Số lần đọc/download: 2196 / 38
Cập nhật: 2016-03-09 17:01:33 +0700
Chương 212: Tiêu Đời
“X
oạt xoạt xoạt!” mưa tên không ngừng bắn tới, sau lưng tiếng rú thảm thiết không ngừng vang lên, Cơ Quang cũng không còn lo nghĩ tới vẻ uy nghi của bậc quân vương nữa, xoay lưng lại chạy nhanh như tên bắn, tên xé gió bắn tới, Cơ Quang tựa như nghe thấy tiếng gió rít qua tai. Sau một hồi tên, trải qua một trận bắn giết đẫm máu, số quân Ngô may mắn giữ được tính mạng chỉ còn không quá ba mươi người, trong đó một nửa bị dính tên lăn ra đất kêu gào thảm thiết. Câu Tiễn cùng binh lính của hắn xông tới bìa rừng, bước chân vững vàng đuổi theo, người nào người nấy trên tay chỉ cầm một thanh đoản kiếm dài hơn một thước, độ dài này giống với dao găm trang bị cho binh chủng biệt kích thời hiện đại.
Việt quốc nghèo hơn Ngô quốc, điều kiện sinh sống của người Việt khó khăn hơn người Ngô, do đó kinh nghiệm sống của người Việt trong rừng rậm, đầm lầy và kinh nghiệm tác chiến cũng phong phú hơn người Ngô, số binh lính Câu Tiễn mang theo, có nhiều người phải để hở chân, bàn chân chỉ được lót một miếng gỗ kiển dày, giẫm lên bãi cỏ bước đi không hề mất thời gian, lại nhẹ nhàng linh hoạt không phát ra tiếng động.
Số quân Ngô trốn được vào rừng bị đám binh lính nhìn như dã nhân của Việt quốc đuổi kịp tiêu diệt từng tên, không một ai giữ được tính mạng. Câu Tiễn bước thoăn thoắt trên đôi giày cỏ lại gần, lạnh lùng hạ lệnh: “Kiểm tra kĩ vào, không được để tên nào sống sót!”
Binh lính cầm đoản kiếm ngắn như dao găm đó, kiểm tra từng xác chết nằm la liệt dưới đất, phát hiện ai còn hơi thở thì bồi cho một nhát kiếm ngay cổ họng. Một tên lính nhìn thấy trong bụi cây thấp lùn có một đôi chân lòi ra, bèn nhảy bổ qua đó kéo người kia ra, giơ kiếm định đâm xuống, người kia vội kêu lên: “Các ngươi không thể giết ta!”
Tên lính cười lạnh lùng: “Tàn binh bại tướng, có gì mà không thể giết?”
Người kia nén đau ngồi dậy, thở hổn hển: “Ta là thượng khanh của Ngô quốc, đâu thể để tên tiểu nhân như ngươi ức hiếp, thống soái của các ngươi là ai, mau kêu hắn đến gặp ta.”
Tên lính không nhịn được cười khanh khách: “Đám người các ngươi, tên nào tên nấy áo quần rách bươm, dáng vẻ thảm hại, chẳng qua chỉ là một đội quân bại trận chạy trốn, trong đó có thượng khanh Ngô quốc gì chứ?” Dứt lời giơ kiếm định đâm xuống.
“Khoan đã!” Câu Tiễn nghe người kia nói vậy, trong lòng nghi hoặc, vội bước tới lên tiếng ngăn cản. Hắn mới đầu không xem đội quân Ngô này ra gì, đám quân này số lượng quá ít, áo quần lếch thếch, hơn nữa lại hốt hoảng bỏ chạy, không có sức chống trả, trong quân đội Ngô quốc chắc cũng không phải thuộc đại quân tinh nhuệ gì, chỉ là một tên lính quèn không có giá trị, giết đi cho xong chuyện. Câu Tiễn không hề biết vì đám quân Ngô này ngộ nhận quân của hắn là người nhà, hơn nữa đám bại binh chạy trốn đường dài đã sức cùng lực kiệt, lại bị hắn dùng nỏ Sở uy hiếp, dù có ba đầu sáu tay e cũng khó làm nên chuyện vào lúc ấy. Lúc này nghe người kia dám tự xưng là thượng khanh Ngô quốc, không biết thật giả thế nào, phải hỏi cho rõ đã.
Câu Tiễn bước tới một bước, nói: “Túc hạ là thượng khanh Ngô quốc? Xin hỏi cao danh quý tánh, giữ chức quan gì?”
Bá nhìn hắn một hồi, thấy người này hãy còn rất trẻ, cổ rắn mỏ chim, khuôn mặt dài thoàng khá xấu xí, nhưng hành động cử chỉ lại oai vệ, hỏi ngược lại: “Ngươi là ai?”
“Bỉ nhân là thượng tướng quân Việt quốc Linh Cô Phù, không biết có tư cách nghe danh của túc hạ không?”
“Ồ!” Bá nghe vậy không khỏi bất ngờ: “Thì ra là Linh Cô Phù tướng quân, ta chính là thái tể Bá của Ngô quốc, tướng quân có từng nghe nói đến?”
Bá trong trận chiến Cửu Phụng cốc ở Sở quốc bắt giữ được nhiều công khanh quý tộc của Sở lập được đại công, đã được cất nhắc lên chức thái tể, thực quyền tuy không bằng Ngũ Tử Tư, nhưng chức quan lại tương đương. Câu Tiễn tất nhiên có nghe về Bá, nghe người này nói hắn chính là Bá cũng giật mình kinh ngạc: “Ngươi là Bá đại phu? Ngươi…ngươi…sao lại lưu lạc đến chốn này?”
Vừa nãy Bá bị trúng tên, vội chui vào bụi cây lánh tạm, tình hình tiếp theo hắn chỉ nghe được tiếng chứ không quan sát được tận mắt. Bá cũng biết cánh quân này của Linh Cô Phù đi vào Ngô quốc không mang ý tốt gì, chỉ là muốn thừa nước đục thả câu. Chỉ là với thân phận khanh sĩ đại phu cao quý, chức quan lại cao như hắn một khi bị bắt giữ, cho dù là quốc gia nào cũng ít khi giết chết nên mới nói rõ thân phận. Bá chỉ mong Cơ Quang có thể đoạt lại Ngô quốc, lúc đó sẽ chuộc hắn từ Việt quốc về, đương nhiên hắn không chịu nói mình đang hộ tống Ngô vương chạy trốn tận đây.
Bá suy ngẫm trong lòng một hồi mới nói: “Bá hộ tống Ngô vương về Cô Tô thành, Khánh Kỵ dẫn quân tấn công, cắt vụn trận địa đại quân của ta, Bá không thể tìm thấy chủ lực đại quân trong lúc loạn lạc, thế mới…”
Bá mới nói đến đấy, hai mắt sáng bừng lên, chỉ thấy rất nhiều binh lính Việt đang khiêng xác quân Ngô từ trong rừng ra, trong đó có một cái xác bị người ta nắm lấy vạt áo lôi sềnh sệt từ trong rừng, áo bào của cái xác rách te tua, dây lưng bị cởi tung, đầu tóc mặt mũi bê bết máu, tên lính đang lôi xác vẫn đang cầm miếng ngọc bội sáng bóng sang trọng chơi đùa ra vẻ khoái chí, rõ ràng là chiến lợi phẩm bị hắn lấy từ cái xác.
“Đại vương!” Bá như bị sét đánh, không để ý đến Linh Cô Phù kế bên nữa, hắn lăn lộn lê lết lao qua đó ôm lấy cái xác khóc to: “Đại vương, đại vương, Bá vô dụng, không thể bảo vệ an toàn cho đại vương, đại vương ơi…”
Theo như sử sách ghi chép, Ngô vương Hạp Lư với chỉ mấy vạn binh mã tây phá cường Sở, công vào Dĩnh Đô, chiến công hiển hách, lại trong lúc giao chiến với Việt quốc yếu hơn Ngô quốc nhiều bị đại tướng Việt quốc Linh Cô Phù ném mâu đâm trúng ngón chân, sau đó bị nhiễm trùng mà chết. Bây giờ cái chết của Hạp Lư có xảy ra thay đổi, nhưng kết cục đại thể cũng giống nhau, cũng là lật thuyền trong rãnh cống, thậm chí còn nhảm nhí hơn, trong cơn mưa tên bỏ mạng, rốt cục cũng không xác định được ai là người lấy mạng Ngô vương.
Câu Tiễn há hốc miệng kinh ngạc, tròng mắt muốn rơi cả ra ngoài: “Đại vương? Ngô quốc đại vương Cơ Quang? Mình đã dẫn quân bắn chết Ngô vương dễ dàng thế ư?” Trong một lúc, Câu Tiễn dường như không dám tin vào lỗ tai của mình.
Bá khóc lóc thảm thương, nước mắt giàn giụa, Câu Tiễn cuối cùng cũng lên tiếng hỏi: “Bá thái tể, ông nói…hắn…hắn chính là Ngô vương Hạp Lư?”
Đến lúc này Bá đâu còn gì phải che giấu nữa, hắn khẽ gật đầu, sau đó lại khóc to.
Câu Tiễn toát mồ hôi lạnh, cả thân người cứng đơ ra đó, đám binh lính Việt quốc đứng xung quanh cũng nghệch mặt ra, trong rừng bỗng chốc trở nên yên lặng, chỉ còn tiếng khóc thê lương của Bá cất lên.
Hồi lâu sau, Câu Tiễn từ từ tỉnh táo lại, đôi mắt hắn láo liên trong khoảnh khắc, một âm mưu đã nhen nhóm trong tim. Câu Tiễn hít một hơi sâu, bước tới hai bước, chắp tay cung kính hành lễ: “Bá thái tể!”
Bá ngẩng đầu lên nhìn hắn, Câu Tiễn vẫn cứ cung kính nói tiếp: “Bá thái tể tài trí hơn người, không ai sánh bằng. Ngô vương có được hiền sĩ tài trí song toàn như Bá thái tể đây phò trợ, mới có thể dẫn mấy vạn binh mã tây phá cường Sở, lập chiến công hiển hách. Câu Tiễn Việt quốc, ngưỡng mộ uy danh Bá thái tể từ lâu, bây giờ Ngô vương đã chết, hoàng tộc Ngô quốc nội chiến tranh đoạt vương vị chưa xong, nơi đây đã không phải chốn dung thân. Câu Tiễn kính nể tài học của Bá thái tể, nguyện lấy thân phận thái tử Việt quốc thay phụ vương mời túc hạ làm thái tể Việt quốc ta, phò trợ phụ vương, cùng mưu nghiệp lớn, mong Bá thái tể khẳng khái ưng thuận.”
“Cái gì?” Bá ngớ người ra.
Câu Tiễn mỉm cười lại hành lễ một cái: “Vừa rồi Câu Tiễn chưa nói rõ thân phận, vị tướng quân kế bên ta đây mới là thượng tướng quân Việt quốc Linh Cô Phù, còn ta chính là con trai của Việt vương, Câu Tiễn xin Bá thái tể bỏ qua cho tội cố tình che giấu thân phận.” Linh Cô Phù đứng kế bên thấy thái tử có ý chiêu nạp Bá, bèn bước tới nói: “Bá đại phu, tại hạ là Linh Cô Phù, Bá đại phu phò trợ Ngô vương trị nước, chỉ trong một năm quốc gia hùng mạnh, giúp Ngô vương phạt Sở, tiến quân Dĩnh Đô, công phá Cửu Phụng cốc, công trạng hiển hách. Ngô vương Hạp Lư phong cho Bá đại phu quan to chức lớn, nhưng với công trạng của Bá đại phu, kể cũng xứng đáng với ban thưởng như vậy.
Giờ đây Ngô vương đã chết, hai bên giao chiến, đao thương không có mắt, vốn không hề dính dáng thù xưa oán cũ. Bá đại phu đã cố hết sức, không phụ Ngô vương, giờ ở Ngô, Phù Sai chỉ là một nhóc con, phụ vương hắn đăng cơ chưa được một năm, Phù Sai căn cơ thiển cận, Phù Khái dẫn quân dã tâm tự lập, Khánh Kỵ lấy danh nghĩa trả thù cho tiên vương mưu đoạt vương vị. Hạp Lư mà chết, trong hoàng tộc Ngô quốc không còn chủ nhân đáng để thờ, còn Việt vương ta, hùng tài thao lược, thái tử Việt quốc ta trọng người hiền tài. Có câu chim khôn chọn cành mà đậu, thần giỏi chọn chúa mà thờ, Bá đại phu sao không giúp sức cho Việt quốc chứ?”
Câu Tiễn tiếp tục thuyết phục: “Nam nhi tại thế, cuối cùng cũng nên hoàn thành chí lớn của mình, thăng quan tiến chức, công thành danh toại, mưu cầu vinh hoa phú quý, thê thiếp đầy đàn, mưu cầu danh tiếng lẫy lừng, lưu danh muôn thuở. Câu Tiễn thật lòng chiêu mộ Bá đại phu, trời cao chứng giám, xin Bá thái tể nể tấm chân tình của Câu Tiễn.” Nói xong vái lạy một cái.
Hai người thi nhau thuyết phục, Bá nghe xong, cúi xuống nhìn xác Hạp Lưu đang ôm trên tay, không nói tiếng nào. Ánh mắt Câu Tiễn khẽ lay động, cùng Linh Cô Phù liếc mắt nhìn nhau một cái, để lộ một nụ cười nham hiểm trên khóe môi…
Ngô vương Hạp Lư đã chết.
Khánh Kỵ dẫn đại quân tấn công Đông Điều Khê đại bại Ngô vương Hạp Lư, Hạp Lư trốn chạy sang Vũ Nguyên, bị phiến quân Vũ Nguyên giáp công cùng quân Khánh Kỵ, tử trận trên sa trường, tướng quốc Ngũ Viên cũng quyết chiến tử trận theo Ngô vương. Thái tể Bá phụng di mệnh của Hạp Lư, đến Việt quốc xin quân cứu viện trả thù cho chủ nhân, Việt vương Duẫn Thường lệnh cho thái tử Câu Tiễn đích thân dẫn tám ngàn đại quân, toàn quân đánh vào Ngô quốc.
Tin này nhanh chóng được lan truyền rộng rãi khắp Ngô quốc, truyền khắp thiên hạ. Lịch sử và sự thật là hai chuyện khác nhau, sự thật là sự thật, còn lịch sử chỉ là viết theo nhu cầu của người có quyền khống chế lịch sử mà thôi.
Người Việt đem cái chết của Hạp Lư đẩy trách nhiệm lên người Khánh Kỵ, điều đó có lợi cho họ thừa nước đục thả câu ở Ngô quốc. Còn phía Khánh Kỵ thì sao? Cho dù không có thái tể Bá làm nhân chứng cho Việt quốc, cũng không thể khiến kẻ địch tin hắn không phải là hung thủ giết chết Cơ Quang, hơn nữa kẻ địch không vì Cơ Quang có chết dưới tay Khánh Kỵ hay không mà thay đổi lập trường, số người còn phân vân do dự cũng vì tin này mà ngả sang phía hắn, trên thực tế tin này có lợi cho việc tạo dựng uy danh của Khánh Kỵ trong lòng người Ngô, nên dù biết rõ đấy là gian kế của Câu Tiễn, Khánh Kỵ vẫn buộc phải chấp nhận.
Lịch sử chính là trong mưu cầu lợi ích giữa hai phe địch và ta viết ra kết luận: Ngô quốc Khánh Kỵ, vì trả thù cho phụ vương Cơ Liêu, giết chết Ngô vương Hạp Lư mưu triều tán vị tại Vọng Hà cốc. Trong âm mưu phối hợp lợi ích của hai phe này, có lẽ người vui nhất chính là Hạp Lư nơi chín suối, người chết để danh, chết dưới tay một tên lính Việt vô danh tiểu tốt, đương nhiên không vẻ vang bằng chết dưới tay Khánh Kỵ.
Thế là, Khánh Kỵ im lặng nhận lấy công lao giết chết Cơ Quang, lập đàn tế vong linh phụ vương, khích lệ toàn quân thừa thắng bắc tiến, thề chiếm lấy Cô Tô thành, giành thắng lợi toàn vẹn. Còn bọn quân Việt vốn lén lút lẻn vào Ngô quốc kiếm chác lợi ích, nay bỗng hóa thân thành đội quân chính nghĩa phụng di chiếu của Ngô vương Hạp Lư đến thảo phạt Khánh Kỵ.
Hạp Lư chết đi, tình hình Ngô quốc lập tức biến động lớn, Phù Khái vốn đang hành quân chậm chạp tiến về Đông Điều Khê đột nhiên tăng tốc hành quân, toàn quân đeo khăn tang lao nhanh về hướng Cô Tô thành, lên tiếng đòi thảo phạt phản tặc, trả thù cho đại vương. Phía Cô Tô thành, Kinh Lâm nhận được tin báo lập tức lợi dụng địa hình đã đào sâu xây dựng công sự, chuẩn bị ứng chiến. Cùng lúc đó, Khánh Kỵ và Chúc Dung hợp binh lại với nhau tức tốc tiến về Cô Tô thành, tạm thời không rảnh đối phó với con rắn độc Việt quốc.
Phù Khái dẫn quân đến Kiền Toại, nghe tin Kinh Lâm bày trận đợi sẵn, liền một mặt chỉnh đốn binh mã chuẩn bị tấn công, mặt khác phái người vào thành liên lạc với Phù Sai, muốn trong ứng ngoài hợp. Trong lúc rối ren này, phú hộ giàu nhất Ngô quốc, gia tộc chế tạo binh khí lớn nhất vùng Giang Nam là Nhâm gia tạo phản, tất cả thợ rèn, thợ xây, thợ khuân vác, thêm vào gia tướng, gia nô ở Nhâm gia thành tổng cộng có hơn chín ngàn người, trang bị áo giáp của Nhâm gia, tay cầm binh khí của Nhâm gia chế tạo, đeo khăn tang vì gia chủ, dưới sự dẫn dắt của trưởng nữ Nhâm thị Nhâm Nhược Tích kéo đến chân thành Cô Tô, hạ trại ngoài Bàn môn, cùng với Kinh Lâm tạo thế gọng kiềm, trong kháng Phù Sai, ngoài cự Phù Khái.
Phù Khái nghe tin thất kinh hồn vía, vội vã thu quân, lấy Kiền Toại làm doanh trại, đối chọi với liên quân Nhâm gia và Kinh Lâm, một mặt phái người đi liên lạc với cánh quân Việt đã phụng di chiếu của Ngô vương đến cứu viện, mặt khác lo toan trường hợp bại trận chạy về Nam Vũ thành, các cứ một vùng tự lập làm vương.
Trong thành Cô Tô, Phù Sai nghe tin phụ vương chết thảm, lập tức muốn bất chấp tất cả dẫn quân ra thành quyết một trận tử chiến với Khánh Kỵ, bị tướng lĩnh thuộc hạ dưới trướng liều chết căn ngăn. Phù Sai khóc lóc thảm thiết, cuối cùng từ bỏ ý định lấy trứng chọi đá, quyết định dùng Cô Tô thành làm mồi nhử, thu hút Khánh Kỵ, Phù Khái, Câu Tiễn, các lộ nhân mã có dã tâm đến đây tàn sát lẫn nhau, hắn xem tình hình từ đó hưởng lợi.
Phù Sai lập tức đăng cơ, kế thừa ngôi vị Ngô vương, hắn ra một đạo nghiêm lệnh, tất cả dân chúng trong Cô Tô thành đeo tang, khắp nơi một màu trắng xóa, nghiêm cấm uống rượu ăn thịt, tiệc tùng vui vẻ. Phù Sai lại bắt tất cả nữ nhân trẻ khỏe, tất cả nam nhân dân thường từ mười bốn đến sáu mươi tuổi và gia tướng gia nô của các công khanh thế tộc trong thành biên vào quân ngũ thao luyện, trong một lúc toàn thành Cô Tô đều là binh lính, đội quân mới này có quân số năm vạn tám ngàn tám trăm người.
Khánh Kỵ trả thù cho cha, Phù Sai trả thù cho cha, Phù Khái, Câu Tiễn tuyên bố trả thù cho quân vương, Nhâm gia quân của Nhâm Nhược Tích muốn trả thù cho gia chủ. Khắp nước Ngô ai cũng đeo tang, ai ai cũng giương cao ngọn cờ trả thù chuốc hận, trong một đêm các lộ binh mã trong lãnh thổ Ngô quốc hóa thành đội quân thù hận. Từ khi Hạp Lư chết đến khi Khánh Kỵ đánh vào Cô Tô thành, giai đoạn lịch sử này từ đây bị người đời sau gọi là “Trận chiến thù nước hận nhà”.
Ngoài thành Cô Tô, Khánh Kỵ đăng cơ.
Đây là đại sự đầu tiên được các tướng lĩnh phe Khánh Kỵ hội họp bàn bạc quyết định.
Hạp Lư đã chết, Phù Sai xưng vương. Câu Tiễn Việt quốc và Phù Khái qua lại bí hiểm, họ không lập tức công nhận vương vị của Phù Sai, lòng riêng của Phù Khái không nói đã rõ, nhưng chúng vẫn giương cao ngọn cờ đòi trả thù cho Ngô vương Hạp Lư để đảm bảo cho tính hợp lí của sự tồn tại của đại quân Việt quốc trên lãnh thổ Ngô.
Trước tình hình này, trên dưới Ngô quốc không biết nghe ai, muốn nhanh chóng ổn định lòng dân, tranh thủ tối đa ủng hộ của dân Ngô, nắm bắt quyền chủ động, Khánh Kỵ là con trai duy nhất còn lại của Ngô vương Cơ Liêu, cũng là người thừa kế hợp pháp vương vị Ngô quốc, phải lập tức đăng cơ xưng vương. Chỉ khi địa vị hợp pháp của Khánh Kỵ được công nhận, mới có thể tập hợp tất cả lực lượng khả dụng. Bộ hạ của Khánh Kỵ đương nhiên không ai phản đối, trong các thành viên hoàng tộc Yểm Dư công tử cũng tỏ ý tán thành, Chúc Dung tuy có hơi không đồng ý nhưng ai cũng nhất chí, Khánh Kỵ có được các thế lực chính trị trong và ngoài nước ủng hộ, hắn chỉ có một lộ nhân mã, hắn buộc phải tỏ ý hoàng điệt Khánh Kỵ kế thừa vương vị là trên thuận ý trời, dưới hợp dân tâm.
Quyết định đăng cơ tuy hơi gấp gáp, các nước xung quanh hãy còn kịp tỏ thái độ. Việt quốc là người đầu tiên đưa ra kháng nghị, viết ra một bức tuyên cáo dài thoàng, kể tội Khánh Kỵ giết vua mưu đoạt vương vị, là hành động phi pháp. Bốn nước Sở, Tống, Lỗ, Vệ lại tỏ ý ủng hộ, Lỗ quốc và Vệ quốc góp nhiều sức giúp Khánh Kỵ phục quốc thành công, đương nhiên tán đồng Khánh Kỵ đăng cơ, còn phái người mang đến số lượng lớn lễ vật chúc mừng, tuy đường sá xa xôi chưa kịp thời vận chuyển đến Ngô được, nhưng sứ giả đã đưa danh sách lễ vật đến trước. Tống quốc vì lí do Vệ phu nhân Nam Tử là công chúa của Tống, cũng mang đến nhiều lễ vật. Các nước nhỏ Từ, Thái, Trần thì giữ thái độ trung lập không tỏ thái độ ủng hộ hay phản đối.
Ngày mai chính là ngày hoàng đạo các thuật sĩ chọn làm ngày đăng cơ của Khánh Kỵ, ngoài Bàn môn Cô Tô thành dựng lên một tòa đàn cao, công việc chuẩn bị đang gấp rút tiến hành. Khánh Kỵ thì đang tắm rửa trong lều, chuẩn bị các nghi thức cúng tế đăng cơ vào ngày mai. Đúng lúc này, Anh Đào đi vào bẩm báo: “Công tử, lại có sứ thần đến chúc mừng.”
Khánh Kỵ mở to mắt hỏi: “Ồ! Là sứ thần do quân vương nước nào phái đến?”
“Sứ thần tự xưng là tín sứ của nữ vương Đông Di là Doanh Thiền Nhi.”
Khánh Kỵ nhướn mày lên, cảm thấy ngạc nhiên: “Doanh Thiền Nhi, chính là Doanh Thiền Nhi tự xưng là hậu nhân của Thiếu Hạo, thừa lúc người Tề nam hạ liên kết bảy mươi mốt bộ lạc Đông Di tự lập xưng vương? Mau mời!”