Hầu hết những thành quả quan trọng trên đời đều được tạo ra bởi những người dù chẳng còn chút hy vọng nào nhưng vẫn kiên trì theo đuổi điều mình mong ước.

Dale Carnegie

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: admin
Số chương: 137
Phí download: 11 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8494 / 117
Cập nhật: 2015-11-21 21:14:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 83: Lại Bị Đưa Trở Về Củ Chi Chuẩn Bị Bàn Đạp Vọt Vào Lò Bát Quái Mậu Thân 68
ôi về H6, anh em sống sót đều ôm tôi khóc ròng. Nhất là Sáu Phấn, anh không nói ra lời. Còn tôi, tôi tưởng anh đã già hàng trăm tuổi. Mới xa nhau một năm mà đầu anh bạc ráo trơn, má cóp, mắt trũng sâu như hai hố bom đìa.
Một anh nào nói:
- Anh Sáu bữa nay ra khỏi hầm là mặt trời sắp bể hai rồi đó anh à.
-Sao vậy?
- Ảnh không có lên. Cần gì ảnh gọi liên lạc hoặc tụi tôi tới báo cáo xin chỉ thị.
Tôi biết sáu Phấn là người mộc mạc, chân chất, nhưng không có khả năng tác chiến hoặc lãnh đạo một tiểu đoàn. Ở trên giao thì anh không dám từ chối. Anh thích ở nhà làm việc lặt vặt hơn tới cơ quan H6.
Từ ngày Mỹ lùa cả heo lên trực thăng Chinook anh càng thất thần. Xa vợ con anh càng như mất hồn.
- Anh có được tin gì chị Sáu và cháu bé không anh Sáu?
- Bặt luôn từ ngày tôi qua sông.
- Chú Tám (Cần) có gặp anh không?
- Ổng cũng đi đâu mất luôn. Chắc ra ấp chiến lược chớ gì! - Biết tôi hỏi lòng vòng để dò xem tin tức mẹ con bé Hoàn, anh nói luôn- Cả dì Mười nó tôi cũng không gặp mà cũng không có chút tin tức gì.
Có lẽ anh biết mà giấu tôi đó thôi, nên tôi cũng vờ như không biết, chứ thực ra trong lúc hội bàn đào trước khi xuất phát đánh Tân Quy, người ta đã cho tôi biết cô nàng đã lấy sĩ quan Sài Gòn.
Và Năm Tiều đã khuyên tôi: "Đừng vì con nhỏ đó mà liều mạng!"
Sáu Phấn lôi tay tôi về hầm. Hầm của anh là một cái núi con. Tôi có cảm tưởng là anh đã đào một ngàn thước khối đất để móc cái lòng và đắp nấp hầm này. Nhưng trớ trêu thay, Sáu Phấn không chết vì bom đạn mà vì những quả lựu đạn con con sau này.
Sáu Phấn lụm cụm một hồi mới lôi ra hai ba món gói rất kỹ. Một chai đế, hai cái ly cối và một gói vuông vuông ràng rịt rất kỹ.
- Đây là chai rượu gốc và cặp ly ở nhà, vợ tôi bảo tôi mang theo trước khi bả từ giã đi xuống Phú Hòa Đông. Bả dặn chừng nào gặp thầy Hai mới được uống. Trời, vợ tôi nó cũng mến thầy và mong thầy trở thành tía con Hoàn cho bả vui, nhưng mãi tới nay, đôi chim con Bắc con Nam, biết bao giờ gặp lại. Bụng tôi cũng muốn thầy ừ một tiếng để dì Mười nó có nơi nương tựa.
Sáu Phấn nghẹn ngang, mà tôi cũng rưng rưng. Quả thật có lúc tôi cũng muốn bước tới cho xong, để lang bang mãi khó lòng qua! Mười không có văn hóa cao nhưng làm vợ thì chắc là vẹn toàn.
Tôi nói như bao nhiêu lần tôi nói với các cô bạn:
- Tình hình này có vợ con vướng bận quá anh Sáu à! Để dứt chiến tranh đã.
- Cái cuộc chiến tranh này kéo dài còn hơn chín năm nữa đó thầy Hai.
Sáu Phấn vừa nói vừa mở cái gói ra. Bên trong là những chú tôm khô đỏ au, bóc vỏ thật sạch.
- Tôi cất đã...lâu lắm. Có đến cả năm cũng nên. Dầu cực ăn mấy cũng không ăn.
- Để lâu vậy nó mốc hết anh Sáu.
- Lâu lâu tôi đem ra phơi rồi gói lại.
Hai anh em ngồi nhâm nhi tôm khô rượu đế.
- Đế Sa Nhỏ sao sánh kịp, thầy Hai! Cái này là của vợtôi kháp lấy. Thầy đi mệt, uống cho đã đi rồi ngủ. Lạy trời đêm nay đừng có B52 để hai đứa mình ngủ chung và tâm sự và bàn công tác.
Tôi nghe lạnh lẽo quá chừng. Dù uống nửa chai lít mà cũng không đánh tan được cái khí âm bao chặt lấy hai đứa.
- Tụi nó chết hết rồi, chỉ còn có mình tôi thôi thầy ạ. Trời, bốn đứa: Năm Thủ, Sáu Uya, Ba Tố, Ba Dứa lãnh một trái bom đìa, không lượm được một miếng da. Kỳ đó họ phân công tôi ở nhà, xong công tác về sẽ múa ve chai một bữa. Dè đâu có đi mà không có về! Mồ mả cũng không biết đâu. Nhưng phải vậy thôi đâu, để mai tôi dắt thầy ra thăm mả thằng Tôn Sứt và hai cậu cận vệ của nó. Ba thầy trò nằm bên nhau, chết như một tổ tam chế. Thầy coi đó, thầy vắng có một năm mà trở về trống bao nhiêu chỗ (còn tôi, chết hụt bao nhiêu lần?). Thầy đi có vài bữa thì hai vợ chồng Ba Tâm và con Thu (cứu tôi dưới hầm) lãnh một trái 155 của Đồng Dù. Năm Dị chết và thằng Đỏ cụt hai giò. Tôi tội nghiệp nên cho nó đi R chữa bệnh (tôi không buồn hỏi cụt hai giò bằng cách nào). Khi qua đây, Tư Kỹ- C phó trinh sát, với thằng Tâm, thằng Lan qua trắc pháo đi nghiên cứu Dầu Tiếng bị phục kích chết mất xác ở Làng 8. Thằng Đức - B phó trinh sát, mất tinh thần xin về hậu cần. B trinh sát nay chỉ còn bốn đứa. Tụi Mỹ đánh rát quá tôi phải vọt qua sông. Cả D8 cùng đi theo. H6 chia làm hai bộ phận: ông Năm Thủ ở bên Củ Chi, thằng Tôn (Sứt) ở bên Bến Cát, nhưng rốt cuộc cũng chết hết. Mười mạng đi dứt trong mấy tuần lễ. Bên này thằng Tôn và Năm Đùng nhờ quận đội Bến Cát cho đất từ Rạch Bắp lên Bưng Còng nên còn ngoi ngóp thở được. Cuộc càn sơ sơ của tụi Mỹ vừa rồi lại giết luôn thằng Tôn và hai cận vệ. Rồi thằng Tám Mau phó chính trị viên D, một chị nuôi và hai thằng liên lạc bị một trái pháo mồ côi của Lai Khê bắn qua. Cả cái H6 bây giờ chỉ còn tôi và Năm Đùng. Còn D8, thằng Mười và Tư Cư làm sao gánh nổi?
Sáu Phấn nói một hơi như tụng kinh sám hối không dứt đuôi. Nghe Sáu Phấn "báo công một năm thành tích của H6" mà tôi bủn rủng cả tay chân. Nhìn cái mặt gầy trờ xương và dài sọc của hắn tôi càng tê tái tâm can. Tôi được Năm L6e xách cổ ném về đây là để củng cố lại H6, nhưng chính cái gốc cây đã tróc thì làm sao vun xới cho nó lên xanh? Muốn đứng vững phải có đất chắc dướ chân. Ở đây đã mất đất, mất người và người còn lại (như Sáu Phấn) thì mất tinh thần, thì tôi làm gì được? Tôi bảo Sáu Phấn:
- Bây giờ anh đang làm gì?
- Ngày nào cũng chỉ đôn đốc đào hầm để trốn B52 chớ còn làm gì nữa thầy?
Tôi nghĩ: B52 bây giờ là một cái dịch. Nó bỏ không sót chỗ nào. Trước kia còn có cái lệ buổi sáng chống B52, trưa chống pháo, còn bây giờ không có lệ gì nữa. B52 bỏ cả lúc nửa đêm.
Tôi ngồi uống rượu với Sáu Phấn mà bụng rối như tơ vò, nhưng bên ngoài cố làm tỉnh như kiểu Khổng Minh toạ lầu. Tôi nói theo công thức Sáu Di để an ủi bạn:
- Ở trên đã có kế hoạch đánh lớn. Anh đừng lo!
Rồi tôi hỏi thăm vợ con anh. Sáu Phấn lắc đầu:
- Thầy với dì Mười nó thì không biết còn gặp lại không, chớ vợ tôi thì kể như hết mong rồi!
(Mà thật! đó là lời trối của Sáu Phấn, viên đại úy 42 tuổi mới có con oe oe)
Đang nói chuyện liên miên, bỗng có tiếng oang oang từ trên trời vọng xuống, từng tiếng nghe rõ như radio:
"Nghe đây! Nghe đây! Tôi là Võ Văn Phán, cấp bậc thiếu tá, nguyên là trung đoàn phó tập kết trong sư đoàn 338 của thiếu tướng Tô Ký ở Xuân Mai, về Nam năm 1964, nhận lãnh chức vụ tham mưu phó Quân Khu I..."
Gió tạt nghe không rõ, một lúc máy bay mới quay trở lại, tiếng loa lại tiếp:
"Hỡi.. anh em giải phóng hãy trở về với chính nghĩa Quốc Gia!"
Tôi thấy mặt mày Sáu Phấn tái ngắt. Anh lắp bắp:
- Bỏ mạng rồi thầy Hai ơi!
- Cũng thường thôi anh Sáu. Cái mửng này tụi nó cứ chơi hoài ở ngoài Trường Sơn chứ phải mới đây sao?
- Nhưng mà thằng Bắc Kỳ này có tới đây. Nó làm tham mưu trưởng mà! Phải dời đi mau mau không thì B52 tới ngay. Loa dứt là bom tới đó.
. Nếu nó tới thì mình đi cũng không kịp.
- Thầy có nên nó ở ngoài Bắc không?
- Có chớ. Mặt nó đen sì, môi thâm. Kên lập trường dữ lắm Mẹ kiếp lập trường bây giờ hành lập bò. Hôm trước tôi nghe nó bị trực thăng chụp ở Cầu Xe, tôi có đánh dấu hỏi. Tại sao chụp ngay chóc hầm nó và không có bắn dọn bãi? Đó là con vợ nó báo cho lính tới thôi.
Sau này cũng có một vụ khu hầm tương tự. Đó là trường hợp Hùynh Minh Đạo, tham mưu trưởng kiêm quận đội phó Củ Chi. Lính đổ ngoài đồng rồi đi thẳng vô ngay nắp hầm cạy lên trúng phóc, móc anh chàng lên mặt mũi thật sạch sẽ.
Nghe dứt lời của loa, Sáu Phấn hỏi tôi:
- Bây giờ tính sao thầy Hai?
- Chạy không kịp đâu anh Sáu. Rủi nửa chừng mà B52 tới hoặc pháo giã mình không có công sự, cứ lêu bêu trên mặt đất thì càng nguy. Chi bằng bám trụ ở đây. Rủi ro thì "cò ỉa miệng chai" ai nấy lãnh. Tử sanh hữu mạng thôi chớ biết làm sao bây giờ anh Sáu!
Thấy tôi có vẻ tỉnh táo, Sáu Phấn cũng bớt hoảng hốt. Sự thực ra tôi đâu có gan gì đến nỗi nhưng bên ngoài cứ làm tỉnh. Mình là chỉ huy mà tỏ ra rối ren thì cả đơn vị mất tinh thần.
Tiếng loa tạt đi xa dần rồi biến mất. Tôi bảo Sáu Phấn gọi hai cậu cận vệ tới chia bài đánh tu-lơ-khơ để bớt lo lắng. Thấy mấy cậu bé tôi càng nhớ thằng Đỏ. Tội nghiệp một trái pháo ban mai giết hai vợ chồng cô Thu và tiện mất hai chân cậu bé. Trong các cậu cận vệ, nó thương tôi nhất.
Tôi đã có ý chờ con Thanh, con Nữ, con của vợ Sáu Phấn và chị Chín Kiểu lớn lên sẽ cưới một đứa cho nó. Nhưng bây giờ tật nguyền như vậy ai mà ưng. Cũng như Năm Hoa bị Tám Mang ngó lơ vì mất cặp chân.
Ván tu lơ khá giả tạo không có tinh thần, nhưng cũng trấn tĩnh phần nào được bốn thầy trò. Rồi tới khuya, lăn ra ngủ quên mất pháo và B52.
Nhưng tới sáng thì trực thăng đáp tới ầm ì. Sau này người ta còn đồn rằng có hai anh lính của K30 tức hậu cần Quân Khu bất mãn vì cấp trên bắt vác gạo, chạy đuôi tôm qua sông Sài Gòn và đánh xe bò liên tục ba năm, chết hụt không biết bao nhiêu lần mà không được lên chức nên "mần một cú" cho bõ ghét.
Nhưng phần lớn dư luận cho rằng chính Bảy Phán là nhân vật chính của tấn thảm kịch này. Bảy Phán mới biết rõ cơ sở kho tàng và hầm bí mật cùng nhân viên, xã đội trong vùng Bến Chùa.
Trận này lính Dầu Tiếng phối hợp quân Mỹ đánh cú rất độc địa. Nhà nào có hầm cũng bị sục sạo không sót một gốc cột. Nhiều cán bộ thuộc K1O, K20, K30 tông nắp hầm chạy ra bìa rừng bị trực thăng bắn chết hết. Xác đếm được đến cả trăm, nằm lển nghển ngoài bìa rừng, sình thúi năm sáu ngày sau không hết. Lần đó quận đội phó Sáu Hòa, cô nàng xinh đẹp nổi tiếng vùng Bến Cát, cũng bị thương, nghe đồn là chết ngoài bìa rừng. Đau đớn thay cho... ông Thiên Lôi!
Đó là mặt trên bờ. Còn dưới sông thì có giang thuyền Bình Dương, rải dài từ Bến Chùa tới Thanh An, một đoạn đường dài ba cây số, như đăng chận cá. Ngoài ra, Mỹ còn đổ quân trên đường 14 từ Thanh An đến suối Gò Gấu, xa xa có cụm canh chừng, ai ló ra đều bị chúng vớt hết. Trong lúc đổ thì trực thăng đổ quân giữa rún cho lính lục soát từng nhà, bù-nốc rà sát ven rừng tỉa từng phát.
Các kho gạo, kho thuốc men bị khui và thiêu hủy. Hại thay lại là thời điểm quan trọng. Các nguồn dự trữ này là để phục vụ cho Tết Mậu Thân.
H6 ở ngoài vòng nhưng cũng có thiệt hại vì một số nhân viên đi dạo phố Bến Chùa để rửa mất, bị kẹt trong vòng vây mất năm, sáu chú.
Sáu Phấn lo âu bạc hết cả đầu là phải. Sau khi các thứ quân rút, B52 tới. Vui vẻ như thế nào, dù các bạn không nếm mùi cũng tưởng tượng ra. Những trái bom nổ chụp xuống đầu với độ là những miếng bom "giao" với nhau thành một tấm lưới mênh mông chụp xuống mặt đất rộng vài cây số vuông, và mỗi lần chụp cách nhau chừng 30 giây hoặc không cách nhau giây nào.
Một con dế nằm trong lưới này không trúng miếng cũng tức thở mà chết nữa là người. Mà dù có sống sót thì cũng điếc Nhiều anh chàng đã phát điên vì đứt thần kinh hệ.
Tôi ở với Sáu Phấn độ ba tháng. Việc đầu tiên là tôi cho xây ba căn cứ khác nhau, mỗi căn cứ cách nhau từ một đến hai ngày đường. B52 chỉ bay mất năm phút. Hễ có tin B52 là chuồn sang căn cứ mới. Có cơ quan (không nhớ là K nào) cũng được tin Liên Xô cho, hộc tốc chạy. Không hiểu tin vịt hay mật mã sai "cốt" mà vừa đến nơi lại lãnh B52 nguyên gói. Có đám què quặt lê lết ở sau lại không sứt miếng da! Thiệt buồn cười ra... nước đái!
Một hôm trong một bữa nhậu đế tôm khô, Sáu Phấn tâm sự với tôi:
- Thầy biết tại sao thầy lại trở về đây không?
- Tại nhu cầu cách mạng!
- Không phải đâu! Tại thăng Phấn này.
Tôi trố mắt nhìn anh. Anh tiếp:
- Tôi đã làm đơn gởi cho ông Năm Lê. Tôi đã nói thẳng nếu ở trên không trả thầy về H6 tôi sẽ từ chức.
- Giỡn hoài anh!
- Tôi nói láo cho pháo ăn tôi. Thầy có muốn coi bản lưu không? Ký tên Sáu Phấn chính trị viên D rõ ràng!
Rồi bỗng anh nghẹn ngào:
- Nếu tôi có bề gì thì thầy săn sóc giùm vợ con tôi. Con bé mới một tuổi rưỡi.
Tôi kêu lên:
- Có việc gì mà anh trối trăn như vậy, anh Sáu?
- Tôi linh tính là lần xa vợ con này tôi không còn gặp lại nữa!
Trước đây mấy hôm tôi bảo mấy cậu trinh sát tìm mua cho tôi ba con gà để tôi cúng mộ ba thầy trò Tôn Sứt, một việc làm nhân nghĩa và đúng tục lệ ông bà, như tôi đã làm đối với Huỳnh Thành Đồng ở Trung An khi xuống đánh đồn Thầy Mười.
Tôn Sứt, Bùi Khanh, thằng Sâm ở trên R có biết bao kỷ niệm với tôi. Nó đánh trận Bổ Túc bị thương sứt tí mô, nên thành danh Tôn Sứt. Nhưng các cô vẫn yêu cái chỗ sứt duyên của nó. Nhưng chưa kịp cưới nhau thì đã mạng vong bỏ vợ góa lại trần gian.
Mặc dù có ý định cúng tế như vậy nhưng thấy Sáu Phấn bi quan quá mức, tôi không dám bày ra nữa. Sợ làm cho anh rầu, sụp luôn không ngóc dậy nổi, nên dẹp bỏ ý định đó.
Tôi thấy lúc nào anh cũng đăm chiêu hoặc thở dài sườn sượt. Tôi có cảm giác anh là con rùa không dám ló đầu ra khỏi vỏ. Tôi bảo:
- Để tôi đến ở với anh cho vui và dễ bàn tính công việc.
Anh mừng rỡ chấp nhận ngay:
- Lâu nay tôi cũng muốn đề nghị với thầy như vậy mà không dám nói ra.
Nhưng tôi chỉ ở với anh một thời gian ngắn. Trong thời gian này tôi ra lệnh cho mỗi chiến sĩ đào hố cá nhân hình chữ L mỗi cạnh năm thước, sâu một thước rưỡi. Bảo đảm sống trước đã rồi sau đó mới chiến đấu. Ngoài ra tôi còn chỉnh đốn kiện toàn lại ban chỉ huy D và các ban chỉ huy C, B, A và các trợ lý bảo vệ, tham mưu, hậu cần, và phỏng theo kiểu tổ chức của 307 hồi xưa mà tôi học được hồi còn.
Một hôm lại có lệnh khẩn gọi tôi đến gặp Năm Lê. Đi ngay không có thì giờ chuẩn bị. ở đó mà rù rờ, B52 từ Guam tới mất 28 phút, từ Utapao mất có 15 phút. Chậm chân sao kịp? Gặp tôi, Năm Lê nói ngay trong tiếng cười hề hề:
- Tao đâm ra sợ mày đó Lôi.
- Sao vậy anh Năm?
- Mày như con ngựa bà chạy khấp. Bây giờ tao nói ngay nhé. Các bà già trầu và mấy lão guốc vông áo bà ba lại đòi trả mày về Củ Chi cho mấy ông bả nghỉ ngơi ăn trầu xỉa thuốc.
- Đơn vị nào anh Năm?
- Quận đội.
- Trời đất?
- Vì mày rành đất Củ Chi và nhân dân các xã. Chớ để ông Bắc Kỳ Thứ thì hỏng cả. Ổng kêu mấy chục xã đội trưởng lên trình diện, chẳng thằng nào léo tới làm ổng nổi cáu. Mẹ kiếp, chỉ huy du kích, xã đội còn khó hơn chỉ huy một binh đoàn. Muốn triệu tập một ban chỉ huy xã đội phải bò dưới gầm giương nó coi nó đéo vợ nó mấy cái đêm đó. Nếu nó làm tới hai ván liền thì đừng hòng nó đi họp vì nó lỏng đầu gối, nhưng nó đổ thừa là nó bận việc nọ việc kia toàn là việc đảng không hè. Còn nằm trong hang mà đánh công văn triệu tập thì tới năm Tý năm Dần nó mới tới cho. Lôi à! Mày đừng có phiền anh Năm mày nhé! Không phải ý kiến của tao điều động mày, mà là mấy bà già trầu ngoáy và mấy lão xỉa thuốc ông Tề kia, nhưng kể ra họ cũng sâu sắc lắm. Họ biết hiện giờ chỉ có mày mới khiển nổi đám dũng sĩ Năm Cội, Bảy Mô, Bảy Nê và giúp luôn cả cái Q16 bết bát nữa. Như tao đã nói với mày lần trước là hiện giờ ở trên đang sửa soạn... vậy đó. Và Củ Chi sẽ là bàn đạp cực kỳ quan trọng, Nếu không có Củ Chi vững mạnh thì không nhảy vọt được. Nếu thằng Tám Giò chưa chết thì tao cũng đề nghị khu ủy thay thế nó. Chứ chiến trường mới nó không kham. Cứ lọ mọ với ba cái hầm và bom lép thì Mỹ nó ăn gỏi hết.
Tôi còn nói được gì? Năm Lê tiếp:
- Mày không phải trở lại H6. Cần gì tao cấp cho đủ hết, rồi thằng Nông và thằng Quyết đưa mày đến anh Ba (Xu) ngay. Ảnh cũng cần gặp mày để chỉ thị cho việc gì đó. Chỉ có hai cậu này mới được dẫn khách vào căn cứ của ảnh mà thôi. Và khách phải do tao chấp thuận. Thôi, vậy đi, không còn nhiều thì giờ nữa.
Thế là tôi đi theo hai cậu liên lạc đi đến căn cứ ông Tư Lệnh.
Chắc ổng đã rời khỏi cái nơi êm ấm của dì Ba rồi từ sau lúc Hai Phán leo lên trực thăng.
Tội nghiệp các nàng thỏ bạch của tên Thiên Lôi. Tay ngọc chân ngà môi son má phấn giờ này không biết còn ở đó hay là trôi dạt nơi nào. Ra rừng làm sao mà kham nổi?
Đã hai lần gặp Năm Lê. lần nào tôi cũng định hỏi về cái tai nạn của ông Sáu Di, những lần nào sắp hé môi rồi cũng ngưng. Có hỏi ông cũng không nói thật mà lại quở mình là đằng khác.
Nhưng thời may trên đường đi gặp Hai Ninh ở H6, anh này là một trong các nhân vật rõ cái tai nạn trên kia.
Tôi bèn mời anh ta điếu Capstan và lôi tay ngồi lại trên một thân cây bị xe tăng ủi lật.
- Sao coi bộ không vui vậy bồ nhà?
- Vui mẹ gì được. Mới đội một phát lát da đầu coi đây!
Hai Ninh mọp xuống vò vò đầu.
- Ê, vụ đó có thật không ta?
Tuy tôi không nói "vụ đó" là vụ gì nhưng Hai Ninh cũng hiểu là vụ gì. Hai Ninh ngó dáo dác. Thấy hai cậu liên lạc đứng xa xa bèn rỉ tai tôi:
- Thật 100% rồi chớ còn gì nữa.
- Tôi không tin chút nào.
- Tao đích thân gói uy lông.
- Rồi làm sao đưa về Hà Nội?
- Tao chỉ chịu trách nhiệm đưa về tới Minốt thôi, còn từ đó ra Hà Nội ai biết được.
Tôi thầm nghĩ: mấy ông nội Miên đỏ dám chê thúi vứt bờ vứt bụi lắm!
Hai Ninh đứng dậy bắt tay tôi và dặn:
- Đừng có nói tùm lum nghe cha nội. Đứt đầu rán chịu lấy.
- Ai mà nói ra làm gì để đứt cái đầu... Nhưng đầu nào?
Hai Ninh cười nhưng không dám cười bình thường, chỉ một nửa, như cửa vừa hé bỗng khép lại. Bây giờ tôi mới để ý thấy cái miệng của hắn hơi méo méo, bèn hỏi:
- Ê cái miệng của cha sao vậy? l
- Có sao đâu?
- Bộ cha không có rọi kiếng sao?
- Chạy đứng lại không được mà ở đó rọi kiếng.
- Góc mép trái hơi lệch đó nghe cha. Có cần điều chỉnh thì tôi lấy thước lô-ga-rít của pháo binh tôi sửa lại cho đúng hướng đúng tầm, chớ để vầy phóng trật mục tiêu hại thường dân lắm!
- Giỡn hoài nhà pháo, thôi để tôi đi.’ -Nói xong hắn quay đi.
Nhưng tôi níu lại thầm thì:
- Ê cái vụ "nhánh cây" có thiệt không tía nó?
- Nhánh cây gì? -Hai Ninh gắt.
- Lịch sử Việt Nam sẽ ghi cái nhánh cây đó, mà ông là một trong mấy người chứng kiến! Ngồi xuống nghỉ chân chút nữa đi. Tôi có đế và tép khô nề, bẻ nhánh lá giang chua làm đỡ vài hớp cho nóng máy. Bây giờ còn sớm, ông qua suối Xây Nô cá rô nó rỉa tiêu trên như Chín Mành đó.
Nghe tôi "dọa" Hai Ninh cũng lưỡng lự. Tôi bèn lôi tay hắn rề lại gốc cây bật rễ có cái lỗ tun hút.
- Có gì thì hai anh em mình chui xuống đây cũng đủ mà! -Vừa nói tôi vừa móc tép khô ra đưa cho hắn ba con.
- Ở đâu có thứ ngon này?
- Ở đâu có thì thôi.
- Mày đi đâu cũng no như cưỡng. Em út bu đen phủi không hết. Vụ con gái ông Ba mày định ngâm tới chừng
- Tôi có định gì đâu?
- Người ta đồn rùm, nói mày sẽ cưới con nhỏ giữa.
- Không có đâu cha nội. Chỗ quan quyền người ta sang trọng, mình là bần cố nông vô đâu xứng.
- Mày là "bần cố nội" tao chớ bần cố nông! Bần cố người ta lên chức rần rần sao bần cố nội mày đứng chựng ở đó?
- Thôi đi ông... Nè, làm hết bình toong này mới đi nghe.
- Làm hết nhiêu đó có lết chớ đi sao nổi.
- Có ba cái đế vô rồi, B55 cũng không ngán nữa là B52, B53.
Hai Ninh không có chân trong hội ve chai chống Mỹ của tụi tôi nên mới làm sơ sơ mặt đã đỏ ké! Tôi một ngụm, hắn một ngụm chớ đâu có ly tách gì. Mỗi lần cầm chiếc bình toong, hắn sục sạc coi còn bao nhiêu rượu, rồi lắc đầu hai ba cái mới uống, uống xong nhăn mặt quẹt miệng lia.
- Mày chơi ác quá!
- Hừ, uống rượu mà làm như uống thuốc Bắc vậy cha nội. Đây là vũ khí chống B52 kết quả nhanh nhất. ê... Trận đó đất đã "gung ghinh" tới ông chưa?
Hai Ninh nhìn tôi mắt đỏ ké, ngẫm nghĩ một hồi mới nói:
- Thằng Mỹ nó đui, chớ nếu nó rắc tới chút nữa là cái hầm của Tư Cường tiêu hết....
- Tư Cường nào? -Tôi biết mà còn làm bộ hỏi.
- Tư Cường công binh. Chính ổng chỉ huy làm cái hầm đó.
- Vậy à? Để làm gì mà... dữ vậy?
- Hừ, mày cứ dụ khi tao làm bộ hỏi bí mật hoài.
- Tôi làm bộ chớ tôi biết hết trơn rồi cha ơi. Chưa chắc cha biết rõ băng tôi..
Hai Ninh trợn mắt:
- Mày biết cái con củ cặc họ! Tao ở ngay đó mà biết thua mày à?
- Ông biết thằng bí thư của "ổng" là ai không?"
- Là ai?
- Nó là bạn tôi, đậu phó tiến sĩ bên Liên Xô mới về.
- Mày nói nó là thằng Ba T... chớ gì?
- Còn ai vô đó.
- Trật lất. Xuống đây ông có "bí" mới rồi.
- Không có bí mới nào hết. Cũng thằng T... đó thôi. Ông cần biết thì tôi nói rõ tên cúng cơm và lý lịch của nó cho ông nghe. Xuống đây nó có gặp tôi nhậu một đêm nữa mà! -Tôi tháu cáy hắn một hơi luôn.
Hắn đành chịu thua:
- Nếu vậy thì chắc tôi lầm. Vì trong đám tùy tùng có đến năm bảy đứa cả Nam lẫn Bắc, tôi không biết đứa nào.
Tôi thắng thế bồi thêm:
- Thằng nào trắng trẻo mặt tròn, đẹp giai giống như ông cụ Mao là bí thư của ổng đó. Nó là thành phần địa chủ, nhưng đầu hàng bần cố nông sau Cải Cách Ruộng Đất nên được ổng cho đi gần để ổng truyền lập trường cho sau này có thể làm chánh ủy một Quân Khu như ông Trần Độ vậy. Tướng Trần Độ ngày xưa cũng chỉ là kẻ xách dép cho đồng chí Trường Chinh thôi. Nhưng khi về Hà Nội, ổng làm tới chánh ủy đại đoàn 308 và sau 1955, làm tư lệnh kiêm chánh ủy Liên Khu 3. Hễ gần mặt trời thì sáng láng, ông ơi!
Thấy tôi nói thông suốt, Hai Ninh lơ mơ nói:
- Chắc vậy tôi hiểu lầm.
Tôi thừa thắng đẩy tiếp:
- Đi bên cạnh ổng có hai thằng bí. Bên trái là thằng T... bạn tôi, bên phải là một anh Bắc Kỳ. T... là bí thư chính trị văn hóa, thằng kia là bí thư quân sự.
- Vậy là đúng rồi! -Hai Ninh vỗ đùi đánh bép- Hôm bữa đó ổng đứng ở giữa, bên cạnh ông là anh Ba mình, còn bên trái là ai tôi quên mát, nhưng ngay đằng sau là hai cậu bí thư. Vậy mà nhánh cây không xọt ai hết, nhè ổng mà xọt ngay chóc. Tôi nghe một cái "pực" thì thấy ổng ngã ngửa ra đất. Anh Ba mình xốc ổng lên. Tôi cũng bu lại nhưng bị ảnh quát nên lùi ra. Chung quanh "ổng" có chừng năm sáu người thôi chớ không nhiều. Anh Ba hoảng hốt la lên mà đâu có ai hiểu ổng ra lệnh gì. Không có y tá y tướng gì bên cạnh ráo hết. Vì mới dưới hầm bước lên bịnh gì mà đề phòng. Trời! Óc của ổng dính đầy tay anh Ba. Chính tôi cởi cái áo của anh Ba bọc cái đầu ông lại chớ ai. Trời! ổng không nói được tiếng nào rồi đi xuôi. Tôi lén bước lại nhìn, mặt ông ngày thường nước da đồng điếu mà đã đổi ra xanh lét như da rắn lục cườm thấy ghê hết sức.
Tôi lắc đầu:
- Ông nội định đẩy cây thoa mỡ bò với tôi hả?
Hai Ninh sửng cồ:
- Tao đẩy mày té vàng té bạc gì hả thằng Thiên Lôi?
Tôi cười nhạt:
- Đi bên cạnh ổng phải là tư lệnh hoặc chính ủy. Ổng đến đâu như vua xuất cung nhất đẳng quân thần phải nghinh tiếp. Tướng nhèm chưa được tới gần ổng nữa là thiếu tá cỡ ông. Thôi đi ông nội con nít, ông đừng có đặt chuyện kể cho oai.
Hai Ninh cười khè khè mà không có vẻ giận dỗi, nói:
- Đúng thiên Lôi, mày nói đúng. Cỡ tao còn lâu mới được đứng cách ổng một cây số chớ làm gì được nhìn thấy mặt rồng. Nhưng tao cho mày biết nếu không có tao sẽ không nên việc gì cả.
- Khỉ khô! Thiếu tá Ninh ổng coi như rác.
- Nè. tao nói cho chú em mày biết là chỉ có tao vô được cái hầm đó thôi. Để chi mày biết không?
- Để hốt rác và chùi đít ổng ỉa?
- Tầm bậy! Mày nên nhớ là trong đó có điện. Nhưng điện không quan trọng bằng điện đài -Hai Ninh vỗ ngực- Tao gắn, tao dựng, tao thử phát đi, tao thử bắt tin, bắt mật mã từ Hà Nội đây cu con ơi. Đây là tổng hành dinh của bộ tổng tư lệnh mày nghe rõ chưa? Không có thằng Hai Ninh này, tư lệnh tư lọt đều điếc và câm chớ làm được mẹ gì, chỉ huy được ai?
Tôi vẫn lắc:
- Ổng vô đây là toàn quyền quyết định như nguyên soái trấn biên cương, không cần phải xin chiếu chỉ triều đình. Ổng cần gì mà phải liên lạc với Hà Nội?
- Tao hổng biết. Nhưng chính điện đài dưới hầm bắt được mật mã Hà Nội. Nhưng nếu không cần xin lệnh ở ngoải thì ông phải liên lạc với R.
- R nào nữa? Ổng là tía của R, lại phải xin lệnh của mấy ông Chín Vinh, Sáu Nam à?
- Củ cặc họ! Mầy nói ngang tao không nói nữa.
Thấy Hai Ninh hơi tự ái, tôi vuốt nhẹ:
- Tôi công nhận là ông có xuống đó gắn điện đài, nhưng ông nói ông Sáu xin lệnh ở Hà Nội và liên lạc với R là không đúng, nên tôi phải cãi chớ.
- Không liên lạc với R thì ổng cũng liên lạc với các cánh quân để chỉ huy chớ!
- Cánh quân nào? Tôi thấy ở đây có cánh quân nào có mật mã đâu, chỉ có bộ đàm thôi.
Hai Ninh hơi giật mình nên rút lại:
- Tao hổng biết! ừ thì tao nói láo. Nãy giờ tao nói láo hết thảy. Mày đừng có nhớ làm gì. Mày có kể lại với ai thì đó là do mày biết, chớ không phải tao nói nghe chưa. Mày đổ thừa cho tao, tao chối đấy.
Tôi làm thuận, sợ ông bạn già giận nên hồi lâu mới tìm cách trấn tĩnh hắn:
- Nói thiệt chớ tôi không biết gì hết. Tôi chọc anh kể nghe chơi.
- Chơi! Chuyện vậy mà mày cho là chơi à?
- Chiến tranh mà anh Hai. May ai nấy nhờ, rủi ai nấy chịu, chớ ai muốn ông Sáu thọ nạn làm chi. Mà rủi ổng chết rồi, cũng không nên giấu làm gì. Trước sau rồi thiên hạ cũng biết, không phải ở trong Nam này biết mà thôi đâu mà ngoài Hà Nội người ta cũng biết. Và biết rồi.
Hai Ninh ngớ ra:
- Sao mau vậy được?
- Tôi không biết bằng cách nào, nhưng ngoài đó đã biết hết rồi. Hiện Củ Chi cũng biết. Cái gì mình càng giữ bí mật thì càng bật mí. Anh có nghĩ rằng Bảy Phán nó biết không? Nếu nó biết thì Mỹ cũng biết. Mỹ biết thì cả thế giới biết chớ bịt sao được?... Hiện giờ có cả lô trung tá, đại úy từ ngoài Hà Nội vào để tăng cường cho Quân Khu mình. Tôi có dịp gặp một vài người ở Q16 và E268 mới tới bổ sung. Trong câu chuyện chuyên môn họ trao đổi với tôi, họ có ló mòi, do đó tôi đoán là ngoài Hà Nội trong hàng tướng tá đã biết cái tin này.
(Quả thật tôi đoán không sai, chừng sáu tháng sau cái chết của Sáu Di, báo Hà Nội đăng cáo phó đại tướng Nguyễn Chí Thanh đau tim, đảng hết lòng cứu chữa nhưng không khỏi. Rồi sau báo Nhân Dân đăng tin Hồ chủ tịch một cơm bà Nguyễn Chí Thanh... Hai cái tin này đủ xác nhận chuyện gì rồi! Bọn Công Sản thường hay giấu như mèo giấu... Nhưng chúng giấu rồi chính chúng bới ra!)
Tôi cố phục rượu ông trưởng ban H7 (tôi trưởng ban H6, ngang cấp nhau mà! Nên ông ta không ngại lắm). Tôi bảo:
- Hồi nãy anh nói Mỹ đui là sao anh Hai?
- Thôi thằng cu con, đừng có dụ nai tơ lên nó đục gân.
- Ông mà "nai tơ" hả? ông đục gân tôi thì có. Thôi dẹp cái vụ kia đi, ông kể cho tôi trận B52 nghe để tôi rút kinh nghiệm chút.
- Rút kinh nghiệm cái con... bà gì. Nó rắc trúng thằng nào thằng ấy chịu chớ kinh nghiệm gì. Bộ mày chưa đội sao mày hỏi tao?
- Đội nhưng mới vỡ lòng chừng ba bốn trận thôi, sao bằng anh đã lên đại học.
Hai Ninh nổi quạu ngay:
- Thằng Sáu Huỳnh gần đây cho tin vịt hoài.
- Sao vậy anh?
- Nghe theo nó chạy hộc gạch, rồi chẳng có đếch gì cả. Tệ hơn nữa, chạy đến nơi lại đút đầu ngay trận cho nó nện trúng ngay chóc. Mới vừa rồi đây, tụi tao bị một cú rục tùng. Còn chút nữa tao cũng xí lắt léo rồi.
- Hèn chi cái miệng của anh hơi lệch cán cân.
- Giỡn hoài mày! Kỳ đó nếu thằng Mỹ nó rải tới thêm một tấm.thảm nữa thì rụm cả hầm. Nhưng không hiểu sao nó lại rải ngang.
- Anh nói sao tôi không hiểu gì hết.
Hai Ninh ngồi xổm xuống đất lấy que vẽ nguệch ngoạc:
- Vậy nè! Thay vì kéo dài ra nó lại mở rộng mày hiểu chưa? Trước đây thì nó cũng rải liền mí như đợt trước rải xong, đợt bắt từ mí mà rải tới, đợt ba rải tới nữa, như vậy thành tấm thảm hình chữ nhật dãy dọc. Không biết sao mấy chục trận gần đây nó lại rải bề ngang. Nghĩa là ô đầu tiên ở đây, ô kế là bên phải, ô kế là bên trái hoặc bên phải không ai đoán được. Rồi ô kế cũng không biết bên nào để mà chạy. Chạy nhanh cũng có thể kịp. Hoặc chạy tới, chạy lui hoặc tạt qua phải, hoặc qua trái. Có khi liều mạng, ‘chạy tới chỗ nó vừa "trải xong, mình ngồi". Nhưng bây giờ nó rải loạn xị không có lề lối nguyên tắc gì nữa, nó rải.cả trên ô nó vừa rải. Cho nên tốt nhất là năm mím dưới hầm mà cầu Trời khẩn Phật thôi.
- Thằng Mỹ nó linh động lắm anh Hai à! Đánh với nó bằng bộ binh cũng vậy chớ không riêng gì B52 mà thôi đâu. Pháo binh còn ác nữa. Có khi nó bắn cả trăm, cả ngàn, cả chục ngàn trái. Có khi chỉ một trái. Một ngàn không trúng ai mà một trái lại chết cả hầm.
- Thôi tao đi nhé Trễ rồi!
- Gì mà gấp vậy anh! Còn chút dưới đáy bình toong và mấy con tép, anh làm một cái cho ngọt rồi chia tay. Coi như mình ăn Tết con khỉ già rồi đó anh Hai.
- Đường dây vừa làm xong, nó bỏ tiêu hết rồi.
- Nó nào?
- B52 chớ nó nào. Ở trên bảo phải làm nhanh cho kịp.
- Kịp gì?
- Kịp gì ai biết kịp gì. Nhưng không có cái đéo gì trong tay hết trơn, báo cáo lên, ở trên bảo khắc phục. Dây điện chớ phải dây chuối đâu mà khắc. Tao cần năm chục ngàn thước mà chưa có thước nào.
- Vậy anh chọc cho Mỹ ném xuống cho anh như Khổng Minh lấy tên của Tào Tháo vậy.
Trời chiều ráng mọc đỏ ối. Rừng thẫm lại trông rất thê lương. Một thằng bạn già trông càng thê lương hơn. Hai Ninh cắm cúi đi. Tôi ngó theo. Tưởng đó chính là mình, mình sẽ như thế, không lâu.
Hai cậu liên lạc Nông và Quyết mắc võng toòng teng dưới một thân cây đổ nằm ngủ ngon lành. Ở đây vào thời điểm này là vậy. Ăn nhậu, chơi bời, hò hét, ngủ nghê được phút nào hay phút ấy, để rồi biết đâu trong nháy mắt tan xương.
Ai ngờ một ông đại tướng hét ra lửa như Sáu Di mà chết như một con vịt bị phang vỡ sọ ngay trong ao nhà.
Ba mươi năm qua, 1967-1995, bây giờ khi ngồi viết những trang hồi ký này tôi vẫn còn nhớ nguyên câu chuyện kể của Hai Ninh và lời dặn "đừng cho ai biết". Thiên hạ đã biết cả rồi. Nhưng có lẽ còn một điều chưa ai biết. Một cái dấu hỏi nghi ngờ. Có bàn tay bí mật nào theo dõi hắn ta từ Hà Nội vào tận đây để thừa cơ hạ thủ chăng?
Cái gì mà Cộng Sản chẳng dám làm. Chúng giết Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn và những ai khác nữa, thì sợ gì mà không chơi tên Sáu Di. Tên này nhờ Hồ nâng đỡ có vẻ lấn lướt ông đại tướng Quảng Lạc kia. Thù hận của những kẻ có súng ống em út trong tay bộc phát ghê gớm. Staline giết Kirov bằng tay một tên Bolchevik khật khùng, ám sát đại tướng Frunze trên bàn mổ. Mao Trạch Đông giết Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài bằng tay mụ đàn bà.
Thì Việt Cộng ngán gì ai mà không dám làm. Nhất là ở giữa rừng sâu, chỉ có cóc nhái mới rõ được. Nhưng đau đớn cho mụ góa răng đen mỏ quạ ở Hà Nội ăn cơm với Hồ chủ tiệm mà chẳng rõ được nguyên do cái chết của chồng mình. Nhưng cũng đáng đời cho một tên cướp. Cái xác hắn không biết có về tới Hà Nội không? Theo nhiều luồng dư luận xầm xì thì hai cái xe thồ xác ông đại tướng đã không đến được Minốt.
Bạn đọc hãy giở bản đồ ra xem sẽ thấy từ Long Nguyên (nơi có cái hầm của Sáu Di) về tới Tây Ninh, qua biên giới Việt Miên là bao xa? Rồi từ đó qua tới Minốt là bao xa nữa. Ít nhất 100km, mà là đường rừng. Và đường rừng nát bét vì B52. Phải qua những điểm nóng và luôn luôn bị trực thăng soi, đuổi, canh chừng không hở của sư đoàn 5 Sài Gòn. Từ Long Nguyên muốn qua biên giới Cao Miên phải qua suối Ván Tám rồi suối Bà Chiêm, xong phải vượt sườn núi Cầu sát đường 14 là cái chốt thường trực của sư đoàn 5. Nếu không qua được núi Cầu phải trở về suối Bà Chiêm để đi lên suối Ngô. Từ đó dưới có thể lên Bổ Túc (chỗ tôi và Tôn Sứt thực tập DKZ). Từ Bổ Túc mới đi Kà Tum. Xong đoạn đường này mới mong qua được Minốt.
Riêng từ Bổ Túc đến Minốt cũng phải mất hai ngày nếu xe đạp êm xuôi không bị bom pháo, lính ruồng ngăn cách. Còn từ Long Nguyên đi Minốt nếu đạp xe trong rừng và không bị bom đạn cũng mất ít nhất bốn ngày. Nên nhớ lúc Sáu Di bị nhánh cây thọt bể đầu là vào cuối năm 1967, tất cả các mặt trận đều sôi động hằng giờ hằng phút. Nếu cố công thồ thì ít nhất phải một tiểu đội xe đạp chạy băng dưới bom đạn.
Một cái xác bó ny lông, phơi sương phơi nắng trong bốn ngày thì sẽ ra sao? Cho rằng cái xác này có được ướp như xác Lê nin đi nữa thì cũng không tránh khỏi ruồi nhặng bu theo và khi đến Minốt thì chắc là...
Một cái nhánh cây lạ lùng!
Nhưng dù ai giết hoặc trời hại tên giặc đầu đỏ mặt vuông miệng quai xách này thì có cũng là một sự may mắn vô vàn cho dân tộc. Vì nếu hắn còn sống thì chính hắn sẽ là tổng bí thư thay cho me xừ Duẩn, chớ không phải anh gà tồ Nguyễn Văn Linh đâu. Hắn là tên tội phạm trong Cải Cách Ruộng Đất và chủ trương ép nông dân vào hợp tác xã. Hắn sẽ còn tàn bạo hơn cả Lê Duẩn chớ không thua chút nào. Hắn thù trí thức, văn nghệ sĩ, nhất là dân Sài Gòn, hắn chửi thẳng vô mặt hồi tôi làm "anh hùng rởm" đọc diễn văn ở đại hội Mừng Công trên R năm 1964.
Viết đến đây tôi bỗng nhớ một chuyện nhỏ về hắn ở Hà Nôi. Hắn có hỗn danh là tên mặt sắt vì mặt hắn đen sì. Trong một buổi tiệc tùng chi đó có các bà phu nhơn thiếu tướng trung tướng đến dự nữa. Bà nào cũng khăn mỏ quạ răng đen mút chỉ, riêng bà Phạm Kiệt lại son phấn quần áo sang trọng. Phạm Kiệt là dân khu 5 được phong thiếu tướng chỉ huy lực lượng công an võ trang đóng tổng hành dinh gần bờ sông Hồng.
Hắn vô sau cùng. Cả buổi tiệc đứng lên. Hắn mặc áo sơ mi lụa trắng cho phản xì nước da lãnh đạo của hắn, không đeo lon gáo gì cả. Huấn từ xong, hắn đảo mắt qua các bà phu nhơn. Bà của hắn thì cú sụ như bà cán gáo già cóp. Bên cạnh đó lại là bà Phạm Kiệt mặt hoa da phấn rực rỡ tương phản vô cùng. Hắn bèn trỏ mặt bà ta và bảo tướng Phạm Kiệt:
- Vợ anh ăn mặc như một con đĩ!
Cả bữa tiệc sửng sốt vì lời "thân ái" của một ông đại tướng và là lãnh tụ đảng. Riêng bà Kiệt xấu hổ bỏ đi ra khỏi phòng tiệc, trong lúc hắn vẫn tiếp tục xỉ vả bà ta và rêu rao bốn đức tính cần kiệm liêm chính.
Hắn cũng ghét Võ Nguyên Giáp, đến không nhìn mặt nhau. Hắn càng ghét văn nghệ sĩ, nhất là Nhân Văn Giai Phẩm, cho họ là những tên phá đám. Trong lúc Nhân Văn Giai Phẩm bùng nổ to, một lần hắn đến huấn từ cho văn nghệ sĩ ở viện mạ kền của Hoài Thanh hô hào chống Mỹ, hắn cương:
- Dù phải chống Mỹ đến một triệu năm chúng ta cũng chống.
(Hồ chủ tiệm có nói... "năm năm, mười năm hay lâu hơn nữa ", còn hắn lên tới một triệu năm! Ghê gớm thay ông đã đại tướng bần cố).
Văn nghệ sĩ tức cười nhưng bụm miệng.
Ra về, đạp xe song song với tôi, Nguyễn Tuân hỏi:
- Ông có nghe đồng chí ấy nói gì không?
- Dạ có chớ.
- Quelle notion de chiffres! Ông ta có khái niệm thế nào về những con số?
- Dạ, triệu năm là một triệu năm!
.... Những chuyện lãng xẹt như thế cũng còn nhiều nhưng ghi ra đây càng thêm mất mặt bầu cua của đảng. Xin trở lại chuyện Củ Chi. Ủa, không phải! Củ Chi đã mất sạch rồi. Bây giờ tôi đang ở Bến Cát trên đường về yết kiến ông tư lệnh Ba Đình, tức là Ba Xu, nghĩa là "Ba Đình giá có Ba Xu". Đâu mà rẻ hơn cá ươn thế, ít nhất cũng năm, sáu xu, một cắc chớ?
Thằng Nông và thằng Quyết dẫn tôi đi, vì B52 càn tan tành, tôi không nhận ra đây là đâu. Thằng Quyết bảo:
- Đây có thể là Đường Long.
- Tại sao?
- Vì mình chưa băng qua trảng Suối Cát. Qua suối đó mình mới lên thẳng Phú Bình.
Mặc cho nó dẫn đi đâu tôi theo đó. Hồi chín năm tôi đã từng ở vùng này và còn trẻ như hai đứa nó, bây giờ trở lại già ngắt mà cách mạng chưa tới đâu. Vậy hồi đó nghe mấy câu chúc Tết của cụ Hồ, các ông to bà nhỏ đọc rung đùi muốn đứt võng. Ai cũng mơ tưởng:
Chúng ta cùng đồng chung một ly đào
Tết này ta tạm xa nhau
Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy
Rượu đào không. Sum vầy cũng không mà chỉ có máu đào con khỉ Mậu Thân và ly tán tang thương thôi cụ ạ!
Tôi sốt ruột về Củ Chi nên thay vì chờ tối để băng qua Suối Cát như Năm Lê dặn, tôi bảo hai cậu cứ dắt tôi chạy càn. Chỉ chừng hai cây số trống thôi mà mệt muốn đứt hơi như lúc đoàn ăn trộm vượt ngọn sông Bến Hải. Qua cú chạy việt dã này tôi mới thấy sức lực của tên Thiên Lôi bắt đầu sa sút như Chí Phèo sau một trận say đã cảm thấy mùa thu của đời mình.
Lúc mặt trời sắp lặn thì chúng tôi tới bìa một khu rừng. Đứng lại lấy hơi, xong tôi hỏi đây à rừng nào? Thằng Quyết lắc đầu:
- Rừng nào cũng như rừng nào, em không biết. Anh coi đó cây không còn lá làm sao nhớ tên được.
Tôi mới nhận ra. Cành cây khẳng khiu, chơ vơ không có lá. Dưới gốc lá khô đơm vun mà không có dấu chân người.
- Nó rải hóa học hồi nào vậy tụi bay?
- Em đâu biết. -Thằng Quyết nói- Anh đứng đây, em và thằng Nông vô báo với trạm gác.
- Đi mau kẻo biệt kích nó chơi tao.
- Ở đây là bảo đảm anh không có thứ đó. Nhưng anh phải đứng xích lại đằng kia, đừng đứng ở mối đường làm lộ bí mật.
- Cái thằng!
Nó dạy tôi. Nhưng tôi cũng nghe lời nó mà di chuyển cách đó chừng một trăm thước. Vừa đứng yên thì gặp mấy cô tíu tít đi qua. Một cô reo lên:
- Anh Hai đi đâu lạc đây?
- Nhỏ nào đó?
- Em đây, anh không nhớ à?
- Em nào cái bụng thè lè vậy?
- Trời ơi? Anh không nhận ra em sao? Lam nè!
(Nói vậy chớ sao tôi không nhận ra. Hai chiếc nhẫn có khắc chữ "L" má nàng đem vô cho hai đứa ở Ràng mà! Quên sao được, nhưng thấy nàng đang mang bầu tâm sự nên tôi đóng kịch cho qua đi cái tâm sự não nề).
Lam đứng lại quay ngang, còn cô kia thì vui vẻ:
- Bộ anh Hai quên em rồi hả?
- Thảo, ủa không... Đứa nào anh nhớ mài mại.
- Quỷ anh chớ nhớ mài mại nữa!
- Anh oánh giặc riết rồi chỉ còn nhớ Mỹ.
- Đào hầm chung với em mà quên được à nghen.
- Em Lan hả? Nhiều Lan quá...
- Không, em là Phượng.
- À nhớ rồi! Kỳ đào hầm gặp xương Cao Đài ở dưới gốc trúc. Vậy mà anh tưởng em... Mai ở trên trảng Đồng Rùm.
- Đồng Rùm ăn B52 nát tan hết rồi.
- Sao đi qua đây chỗ nào cũng nghe cũng thấy cũng đội B52 hết vậy cà? Chắc anh phải lộn về Củ Chi quá! Mà em vô cơ quan hồi nào vậy?
- Lâu rồi. Em có lên R mới biết Đồng Rùm bị B52 đó chớ. Sông Bà Hảo bây giờ không qua được. Lò Gò Xóm giữa Kà Tum Kà Tiếc gì em đều có đi hết. Bây giờ em mới ở luôn trong cơ quan, khi nào em mời anh ghé chơi.
Còn một cô nãy giờ đứng ngó tôi, thấy cô Phượng dứt lời mới xen vô:
- Còn em nữa, nhớ hay quên, ủa ủa nữa coi! Quỷ anh đâu á!
- Anh xin lỗi là quên tuốt rồi.
- Anh mà nhớ ai làm chi.
- Ai đâu tự giới thiệu coi.
- Thơm nè.
- À Thơm...
- Thơm nào? Để em nhắc cho. Hồi anh trên R về, vô K29 gặp chú Tám Quang và chú Tám Hà ở Gót Chàng. Vừa tới nơi bị đầm già liếc bắn rốc kết nhớ chưa?
- Nhớ rồi. Còn Thảo đâu?
- Nó theo chú Tám Quang đi Rừng Sát rồi. Còn em mắc đi học y tá trên R, nếu không chắc cũng dính vô đó.
- Không dính vô đó thì dính chỗ khác.
- Thôi đi tụi bay ơn -nàng Lam giục.
- Ừ đi thì đi!
Lam không chào hỏi tôi thêm câu nào. Có lẽ nàng đau khổ. Nhưng tôi hiểu nàng. Kỳ đó sau khi về H6 nàng được phân công đi cơ quan khác. Ít lâu sau tôi ra chỉ huy bộ binh, coi như đã đứt đoạn tơ lòng. Rồi thời cuộc dồn dập ào ạt xua tới, tôi đâu có nghỉ ngơi phút nào. Hơn nữa tôi là con ngựa bà không muốn trao dây cương cho riêng một ai cầm giữ... Bây giờ thì nàng đã yên nơi. Có lẽ chiếc nhẫn nàng đang đeo kia, có chữ "L" là tên Lam (thay vì tên Lôi), còn chiếc kia cũng mang chữ:’L" là tên "Lôi" (thay vì tên "Lam") hiện đang trên tay của Là (cũng là "L") chớ không có trên tay nàng mà cũng không có trong túi tôi.
Thôi vậy cũng là êm đẹp. Nàng đã có chồng và sắp có con. Tôi càng mừng chớ không buồn và trách móc gì hết (tại duyên phận chúng mình nó như thế Lam à!)
Hai thằng nhóc trở ra. Một cậu đi trước dắt đường. Còn đứa đi sau thì vừa đi vừa sụt lùi khỏa lá cây nguyên lại như cũ. Nhưng làm sao tránh được dấu chân trên lá nát. Biệt kích Kangoroo ở Trường Sơn đi bằng gậy, nó phóng những bước da ba, bốn thước, chớ còn bước thường như mình đây thì lá nào còn nguyên? Tụi Mỹ nó tinh vi lắm, thấy một lá nát là nó dò tìm dấu ngay.
Cây rừng trụi. lá. Không khí hắc mùi hóa học. Tôi đoán chắc chúng khai quang khu này ngót một năm nên mùi hóa học hơi phai đi, chớ nếu còn mới thì thở vào sẽ nghe khô phổi như ở Trảng Cỏ mấy năm trước.
Thằng bé chỉ khỏa sơ một khúc đường rồi đi xõng lưng. Con đường mòn càng sâu vào trong càng rõ rệt, không có quân ngũ nào khỏa lá cho kịp. Kẻ ra người vào liền xì chớ có phải một hai người thôi đâu.
Một cái giếng được đậy nắp gỗ rất kín. Chắc là đề phòng hơi hóa học. Tôi biết gần đến nơi rồi.
Ông Tư Lệnh từ sau ngày được bọn tôi cứu khỏi "địa đạo", ở Phú Mỹ Hưng càng lặn sâu, lặn kỹ. Ông không còn đóng chốt ở nhà dì Ba nữa là phải lắm. Nếu diên trì ở đó thì chắc chắn không thoát trận chụp của Võ Văn Phán vừa rồi. Ông ấy có tính cẩn thận và phòng xa, tôi biết từ hồi chín năm. Tuy ít khi bị bom, nhưng bao giờ ông cũng bắt nhân viên đào hố cá nhân. Cả hai bà phu nhân (vợ ông và vợ Tô Ký) cũng phải đào. Hai bà mới được một cái hố cạn như mèo quào, cho nên kỳ đó thằng bé Lôi mới ngồi chắn miệnghầm mà bị miểng bom chạm vai cũng ở vùng Long Nguyên Bà Tứ này. Bây giờ ông đâu có được nghênh ngang cưỡi ngựa đi từ đây xuống tận Bến Súc để quan sát trận địa như hồi 1947 nữa.
Đối với Mỹ ngày nay, thằng Tây hồi chín năm chỉ là một đám trẻ con. Nếu Mỹ bây giờ là Tây thời đó thì nó đã bị chúng tôi xơi tái dễ dàng. Nhưng khổ vậy, Mỹ là Mỹ chớ không phải là Tây, càng không phải là con hổ giấy như Mao xếnh xáng nói.
Gặp lại anh Ba mình kỳ này coi bộ ảnh xuống gà quá cỡ. Vừa gầy vừa xanh và cặp mắt mất thần, bộ râu quai nón rất đẹp ngày xưa nay đã thành cái chổi xể rối ren như đầu óc của ông vậy, còn tóc thì một bên trắng một bên tro. Làm tướng như ông khổ thật mà rồi chết uổng thân, lon gáo ai mang, ông chỉ được đứng ở Ngã Ba Chú Ía gác đường cho các đồng chí "nhớn" đến thăm em (có đường đeo bảng hiệu Trần Đình Xu ở Sè Goòng thay đường Phát Diệm cũ).
Anh nói ngay:
- Khu ủy (chớ không phải Quân Khu) điều động cậu về làm quận đội trướng Củ Chi, và thường vụ khu ủy đã đồng ý.
Tôi không hỏi lý do lý diếc gì, chỉ hỏi cho có lệ:
- Anh Ba chỉ thị tôi về đó phải làm gì trước nhất?
Anh không trả lời mà hỏi lại tôi:
- Cậu có rành loại hỏa tiễn giàn mướp Liên Xô không.
- Dạ, tôi có dùng nó gác trên bệ DKZ 75 để bắn từng phát thẳng vào mục tiêu cố định. Đó gọi là trực xạ. Chớ không bắn vào mục tiêu rộng lớn. Đó gọi là gián xạ, nghĩa là bắn vòng cầu vào các khu quân sự, như sân bay hoặc kho quân nhu.
- Vậy không dùng để pháo kích Đồng Dù hoặc Trung Hòa được à?
- Dạ, đó không phải là loại vũ khí để pháo kích. Chỉ dùng nổ để bắn xe tăng, tàu, lô cốt...
- Sao vậy?
- Dạ, bắn gián xạ thì độ tản mác của nó rất lớn. Có thể sai biệt từ 800m đến 1000m, cho nên chúng tôi chỉ bắn mục tiêu trong vòng một cây số, còn xa hơn thì không bảo đảm chính xác. (Nói rõ ra là pháo kích trật lại chỉ chết dân).
- Vậy thì mình hì hục tải xuống đây, cất giấu chỉ toi công.
Nhưng có lẽ ông Tư Lệnh cảm thấy không nên nói vậy trước mắt thuộc cấp, nên trớ qua bằng một giọng hằn học:
- Các cậu quan niệm vũ khí vô sản còn nặng mùi tư bản lắm, phải sửa đổi mới được, còn không sẽ đi chệch lập trường.
- Dạ!
Tôi nói nhỏ rí. Bụng nghĩ không nên cãi lại. Có lẽ ông Tư Lệnh cũng không rõ khả năng và tác dụng của loại hỏa tiễn này. Ông Tư Lệnh đã vượt qua được cơn chới với, ngon trớn tiếp ngay:
- Các cậu cầm quân không nên chỉ thấy có tiếng nổ và xác địch. Có khi không có tên địch nào chết mà một tiếng nổ có tác dụng hơn cả trận đánh lớn. Cậu thử tướng tượng một trái hỏa tiễn phóng vào đô thị, dù không trúng cứ điểm quân sự, nhưng tiếng nổ của nó ảnh hưởng tới tinh thần đồng bào bao lớn? Dù phải hy sinh vài người, vài chục người dân thì cũng tốt như thường. Chiến tranh vốn là như thế mà! Kỳ rồi cậu pháo kích Trung Hòa và Đồng Dù hy sinh một B trưởng và vài cậu du kích phải không? Không tính sự tổn thất của địch là bao nhiêu, đạn cà nông nổ tung, trực thăng, xe tăng bị cháy v.v... Chỉ có cái vang âm của những trái pháo của cậu mà thôi. Nó to lớn cỡ nào cậu có biết không? Nó bay vô tới Sài Gòn và sang tận nước Mỹ kia đấy. Rồi ba thằng kép Mỹ, ba con đào Mỹ phản chiến nó sẽ nhao nhao lên... Cậu có biết con đào lủng của Mỹ nó sang tận Hà Nội chiêu hàng phi công Mỹ ở Hỏa Lò không? Hàng chục triệu dân Mỹ đang chống chính phủ Mỹ. Mình đánh bao nhiêu trận, chết bao nhiêu lính cũng không đạt được kết quả đó cậu ạ. Cậu rõ chưa nào?
- Dạ rõ ạ!
- Vậy thì giàn mướp giàn bầu giàn bí gì cũng chơi ráo. Miễn cho nó nổ được trong đô thị thì đó là thắng lớn. Chiến tranh là giết người. Bên nào giết nhiều thì bên đó thắng.
Tôi làm thinh. Từng sử dụng các loại pháo ở Hà Nội tôi biết rõ... Nhưng còn dám nói gì khi ông Tư Lệnh đã bảo như thế. Nghĩa là còn có nước thi hành. Bố thằng nào dám lý luận khác với ông.
Ông Tư Lệnh nói thêm:
- Bây giờ cậu về Củ Chi làm quận đội trưởng nhưng tôi giao quyền cho cậu điều động các D của Quân Khu hiện ở Củ Chi, kể cả Q16, nhằm phục vụ một việc. Là pháo kích một lần nữa Trung Hòa và Đồng Dù. Nhưng lần này dùng hỏa tiễn giàn mướp chơi tụi nó.
- Dạ!
Ông giơ tay chặn ngang:
- Cậu phải đem nó vào ấp chiến lược Cây Bài để bắn tụi trực thăng, hạ tại trận ít nhất vài ba chiếc. Cây Bài ở sát Đồng Dù không xa hơn một cây số. Vậy bắn trực xạ được chứ?
- Dạ được ạ!
(Được nhưng không về được đứa nào. Cũng như pháo kích sân bay Biên Hòa xong, đội đặc công 69 của Huỳnh Thành Đồng sống mây thằng, súng vác về được mấy cây?)
Ông lại tiếp:
- Đó là việc thứ nhất. Còn việc thứ hai là tập trung tất cả du kích, dũng sĩ tái lập lại D7 Củ Chi theo biên chế chánh quy, cũng do cậu chỉ huy luôn. Ngoài cậu ra tôi không thấy có ai làm hai việc đó kết quả. Cậu nghe rõ chưa?
- Dạ rõ ạ!
- Việc thứ ba là giúp cho hậu cần Quân Khu cất giấu đạn pháo và một số đầu đạn hỏa tiễn DKB để chuẩn bị kế hoạch mới của R do Quân Khu đảm nhiệm phần lớn, trong tương lai rất gần. Cậu lập lại cho tôi nghe cả ba công việc đó xem nào.
Tôi lập lại ron rót như trả bài.
Vừa đến đó thì một cô gái xuất hiện. Cô đến đeo vai ông Tư Lệnh, nhõng nhẽo:
- Ba, ba ăn cơm chưa để con dọn lên?
Ông trỏ vào tôi bảo:
- Con hỏi anh này thì rõ? Con biết ai đó không?
Cô bé lắc đầu. ông bảo:
- Không có ảnh, con không ra đời được, đừng nói chi ngày nay làm y tá.
Rồi quay lại tôi, ông tiếp:
- Con nhỏ hồi má nó có bầu, nhờ mày đỡ miếng đạn đó Lôi. Bây giờ bây lớn đó.
- Dạ.
- Nó vừa học xong lớp y tá tao kêu về đây. Để ở trên đó B52 nhộn nhạo quá trời.
Cô bé bưng cơm lên. Vừa cầm đũa, ông hỏi tôi:
- Còn vợ con mày chưa tính sao Lôi? Tình anh em tao hỏi thiệt, mày đừng phiền tao nhé!
- Dạ,. bận công tác luôn, có lúc nào nghỉ đâu anh Ba!
- Còn vụ mấy đứa nhỏ cửa dì Ba (ông kêu bằng dì Ba, sợ lộ bí mật với con gái), mày không chấm đứa nào à?
- Dạ, em đâu dám chê, anh Ba, nhưng người ta chân guốc chân giày chớ đâu có đi dép cao su uống nước giếng như mình mà vô được, anh Ba!
- Vậy tao nghe chúng nó nói với nhau, con Khánh nó nói mày đã hứa với nó rồi.
- Dạ, em đâu có hứa.
- Mày giấu tao hoài!
- Dạ, em không có hứa, chớ em đâu có dám giấu anh Ba.
- Vậy tao hỏi thiệt, mày không có để ý đứa nào sao? Nếu có, con nhỏ ở cơ quan nào, tao tạo điều kiện cho hai đứa ở gần nhau.
- Dạ, thưa thiệt anh Ba, em không có ý định gì hết.
- Mày đã 34, 35 gì rồi mà chần chờ hoài sao được. Cha mẹ già cần có cháu bồng. Mày rước bà già vô kỳ đó có vui không?
- Dạ vui chớ, thưa anh Ba.
- Còn vụ thằng em mày, thôi dẹp đi. Không có bày đặt vận động cái gì hết. Thằng Chín Lộc chọc cứt không nên lỗ ở đây nó có làm ra trò gì đâu. Tao cho nó về trên R rồi.
Tôi sợ thon thót khi ông nhắc tới thằng em đại úy Thủy Quân Lục Chiến của tôi, may quá ông gạt sổ rồi. Nhẹ cái thân tôi.
Trước khi từ giã, ông bất tay tôi, còn căn dặn:
- Rán cẩn thận nghe "em"! (một lần duy nhất ông gọi tôi bằng tiếng ấy). Nếu có để ý nơi nào cho tao hay, tao giúp được gì sẽ giúp.
Tôi bước lên khỏi hầm, đầu óc lâng lâng. Một ông tư lệnh Quân Khu ở dưới hầm sâu hai thước trong một khu rừng trụi lá vì hóa học. Bên cạnh có một đứa con gái đẻ ra và lớn trong chiến tranh. Hình ảnh đó không bao giờ phai nhạt trong đầu tôi.
(Không biết sau cái chết bất ngờ của ông Sáu, anh Ba cho con gái về coi sóc món ăn thức uống cho cha, hay vì bể ổ với dì Ba mà chị Ba cho con gái về đây kiểm tra ông bố?)
Tôi bảo thằng Nông và thằng Quyết tìm chỗ cho tôi nghỉ tạm qua đêm. Chúng bảo:
- Đêm là giờ của đám cô hồn tụi em mà nghỉ gì anh. Anh ra Bến Chùa có thủ trưởng chúng em ở đó chờ!
Thế là ba chân bốn cùng tôi theo chúng ra Bến Chùa. Cái khu phố tử địa nhưng đối với những kẻ gan cóc tía thì coi đó là khu nghỉ mát hòa bình và tình ca tươi mát. Chín Nữa đã phục kích sẵn ở đó.
- Hề hề... Tao bảo tụi nó, mày làm xong việc với anh Ba thì đưa về đây cho tao.
Tôi có ông dượng thiệt bảnh. Đi đâu cũng gặp. Đánh trận nào cũng bị thương, nhưng không chết, cũng không cưa cắt gì hết. Và chuyện gì dượng cũng giễu cợt được hết.
- Mày có định làm rể ông Tư Lệnh không?
- Thôi dượng ơi! Đầu quăn tóc rối đâu có hợp với cách mạng.
- Không! Tho nói là con gái ruột của ông kia chớ không phải Tam Nương trong quán nước đá. Này! -Dượng vừa nói vừa chỉ tay vào nhà dì Ba- Mày có muốn ghé thăm em này không?
Tôi lắc.
- Vậy thì em kia! -Dượng trỏ tay về phía quán em Lụa.
Tôi làm bộ:
- Em nào ờ đó, dượng?
- Thằng? Mày giấu tao hoài may. Tao đánh giặc thua mày chớ cái món đó mày phải tôn tao làm sư phụ nghe mày!
Liệu bề không chối được, tôi bèn khai thiệt.
- Duyên chị tình em. Vậy khỏi lo thất nghiệp mày ạ. Cũng như tao vậy thôi, hai chị em con B. con T. tao tém luôn một lúc.
Tôi nói;
- Đúng ra thì tôi gặp con em trước rồi cô chị sau.
- Không, tao nói là tao tém cùng "một lúc", mày nghe rõ chưa, nghĩa là...
- Vậy mà... được sao dượng?
- Vậy mới tài chớ may... Hì hì, tao hỏi thiệt nghe, mày có thấy rõ tiểu thư của ông Tư Lệnh chưa? Nó giống bả nên y hệt đầm lai. Nhưng mà ở gần ổng, bố thằng nàocũng không dám mó.
- Dượng nói vậy chớ tới chừng nó lên cữ thì nó theo, như con gái ông Sáu Nam trên R chạy theo tôi, chớ cần gì phải o.
- Vấn đề là mày có OK Sa lem nó hay không thôi. Tao chắc ông Tư Lệnh gật liền.
Vừa nói hai dượng cháu đã tới gần quán cô Lụa. Chín Nữa kéo tôi đứng lại rù rì:
- Bây giờ còn sớm, lính mình còn bồi dưỡng trong đó, mày vô cái là lộ mặt địa ra ngay. Để tao đi xích hầu. Tao móc con Rớt ra. Rồi mày liên lạc với má nó, đặt kế hoạch nội công ngoại kích đêm nay úp đồn.
- Bây giờ là hơn 10 giờ rồi dượng.
- Ờ thì càng khuya gà "vô đĩa" càng êm chớ sao mày tụi!
- Trời? Dượng biết cả con Rớt nữa sao?
- Mày quên rằng tao hiện là trưởng trinh sát của ông tham mưu trường, tai mắt tao ở khắp nơi nghe mày.
- Vậy dượng đặt kế hoạch cho tôi đi.
- Kế hoạch mẹ gì. Mày đã có nội ứng sẵn rồi. Si nhan là nó úp vô cái một, còn tao cũng lo hạ cái lô cốt của tao.
- Vậy à?
- Chậc! Mày nên nhớ là đời chiến chinh vui nhờ cái "lá xanh" ấy (bản nhạc nổi tiếng "Lá Xanh" của Hoàng Việt sáng tác năm 1948 ở Tháp Mười). Nếu không oánh Mỹ sao vô? Nhưng mà mày có sẵn "chứng minh thư nhân dân" đó không. Nếu không, tao cho.
Tôi có trong bóp nhưng làm bộ ngây thơ:
- Dạ chứng minh thư tôi bỏ lại ngoài Hà Nội rồi.
- Nè, tao cho một hộp để phòng thân. Nếu muốn khỏi bi nắm đầu thì đi đúp-li-ca-ta nghe chưa? -Dượng vừa nói vừa móc sắc cốt- Đây là loại đờ luých, tao gởi mấy con nhỏ quân báo mua ngoài Sè Goòng đó nghe mày... Thằng Tôn chết ở đó. Còn Út Lịa, Năm Thủ, Sáu Uya nằm bên kia... Tao cũng nằm đây thôi -Dượng bất thần trỏ tay nói-Không biết ở dưới kia tụi nó có cần không tao gởi cho vài lố.
Mấy hôm sau tôi về tới Củ Chi. Một mình đổ bộ xuống Đồng Sởi băng qua Xóm Chùa. Nhờ Sáu Mã Tử và Năm Đầu Ban của cô Lan xã đội kiêm bí thư (thay cho ông bố) đưa tôi ra Sa Nhỏ.
Tôi vô quán đãi các cậu một bữa khô mực la de rồi chia tay. Chẳng ngờ chủ quán là má Bảy ở xóm Thuốc Súng sống sót sau một trận B52 cùng với ba cô con gái ra đây bán quán sống vất vưởng qua ngày. Chỉ cách có mấy tháng mà nay gặp lại thấy mà đầu bạc trắng. Má mừng rỡ.
- Tao tưởng mày về bên Bến Cát ỡ luôn với con Sáu Hòa rồi!
- Quê hương con là đất Củ Chi. Đi đâu rồi cũng về chớ má!
Sáu Mã Tử nhạy miệng:
- Ảnh bây giờ là... (nhưng bị tôi trợn mắt nên tốp).
Sáu Mã Tử và Năm Dầu Ban đưa tôi luôn tới văn phòng quận đội ở Đồng Lớn. Đó là một cái chòi xơ xác. Từ ngày Tám Giò chết, Mười Thứ lên thay, du kích tản mác không làm sao chỉ huy được.
Thấy tôi về, anh em mừng lắm. Năm Đầu Ban nói ngay:
- Đây là ông Quận mới của mình.
- Người ta nghe trước chú mày rồi.
- Có đường "dây luộc" nào oánh mau vậy?
- Hễ ảnh vừa được quyết định là tụi tôi biết ngay. -Hai Văn tiếp.
- Ông Mười Niên Xô vừa mới hui nhị tỳ.
Tôi kêu lên:
- Ổng chết vì nghiệp gì? Bom hay pháo?
- Ổng không chết vì bom pháo nhưng đối với tụi tôi ổng không phải là người chỉ huy.
- Các cậu đừng nói vậy. Ổng quen chỉ huy quân chánh quy chớ không chịu tác phong du kích. Nay ở trên cho ổng ra làm tham mưu trưởng E268, rồi ông sẽ chơi tụi Mỹ cho coi.
Dù tôi có lời ngăn chặn như vậy, các nhân viên vẫn chế giễu ông quận Thứ. Cô Bảy Phán, người nấu bếp thời Tám Giò, bây giờ đã lên chức y tá, ôm chầm lấy tôi, áp mặt vào ngực tôi rủ rỉ:
- Nghe anh sắp về, em không ngủ nghê gì được.
- Em chuẩn bị nấu món gì cho anh bồi dưỡng kẻo qua bên đó thiếu chất quá.
- Em có nhốt sẵn một chục con chuột ú núc. Em sẽ quay chão đãi anh.
- Chuột ăn hóa học, mình ăn vô bị cùi cả đám.
- Lâu nay tụi em ăn, cù hết rồi sao?
- Bố náo! Bố náo! Ai nại đãi thủ trưởng thịt chuột như thế.
Tôi ngoái nhìn lại thì thấy cậu Hồng liên lạc của quận đội. Mọi người cười cái rần. Rồi mạnh ai nấy góp chuyện chế giễu ông thủ trướng cũ của họ. Nàng y tá Phán bắt đầu:
- Anh Hai nghĩ coi, em nớn thế lầy mà ông kêu em bằng con nủng lầy nủng lọ.
Hai Văn tiếp theo:
- Ổng chửi địt bố mấy thằng Mặt Trận.
- Tại sao vậy?
- Ổng triệu tập ban chỉ huy xã đội cả tháng không ông nào đến. Ổng kêu em đến hỏi ný ro. Em bảo là đường liên lạc bị Mỹ cắt không ai đi được. Ổng trợn mắt:
"Sao mở đài ra tôi nghe Củ Chỉ địa đạo thôn niền thôn xã niền xã, mà ngay cả ở An Nhơn An Phú chúng nó không sao nuồn tới đây được nà gì? Nại còn nói địa đạo xuyên qua sông Sài Gòn nữa cơ. Rõ bố náo. Địt bô mấy thằng Mặt Trận Giải Phóng nừa chúng ông. Nghe mê ny. Khi vào tới đây nó bỏ chúng ông, cá rô cá nẹp, bù nóc bay tua tủa trên đầu, xe tăng chạy hàng đàn trên mặt đất, cả cái Đồng Nớn không có một cái hố để chui, mà bảo nó địa đạo thần thánh! Thần thánh cái mả mẹ chúng nó!"
Hai Văn vừa "tường thuật" vừa ra bộ, cả bọn cười lăn chiêng.
Cậu Minh thư ký đánh máy chêm thêm:
- Tên ổng là Nguyễn Văn Thứ mà ông chỉ ký số 10 và chữ Thứ bằng tiếng gì em không đọc được, em hỏi, ông bảo đó nà tiếng Niên Xô, các cậu các cô còn khướt mới sang được bên đó. Ổng kêu chị Phán là con lủg, còn chúng em thì xây nố cố no nẩn quẩn trong nhà chẳng nàm ra cái tích sự gì. Chị Phán tức nên có cự lộn với ổng: "Nè chú Mười, chú là người lớn, chú ăn nói nên cẩn thận một chút, dân Củ Chi này dữ lắm đó, chú chạm tự ái họ, họ không chịu đâu. Còn vụ địa đạo, không phải tụi tôi nói trên đài, chú có thắc mắc thì gởi thư lên luật sư Nguyễn Hữu Thọ chớ đừng mắng mỏ bông lông thằng này thằng nọ trước mặt chúng tôi".
Tôi cũng tức cười. Nhưng đáng cười nhất là đám lãnh đạo Hà Nội. Chúng không hiểu cuộc chiến tranh này nên xài phí cán bộ một cách oan uổng. Tội nghiệp cho cả lô úy tá được gởi vô đây chuẩn bị cho Tết Mậu Thân. Họ có biết gì đâu, ngờ nghệch trước vũ khí tối tân của Mỹ và chết mất xác. Ba trăm ngàn cán bộ và cán binh mà chúng nhìn nhận là có thật và chính là do sự ngu xuẩn, tàn bạo của chúng.
Tối hôm đó tôi ngồi làm việc với Hai Văn về tình hình các xã đội và lực lượng du kích. Hai Văn tỏ ra rất bi quan, nhưng tôi bây giờ lại đóng vai thượng cấp, cũng như Năm Lê, Ba Đình đối với tôi, nên tôi nói đủ cách để kẻo níu tinh thần hắn lại để khỏi sa hầm.
Sáng thức dậy, tôi cũng chưa dám ra sân. Em Phán nằm bên cạnh còn ngủ mê mệt. Đêm hôm qua em khóc hưng hức trách móc đủ thứ: nào là anh không thương em, nào là anh ngó đâu đâu không thèm ngó đây v.v... Nên tôi phải ngăn dòng lệ thảm của nàng. Trời hỡi, ngủ một hầm ba, bốn người, lại nằm võng mà tên Thiên Lôi này cũng rán sức già phụng sự em trong không khí hãi hùng, sợ lộ bí mật các em khác hay (mà chúng hay hết), thì còn gì uy tín của ông tân quận trướng cái Củ... Chi! (nhưng chắc cục uy tín vẫn còn nguyên, không sứt mẻ tí nào).
Cho nên sáng dậy hơi uể oải. Sức khỏe tên Thiên Lôi này bắt đầu xuống chút đỉnh. Tôi vừa ló đầu lên thì nghe giọng rau muống om xòm:
- Mấy thằng nởm kia, có nhanh nên không? Cá nóc (trực thăng OH6A) nó rà bên Ba Sòng mà chúng bay cứ tà tà đi rạo bờ hồ thế.
Bảy Phán vọt lên cười khéc khéc:
- Bờ hồ nào chú Mười?
- Tao nói nà Bờ Hồ ngoài Hà Nội kia, con nủng!
Đoán chắc đây là Mười Thứ nên tôi niềm nở:
- Anh đi đâu về sớm vậy anh Mười?
- Ông nà ông Nôi đấy phải không?
- Dạ phải.
Mười Thứ bắt tay tôi. Tôi lôi y vô nhà. Nghe tiếng mà chưa gặp lần nào. Tội nghiệp! Đúng là dân chánh quy, đầu đội nón cối của quân đội miền Bắc, chân đi dép râu, quân phục cứt ngựa xốc xếch, áo sút nút còn quần ống cao ống thấp. Mười Thứ lắc đầu:
- Bố tiên sư, mình đi cho sớm để khỏi bị chúng rà, thế mà mới nú ra nà đã đụng đầu.
- Anh đi đâu, tôi cho giao liên dắt đường, đi một mình rủi bị nó rượt biết đâu mà chạy. Ở bên Bến Cát nó dám đáp xuống bắt người kia đấy.
Mười Thứ chưa hết giận mấy thằng nhóc và Bảy Phán, cứ lầu bầu:
- Tôi nói nà nói cái Bờ Hồ ngoài Hà Nội chứ ở đây nàm đếch gì có bờ hồ. Những bàu nà bàu. Bàu Trâm, Bàu Nách, Bàu Tròn, Bàu Vuông... bàu nào cũng có bù nóc tới, chán bỏ mẹ! Ông Năm Dũng, anh hùng Điện Biên, biệt danh Hùm Xám, vô đây chưa chi đã bị cá rô rỉa chết ở Bến Cát.
Mười Thứ béo tròn, trắng mưa như công chức Sài Gòn. Có lẽ anh ta đi chuyến đặc biệt vô đây nên còn nguyên cái mã du học Liên Xô.
Anh ta quay lại tôi:
- Cậu về năm nào? Đi băng tầu nặn hay sao mà áo quần còn tươm tất, súng ống còn mới nguyên vậy? Cậu trông tớ này, mới vô có mấy tháng mà quần áo mặt mũi không còn cái thể thống gì nữa.
Tôi cười:
- Có anh đi tàu lặn, chớ tụi này làm gì có tàu mà đi! Mang gạch bốn tháng đó anh ơi!
Mười Thứ cười giả lả:
- Nói chung trong này bị chiến tranh nhưng sinh hoạt cao quá. Tớ mua được mấy thước vải tê-tô-rông kia để về cho mẹ đỉ. Gớm, hàng đế quốc tốt quá! Nhưng nếu mình nói ra thì bị quy mất nập trường. Cậu biết quán con Sẩm nai Ba Mầu không? Ối giào, nếu tớ chưa có vợ thì tớ sẽ cua con nhỏ này. Nhưng tớ có con rồi! -Hắn rỉ tai tôi rồi cười ha hả- Nó đẹp còn hơn con đào xi nê Trà Giang của mình ngoài đó... đó.
Trước khi rời chức vụ, Mười Thứ bàn giao công việc cho tôi. Anh ta đóng cửa thật kỹ rồi bảo:
- Đám nhân viên này chả có ý thức giữ bí mật gì hết... Trước nhất mình cho cậu biết nà hiện có hai cơ sở nữ công tác bí mật, một ở Trung Hòa, một ở Củ Chi. Hai cơ sở này nằm im để báo cáo tình hình địch cho ta thôi. Còn hai cơ sở nữa ở Đồng Dù, chờ quân báo Bảy Sơn huấn truyện xong sẽ đánh chất nổ vào câu nạc bộ sĩ quan. Kế đó nà khu ủy chỉ thị cho tôi cung cấp một nực nượng du kích để chuyển một trăm quả DKB xuống Nhuận Đức. Công tác chót nà tập trung du kích xã để kiện toàn D7 và củng cố nại đội nữ dũng sĩ Củ Chi của ông Tám Quang, Tám Queo gì đó!
Tám Quang là trưởng phòng chính trị Quân Khu đó nghe ông bạn!
- Trưởng phòng gì bố náo bỏ mẹ! Địt mẹ, tôi đến đây gọi chúng nó họp, chẳng ma nào tới cả, dũng sĩ cái gì. Trước đây ông nàm ăn với đám này ra sao mà nay chúng bỏ về nhà cả! Chúng coi nệnh nọt của cấp trên chẳng ra cái thứ gì!
Mười Thứ vừa nói vừa "địt" luôn mồm. Đây là lần đầu trong đời tôi nghe một anh Bắc Kỳ có chức cao ăn nói bạt mạng như Mười Thứ. Người thứ nhất là ông Hoàng Thọ. Hoàng Thọ bị Lê Duẩn xử tử lén ở rừng Cạnh Dền. Còn Mười Thứ thì cho ra làm tham mưu trưởng trung đoàn 268 Bắc Việt, nhưng tôi chắc anh ta cũng không thọ hoặc lại cũng kêu than như khi làm quận đội trưởng Củ Chi.
Quân lính ở Củ Chi này là thứ quân hồi vô phèng, thách đại tướng thử vô đây chỉ huy một trung đoàn hoặc cái quận đội này trong vài trận đánh Mỹ rồi ổng sẽ hết kêu gọi thừa thông xông lên!
Mười Thứ giao xong công tác cho tôi như trút được một cái nợ đời. Tôi hiểu anh ta nên không phiền hà cũng không chế giễu gì cả, lại còn xuất quỹ quận đội, lúc đó còn 5000, tặng anh 2000 bỏ túi xài chơi, như một lời cám ơn cụ thể.
Tôi vô cùng nao núng, nhưng chẳng lẽ xin về D1 với Tư Nhựt? Bỏ cái cục nợ này cho ai? Chuẩn bị đánh Sài Gòn, lấy Củ Chi làm bàn đạp quan trọng nhất. Tất cả công việc chuẩn bị cơ sở giao cho Thiên Lôi mà chẳng giao cho một thứ phương tiện gì cả. Trong lãnh vực quân sự, lệnh phải đi đôi với phương tiện: Máy bay xe tăng, tàu chiến, súng đạn v.v.. còn ở đây chẳng có thứ gì ngoài mấy cái địa đạo chết người và đám du kích bất trị!
Bí thư quận ủy: Một Sơn; quận đội trưởng: Tám Giò, hai cái đầu sỏ của quận đều chết. Hai Mỏ thay Một Sơn, Mười Thứ thay Tám Giò, Hai Lôi thay Mười Thứ. Tình hình từ xấu đến tệ. Củ Chi phải chia thành Nam Chi và Bắc Chi vì đường đi lại bị cắt nát.
Bắc Chi gồm các xã:An Nhơn Dông, An Nhơn Tây, An Phú, Phú Mỹ Hưng, Thái Mỹ, Trung Lập Thượng, Phước Thành, Phước Hiệp, Tân An Hội, Tân Thông Hội và Tân Phú Trung.
Nam Chi gồm các xã: Nhuận Đức, Trung Lập Hạ, Phú Hòa Đông, Phú Hòa Tây, Phước Vĩnh Ninh, Trung An, Tân Thành Đông, Tân Thành Tây.
Như ngay một xã cũng phải chia đôi: Trung Lập (Thượng và Hạ), Phú Hòa (Đông và Tây), An Nhơn (Tây và Đông)...
Các bà già trầu Năm Đang, Hai Xót nghe tôi về cũng kéo phái đoàn xách gà vịt tới ăn mừng và khoe công trạng: "Nhờ tụi tôi ông mới về được đây!" Hai nàng Tám Phụng và Tư Bé đòi ở luôn với quận đội cho bảo đảm, chứ đi với hai cô cứ chạy cà còng hoài có ngày bỏ mạng. Khổ cho ông Thiên Lôi này, một nàng y tá Bảy Phán đủ làm cho Thiên Lôi sút cán búa rồi, giờ lại thêm Phụng và Bé, nàng nào cũng mến anh Hai sắp nhỏ hết trơn.
Có đêm nằm giữa hai em, tay chân muốn táy máy mà đâu có dám, cứ hễ vừa thanh đông thì lại bị kích tây. Bị kẹp giữa hai cái đồn Bạch Hạc, súng đã lên đạn mà kẻ thù vẫn ung dung trước mặt kia, không bóp cò được. Thiệt tức dội. Trước đây bị hai chị em Lụa Là, Ua Chia đóng chốt, nhưng tôi còn xoay trở hạ được cả hai.
Đã bị đưa vào thế kẹt, bữa sau lại càng kẹt thêm. Trời đang mưa tầm tã, chỉ có nàng Tư Bé ở nhà, còn Tám Phụng và cô Phán đi công tác. Tôi sai mấy đứa liên lạc đi quán "mua nước mắm bằng cái dài nhôm". Chúng nó biết âm mưu của ông thủ trưởng nên thi hành lệnh ngay.
Tư Bé thổ lộ với tôi rằng nàng đã để ý "chàng" từ ngày nàng Ua đèo tôi về Củ Chi ghé nhà nàng xin nước uống và được ba nàng đãi dừa nạo.
Thiệt là ngồi buồn lại gặp chiếu manh. Trời mưa giúp cho tôi cơ hội trổ tài thầy pháo. Hai đứa đưa nhau xuống hầm.
Lòng hầm ẩm ướt vì mưa dột nên phải mắc võng. Trời càng mưa không khí càng ấm áp. Mấy gốc cột lung lay, ngôi nhà chuyển động răng rắc như sắp đổ với sức nặng trăn trở của hai tay chơi cờ hiếu chiến. Chàng vừa định thọc xe vào cung, còn nàng thì cũng đã ngả sĩ sẵn sàng tiếp đón thì có tiếng kêu:
- Có anh Hai nhà không?
- Không!’ Anh Hai đi công tác Phú Hòa Đông -Tư Bé nhanh miệng.
- Anh Hai ơi! Anh Hai... quận đội.
- Anh Hai... đi Phú...
Nhưng bước chân đã vào nhà với tiếng quần áo ướt khua rột rẹt đến gần miệng hầm. Tư Bé vội hất tôi qua và sửa sang lại bộ vận vừa quát:
- Anh Hai không có ở đây!
Rồi vọt lên.
Qua đối thoại giữa hai người "nữ dũng sĩ", tôi nhận ra giọng Bảy Mô. Chết một cửa tứ. Hầm không có ngách, chui ngã nào?
- Văn phòng đi đâu hết hả cô Tư?
- Ờ... ờ Đi công tác hết rồi.
Tôi bí quá đành nằm im. Nhưng tôi biết Bảy Mô thông minh, nếu tôi nằm nín dưới hầm thế nào nàng cũng lục lạo, bất gặp. Tôi bèn bước lên, cố giữ sự bình tĩnh:
- À em. Em đi thi đua R về hồi nào vậy?
- Mới dzìa! Sao cô Tư nói anh đi công tác?
- Trời mưa sợ tụi thằng Lệnh đột nhập bất ngờ nên vừa nghe tiếng hỏi là anh lủi xuống hầm.
- Hầm này em biết không có ngách mà!
- Thì lủi đại vậy thôi...
- Xí biệt kích gì dám vô đây?
Thấy mặt nàng "dũng sĩ" hầm hầm, tôi nói lướt ngay:
- Em lên R có vui không? Chắc được bầu anh hùng... dũng sĩ diệt Mỹ rồi hả? Oai ghê. Để anh kêu bầy trẻ mua bánh ăn mừng. Thay quần áo đi em, kẻo lạnh...
Tôi xổ luôn ra phan, nhưng cô em cứ đứng im, tay chân run lẩy bẩy không biết vì mưa hay vì gì khác.
- Kìa em Bảy, xuống hầm thay đồ đi.
Mò xuống hầm một chốc rồi trở lên, mặt nàng càng hậm hực. Bao nhiêu chứng tích của cuộc cờ còn ít nhiều dưới đó đâu đã kịp phi tang.
Nàng nói:
- Má vô lần nào cũng không gặp anh.
- Anh bận chớ phải anh tránh né gì sao em. Mà em cũng đâu có cho anh biết trước.
Tôi kiếm lời dỗ ngọt, rồi cũng qua truông. Đâu phải lần đầu nàng nghi tôi. Của đáng tội, nàng nghi đâu đúng đó.
- Em lên R, hội nghị có đông vui không?
- Cũng được được.
- Có ông nào tên Sáu không?
- Không. Chỉ có ông Mười Khang.
- Mười Khang là ông nào?
- Em không biết, nhưng nói tiếng Bắc lai giọng Nam (tức phó thủ tướng Phạm Hùng), anh ở ngoải mà không biết à?
- Trời! Biết sao nổi em. Họ thay tên đổi họ liền xì!
Tôi biết ngay cơn bão chính đã qua nhưng còn cái đuôi quất lại:
- Biết vầy em ở luôn trên đó làm gạc đờ co cho cô Ba.
- Cô Ba hào? -Tôi biết là Ba Định nhưng giả bộ hỏi.
Mô làm thinh. Tôi cũng có cách đối phó chớ. Bề gì cũng tham mưu trưởng mà! Tôi bảo:
- Em về đây thủ văn phòng giùm anh vài ngày, anh có công tác gấp liền bây giờ.
Bảy Mô trừng mắt:
- Anh đi đâu?
- Anh đi vô... Tư Chuyền bàn công việc chuẩn bị nơi chỗ cho chiến thương.
- Gấp gì gấp dữ vậy?
- Sắp vào đợt rồi, em không hay gì sao.. Phải có hầm cho một trăm thương binh kia đấy. Kỳ này nổ to chớ không phải lem nhem như mấy kỳ trước.
Bảy Mô thừa biết trong quân y có hai cô Nga rất bén nhạy, nên hạ giọng:
- Để mai, em đi với.
Thời may, Năm Hồng, quân y sĩ của quận đội ở đâu lót tót tới. Theo sau là hai cô y tá tay xách một con gà.
- Dạ, kính chào anh Hai quận đội.
- Xách gà đi đâu vậy chú em?
Năm Hồng là người Hà Nội, trẻ măng, ở đâu trên R mới đưa xuống nhưng vì sợ súng đạn nên đáng lẽ đưa ra D1, xin về đây.
Năm Hồng sốt sắng:
- Em nghe nói anh Hai ở bên Bến Cát mới về, nên em xách con gà trống này lại.
Tư Bé đứng yếu xìu nãy giờ, chộp được cơ hội lên tiếng ngay:
- Mình liên hoan mừng em Bảy đi R về.
- Úy! Không được đâu chị Tư. Đây là gà y tế chớ không phải gà nấu cháo!
- Gà y tế là gà gì?
- Em sẽ lấy máu nó tiêm vào người bồi dưỡng cho anh Hai.
Mọi người đều sửng sốt, không biết chuyện gì lạ vậy. Năm Hồng giải thích ron rót:
- Đây là phát minh mới của Trung Quốc, mình đã tiếp thu và thực nghiệm ở Hà Nội rồi. Trong hoàn cảnh thiếu thốn của chiến tranh miền Nam, mình sẽ áp dụng nó với chiến sĩ.
- Em đã thực hành chưa? -Tôi hỏi.
- Dạ, em đã làm cho một số chiến thương cấp cứu rồi. Thay vì truyền bioplasma hoặc nước biển, em tiêm máu gà cho họ. Nhưng phải là gà trống cái mào thật đỏ tươi như con gà này.
Năm Hồng trao con gà cho tôi xem.
- Nó phải khỏe, không có bệnh hoạn gì, như vậy máu mới tốt, tiêm vào chiến sĩ mới mau lành bệnh.
- Kết quả có khả quan không?
- Rất tốt ạ. Máu gà trị được nhiều bệnh lắm, nhất là bệnh thiếu máu. Mỗi con gà có một số lượng máu tiêm cho năm người. Bây giờ em đề nghị anh Hai chọn năm cá nhân xuất sắc của văn phòng để em tiêm ạ.
Tôi ngẫm nghĩ hồi lâu. Trời ơi! Thời kháng chiến không biết ai phát minh ra cái vụ chích nước dừa xiêm. Sau đó lại lấy phát mình của Liên Xô cấy phi la tốp (Filatov) tức nhau đàn bà đẻ xắt nhỏ phơi khô, mỗi viên to bằng mút đũa, rạch da đem cấy vào. Nó sẽ làm sung sức người già và biến người trẻ thành thần đồng. ở miền Tây Nam Bộ rất thịnh hành vụ cấy này. Nhà báo Phạm Anh Tài (tức Sơn Nam) đã từng viết một bài bút ký "Rủ nhau đi cấy" để tuyên truyền cổ động cho filatov của Liên Xô. Bây giờ lòi ra cái vụ tiêm máu gà cồ vô mạch máu! Không biết có kết quả gì không?
Tôi bảo Năm Hồng một cách ba phải có vẻ hòa hoãn:
- Khoan đã đồng chí. Bây giờ không có đủ năm người.
Tư Bé nói:
- Ai tiêm thì tiêm, em không dám.
- Đây là phát minh của Trung Quốc chớ phải đùa sao?
- Em sợ tiêm xong em mọc mòng rồi gáy e e thì chết dở!
Cái vụ tiêm máu gà cồ bị đùa cợt bất kể nó là của Trung Quốc, cho nên cuối cùng rồi sanh mạng con gà cũng tiêu tùng nhưng một cách thực tế hơn; mọi người được húp cháo gà ngọt lịm.
Tôi bảo Năm Hồng:
- Lần này, cậu phải lo chỗ cho một trăm chiến thương đó nghe.
- Tay chân đâu mà em đào nổi một trăm cái hầm?
Rùng! Rùng!
Mặt đất rung rinh nhè nhẹ. Mọi người ló đầu ra cửa ngóng về phía Bến Cát. Bóng dáng B52 xuất hiện mờ trong mây. Những trái bom nhỏ bằng hạt tiêu đen rơi xuống hàng loạt. Tôi liên tưởng đến H6 của Sáu Phấn. Không biết nó nện ở đâu? Những cái mả vừa đắp xong lại bị bới tung lên, còn người sống thì không hốt xác được mà chôn.
Từ một tháng nay ngày nào cũng có vài ba trận giã gạo ở phía Bến Cát. Chúng nó biết vùng đó đã trở thành hậu cứ của Bộ Tư Lệnh và các cơ quan Quân Khu. Củ Chi đã bị bào láng rồi thì tới Bến Cát.
Tội nghiệp cho ông Ba Xu, mới vừa ở trong nhà có bàn tay dịu dàng bắt gió, bây giờ ra rừng bị thở không khí hóa học cay xè. Sau vụ chết hụt dưới địa ỡ Củ Chi, chắc ông không dám chui nữa.
Năm nay là năm khói lửa mịt trời ở Củ Chi, Trảng Bàng, Bến Cát, không có một ngày yên tĩnh. Anh Cả Đỏ và Tia Chớp Nhiệt Đới đuổi riết Q16, E268 Bắc Việt, D1, D7 của Quân Khu. Truyền đơn nở trắng đồng thay bông lúa.
Tôi cần có một quận đội phó để giúp đỡ nhưng không biết đề bạt ai. Bảy Mô đã được đề nghị một lần, nhưng mấy bà già trầu gạt tên nàng trước nhất với lý do: thành phần địa chủ. Việc này làm tôi nhớ lại một người bạn tôi quê ở Hưng Yên, cấp thượng úy, xin kết hôn với cô Đào, con tư sản. Đảng ủy không đồng ý. Hai người lén rủ nhau ra Bãi Cháy hưởng tuần trăng mật rồi tự vận, ngư phủ vớt được xác cả hai.
Ở KI7B cũng có một cặp trai gái tự sát vì không được lấy nhau. Họ tìm hạnh phúc bằng cách chia đôi quả lựu đạn. Cũng vì "đảng quỷ" không cho phép. Nhưng bí ẩn bên trong ít ai biết, đảng ủy có một tên muốn cô nàng mà cô nàng không muốn, chính tên này không cho phép.
Bây giờ tới Bảy Mô. Tôi biết có một đám mây đen phủ trên đầu nên không dám...
B52 cày Bến Cát trong lúc trực thăng quần đảo từ Cầu Xe xuống Ba Cụm, Trường Gà, Cỏ Ống, Ba Sòng, Đồng Lớn như cơm bữa. Có một lần chúng đáp xuống đất và xúc ông thiếu tá Hai Phán, tham mưu phó Phân Khu 1, ở vùng gần nhà "nữ anh hùng Năm Cầu Xe". Rồi ngày hôm sau, trực thăng lại đổ bộ ngoài đồng Sa Nhỏ, lính đi thẳng vào rừng đến ngay chóc miệng hầm, khui lên nắm đầu gọn hơ đồng chí Hoàng Minh Đạo, tham mưu trưởng quận đội và Ngô Phước Tòng, trợ lý ban cán bộ phòng chính trị K20.
Đồng bào xầm xì cho đó là một cuộc dàn cảnh do vợ các ông này đạo diễn cho khỏi mang tiếng là chiêu hồi; xấu mặt chút đỉnh.
Nhưng vẫn chưa hết, một cuộc khui hầm khác được diễn ra không kém phần ngoạn mục. Đó là cuộc khui hầm ở rừng Đồng Lớn, Mỹ bắt được trên mười ông lớn bà bé của hậu cần R. Tuy đó là những màn bi kịch không lạc quan chút nào (Liên Xô có một vở kịch dở ẹc tên là "Bi kịch lạc quan " mà bọn văn nghệ liếm Hà Nội khen hết mức, coi như đây là mẫu mực sân khấu).
Ban ngày không yên, ban đêm cũng chằng được ổn. Đơn vị hành quân thường được Dakota bắn pháo sáng soi đường, hoặc trực thăng xẹt đèn "ló" sáng trưng, con kiến bò trên mặt đất cũng trông thấy. Đã vậy người ngủ trong hầm cũng đâu có chợp mắt được. Máy bay phát loa kêu gọi dân chúng còn cố bám ở lại các vùng Cỏ Ống, Sa Nhỏ, Đồng Lớn, Lộc Hưng ra ấp chiến lược để tránh bom đạn.
Lính Trung Hòa càng lộng hơn. Chúng kéo cả pháo 105 ra khỏi bót, qua Ba Sòng. Sa Nhỏ tập tễnh theo chân ăn cổ bọn "Tia Chớp Nhiệt Đới". Bây giờ Củ Chi là một cánh đồng trống láng te, thỉnh thoảng có vài khóm cây lưa thưa không đủ xây căn cứ.
Một hôm tôi gặp Mười Thứ ở bên Đồng Lớn. Tôi mừng rỡ bắt tay y:
- Sao, ông ra chủ lực thấy phấn khởi chứ?
- Phấn cái mẹ gì! Sư nhà nó, giao cho tôi toàn công tác quái gỡ.
- Công tác gì thế anh Mười?
- Mình phục kích ở Xóm Suối chưa đánh đã bị nó phát hiện (nó trước khác nó sau), nó pháo bay một đại đội. Hiện giờ mỗi C chỉ còn năm mươi tay súng. Bố thằng tham mưu trưởng nào cũng không đánh được.
Tôi giật mình, E268 là chủ lực của khu, trước khi xuất phát lớn lại bị tiêu hao như vậy thì làm sao? Tôi đành tìm cách an ủi anh Mười sắp nhỏ:
- Không sao đâu. Có người về R cho tôi biết cán bộ ta ngoài Bấc vô đông lắm. Mấy trăm cấp úy, trên trăm cấp tá. Có cả tướng, mà tướng lớn nữa đó anh Mười, chớ không phải tướng trung đâu!
- Ông nào lớn hơn ông...
- Ông nào?
- À, tớ chỉ nói thế thôi.
- Này, ở đại hội mừng công nă m 64 tô í có hân hạn h được bắt tay anh...
Mười Thứ không nói gì, vội vã phang ngang:
- Cao lắm là ông Mười Khang chớ gì!
- Mười Khang nào? -Tôi hỏi.
Mười Thứ rỉ tai tôi, rồi bảo.
- Vào thay ông kia đấy.
- Ổng về Bắc công tác nông thôn tiếp... Ổng giỏi về hợp tác xã mà!
Mười Thứ lại rỉ tai tôi:
- Đừng có nói với ai hết nhá.
Tôi gật đầu, làm bộ ngạc nhiên không biết gì về vụ Sáu Di chết ở Long Nguyên.
Cán bộ ngoài Bắc mới vô, lạ nước lạ cái kiểu như Mười Thứ, đến đất Củ Chi, lại phụ trách công tác phức tạp là quận đội, phần lớn không làm được việc gì. Họ đâm ra bất mãn hoặc chê dân Nam Kỳ vô kỷ luật. không chỉ huy được. Một số xin thôi công tác, một số chết lãng nhách trước sự mỉa mai của đồng bào "sinh Bắc Tử Nam".
Chết cho Nam Kỳ, nhưng chết như thế nào cho đáng cái chết. Chỉ một số ít thích nghi được với chiến trường, chịu khổ, chịu nguy nhưng rồi cũng lớ ngớ nên cũng bị bắt, bị khui hầm hoặc chết mà không ai báo cáo về trên.
Thử tưởng tượng một em bé 16, 17 tuổi đang học cấp hai ở miền Bắc, bỗng nhiên bị lùa vào Trường Sơn đi giải phóng miền Nam. Chúng có biết gì là bom pháo, sốt rét, nên chết thảm thương. Khi gần xảy ra Mậu Thân, những đơn vị thiếu niên này bị đưa vào Trường Sơn, không có súng. Chỉ tay không, hộc tốc đi đêm đi ngày, vô cho kịp Tết. Nhiều đơn vị vô tới trường tân binh của Lê Xuân Chuyên (em nuôi Trần Độ, hồi chánh Mậu Thân. Năm 1975 Việt Cộng vô Sài Gòn bắt đem ra Hà Nội xử bắn, gởi trả ba lô về cho vợ ở Hàng Xanh). Vô tới đây chỉ học động tác cơ bản vài tuần rồi bổ sung cho các đơn vị, phần lớn là đến Củ Chi, lò nướng BBQ vĩ đại nhất của Bác Hồ.
Nhiều cậu cầm súng không nổi vì ốm yếu, bệnh hoạn nhưng vẫn phải đi. Tôi đã xin được hai trăm "tay súng" kiểu này để trấn thủ Củ Chi trong tết Mậu Thân.
Ông Mười Thứ tâm sự với tôi:
- Quân đội ở đây là thứ không nghe lệnh cấp trên, coi cấp trên như thảo giái!. Mình vừa ra lệnh vừa lạy mà chúng vẫn không thi hành. Chỉ huy một anh du kích còn khó hơn chỉ huy một đại đội chính quy. Tôi xin chịu! ông đến lãnh chức quận trưởng thay tôi bằng cho tôi cục vàng.
Lôi tôi còn biết khuyên dứt làm sao được..
Hôm tôi tổ chức tiệc tiễn anh Mười rời cơ quan. Tôi nói cho anh em cơ quan đỡ buồn:
- Ở trên vừa thành lập trung đoàn, đồng chí Mười Thứ được đưa ra làm tham mưu trướng trung đoàn. Chúng ta sẽ sát cánh chiến đấu với trung đoàn mới này và luôn luôn coi đồng chí Mười Thứ là cố vấn của quận đội ta.
Sự thực Mười Thứ ra trung đoàn 168 vừa thành lập, quân số chừng chục rưỡi anh lính vịt xiêm như độc giả thấy ở chương trước. Rồi cái trung đoàn này tan biến đâu mất không nghe đánh đếm ở đâu.
Còn Mười Thứ kể từ đó tôi cũng không gặp lại nữa.
2000 Ngày Đêm Trấn Thủ Củ Chi 2000 Ngày Đêm Trấn Thủ Củ Chi - Dương Đình Lôi & Xuân Vũ 2000 Ngày Đêm Trấn Thủ Củ Chi