Số lần đọc/download: 9345 / 192
Cập nhật: 2022-05-11 07:50:07 +0700
Cùng đường tất biến
S
au khi tiễn Quế tích Lương và Hạnh Dung, Khấu Trọng cưỡi Thiên Lý Mộng chạy ra ngoài thành đổi gió. Vô Danh bay lượn trên cao bám theo. Bất kể gã bận rộn thế nào nhưng vẫn luôn dành thời gian cho Thiên Lý Mộng thư giãn gân cốt và cho Vô Danh đùa nghịch thoả thích.
Đó chính là lời căn dặn của Đột Lợi. giữa người và động vật cần có thời gian vun bồi tình cảm, xây dựng quan hệ mật thiết.
Vô Danh từ trên cạo hạ xuống. Khấu Trọng phát ra tiếng của loài chim rồi giơ ngang tay trái ra để cho nó đậu vào. Khi móng Vô Danh bám vào cánh tay, cảm giác thân thuộc nảy sinh trong lòng gã. Tấm thân huyết nhục của Khấu Trọng, ái mã đang cưỡi và chim ưng như hòa thành một thể.
Có thể có một ngày gã sẽ bại trận rút chạy, các huynh đệ bên mình từng người từng người dần ngã xuống, địch nhân đầy rừng chật núi đuổi theo phía sau, trong lúc kiệt lực chỉ còn ái mã và chim ưng theo bên mình. Vào lúc đã mất hết tất cả đó, gã có nên tự tận như Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ hay không?
Khấu Trọng gượng nở một nụ cười chua xót.
Lúc Quế Tích Lương và Hạnh Dung phân trần lợi hại và cự tuyệt giúp Khấu Trọng đoạt lấy Giang Đô, lần đầu tiên gã có cảm giác chán nản hãm thân vào tuyệt cảnh. Nhưng gã không hề trách họ không đủ tình bằng hữu vì gã cũng cảm nhận được chỗ khó khăn của hai người. Bọn họ hiện nay thân phận bất đồng, kiếm cơm cho mấy ngàn huynh đệ dưới sự lãnh đạo của họ, không thể chỉ vì một mệnh lệnh của gã mà đưa toàn thể huynh đệ đi vào tình thế nguy hiểm đến mức có thể toàn quân bị tiêu diệt như thế.
Những phân tích của họ xuất phát từ tình hình thực tế. Dù Khấu Trọng có thể tiến đánh Giang Đô, nhưng với sự chuẩn bị sung túc kỹ càng của Lý Tử Thông thì dù gã có thể đắc ý nhất thời nhưng khó có thể giữ được lâu dài. Thậm chí nếu xuất hiện kỳ tích, gã đuổi được Lý Tử Thông đi, nhưng những thành trì khác của Lý quân nhân lúc trận cước gã chưa ổn định mà phản công toàn diện thì gã tuyệt không thể giữ được Giang Đô, cuối cùng khó mà thoát khỏi mệnh vận bị tiêu diệt. Gã sao có thể nhẫn tâm để những thủ hạ tin cậy của gã cứ khơi khơi đi mà chịu chết như thế.
Nhớ lại cuộc chiến tranh đường phố sau khi Đậu Kiến Đức phá thành Lê Dương, Khấu Trọng cảm thấy trong lòng ớn lạnh. Lúc đó, quân Đậu Kiến Đức có ưu thế về binh lực gấp hơn mười lần địch nhân, chủ tướng của địch đã dẫn quân bỏ chạy rồi, lính phòng thủ thành còn lại thì đã nhiều ngày đêm liên tục khổ chiến đã mệt mỏi kiệt sức, sỹ khí thấp kém, nhưng bọn gã vẫn phải trả một giá rất đắt, giành giật từng phân từng tấc trong thành, chịu đựng thương vong nặng nề cho chiến thắng cuối cùng.
Giang Đô lại kiên cố hơn nhiều so với Lê Dương nên dù gã huy động hết Thiếu Soái quân ở Bành Lương đánh được vào trong thành thì vẫn không thể đánh chiếm được cung Giang Đô, vốn quy mô có thể so sánh được với hoàng cung trong Trường An. Năm đó, nếu không phải lung lạc được Lý Kê làm phản thì Dương Quảng không thể bị đánh bại dễ dàng như thế được.
Đại bộ phận Thiếu Soái quân của gã đều là những tân binh chưa từng đánh trận. Bất kể huấn luyện tinh thục đến thế nào, trung thành đối với gã thế nào đi nữa, nhưng khi vừa mới ra chiến trường lại gặp phải một cuộc chiến tranh thảm liệt giành từng con phố thì làm sao họ chịu đựng nổi.
Trong đầu Khấu Trọng hiện rõ tình cảnh: gã và thủ hạ leo lên tường thành, đột phá được một đường máu, đánh giết tiến vào trong thành. Quân phòng thủ thành nghỉ ngơi chờ đợi đã lâu từ bốn phương tám hướng tràn tới đánh giết, tên bắn như mưa từ tường thành, tiễn lâu và những nơi cao trong thành xuống làm bắn toé ra từng cơn máu thịt. Tiếp đó là tinh binh từ trong hoàng cung không ngừng tăng viện tới, quân địch từ các doanh trại bên ngoài thành ùa vào như gió bão.
Khấu Trọng không khỏi nổi da gà, phát sinh cảm giác sợ hãi không lạnh mà run.
Khi thành Lạc Dương bị phá, Lý Thế Dân xuất quân đông tiến, Lý Tử Thông sẽ cắt đứt đường thuỷ đường bộ để gã không thể rút về phương nam được nữa. Bành Lương không có địa thế hiểm yếu để phòng thủ thì có thể giữ được bao nhiêu ngày?
Gã có nên tiếp nhận khuyến cáo của Quế Tích Lương và Hạnh Dung, nhân lúc vẫn còn có thể bỏ chạy này mà rút về Lĩnh Nam không?
Nhưng nếu làm thế thì Thiếu Soái quân của gã sẽ xong. Trừ hai ngàn thủ hạ của Tuyên Vĩnh, bang chúng Cự Kình Bang của Bốc Thiên Chí và vài trăm huynh đệ Song Long bang thì những người khác đều là người sinh sống lâu đời ở một dải Bành Lương. Họ làm sao có thể bỏ lại người nhà ở đây mà theo gã đến nơi sơn cùng thuỷ tận phương nam?
Tống Khuyết sẽ nhìn gã như thế nào? Có vì gã chưa đánh đã chạy mà không ủng hộ gã nữa không?
Phải không đi được, trái cũng không đi được, phải trái đều khó khăn, mùi vị tiến thoái đều không có đường làm gã khổ não khó chịu đến mức muốn khóc lớn một trận để tiết bớt nỗi oán phẫn trong lòng.
Những lời của hai người Quế, Hạnh làm hy vọng cuối cùng của Khấu Trọng tan thành mây khói.
o O o
Trịnh Thạch Như và Từ Tử Lăng ngồi xuống đối diện với nhau ở một đám loạn thạch trên một đỉnh núi ngoài Huệ Lăng.
Trịnh Thạch Như lên tiếng:
- Khoảng chừng một tháng trước, Tống Trí đến Ba Thục gặp Giải Huy của Độc Tôn Bảo, mang theo một phong thư của Tống Khuyết. Trong thư lời lẽ rất khách khí, Tống Khuyết biểu thị rõ vì để duy trì chính thống của người Hán, quyết ý toàn lực ủng hộ giúp đỡ Khấu Trọng thống nhất thiên hạ, hy vọng các đại phái hệ ở Ba Thục mà Giải Huy đứng đầu giữ lập trường trung lập, đợi sau khi lão và Khấu Trọng phân thắng bại với quần hùng Bắc phương xong mới quyết định đường hướng hành động. Trong thư không hề có nửa lời ra vẻ uy hiếp, nhưng đã làm rung chuyển toàn bộ võ lâm Ba Thục. Trung thu năm nay ngươi không thể thưởng thức được nữa rồi. Tình hình ảm đạm thê lương đó chắc chắn sẽ làm người ta chua xót trong lòng.
Từ Tử Lăng bắt đầu hiểu hơn về con người ngông cuồng kiêu ngạo trước mắt. Lòng nhiệt thành và sự quan tâm tới bình dân bá tính của y thì không phải bất cứ người nào toàn nói chuyện đạo đức, mở miệng ngậm miệng đều nói vì nước vì dân có thể so sánh được. Sự quan hoài của hắn thực sự xuất phát từ chân tâm.
Từ Tử Lăng nhíu mày hỏi:
- Giải Huy và Tống Khuyết luôn có quan hệ mật thiết, hắn có vì thế mà xoá bỏ hiệp nghị với Sư Phi Huyên, gây nên một trường sóng gió không?
Trịnh Thạch Như thở dài:
- Nếu sự tình đơn giản như thế thì tốt quá. Ba ngày sau khi nhận tin, Giải Huy liền tổ chức hội nghị cấp cao giữa Hán tộc và bốn dân tộc thiểu số của Ba Thục tại Độc Tôn Bảo gồm Hầu Vương Phụng Chấn của Khương tộc, Mỹ Cơ Ty Na của Dao tộc, Ưng Vương Giác La Phong của Miêu tộc và Lang Vương Xuyên Mưu Tầm của Di tộc, cho các tộc chủ tự xem thư tay của Tống Khuyết. Do việc này quan hệ trọng đại nên bốn vị tộc chủ đều không dám quyết định ngay mà phải quay về thương lượng với các trưởng lão trong tộc. Nhưng trong hội nghị, Giải Huy đã nêu rõ phong thư đó của Tống Khuyết đến quá muộn, hắn lại không đánh giá cao Khấu Trọng nên làm dấy lên một phiên tranh luận trong hội nghị, cuối cùng hội nghị giải tán không được vui vẻ.
Từ Tử Lăng nghe xong cảm thấy bất ngờ, suy nghĩ một lúc mới hỏi:
- Giờ Tống Trí vẫn ở Thành Đô chứ?
Trịnh Thạch Như đáp”
- Tống Trí lưu lại Thành Đô hai ngày rồi ra đi. Giải Huy triệu tập hội nghị sau khi Tống Trí đã đi rồi.
Từ Tử Lăng không hiểu hỏi:
- Tống Khuyết tuyệt không đòi hỏi Giải Huy phải đứng về bên phía lão mà chỉ đề nghị hắn giữ thái độ trung lập. Con trai Giải Huy là Giải Văn Long lại đang là con rể Tống Khuyết, tại sao Giải Huy lại là người đi ngược lại ý kiến của Tống Khuyết trong khi các dân tộc thiểu số lại nghe theo lời Tống Khuyết?
Trịnh Thạch Như giải thích:
- Còn không phải vì hắn có lòng riêng ư. Trước sau, Lý Uyên từng ba lần phái sứ giả tới mật đàm với Giải Huy. Nội dung thế nào đương nhiên người ngoài không biết, nhưng có thể tưởng tượng là Lý Uyên hứa hẹn quan cao lộc hậu vì mỗi lần sứ giả trở về thì Độc Tôn Bảo đều mở tiệc chúc mừng.
Từ Tử Lăng nói:
- Bọn ta rất khó trách Giải Huy. Trên giang hồ, lời hứa đáng giá ngàn vàng. Hắn đã đáp ứng sau khi thành Lạc Dương bị phá sẽ quy hàng nhà Đường thì đương nhiên là hắn không thể xoá bỏ hiệp nghị đó chỉ vì một phong thư của Tống Khuyết được.
Trịnh Thạch Như gằn giọng:
- Vấn đề là hiện giờ tuyệt không như hiệp nghị giang hồ bình thường mà liên quan tới sự tồn vong của Ba Thục. Ngươi không thể biết Tống Khuyết có ảnh hưởng lớn thế nào đối với Ba Thục đâu. Tống gia khống chế hết nguồn muối cung cấp cho Ba Thục, hơn nửa mậu dịch của Ba Thục nằm trong tay lão. Thuỷ sư thuyền đội của Tống gia lại xưng bá Nam Hải và Trường Giang, bất cứ lúc nào cũng có thể theo đường thuỷ đánh tới. Đó vẫn chưa phải là vấn đề, mà vấn đề là ở chỗ sức uy hiếp của Tống Khuyết. Ai không biết lão là Thiên hạ đệ nhất đao, lại là đại gia quân sự, địa lý có hùng tài đại lược? Nếu nghịch ý của một người như thế, hậu quả thật không thể tưởng tượng nổi.
Từ Tử Lăng hỏi:
- Trịnh huynh có nhận định như thế về Tống Khuyết thì không có gì kỳ lạ, nhưng tộc chủ bốn tộc tại sao lại cố kỵ Tống Khuyết đến thế?
Trịnh Thạch Như đáp:
- Phải nói là tôn kính mới đúng. Trong lòng họ, Tống Khuyết là người Hán đối đãi với người dân tộc thiểu số tốt nhất, trong giao dịch làm ăn chưa từng lừa gạt họ chút nào, các dân tộc yếu ớt của một dải Lĩnh Nam lại càng yêu mến ông ta. Nếu để người Hồi tộc ở Ba Thục lựa chọn một người mà họ yêu quý ủng hộ nhất để làm Vua cho cả một vùng đó thì tất Tống Khuyết sẽ dược chọn.
Từ Tử Lăng cười khổ:
- Đáng tiếc là người có quan hệ mật thiết nhất với Tống Khuyết như Giải Huy lại không nhìn nhận toàn bộ sự việc từ lập trường đó. Nhưng nói thật thì ta lại cảm thấy cách nhìn của Giải Huy là thông minh và chính xác. Nếu hắn xoá bỏ hiệp nghị với Lý Uyên tất sẽ làm Lý Uyên tức giận. Trong khi đó trước mắt Lý phiệt đang chiếm hết ưu thế, Tống Khuyết có thể thống nhất phương Nam, hình thành cục diện giằng co vì hai bên cũng chỉ ngang ngửa nhau. Do nghĩ cho toàn thể gia tộc, Giải Huy không phải là không có nỗi khổ tâm khi phải phản đối Tống Khuyết.
Trịnh Thạch Như trầm giọng:
- Đừng trách ta nói thẳng, Tử Lăng đã phạm phải sai lầm giống như Giải Huy là đánh giá thấp Tống Khuyết rồi. Khi cần nhẫn nhịn, Tống Khuyết có thể nhẫn nhịn hơn bất kỳ ai. Vì vậy lão mới tránh được xung đột với Dương Kiên, nhiều năm nay nghỉ ngơi dưỡng sức, bồi dưỡng nhân tài ở mọi mặt. Với thực lực của Dương Kiên mà vẫn không dám mạo hiểm tiến quân vào Lĩnh Nam thì có thể thấy sự kính uý của hắn đối với Tống Khuyết.
Hắn ngừng một chút, ngửa mặt nhìn trời đêm rồi từ từ thốt:
- Giống như một con rồng thịnh nộ đã nằm im nhiều năm từ nơi ngủ bay lên cao, không ai có thể ngăn cản lão được. Không sai, dường như lão đã đánh mất một cơ hội tốt, để cho Lý phiệt lớn mạnh. Trong khi đó Thiếu Soái quân của Khấu Trọng ở vào thế không có chỗ hiểm trở có thể phòng thủ, lại chưa thuần thục. Nhưng ngươi còn rõ Khấu Trọng hơn ta. Tống Khuyết lại thêm vào Khấu Trọng thì ta khẳng định có thể xoay chuyển toàn bộ tình thế. Có một ngày, Giải Huy sẽ phải hối hận về quyết định hôm nay của hắn.
Từ Tử Lăng không khỏi nhớ tới Tống Ngọc Hoa. Nàng ta bị kẹt giữa hai bên, trái phải đều khó. Nàng là người con gái tốt, vừa thông minh lại có tài. Vì vậy nàng đã sớm dự kiến được tình hình hôm nay nên mới đến cầu mình không để cho Khấu Trọng gặp Tống Khuyết. Gã đã phụ lòng uỷ thác của nàng ta rồi. Ài!
Hai mắt loé lên tia sáng cuồng nhiệt, Trịnh Thạch Như nói:
- Không dám giấu Tử Lăng, Tống Khuyết là nhân vật mà ta sùng bái nhất trong những nhân vật lớn trong thiên hạ. Ta từng nghiên cứu thủ đoạn bình định Nam Cương và đánh lui ngoại tộc của Tống Khuyết, cũng đã quan sát thủ pháp làm ăn của ông ta. Lão nhân gia người thực sự văn võ toàn tài, tinh thông dùng kỳ binh khắc chế kỳ binh, quỷ thần khó đoán. Chưa đến lúc Tống Khuyết hành động thì không ai nhìn ra được tài trí bản lĩnh của ông ta. Hiện giờ xem ra lão nhân gia và Khấu Trọng tuy ở vào thế hạ phong, nhưng nói không chừng đây là tình thế do ông ta cố ý tạo ra, để người khác đánh giá thấp bản thân.
Không khỏi giật mình, Từ Tử Lăng thốt lên:
- Ta và Khấu Trọng dường như đã đánh giá thấp Tống Khuyết rồi.
Trịnh Thạch Như hít sâu một hơi đỡ lời:
- Ta tin tưởng sâu sắc rằng cách nhìn của mình đối với Tống Khuyết tuyệt không sai lầm. Sẽ có một ngày, những dự đoán của ta sẽ được chứng thực.
Từ Tử Lăng vẫn còn bán tín bán nghi, bởi vì bất kể Tống Khuyết có năng lực quỷ thần khó đoán thế nào, nhưng đánh trận không phải là hai người đối trận mà còn bị kiềm chế bởi những người khác và những điều kiện khách quan khác nữa.
Trịnh Thạch Như tiếp:
- Ngươi đoán xem ai cho ta biết hôm nay ngươi sẽ tới Thành Đô? Đảm bảo là ngươi đoán không ra.
Từ Tử Lăng thầm nghĩ chẳng lẽ là Thạch Thanh Tuyền. Nhưng nghĩ kỹ thì không có lý nào thế được vì nàng luôn không hỏi chuyện thế nhân, lại hoàn toàn không biết việc mình vào đất Thục, gã bèn lắc đầu:
- Trịnh huynh cho ta biết đi!
Trịnh Thạch Như cười nhẹ đáp:
- là Bàn Cổ An Long.
Từ Tử Lăng thất thanh kêu lên:
- Là lão sao?
Trịnh Thạch Như nói:
- Tối qua, An Long tìm gặp ta, nhờ ta thông báo cho ngươi biết Hương gia sẽ nhân cơ hội tốt khi ngươi đến Ba Thục gặp Thạch Thanh Tuyền, chúng sẽ dùng cách ám toán trong lúc ngươi không đề phòng. Bọn họ sẽ bất chấp thủ đoạn để đưa ngươi vào tử địa. Lão sai ta cảnh cáo ngươi.
Từ Tử Lăng thầm nghĩ việc này quả là ly kỳ. Trừ khi Thạch Chi Hiên ra lệnh cho An Long làm thế, nếu không thì An lão béo tuyệt không đối tốt với mình như vậy. Nhưng tại sao Thạch Chi Hiên lại phải làm thế? Sâu trong đáy lòng, Từ Tử Lăng nghĩ tới một câu trả lời, nhưng gã lại không muốn thừa nhận.
Trịnh Thạch Như trầm giọng:
- Ta có hỏi An Long tại sao lại quan tâm tới sự an toàn của ngươi như vậy, lão An béo cười khổ mà không nói gì, lại còn bảo ta không cần cho ngươi biết tin tức này đến từ nơi lão. Tại sao lão ta lại giúp ngươi nhỉ?
Từ Tử Lăng hoang mang lắc đầu không biết nói sao.
o O o
Khấu Trọng triệu các văn thần võ tướng đến, đốt đèn bàn việc.
Những người có mặt gồm Hư Hành Chi, Nhậm Mị Mị, Cao Chiếm Đạo, Trần Lão Mưu, Bạch Văn Nguyên, Tiêu Hoành Tiến, Tra Kiệt, Ngưu Phụng Nghĩa, Bốc Thiên Chí, Trần Trường Lâm, Lạc Kỳ Phi. Tất cả các lãnh tụ của Thiếu Soái quân đã tập trung trong đại đường của Thiếu Soái phủ. Đây là hội nghị đầu tiên được triệu tập, cử hành ngay trong đêm.
Khấu Trọng ngồi ở vị trí chủ toạ hướng ra ngoài cửa đại đường. Những người khác chia ra ngồi hai bên.
Khấu Trọng thần thái ung dung. Không ai nhận ra gã đã vừa khổ sở suy nghĩ chán nản.
Mọi người đương nhiên biết gã có chuyện trọng yếu cần bàn nên bình tĩnh chờ đợi gã lên tiếng.
Khấu Trọng đưa mắt nhìn qua một lượt mọi người có mặt, thản nhiên cười nói:
- Ta vừa mới nói chuyện với Quế bang chủ mới biết suy đoán của mình là đúng. Lý Tử Thông đem binh lực phân bố ở Duyên Lăng, Chung Ly và Cao Bưu. Duyên Lăng chỉ cách một con sông với Giang Đô, Chung Ly là chỗ hiểm yếu nơi các con sông giao nhau còn Cao Bưu nơi gần chúng ta nhất ở mặt Nam. Về mặt chiến lược phải nói lão vô cùng cao minh. Ta đồng ý với cách nhìn nhận của Quế bang chủ, nếu chúng ta tiến quân đánh Giang Đô thì việc bại trận là không thể nghi ngờ.
Chúng tướng ai nấy đều biến sắc.
Tuyên Vĩnh nói:
- Cứ theo như cách nhìn của Quế bang chủ thì liệu Lý Tử Thông có dụng binh đối với chúng ta không? Nếu hắn lệnh cho quân đội đóng ở Chung Ly và Cao Bưu chia làm hai đường ngược Bắc xâm phạm thì chúng ta sẽ phải ứng phó vô cùng vất vả đó.
Khấu Trọng nhún vai đáp:
- Đó chính là việc Quế bang chủ lo lắng. Nhưng ta dám khẳng định Lý Tử Thông không có đảm lượng đó. Nếu nói một cách chính xác thì là vì Lý Thế Dân không hề có lòng tin đối với Lý Tử Thông.
Nhậm Mị Mị không hiểu hỏi:
- Thiếu Soái có thể giải thích rõ ràng hơn không?
Khấu Trọng đáp:
- Dù Lý Tử Thông đã quy hàng nhà Đường hay nói cách khác Lý Thế Dân coi như là chủ nhân của hắn, nhưng họ Lý tuyệt không có hy vọng cao xa là Lý Tử Thông có thể tiêu diệt được ta, vì thế hắn sẽ lệnh cho Lý Tử Thông toàn lực kiềm chế ta, đồng thời đề phòng ta tấn công Giang Đô. Lý Tử Thông chia quân đóng ở bốn toà thành, nói không chừng là xuất phát từ ý tứ của Lý Thế Dân. Nếu không thì với tính cách khiếp nhược sợ chết của Lý Tử Thông, tại sao hắn không tập trung hết binh lực ở Giang Đô?
Hư Hành Chi đồng ý:
- Lời Thiếu Soái rất sâu sắc.
Bốc Thiên Chí lo ngại hỏi:
- Nếu chúng ta bị Lý Tử Thông kiềm chế đến mức không động đậy gì được thì một khi thành Lạc Dương bị phá, đại quân Lý Thế Dân áp sát, Lý Tử Thông lại tiến lên xâm phạm các thành ở biên cương phía nam. Khi đó chẳng phải chúng ta thụ địch hai mặt sao?
Trần Trường Lâm tiếp lời:
- Thuỷ sư của nhà Đường và hải thuyền đội của Lý Tử Thông có đủ năng lực cắt đứt giao thông đường thuỷ và phong toả các thành duyên hải của chúng ta.
Khấu Trọng cười nhẹ:
- Chúng ta đương nhiên là không thể ngồi chờ chết. Phương pháp giải quyết rất đơn giản là trước khi thành Lạc Dương bị phá thì chúng ta phải đánh đổ Lý Tử Thông trước. Đó gọi là chọn chỗ địch yếu mà xơi!
Mọi người nghe xong như lạc trong sương mù. Khấu Trọng vừa mới nói nếu đánh phá Giang Đô thì tất bại không sai. Giờ lại nói phải đánh đổ Lý Tử Thông, chẳng phải là trước sau mâu thuẫn sao?
Chỉ có Hư Hành Chi mỉm cười không nói, chứng tỏ y đã biết được bên trong hồ lô của Khấu Trọng đang bán thứ thuốc gì.
Khấu Trọng vui vẻ nói:
- Mời Hành Chi nói quan điểm của mình ra xem có phải là không hẹn mà hợp với ý ta không.
Hư Hành Chi cười hỏi:
- Phải chăng là dẫn dụ địch nhân tới tấn công, rồi thừa cơ tránh nặng tìm nhẹ, bỏ chỗ khó mà đánh chỗ dễ?
Khấu Trọng vỗ tay than:
- Người biết ta, chỉ có Hành Chi. Ai có thể cho ta biết làm sao để dẫn dụ tên ngu ngốc Lý Tử Thông đó tới đánh chúng ta?
Mọi người đều bị lời phân tích hùng hồn xuất phát từ lòng tin vững chắc của gã cảm nhiễm, sỹ khí lập tức dâng cao.
Tiêu Hoành Tiến không ngần ngại nói:
- Ta cho rằng tên Lý Tử Thông đó chí lớn nhưng lại kém tài, gan bé nhưng lại tham công. Nếu không phải hắn nhân lúc Vũ Văn Hoá Cập bỏ đi tạo ra khoảng trống mà tiến vào Giang Đô nhanh hơn Đỗ Phục Uy và Trầm Pháp Hưng thì Giang Đô làm sao đến lượt hắn chiếm được. Chỉ cần để họ Lý cảm thấy có cơ hội lập công lớn cho nhà Đường, thêm vào với việc lâu nay hắn vẫn cho rằng chúng ta chưa đủ lông đủ cánh thì tất có thể dụ hắn xuất binh tới đánh.
Trần Lão Mưu cười quái dị tiếp lời:
- Tên thỏ đế Lý Tử Thông đó lần này gặp nạn rồi. Tại sao chúng ta không giả vờ tấn công Giang Đô, ra vẻ đem hết binh lực Lương Đô ra tiền tuyến. Lý Tử Thông thấy có cơ hội có thể lợi dụng, khẳng định hắn sẽ ra lệnh cho quân ở Chung Ly theo đường thuỷ tập kích. Chúng ta có thể đánh dập đầu hắn.
Khấu Trọng vui vẻ nói:
- Lời Trần công trùng với một nửa tâm ý ta. Nhưng đừng quên tên thỏ đế đó gan rất bé. Khi hắn cho rằng chúng ta đánh phá Giang Đô thì hắn chỉ điều quân ở Chung Ly về Giang Đô bảo vệ hắn thôi, làm sao hắn dám ngược Bắc?
Nghe đến đây, không ai không biết gã đã nắm vững trong lòng bàn tay, đã có một kế hoạch hoàn chỉnh rồi.
Khấu Trọng tiếp:
- Cứ so sánh cái tâm của hắn. Một người bản thân nhỏ gan như thế, không đánh đã hàng nhà Đường thì sẽ phán đoán địch nhân thế nào?
Tra Kiệt không nhịn được hỏi:
- Hắn sẽ đoán thế nào?
Câu hỏi này có chút ngây thơ thật thà làm mọi người bật cười, không khí nhẹ nhàng hẳn đi.
Khấu Trọng thầm nghĩ phương pháp điều khiển thuộc hạ của mình thật không kém Lý Thế Dân bao nhiêu. Gã cười rộ đáp:
- Đương nhiên là cho rằng địch nhân cũng nhỏ gan như hắn! Hà hà.
Tiếng cười ầm ĩ khắp đại đường, bỗng chốc hoàn cảnh trước mặt là hổ, sau lưng là sói không còn đáng sợ nữa.
Khấu Trọng hai mắt lấp lánh, vươn vai thẳng lưng, nghiêm mặt nói:
- Lần này coi như là diễn tập hành quân. Chúng ta điều một vạn năm ngàn người trong tổng số hai vạn quân của Lương Đô đến Đông Hải, lại tập trung hết thuyền bè tới Đông Hải quận, chỉ lưu lại hai mươi tám chiếc Phi Luân thuyền làm vũ khí bí mật.
Hư Hành Chi vỗ đùi khen:
- Khi Lý Tử Thông tưởng rằng chúng ta trong lúc thế cùng lực kiệt, triệt thoái về Lĩnh Nam thì hắn vì ham lập đại công tất sẽ tới đánh chứ chẳng sai.
Nhâm Mị Mị nhíu mày nói:
- Nhưng nếu chúng ta tập trung quân ở Đông Hải thì cũng có thể theo đường biển tấn công Giang Đô mà.
Khấu Trọng trầm giọng:
- Vì thế mà thời điểm hành động của quân đội vô cùng quan trọng. Vào đúng lúc thành Hổ Lao bị phá chính là lúc chúng ta điều động quân đội. Ta dám bảo đảm là Lý Thế Dân đã sớm ra lệnh cho Lý Tử Thông cản trở chúng ta chạy về phương Nam. Do đó khi hắn hoài nghi, cho rằng Thiếu Soái quân của chúng ta có ý rút chạy thì tất sẽ tận hết năng lực ngăn cản. Về công về tư, Lý Tử Thông đều không muốn tha cho ta, Khấu Trọng ta sẽ lợi dụng suy nghĩ đó của hắn mà tiêu diệt hắn. Các vị trở về suy nghĩ cho kỹ xem làm thế nào để đùa giỡn một trận cho thật hay? Mục tiêu của chúng ta không phải là Giang Đô mà là Chung Ly. Lý Tử Thông nếu mất Chung Ly thì Cao Bưu thế cũng khó giữ. Vì thế, Chung Ly là nơi mà hắn tất phải giành bằng được. Đến khi đó, chúng ta sẽ làm hắn tiến thoái lưỡng nan, có sức mà không làm gì được.
Chúng tướng dạ vang.