Nguồn gốc của thiên tài là nguồn gốc của nhiệt huyết.

Benjamin Disraeli

 
 
 
 
 
Tác giả: Lev Tolstoy
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Little Rain
Upload bìa: Nhi Nho
Số chương: 300
Phí download: 15 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 18606 / 854
Cập nhật: 2019-03-13 18:04:22 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần XI: Chương -28 -29
Ánh lửa của vụ hoả hoạn đầu tiên xảy ra hôm mồng hai tháng chín được những người dân đang đi lánh nạn và những đạo quân đang rút lui nhìn thấy từ nhiều nẻo đường khác nhau và với những tình cảm khác nhau.
Đêm hôm ấy, đoàn xe của gia đình Roxtov ghé lại Mytisi cách Moskva hai mươi dặm. Ngày mồng một tháng chín, họ ra đi muộn, đường đi chật ních những xe cộ và quân lính, đồ đạc thì bỏ quên rất nhiều, cứ phải luôn luôn cho người về lấy, đến nỗi đêm hôm ấy phải quyết định dừng lại nghỉ đêm cách Moskva năm dặm. Sáng hôm sau họ dậy muộn, và giữa đường đi, phải dừng lại nhiều chặng, thành thử chỉ đi được đến Đại Mutisi. Đến mười giờ, gia đình Roxtov và những người thương binh cùng đi với họ đều phân tán vào các sân và các nhà nông dân trong làng. Gia nhân, xà ích của nhà Roxtov và lính cần vụ của các sĩ quan bị thương, sau khi đã dọn chỗ ngủ cho chủ, ngồi lại ăn bữa khuya, cho ngựa ăn cỏ và ra thềm đứng.
Trong ngôi nhà bên cạnh có một viên sĩ quan phụ tá của Raivexki, cổ tay bị đập nát, vết thương đau đớn khủng khiếp khiến ông ta không ngừng rên rỉ thảm thiết, và những tiếng rên ấy vang lên nghe thật rùng rợn trong đêm thu tối mịt. Đêm hôm trước viên sĩ quan hành dinh này cùng ngủ trong một sân với gia đình Roxtov.
Bá tước phu nhân nói rằng nói rằng bà nghe tiếng rên ấy không thể nào chợp mắt được, cho nên khi đến Mytisi bà đã sang ở một ngôi nhà tồi tàn hơn chỉ cốt sao cách xa người bị thương một chút.
Một người gia nhân nhìn qua nóc một chiếc xe song mã đỗ ở trước thềm trông thấy trong đêm tối có ánh lửa của một đám cháy khác không lớn lắm. Ánh lửa trước thì người ta đã thấy từ lâu và ai cũng biết rằng đó là đám cháy ở Tiểu Mutisi do quán cô-dắc của Mamonov đốt lên.
Một người lính cần vụ nói:
- Này các bác, lại có một đám cháy khác kìa.
Mọi người đều chú ý đến ánh lửa mới hừng lên.
- Nghe nói là lính cô-dắc đốt Tiểu Mytisi đấy.
- Chính họ! Nhưng đấy không phải là Mytlisi, xa hơn kia.
- Nhìn mà xem cứ như ở Moskva ấy.
Hai người đày tớ bước xuống bậc thềm, đi vòng ra sau xe và ngồi lên bậc xe.
- Không phải ở Mytisi rồi! Mytisi ở về phía này, chếch sang bên phải, chứ đằng này lại chếch sang bên trái.
Mấy người nữa nhập bọn. Một người nói:
- Thấy chưa, cháy to lắm, đúng là ở Moskva rồi, các bác ạ; ở phố Xusevxkaya hay ở Rogxkya gì đấy.
Không ai đáp lại câu vừa rồi. Và đám người im lặng một lúc khá lâu nhìn ánh lửa bập bùng xa xa của đám cháy mới.
Danilo Terentits, người hầu phòng già của bá tước, lại gần đám đông và cất tiếng gọi Miska.
- Có cái gì đâu mà xem, cái thằng ôn con kia. Bá tước mà gọi một cái thì có ai thưa; đi vào mà xếp dọn quần áo.
- Thì cháu chỉ mới chạy ra lấy nước một tý thôi mà, - Miska nói.
- Bác thấy thế nào hở bác Danilo Terentits? - một người gia đình nói, - Cứ như ở Moskva ấy nhỉ?
Danilo Terentits lặng thinh không đáp, và mọi người lại im lặng hồi lâu. Ánh lửa lan rộng dần và mỗi lúc một to thêm.
- Lạy chúa! Trời thì hanh mà gió lại to thế này. - có tiếng nói.
- Xem kìa, cứ lan rộng ra mãi. Trời ơi! Trông thấy cả lũ quạ kia kìa.
- Lạy chúa tha tội!
- Chắc họ sẽ dập tắt, lo gì.
- Ai dập tắt mới được chứ? - Danilo Terentits nãy giờ lặng thinh, bỗng cất tiếng nói, giọng bình tĩnh và chậm rãi - Chính là Moskva đấy các chú ạ, chính thành phố mẹ đẻ của chúng ta, thành phố có những bức thành trắng… - giọng nói của ông già nghẹn ngào trong cổ và bật lên thành tiếng nấc khàn khàn của những người già cả. Và dường như mọi người chỉ chờ đợi có thể để hiểu rõ ý nghĩ của cái ánh lửa bập bùng kia đối với họ. Có những tiếng thở dài, tiếng lâm râm cầu nguyện và tiếng khóc thút thít của người hầu phòng già của bá tước.
29.
Người hầu phòng quay trở vào và báo cáo với bá tước rằng Moskva đang bốc cháy. Bá tước mặc áo ngủ và ra ngoài xem.
Sonya, bấy giờ chưa cởi áo, và cả bà Schoss cũng cùng ra theo. Chỉ còn Natasa và bá tước phu nhân ngồi lại trong phòng. (Petya bấy giờ không ở với gia đình nữa, cậu ta đã cùng với trung đoàn đi đến Troisk).
Nghe tin Moskva bốc cháy, bá tước phu nhân khóc oà lên.
Natasa, gương mặt tái xanh, mắt đờ đẫn, ngồi trên chiếc ghế dài ở phía dưới các tượng thánh (ngay ở chỗ nàng ngồi xuống khi vừa mới đến đây) và không hề để ý những lời cha nàng vừa nói. Nàng lắng tai nghe tiếng rên không ngớt của viên sĩ quan phụ tá tuy ở cách đây ba nhà mà vẫn vọng tới.
Sonya từ ngoài sân trở vào run cầm cập, vẻ hoảng hốt, kêu lên:
- Trời ơi!, kinh khủng quá! Chắc là cả thành Moskva đang bốc cháy, ánh lửa to quá! Natasa nhìn mà xem này, bây giờ nhìn ra cửa sổ cũng thấy đấy, - nàng nói, chắc là muốn làm cho cô em khuây khoả. Natasa đưa mắt nhìn nàng, nhưng không hiểu người ta muốn hỏi gì mình, rồi lại thẫn thờ nhìn vào góc lò sưởi. Natasa thẫn thờ như vậy từ sáng hôm nay, ngay từ khi Sonya tự dưng thấy cần nói cho Natasa biết công tước Andrey bị thương và hiện cùng đi với đoàn xe của gia đình. Không hiểu tại sao Sonya lại làm như vậy, và điều đó làm cho bá tước phu nhân rất ngạc nhiên và bực mình; bà giận Sonya lắm, ít khi thấy bà nổi giận như vậy. Sonya khóc và xin mẹ thứ lỗi, và bây giờ dường như để chuộc lỗi, nàng cứ theo săn sóc Natasa từng ly từng tí.
- Natasa xem kìa, cháy ghê chưa, - Sonya nói.
- Cái gì cháy? - Natasa hỏi, - À phải, Moskva.
Và dường như không muốn từ chối, để cho Sonya khỏi phật lòng và để cho cô ta đi cho rảnh, nàng quay đầu về phía cửa sổ nhìn một lúc - nhưng nhìn như vậy rất rõ rệt là chẳng trông gì hết, - rồi lại ngồi yên như cũ.
- Nhưng cô đã trông thấy gì đâu?
- Không, em thấy rồi, thật mà. - Natasa nói, giọng như van xin Sonya để cho mình yên.
Và cả bá tước phu nhân lẫn Sonya đều đều hiểu rõ rằng Moskva, đám cháy ở Moskva hay dù là chuyện gì hay chăng nữa đều chẳng có nghĩa lý gì với Natasa hết.
Bá tước lại trở về nằm sau tấm vách ngăn. Bá tước phu nhân lại gần Natasa, lấy lưng bàn tay khẽ chạm lên đầu nàng như những khi nàng ốm, rồi lại đưa môi chạm vào trán nàng như để xem nàng có sốt không và hôn nàng, nói:
- Con lạnh à? Con run rẩy cả người. Con đi nằm đi con ạ.
- Đi nằm? Vâng được ạ, con sẽ đi nằm. Con sẽ đi nằm ngay, - Natasa nói.
Sáng hôm nay, từ khi biết được công tước Andrey bị thương nặng và hiện đang đi trong đoàn xe của nhà nàng, lúc mới đầu Natasa hỏi tới tấp những là chàng đi đâu? Chàng ra sao? Vết thương có nguy hiểm không? Có thể gặp chàng được không? Nhưng sau khi nghe nói là không thể gặp công tước Andrey được, là chàng bị thương nặng nhưng không nguy hiểm đến tính mệnh, rõ ràng nàng không tin những điều đó, nhưng nàng biết chắc rằng dù mình có hỏi gì thì người ta sẽ vẫn cứ trả lời y như thế, nên nàng không hỏi và không nói gì nữa. Suốt dọc đường, đôi mắt nàng mở trừng trừng, đôi mắt mà bá tước phu nhân biết rất rõ và rất sợ. Nàng ngồi im không động đậy trong góc xe; và đến bây giờ nàng vẫn cứ ngồi im như thế trên chiếc ghế dài từ khi vào nhà này. Nàng đã nghĩ ra một điều gì đây, nàng đang quyết định hay đã quyết định xong một điều gì đây bá tước phu nhân biết rõ như vậy, nhưng điều ấy là điều gì thì phu nhân không biết, và chính vì vậy phu nhân lo sợ và khổ tâm.
- Natasa, cởi áo ra con ạ, nằm trên giường với mẹ. (Người ta chỉ dọn giường cho mỗi một mình bá tước phu nhân: bà Schoss và hai cô tiểu thư đều phải lót rạ nằm trên sàn nhà).
- Không, con nằm sàn thôi mẹ ạ, - Natasa bực bội trả lời. Nàng lại gần cửa sổ và mở nó ra. Qua khung cửa sổ mở rộng, tiếng rên của viên sĩ quan phụ tá nghe càng rõ mồn một. Nàng ló đầu ra ngoài không khí ẩm thấp của ban đêm, và bá tước phu nhân thấy cái cổ mảnh nàng rung lên từng đợt chạm vào khung cửa, Natasa biết rằng tiếng rên ấy không phải của công tước Andrey. Nàng biết rằng công tước Andrey nằm cùng một nhà với gia đình nàng, nhưng trong một gian khác, bên kia phòng ngoàì; nhưng tiếng rên khủng khiếp không lúc nào ngớt ấy vẫn khiến nàng khóc ngất lên. Bá tước phu nhân và Sonya đưa mắt nhìn nhau.
- Đi nằm đi con ạ, đi nàm đi, cô bạn nhỏ của mẹ! - bá tước vừa nói vừa lấy tay khẽ chạm vào vai Natasa. - Nào thôi, đi nằm đi con.
- À vâng… Con đi nằm ngay bây giờ đây, - Natasa nói đoạn hấp tấp cởi áo ngoài và tháo dây thắt lưng. Sau khi cởi áo và khoác chiếc áo ngủ lên người, nàng xếp chân ngồì vào chỗ ngủ dành cho nàng ở giữa sân, vắt chiếc bím tóc mỏng và không dài lắm qua vai và bắt đầu tết lại. Mấy ngón tay thon thon của nàng nhanh nhẹn, khéo léo và thành thạo tháo bứn tóc, tết lại rồi thắt nút ở phía dưới.
Mái đầu nàng nghiêng bên này rồi lại nghiêng sang bên kia với một cử chỉ quen thuộc, nhưng đôi mắt nàng trừng trừng mở rộng như trong cơn sốt cứ nhìn vào trước mặt. Khi đã soạn sửa xong để đi ngủ, Natasa từ từ ngả lưng xuống tấm chăn trải trên lớp rạ cạnh cửa ra vào.
- Natasa nằm giữa nhé, - Sonya nói.
- Tôi nằm đây, - Natasa nói. - Kìa chị nằm đi chứ, - nàng nói thêm giọng gắt gỏng. Và nàng úp mặt vào một chiếc gối.
Bá tước phu nhân, bà Schoss và Sonya vội vã cởi áo đi nằm. Trong phòng chỉ còn một ngọn đèn thờ leo lét. Nhưng ở bên ngoài ánh lửa cháy ở tiểu Mytisi cách hai vecxta, vẫn toả sáng và từ quán rượu ở góc phố bị lính cô-dắc Mamonov cướp phá vang lại những tiếng rên la ới ới.
Tiếng rên của viên sĩ quan vẫn kéo dài không ngớt.
Hồi lâu Natasa nằm yên không động đậy, lắng tai nghe ngóng những tiếng động ở trong nhà và ở bên ngoài vẳng lại. Lúc đầu nàng, nghe tiếng mẹ nàng cầu nguyện và thở dài, tiếng chiếc giường kêu răng rắc dưới người bà, tiếng ngáy huýt lên như còi của bà Schoss mà nàng quen thuộc, tiếng thở nhè nhẹ của Sonya. Rồi bá tước phu nhân cất tiếng gọi Natasa. Natasa lặng thinh không đáp.
- Hình như nó ngủ rồi mẹ ạ, - Sonya khẽ nói. Bá tước phu nhân im lặng một lúc rồi lại cất tiếng gọi lần nữa nhưng lần này chẳng có ai thưa cả.
Chẳng bao lâu nghe tiếng thở đều đều của mẹ. Natasa không nhúc nhích, mặc dầu bàn chân nhỏ của nàng để thòi ra ngoài chăn chạm vào sàn nhà lạnh buốt.
Dường như mừng rỡ vì đã thắng mọi vật, một con dế bắt đầu kêu ri rỉ trong một khe vách. Có tiếng gà gáy xa xa, và một tiếng gà ở gần đâu đây đáp lại. Những tiếng hò hét bên quán rượu đã im, chỉ còn tiếng rên của viên sĩ quan phụ tá vẫn kéo dài như cũ. Natasa nhổm dậy.
- Sonya, chị ngủ rồi à? Mẹ ơi? - Nàng thì thào.
Không ai đáp lại Natasa chậm rãi và thận trọng đứng dậy, làm dấu thánh giá và rón rén đặt bàn chân mảnh khảnh và mềm mại lên tấm sàn nhà bẩn lạnh. Mấy tấm ván kêu cót két. Nàng thoăn thoắt đưa chân chạy mấy bước, nhẹ nhàng như một con mèo con, và đặt tay lên cánh cửa lạnh buốt.
Nàng có cảm tưởng như một vật gì rất nặng đang nện thình thịch lên các bức tường của ngôi nhà; đó là tiếng đập của quả tim nàng, đang lịm đi, đang muốn vỡ tung ra vì sợ hãi, khủng khiếp và yêu đương.
Nàng mở cửa, bước qua ngưỡng cửa và đặt chân lên nền đất ẩm thấp và lạnh lẽo của dãy nhà cầu. Không khí lạnh buốt thấm vào người khiến nàng trở nên tỉnh táo. Nàng lấy bàn chân không thử chạm vào một người đang nằm ngủ giữa phòng, bước ngang qua người ấy và mở cửa dẫn vào phòng công tước Andrey. Trong phòng tối mịt. Ở góc phòng bên kia, bên cạnh cái giường trên đấy có một hình người đang nằm dài, một ngọn đèn bạch lạp chập chờn trên chiếc ghế dài sắp chảy xuống thành hình chiếc nấm lớn.
Ngay từ sáng nay, khi biết rằng công tước Andrey bị thương và hiện đang đi cùng trong đoàn xe, Natasa quyết định là phải gặp chàng. Nàng không biết gặp như thế để làm gì, nàng biết cuộc gặp mặt sẽ đau đớn, nhưng chính vì vậy nàng càng thấy rõ ràng thế nào cũng phải gặp chàng.
Suốt ngày hôm nay nàng chỉ sống với hy vọng là đêm nay sẽ được gặp chàng. Nhưng bây giờ, khi giây phút ấy đã đến, nàng bỗng thấy sợ hãi những điều nàng sắp trông thấy. Chàng bị què quặt ra sao? Chàng còn lại được những gì? Chàng có giống như tiếng rên không ngớt của viên sĩ quan phụ tá kia không? Phải rồi chàng giống hệt như thế. Trong tưởng tượng của nàng, chàng chính là hiện thân của tiếng rên kinh khủng ấy. Khi nàng trông thấy cái khối lờ mờ trong góc phòng mà nhầm tưởng hai đầu gối của chàng nhô lên dưới lớp chăn là hai vai của chàng, nàng hình dung thấy một thân thể gì gớm guốc, và hoảng sợ dừng lại. Nhưng một sức mạnh không sao cưỡng nổi lôi nàng về phía trước. Nàng rón rén bước một bước, một bước nữa và thấy mình đứng giữa gian phòng chật hẹp chất đầy những đồ đạc. Trên chiếc ghế dài, bên dưới các tượng thánh có một người nằm (đó là Timokhin) và trên nền nhà lại có hai người khác nữa (đó là người thầy thuốc và người hầu phòng).
Người hầu phòng nhổm dậy và nói thì thầm mấy tiếng gì không rõ. Timokhin vì chân đau nhức không ngủ được, giương mắt to nhìn cái bóng hiện hình kỳ dị của người con gái mặc áo thụng trắng và đội mũ chụp ban đêm. Câu hỏi ngái ngủ và hoảng sợ của người hầu phòng: "Cái gì thế? Cô muốn gì" chỉ làm cho Natasa rảo bước đi về phía cái hình người nằm ở góc phòng. Dù cái hình thù dễ sợ ấy chẳng có gì giống người, nàng quyết phải đến gặp nó. Nàng đi ngang qua người hầu phòng, cái nấm bằng sáp đổ xuống và nàng nhìn rõ rệt công tước Andrey nằm trên tấm chăn, hai tay dang rộng, vẫn giống hệt như trước kia nàng thường thấy.
Chàng vẫn như xưa: Nhưng nước da đỏ bừng trong cơn sốt, đôi mắt sáng long lanh đang hân hoan nhìn nàng và nhất là cái mềm yếu như trẻ con lộ ra ngoài cổ áo sơ mi mở rộng, làm cho chàng có một vẻ ngây thơ như con trẻ, một vẻ gì đặc biệt mà dù sao nàng cũng chưa bao giờ thấy được ở công tước Andrey. Nàng lại gần chàng và với một động tác nhanh nhẹn, mềm mại, trẻ trung, nàng quỳ xuống cạnh giường.
Chàng mỉm cười và giơ tay về phía nàng.
Chiến Tranh Và Hòa Bình Chiến Tranh Và Hòa Bình - Lev Tolstoy Chiến Tranh Và Hòa Bình