Love is the only way to grasp another human being in the innermost core of his personality.

Viktor E. Frankl

 
 
 
 
 
Tác giả: Richard Dudman
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2831 / 50
Cập nhật: 2016-07-06 02:06:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10: Chia Tay
nh Hai hỏi: "Các anh thích được trả tự do ở đâu? Tôi chưa biết sẽ có các khả năng gì, nhưng tôi muốn biết ý của các anh."
Giữa những ván cờ vua chơi với anh Tư, với bộ quân cờ mới mà chúng tôi đã tặng anh, anh Hai đang lo chuẩn bị cho chuyến hành quân nguy hiểm để chuyển giao chúng tôi trở lại sự kiểm soát của Mỹ.
Chúng tôi hội ý với nhau một lát rồi nói với anh ấy rằng sự lựa chọn số một của chúng tôi là Hà Nội. Chúng tôi đã từng bàn bạc vấn đề này nhiều lần và đã quyết định rằng một chuyến thăm thủ đô Bắc Việt Nam sẽ là đỉnh điểm tốt nhất cho cuộc trải nghiệm này của chúng tôi. Đó cũng là dịp để chúng tôi dược nhìn rõ suốt chiều dài đường mòn Hồ Chí Minh. Chúng tôi chưa từng biết một người phương Tây nào từng viết một bài trực tiếp ghi nhận về con đường xâm nhập này. Khởi đầu là một hệ thống đường mòn và dưới bom đạn liên tục của Mỹ đã phát triển cho đến nay xe cộ hạng nặng có thể lưu thông được xuyên qua Lào vào Nam Việt Nam. Sự lựa chọn số hai của chúng tôi là Vientiane, số ba là Sài Gòn và cuối cùng là Phnom Penh. Mike đã bị lôi cuốn bởi ý tưởng là các du kích sẽ đưa chúng tôi luồn vào đến trung tâm Sài Gòn, đây là kỳ công mà chúng tôi nghĩ rằng có lẽ họ hoàn thành được với sự hỗ trợ của các cơ sở nằm vùng và các giấy tờ giả.
Anh Hai nói: "Đi Hà Nội sẽ là một chuyến đi dài và khó khăn. Cỏ nhiều trận đánh ở dọc đường. Chúng ta sẽ quyết định chỗ nào là tốt nhất khi đến lúc." Anh nói tiếp rằng từ nay tới lúc ấy sẽ phải làm một số việc. Một người chụp ảnh sẽ đến chụp các bức ảnh chung cho chúng ta, có thể là ảnh các du kích và người Mỹ chơi cờ vua với nhau. Anh Hai yêu cầu chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng các món quà tặng khác để bày ra sàn để chụp ảnh. Vào buổi chiều, mọi người sẽ dự một bữa tiệc với món ăn chính là thịt chó.
Người chụp ảnh đến vào sáng sớm hôm sau, thứ bảy, 13 tháng Sáu đây là một trong số nửa tá người đã đến từ các bản doanh đóng trong khu vực để sắp xếp việc trả tự do cho chúng tôi. Người chụp ảnh chính là anh chàng nói nhiều đã đi với anh Hai khi anh tham dự bữa tiệc của chúng tôi một tuần sau khi chúng tôi bị bắt. Một người khác trong nhóm vừa đến là người đàn ông nhỏ bé khó chịu, nói tiếng Pháp, với hàm răng vẩu, và thường lấy tay che miệng mỗi khi nói, và cũng là người đã cho rằng các máy ảnh của chúng tôi trông giống máy ảnh của gián điệp hơn là máy ảnh của nhà báo. Tuy vậy, lần này anh chàng lại tỏ ra thân thiện, sau khi biết rằng chúng tôi đã được xác minh rõ ràng và sắp được thả.
Người chụp ảnh muốn bắt đầu ngay. Tôi tiến đến căn phòng của chúng tôi định lấy ra các món quà tặng để chụp hình, nhưng anh Hai nói kế hoạch đã thay đổi. Bây giờ sẽ không chụp ảnh quà tặng hay ván cờ vua gì hết, thậm chí cũng không chụp một người Việt Nam nào cả. Bỗng nhiên anh tỏ ra nghiêm túc, giũ bỏ cái tác phong thoải mái mà anh đã thể hiện trong những tuần lễ sống chung với chúng tôi. Sự thay đổi này có lẽ một phần là do anh đã bị bác bỏ về kế hoạch chụp ảnh. Hơn nữa, những người mới đến có thể sẽ không hiểu khi họ thấy anh thân thiết với các tù binh. Nhưng lý do quan trọng hơn, theo tôi nghĩ, là ở chỗ tám người chúng tôi, cả ba nhà báo và năm du kích, đều đã đi đến chỗ nghĩ về chúng tôi như một nhóm bạn hữu. Những người khác là người ngoài, họ đã xen vào nếp sống thoải mái mà chúng tôi đã được hưởng với nhau.
Ban Tun, người lính Campuchia, là người duy nhất trong nhóm năm người đó được chụp ảnh chung với chúng tôi. Người chụp ảnh yêu cầu chúng tôi mang “dép Hồ Chí Minh", làm từ vỏ xe hơi, rồi xếp hàng phía trước ngôi nhà. Anh ta trang bị cho Ban Tun một khẩu súng lục với dây đeo, đây là lần đầu tiên Ban Tun được phép đeo những món trang bị là biểu trưng của cấp sĩ quan, rồi xếp anh đứng phía trước chúng tôi, làm như thể là đang canh giữ chúng tôi vậy. Việc sắp đặt như vậy tất nhiên nhằm cho thấy rằng chính người Campuchia đang điều hành cuộc chiến tranh du kích tại Campuchia. Điều này thoạt tiên có vẻ gượng ép đối với Ban Tun, vốn chỉ luôn làm những công việc chân tay như lấy củi hay xách nước. Nhưng rồi anh tiếp tục đeo khẩu súng lục suốt ngày hôm đó và sau đó nữa. Anh được giao những nhiệm vụ có trách nhiệm hơn và có vẻ như đã được thăng chức sĩ quan.
Anh biết tôi đến từ Washington và hỏi tôi có quen Thượng Nghị sĩ Fulbright không. Tôi nói có. Anh nói: “Anh phải nói với ông ấy giùm tôi rằng ông ấy chẳng cần gì nhiều chiến lược mà chỉ cần một chiến lược thôi. Ông ấy hãy đến, sống và làm việc với những người nghèo khổ và bị áp bức. Ở đâu có nghèo khổ và áp bức, ở đó có chiến tranh. Ở đâu diệt trừ được nghèo khổ và áp bức ở đó có hòa bình". Một lát sau, có lẽ sau khi một người khác đã nói gì đó với anh, anh trở lại đề tài này và nói: “Trước khi anh chuyển lòi nhắn ấy đến Thượng Nghị sĩ Fulbright, tôi muốn tham khảo ý kiến với cấp trên của tôi, bởi vì tôi chỉ là một người lính thường."
Diễn giả không ngưng nghỉ này cho chúng tôi biết tóm tắt về sự nghiệp của anh. Anh nói anh ba mươi tuổi và đã theo cách mạng sáu năm, là một cơ sở nằm vùng ở Sài Gòn trước khi qua Campuchia tham gia chiến đấu. Anh nói anh đã tham dự cuộc tấn công đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng vào lính Mỹ, một trận đánh nhằm vào sư đoàn 25 của Mỹ ở Củ Chi vào ngày 7-1-1965.
Anh tiếp: "Tôi có hai người chị em là cơ sở bí mật ở Sài Gòn. Một người ném bom chất dẻo từ xe gắn máy. Tôi biết có những cô gái khác được giao nhiệm vụ bắn vào người Mỹ từ yên sau của các xe gắn máy. Tôi biết một cô gái có thể bắn súng lục bằng cả hai tay từ yên sau của một xe gắn máy."
Là một triết gia nghiệp dư, anh cho chúng tôi biết quan điểm của anh về bản chất của phong trào cách mạng. Anh nói, “Để làm cách mạng có hiệu quả, chúng tôi phải có hai phẩm chất chính, ấy là lý tưởng và lòng căm thủ. Chúng tôi căm thù lũ đế quốc và xâm lược ở Mỹ, nhưng không căm thù những người nghèo khổ và bị áp bức ở đó; nếu chúng tôi gặp họ chúng tôi sẽ ôm hôn họ như anh em. Và trong quân đội Mỹ, chúng tôi biết có một số không muốn chiến đấu chống lại chúng tôi nhưng họ đã bị bắt lính và bị ra lệnh làm điều đó. Rủi thay, trong tình trạng chiến tranh, chúng tôi không thể phân biệt họ với những người khác."
Anh chỉ dẫn ba người chúng tôi cách hành xử tốt nhất khi chúng tôi được về nhà. Với tôi, anh nói: "Công việc bình luận của anh rất quan trọng và có thể tác động đến suy nghĩ của nhân dân trên khắp thế giới". Với Mike và Beth, anh nói: “Tôi khuyên các bạn nên tìm hiểu chủ nghĩa xã hội và trở thành các lãnh tụ của phong trào tiến bộ ở nước Mỹ. Và các bạn có thể đến thăm các nước xã hội chủ nghĩa; nếu chỉ thăm các nước tư bản không thôi thì các bạn sẽ không thể được học hỏi về toàn thế giới." Anh tán dương một tinh thần làm báo "dấn thân" mới và bảo chúng tôi, "Khi các bạn trở về, các bạn không nên chỉ viết về chính trị, mà còn phải chọn phía nữa. Và khi chọn phía, các bạn phải luôn luôn ủng hộ cách mạng. Đúng ra, hai bạn (ý chỉ Mike và tôi) nên lập ra một tờ báo mới để cống hiến cho cách mạng." Anh khuyên Beth hãy trở thành một lãnh tụ cách mạng của phụ nữ Mỹ.
Hai người đến từ bộ chỉ huy cấp trên, người chụp ảnh và người nói tiếng Pháp, mang vào một túi nhựa chứa giấy tờ mà chúng tôi nhìn thấy đó là những bản tuyên bố và những bài báo do chúng tôi viết trước đây. Họ lục lọi tìm kiếm các bài thích hợp để cho chúng tôi đọc vào một cái máy thu băng. Có đầy đủ ở đó, gồm cả những bài báo của Mike mà người ta cho chúng tôi biết rằng đã được gửi đến một nơi nào đó để gửi chuyển tiếp đến đại diện tập đoàn của anh ấy ở Washington - đủ tất cả, ngoại trừ những lá thư của chúng tôi viết gửi về gia đình. Điều đó có thể có nghĩa là những lá thư đó đã thật sự được gửi đi, và Helen cùng các con gái tôi đã biết rằng tôi được bình yên.
Anh Hai nói rằng họ muốn ghi lại tiếng nói của chúng tôi để làm "vật lưu niệm". Chúng tôi không phản đối anh, mặc dù biết rằng chắc hẳn họ đang chuẩn bị cho một chương trình phát thanh tuyên truyền. Mike chọn ra bài đầu tiên của anh, viết về mấy ngày đầu tiên chúng tôi sống với du kích và những điều chúng tôi nhìn thấy về mối quan hệ tốt đẹp của họ với dân chúng Campuchia. Tôi chọn bản tuyên bố do Mike, Beth và tôi đã soạn thảo. Trong lúc chúng tôi đọc các bài đó vào một cái máy thu băng Nhật Bản, chắc là cái micro cũng thu luôn tiếng kêu ăng ẳng từ phía dưới căn nhà khi có ai đó chuẩn bị giết một con chó làm bữa ăn chiều.
Chúng tôi không băn khoăn gì lắm trước viễn cảnh các bản tuyên bố của chúng tôi sẽ được phát thanh. Chúng tôi đã viết một cách kỹ lưỡng, bám chắc vào sự thật mà chủng tôi nhìn thấy, mặc dù đồng thời vẫn cố tránh không làm cho các du kích bực mình. Chỗ duy nhất khiến tôi do dự là việc đề cập đến các báo cáo cho rằng lính Mỹ đã hãm hiếp phụ nữ Campuchia, song chúng tôi biết rằng loại chuyện đó đang xảy ra trong cuộc chiến tranh, và ngoài ra, chúng tôi cũng đã nói rõ rằng chúng tôi nghe nói rằng các vụ việc đó đã xảy ra.
Chúng tôi đã rất thất vọng khi anh Hai nói việc thu băng chỉ để làm vật lưu niệm. Nhưng sau khi việc ghi âm đã xong xuôi, anh đã tự cải chính. Anh nói: “Chúng tôi có thể sẽ cho phát thanh các bản tuyên bố của các anh. Nhưng chỉ sau khi chúng tôi biết rằng các anh đã an toàn." Như vậy các du kích đã duy trì được vẹn toàn thành tích thẳng thắn với chúng tôi. Đã nhiều lần chúng tôi ngờ vực có thể có cạm bẫy hay lừa dối, nhưng lần nào thì những ngờ vực đó chúng đều hóa ra là vô căn cứ. Chúng tôi đã từng lo sợ là sẽ bị buộc viết đi viết lại nhiều lần hồ sơ của chúng tôi để lừa cho chúng tôi đi đến chỗ tự mâu thuẫn với chính mình. Lúc tôi bị bịt mắt lùa đi trong buổi chiều đầu tiên, và rồi lúc Nhăn Nhó và tôi ẩn nấp trong bụi rậm trong cuộc tấn công đâu tiên, tôi đã nghĩ chắc chắn là mình sắp bị bắn vào gáy. Khi chúng tôi được mời viết các bài báo tôi đã sợ rằng mình đang bị cài bẫy để trở thành một tuyên truyền viên tù nhân thường xuyên luôn. Tất cả các nghi ngờ và e sợ đó đều không xảy ra.
Việc nhận ra các du kích này là đáng tin cậy đã khiến tôi nhớ lại một cuộc nói chuyện vào năm 1969 giữa tôi với một dân biểu của Hạ Nghị viện Nam Việt Nam tên là Huong Ho. Một tối nọ, khi chúng tôi ngồi với nhau trong căn nhà giản dị của ông ấy nằm phía sau một cửa tiệm ở trung tâm Sài Gòn, ông kể cho tôi về cuộc chiến đấu chống Pháp của ông cùng Việt Minh, nhưng sau 1954 ông đã quyết định định cư ở miền Nam vì không muốn sống dưới chế độ cộng sản. Nhưng với một nỗi hối tiếc và vỡ mộng, ông đã nói với tôi rằng ông rất nhớ những thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, là những người kế tục của Việt Minh. Họ không ăn hối lộ và tham nhũng như rất nhiều quan chức ở Sài Gòn. Ông nói họ đặt phong trào độc lập dân tộc của Việt Nam lên trước lợi ích riêng của họ. Tôi nhớ là ông ấy đã mô tả họ là “thuần khiết".
Tới lúc đó thì chúng tôi đã hiểu biết khá rõ các du kích. Như tôi từng nói với Mike, họ có vẻ có đầy đú các đức tính chuẩn mực vẫn được coi trọng trong xã hội phương Tây. Tôi nhớ lại những danh hiệu của quy tắc hướng đạo sinh mà tôi đã ghi nhớ khi còn là một cậu bé. Một hướng đạo sinh thì đáng tin cậy, trung thành, ân cần, thân thiện, lễ độ, tốt bụng, vâng lời, vui tươi, tiết kiệm, dũng cảm, sạch sẽ và sùng kính. Tất cả các phẩm chất đó đều hoàn toàn xứng hợp với các người du kích này, có lẽ chỉ ngoại trừ điểm cuối cùng, và mặc dù họ là những người vô thần, sự dâng hiến của họ cho lý tưởng của họ cũng có thể được xem như một dạng sùng kính.
Các phẩm chất đạo đức của họ đã tác động trực tiếp nhất đến chúng tôi là ở chỗ họ luôn luôn tôn trọng các quyền của chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ bị bắt buộc hay thậm chí chỉ bị yêu cầu phải viết hay nói một điều gì mà chúng tôi cho là không đúng sự thật, chúng tôi cũng không hề bị yêu cầu phải ký vào một văn bản nào do người khác soạn sẵn.
Sau phần ghi âm. người nói tiếng Pháp muốn trò chuyện riêng với chúng tôi trong phòng chúng tôi. Với một vẻ bối rối rõ ràng, ông ấy nêu lên vấn đề các máy ảnh và tư trang của chúng tôi. Những thứ đó được cất trong căn nhà mà chúng tôi trú ngụ mấy đêm đầu tiên, và các du kích đã để chúng lại ở đó khi chúng tôi bỏ chạy ngay trước khi có cuộc tấn công của quân Sài Gòn. Họ nghĩ là sau đó họ có thể quay lại để lấy những thứ đó, nhưng quân Sài Gòn đã tìm ra và lấy chúng đi. Ông ấy nói như thế. Không biết liệu có thể tin được câu chuyện đó hay không, chúng tôi nói rằng dù sao những thứ đó cũng không quan trọng lắm, và tốt nhất là quên chúng đi.
Ông ấy nói: “Chúng tôi không muốn lấy bất kỳ thứ gì của các anh - ngay cả cái bánh bích quy này." Chúng tôi đã cho ông ấy một cái bánh bích quy còn lại sau một bữa ăn sáng, và ông đã nhận một cách do dự và để nguyên không ăn, nay đặt nó trên sàn bên cạnh ông. ông nói tiếp: “Chúng tôi thấy buồn về các tư trang của các anh vì các anh là người tốt. Nếu như các anh là người xấu thì chúng tôi sẵn sàng giết các anh và giữ lại tư trang của các anh."
Trong lúc câu nói kinh khủng ấy đang thấm thía, đột nhiên ông ấy lấy từ túi ra một cọc tiền rồi đếm cho mỗi người chúng tôi năm tờ giấy bạc Nam Việt Nam 1.000 đồng mới và một tờ giấy bạc Campuchia 100 riel màu xám rách nát, và nói: "Tôi được chỉ thị đưa các anh món tiền này để các anh sẽ không bị kẹt tiền trên đường về Sài Gòn. Các anh sẽ được thả trên Quốc lộ 1, và các anh sẽ cần tiền để mua thực phẩm hay thuê xe." Chúng tôi từ chối không nhận tiền - tổng cộng trị giá khoảng 50 đô-la Mỹ - nhưng ông ấy cứ nài ép.
Người khách kế tiếp của chúng tôi là Ban Tun, có đem theo Wang làm thông dịch. Người lính Campuchia này, mà chúng tôi hiểu biết chủ yếu thông qua các trò đùa và trò chơi, giải thích rằng khó khăn về ngôn ngữ đã khiến chúng tôi không thể trở nên thân thiết hơn. Anh nói: “Trước khi các anh đi, tôi muốn hỏi vài câu về các anh và đất nước các anh. Gia đình các anh như thế nào? Khi các anh về Mỹ liệu có yên ổn không vả các anh sẽ được an toàn ở đó không? Và sau khi về nhà các anh sẽ viết về kinh nghiệm của mình không?"
Sau khi tiếp thu câu trả lời của Mike, Ban Tun kể cho chúng tôi đôi điều về anh: “Trước cuộc đảo chính ngày 18 tháng 3, Campuchia bình yên và thịnh vượng. Tôi là một sĩ quan trong đội vệ binh của Lon Nol ở Phủ Thủ tướng. Tôi bỏ chức vụ đó vào ngày trước ngày đảo chính để trở thành một người lính trơn trong quân đội cách mạng của Hoàng thân Sihanouk. Đại đội của tôi là đơn vị thân cận nhất của Thủ tướng, và toàn bộ đều đào ngũ. Tôi phải bỏ lại vợ và hai con gái. Bây giờ vợ tôi sắp sinh đứa thứ ba. Tôi nghe nói các con tôi vẫn ở Phnom Penh, nhưng không nghe tin tức gì về vợ tôi. Có thể là vào lúc này họ đều đã bị giết chết. Tôi dự định sẽ chiến đấu cùng quân giải phóng cho tới khi đánh bại Lon Nol và Hoàng thân Sihanouk và chính sách trung lập trước đây được khôi phục lại”.
Ban Tun nói anh không phải là một người cộng sản và anh biết rất ít về Khmer Đỏ, phái cộng sản Campuchia đã tồn tại nhiều năm và hiện đang hợp tác với Bắc Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải Phóng. Trong số những người Campuchia tham gia Mặt trận Campuchia cũng có một ít người cộng sản. nhưng theo cách nói của anh, họ hầu hết là “tư bản."
Anh nói tiếp rằng khi Hoa Kỳ và chế độ Sài Gòn ủng hộ chế độ mới của Lon Nol, thì hiển nhiên Mặt trận Campuchia không thể tự mình thành công được, mà phải có sự hỗ trợ từ “nhân dân Lào, Bắc Việt Nam, và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam". Anh nói: “Bốn dân tộc chúng tôi, đoàn kết lại, phải chiến đấu chống Lon Nol, người Mỹ, chế độ Sài Gòn, và Thái Lan."
Trước khi tiếp tục, Ban Tun muốn được trả lời cho một câu hỏi cụ thể: “Nhân dân Mỹ có biết về cuộc đảo chính ngày 18 tháng 3 chống Hoàng thân Sihanouk trước khi nó xảy ra không?" Anh ấy và những du kích khác mà chúng tôi có dịp nói chuyện đều tin chắc rằng CIA đã sắp đặt cuộc đảo chính đó. Người chụp hình và người du kích nói tiếng Pháp đã đem đến những chi tiết mới làm bằng chứng thêm nữa về sự đồng lõa của chính phủ Hoa Kỳ. Họ nói rằng hai viên chức của Sứ quán Mỹ đã có mặt cạnh Lon Nol đúng vào thời điểm đảo chính và Adam Malik - Ngoại trưởng Indonesia đã đến Campuchia ngay trước cuộc đảo chính để giúp dàn xếp trong vai trò một phái viên của CIA. Cho dù sự thật ra sao - trong đó câu chuyện về Malik khó có thật - tôi vẫn có.thể bảo đảm với anh ấy rằng người dân Mỹ không hề hay biết cuộc đảo chính sắp xảy ra.
Anh nói: “Nếu đúng là nhân dân Mỹ không ủng hộ việc lật đổ Hoàng thân Sihanouk và chống lại những gì chính phủ của họ hiện đang làm ở đây thì việc ấy không thể thành công. Nhưng nếu chỉ rút quân đội Hoa Kỳ khỏi Campuchia không thôi sẽ không đủ để đem lại hòa bình. Quân Thiệu-Kỳ cũng phải rút ra. Công việc của Campuchia phải do người Campuchia quyết định, và công việc của Đông Dương phải do nhân dân Đông Dương quyết định, không có sự can thiệp từ bên ngoài. Chỉ khi nào Hoàng thân Sihanouk được khôi phục quyền hành, hòa bình và trung lập được khôi phục cho Campuchia, tôi mới trở về với gia đình. Tất cả chúng ta đều chung cảnh ngộ, tất cả đều xa gia đình. Tôi rất vui được gặp các nhà báo Mỹ, các anh sẽ viết chống lại cuộc xâm lược của Mỹ ở Campuchia. Tôi tiếc là đã không nói được tiếng Việt, tiếng Pháp hay tiếng Anh và đã có một cái mặt nạ giữa chúng ta. Nhưng tôi rất vui được sống chung với các anh lúc các anh ở đây."
Chúng tôi xúc động bởi bài nói được suy nghĩ cặn kẽ của người lính này, người mà chúng tôi vẫn nghĩ là không thạo ăn nói. Beth, vốn đặc biệt thích anh, đã có lời đáp lại nồng nhiệt. Thông qua Mike, chị nói: “Có một ngôn ngữ của tình bạn, sự ân cần và tin cậy mà không cần đến câu chữ. Chúng ta đã nói với nhau rất nhiều bằng thứ ngôn ngữ đó."
Năm người du kích của chúng tôi có vẻ như gần gũi hơn với chúng tôi khi thời điểm chúng tôi lên đường đến gần. Một phần đây cũng là một phản ứng đối với các vị khách đến từ sở chỉ huy, các vị này tiếp tục nói chuyện với chúng tôi bằng khẩu hiệu. Anh Hai trò chuyện với chúng tôi trước bữa ăn chiều và đưa ra một nhận xét nghe có vẻ như một lời khuyên tinh tế của một Roger Hilsman hay một Robert Komer hay những người Mỹ khác luôn nghĩ rằng cuộc chiến này là đáng để chiến thắng nhưng lại chỉ trích về chiến lược của Mỹ. Anh Hai nói: “Chúng tôi khác với người Mỹ. Chúng tôi chỉ bắn khi có một mục tiêu. Người Mỹ thường bắn vào những chỗ trống rỗng hay những chỗ có dân thường chứ không có chiến sĩ Giải phóng. Điều đó không chỉ uổng tiền, mà thật ra còn thúc đẩy sự thất bại của Mỹ, vì nó hủy diệt sinh mạng và tài sản, chuyển người dân sang chống Hoa Kỳ."
Bữa tiệc thịt chó được chuẩn bị nhiều giờ đã hóa thành một vụ việc nghiêm túc. Hai mươi cái đĩa xếp thành hai dãy trên sàn nhà, một số được mượn từ hàng xóm cùng với các đĩa mà chúng tôi vẫn dùng hàng ngày, trang trí bằng hoa và với nhãn hiệu “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" ở mặt sau. Ở giữa là ba nồi cơm lớn và ba bộ các đĩa đựng món ăn - chó om, sáo chó với dưa, thịt chó chiên, chả cá với đậu phộng nhuyễn, đậu xay nhuyễn, rau luộc cùng với các chén muối tiêu. Trong lúc chúng tôi ngồi xếp bằng và nhoài người để xới cơm, múc thịt và gia vị, tôi đếm được có ba người Mỹ, mười hai người Việt, và năm người Campuchia dự bữa ăn. Beth là người phụ nữ duy nhất ở đó; có một số phụ nữ Campuchia ngồi xa bàn tiệc và lặng lẽ nhìn. Hầu như không ai nói lời nào. Chỉ có ông già chủ nhà người Campuchia nói vài câu. Ông nói rất ngắn gọn với tư cách chủ nhà, "các bạn sắp rời nơi đây. Khi các bạn đi rồi chúng tôi sẽ nhớ các bạn." Chúng tôi trả lời là chúng tôi vui vì được biết họ và sẽ thường nghĩ đến họ. Ngay cả rượu nếp, được róc vào một cái ly duy nhất chuyền tay nhau, cũng không phá vỡ được bầu không khí lạnh lùng.
Cung cách thoải mái dễ chịu đã trở lại vào sáng hôm sau, khi chúng tôi ăn sáng bằng thịt chó còn dư cùng với năm người du kích. Để đùa vui, một người trong bọn họ đặt cái đầu chó lên đĩa của tôi nhân lúc tôi ngoảnh mặt sang hướng khác. Anh Ba mỉm cười nói: "Chúng ta ăn trong tình đoàn kết." Tôi bật cười rồi đặt cái đầu đó lên đĩa của anh Ba, nói với Mike, "bảo anh ấy rằng tình đoàn kết đã đi quá xa và không xa hơn được nữa đâu."
Mike cao hứng cho rằng sẽ rất vui nếu viết một cuốn sách dạy nấu ăn của du kích và đưa vào đó tất cả các món ăn lạ lùng mà chúng tôi đã từng ăn. Mike và anh Hai đến bên khung cửa lớn mở rộng và thì thầm trao đổi khoảng một giờ về dự án đó, và Mike lo ghi chép. Mỗi khi tiếng Việt của Mike không đủ đáp ứng và có chỗ nghi vấn đề gì đó, anh Hai lấy giấy bút viết bằng chữ Hoa, để sau này vợ của Mike có thể dịch lại khi anh trở về Sài Gòn.
Trong khi chờ đến buổi họp báo, anh Tư, anh Ba và Wang mỗi người trao cho chúng tôi một mẩu giấy ghi tên thật của họ và một địa chỉ mà họ có thể chọn ra được, ở Sài Gòn hoặc Phnom Penh, yêu cầu chúng tôi giữ bí mật trong hiện tại nhưng cố liên lạc lại sau khi chiến tranh kết thúc. Đó là lần duy nhất họ yêu cầu chúng tôi giữ lại thông tin sau khi được thả.
Hiển nhiên cuộc họp báo được xem là rất quan trọng. Trong suốt ngày hôm đó thỉnh thoảng Mike thoáng nghe được anh Hai và những người khác thảo luận về những câu hỏi viết sẵn mà chúng tôi đã nộp và soạn các câu trả lời. Ăn trưa xong, anh yêu cầu chúng tôi mặc quần áo màu nhạt, có lẽ để chụp hình ăn ảnh hơn. Đối với tôi, đó là cái quần dài trắng và cái áo polo. Chúng tôi chải đầu rồi chờ. Đến khoảng giữa trưa, chúng tôi được dẫn đi băng qua các mảnh sân sau đến một căn nhà gần đó mà trước đây chúng tôi chưa từng nhìn thấy. Căn nhà có những bậc thềm xi măng thay vì chiếc thang gỗ như thường thấy, ở bên trong có sáu cái ghế, điều hiếm thấy trong các căn nhà của nông dân mà chúng tôi từng ở. Anh Ba, anh Tư, và Ban Tun, trang bị súng trường và súng lục, dẫn chúng tôi vào căn phòng chính, ở đó có một cái bàn được phủ khăn nhựa màu hồng, trang trí bằng hoa nhựa cắm trong hai bình thiếc bọc bằng giấy màu xanh lấp lánh. Đằng sau bàn và ba chiếc ghế dành sẵn cho chúng tôi là hai lá cờ cách mạng mà chúng tôi mới thấy lần đầu tiên. Đó là quốc kỳ Campuchia - với hình vẽ ngôi đền chính ở Ankor Wat màu trắng trên nền đỏ, và hai dải màu xanh dương ở trên và ở dưới, cùng với các chữ F.U.N.K, viết tắt của Front Uni National du Kampuchea chồng lên trên. Một người Campuchia trẻ tuổi, hút một điếu xì-gà cần sa quấn bằng lá chuối, quanh quẩn ở ngưỡng cửa. Bà chủ nhà, cao và thanh mảnh, bế một đứa bé và mang bầu một đứa khác, đứng nhìn từ cửa buồng ngủ, nhai trầu, thỉnh thoảng lại nhổ bã trầu màu đỏ qua khe sàn xuống đất. Có tiếng vịt kêu và tiếng bò nhai lại từ bên dưới căn nhà. Thỉnh thoảng lại có tiếng một tràng súng máy và tiếng nổ của đạn pháo từ đằng xa làm lay động những cánh hoa nhựa. Một máy bay quan sát bay ù ù trên cao rồi bay đi tiếp.
Người chụp ảnh nói liên tục, cho chúng tôi một suối thông tin đáng ngờ về những sự kiện của cuộc chiến tranh, thường là có phô bày vai trò anh hùng của ông ta trong đó. Anh Tư dọn ra một bình trà và năm cái ly loại lớn dùng để uống bia.
Cuối cùng thì có một sự xôn xao và chúng tôi nhìn thấy tám người đàn ông có vũ trang đi theo hàng một trên con đường mòn dẫn đến căn nhà. Trong số đó có Mặt Sắt, người cán bộ phản gián đã từng thẩm vấn chúng tôi một cách rất cứng rắn; thoạt tiên tôi thật khó nhận ra ông ấy, bởi vì ông ấy mỉm cười với chúng tôi. Một người Campuchia và một người Việt Nam ngồi vào sau bàn. Người Campuchia đeo một khăn quàng màu xanh dương quanh cổ, mở một cuốn vở ra trước mặt và tự giới thiệu là chỉ huy của quân khu 203. Ông nói bằng tiếng Campuchia, và người Việt Nam đeo khăn quàng cổ màu đỏ, dịch ra tiếng Pháp. Chúng tôi ngắt lời để hỏi tên, cấp bậc của người Campuchia và vị trí của quân khu 203. Ông ấy trả lời rằng không thể cung cấp những thông tin đó vì lý do an ninh quân sự. Một người Việt Nam đặt một micrô trước mặt ông ấy rồi mở một máy thu băng và cuộc họp báo bắt đầu.
Nó bắt đầu giống như đọc bài diễn văn hơn là một cuộc họp báo. Người Campuchia đọc vài câu từ cuốn vở rồi bồn chồn đợi phiên dịch trong lúc chúng tôi viết lia lịa để theo kịp, còn người chụp ảnh thì bấm máy. Người Campuchia mở đầu, "Tinh thần yêu nước và yêu tự do của người Khmer không khác gì tinh thần của nhân dân thế giới," rồi tiếp tục theo kiểu đó trong khoảng hai mươi phút. Tôi đã sợ rằng chúng tôi sẽ chẳng được gì cả ngoài một bài hùng biện. Tuy nhiên, sau đó, ông ấy bắt đầu chen vào các tuyên bố cụ thể cho thấy một nỗ lực giải đáp hầu hết các câu hỏi (viết sẵn) của chúng tôi. Lúc đó chúng tôi không có cách nào biết được sự thật về hầu hết những gì ông ấy nói nhưng chúng tôi cho là cũng đáng để tường thuật lại trong một cuộc chiến tranh mà độ tin cậy thường thiếu ở tất cả các bên.
Ông quả quyết là các lực lượng mặt trận cách mạng đã kiểm soát toàn bộ ba tỉnh phía đông Campuchia - Kratie, Stung Treng, và Mondul Kiri - với tổng dân số hai triệu người, cùng với bốn mươi thị trấn huyện bên ngoài ba tỉnh này. Quay qua một bản đồ đường xá Campuchia của hãng Esso gắn trên tường đằng sau lưng, ông chỉ ra những vùng mà ông nói là F.U.N.K nắm quyền kiểm soát. Một chi tiết thú vị khác là ông đã mô tả là Mặt trận “đang đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản tại Campuchia." Ý nói đến Khmer Đỏ.
Bản tuyên bố của viên chỉ huy Campuchia bao gồm một danh sách dài những cáo buộc về sự can thiệp của CIA. Ông nói rằng các điệp viên CIA đã xâm nhập vào chính quyền Campuchia, cũng như các phái bộ ngoại giao tại Phnom Penh của Pháp, Úc, Nhật, Sài Gòn, và Đài Loan, và sắp đặt cuộc lật đổ Sihanouk. Ông quả quyết rằng các lực lượng của Mặt trận đã "loại khỏi vòng chiến" 40.000 quân kể từ ngày 18 tháng 3, trong đó có 3.000 quân Mỹ và 20.000 quân của "chế độ bù nhìn Sài Gòn". Ông ta liệt kê các đơn vị Mỹ, Nam Việt Nam, và Thái Lan mà ông cho rằng có tham gia trong cuộc xâm lược.
Ông tố giác các nỗ lực trong quá khứ của Mỹ nhằm lật đổ Sihanouk, điểm lại các âm mưu này từ năm 1955. Ông buộc tội đích danh Tổng thống Nixon về cuộc xâm lược lãnh thổ Campuchia, tách bạch giữa chính quyền Mỹ với nhân dân Mỹ. Ông nói: "Chính quyền đế quốc Mỹ cực kỳ man rợ. Nó không để cho nhân dân Đông Dương được sống trong hòa bình. Nó phát xít còn hơn cả chế độ Hitler, cố tìm cách biến Đông Dương thành một thuộc địa mới dưới ách thống trị của nó."
Viên chỉ huy đã không trả lời hai trong số các câu hỏi quan trọng nhất của chúng tôi, một là các dân tộc Đông Dương có thể giúp đỡ nhau những gì, và hai là có những tin tức gì về những nhà báo mất tích ở Campuchia. Cũng không hề có câu trả lời cho câu hỏi của chúng tôi về những binh sĩ Mỹ có thể đã bị bắt giữ ở Campuchia.
Phải mất hai giờ để đọc bản tuyên bố đó, do còn phải phiên dịch. Ở đoạn cuối, người Campuchia bắt đầu cắt ngắn phiên dịch, và khi đọc xong, ông nói không còn thời gian để trả lời các câu hỏi. Ông bắt tay và sải bước xuống con đường mòn, theo sau là Mặt Sắt và các người khác trong nhóm, cùng với người chụp ảnh và người du kích nói tiếng Pháp. Đột nhiên chỉ còn lại chúng tôi với những người bạn cũ, anh Tư, anh Ba, và Ban Tun. Được thoải mái sau các nghi thức với cấp trên, anh Tư và anh Ba ngồi xuống sau bàn với vẻ mặt trịnh trọng hài hước và làm bộ như khai mạc một cuộc họp báo khác. Anh Ba hỏi “Người chụp hình đâu rồi?" giả vờ tạo dáng để chụp hình. Mọi người đều bật cười. Anh Ba vỗ đùi Mike và nói gì đó mà Mi ke dịch lại là, "À, thế đấy!" theo kiểu của các cấp dưới trên khắp thế giới này mỗi khi cấp trên vừa đi khỏi.
Sau khi về lại căn nhà trước, chúng tôi được biết là sẽ lên đường vào giữa buổi chiều, không chờ đến tối. Anh Ba làm cho mỗi người chúng tôi một lá cờ đình chiến nho nhỏ. Sử dụng hai chiếc khăn tay của tôi và một mảnh vải trắng hình vuông, cột chúng gọn gàng vào các khúc tre nhỏ. Anh cuộn chúng lại cẩn thận và bảo chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng để giương chúng ra khi chúng tôi đi qua phía bên kia. Chỉ dẫn dành cho chúng tôi trong trường hợp bị tấn công nay đã đổi khác. Anh Ba nói “Đừng chạy theo chúng tôi. Hãy xuất đầu lộ diện và giơ cao lá cờ lên. Còn chúng tôi sẽ chạy theo lối khác."
Anh Ba lại nói câu "chuẩn bị đi" mà chúng tôi nghe có thể là lần cuối cùng được nghe. Tám người chúng tôi, ba người Mỹ và năm du kích, xách hành lý lên, chào từ biệt người nông dân Campuchia và gia đình ông, rồi cất bước ngang qua các mảnh sân sau để đến một con đường ở đó có một chiếc xe đò nhỏ chờ sẵn. Có một cảm giác lạ lùng khi di chuyển vào ban ngày.
Xe chạy khoảng một giờ thì đến một ngôi làng lớn. Những đám người đang kéo đến từ vùng quê xung quanh. Họ tập hợp trên một cái sân duyệt binh ở phía trước một trường tiểu học. Xe của chúng tôi dừng lại trên sân, và chúng tôi nhận ra rằng đây là một cuộc mít-tinh quần chúng. Chúng tôi được dẫn đến một cái bàn bên cạnh một cái bục diễn thuyết. Hai hàng lính du kích Campuchia gồm hai mươi người, trang bị một bộ sưu tập tạp nham các khẩu súng cạc-bin, súng trường, súng máy do cộng sản sản xuất hay tịch thu của Mỹ, đứng ngăn đám đông để tạo thành một khoảng đất trống. Tôi bỏ cái mũ nồi ra, và thế là rộ lên một tràng cười khi họ thấy cái đầu hói của tôi, cái mà ít khi họ thấy. Hầu hết những người ở đó chưa từng trông thấy một người phương Tây, nói gì đến một người phương Tây hói đầu. Đôi diện bục diễn thuyết là các tấm biểu ngữ màu đỏ và xanh dương, cột trên những cọc, với các hàng chữ máu vàng, đại để là "Nhân dân Khmer muôn năm" và "Tình đoàn kết nhân dân Đông Dương muôn năm." Một biểu ngữ có vẻ mới toanh ghi là “Chúng tôi cám ơn nhân dân Mỹ ủng hộ cuộc đấu tranh vì độc lập của chúng tôi." Tôi ước lượng đám đông có đến khoảng hai ngàn người.
Một sĩ quan bước đến micro và đọc một bài diễn văn ngắn, với nội dung chính là bày tỏ lời cám ơn "nhân dân Mỹ ủng hộ cuộc đấu tranh của chúng tôi." Ông nói tiếp: "Thật không may, nhân dân Mỹ lại có người cầm đầu là Richard Nixon, một kẻ xâm lược."
Những đám mây bão đã tụ lại, và một cơn mưa gió mưa như trút đã phá vỡ cuộc mít-tinh ngay lúc Beth đang nói lời đáp từ lịch sự. Đám đông vỗ tay, tan hàng và chạy tìm chỗ nấp trong bóng chiều chạng vạng, còn chúng tôi được dẫn lên hiên trường để trú mưa. Một du kích bảo chúng tôi bước qua một khung cửa hẹp để vào trong trường, tôi tưởng là để tránh mưa bão cho tốt hơn thôi. Nhưng bên trong phòng học mờ tối đó, chúng tôi bất chợt đối diện một người quen cũ, chính là người sĩ quan Bắc Việt Nam cao lớn mà chúng tôi dường như luôn gặp vào các thời điểm quan trọng nhất của cuộc phiêu lưu này. Khuôn mặt của ông dược nhìn thấy nhờ ánh sáng mờ mờ từ cái đèn pin của ông. Bên cạnh ông là viên chỉ huy Campuchia trong cuộc họp báo. Người Bắc Việt Nam đó đảm trách công việc. Sau khi bắt tay nồng nhiệt, ông nhắc lại những lời chỉ dẫn cuối cùng về việc sử dụng các lá cờ đình chiến của chúng tôi, rồi đưa cho mỗi người chúng tôi một tấm giấy thông hành an toàn. Đó là một văn bản được đánh máy và ký tên trên loại giấy bóng mờ. Chữ viết là chữ Campuchia, nhưng chúng tôi đọc được ba cái tên chúng tôi ở phần đầu. Ông nói: “Trình giấy này cho các đơn vị khác của Mặt trận mà các anh gặp, nhưng đừng bao giờ đưa ra cho các quân lính Campuchia, Nam Việt Nam hay Mỹ trên đường các anh đến Sài Gòn."
Ông nói tiếp: "Thật không may là cơn mưa sẽ làm cho con đường dẫn đến Quốc lộ 1 không thể đi được. Các anh sẽ phải quay trở lại căn nhà mà các anh đã ở và sẽ khởi hành lại vào ngày mai." Với một cái nháy mắt, ông thêm: "Lần sau nếu có đến vùng giải phóng, hãy vui lòng chờ cho có một thư mời và khi đó chúng tôi có thể chăm sóc các anh tốt hơn." Ông chúc chúng tôi may mắn, rồi cùng với viên sĩ quan Campuchia đi ra bằng một cánh cửa khác.
Khi chúng tôi ra đến ngoài hiên, trời vẫn còn mưa to. Anh Hai bước lại và nói anh sẽ chia tay chúng lôi. Mike và tôi bắt tay anh và rồi ôm hôn anh. Beth chìa bàn tay cô ấy ra và tạo mọi cơ hội cho anh ấy hôn lên đó, nhưng anh bối rối lùi lại, chào giã biệt, và cất bước lên đường về lại với cuộc cách mạng. Ban Tun cũng chia tay - để nhận một nhiệm vụ khác nhưng trước hết anh được nghỉ phép vài ngày với hy vọng tìm được gia đình ở Phnom Penh - và cũng diễn ra một cuộc giã biệt tương tự, chỉ khác một điều là anh để cho Beth hôn từ biệt. Anh Tư có vẻ bị xúc động mạnh hơn hết khi chia tay. Anh ôm từng người trong chúng tôi và nói anh tin chắc sẽ còn gặp lại nhau khi chiến tranh kết thúc.
Giờ đây chỉ còn lại ba người Mỹ với hai du kích. Chúng tôi lên xe đi trong mưa, dừng một lát ở một ngôi làng để Wang mua hai bịch bánh cam vòng Campuchia cho bữa ăn khuya. Chúng tôi ăn bánh này cùng với trà và mấy cái bánh trôi nước của anh Ba. Trong khi ăn, anh Ba cung cấp cho chúng tôi vài thông tin mới về một loạt động thái bất thường mà chúng tôi đã tạo ra trong hai tuần đầu tiên. Chỉ hai giờ sau khi chúng tôi rời khỏi căn nhà đầu tiên, nơi có một bé gái rụt rè lén nhìn chúng tôi, một trận tấn công đã diễn ra. Anh nói các lực lượng Thiệu-Kỳ đã pháo kích vào cái ấp đó 100 phát đại bác 105 ly rồi tiến vào bằng xe Jeep và xe tăng. Còn tại Kho Thóc, nơi chúng tôi chạy vào ẩn nấp lúc giữa trưa, đã có một cuộc tấn công hai ngày sau đó. Và tại túp lều của ông già, nơi chúng tôi rời khỏi lúc nửa đêm, một cuộc tấn công đã đến ngay sáng sớm hôm sau.
Anh Ba nói: “Chúng tôi luôn luôn biết khi sắp có cuộc tấn công. Chúng tôi có thể biết bằng cách quan sát các máy bay và thu thập các báo cáo về các cuộc chuyển quân trên mặt đất." Lời giải thích của anh có vẻ có tính thuyết phục cao hơn các giả thuyết đôi khi người ta vẫn nêu lên rằng các điệp viên ở các sở chỉ huy quân sự nghe lỏm được các kế hoạch bí mật và thông báo cho các du kích ở chiến trường.
Chúng tôi tiếp tục lên đường vào chiều hôm sau, lần này bằng một chiếc xe Jeep mui trần thay vì chiếc xe đò nhỏ. Anh Ba ngồi ở băng ghế trước, vẫn bảnh bao như thường lệ trong bộ đồ kaki nhăn nheo và cái nón cối màu vải kaki, đeo cặp kính mát hình vuông màu xanh dương với gọng bằng thép. Cùng chen chúc với anh ở băng ghế trước là một người tài xế Campuchia và một tay súng Campuchia. Ở phía sau ngoài Beth, Mike, Wang và tôi, còn có tay súng Campuchia thứ hai. Một tay súng thứ ba, cao lớn, phong trần, có lẽ là một cựu binh của Khmer Đỏ, đứng trên khung sau xe và bám chắc lấy dàn mui xe. Chúng tôi có một người hộ tống chạy xe gắn máy. Đó là một người bự con mặt tròn có dáng vẻ tự tin thoải mái của một người lính chuyên nghiệp. Giống như nhiều người dân quốc tịch Campuchia khác, anh rõ ràng là một người gốc Hoa thuần túy. Anh đeo trên ngực một huy chương viền đỏ mang hình của Mao Trạch Đông. Chúng tôi đoán anh là một lính đào ngũ từ quân đội Campuchia.
Không còn nhu cầu phải che giấu bộ mặt chúng tôi trước dân làng Campuchia nữa. Cuộc mít-tinh quần chúng hôm trước đã làm chúng tôi được biết đến nhiều trong vùng. Khi xe chúng tôi chạy lọc cọc theo con đường đất thẳng tắp trong ánh nắng chiều, chúng tôi vẫy chào các nông dân và đón nhận lại những làn sóng vẫy tay chúc may mắn của họ. Nhiều khi có những cậu bé cưỡi xe đạp ngơ ngẩn nhìn vào chiếc xe Jeep băng qua, sửng sốt, rồi bắt đầu đạp xe như điên để cố đuổi kịp.
Nay các nghi thức đưa tiễn đã xong xuôi, chúng tôi có thể tập trung tìm cách đến được Quốc lộ 1 một cách an toàn. Các tay súng có vẻ không cảnh giác cao độ cho lắm, vì vậy Beth và tôi chia nhau chân trời để dòm chừng các máy bay và trực thăng. Đôi khi Mike lại mượn cặp kính của Beth để góp phần canh chừng. Chúng tôi đang di chuyển qua vùng đồng quê trống trải và bằng phẳng, thỉnh thoảng có những cụm dừa, một thôn xóm, hay một nông trại lẻ loi.
Mắt của anh Ba tinh hơn mắt của chúng tôi. Trước khi chúng tôi kịp nhìn ra, anh đã trông thấy một đốm nhỏ ở đằng trước, giữa đám dừa ngay bên trên đường chân trời. Anh nói: “trực thăng". Người tài xế nhanh chóng rẽ khỏi con đường, vào một cái sân. Các nông dân chạy đến từ căn nhà và sau khi trao đổi vài câu với các du kích đã giúp đỡ hướng dẫn chiếc xe Jeep chui vào dưới căn nhà sàn. Anh Ba dẫn chúng tôi ra phía sau, chui vào một lùm chuối, chúng tôi khom mình nấp dưới những tàn lá chuối rộng và dùng các tấm xà rông để ngụy trang. Ba chiếc trực thăng bay theo vòng cung lớn đến cách chúng tôi chừng một dặm gì đó, rồi bay đi. Chúng tôi chờ thêm hai mươi phút nữa. Anh Ba một lần nữa cảnh giác chúng tôi rằng các chỉ dẫn cho chúng tôi trong trường hợp bị tấn công đã thay đổi: chúng tôi phải chạy rời xa các du kích, tự xuất đầu lộ diện, và vẫy các lá cờ trắng của chúng tôi. Nhưng cơn nguy hiểm đã trôi qua, và chúng tôi lên xe đi tiếp.
Chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi hai lần ở các ngôi làng, giết thời gian để có thể đến điểm hẹn với một đội xe gắn máy vào lúc hoàng hôn theo kế hoạch. Tại một điểm dừng, chúng tôi ngồi dưới một mái rơm, trong lúc anh Ba và Wang ngăn một đám đông dân làng hiếu kỳ và lặp đi lặp lại lời giải thích rằng chúng tôi là những phóng viên thân hữu đang được đưa đến nơi an toàn sau mấy tuần sống chung với các chiến sĩ Mặt trận Giải phóng. Bất chấp các lời giải thích, vẫn có một số biểu hiện thù nghịch. Một phụ nữ nông dân tóc xám thấp béo. tay câm một cái cuốc chim, trông thấy đám đông và ì ạch tiến đến chỗ nơi huyên náo. Khi nghe kể về điều đang diễn ra, bà ta nói kinh ngạc: "Ngưòl Mỹ ư?” Bà giơ cao cây cuốc chim lên quá đầu như thể muốn chẻ chúng tôi ra thành từng mảnh, động tác đó nửa đùa mà nửa thật cho tới khi có vài người dàn ông giữ lấy tay bà và làm bà dịu lại. Một chàng trai mặc áo sơ-mi trắng tinh với một dải băng trên một mắt chen qua đám đông và nhìn trừng trừng vào chúng tôi trong năm bảy phút. Mike tận dụng khả năng tiếng Việt của anh, hỏi: “Cậu đã bị thương phải không". Chàng trai đáp: "Phải, chiến đấu chống xâm lược Mỹ", như thể muốn giết tươi chúng tôi tại chỗ.
Điểm dừng thứ hai là tại một căn nhà nông trại, khi gia đình ấy đang ăn cơm chiều. Trong lúc chúng tôi ngồi bên trong ngưỡng cửa chờ trời tối, cụ bà già nua lấy ra một cơi trầu bằng gỗ và thưởng thức một miếng trầu sau bữa ăn, còn bọn con nít thì chơi dưới chân cầu thang, luân phiên nhau kéo lê chân trong đôi giày phương Tây to lớn của tôi.
Đi tiếp vài dặm nữa, chúng tôi gặp các xe gắn máy Nhật, mỗi người chúng tôi một chiếc cùng với một lái xe Campuchia. Chúng tôi leo lên sau xe và lên đường trong bóng hoàng hôn với người lính gốc Hoa dẫn đường, men theo những lối mòn ngoằn ngoèo xuyên rừng và qua những bờ đất giữa các ruộng lúa. Đôi khi chúng tôi di chuyển với tốc độ đến mười lăm dặm một giờ và rồi bất chợt giảm tốc để qua một cái ổ gà hay để vượt qua một chỗ ngập nước, ở đó nước ấm áp do được mặt trời hun nóng, tràn lên bàn chân của chúng tôi.
Trong thời gian đầu, các xe máy đều bật đèn trước và tôi có thể thấy dải ánh sáng trải dài ở phía trước và phía sau trên con đường mòn uốn lượn. Thế rồi người dẫn đường gốc Hoa chợt dừng xe để ra lệnh tắt đèn, và chúng tôi đi tiếp nhờ vào ánh trăng sáng. Sau ba giờ trên xe gắn máy, chúng tôi dừng lại ở chỗ có một hàng cây dọc đường che chắn. Anh Ba và một trong những người Campuchia tiếp tục chạy xe đì, khẩu súng trường của họ lủng lẳng trên lưng. Tôi hỏi Wang chúng ta đang ở đâu. Anh nói: “Cách Quốc lộ 1 hai trăm mét. Họ đang đi xem đường đi có an toàn không."
Các người hướng đạo quay về với báo cáo thuận lợi, và chỉ mất vài phút chạy xe, đoàn xe gắn máy của chúng tôi đã lên đến một đoạn cong của con đường xa lộ phẳng phiu rồi băng đến một dãy cửa tiệm ở bên kia đường. Chúng tôi đậu xe dưới một cái mái nhô ra của một tiệm ăn, để cho các xe gắn máy khuất ánh trăng. Các người hướng đạo đánh thức chủ tiệm, và ông này đã đem ra nước trà và bánh nướng của người Hoa. Trong lúc chúng tôi ăn bữa ăn nhẹ cuối cùng, Mi ke nghe lỏm được anh Ba và Wang cố thuyết phục ông chủ tiệm cho chúng tôi ngủ nhờ đến rạng sáng. Nhưng cuộc sống đối với ông ấy vốn dĩ đã quá đủ nguy hiểm rồi, khi ngày thì phục vụ chính quyền, đêm thì phục vụ lính du kích, và nay ông không muốn liều mạng chứa chấp ba người Mỹ đã từng sống chung với lực lượng Giải phóng. Có ai đó đã giải quyết vấn đề bằng cách tìm được một mái lá bỏ trống gần đó cùng với tấm thảm rơm trải xuống sàn làm giường.
Cuộc chia tay đầy xúc động. Anh Ba và Wang lần lượt ôm hôn từng ngưòi chúng tôi, và chúng tôi hứa sẽ tìm gặp lại nhau sau chiến tranh. Những câu cuối cùng chúng tôi nói với nhau là: “Mấy giờ rồi?". Anh Ba nói: “Mười một giờ kém mười", rồi các du kích lái xe vào bóng đêm.
Vào lúc rạng sáng, chúng tôi chứng kiến cảnh con đường xa lộ thay đổi chủ nhân, vì lúc này các du kích đã đi khỏi. Thoạt tiên có mấy người đàn ông và đàn bà đi bộ trên đường đến nơi làm việc ở một ngôi làng gần đó. Một chiếc xe Jeep quân sự của Nam Việt Nam chạy qua để thám sát xem con đường có an toàn cho ngày hôm ấy không. Khoảng một giờ sau, xe cộ bắt đầu qua lại bình thường, gồm xe đạp, xe gắn máy, xe lôi, và thỉnh thoảng có một chiếc xe đò, theo hướng từ Sài Gòn đến Phnôm Pênh. Ít có sự di chuyển theo hướng ngược lại. Nhiệt độ tăng lên khi chúng tôi đứng đợi dưới trời nắng. Thêm một giờ trôi qua chúng tôi phải hít khói bụi xe cộ. Các nhà sư từ một ngôi chùa gần đó đem cho chúng tôi nước trà, nhưng chỉ giúp cho chúng tôi đỡ khát trong chốc lát mà thôi. Chúng tôi không xác định được liệu các lá cờ trắng có giúp được chúng tôi hay sẽ gây trở ngại. Một nhóm học sinh Campuchia dừng bước hỏi chúng tôi đang làm gì ở đó. Chúng tôi trả lời rằng chúng tôi là các phóng viên Mỹ bị hư xe và đang tìm cách về Sài Gòn. Các học sinh đứng lại nói chuyện với chúng tôi, họ nói thoạt tiên là họ chào đón người Mỹ và Nam Việt Nam đến giúp đánh đuổi Cộng sản, nhưng rồi bom trút xuống như mưa và linh Nam Việt Nam cướp phá nhà cửa của họ, lấy đi tiền bạc và quần áo của họ. Chúng tôi không thể biết chắc họ đứng về phe nào. Khi họ đi tiếp chúng tôi cuộn những lá cờ đình chiến lại và cất đi. Bấy giờ đã là giữa buổi sáng, mà không có dấu hiệu sẽ đón được xe. Sau bốn mươi ngày sống trong sự yên tĩnh, an ninh và tương đối dễ chịu của vùng nông thôn Campuchia, với các du kích quyết định mọi chuyện, cuộc sống bên ngoài bỗng có vẻ ồn ào, nguy hiểm và khó chịu. Tôi hỏi Mi ke, "Sẽ ra sao nhỉ nếu chúng ta bị giam giữ hai năm thay vì chỉ vài tuần?" Bạn có thể hiểu được không khi một tù nhân được phóng thích chớp chớp mắt trước ánh sáng và nói: “Tôi muốn quay lại”. Tôi cảm thấy buồn bã và luyến tiếc cái cộng đồng thân thiết chúng tôi đã chung hưởng, giống hệt như nỗi buồn nghẹn ngào tôi đã từng cảm thấy khi còn là một thanh niên đứng nhìn chiếc tàu buôn ra khơi mà không có tôi sau khi tôi đã có một chuyến đi ngắn đầu tiên ở trên đó.
Nhưng những cảm tương u sầu đó đã nhanh chóng qua đi ngay khí chúng tôi tìm được chuyến quá giang đầu tiên, ở thùng sau của một chiếc xe mui trần của quân đội Nam Việt Nam, và tôi đã bắt đầu nghĩ đến chuyện về với gia đình và viết lại những câu chuyện của chúng tôi về phe bên kia trong cuộc chiến tranh Đông Dương ít được hiểu biết này. Chuyến quá giang kế tiếp là với một đoàn xe hai mươi bốn chiếc của quân đội Nam Việt Nam, trở về xe không sau khi đã chở binh lính và đồ tiếp liệu đến Phnôm Pênh. Chúng tôi dồn vào ca bin của một chiếc xe và bảo ngươi tài xế rằng chúng tôi là các nhà báo bị mắc kẹt trong một trận pháo kích và bị mất hành lý. Chúng tôi nhìn thẳng phía trước tại mọi trạm kiểm soát và không bị hỏi han một lần nào. Đoàn xe đưa chúng tôi vào thẳng Sài Gòn, ở đó chúng tôi đón một chiếc taxi đi đến nhà Mike.
Sau khi ăn một miếng và tắm vội một cái, tôi đi đến USO (5) và đặt một cuộc điện thoại về nhà ở Washington, ở đó đang là 4 giờ sáng. Cuộc gọi được nối thông ngay tức khắc, và tôi nghe người trực tổng đài nói, “Tôi có một cuộc gọi từ Richard Dudman ở Sài Gòn." Có một tiếng thở gấp ở đầu dây bên kia, và rồi tôi có thể nghe giọng nói của Helen lặp đi lặp lại, “Richard! Richard! Richard!"
Chú thích
(5) USO: United Service Organizations – Liên hiệp các tổ chức dịch vụ.
40 Ngày Sống Với Đối Phương 40 Ngày Sống Với Đối Phương - Richard Dudman 40 Ngày Sống Với Đối Phương