Books support us in our solitude and keep us from being a burden to ourselves.

Jeremy Collier

 
 
 
 
 
Tác giả: Yukito Ayatsuji
Thể loại: Kinh Dị
Biên tập: Lý Mai An
Upload bìa: Lý Mai An
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4313 / 172
Cập nhật: 2015-12-21 10:41:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14
Tôi lại gặp ác mộng.
Khác với những cơn ác mộng trước đây, lần này tôi không còn trách cứ bản thân đã khởi động “tai ương” và không ai đổ riệt tất cả là lỗi của tôi nữa.
“Kẻ đã chết” là ai?
Trong mơ, tôi đơn độc giữa bóng tối, lặp đi lặp lại câu hỏi đó không ngừng.
“Kẻ đã chết” là ai?
Để đáp lời, những gương mặt khác nhau hiển hiện, người này nối tiếp người kia.
Kazami. Teshigawara. Mochizuki. Những người tôi từng tiếp xúc kể từ khi chuyển tới đây.
Maejima của Câu lạc bộ Kendo. Mizuno-em-trai. Wakui người ngồi bàn trên tôi.
Akazawa. Sugiura. Nakao. Ogura... Những người tôi vốn không chuyện trò mấy, nhưng tôi vẫn chắc cú khi nhắc tên là nhớ ra gương mặt họ.
Và rồi Misaki Mei.
Còn rất nhiều bạn học khác nữa của ở lớp 9-3. Ai trong số họ là “người dư ra”, là “kẻ đã chết” của năm nay?
Gương mặt họ hiển hiện trong bóng đêm theo trật tự ngẫu nhiên. Từng người một, những đường nét trên mặt họ tan rữa, rồi biến thành thứ gì đó ma quái bốc mùi hôi thối. Giống những gương mặt hóa trang bằng các hiệu ứng đặc biệt trong phim kinh dị. Sau đó...
Gương mặt xuất hiện cuối cùng không phải ai khác mà là chính tôi. Sakakibara Koichi. Gương mặt trước giờ tôi chỉ được nhìn thấy trong gương và trên ảnh. Những đường nét cũng nhanh chóng tan rã, trông ma quái hãi hùng hơn bất cứ thứ gì trên đời...
... Tôi ư? Có phải tôi không...?
Liệu tôi có phải là “kẻ đã chết” trà trộn vào lớp, thậm chí không tự nhận thức được? Không thể nào?
Giơ tay cào nát gương mặt đang rệu rã, miệng buột ra những tiếng rên rĩ rùng rợn... Rồi đột ngột bừng tỉnh. Giấc mơ ấy cứ đến hằng đêm...
Chẳng lẽ, “kẻ đã chết” là tôi thật ư?
Tôi cũng từng nghiêm túc cân nhắc khả năng này.
“Kẻ đã chết” không thực sự nhận ra chính họ là “kẻ đã chết”. Cậu hoặc cô ta tồn tại nhờ những ký ức biến cải hoặc tráo đổi, khăng khăng trong họ rằng “Tôi không chết. Tôi vẫn sống, như trước nay vẫn thế”.
Trong trường hợp này...
Chẳng phải như thế nghĩa là, có thể là tôi lắm chứ?
Đầu tháng Tư năm nay, phòng học đủ bàn đủ ghế. Sang tháng Năm bỗng thiếu mất một bộ. Bởi vì tôi đột ngột chuyển tới.
Tôi chính là học sinh đã chen ngang vào lớp, ngoài mong đi, có nghĩa tôi là “người dư ra”, là “kẻ đã chết’ của năm nay...
Có lẽ tôi không nhận ra, tôi đã chết năm ngoái, hoặc năm kia, ông bà tôi, dì Reiko, bố tôi và tất cả những người khác đều quên mất sự kiện đó, mọi giấy tờ khác đều bị biến đổi để các chi tiết trở nên phù hợp...
Gượm hẵng nào.
Tôi kiên định lắc đầu, rồi áp lòng bàn tay lên ngực.
Cứ như thế, cảm nhận nhịp tim đều đặn của mình, tôi trấn tĩnh và suy ngẫm lại mọi thứ.
Những quy tắc cơ bản chi phối “người dư ra” (“kẻ đã chết”) mà thầy Chibiki và Mei từng nhắc tới.
“Kẻ đã chết” của mỗi năm ngẫu nhiên là người đã chết vì “hiện tượng” nảy sinh hai mươi sáu năm trước ở lớp 9-3.
Vùng ảnh hưởng của các “tai ương” được giới hạn trong số thành viên của lớp và họ hàng trực hệ hai đời đổ lại. Tuy nhiên, kể cả người thuộc vùng ảnh hưởng trên, nếu ở khu vực cách xa Yomiyama thì cũng không phải là mục tiêu.
Chiếu theo quy tắc này, trường hợp của tôi thì sao?
Nếu tôi chết vì “hiện tượng” thì ít ra trước đây tôi phải từng sống ở thị trấn. Thêm nữa, tôi hoặc người họ hàng cận huyết trong vòng hai đời phải từng học lớp 9-3 của trường Bắc Yomi. Các điều kiện này đều không khớp.
Mẹ từng học lớp 9-3, không cần nói tôi cũng biết, nhưng lúc ấy tôi đã tồn tại trên đời đâu. Vào mùa xuân của cái năm dì Reiko học lớp Chín, tôi được sinh ra ở thị trấn, nhưng dì Reiko với tôi là quan hệ dì cháu, không thuộc trực hệ, bởi thế tôi nằm ngoài vùng ảnh hưởng của “tai ương”. Từ dì có thể liên đới đến mẹ tôi, chứ không thể nào liên đới đến tôi được...
Tháng Bảy mười lăm năm trước, mẹ qua đời. Đứa con duy nhất của mẹ, là tôi, từ bấy đến nay sống cùng bố ở Tokyo. Hoàn toàn chẳng có một mối liên hệ nào với lớp 9-3 ở Bắc Yomi. Tháng Tư vừa rồi tôi bước vào năm cuối của cấp hai, lần đầu tới thị trấn...
Không thể nào.
Ùng... Một âm thanh trầm sâu bí ẩn chậm rãi loang ra. Gì thế nhỉ? Đôi chút lo lắng dấy lên trong tôi, nhưng rồi tất cả mau chóng tan biến.
Không thể nào, tôi trấn an bản thân.
Tôi không thể nào là “kẻ đã chết” được.
Tôi dám chắc Kazami và Sakuragi cũng đã trấn an bản thân trong buổi gặp gỡ lần đầu, lúc cả hai tới thăm tôi ở bệnh viện.
Phải, những câu hỏi họ đặt ra vào ngày hôm ấy...
Đây là lần đầu cậu sống ở Yomiyama à?
Tớ chỉ nghĩ hình như cậu từng sống ở đây, dù đã lâu lắm rồi.
Vậy cậu từng ở đây lâu ngày chưa?
Bấy giờ tôi cho rằng những câu hỏi đó khá là lạ lùng, nhưng Kazami và Sakuragi hẳn đã tính tới khả năng đứa mới chuyển tới này có thể là “kẻ đã chết”.
Cuối cùng, Kazami yêu cầu được bắt tay tôi.
“Đây cũng là một phần của phép thử đấy.” Mei có kể cho tôi nghe, trước kỳ nghỉ hè. “Nếu cậu bắt tay với ‘kẻ đã chết’ vào lần đầu gặp mặt, sẽ thấy tay họ lạnh khủng khiếp. Người ta vẫn đồn thế đấy. Nhưng tôi nghe bảo chuyện này không đáng tin lắm. Thầy Chibiki nói đó chỉ là lời thêm thắt bịa tạc thôi, không có chứng cứ đáng tin cậy.”
Nhưng giả sử tôi thực sự là “kẻ đã chết” của năm nay và hôm đó, Kazami cùng Sakuragi đều nhận ra.
Bọn họ dự định làm gì?
Mei đưa ra đáp án cho câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu tôi.
“Nếu rơi vào trường hợp đó, tháng Năm cậu tới trường, bọn họ sẽ coi cậu là ‘không tồn tại’, thay vì tôi.”
“Tớ ấy hả?”
“Phải. Mọi người sẽ lập tức phớt lờ ‘người dư ra’, người đáng ra không nên có mặt. Đối xử như vậy là hoàn toàn sòng phẳng. Bởi vì cách đó sẽ hiệu quả hơn nhiều so với chọn một người ngẫu nhiên làm kẻ ‘không tồn tại’.”
“Và ‘tai ương’ không xảy đến?”
“Có lẽ là không.”
“Vậy thì...” Tôi đặt câu hỏi vừa nảy ra trong đầu. “Sẽ ra sao nếu cuối cùng chúng ta tìm ra ai là ‘kẻ đã chết’? Lập tức đối xử như thể họ ‘không tồn tại’ chăng...”
“Tôi dám chắc cách đó vô tác dụng.” Mei đáp ngắn gọn. “Tai ương đã được khởi động. Bây giờ chúng ta dùng cách nào để đưa mọi thứ vào trật tự cũng đã là quá muộn.
2
Ngày thứ tư của kỳ nghỉ hè, đêm 25 tháng Bảy, sau một thời gian dài, tôi trò chuyện cùng bố đang ở tận Ấn Độ.
“Chào con trai. Con đang nghỉ hè, phải không? Con thế nào rồi?”
Những lời đầu tiên phát ra từ miệng bố vẫn vô tư lự như thế, bởi ông luôn chẳng biết gì về mọi thứ đang xảy ra.
“Con nghĩ là vẫn ổn cả ạ.”
Tôi đáp với giọng điệu hệt mọi khi. Tôi có cảm giác sẽ không hay ho lắm nếu kể cho bố nghe về những việc xảy ra ở đây. Ngoài ra nó cũng không đem lại chút lợi ích nào.
“Nhân tiện bố hỏi này, Koichi, con có biết ngày kia là ngày gì không?”
Nghe bố hỏi, tim tôi nhảy thót lên. Nhưng tôi cố trả lời như thể chẳng có gì quan trọng, “Uầy, vậy là bố nhớ ạ?”
Giọng bố cao hơn một chút, “Tất nhiên là bố nhớ chứ.”
Ngày kia - 27 tháng Bảy - là giỗ mẹ tôi. Mẹ Ritsuko của tôi đã qua đời mười lăm năm trước, ở chính thị trấn này.
“Hiện con đang ở Yomiyama à?”
“Dạ.”
“Con không định quay lại Tokyo một chuyến sao?”
“Ý bố là dù chỉ có một mình con thì cũng nên đi tảo mộ?”
“Không, bố sẽ không bảo con làm điều gì quá sức. Đằng nào thì chúng ta cũng chưa đặt lịch.”
“Dạ. Con đang tự hỏi mình phải làm thế nào...” Hài cốt mẹ tôi không ở Yomiyama mà được chôn tại khu lăng mộ của gia đình Sakakibara ở Tokyo. Hằng năm, bố và tôi cùng tới tảo mộ. Theo như tôi nhớ, chúng tôi chưa từng bỏ sót một năm nào. “Tuy nhiên con cũng dự định là cho dù có một mình thì cũng quay về độ một vài ngày.”
Nhưng quay về thì không có chuyện chỉ “một vài ngày”, vì đằng nào cũng đang kỳ nghỉ hè. Nếu rời khỏi Yomiyama, tôi sẽ không phải lo nghĩ về những tai họa có thể giáng xuống mình suốt quãng thời gian đó, ít ra là như vậy. Tuy nhiên...
“Cuối cùng con vẫn quyết định là thôi,” tôi nói. “Suy cho cùng mẹ đã sinh ra, và qua đời ở đây. Nên con nghĩ không cần phải lặn lội lên Tokyo chỉ để thăm mộ mẹ đâu.”
“Thật thế,” bố lập tức đồng tình. “Chào ông bà thay bố nhé. Bố sẽ gọi cho ông bà sớm thôi.”
“Được ạ.”
Tôi không trở lại Tokyo trong kỳ nghỉ hè. Lý do đặc biệt nhất... là vì Mei. Tôi chán ghét cái ý nghĩ để lại cô ở thị trấn này trong khi tự mình rời khỏi “vùng ảnh hưởng”.
Một lý do khác được đưa ra xem xét chính là chuyến cắm trại vào tháng Tám. Tôi nên đi và tham gia mọi thứ có thể để chặn đứng “tai ương” chứ, phải không? Cảm giác tuy chưa chắc chắn nhưng hết sức mạnh mẽ.
“Bố ơi?” Tôi nghĩ tới một điều có thể nhân cơ hội này để hỏi. Tôi hạ giọng thỏ thẻ. “Con hỏi bố về mẹ được không?”
“Ừm? Mẹ con đẹp lắm. Khả năng đánh giá đàn ông cũng rất tuyệt nữa.”
“Không phải chuyện đó...”
Trong lần đàm thoại trước, tôi có đề cập đến chủ đề lớp 9-3 ở Bắc Yomi, nhưng xem ra nó chẳng gợi chút ký ức nào trong bố. Có phải mẹ chưa từng kể về “lời nguyền ở lớp 9-3”? Hay mẹ từng kể nhưng bố đã quên rồi? Khó mà phán đoán được là thuộc trường hợp nào.
“Bố đã trông thấy ảnh mẹ hồi học trung học cơ sở bao giờ chưa?”
Tôi có thể hình dung cảnh bố ngoẹo đầu trước câu hỏi cửa tôi. “Bữa trước con cũng nhắc đến thời trung học cơ sở của Ritsuko nhỉ?”
“Con học cùng trường với mẹ, nên con nghĩ sẽ...”
“Bố nhớ là hồi đính hôn bố có xem cuốn kỷ yếu thời trung học cơ sở của mẹ con. Kỷ yếu phổ thông nữa. Đẹp lắm, Ritsuko ấy.”
“Mấy cuốn kỷ yếu vẫn ở Tokyo ạ?”
“Ừm. Có lẽ ở trong phòng làm việc của bố.”
“Có tấm ảnh nào khác không ạ?”
“Hở?”
“Ngoài ảnh tốt nghiệp, còn tấm ảnh nào khác của mẹ không? Mẹ có giữ những bức ảnh thời trung học cơ sở không ạ?”
“Chắc chắn là bố không ném bỏ thứ gì... Nhưng có ảnh trung học cơ sở nào ngoài cuốn kỷ yếu không ấy hả? Ừm. Mẹ con không thuộc mẫu người nâng niu những tấm ảnh như thế.”
“Vậy là.” Tôi buộc phải hỏi câu đó. “Ảnh chụp chung mọi thành viên trong lớp vào ngày mẹ tốt nghiệp trung học cơ sở ấy? Bố đã xem bao giờ chưa?”
Một khoảng lặng kéo dài vài giây. Tín hiệu xì xèo yếu ớt, rẹt rẹt. Cuối cùng... “Bức ảnh đó làm sao con?” Bố hỏi với giọng cảnh giác.
Tôi bỗng cà lăm, “Ừm... Nghe đồn bức ảnh lạ thường lắm. Chậc, dạng ảnh ma ấy ạ.”
“Ảnh ma?” Giọng bố lộ vẻ bất lực. “Bố không hiểu nổi tại sao lại có lời đồn đó, nhưng mà Koichi, con tin thật à? Cái loại ảnh ma...”
“Không, con chỉ... Ý con là...”
“Hừm?” Giọng bố vẫn không đổi. “Nào nào, chờ đã, Koichi. Hừm. Nhắc mới nhớ, hình như trước đây Ritsuko có kể một chuyện tương tự, lâu lắm rồi.”
“Thật ạ?” Tôi nắm chặt ống nghe hơn. “Mẹ nói gì?”
“Mẹ con kể là mẹ có một bức ảnh đáng sợ. Có hình hồn ma thì phải. Và... Ừ, hồi ấy Ritsuko học cơ sở...”
“Bố đã trông thấy bao giờ chưa?”
“Chưa.” Bố tôi hạ giọng. “Nghe qua qua thôi. Bố không nói là muốn xem hay yêu cầu mẹ cho xem. Hơn nữa, mẹ con nói không muốn để nó ở gần mình, nên để ảnh lại nhà mẹ đẻ.”
“Ở đây ạ?” Tôi bất thần ré lên. “Tức là nó ở trong ngôi nhà này?”
“Phải. Chỉ hiềm bố không biết là nó còn đến bây giờ không.”
“Vâng... cũng có lý ạ.”
Tôi vừa trả lời vừa tự nhủ, Mình phải hỏi bà mới được.
Có lẽ tấm ảnh nằm trong căn phòng mẹ đã ở trước khi cưới, hoặc cũng có thể trong kho chứa đồ. Nơi nào đó tương tự. Những món đồ cũ của mẹ vẫn ở đâu đây chưa biết chừng. Nhiều khả năng...
“Này, Koichi, có chuyện gì bất thường xảy ra ở Yomiyama à?” Bố hỏi, hẳn đã nghi ngờ thái độ lạ lùng của tôi.
“Không có gì đâu ạ. Mọi thứ vẫn ổn cả,” tôi đáp ngay tắp lự. “Chỉ hơi tẻ nhạt thôi. À, nhưng con đã có vài người bạn thân, tháng sau lớp còn đi cắm trại nữa.”
“Thế à!” Giọng bố dè dặt lạ thường. “Mẹ con là người rất cuốn hút. Tình cảm bố dành cho mẹ đến giờ vẫn vẹn nguyên, chưa thay đổi một chút nào. Nên đối với bố, con là...”
“Con biết, con biết ạ.”
Tôi luống cuống cắt ngang lời. Nếu để đến lúc bố sa đà thổ lộ “Bố yêu con, con trai”, hẳn tôi sẽ đâm nghi rằng bố bị say nắng Ấn Độ mất rồi.
“Con sẽ trò chuyện với bố sau,” tôi nói. Dứt lời, tôi vừa nhấn ngón cái lên nút tắt cuộc gọi, vừa khẽ khàng thốt, “Con cảm ơn bố.”
3
Đầu tuần tiếp theo, vào buổi chiều ngày giỗ mẹ tôi, Teshigawara gọi điện rủ rê, “Có chuyện cần nói. Bây giờ ra ngoài được không?” Tôi đang do dự chưa đồng ý ngay, Teshigawara đã bồi thêm một câu, “Bận hẹn với Mei rồi à?” Cái tên này, nên bảo cậu ta chỉ giỏi nhố nhăng hay là giỏi ứng biến đây? Nhưng khi biết quả thật có chuyện, tôi cũng thấy không cần phải phàn nàn.
Cậu hẹn gặp tôi ở Inoya - một quán cà phê trên phố Tobii, gần trường. Mochizuki cũng sẽ có mặt. Teshigawara bảo là nói muốn nói chuyện trực tiếp, nếu tôi thực sự đã có hẹn với Mei thì cứ đưa cô theo cùng, bởi vì chuyện này liên quan tới mọi thành viên của lớp. Đã nói đến nước này, làm sao tôi có thể không đi được chứ?
Tôi hỏi đường tới quán, rồi không chần chừ, rời khỏi nhà luôn.
Dưới ánh mặt trời chói chang của mùa hè, tôi lên xe buýt đi Tobii, mướt mát mồ hôi tìm đến địa chỉ đã hỏi. Có lẽ phải mất gần một tiếng tôi mới tới nơi.
Inoya nằm ở tầng trệt một tòa nhà mặt phố bên sông Yomiyama, kiến trúc hơi phô trương so với xung quanh. Hình như ban ngày là quán cà phê, đêm là quán bar.
Muốn mau chóng thoát khỏi cái nóng, tôi vội vã bước vào bên trong. Vừa đón nhận hơi mát của điều hòa thì...
“Xời. Bọn tớ đang chờ cậu đây, Sakaki.”
Teshigawara giơ tay vẫy vẫy từ chiếc bàn có hai người ngồi. Cậu mặc sơ mi Hawaii với họa tiết quả dứa sặc sỡ. Nói rõ hơn là, khiếu thẩm mỹ thật quá tệ hại.
Mochizuki ngồi đối diện với Teshigawara. Cậu ngước nhìn khi tôi tiến lại, rồi cụp ngay mắt xuống, vẻ xấu hổ. Cậu mặc áo thun trắng, mặt trước in một bức tranh, tôi tức khắc tự nhủ, áo thun Tiếng hét? Nhưng nhìn kỹ thì ra là khuôn mặt một người đàn ông để ria, tôi đã trông qua ở đâu rồi.
Tôi còn chưa nhớ ra ông ta là ai, thì một dòng chữ in xéo qua cằm nhân vật đập vào mắt tôi.
Salvador Dalli(1).
(1) Salvador Dali, họa sĩ theo trường phái siêu thực.
Hừm. Trông cũng không lập dị như mình tưởng.
Tôi ngồi xuống bên cạnh Mochizuki, nhìn một lượt quanh quán. Đối lập với ngoại thất tòa nhà, phần trang trí bên trong khá mộc, phảng phất không khí retro. Nhạc hòa tấu trôi lững lờ trong phòng, tuy không thể nhận ra thể loại, nhưng nghe chậm rãi như jazz. Ừm, thế này hay đấy.
“Chào mừng tới Inoya.”
Một cô gái quãng hai mươi mấy tuổi tiến lại chờ tôi gọi đồ uống. Bộ trang phục pha chế cùng mái tóc dài, suôn của chị hài hòa tuyệt vời với khung cảnh xung quanh.
“Chắc em cũng là bạn của Yuya hả?” Cô gái nói, thân mật cúi chào. “Mong các em giúp đỡ nó nhé.”
“Dạ?”
“Chị là chị của Yuya. Rất vui được gặp em.”
“À, dạ. Em cũng...”
“Sakakibara phải không? Yuya có kể cho chị nghe về em. Em muốn uống gì?”
“Dạ trà đá ạ. Trà chanh ấy ạ.”
“Được rồi. Em cứ tự nhiên nhé!”
Về sau tôi được giới thiệu thêm, chị tên là Tomoka, chị em cùng cha khác mẹ với Mochizuki Yuya, hai người hơn kém nhau những mười mấy tuổi. Tomoka là con gái vợ trước của bố Mochizuki, mẹ chị đã qua đời. Chị mới lấy chồng được vài năm và đổi theo họ chồng là Inose.
Inoya vốn là quán do chồng chị mở. Phân công kinh doanh hiện giờ là, Tomoka quản lý ban ngày, còn anh Inose quản lý ban đêm.
“Thêm nữa là quán ở gần trường, chỗ đi lại hữu nghị, vì thế nên tớ thường ghé. Mà hầu như lần nào cũng gặp Mochizuki ở đây, phải không nhỉ?”
Nghe hỏi, Mochizuki khẽ đáp “Phải”.
“Mà thôi, vào chuyện đi: lý do cậu đây.” Teshigawara ưỡn thẳng thân hình đang ngồi lom khom. “Cậu nói với cậu ấy đi, Mochizuki.”
“À... ừ, Mochizuki nhấp nước trong ly cho nhuận miệng, rồi thở phù một hơi dài. “Tớ và Tomoka dù là chị em khác mẹ, nhưng vẫn có quan hệ huyết thống... Nên cậu biết đấy, có thể chị ấy sẽ bị kéo vào vụ rắc rối lần này của chúng ta.”
“‘Vụ rắc rối lần này của chúng ta’ là chỉ ‘tai ương’ năm nay của lớp 9-3?”
Mochizuki gật đầu thật mạnh với tôi, rồi tiếp tục, “Thế nên... tớ không, thể không kể cho chị ấy nghe.”
“Cậu kể cho chị nghe hết mọi chuyện?”
“Phải.”
“Kể cả chi tiết?”
“Phải. Đa số.”
“Chị Tomoka...” Teshigawara liếc về phía quầy chị đang đứng. “Từng học ở trường Bắc Yomi. Tuy không phải học sinh lớp 9-3, nhưng cũng có nghe ít nhiều tin đồn chẳng lành. Chính vì thế khi Mochizuki kể cho chị nghe, ngay từ đầu chị đã rất lưu ý.”
“Đã mấy người chết thật rồi. Nên chị lo lắng cho tớ và các thành viên trong lớp mình.”
Trong khi nói, má Mochizuki ửng hồng.
Vậy đó là lý do, phải không nhóc? Vì thế nên cậu có khuynh hướng thích những cô gái lớn tuổi hơn?
“Nhưng lo lắng cũng chẳng giải quyết được chuyện gì cả. ‘Tai ương’ một khi bắt đầu thì sẽ chẳng ngừng lại. Bất kể chúng ta đã làm đủ mọi cách, nó vẫn...”
“Vậy nên Mochizuki kể cho chị nghe về tình trạng của chúng ta và chuyến cắm trại tháng tới.”
“Ừm.”
“Nhờ trò chuyện với chị,” Teshigawara lại ưỡn thẳng người. “Đã có thông tin mới nhé! Như chị cho biết.”
4
Matsunaga Katsumi.
Đó là người đã mang lại “thông tin mới”.
Matsunaga tốt nghiệp trường trung học cơ sở Bắc Yomiyama năm 1983. Nghĩa là cùng khóa với dì Reiko, chưa hết, năm lớp Chín anh ta còn học cùng lớp với dì, cũng là một thành viên của lớp 3.
Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông trong vùng, Matsunaga lên Tokyo học đại học, ra trường làm việc cho một ngân hàng tầm cỡ, nhưng chỉ được vài năm đã bỏ việc, trở về nhà bố mẹ ở Yomiyama, giúp gia đình kinh doanh.
Matsunaga là một khách quen của Inoya.
“Mỗi tuần anh ấy tới đây vài lần. Tớ biết anh ấy từng học ở Bắc Yomi, nhưng đến đầu tháng này mới phát hiện ra cũng là học sinh lớp 9-3.”
Đến đây, chị Tomoka đích thân thuật lại cho tôi nghe.
“Đã nghe Yuya kể bao nhiêu là chuyện, nên chị quyết định tham gia. Chị hỏi Matsunaga xem năm anh ấy học có ai là ‘người dư ra’ trà trộn vào lớp không. Bấy giờ anh ấy đã uống say mèm, nhưng vẫn giật thót người, và...”
Chẳng khẳng định cũng chẳng phủ định thắc mắc của Tomoka, Matsunaga cứ thế gục mặt xuống quầy bar nơi anh đang ngồi, vùi đầu vào hai tay. Được một lát thì lắp bắp tuôn ra hàng tràng, không cần ai thúc giục. Câu chuyện như sau:
“Lời nguyền năm đó... Là bởi vì... Không phải lỗi của tôi. Tôi chẳng làm gì sai cả... Bởi vì tôi, mọi người... Tôi đã cứu. Tôi đã cứu họ. Tôi muốn nhắn nhủ lại. Không thể không nhắn... Thế là, kín đáo, bí mật, tôi giấu nó... Tôi giấu nó, ở phòng học...”
Anh líu lưỡi, giọng chỉ còn rên rĩ... Sau đó, túy lúy càn khôn, anh khật khưỡng rời quán, không nói thêm một lời nào.
“Em không hiểu. Như thế có nghĩa là gì?”
Tôi buột miệng. Tomoka hơi nghiêng đầu, bối rối.
“Chị cũng không rõ. Chuyện chị vừa kể mới diễn ra tuần trước, vào một buổi tối. Sau hôm ấy Matsunaga có trở lại vài lần. Lần nào chị cũng cố gợi chuyện, nhưng anh ấy chẳng nhớ gì cả.”
“Chẳng nhớ những điều đã nói ấy ạ?”
“Ừ. Dù bị gặng hỏi thế nào, anh ấy cũng chỉ đáp ‘không biết’ với vẻ hoang mang.”
“Chuyện lớp 9-3 mười lăm năm về trước gặp đủ thứ tai ương do một ‘lời nguyền’ mang lại thì anh ấy nhớ. Nhưng những điều then chốt như ai là ‘người dư ra’, và vì sao ‘tai ương’ ngưng ngang, thì anh ấy quên hết.”
“Chị có nghĩ anh ấy biết nhưng giấu không?”
“Xem chừng không phải.” Tomoka lại nghiêng đầu lần nữa. “Có thể là vì đêm đó uống say quá, tiềm thức bất chợt hồi tưởng được một vài điều. Chị có cảm giác như thế.”
Sau một thời gian nhất định, ký ức về “kẻ đã chết” năm xưa sẽ mờ nhòa và biến mất. Chắc hẳn tình trạng đó đã xảy ra với cựu học sinh Matsunaga này.
Mười lăm năm trôi qua, có lẽ một mảnh ký ức đã sống dậy vào một thời điểm ngẫu nhiên khi anh ta say ngất ngư. Có thể không? Không ai dám khẳng định là không. Tôi nghĩ thế.
“Có điểm đáng chú ý trong câu chuyện này, đúng không?” Teshigawara hỏi và nhìn vào mặt tôi. “Cậu cũng nhận ra, phải không?” Lần này quay sang Mochizuki.
Mochizuki cụp mắt xuống, và tôi, đang cắn ống hút trong ly chanh đá, đáp, “Chắc chắn rồi.”
Teshigawara nghiêm nghị gật đầu, “Cắm trại và lên đền cầu khẩn cũng được thôi, nhưng từ giờ đến lúc ấy mà chỉ biết thấp thỏm chờ đợi thì cũng thật vô vị, nhỉ!”
“Ý cậu là sao?”
“Cậu không suy luận từ câu chuyện của chị Tomoka à? Anh Matsunaga đó muốn diễn đạt điều gì?”
“Điều gì?”
“Anh ta nhấn mạnh là ‘Tôi đã cứu họ’, phải không? Anh ta đã cứu được mọi người. Để mách bảo các thế hệ sau, anh ta còn gửi gắm nó lại.”
“Kín đáo, bí mật, giấu nó trong lớp?”
“Phải. Anh ta kín đáo giấu nó đi, nghĩa là không ai biết nó ở đâu. Tuy chưa rõ ‘nó’ là gì, nhưng nhất định là liên quan chặt chẽ đến ‘lời nguyền’... Cậu hiểu chứ?”
“Cậu diễn giải thế thì hiểu rồi.”
“Đúng không? Đúng không?” Teshigawara nghiêm túc nói. “Nên đi tìm nó.”
Tôi “ồ” một tiếng, quan sát phản ứng của Mochizuki. Cậu cúi đầu, rúm mình lại. Tôi quay sang nhìn Teshigawara, hạ giọng, “Ai nên đi tìm?”
“Chúng ta.” Teshigawara đáp, vẻ hiển nhiên, cho dù không biết chắc cậu ta quả quyết đến chừng nào. “Cậu, tớ và Mochizuki. Dù sao thì Mochizuki cũng là người đầu tiên được chị Tomoka kể cho nghe.”
Vẫn co rúm mình, Mochizuki thở dài thườn thượt.
“Tớ muốn rủ Kazami nữa, nhưng cậu ấy chỉ có mỗi một ưu điểm là nghiêm túc thôi, còn thì nhát như cáy ấy. Mà này, Sakaki, sao cậu không rủ Misaki?”
Tôi mím môi bực bội, trừng mắt nhìnTeshigawara. “Này, cậu không yên lặng được à?”
5
Tuy rằng nói vậy, nhưng...
Chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau, tôi đã đến phòng trưng bày búp bê “Đôi mắt xanh trống rỗng. Dưới ánh chiều tà của Yomi” ở khu phố Misaki.
Vừa rời khỏi Inoya, chia tay Teshigawara và Mochizuki, tôi liền gọi vào máy bàn nhà Mei.
Kirika là người bắt máy. Cũng giống một tháng rưỡi trước, khi tôi gọi lần đầu, giọng bà thoáng nét ngạc nhiên - hay bất an - nhưng khi tôi xưng tên, bà nhận ra tôi ngay lập tức, “Ồ, là cháu à, Sakakibara,” rồi chuyển máy cho cô con gái.
“Tớ đang ở gần trường,” tôi bảo với Mei, cố dùng giọng bình thản như thường. “Giờ tớ tới nhà cậu thì có phiền lắm không?”
Chẳng hề thắc mắc lý do, Mei đáp, “Không phiền. Gặp nhau ở tầng hầm phòng trưng bày nhé. Chắc không có khách đâu.”
“Được đấy.”
Bà Amane cho tôi vào miễn phí, tôi tiến thẳng xuống tầng hầm. Mei đã có mặt sẵn, cô đứng cạnh cỗ quan tài đen ở cuối phòng, bên trong là con búp bê trông giống hệt cô.
Trang phục mộc mạc: quần jean ôm và áo thun trơn. Chiếc áo nhợt nhạt như màu váy của con búp bê trong quan tài.
Tôi vẫy tay chào, tiến lại phía cô rồi buột hỏi một câu đã quấy nhiễu tôi lâu nay mà mãi chưa tìm ra đáp án.
“Này, con búp bê ấy...” Tôi chỉ vào con búp bê trong quan tài. “Được làm theo nguyên mẫu là cậu à? Lần đầu gặp nhau ở đây, cậu có nói... Đại khái nó chỉ là một nửa của cậu thôi? Nghĩa là sao?”
“Thậm chí chưa đến một nửa.”
Mei đáp. Phải. Cô đã từng nói như thế.
Nhưng nó chỉ là một nửa của tôi. Thậm chí chưa đến một nửa.
“Nó...” Mắt Mei hướng về phía cỗ quan tài. “... là đứa trẻ do người ấy sinh ra mười ba năm về trước.”
“Kirika sinh? Vậy đây là em gái cậu?”
Mei chưa từng kể là có em.
“Đây là đứa trẻ mà người đó sinh ra mười ba năm trước, nhưng chết trước khi chào đời, trước khi Kirika kịp đặt tên cho.”
“Á...”
Cậu có... em gái, hay chị gái gì không?
Hồi tôi hỏi câu này, Mei chỉ lặng lẽ lắc đầu. Tại sao lại thế? Nếu bây giờ tôi lục vấn, chắc hẳn sẽ nhận được câu trả lời kiểu, Bởi vì câu hỏi của cậu là về thời hiện tại.
Đúng là Kirika lấy tôi làm mẫu, nhưng người ấy làm ra con búp bê này bằng những cảm xúc đối với đứa con yếu mệnh, đứa trẻ bà không thể đưa tới thế giới này. Bởi thế nó chỉ là phân nửa của tôi. Có lẽ còn ít hơn.”
Bởi tôi là con búp bê của bà.
Tôi nhớ lại cách Mei mô tả mối quan hệ của cô với Kirika. Thật là...
Tuy sống, nhưng không hiện hữu.
Cảm giác rối loạn, tôi không biết nên đáp thế nào. Chậm rãi bước tách khỏi cỗ quan tài, Mei hỏi, “Mà có chuyện gì đây?” Chủ đề thay đổi. “Tự dưng cậu gọi cho tôi? Cứ như thể xảy ra chuyện lớn vậy?”
“Cậu ngạc nhiên không?”
“Hơi hơi.”
“Tớ vừa đi gặp Teshigawara và Mochizuki về. Họ hẹn gặp tớ ở quán cà phê của chị Mochizuki.”
“Và?”
“Và, ừm, tớ nghĩ nên kể cho cậu nghe.”
Điệu cười hì hì của Teshigawara lướt qua tâm trí tôi, như thể muốn nói, Rốt cuộc cậu cũng đem kể với Mei hả? Trong thâm tâm, tôi trừng mắt nhìn cậu ta... rồi kể cho Mei nghe “thông tin mới” vừa lượm được ở Inoya.
Tôi kể xong, Mei yên lặng một lát rồi hỏi. “Cậu ấy định tìm ở đâu?” “Khu học xá cũ,” tôi đáp. “Phòng học ở Khu o, phòng học của các lớp 9-3 xưa kia. Cậu từng nói cái bàn cũ dành cho người ‘không tồn tại’ được đưa ra từ đó, phải không?”
“Phải. Nhưng theo nội quy cậu không được lên tầng hai của học xá cũ đâu, nhớ không?”
“Đang kỳ nghỉ hè. Lượn lờ quanh đấy rồi lẻn vào. Đằng nào cũng chưa biết chúng ta sẽ tìm được gì, có khi chẳng có gì. Nhưng vẫn phải thử đã.”
“Hừm.” Mei thở dài, gạt một món tóc ra sau. “Có định kể với thầy Chibiki không? Thầy sẽ giúp nếu cậu...”
“Tớ nghĩ là nên kể. Nhưng chưa biết phải nói thế nào với Teshigawara... Cậu ta như đang say sưa phiêu lưu mạo hiểm, có khi lại khăng khăng bảo chỉ dựa vào sức chúng ta thôi ấy.”
Mei chỉ “ồ” một tiếng rồi chìm vào im lặng. Rõ ràng không thể ngăn được tò mò mà... Tôi nghĩ, rồi hỏi, “Vậy, Misaki có muốn tham gia không?”
“Tìm kiếm ở khu học xá cũ hả?” Một nụ cười yếu ớt lướt trên môi Mei. “Tôi để đám con trai các cậu tìm. Không nên có quá nhiều người dính vào công việc như thế.”
“Cậu không quan tâm à? Cậu không muốn biết thứ gì được giấu trong căn phòng đó?”
Mei đáp, “Có chứ,” không chút kiểu cách. “Nên nếu tìm thấy gì, nhớ cho tôi biết.”
“Ừ, chắc rồi.”
Mà từ ngày mai, tôi phải đi vắng một thời gian.”
“Đi vắng?”
“Bố tôi vừa về.” Gương mặt Mei lộ vẻ u ám. “Muốn cùng hai mẹ con tới biệt thự của gia đình. Tôi cũng chẳng ham, nhưng trước giờ vẫn thế, nên không thể từ chối.”
“Nhà cậu có biệt thự à? Ở đâu?”
“Gần biển. Đi ô tô từ đây thì mất cỡ ba tiếng.”
“Không thuộc Yomiyama chứ?”
“Ừ, ở Yomiyama làm gì có biển, đúng chưa nào?”
“Tức là tháo chạy khỏi thị trấn?”
Mei lắc mạnh đầu, “Tôi sẽ trở lại trong vòng một tuần.”
“Vậy...”
“Tôi chưa tiết lộ với ai trong nhà về ‘tai ương’. Và tôi sẽ đi cắm trại sau khi trở về.”
“Ồ.”
Sau đó, tôi kể về tình hình gần đây của mình. Mei lặng yên lắng nghe, mắt phải của cô thỉnh thoảng loáng ánh cười. Khi tôi kể xong, Mei hỏi, “Cậu cho rằng có thể cậu là ‘kẻ đã chết’ à? Nghi ngờ đến mức nào?”
“Tương đối nghiêm túc. Càng nghĩ càng không dứt ra khỏi nó được.”
“Giải tỏa hết nghi hoặc chưa?”
“Tàm tạm.”
Nhìn thấy cái gật đầu mơ hồ của tôi, Mei ung dung quay người, rồi biến mất phía sau cỗ quan tài đen, không nói một lời. Chuyện gì vậy? Tôi nghĩ, vội vã theo sau. Có phải cô đi thang máy lên tầng không?
Khi vòng ra sau cỗ quan tài, tôi buột miệng thốt lên “ồ”. Lâu nay tôi không để ý, nhưng ở đây đã khác hẳn trước kia.
Trước đây, một tấm rèm đỏ treo ngay đằng sau cỗ quan tài, nhưng giờ quan tài đã được đẩy dịch lên trước, giữa nó và tấm rèm...
Là cỗ quan tài thứ hai.
Cùng kích cỡ, cùng hình dạng... Chỉ khác không phải màu đen, mà được sơn đỏ. Phần lưng nó áp sát lưng cỗ quan tài đằng trước.
“Kirika đang chế tác một con búp bê mới. Sẽ đặt trong này”. Giọng Mei vang lên, nghe như thể phát ra từ bên trong quan tài. Giữa quan tài đỏ và tấm rèm vẫn còn một khoảng trống nhỏ. Tôi chậm rãi tiến tới, đưa vai phải lách qua tấm rèm đang lay động vì gió từ điều hòa thổi ra, cúi mình ngó vào cỗ quan tài đỏ.
Mei đứng ở trong.
Đúng như bộ dạng con búp bê bên quan tài đen. Quan tài quá nhỏ, cô phải cong đầu gối, vai hơi khum lại.
“Sakakibara không phải là ‘kẻ đã chết’.”
Vì tôi ghé vào gần quan tài, mặt cô chỉ cách mặt tôi vài centimet. Không rõ tự bao giờ Mei đã bỏ miếng băng khỏi mắt trái. Con mắt búp bê đang chằm chằm nhìn tôi, xanh biếc và trống rỗng.
“Yên tâm đi.” Giọng cô khẽ khàng, nhưng mạnh mẽ. Chẳng giống cô chút nào. “Không phải cậu đâu, Sakakibara.”
“Cậu... ừ...”
Cô ở gần quá. Tôi vụng về lùi lại, kéo giãn khoảng cách giữa hai chúng tôi. Lưng tôi liền va phải thứ gì đó cưng cứng: cánh cửa thép của thang máy ẩn sau tấm rèm.
“Bức ảnh của mẹ cậu đâu?” Mei hỏi, vẫn thu mình đứng trong quan tài. “Ảnh chụp chung cả lớp hôm tổng kết ấy? Cậu nói có thể nó nằm ở nhà ông bà. Tìm ra chưa?”
“Chưa, chưa đâu...” Tôi đã hỏi bà, bà vẫn đang tìm.
“Khi nào tìm thấy, cậu sẽ cho tôi xem chứ?”
“Ừ.”
“Vậy thì...”
Cuối cùng Mei rời khỏi cỗ quan tài, tiến ra giữa căn phòng. Lại một lần nữa, tôi vội vàng đuổi theo cô.
“Đây.”
Mei quay sang, đưa cho tôi một thứ. “Nếu có chuyện gì, cậu gọi vào số này nhé.”
Đó là một tấm thẻ cỡ danh thiếp, in giới thiệu tóm tắt về phòng trưng bày. “Số này” mà Mei bảo được viết bằng bút chì ở mặt sau.
“Đây là...” Tôi đón lấy tấm thẻ, nhìn dãy số. “Số điện thoại? Di động?”
“Phải.”
“Di động của cậu?”
“Phải.”
“Misaki có di động hả? Cậu bảo là máy móc đáng ghét cơ mà?”
“Quả thật là rất đáng ghét.” Mei nhướng mày phải lên, vẻ phiền muộn. “Sóng điện thoại cứ vây bọc suốt hai mươi bốn giờ mỗi ngày, bó buộc lắm! Tôi không muốn dùng đâu.”
Tôi ngó lom lom gương mặt cô.
Mei lặp lại, “Tôi có muốn dùng đâu,” rồi tiếp tục với giọng chán chường. “Người ấy bắt tôi dùng.”
“Ý cậu là Kirika?”
Mei khẽ gật đầu, “Có lần bà lo phát điên lên được... Bà là người duy nhất tôi từng liên lạc qua điện thoại. Chưa bao giờ gọi cho ai khác.”
“Ra vậy.”
Tâm trạng rất khó diễn tả, tôi nhìn số điện thoại viết trên tấm thẻ thêm lần nữa. Mei đã đeo lại miếng băng để che con mắt búp bê. Cô cũng khẽ thở dài, “Phát hiện ra điều gì ở trường hay tìm thấy tấm ảnh, nhớ báo cho tôi nhé. Cứ gọi thẳng vào số đó.”
6
Hồi chưa vào tiểu học, khi mà các ký ức còn chưa rõ rệt, tôi đã từng xem một cuốn băng ghi nhãn Dracula. Phim sản xuất trước khi tôi ra đời rất lâu, một tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của hãng Hammer Film Productions. Đó là lần đầu tiên tôi xem phim kinh dị. Sau đó, tôi tiếp tục xem - hay nói đúng hơn, bố bảo tôi xem - những cuốn băng khác thuộc series Dracula mà bố sưu tập vì yêu thích.
Bấy giờ dù còn bé, tôi đã đặt ra những câu hỏi có chiều sâu. Vì sao mặt trời lại lặn ngay khi nhân vật chính tới lâu đài Dracula? Ma cà rồng là một quái vật đáng sợ, nhưng lại có khá nhiều điểm yếu. Nổi bật trong số đó chính là sợ ánh mặt trời. Ban ngày ban mặt, nhân vật chính sẽ chẳng hề hấn gì, vậy nếu muốn chiến thắng ma cà rồng, vì sao anh ta lại tới lâu đài vào lúc mặt trời gác núi?
Giờ thì tôi hiểu rõ rồi. Câu trả lời chính là “để phát triển cốt truyện”, rõ ràng là thế.
Nói ra thật lạ, nhưng khi Teshigawara, Mochizuki và tôi thảo luận kế hoạch tìm kiếm ở tầng hai Khu o, đó là điều đầu tiên tôi nghĩ tới.
Đợi đêm xuống mới đi thật là ý tưởng điên rồ. Chúng tôi không phải chiến đấu với ma cà rồng hay thứ gì tương tự, nhưng kể cả thế, bằng mọi giá chúng tôi phải tránh tới đó vào thời điểm mặt trời lặn. Tôi nghĩ đây hẳn cũng là một dạng rối loạn ám ảnh cường chế.
Trái lại, Teshigawara không bằng lòng đi vào ban ngày. Ai lại lén lút thâm nhập vào sáng sớm, “nghe chẳng hợp mốt gì cả,” cậu tuyên bố.
Không chỉ dừng ở vấn đề tâm lý, chúng tôi còn phải lựa chọn được thời điểm thích hợp để ba nam Sinh lớp Chín lượn lờ trên sân trường giữa kỳ nghỉ hè, nếu không thì quá đáng nghi. Cho nên...
Sau khi xem xét tất cả các phương án lẫn nguyện vọng, chúng tôi quyết định sẽ lên đường lúc 3 giờ chiều ngày 30 tháng Bảy. Mặt trời sẽ lặn quãng 7 giờ, nên có lẽ bên ngoài trời chưa kịp tối trong khi chúng tôi lục lạo trong phòng.
Tôi không hề hé răng với thầy Chibiki về kế hoạch này. Tất nhiên cũng không kể cho bà ngoại hay dì Reiko nghe. Có lẽ là do được Teshigawara truyền cảm hứng về một “chuyến phiêu lưu bí mật trong kỳ nghỉ hè”.
Vào ngày hành động, chúng tôi tập trung tại Câu lạc bộ Mỹ thuật ở chái Tây tầng trệt Khu o. Mochizuki đã mở cửa sẵn cho chúng tôi, vì cậu là người của Câu lạc bộ.
Không muốn gây sự chú ý nên cả ba đều mặc đồng phục, dự định rằng nếu gặp một giáo viên nào đó, chúng tôi sẽ thoát hiểm bằng cách nói Câu lạc bộ Mỹ thuật tổ chức họp.
Thế rồi, sau 3 giờ...
Chúng tôi hành quân lên tầng hai Khu o, đúng như kế hoạch.
Một sợi dây chăng ngang lối lên cầu thang phía Đông và phía Tây tòa nhà. Một tấm bìa treo ở chính giữa sợi dây, với dòng chữ nổi bật: Cấm vào.
Chúng tôi kiểm tra để chắc chắn không có ai ở gần, rồi từng đứa một chuồi người dưới sợi dây, lén lút leo lên những bậc cầu thang thường vắng bóng người đi.
“Khu học xá cũ không có bí ẩn nào thuộc ‘Bảy điều kỳ bí ở Bắc Yomi’ à?” Tôi hỏi Teshigawara trên đường lên tầng, nửa đùa nửa thật. “Chẳng hạn như số bậc cầu thang lâu lâu lại thay đổi ấy? Trông có vẻ lắm?”
“Tớ chẳng biết,” Teshigawara nhấm nhẳng đáp. “Thực sự tớ chẳng hứng thú với thể loại ‘Biều kỳ bí’ đâu.”
“Thế ư! Nhưng khi cùng Kazami đưa tớ đi thăm trường, rõ ràng là cậu rất hứng thú đấy.”
“Chà, tớ... Thì đấy, lúc ấy tớ không biết nên giải thích thế nào về tình thế đặc biệt của lớp 9-3. Tớ đã cố gắng lắm đấy.”
“Vậy là cậu không thực sự tin chuyện đó?”
“Tin có ma quỷ ấy à?”
“Phải. Đại loại thế.”
“Nói thật lòng, tớ không bao giờ nghĩ rằng chuyện như thế lại tồn tại trên đời. Ngoại trừ chuyện lần này của lớp 9-3.”
“Thế còn lời tiên tri của Nostradamus? Hy vọng cậu không nghĩ chúng sẽ thành hiện thực chứ?”
“Thành sao được?”
“Thật không?”
“Nếu mà tin chuyện tiên tri ứng nghiệm thì tớ sẽ cúi đầu chấp nhận chứ vật lộn vì ‘lời nguyền ở lớp 9-3’ làm gì!”
“Ra vậy.”
Đúng lúc đó Mochizuki chen ngang, “Một trong ‘Bảy điều kỳ bí’ nổi tiếng của Khu o có liên quan tới thư viện phụ”.
“Thư viện phụ? Có gì ở đó à?”
Another Another - Yukito Ayatsuji Another