Thất bại đến với ta không phải làm ta buồn mà giúp ta thêm tỉnh táo, không làm ta hối tiếc mà khiến ta trở nên sáng suốt.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 104
Cập nhật: 2021-09-12 20:51:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Ba Người Điên - Chu Đông Bồi
êm tháng ba, trời cuối xuân, bản làng im ắng.
Tôi nằm một mình trong căn nhà khách nhỏ của đại đội Bình Trại dưới gốc Tam Tinh hẻo lánh, lắng nghe tiếng xa quay êm êm của các cô gái bản, hòa với tiếng hát "lượn" du dương như tiếng chim dạ oanh, trằn trọc mãi chưa ngủ được. Chợt từng hồi dài tiếng chiêng và tiếng rao nhắc nhở "phòng hỏa" kéo giật tôi ra khỏi cơn mơ màng:
— Phèng phèng! Phèng! Chú ý phòng hóa vớ-ơ! Đừng ai quên vớ-ơ! Phèng.
Bản làng dân tộc Đồng, nhà sàn ở xúm xít, từ xưa vẫn có lệ khua chiêng rao nhắc dân bản phòng hỏa. Tiếng chiêng và tiếng rao ấy, tôi nghe đã nhiều, nhưng không hiểu sao đêm nay nghe lại thấy lòng trĩu nặng. Đặc biệt là cái tiếng "vớ-ơ" kéo dài, xé rách trời đêm yên tĩnh, như thổi vào bản làng êm đềm của người Đông một luồng khí thê lương rờn rợn. Tôi đang suy nghĩ mung lung thì tiếng "Đừng ai quên vớ-ơ!" đã đến gần, lướt qua dưới mái nhà sàn, bất giác nhớ lại tấn "trò" rôm rả mà tôi được chứng kiến ban chiều.
Chiều nay, tôi vừa xuống xe, đi vào nhà khách, ghi tên nơi bà chủ nhiệm, nhận một căn phòng nhỏ đầu nhà trông ra đuờng. Bỗng một đám ồn ào huyên náo nổi lên cuốn hút tôi. Qua cửa sổ nhìn xuống, chỉ thấy một lũ trẻ choai choai đang vây lấy một ông già mà reo cười ầm ĩ. Ông già ngồi xổm dưới đất, trước mặt trải một tấm bao tải vừa bẩn vừa nát, trên bày ngay ngắn mấy chục viên sỏi vàng khè to bằng ngón tay cái. Lũ trẻ nhao nhao tranh nhau hỏi:
— Vàng của bác bán thế nào đây? Ngân hàng đã cho giá chưa?
— Yên nào! Yên nào! Chờ có giá đã, lão bán được tiền sẽ mua kẹo cho chúng mày ăn. Mua kẹo ăn! Mua kẹo ăn!
Ông già cười hềnh hệch, đôi mắt đờ đẫn, không rõ nhìn vào cái gì.
Rõ ràng là một ông lão điên. Ông trạc ngoài năm mươi, vóc nguời cao lêu đêu, mặt lưỡi cày đầy cáu bẩn nhưng mái tóc lại rẽ ngôi, trên mình mặc một chiếc áo bông đen loại áo cứu tế, cài lệch khuy, vạt cao vạt thấp, dưới là chiếc quần ta thấp đũng, rộng thùng thình, cáu bẩn như sơn dầu, đúng dáng vẻ một gã nghiện thuốc phiện. Tôi thấy ông già như quen quen ở đâu mà thoạt đầu không nghĩ ra. Mãi hồi lâu, sực nhớ đúng là ông chủ lầu treo chân tôi đã đọc ở truyện dài "Trấn Phù dung".
Lũ trẻ trêu chọc nhộn nhạo hồi lâu, rồi thình lình mấy đứa tinh quái bốc luôn một nắm vàng của ông ta, co cẳng chạy biến. Ông ta nhổm dậy đuổi theo. Chợt thấy lũ trẻ xúm quanh đó bỗng kêu lên: "Kia rồi! Kia rồi!" Ông lão sững người lại rồi vội vàng quỳ xuống đất, phủ phục khấu đầu, không dám đứng lên nữa.
Tôi ngớ người ra trước cử chỉ buồn cười đó. Đến lúc tôi định thần lại thì thấy một thanh niên cao to vạm vỡ từ bên kia phố đi tới. Anh ta ăn mặc rất chững chạc: trên đầu quấn một chiếc khăn cao cao kiểu người dân tộc Đông, chiếc sơ mi trắng bỏ vào trong chiếc quần gabadin xanh, ngoài khoác một chiếc áo quàng chéo vạt kiểu dân tộc Đông. Trên gương mặt hồng hào, dưới hàng lông mày rậm, đôi mắt to long lanh. Mồm ngậm một cọng cỏ gì đó, tay cầm một chiếc roi tre chăn bò rất nhiều cành gai, anh ta tủm tỉm cười liếc nhìn mọi người. Lũ trẻ lập tức dạt ra nhường lối. Anh ta bước thẳng về phía ông già. Ông già khấu đầu lia lịa, như người giã tỏi, mắt không dám nhìn thẳng vào anh thanh niên, mồm lắp bắp:
— Tôi xin nhận tội, tôi xin... xin nhận... nhận tội với cậu!
Anh này thì cứ như người diễn kịch, chân co chân duỗi theo tư thế cưỡi ngựa, tay giơ chiếc roi tre lên cao quá đầu, hát một câu không ra Kinh kịch cũng không ra Quế kịch:
— Nga thủ chấp cương tiên tương nhĩ á-a đả-ả...
Chính là câu trong AQ chính truyện. Xem ra anh ta là nguời đã có đọc tác phẩm Lỗ Tấn cơ đấy. Đoạn, anh ta quay ngoắt người rồi quật thẳng roi tre gai xuống đầu ông lão hóa rồ kia. Ông lão chịu không nổi đòn roi, vớ lấy cái bao tải cắm đầu chạy.
Anh thanh niên kia như một vị tướng quân đắc thắng, lại vung roi quất ngựa đuổi theo, không nhanh, không chậm, vừa đuổi vừa hát: "Nga thu chấp cương tiên..."
Lũ trẻ cũng ùa theo.
Giữa lúc đó, ông cụ đánh chiêng không biết từ đâu chạy tới. Ông cụ này cũng vừa đuổi vừa gõ chiêng: "Phèng! Phèng! Đừng ai quên vớ-ơ...".
Tôi từ trên gác chạy xuống, muốn biết sự thế cuối cùng ra sao. Vừa xuống đến cổng thì mọi người đã rẽ vào một lối ngoặt phía xa rồi, nên đành thôi. Tôi quay lại nhà khách, bây giờ mới phát hiện ra bà chủ nhiệm nhà khách đeo cặp kính lão, đang ngồi khâu vá. Bà chép miệng thở dài: "Rõ tội nghiệp! Tội nghiệp quá!".
Như đoán đuợc nỗi tâm tư của tôi, bà bèn chủ động kể cho tôi nghe lai lịch đầu đuôi tấn trò nhộn nhạo vừa rồi.
Thì ra, cái tấn trò như hôm nay, diễn ra nhiều rồi. Ông già điên kia là lão Lam La, còn anh thanh niên là A Hưng, cả hai người đều bị gieo mầm oan gốc họa từ mười lăm năm về trước. Lão Lam La, người cao to khỏe mạnh, nhưng khờ khạo, ngờ nghệch, khác nào một con chó của người đi săn rừng, ném hòn đá vào lùm cây nào là lao đầu ngay vào lùm cây ấy mà sửa mà sục. Nhưng lại siêng ăn nhác làm, vợ cũng không lấy nổi, chỉ cứ mồm miệng đỡ chân tay, phong trào nào cũng tích cực đi đầu, hô khẩu hiệu suông để kiếm ăn. Hồi bốn diệt, chỉnh đốn hội bần nông, bố đẻ A Hưng có phê bình lão mấy câu. Hồi đó, lão Lam La dựa vào cách mạng văn hoá, kéo bè kéo cánh, ngoi lên thành một ông chóp bu cỏn con, oai vệ ra trò. Hôm ấy, công xã họp đại hội, đánh phủ đầu bọn hung thần ác ôn. Ông bố A Hưng vốn là cán bộ công xã, chỉ vì đứng nhầm bên, trở thành một hung thần ác ôn, kết quả là bị lão Lam La thượng cẳng chân hạ cẳng tay đấm đá đến chết. Thế là hai nhà kết mối oán thù từ đó.
Về sau, lão Lam La lên huyện làm cán bộ, mẹ A Hưng lên huyện kiệnmấy lần, nhưng kiện không được. Vô phương hết phép, hàng năm cứ đến tết Thanh Minh, bà ta lại dắt A Hưng đi tảo mộ cho bố, rồi ngồi ôm lấy ngôi mộ vừa khóc vừa kể lể:
— Con ơi là con ơi! Thằng Lăm Le kia nó đánh chết bố con đấy! Con phải nhớ lấy, con lớn mau lên mà trả thù cho bố, bố con mới nhắm được mắt, con ơi là con ơi!
Bây giờ A Hưng mới lên bảy tám tuổi gì đó.
Sự đời vẫn quay tròn như cái guồng nước ngoài suối kia. Ông trời có mắt. Năm kia đây, lão Lam La ăn hết bao nhiêu tiền công quỹ, lại còn sờ soạng con gái nhà người ta, bị đuổi cổ về nhà, thật là ác giả ác báo. A Hưng đã hai mươi tuổi, to khỏe như con trâu mộng. Một hôm, gặp lão Lam La giữa đồi, bèn dí tay vào mũi hắn mà quát:
— Thằng Lăm Le kia, mày có nhận ra tao không?
Lão Lam La trông thấy A Hưng thì như bị ma hút hồn, quay đầu bỏ chạy. A Hưng đuổi theo túm được đánh suốt dọc hai phố. Nếu không có người trong bản ra can thì lão đã bị A Hưng dìm chết dưới ruộng kia rồi.
Chẳng bao lâu, lão Lam La phát điên. A Hưng đánh người phạm pháp bị bắt giam, lúc ra tù cũng bị điên nốt.
Ba năm rồi! Cứ mỗi mùa cây thay lá, cả hai đều phát cơn điên. Lão Lam La lên cơn điên thì lên đồi bày vàng ra bán. Người ta bảo, cả đời y siêng ăn nhác làm, quen ăn bẩn ăn thỉu những của không ngon nên đến cả trong cơn điên cũng chỉ ao ước phát tài. Còn A Hưng thì có điên nhưng vẫn cắm đầu cắm cổ hùng hục làm ăn không đánh bẫy ai bao giờ, nhưng cứ hễ trông thấy lão Lam La là xông vào đánh, cứ y như là gà trống trông thấy rết vậy. Cái chứng điên kể cũng lạ.
Nghe đến đây, tôi không kìm được, hỏi chen vào:
— Vậy chứ cụ đánh chiêng kia cũng điên sao?
— Chú hỏi cụ Tốn ấy à? Ông cụ ấy thì không điên chút nào. Cụ là người ở bên Quý Châu, hồi sắp giải phóng sang bên này gác lầu trống, rao nhắc dân bản phòng hỏa. Ông cụ trơ trọi một thân một mình, vô lo vô lự, thật vui tính. Việc gì ở đâu, cụ cũng để mắt tới, làng bản có chuyện gì cụ cũng chen vào. Chú bảo có buồn cười không cơ chứ. Cứ mỗi bận hai người điên kia ẩu đả, ông cụ lại theo sau khua chiêng ầm ĩ lên. Ngày trước ông cụ là bạn thân của bố A Hưng. Cái năm A Hưng suýt dìm chết lão Lam La ngoài ruộng, lại cũng chính cụ Tốn cứu sống đấy chứ.
Phèng! Phèng! Phèng! Cụ Tốn đã khua chiêng quay về, đầu trần, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Cụ đi qua trước cửa nhà khách, miệng cười hể hả, phơi cả hai hàm đã rụng hết răng cửa. Tôi lên tiếng chào cụ:
— Cụ Tốn ơi, ban nãy cụ hô "Đừng ai quên vớ-ơ"! là nghĩa thế nào ạ?
— Nghĩa thế nào ư? Nghĩa là phải chú ý phòng hỏa, chớ có ai quên!
— Sao mới giữa buổi chiều mà cụ đã rào nhắc phòng hỏa sớm thế?
— À, lão rao là rào nhắc phòng cái "cón hỏa" cách mạng văn hóa cơ, phải luôn luôn cảnh giác đề phòng, đừng ai quên vớ!
Ra thế! Nhớ lại tấn trò vừa được xem ban nãy tôi chợt tỉnh ngộ. Ông cụ ngụ ý sâu xa thật. Cao!
Tối hôm đó, trong tiếng rao rờn rợn "Đừng ai quên vớ-ơ", tôi trằn trọc mãi rồi mới thiếp đi, và dường như còn phải trải qua mấy cơn ác mộng, cho mãi tới trời sáng, lại thức giấc trong tiếng rao nhắc "Đừng ai, quên vớ-ơ!", lòng thảng thốt không yên.
Quảng Tây văn học số 11, 1983
PHAN VĂN CÁC dịch
100 Truyện Ngắn Hay Trung Quốc 100 Truyện Ngắn Hay Trung Quốc - Nhiều Tác Giả 100 Truyện Ngắn Hay Trung Quốc