Số lần đọc/download: 2752 / 55
Cập nhật: 2015-03-20 15:58:45 +0700
Hồi 349: Phong Thưởng
- P
hó doanh trưởng Kỵ sĩ doanh thứ mười tám của thành Khắc Lý Sa La, Lam Toản kỵ sĩ Ai Văn.
Hội trưởng Kỵ sĩ tổng công hội là Kiều Nạp cầm trong tay một danh sách. Lão dùng Ma pháp khuếch đại âm thanh khí cụ để tuyên bố từng cái tên trong danh sách, âm thanh vang dội truyền đi khắp mọi ngõ ngách, đồng thời cũng trao giải thưởng cho đúng người, không hề sai chạy.
Quần Anh hội được tổ chức tại quảng trường Mã Nặc của Đặc Nhĩ Ty. Nó là một quảng trường lớn nhất tại Tát La, thậm chí còn lớn nhất trên đại lục nữa. So với quảng trường Anh Hùng của Lam Nguyệt thì có phần lớn hơn nữa.
Thời khắc sáng chói của anh hùng lúc nào cũng cần có thật nhiều người chứng kiến, mà thành Đặc Nhĩ Ty được kế thừa truyền thống ưu tú, nên họ đã an bày mọi thứ rất chu đáo. Kể từ lúc Tát La lập quốc cho đến nay, sau khi trải qua hàng ngàn năm, quảng trường Mã Nặc đã được hơn trăm thế hệ tu bổ sửa sang, và biến nó thành một nơi có thể chứa được cả năm mươi vạn người.
Khác với những quảng trường có khoảng sân bằng phẳng, ở trung tâm quảng trường Mã Nặc có một cái đài cao được gọi là "Quần Anh đài", ở dưới là sáu bậc thềm, mỗi bậc đều có dốc thoai thoải xuống thấp, tạo thành một tòa kiến trúc rộng lớn giống hệt kim tự tháp vậy.
Do đó, những vị anh hùng khi đứng trên Quần Anh đài sẽ có thể từ trên cao nhìn xuống, và hưởng thụ hàng vạn ánh mắt ngưỡng mộ của rất nhiều người, khiến cho mình có cảm giác chí cao vô thượng, không sai chút nào.
Tuy rằng sự thiết kế của quảng trường Mã Nặc rất là hợp lý, có thể phát huy sự phối hợp giữa không gian và các góc độ tới mức cực điểm, nhưng chiều cao từ đỉnh đài cho tới bậc thấp nhất cũng có tới gần ngàn thước là ít.
Nếu nói quảng trường Mã Nặc đang ngự ở một đỉnh cao thì lại càng chính xác hơn.
Trên thực tế, quyết định địa điểm tổ chức Quần Anh hội và nghi thức ban thưởng lần đầu tiên ở quảng trường Mã Nặc là một quyết định rất sáng suốt, nhờ vậy mà những thế hệ sau mới có thể tiếp tục tu bổ thêm cho nó, và cho đến ngày nay, nó đã trở thành một kỳ tích ở trên lịch sử kiến trúc của đại lục, so với Vọng Hương tháp của Mễ Kỳ Tư chỉ có hơn chứ không kém.
Tâm tình của Ai Văn cực kỳ khích động. Gã từ trong dãy ghế khách mời đang ngồi ở bậc thứ ba liền đứng lên. Trong những tiếng cười nói chúc mừng của những người xung quanh, gã chậm rãi bước lên nấc thang "Long giai" do hơn mười loại bảo thạch trân quý khảm thành.
Nấc thang này được đặt tên theo con thần thú được dân chúng các hải quốc tôn thờ. Nó có một ý nghĩa rất đặc biệt - những ai may mắn có đủ tư cách bước lên "Long giai", vậy thì sau này sẽ giống như loài rồng tự do bay nhảy vậy, tiền đồ sáng sủa không gì sánh bằng.
Khi Ai Văn bước lên tới Quần Anh đài, bao nhiêu ánh đèn liền đổ dồn lên người gã. Ở những bậc thềm phía dưới Quần Anh đài đều có bố trí một cái Quang hệ kính tượng thật lớn và lơ lửng giữa không trung. Lúc này, ở trên những chiếc Quang hệ kính tượng đó đều hiện lên hình ảnh của Ai Văn.
Ai Văn bắt đầu hơi khẩn trương, gã nhìn biển người đông đúc ở bên dưới, có lẽ cũng hơn mười vạn người chứ chẳng chơi. Vì vậy mà trong đầu gã cũng có chút choáng váng.
Cho dù rằng vào hai tháng trước, Ai Văn đã đánh một trận mà thành danh. Với thân phận là Kỵ sĩ phó doanh trưởng, đối mặt với đại tướng tiên phong của quân địch có quan hàm cao hơn mình gấp nhiều lần, tức Dã Man nhân cuồng chiến sĩ có danh xưng là "Quái Tử Thủ" Mạnh Đặc Lý. Lúc bấy giờ gã rất trấn tĩnh và đã đâm chết đối phương bằng trường mâu của mình, nhờ vậy mà đã kích thích sĩ khí của doanh kỵ sĩ do gã thống lĩnh rất nhiều.
Thế nhưng vào lúc này đây, Ai Văn chợt phát hiện ra tay chân mình đang run lẩy bẩy, không, phải nói là toàn thân đang run lẩy bẩy mới phải. Gã hít sâu một hơi thì mới miễn cưỡng khiến cho mình tỉnh táo lại, nhưng những tiếng hoan hô vang dội như tiếng biển gầm ở bên dưới lại khiến gã không thể tự khống chế lần nữa.
Trước khi bước lên Quần Anh đài, ngươi sẽ vĩnh viễn không ngờ tới thời khắc đó sẽ khiến người ta khích động tới dường nào đâu.
Vinh dự này quả thật rất to tát. Chỉ cần được đứng trên đài thôi, là đã đủ thấy hạnh phúc lắm rồi, huống chi lại còn phần thưởng ở phía sau nữa.
Người có thể đứng đây để nhận thưởng, ngoài việc có thực lực ra, hiển nhiên còn phải có tinh thần lực rất mạnh nữa, bằng không thì rất có thể ngất xỉu mất rồi.
Phải biết rằng, hơn năm mươi vạn đôi mắt ở bên dưới đều đổ dồn lên người mình, lại thêm hầu như tất cả mọi người dân của hải quốc đều theo dõi mình qua kính tượng nữa.
Nếu như Quang hệ kính tượng có thể làm thống kê những ai đang xem chương trình nghi thức này, vậy bảo đảm nó sẽ phá kỷ lục một trăm phần trăm cho xem.
Hội trưởng Kỵ Sĩ tổng công hội Kiều Nạp kiêm luôn việc trao giải thưởng cho quý khách. Lão cất giọng hùng hồn tiếp tục đọc nội dung trong danh sách:
- Lam Toản kỵ sĩ Ai Văn được ban tặng Vô Úy huân chương cấp 3, và được thưởng một viên thạch Thánh Quang, đồng thời thăng lên chức Phó thống lĩnh Kỵ sĩ đoàn của Khắc Lý Sa La.
Ai Văn nghe vậy thì mừng rỡ như điên, thiếu chút nữa là ngất đi luôn. Chức vụ và quân hàm của gã được thăng lên ba cấp, điều này có thể nói là cực kỳ hiếm thấy ở Tát La.
Thì ra giới cao tầng của đế quốc đã thông qua trận đánh đó mà nhìn ra được mình đã khổ luyện võ công nhiều năm nhưng vẫn chưa có cơ hội để phát huy, mà quan trọng hơn chính là khí độ gặp nguy mà không kinh sợ. Đó mới là một trong những yếu tố cần thiết để trở thành thống lĩnh của một binh chủng.
Thạch Thánh Quang là tinh hạch của Quang Minh hệ ma thú Hải Phụ La rất hiếm thấy ở trên đại lục, rất khó có được. Nó chính là một bảo vật trân quý đối với kỵ sĩ. Nếu như khảm nó lên tấm thuẫn của mình, vậy thì thạch Thánh Quang sẽ có thể tự mình hấp thu Quanh Minh hệ nguyên tố ở trong không gian để giúp cho sức phòng ngự của kỵ sĩ mạnh hơn trước gấp đôi.
Lại thêm có Vô Úy huân chương cấp 3 nữa, chỉ cần người nào nhìn thấy tấm huân chương đại biểu cho dũng khí này thì nhất định sẽ tỏ lòng tôn kính và sùng bái cho coi. Nó chính là loại huân chương mang đến vinh dự đặc biệt rất cường liệt cho giới kỵ sĩ, và khiến cho họ cảm thấy rất tự hào.
Thế rồi Ai Văn quỳ một chân xuống đất và hành lễ rất trang trọng, sau đó liền hô lớn:
- Khắc Lý Sa La phó doanh trưởng Kỵ sĩ đoàn thứ mười tám, Lam Toản kỵ sĩ Ai Văn, xin nguyện cống hiến tất cả sức mình cho đế quốc, thậm chí là cả tính mạng! Đế quốc muôn năm!
Nhìn thấy chức nghiệp đoàn do mình chưởng quản đã sản sinh ra được nhân tài kiệt xuất, Kiều Nạp cảm thấy rất đắc ý. Lão vội nhắc nhở:
- Ai Văn, ngươi đừng quên một việc, từ giờ trở đi, ngươi đã là Khắc Lý Sa La phó thống lĩnh rồi đấy!
- Dạ! Dạ!
Ai Văn được nhắc nhở, vội luôn miệng đáp lại.
Sau khi nhận thưởng xong, trong lòng Ai Văn cảm thấy rất mãn nguyện. Lúc này gã xuống đài bằng một nấc thang khác được gọi là "Dự giai". Nhìn nét mặt của Ai Văn lúc này, người ta có thể thấy được quyết tâm vững vàng của gã; từ nay trở đi, dù có phải bị máu đổ đầu rơi vì quốc gia thì gã cũng sẽ không cau mày chút nào.
Mộ Dung Thiên biết rõ Quần Anh hội chỉ là một thủ đoạn nhằm để lung lạc nhân tài của đế quốc, nhưng hắn cũng phải thừa nhận rằng nó rất có tác dụng; hơn nữa tầm ảnh hưởng cũng cực kỳ ghê gớm. Ngoài việc tham gia hải liệp ra, đây cũng là một đường tắt khác để cho các dũng sĩ không được ai chú ý tới mà gặt hái thành công.
- Ma pháp sư cấp tam tinh thuộc đoàn thứ sáu của thành Pháp Mật Mật Bỉ là Nam Hy, được trao tặng Trí Tuệ huân chương cấp 3 và được thưởng một chiếc vòng Hạnh Vận.....
- Liệt Phong liệp nhân Bỉ Đáp Phúc Phỉ Nhĩ thuộc quân đoàn tiên phong của thành Biệt Tư Lâm, được trao tặng Dũng Giả huân chương cấp 2, đồng thời có được tư cách ứng tuyển chức vụ phó thành thủ của Biệt Tư Lâm....
- Hồng bào tế ty Y Cách Nạp Đề của thành La La Lộ được ban tặng Thần Thánh huân chương cấp 3 và Chấn Nhiếp huân chương cấp 2, đồng thời được xưng là thánh giả....
- Thần quan Lý Sự và thần quan Khảm Đế Ty của thành Các Phủ Lợi Quả được ban tặng Chúc Phúc huân chương cấp 2.....
- .....
Sau đó, từng tướng sĩ được mời liền lần lượt bước lên đài. Tuy rằng mỗi người chỉ dừng lại trên đài chừng một hai phút, nhưng cứ nhìn vào thần tình khích động của họ thì cũng biết thời khắc ngắn ngủi đó sẽ để lại dư vị đến suốt quãng đời còn lại của họ rồi.
Các thuộc hạ của Mộ Dung Thiên cũng được phong thưởng không tệ. Trong đó, Sát Đạt Mễ La, người cung tiễn thủ đã mất đi một cánh tay nhưng lại nhờ vào nghị lực mà tự chế tạo ra một cánh tay bằng nguyên tố khác, việc đó đã khắc phục được sự hạn chế của chức nghiệp, nên được ban thưởng rất hậu. Gã được nhận một tấm Vô Cụ huân chương cấp 1, và một tấm Nghị Lực huân chương cấp 1. Ngoài ra, gã vốn xuất thân từ danh môn nên cũng được gia phong chức Tử Tước, trở thành người trẻ tuổi nhất trong tộc được ban tước vị.
Về phần Khắc Lý Tư Đế cũng không nằm ngoài dự liệu của Mộ Dung Thiên. Nàng nhận được một tấm Mặc Khế (ăn ý) huân chương, và một tấm Hữu Ái (bằng hữu) huân chương. Mấy loại huân chương này đối với nàng đúng là chẳng có công dụng gì cả.
Mỗi một khách mời được gọi lên đài thì cao hứng bừng bừng, và khi bước xuống đài thì lại cực kỳ đắc ý. Thời gian cứ thế mà trôi nhanh, rồi bầu trời cũng tối dần.
Những ngọn đèn ma pháp được thắp lên, bay lơ lửng trong không trung, khiến cho quảng trường Mã Nặc trở nên cực kỳ tráng lệ.
Mọi người không vì trời tối mà bỏ đi, cả bầu không khí cuồng nhiệt cũng không vì vậy mà giảm đi. Họ vốn từ xa đến đây, cố gắng tìm mọi cách đề vào được Đặc Nhĩ Tư, chẳng phải là vì ngày hôm nay hay sao?
Tuy rằng quảng trường có thể dung nạp năm mươi vạn người, nhưng dù sao thì chỗ ngồi vẫn không có đủ cho mọi người. Nếu có ai đó bỏ đi, vậy thì sẽ có rất nhiều người khác nhảy vào tranh nó ngay.
Hơn nữa, Quần Anh hội cũng đang dần dần tiến vào cao trào, bởi vì những anh hùng ở cuối danh sách thì lại càng nổi tiếng và địa vị càng cao, nếu như không phải là thành thủ của một thành thì cũng là siêu cấp cường giả, thấp nhất cũng là thống lĩnh hoặc đội trưởng chỉ huy một binh chủng của một thành nào đó. Hầu như những người này đều là những nhân vật chỉ cần giậm chân một cái là có thể khiến cho thành trì bị rung động mạnh luôn.
Nhiều bậc anh kiệt như thế mà cùng tụ tập tại một chỗ, quả thật khiến người ta nhìn hoa cả mắt; đồng thời, người ta cũng được chiêm ngưỡng phong thái của những nhân vật phong vân của đế quốc.
Cuối cùng, khi một vị khách quý bước lên lãnh lấy phần việc trao giải sau cùng, mọi người lập tức không hẹn mà cùng nín thở chờ nghe ông ta lên tiếng.
Ông ta là một vị cường giả vĩ đại của Tát La, thậm chí là của tất cả hải quốc, người đã tạo ra những truyền kỳ mà không ai có thể làm ra được - Long vương Mạch Khắc Tắc Nhĩ!
Mạch Khắc Tắc Nhĩ thản nhiên đứng trên đài, nhưng trên người tự nhiên lại tỏa ra một loại khí thế của vương giả, khiến cho người ta vừa nhìn thấy đã nảy sinh lòng xung động muốn quỳ bái rất cường liệt.
Mà thông thường, những người được làm khách quý của Quần Anh hội đều là những chức nghiệp hội trưởng, thủ lĩnh quân sự, tộc trưởng các đại gia tộc, viện trưởng các học viện trứ danh, thánh cấp cường giả, hay là hội trưởng Liên Chức công hội, vv......
Tuy rằng về mặt chức hàm thì hội trưởng Liên Chức công hội là người có quyền lực tối cao ở trong nước, nhưng trong dân gian, từ người lớn cho tới một đứa trẻ cũng đều biết được, người có thực quyền chân chính để lên tiếng sau cùng ở Tát La là ai.
Nhưng trong những kỳ Quần Anh hội trước kia, Mạch Khắc Tắc Nhĩ chưa bao giờ đảm nhiệm vai trò khách quý trao giải cả, dù chỉ một lần duy nhất.
Trong ánh mắt hoang mang khó hiểu của khán giả, Mạch Khắc Tắc Nhĩ mở danh sách ra và chậm rãi đọc lên một cái tên:
- Đan Ni Tư.