Những nỗ lực của bạn chỉ có thể đơm hoa kết trái nếu bạn quyết không bỏ cuộc.

Napoleon Hill

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Dịch giả: Thiên Nga
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 41
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5394 / 158
Cập nhật: 2017-04-18 13:32:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 25
an và Di sửa soạn đến trường. Hai đứa đã bắt đầu đi học tuần trước hồi tháng Tám.
“Có phải đến đêm thì ta sẽ biết hết mọi thứ không hả mẹ?” buổi sáng đầu tiên Di nghiêm trang hỏi.
Giờ thì đã là đầu tháng Chín, Anne và Susan đã quen với việc bọn nhỏ đi học, thậm chí còn thích thú ngắm cảnh sáng sáng hai đứa bé cất bước đến trường, bé xíu vô tư lự và tươm tất nghĩ đi học một như cuộc phiêu lưu thôi. Bao giờ hai đứa cũng mang theo một trái táo trong giỏ cho cô giáo và mặc đầm dài vải bông kẻ xếp nếp xanh lam và hồng. Vì hai cô bé trông không giống nhau tí nào nên không bao giờ mặc như nhau. Diana, có mái tóc đỏ, không thể mặc màu hồng, nhưng Nan thì hợp, trong hai đứa sinh đôi Bên Ánh Lửa thì cô bé xinh hơn hẳn. Cô bé có đôi mắt nâu, tóc nâu và nước da dễ thương mà dù chỉ mới lên bảy cô đã hoàn toàn ý thức được rồi. Trong cách ăn mặc của cô bé đã có vẻ nổi bật. Cô bé ngẩng cao đầu kiêu hãnh, cái cằm nhỏ ngộ nghĩnh hơi dễ nhận thấy một chút, vì vậy mà đã bị cho là khá “kiêu”.
“Nó sẽ học được mọi mánh khóe và dáng điệu của mẹ nó,” bà Alec Davies nói. “Nếu bà hỏi thì tôi sẽ nói là con bé đã biết làm duyên làm dáng rồi đấy.”
Cặp song sinh không giống nhau về nhiều điểm khác chứ không chỉ là vẻ bề ngoài. Di, dù ngoại hình giống mẹ, nhưng rất giống đứa con của cha, về thể chất và phẩm chất. Cô đã chớm có khuynh hướng thực tiễn, lương tri thông thường, khiếu hài hước lung linh của anh. Nan thừa hưởng trọn khiếu tưởng tượng của mẹ và đã làm cho đời sống của riêng mình thú vị theo một cách rất riêng. Chẳng hạn, hè này cô bé đã rất hứng thú được thương lượng với Chúa, ý chính là, “Nếu Ngài làm điều này điều kia thì con sẽ làm chuyện này chuyện nọ.”
Từ nhỏ trẻ con Bên Ánh Lửa đã được dạy những bài cầu nguyện kinh điển quen thuộc, “Con sẽ nằm xuống ngủ”... rồi đến “Cha của chúng con”... rồi được khuyến khích có cả những thỉnh nguyện riêng bằng ngôn ngữ nào tùy ý. Khó mà biết cái gì đã gieo trong Nan ý niệm rằng có thể giục Chúa ban cho những điều cầu xin bằng cách hứa sẽ cư xử tử tế hay chứng tỏ tính kiên cường. Có lẽ một cô dạy lớp giáo lý khá trẻ và xinh đã là nguyên nhân gián tiếp bởi những khiển trách thường xuyên rằng nếu chúng không ngoan thì Chúa sẽ không làm điều này điều kia cho chúng. Thật dễ dàng đảo ngược ý niệm này mà đi đến kết luận rằng nếu ta thế này hay thế kia, làm này hay làm nọ, ta có quyền mong Chúa làm những gì ta muốn. Cuộc “thương lượng” đầu tiên của Nan hồi mùa xuân thành công đến mức vượt xa một số thất bại nên cô bé cứ tiếp tục như thế suốt mùa hè. Không ai biết chuyện đó ngay cả Di. Nan ôm chặt bí mật và đã bắt đầu cầu nguyện vào những thời khắc và nơi chốn khác nhau, thay vì chỉ buổi tối. Di không đồng tình với chuyện này và đã nói ra.
“Đừng lầm Chúa với mọi thứ,” cô bé nghiêm khắc nói với Nan. “Chị khiến Ngài trở nên quá tầm thường.”
Anne nghe thấy vậy bèn quở trách cô bé, cô nói, “Chúa ở trong mọi thứ, con yêu. Ngài là người bạn bao giờ cũng gần bên để cho ta sức mạnh và lòng can đảm. Nên Nan hoàn toàn đúng khi cầu xin Ngài ở đâu tùy ý chị.” Dù, nếu Anne biết sự thật về những lời cầu nguyện của cô con gái nhỏ thì cô sẽ khá kinh hoàng.
Một đêm tháng Năm Nan nói, “Chúa kính mến, nếu Ngài làm cho răng con mọc kín trước tiệc của Amy Taylor tuần tới con sẽ uống hết mọi liều dầu thầu dầu bà Susan đưa mà không làm mình làm mẩy chút nào.”
Ngay hôm sau cái răng xuất hiện - thiếu nó làm cái miệng xinh xinh của Nan có một khoảng trống khó coi và chuyện này đã kéo dài lâu rồi - và đến ngày có tiệc thì đã mọc kín. Ta còn muốn dấu hiệu nào chắc chắn hơn nữa? Nan trung thực tuân thủ thỏa thuận về phía mình nên sau đó Susan vui mừng kinh ngạc mỗi khi phát dầu thầu dầu. Nan uống mà không nhăn mặt hay phản đối, dù thỉnh thoảng cô bé ước lẽ ra mình nên đặt ra một giới hạn thời gian... trong ba tháng chẳng hạn.
Không phải bao giờ Chúa cũng đáp lời. Nhưng khi cô bé cầu xin Ngài gửi cho mình một chiếc cúc áo đặc biệt để thêm vào xâu cúc áo - phong trào sưu tầm cúc áo đã bùng nổ lan tràn trong đám nữ sinh ở Glen như bệnh sởi - cam đoan với Ngài rằng nếu Ngài thực hiện thì cô sẽ không bao giờ làm mình làm mẩy khi Susan dọn đĩa mẻ cho mình... ngay ngày hôm sau chiếc cúc áo xuất hiện, Susan tìm thấy trên cái áo đầm cũ ở gác mái. Một bộ cúc áo màu đỏ đẹp có kim cương li ti, hay cái mà Nan tin là kim cương. Cô bé bị tất cả ganh tị vì mấy cái cúc áo trang nhã đó và tối hôm ấy khi Di không chịu cái đĩa mẻ thì Nan nghiêm trang nói, “Đưa nó cho cháu, bà Susan ơi. Từ giờ cứ để cháu dùng nó luôn cho.” Susan tưởng cô bé vị tha tuyệt vời nên mới nói thế. Trong khi đó thì Nan cảm thấy tự mãn trong bụng và cả ngoài mặt nữa. Cô bé có một ngày đẹp trời trong buổi dã ngoại của lớp giáo lý, khi mà đêm trước ai cũng tiên đoán sẽ có mưa, bằng cách hứa sáng sáng sẽ tự đánh răng mà không cần ai nhắc. Chiếc nhẫn cô bé làm mất đã tìm lại được với điều kiện cô giữ móng tay sạch tinh, còn khi Walter truyền lại bức hình thiên thần bay bấy lâu nay Nan vẫn khao khát, từ đó về sau đến giờ ăn tối cô không kêu ca mà ăn luôn mỡ lẫn trong nạc.
Tuy vậy, khi cô bé xin Chúa làm cho con gấu bông tả tơi vá víu trẻ lại và hứa giữ ngăn hộc tủ của mình ngăn nắp, thì có gì đó giáng một trở ngại bất ngờ. Gấu bông không trẻ lại dù mỗi sáng Nan nóng lòng trông chờ phép lạ và ước gì Chúa nhanh tay lên. Cuối cùng cô bé đành cam chịu tuổi của gấu. Suy cho cùng thì chú là một con gấu già tử tế còn giữ cho cái hộc tủ đó ngăn nắp thì khó kinh khủng. Khi bố đem về cho cô một con gấu bông mới, cô bé không thật bụng thích nó, và dù lương tâm bé nhỏ hết sức ái ngại, vẫn quyết định là cô không cần phải cố gắng gì đặc biệt cho cái hộc tủ. Niềm tin trở lại khi cô bé cầu xin cho bên mắt mất tiêu của con mèo bằng sứ trở lại, sáng hôm sau con mắt đã được đặt vào chỗ cũ dù có hơi lệch, làm con mèo như bị lé. Khi quét nhà Susan đã bắt gặp nên dùng keo dán vào nhưng Nan không biết chuyện này nên vui vẻ thực hiện lời hứa là bò quanh nhà kho mười bốn lần. Bò quanh nhà kho mười bốn lần có ích lợi gì thì ngoài Nan ra không Chúa hay ai khác dừng lại mà ngẫm. Nhưng cô bé ghét làm chuyện đó... bọn con trai cứ muốn cô với Di giả làm con thú nào đó trong thung lũng Cầu Vồng... nhưng có lẽ trong đầu óc mới chớm của cô bé có một ý nghĩ mơ hồ nào đó là ăn năn sám hối biết đâu sẽ làm hài lòng Đấng Bí ẩn, người có quyền ban phát hay thu hồi tùy ý. Dù sao thì mùa hè ấy cô bé cũng đã nghĩ ra vài trò dại dột kỳ quái, khiến Susan thường xuyên thắc mắc chẳng hiểu bọn trẻ lấy đâu ra những ý niệm như vậy nữa.
“Cô bác sĩ thân yêu, theo cô thì tại sao Nan phải đi quanh phòng khách mỗi ngày hai lần mà không bước trên sàn nhà?”
“Không bước trên sàn nhà! Làm sao nó làm được, Susan?”
“Bằng cách nhảy từ bàn này sang ghế khác, kể cả tấm chắn lò sưởi. Hôm qua con bé trượt chân ngã chúi mũi vào thùng đựng than. Cô bác sĩ thân yêu, cô có nghĩ con bé cần một liều thuốc xổ không?”
Niên lịch Bên Ánh Lửa bao giờ cũng nhắc đến năm ấy là năm bố suýt bị viêm phổi còn mẹ thì bị thật. Một đêm, Anne vốn đã nhiễm cảm lạnh khủng khiếp rồi, cùng Gilbert đi dự một bữa tiệc ở Charlottetown... mặc chiếc váy mới rất hợp và đeo chuỗi hạt trai của Jem. Cô đóng bộ trông đẹp đến mức bọn trẻ vào gặp trước khi cô đi đứa nào cũng nghĩ thật tuyệt vời khi có một người mẹ khiến ta tự hào như thế.
“Thật là một chiếc váy lót xinh đẹp sang trọng quá chừng,” Nan thở dài. “Lớn lên con có được mặc váy lót bóng giống vậy không, mẹ?”
“Bố không chắc đến lúc đó con gái còn mặc váy lót,” bố nói. “Anne này, anh sẽ đổi ý mà công nhận rằng chiếc váy đó đẹp lộng lẫy dù anh không ủng hộ đám hạt xê quin ấy. Nào, đừng cố quyến rũ tôi, cô kia. Tôi đã trao cho cô mọi lời khen ngợi tối nay tôi định khen rồi. Hãy nhớ câu hôm nay ta đọc thấy trong Tạp chí Y khoa... ‘Sự sống chỉ là hóa học hữu cơ cân bằng một cách tinh tế,’ nên hãy để nó làm ta khiêm tốn và nhã nhặn. Xê quin, đúng là! Váy lót vải bóng, quả là. Chúng ta chỉ là ‘một chuỗi nguyên tử ngẫu nhiên’. Tiến sĩ Von Bemburg nổi tiếng nói vậy mà.”
“Đừng trích lời cái ông Von Bemburg khủng khiếp đó với Jem. Hẳn ông ta bị táo bón kinh niên. Ông ta có thể là chuỗi nguyên tử đấy, nhưng em thì không đâu.”
Vài ngày sau Anne là “chuỗi nguyên tử” bị bệnh nặng còn Gilbert là chuỗi nguyên tử lo sợ khủng khiếp. Susan đi quanh trông lo âu phờ phạc, còn cô y tá chuyên nghiệp đến rồi đi mặt mày lo lắng, và một cái bóng không tên bỗng sà xuống rồi lan ra và tối sầm lại ở Bên Ánh Lửa. Bọn trẻ không được cho biết về tình trạng bệnh trầm trọng của mẹ và ngay cả Jem cũng không nhận thức đầy đủ. Nhưng đứa nào cũng cảm thấy cái lạnh lẽo và nỗi sợ nên đi khẽ và không vui. Chỉ lần này thôi rừng thích vắng tiếng cười và thung lũng Cầu Vồng không trò chơi. Nhưng điều tệ hại nhất trong tất cả là chúng không được phép gặp mẹ. Không có mẹ tươi cười đón chúng về, không có mẹ nhẹ nhàng vào hôn chúc ngủ ngon, không có mẹ vỗ về cảm thông thấu hiểu, không có mẹ cười trước những trò đùa... chưa bao giờ có ai cười như mẹ. Còn tệ hơn nhiều so với khi mẹ đi vắng vì khi ấy ta biết mẹ sẽ về... còn giờ thì ta... không biết gì cả. Không ai nói cho ta biết gì... họ cứ lảng tránh ta.
Nan đi học về tái xanh vì điều Amy Taylor đã nói với cô bé.
“Bà Susan ơi, mẹ... mẹ sẽ không... mẹ không chết phải không, bà Susan?”
“Dĩ nhiên là không,” Susan nói, nhanh nhảu và liến thoắng quá mức cần thiết. Hai bàn tay bà run run khi rót cho Nan cốc sữa. “Ai nói với cháu vậy?”
“Amy. Nó nói... ôi bà Susan ơi, nó nói chắc mẹ sẽ là thi hài xinh đẹp lắm!”
“Cháu đừng bao giờ để ý những gì nó nói, cháu cưng ạ! Nhà Taylor ai cũng có cái lưỡi không xương. Mẹ may mắn của cháu bệnh khá nặng nhưng mẹ sẽ vượt qua và cháu cứ tin chắc điều đó. Chẳng lẽ cháu không biết cha cháu đang chèo chống con thuyền sao?”
“Chúa sẽ không để mẹ chết đâu, đúng không Susan?” Walter môi tái ngắt hỏi, nhìn bà chăm chăm với vẻ trầm trọng đến mức Susan khó mà thốt lên những lời nói dối dỗ dành. Bà hết sức sợ đó là nói dối. Susan đang hết sức kinh hoảng. Chiều hôm ấy cô y tá đã lắc đầu. Cậu bác sĩ không chịu xuống ăn tối.
“Mình nghĩ Chúa toàn năng biết Ngài định làm gì,” Susan lẩm bẩm khi rửa bát đĩa bữa tối... rồi làm vỡ mất ba cái nhưng lần đầu tiên trong cuộc đời đôn hậu, dung dị bà nghi ngờ điều đó.
Nan buồn bã tha thẩn quanh nhà. Bố đang ngồi ôm đầu bên bàn thư viện. Cô y tá vào và Nan nghe cô nói cô nghĩ rằng đêm đó cuộc khủng hoảng sẽ tới.
“Khủng hoảng là gì?” cô bé hỏi Di.
“Em nghĩ là cái con bướm vừa thoát xác ra,” Di thận trọng nói. “Ta hỏi Jem xem.”
Jem biết, và nói cho chúng nghe rồi lên lầu nhốt mình trong phòng. Walter đã biến đâu mất... cậu nằm úp mặt dưới chân Tiểu Thư Áo Trắng trong thung lũng Cầu Vồng... còn Susan đã đưa Shirley với Rilla đi ngủ. Nan một mình đi ra ngồi xuống mấy bậc thềm. Trong căn nhà sau lưng cô bé là cảnh im ắng xa lạ khủng khiếp. Trước mặt cô bé làng Glen rực rỡ nắng chiều, nhưng con đường đỏ dài bụi mờ và cỏ rạp mình ngoài mấy cánh đồng cạnh cảng cháy trắng lòa trong khô hạn. Đã nhiều tuần rồi trời không mưa nên hoa héo rũ trong vườn... những bông hoa mẹ yêu thích.
Nan nghĩ lung lắm. Nếu có lúc nào phải thương lượng với Chúa thì chắc hẳn là lúc này. Cô bé hứa làm gì nếu Ngài phù hộ cho mẹ khỏe lại đây? Phải là cái gì đó ghê gớm... cái gì đó cho xứng công Ngài. Nan nhớ có một hôm Dicky Drew nói với Stanley Reese ở trường, “Tớ thách cậu sau nửa đêm đi trong nghĩa trang đấy.” Lúc ấy Nan rùng mình. Ai mà đêm hôm đi khắp bãi tha ma cho được... ai mà làm được dù chỉ mới nghĩ đến thôi? Chuyện Nan sợ nghĩa trang là điều không ai ở Bên Ánh Lửa nghi ngờ. Có lần Amy Taylor bảo con bé là trong đó đầy người chết... “mà không phải lúc nào họ cũng nằm chết đâu,” Amy nói đầy vẻ bí ẩn. Giữa ban ngày ban mặt mà Nan còn khó mà buộc mình đi ngang qua đó nữa là.
Xa xa cây cối trên một ngọn đồi vàng rực mù sương như chạm đến cả bầu trời. Nan vẫn nghĩ nếu cô bé lên được ngọn đồi đó thì cũng sẽ chạm tới trời. Chúa sống chỉ ngay bên kia thôi... ở đó Ngài nghe ta được rõ hơn. Nhưng cô không lên tới ngọn đồi đó được... cô phải cố hết sức mình ở Bên Ánh Lửa này thôi.
Cô bé chắp hai bàn tay rám nắng nhỏ bé và ngước khuôn mặt lấm lem nước mắt lên nhìn trời.
“Chúa thương mến,” cô bé thì thầm, “nếu Ngài làm cho mẹ khỏe lại thì con sẽ đi khắp nghĩa trang sau nửa đêm. Ôi Chúa mến thương, xin hãy làm ơn, làm ơn đi. Nếu Ngài làm việc này thì rất rất lâu sau con sẽ không làm phiền ngài nữa đâu.”
Anne Dưới Mái Nhà Bên Ánh Lửa Anne Dưới Mái Nhà Bên Ánh Lửa - Lucy Maud Montgomery Anne Dưới Mái Nhà Bên Ánh Lửa