Người ta sẽ học được nhiều hơn từ lỗi lầm của mình, nếu như họ không quá bận rộn chối bỏ lỗi lầm của mình.

J. Harold Smith

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1490 / 107
Cập nhật: 2017-08-04 07:54:02 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chuyện Mắm Ba Khía Ở London
ắt ba khía kiếm sống trong mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long.
Mỗi lần muốn ăn món Việt Nam, tôi phải tới Hackney, một khu đất rất “dao búa” ở phía Bắc London có nhiều người Việt sinh sống, xe cộ bóp còi inh ỏi không khác gì ở Việt Nam. Bởi vậy có thèm món Việt tôi cũng ráng chịu khó ăn món Tây ngày này qua ngày khác, vài tháng mới một lần vào mấy quán Việt trên đường Mare mua vội vàng nhiều món rồi về.
Tình cờ đợt đi lần này, tôi phát hiện một món đựng trong hộp nhựa vuông nhỏ xíu trong quầy đông lạnh, nhìn không có vẻ gì khởi sắc. Nhưng lướt mắt qua tôi vui mừng phát hiện ra hàng chữ “Mắm ba khía” bên trên. Tôi mua ngay, không phải vì rẻ quá (mà rẻ thật, một hộp khoảng hai lạng chỉ có 1.5 bảng Anh, khoảng 38.000 đồng), mà vì nghe đồn mắm ba khía ngon lắm nhưng chưa thử lần nào. Về tới nhà, có thèm đến mấy cũng phải ráng chờ đến cuối tuần hai bạn chung nhà đi chơi tôi mới khui hộp mắm. Sống chung với dân bản xứ tôi giữ ý không nấu những món mà mình thấy thơm nhức mũi nhưng người ta không chịu được mùi, giống như mình không chịu được mùi phô mai lên mốc xanh mốc đen của Tây hoặc đậu phụ Đài Loan.
Tôi múc vài muỗng mắm ba khía vào chén rồi cho vào lò vi ba để rã đông. Ba bốn phút sau mùi mắm đã bốc lên thơm lừng lẫy. Thời gian đó đủ để tôi xắt trái khế mua cùng đợt thành Hackney ra thành lát mỏng như những ngôi sao mọng nước, xắt hành tím khô và gừng ra thành sợi nhỏ, ngắt bó ngò ra thành đoạn vừa ăn, tiện thể cho vào mấy lát măng non ngâm giấm của Thái Lan hiệu Thai Boy (không phải hiệu Thai Lady Boy), cùng với thật nhiều ớt khô. Mắm ba khía đã trộn sẵn tỏi ớt chanh đường trước khi đông, bây giờ được hâm chín bốc lên mùi ngào ngạt, tôi cho cả vào dĩa rau gỏi vừa chuẩn bị xong, trộn đều, cho nước miếng ứa ra tận chân răng. Món mắm ngon không phụ lòng chờ đợi, thơm mùi đặc trưng khác với tất cả những loại mắm tôi từng ăn, càng ba khía mập mạp đỏ au, cắn vỡ ra để lộ những miếng thịt mằn mặn hơi giống thịt cua muối, ăn kèm khế chua chua, gừng cay nồng và những gia vị rau thơm khác làm vị giác được kích thích dễ sợ.
Đang ăn, chợt tôi liếc thấy miếng giấy lấy ra từ bao bì hộp đựng, có ghi “Mangrove crabs” (Cua cây đước). Bất giác tôi nhớ tới câu ca dao hay dân ca:
Tháng bảy nước chảy Cà Mau
Tháng mười ba khía hội, kéo nhau đi làm
U Minh, Rạch Gốc, rừng chàm
Muỗi kêu kệ muỗi tao ham ba khía rồi
Rồi cũng tự nhiên, tôi nhớ một bài viết về mắm ba khía. Ba khía chỉ hội vào vài ngày tháng 10 âm lịch, thời điểm đó người ta đi “làm” ba khía phải chịu thức đêm thức hôm, ngủ bờ ngủ bụi, chịu muỗi chích, vắt cắn để bắt được ba khía, có khi tay sưng lên vì bị càng kẹp. Người viết cũng nói thêm “Đi ‘làm ba khía’ là nghề hạ bạc của con nhà nghèo”.
Sao lại có thể mua món mắm ba khía ở Anh với giá rẻ đến vậy? Hầu hết những món đông lạnh xuất qua châu Âu toàn loại ngon nhất ở Việt Nam, tôi đoán người mình không ăn để dành xuất khẩu. Người bắt ba khía sau mấy đêm ngủ rừng đước, rừng mắm, rừng tràm có bán trực tiếp được cho công ty xuất khẩu không, hay còn phải qua trung gian nữa. Rồi công đoạn muối, giã tỏi giã ớt giã tiêu, chờ đủ ngày tháng mắm chín cho vào hộp đông lạnh cho tàu chở qua châu Âu nữa.
Tôi chưa về miền Tây vào ngày hội ba khía để thấy được bắt ba khía cực đến mức nào, nhưng tôi đã thấy những người đàn bà ngâm mình tới thắt lưng dưới nước trong cái lạnh căm căm của miền Bắc vào tháng chạp âm lịch. “Họ riu tôm đấy cháu ạ!”, ông già tóc bạc chèo thuyền chở tôi thăm Tam Cốc ở Ninh Bình nói. Người ta riu tôm ở những khoảng sông hay khoảng đồng ngập nước đầy rong rêu lau sậy, phải ngâm mình cả ngày mới được mớ tôm mang ra chợ. Tôi cũng thấy những con tôm đó ở chợ quê Hoa Lư, nhỏ như con tép bạc búng lóc xóc, không biết bán có đủ mua gạo mà ăn.
Tôi cúi xuống món mắm ba khía vẫn còn thơm lừng, nghĩ sao người dân quê Việt Nam mình khổ quá. Rồi tặc lưỡi “Thời buổi kinh tế toàn cầu suy thoái, ai cũng khổ chứ đâu phải chỉ người dân quê Việt Nam mình”. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, đúng là ai cũng khổ, nhưng Warren Buffett lỗ 25 tỉ đô từ chứng khoán thì tài sản vẫn còn 37 tỉ đô, chỉ phải nhường lại ngôi giàu nhất thế giới lại cho người khác chứ đâu đến nỗi. Ai cũng khổ, nhưng dân Anh mất việc thì vẫn có trợ cấp xã hội, tuy cũng “muối mặt” lắm chứ không vui vẻ gì nhưng có còn hơn không. Ai cũng khổ, đồng bảng Anh có xuống giá thê thảm thì vật giá hầu như toàn bộ các nước châu Âu khác vẫn rẻ hơn ở Anh, trước đây rẻ hơn gấp rưỡi gấp đôi thì bây giờ rẻ hơn ít lại, dân Ăng lê buồn vì mùa đông lạnh lẽo vẫn có thể có thể đi tắm biển Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cho nỗi buồn vơi đi mà không sợ tốn kém nhiều.
Có ai đó nói, người giàu rồi trở thành nghèo mới là người khổ nhất vì đã quen với sự sung sướng, trong khi người nghèo hoài không khổ vì họ đã biết sung sướng thừa mứa là gì so sánh với hoàn cảnh hiện tại. Có lẽ người nói câu đó chưa thấy những chị ngâm mình dưới nước lạnh buốt riu tôm, hay những thanh niên ăn bụi nằm bờ ở rừng mắm, rừng đước chờ bắt ba khía. Người nông dân nghèo vốn đã “khó từ ngã bảy ngã ba khó về”, bây giờ thời buổi khủng hoảng càng khổ hơn vì vật giá leo thang chóng mặt, ai lỡ có con đi học ở thành phố lại càng điêu đứng. Lần về Việt Nam tháng 10 năm ngoái, tôi ngạc nhiên làm sao với thu nhập bình quân đầu người như vậy lại có thể đáp ứng được vật giá chừng kia.
Nhưng thôi, ăn goi mắm ba khía cho hết đi, nghĩ ngợi lẩn thẩn hoài!
London, 3-2009.
Bánh Mì Thơm, Cà Phê Đắng Bánh Mì Thơm, Cà Phê Đắng - Ngô Thị Giáng Uyên Bánh Mì Thơm, Cà Phê Đắng