xì xụp lạy Phật một cách thành kính.
Hình ảnh cả một dãy phố dài đầy bàn thờ Phật lần đầu tiên Ngữ thấy đập mạnh vào mắt chàng. Ngữ không tin được, cảm giác ngầy ngật bập bềnh như sống trong mơ.
Chàng khép cửa, vội trở về phòng. Bà Văn hỏi:
- Ðã tỉnh ngủ chưa? Ba mày có còn ở phòng trước nữa không?
Ngữ chỉ đáp câu hỏi sau:
- Dạ không. Con không thấy ba ngoài đó.
Quế nói:
- Em với má thử khiêng cái bàn thờ, nhưng nặng quá nhấc không nổi. Anh chịu một đầu, má với em một đầu, chắc được.
Ngữ nghiêm mặt hỏi mẹ:
- Sao lại có chuyện kỳ quặc vậy?
Bà Văn cau mày than:
- Nữa! Mày lại giở y cái giọng của ba mày. Kỳ quặc hay không không cần biết. Người ta làm gì, mình làm nấy. Loạn lạc đến nơi rồi, không khiêng bàn thờ ra, họ thù, khổ lắm.
Ngữ cãi:
- Nhưng làm gì cũng phải có cái lý của nó chứ!
Quế phụng phịu nói lẩy với bà Văn:
- Ảnh không chịu khiêng thì con với má rán khiêng vậy!
Ngữ quắc mắt lườm Quế, rồi nói với bà Văn:
- Má muốn khiêng thì khiêng. Nhưng ai ra cái lệnh này?
Bà Văn gắt gỏng:
- Con Quế đã nói rồi. Trên chùa.
- Nhưng nhà mình có qui y chùa nào đâu. Với lại làm gì có bàn thờ Phật?
Bà Văn mất bình tĩnh hơn trước:
- Cứ khiêng bàn thờ ông bà ra cho giống người ta. Lại cãi!
Quế nói:
- Đem cái ảnh Phật của chị Nam ra cũng được.
Có tiếng động trong phòng ông Văn. Bà Văn im lặng lắng nghe, nét mặt lo lắng. Bà thì thào bảo Ngữ:
- Mày có khiêng không thì bảo?
Ngữ đáp:
- Được. Tùy ý má.
Đồ thờ trên bàn thờ ở phòng dưới đã được bê hết xuống đặt trên nền nhà. Cái bàn gỗ lim nặng nề có chạm khắc công phu nằm lệch xa một chút khỏi vách, do hai mẹ con Quế cố gắng mà không xê xích được nhiều. Ngữ phụ một tay, chịu cả một bên, bà Văn và Quế khiêng bên kia. Tuy vậy ba người vẫn ì ạch lắm mới nhích cái bàn thờ ra từng chút một. Lúc họ khiêng được khỏi cửa trước, ông Văn từ trong phòng riêng đi ra. Ông nhìn cảnh ba người khó nhọc, buồn rầu lắc đầu không nói gì. Cũng không làm gì. Mọi sự vượt qua sức mạnh của thân xác lẫn tinh thần của ông. Ông bất lực!
o O o
Tối hôm ấy ở cửa hiệu radio Thanh Tuyến cũng diễn ra những chuyện tương tự. Trên lề đường Trần Hưng Ðạo, những bàn thờ Phật đầy đủ hoa quả hương nến bày dài giống y một phiên chợ Tết ở thôn quê. Nhiều bà cụ già mặc áo thâm ra ngồi cả ngoài đường tụng kinh.
Bà Thanh Tuyến, Quỳnh Trang, Quỳnh Như ngồi xúm quanh quầy thu ngân xì xầm bàn luận. Họ đã qua khỏi giai đoạn “nên hay không nên” đem bàn thờ Phật ra đường. Hiện họ lo giải quyết một trở ngại lớn lao: bàn thờ Phật ở nhà này đã được đóng dính vào vách gỗ ở phòng khách như một cái kệ mỹ thuật để chưng bày pho tượng Phật bằng ngọc quí, nên không có cách nào tách ra và bê xuống đường phố được.
Bà Thanh Tuyến lo quá, gương mặt vốn hốc hác vì lo cho tương lai, lo cho Tường, lo bị chính quyền Sài gòn trừng phạt vì các hoạt động lâu nay của Tường, lo cảnh cướp bóc nếu có loạn lạc, bây giờ lại càng hốc hác hơn. Giọng bà yếu ớt lạc hẳn đi:
- Cách nào cũng phải có bàn thờ Phật với người ta. Không có không được.
Quỳnh Như nói:
- Có anh Tường mà sợ gì hở me! Mình chỉ cần bảo là không gỡ bàn thờ ra được!
Bà Thanh Tuyến nói:
- Bên Cứu quốc khác, bên nhà chùa khác. Hai cửa hiệu bên cạnh mình họ bắt đầu xì xầm dòm ngó rồi đó.
Quỳnh Trang chỉ cái bàn gỗ vẫn dùng để bày hai cặp loa Nhật, hỏi mẹ:
- Hay mình dùng cái bàn này?
Bà Thanh Tuyến lắc đầu:
- Cao quá, không ra bàn thờ. Bày bàn thờ mà nhếch nhác quá, càng bị người ta nói.
Quỳnh Như đề nghị:
- Mình phủ tấm khăn bàn lên, được không me?
Bà Thanh Tuyến suy nghĩ một lúc, rồi đáp:
- Ừ, cũng được. Nhưng phải tìm cái bàn chân thấp hơn.
Quỳnh Như vỗ tay, giọng reo mừng:
- Thì lấy cái bàn nhỏ con vẫn dùng để đặt cái đèn ngủ. Phải đấy! Cái bàn đó vừa gọn vừa thấp. Mang lư hương, hai cái cắm nến, tượng Phật xuống nữa, là chu!
Quỳnh Trang lo lắng:
- Đem cái tượng ngọc xuống, sợ…
Bà Thanh Tuyến cắt lời con:
- Có mất cũng được. Miễn cho qua lúc loạn lạc này. Me không còn thiết gì nữa. Cầu Trời Phật cho gia đình ta yên ổn!
o O o
Trên con đường chạy dọc theo bên này bờ sông An cựu, từ dốc chùa Từ đàm cho tới xóm ga, nhà nào cũng đem bày bàn thờ Phật ra giữa đường. Các bàn thờ Phật không bày sát trước cửa nhà để chừa trống lối đi lại, mà đặt chéo lẫn nhau, bàn thờ này bày dọc bên lề đường bên trái thì bàn thờ tiếp theo bày ở bên phải, lộ rõ chủ ý ngăn chặn không cho xe cộ đi lại. Đã thế, từng nhóm đông Phật tử lũ lượt đi lạy hết bàn thờ này tới bàn thờ khác, nên có muốn cưỡi xe đạp đi ngang qua đó cũng không được. Người lẹ tay nhanh mắt đến mấy cũng có thể tông phải hoặc người đang xì xụp lạy Phật, hoặc làm đổ bàn thờ. Thật tai họa chết người! Cho nên ai cũng khôn ngoan dắt xe đi bộ, nét mặt cung kính buồn rầu để chia sẻ cái tang chung của Phật tử. Duy chỉ có khoảng đường trước nhà ông Bỗng là trống trơn một cách kỳ dị, khác thường.
Ông Bỗng dứt khoát không cho phép bà Bỗng và Diễm được đem bàn thờ ra đường.
Bà Bỗng mới e dè nói vài câu về cách sống khôn ngoan trong buổi loạn lạc, ông Bỗng đã nổi nóng quát tháo ầm ĩ. Nhiều câu thật hỗn đối với các nhà sư. Bà Bỗng sợ quá, nín khe, cho ông khỏi nói thêm điều gì nữa. Ông quay sang chửi Diễm vì cái tội không tìm Ngô về cho ông. Diễm thút thít khóc, chịu đựng. Ðể tránh sự dòm ngó khó chịu của người qua đường, bà Bỗng bảo Diễm đóng cửa trước lại. Mỗi người tìm một góc ngồi thu mình gặm nhấm nỗi tức giận hoặc sợ hãi của mình.
Họ đi ngủ sớm, nhưng không ai ngủ được. Tiếng bước chân đi lại bên kia vách, tiếng xì xào nói chuyện, tiếng tụng kinh, tiếng mõ tiếng chuông vang thật rõ trong đêm, giống y như cả khu nhà ven sông đang dự lễ cầu siêu cho một cái chết tập thể. Diễm nghe rõ cả những lời bàn tán về gia đình mình. Có người nói:
- Nhà này chắc theo Công giáo!
Có người am tường hơn:
- Thằng cha này bướng lắm. Lâu nay vẫn thậm thà thậm thụt với tụi Phủ cam!
Diễm nín thở lo ngại, không biết cả cha mẹ mình có nghe những lời dị nghị ấy không. Có lẽ hai người đều có nghe, vì bên giường mẹ, Diễm nghe tiếng nang giường trăn trở, và lâu lâu nàng nghe cả lời lầm bầm của cha.
Sáng hôm sau, Diễm dậy sớm ra hé cửa nhìn thử ra đường. Bên ngoài, người đi lại thưa thớt hơn buổi tối. Các bàn thờ Phật vẫn còn đó, tuy hai bàn thờ ở trong tầm nhìn của Diễm đã tắt hết đèn và hương đã lụn. Thấy vắng người, Diễm bạo dạn ra hẳn ngoài đường. Nàng mở mắt thật lớn, tưởng mình trông lầm: đêm qua ai đó đã vạch một chữ thập chéo bằng than lên tường phía trước căn nhà Diễm. Gia đình ông bà Bỗng đã bị đánh dấu, vì đi ngược dòng.
o O o
Không chịu đựng được sự mù mờ khó hiểu nên ngay đêm đó, sau khi phụ với mẹ và em khiêng bàn thờ ra đường Chi lăng, Ngữ lấy xe đạp đi tìm Tường. Bà Văn lo ngại hỏi con:
- Giờ này còn đi đâu đấy?
Ngữ trấn an mẹ bằng cách nói dối:
- Con chỉ đi mua bao thuốc lá, rồi về.
Chàng dắt xe đi qua những phố bàn thờ Phật bày ngổn ngang, từ khu Gia hội cho đến phố Trần Hưng Đạo. Ðến cầu Trường tiền Ngữ mới lên yên đạp xe bình thường được. Tìm mãi, chàng mới gặp Tường ở khu Ðại học Sư phạm.
Chưa kịp hỏi, Tường đã hỏi Ngữ trước:
- Mày thấy sức mạnh của quần chúng chưa? Chỉ cần hô lên một tiếng, bà con Phật tử đã nhất loạt đưa bàn thờ Phật xuống đường.
Ngữ thấy chung quanh Tường có nhiều thanh niên lạ, nên không tiện nói nhiều. Chàng bảo:
- Mày giải quyết cho xong công chuyện đi.
Tường vui vẻ đáp:
- Ðược. Tụi tao đang bận một chút. Mày có việc gì cần không?
Ngữ do dự chưa nói gì, Tường đã tiếp:
- Vẫn chưa có xe cho mày vào Lăng cô. Mày nóng ruột phải không. Tụi tao chưa bắt được liên lạc với trong đó.
Ngữ nói:
- Thôi tao ra ngoài kia một chút. Mày họp tiếp đi.
Tường quay lại đám bạn bè, không chút khách sáo. Ngữ bỏ ra xa, không muốn những người chàng chưa quen cảm thấy khó chịu vì sự có mặt của mình.
Nửa giờ sau, mọi người lục tục đi ra, ai cũng có vẻ hấp tấp. Tường ra sau cùng. Ngữ hỏi ngay:
- Sao lại có vụ đưa bàn thờ ra đường kỳ cục vậy?
Tường cười lớn, hỏi lại:
- Mày thấy kỳ cục à? Vì mày không phải là Phật tử.
Ngữ cãi lại:
- Mày cũng không phải Phật tử.
- Vâng. Tao cũng thấy biện pháp trên chùa đưa ra là kỳ cục, nhưng đúng lúc. Và rất hợp với tâm lý quần chúng, lại tác động mạnh tới dư luận thế giới. Bây giờ tao mới thấy mình lầm lẫn, đánh giá sai phương thức đấu tranh bất bạo động của Phật giáo. Mấy ngày trước đây, Nam cho tao biết sắp có một vụ tự thiêu. Tao nói với Nam làm như thế vô ích. Bây giờ không phải là lúc tự tử để cho người ta xuýt xoa thương xót. Bây giờ là lúc phải cầm súng. Nhưng tao đã lầm. Johnson làm ngơ trước mọi lời phản đối công kích của anh em sinh viên, của cả thượng tọa Trí Quang. Nhưng vụ tự thiêu của một ni cô vô danh buộc lão phải lên tiếng. Rồi một loạt bảy tám vụ tự thiêu khác xảy ra khắp nơi làm chấn động dư luận. Người ta phải thắc mắc đặt câu hỏi như đã từng hỏi thời hòa thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu ở trước tòa đại sứ Cam Bốt tại Sàigòn, là chính thể Sài gòn thật sự phải cư xử tàn nhẫn với Phật giáo đến một mức nào đó mới khiến Phật tử phẩn uất đến mức liều thân như vậy. Câu hỏi đó đã quật ngã chế độ Ngô Đình Diệm. Bây giờ, chúng ta cũng cần tạo cho dư luận Mỹ những thắc mắc tương tự.
Ngữ bực tức hỏi:
- Vì vậy nên mới đưa bàn thờ Phật xuống đường?
Tường quả quyết đáp:
- Đúng. Vì vậy anh em mới họp để vận động tất cả học sinh sinh viên chia nhau đi lạy ở các bàn thờ Phật. Mày thấy không, nhiều Phật tử vừa lạy vừa khóc. Tao đã nghe một bà cụ vừa thút thít vừa kêu lên: “Mô Phật! Chúng nó tàn ác quá. Đến nỗi Đức Phật phải dầm sương dãi gió thế này!” Đấy, mày thấy không? Sự bất nhẫn thiêng liêng đó sẽ ngăn được mọi toan tính của bọn tướng tá Sài gòn. Mày tin tao đi! Bây giờ mày rảnh không?
- Ðể làm gì?
- Ði lạy bàn thờ Phật với tụi tao.
Ngữ muốn từ chối phắt, nhưng thấy bạn hăng hái quá, chỉ nói tránh bằng cách hỏi:
- Nam nó có bên đài không?
Tường hơi khựng lại, nhưng cũng đáp:
- Chắc có bên đó. Có việc gì thế?
Ngữ phải đặt điều nói dối lần nữa:
- Má tao bảo đưa cho nó ít tiền.
Tường tưởng thật, vui vẻ nói:
- “Bà bô” tiến bộ dữ. Thôi, mày qua đó đi!
Bão Nổi Bão Nổi - Nguyễn Mộng Giác Bão Nổi