People say that life is the thing, but I prefer reading.

Logan Pearsall Smith, Trivia, 1917

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 180: Sướng Khổ, Không Có Tiêu Chuẩn
ôi làm được một cái chòi con ở giữa rừng, đủ để ngồi che mưa, nắng. Bên cạnh có một dòng suối con róc rách, cứ như Thiên Thai của cụ Văn Cao. Túi tôi thì rỗng, nhưng đầu tôi thì không còn chỗ chứa: tiếng chim hót, tiếng suối reo, gió mưa, cảnh vật không còn chỗ xếp. Tôi vào rừng như thế có 3 mục tiêu chính:
- Cần đi vơ vét nhặt nhạnh lại Anh ngữ trước đây đã rơi rụng gần hết.
- Giữ tâm hồn đi một con đường, tránh những dòng điện giật.
- Thưởng thức cái tự do cho cả cơ thể lẫn tinh thần và hoà nhập với thiên nhiên, thực hiện lời dạy của cụ Nguyễn: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ….”
Chính trong cái tĩnh lặng, thanh vắng, tư tưởng mới chui luồn sâu vào từng ngóc ngách của mỗi sự việc. Tôi hiểu, nếu trong cuộc sống, mình muốn cái gì cũng được thì cuộc đời đâu có còn ly kỳ, hấp dẫn nữa?
Cho nên sự khổ đau và hạnh phúc chỉ là sự tương đối, không có tiêu chuẩn nào cả. Có bao nhiêu của cải, nhà cửa, ruộng vườn là hạnh phúc? Còn đói khát, tù đày, mù loà, tàn tật thì khổ đau?
Đó là sự huyền diệu, kỳ bí tạo hoá đã ban cho loài người! Tôi nhớ một sự kiện nhỏ mà bản thân tôi đã trải qua:
Thời gian: khoảng cuối 1969 đầu 1970 sau khi HCM chết.
Không gian: phân trại E của trại trung ương số 1 phố Lu Lào Cai.
Khi ấy do Trung Úy Hoàng Thanh làm giám thị, trại ở vào một nơi hẻo lánh, giữa một khu rừng già, xa với người dân. Tù nhân trong trại khoảng trên dưới 350 người.
Thành phần: hầu hết là tù chính trị, gồm chừng 70 người dân tộc: Mường, Mán, Mèo, Nhắng, Núng, Thái, Thổ v.v…VC ghép chung cho cái tội là thổ phỉ, cướp rừng.
- Có khoảng 20 người là tu sĩ, chủng sinh (Đi tu ở chủng viện VC đóng cửa, bắt về nhà lấy vợ)
- Chừng 30 BK gián điệp trong Nam ra Bắc hoạt động chống VC, còn lại hơn 200 là người ở các tỉnh trên miền Bắc, VC ghép chung cho cái tội là, phản tuyên truyền, phản cách mạng.
Cũng như nhiều các trại tù của VC trên miền Bắc, ăn uống đói khổ: Ngô, khoai, sắn, bo bo độn vào gạo. Không biết vì lý do gì, bặt đi hàng tuần lễ không hề có tí gạo nào, chỉ có sắn và bo bo.
Đúng là không có tự do, mới thấy giá trị cần thiết, của tự do. Không có ánh nấng, mới thấy ánh nắng, là kỳ diệu tuyệt vời. Chúng tôi bắt đầu nhớ và thèm cơm, rồi đến tuần thứ 2, thứ 3 thì bất cứ lúc nào mệt ngủ đi, chứ không thì bất cứ ở đâu ngoài nương khoai, vườn sắn, hay trong rừng chặt tre, đốn gỗ, ở lán thủ công nơi tù lao động, lúc nào tâm tư, cũng như chuyện trò, ai cũng chỉ nghĩ và nói về cơm. Rồi tuần lễ thứ 4, thứ 5 thì trại bắt đầu đi kiết lỵ nhiều, mặt anh nào cũng tái ngắt, mắt trắng dã nhìn nhau.
Thương hại nhất là các bác già, răng đau hoặc không có, móm mém ăn bo bo không nhai vỡ hết nên, khi đại tiện ra còn nguyên hạt. Nhà xí, nhà cầu của trại cũng không còn hôi thối nữa. Ăn phải có mắm muối, hay ít cá thịt thì phân mới thối. Do đấy có những anh đói qua, tiếc rẻ của trời đã chui vào thùng phân, hót nhặt những hạt bo bo còn nguyên. Khi đi lao động ra suối rửa, rồi cho vào ống nứa, nấu lại mà ăn.
Qua bản thân, tôi xin thành thật mà nói: Giai đoạn này, bất cứ đêm hay ngày, cuộc đời, cha mẹ, họ hàng, anh em, miền Nam, cả tổ quốc, quê hương chẳng cần và không còn lúc nào tôi nghĩ tới nữa, mà chỉ nghĩ đến ăn, đến cơm, đến những bữa ăn tưởng tượng. Nếu khi mệt thiếp ngủ đi mà mơ, cũng mơ đến ăn mà thôi, ngày 2-3 người chết là thường.
Chả trách VC họ giữ ổn định vững vàng, chế độ của họ được là thế! Bất cứ người dân nào, từ cán bộ, công chức thợ thuyền v.v.. ai cũng chỉ đêm ngày, tính toán cho cuộc sống gia đình, không thiếu hụt, đói khát mà thôi. Có thể (tôi suy đoán), ban giám thị và cán bộ, thấy tình trạng này thì tụi tù, sẽ chết dần hết. Họ họp nhau, sau đó quyết định thứ Bẩy này, sẽ cho tụi tù ăn, một bữa cơm.
Tin còn bí mật, nhưng có thể một tên cán bộ nào đó chỉ nói riêng với một tên tù thân tín, như tổ trưởng, toán trưởng v.v... là chiều thứ Bẩy này, trại sẽ có một bữa cơm, nhớ chỉ một mình anh biết thôi! Tin quan trọng như vậy, mà bảo chỉ mình anh biết. Anh đó phải có người thân tín khác, cho nên chỉ ngày hôm sau, cả trại hơn 300 người ai cũng biết cả.
Còn một ngày nữa, mới tới cái bữa cơm chiều thứ Bẩy, mong chờ ấy. Thế mà tù nhân, gặp nhau bất cứ ở đâu, lúc nào, mắt cũng sáng long lanh như nhắc nhở: “Còn một ngày nữa thôi đấy nhé!”. Để rồi cho tới đêm hôm thứ Sáu. Qua tôi, tôi tin rằng, đêm ấy là cả một trời thơ mộng, cho chiều mai của mỗi người tù. Ngay sáng hôm sau, toàn trại tập họp để đi lao động như mọi ngày. Dù không cần nhìn cũng phải thấy, mặt mọi người tù, như có một khí thế khác thường. Mắt ai cũng như sáng hẳn ra, mấy bác già khó tính, miệng cũng hay nở nụ cười, bao dung với mọi người.
Và chiều hôm ấy, (thứ Bẩy tuyệt vời) chưa về tới trại, hãy còn lưng chừng, gần trại E thôi. Mùi cơm nồng nàn từ bếp thơm phức đã tỏa phì ra, để những anh chàng tù, ai cũng muốn cong mũi lên hà hít, rồi nhìn nhau mỉm cười.
Vào trại, nhìn cảnh tù ríu rít chạy như con thoi, người ta bảo “vui như ngày tết “! Cá biệt một vài anh không thể kìm hãm lòng mình được, khi còn đang cân cơm đổ vào từng bát ở ngoài sân, anh ta đã chộp lấy phần của anh, dù chia chưa xong, bốc lấy bốc để, mắt trợn ngược, mồm há hốc đút cơm vào rồi.
Một số những người trầm lắng, họ thong thả đường hoàng, đưa cơm về chỗ đậy lại. Nếu không thể chế ngự được cái háo hức trong lòng, để nuốt vào những giọt nước rãi thèm khát rỉ ra, thì chỉ nhón một vài hạt cơm, cho vào miệng, khe khẽ nhai mà thôi!
Cá biệt có vài anh, dứt khoát, cương quyết không động vào một hạt cơm, đợi cho cán bộ vào buồng điểm xong, bấy giờ về chỗ mới bỏ màn xuống. Không sáng lắm vì ánh điện yếu lại ở trong màn, thì chịu khó rờ rẫm cũng sẽ phân biệt, từng hạt cơm để mà hường thụ, để mà thường thức dần dần cho đã niềm thương nhớ, nỗi thèm thuồng của gần 2 tháng trời chứ có ít đâu!
Tạo hóa đã ban cho loài người, một kỳ vật cao quý như vậy, mà nhiều người lại coi thường. Ngay tôi, bây giờ ở bất cứ nơi đâu, dù cả ở xứ Cờ Hoa này, cơm, bánh, thực phẩm, loại đắt tiền nhất tràn lan, u hề chung quanh, làm sao tôi tìm lại được bữa ăn có cảm giác thèm khát háo hức ngon, như chiều thứ Bẩy ở phân trại E, tù ngày ấy?
Từ đấy, nhìn vào thực tế cuộc sống xã hội, những người chán đời tự tử, từ bỏ cuộc sống; không phải là những người bị mù lòa, tàn tật hiểm nghèo nhất. Cũng không phải là những người trong hoàn cảnh đói khổ, nghèo túng nhất. Chúng ta đều đã suy ra khổ đau và hạnh phúc trong cuộc đời, chỉ là một sự tương đối.
Điều quan trọng là phải biết ứng dụng; nâng cao ý chí chịu đựng và chuyển đổi hoàn cảnh của mình.
Có những buổi chiều tối, từ trong rừng trở về, tôi thường lang thang về một đường phố dài nhiều hàng quán, do người tị nạn tạo lập Những cửa hàng của người Tàu, người miền Nam, miền Bắc, miền Trung, đủ kiểu đủ loại. Tôi có cảm tưởng như chợ Đại Cống Thần của đồng bào Hà Nội tản cư, hồi trước 1954.
Có một cửa hàng trái cây của người Hoa, tôi cứ lượn qua, lượn lại nhiều buổi tối. Nhìn những quả táo, cam, chùm nho, những loại tôi đã nhìn thấy ở chợ Bến Thành trước khi chui vào miệng con Hồng Tuộc, tôi đã được biết mùi. Nhưng có một trái lạ, tôi đã hỏi những người cùng mua hàng, tôi được biết là trái lê, nhìn cái da của nó trắng nõn như ngà voi, tròn như trái táo.
Lục lại cái hố sâu của tâm tưởng, rõ ràng tôi chưa hề được nếm mới của lạ này, nó ra sao? Tôi nâng quyết tâm, dứt khoát mình phái được nếm, tôi băn khoăn, vấn vương nhiều buổi tối mỗi khi bước qua ngôi hàng này, chỉ vì cái túi của tôi, đã từ lâu thường dán chặt vào nhau.
Thậm chí mấy cái tem gửi thư, tờ giấy viết, đã làm cho tôi phải lao đao, vấn vít lẫn vào, tiếng suối reo, tiếng chim hót và cả tiếng ve sầu kêu ở trong rừng. Thế mà một buổi tối tôi trở về, mới bước vào cửa barrack đã có mấy người rối rít:
- Anh Bình có loa gọi lên ban đại diện nhận money order!
Như trong hầm tối, tìm thấy cửa hang, nhiều sợi tơ vàng quấn quanh giấc ngủ của đêm hôm ấy. Ông ân hay bà ân nào của bốn phương trời, lại ngó một mắt, đến nơi hẻo lánh xa xôi này
Không ngờ người đó, lại là Lầu Chí Chăn, một người ” nhái ” được về sau tôi, nhưng lại có hoàn cảnh đến bờ trước. Hai mươi dollars, nhưng làm sao định giá của nó được, trong cảnh đời của tôi lúc bấy giờ?
Tôi đã chạy như có người đuổi, về chỗ cô nàng ”lê” có nước da ngà voi, được gói gọn trong cái giấy hồng lụa mềm, chỉ có 50 cents. Tôi đã ôm gọn cái tôi chưa biết mùi, chạy bay vào rừng, về căn lều đụp, và bên dòng suối Nghê Thường, không có chỗ nằm, tôi ngồi dựa vào một thân cây làm cột lều. Lôi tuột của lạ xuống, để ngay ra trước mặt, trước khi cắn, tôi nhìn kỹ lưỡng một lần nữa. Một làn hương chưa bao giờ ngửi thấy, đã đẩy tay tôi đưa áp vào mũi, phê qua, không chịu được nữa rồi.
Một con chim mầu xanh lam đầu đỏ chót, đứng trên một cành quen, chéo trước mặt nhìn tôi, cất tiếng hót: Hì … lá …..hì …….lá……cứ như đòi muốn chia phần. Tôi quắc mắt, lườm lại nó, rồi tôi đã cắn một miếng từ lúc nào, nghe cuống họng kêu rồn… rột. Tôi nhai ngấu nghiến, chỉ hơn hai phút, quả lê nõn nà đã mất tiêu vào cái vụng, cung cấp sự sống từ bao giờ. Con chim đầu đỏ đã bỏ đi từ, lúc tôi lườm.
Tiếng suối hôm nay nghe như một đám trẻ con đang cười đùa, đuổi nhau ở sân đình. Tôi đứng dậy thả bách bộ vào mãi chiếc đầm con, cạnh dòng suối. Miệng vẫn ngọt vì nước của trái lê còn dư vị.
Tư tường của tôi đã nhẩy phắt về quê nhà, thoáng thấy mẹ, vợ và con gái; lại vút về KuKu với con tàu đã nuốt sống 105 mạng người. Hẳn bây giờ chỉ còn xương rải rác đây đó dưới đáy biển, hay trong bụng những con...cá to. Còn một người vô thức nằm lại KuKu, nhìn chung quanh cảnh rùng im vắng, chợt một ý thơ lâu ngày của một cổ nhân: Trần Tử Ngang (651-702) đời nhà Đường xọc vào trí óc của tôi:
Nhìn phía trước người xưa vắng vẻ. Ngoảnh về sau quạnh quẽ người sau Ngẫm hay trời đất dài lâu Rừng hoang sầu lắng ngậm ngùi mình tôi …
Một điều đáng được biểu dương, như một truyền thống tâm linh, của dân tộc. Đồng bào ở Pulau Galang đã dựng xây một ngôi chùa to lớn với những trang trí của hoàn cảnh tị nạn. Nơi tụ tập cử hành, những ngày lễ trang nghiêm tôn thờ Đức Phật Như Lai và Quan Thế âm Bồ Tát. Một nhà thờ cao ráo nằm dài, cạnh một đồi thông, tôn thờ Chúa Giê – Su Hài Đồng và Đức Mẹ Đồng Trinh. Vào những ngày Chủ Nhật, người công giáo đến tham dự lễ đông đúc khác thường. Cha Dominici, Ngài tận tụy tha thiết phụng vụ người tị nạn, như cho chính người.
Có thể mỗi người vừa trải qua những ngày gian truân, hiểm nguy sống và chết, lòng mộ đạo được củng cố phát triển lũy tiến.
Kỳ này trên khu Cao Ủy nhộn nhịp khác thường, nhiều phái đoàn của Canada, Úc Đại Lợi và nhất là của Mỹ mới được tăng cường. Tôi đã nhìn, nghe nhiều cảnh, nhiều tình huống cười ra nước mắt, nhưng cũng có lúc ngậm ngùi xót xa. Sáng hôm qua tôi vừa đến khu của phái đoàn JVA (Mỹ) thấy một đám đông nhốn nháo. Một ông hơn 40 tuổi là đội trưởng một đồn cảnh sát ở Nha Trang, không hiểu vì lý do gì, bị phái đoàn Mỹ từ chối, ông đã kéo theo đứa con gái 8 tuổi, nhẩy xuống chiếc giếng sâu, phía sau khu Cao Ủy.
Người ta hô hoán, cảnh sát Indo đã phải giòng dây leo xuống cứu. Cả hai bố con đều bất tỉnh nhân sự, ông bố bị gãy chân trái, đứa con gái vỡ đầu máu chảy lênh láng, đỏ cả chiếc áo. Họ cho lên một chiếc xe Indo, chở đi nhà thương cấp cứu, tôi chưa biết nhà thương ở đâu? Xa hay gần?
Từ hơn một tháng nay, hệ thống truyền thanh của trại thường nói về cuộc vượt thoát oai hùng, bằng đường bộ của Lý Tống. Anh ta đã bơi qua eo biển giữa Mã Lai và Singapore. Một cái eo biển được thế giới biết đến, vì có rất nhiều cá mập. Một vài tờ báo ở Mỹ đã gọi anh là ” A man never seen “. Đài truyền thanh của trại, thường phát về chiều tối và buổi sáng sớm. Nhiều chi tiết tường thuật về anh, nhưng một chi tiết tôi để ý: ” Theo đài khi anh vượt qua Campuchia đến Thái Lan, ông Đại sứ Mỹ ở Thái Lan đã đến thăm anh, với những thành tích vượt thoát nhiều lần trong nhà tù của cộng sản. Ông có hỏi Lý Tống:
- Anh có một phương sách gì hữu hiệu, để tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản?
Lý Tống đã chỉ vào một tập giấy, viết tay ở đầu giường, trả lời:
- Tất cả đường lối, kế sách để triệt tiêu cái chế độ vô thần tàn ác cộng sản, đều nằm trong tập giấy này!
Tôi rất ngưỡng mộ, thèm muốn có một ngày nào đó được đọc, để học hỏi, những điều kỳ diệu ấy.
Rồi được biết anh Lý Tống cũng đã có mặt ở Galang này. Tấm lòng của anh cũng rất đặc biệt, do cái quỹ nào đó ở Mỹ đã tặng anh 500 dollars, anh đã tặng lại ngay phòng giáo dục trại, để mua sách vở cho các cháu thiếu nhi, ở trại Galang. Đã có một số anh em mới quen biết ở trại, nói với tôi:
-Ở trại tị nạn Galang này gần 2 chục ngàn người, có hai người đặc biệt: Lý Tống và anh là một điệp viên, đi tù 18 năm.
Lý Tống thì danh tiếng như cồn, còn anh như con gà giò, may mắn thoát khỏi mồm con lang, thì lại chui vào bụi rậm, nằm im thin thít!.
Tôi đã cười, chậm rãi nói với các anh:
- Một người đi trên máy bay gào mây, thét gió, một người thì lò dò lặn lội ven bờ ao. Cao và thấp đã rõ ràng!
Một buổi chiều muộn, tự nhiên thấy lòng cồn cào, lắt lay về Thành Đô yêu dấu. Tôi mò lang thang ra đầu một cái mỏm Galang, hướng về quê nhà. Trong dáng chiều nghệ non, rải rác đây đó hàng chục những cặp đầu xanh, lẫn đôi mái đầu tiêu nhiều muối ít, như dính chặt vào nhau, trong cái dạt dào, ồn ào của sóng biển.
Tâm hồn của họ đã biến đổi, từ khô cằn vàng úa, sang mầu xanh mượt mà, tương lai. Lòng nhiều người đã mở cửa, đón nhận hương sắc của đời. Da
trời chuyển thành mầu tím ngắt, như cà ghém tím vào mùa. Tôi đăm chiêu rõi nhìn về phương trời xa, mờ mịt, rồi lặng lẽ trở gót, tôi quay về barrack. Mặc cho dòng đời, chênh vênh ngược xuôi, chìm nổi.
Ngày hôm sau, tôi len lỏi vào mãi phía trong sâu của mảnh đất nhiều sỏi đá, nhưng đã khắc dấu tự do vào tâm hồn nhiều người Việt. Xa xa một ven đồi nhiều đại thụ, rõ ràng một chiếc cổng sơ sài, mộc mạc bằng cây rừng. Một miếng gỗ dài, quét vôi trắng, viết chữ: Chiêu An Tự, mực Tàu, đen nhánh, treo trên một chiếc cổng thô sơ, như muốn lôi kéo lòng tọc mạch, của khách lãm du.
Quả thật, khi tôi gần đến nơi, đã thấy thấp thoáng bóng người. Qua những con đường lắt léo leo trèo, mùi hương trầm đã phảng phất, trộn vào mùi hăng hắc, ẩm mốc của cây rừng. Bước vào trong cổng, càng đi tôi càng ngạc nhiên, con đường nho nhỏ gập ghềnh, nhưng tỏ có bàn tay người săn sửa hằng ngày, dẫn vào một ngôi chùa nhỏ. Phải nói là một ngôi nhà gỗ lợp tôn fi-bro, đã mốc meo. Càng đến gần, mùi hương khói càng đặc sệt. Tiếng mõ đều đều, thong thả vọng ra: Cốc.. cốc. cốc
Hồn tôi như du vào cõi thinh không, một thoáng trở về gặp tiền bối Chu Mạnh Trinh:
Thoảng bên tai một tiếng chầy kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
Thấy tôi ngấp ngó nhìn vào trong điện, một vị sư chừng gần 5 chục tuổi, từ trong một cửa ngách đi ra. Như một cơ duyên của hai tâm hồn riêng biệt, tôi đã được đàm đạo với thượng tọa, gần hai tiếng đồng hồ về kiếp nhân sinh, về nhân quả, luân hồi của kiếp người. Tôi nhớ vị thượng tọa đó là Thích Thắng Hoang. Hơn 20 năm rồi, chẳng biết thượng tọa hiện nay, ở phương nào?
Chiều hôm đó tôi trở về barrack, được biết tôi có một lá thư Việt Nam, nhìn đồng hồ, chỉ còn 7 phút nữa BĐD đóng cửa. Tôi chạy hộc tốc lên ban đại diện, như đuổi theo một chuyến xe đò vừa bắt đầu lăn bánh. Đến nơi, cửa đang đóng cánh cuối cùng, thì tôi bước vào.
Cầm lá thư đầu tiên từ quê hương, sau hơn 5 tháng mờ mịt chân mây. Như một hành động vô thức, đôi tay tôi đưa lá thư lên tận mũi từ bao giờ. Tôi có cảm tướng lá thư còn hơi hướng của mẹ, của vợ, của con và còn cả cái mùi ngan ngát của quê nhà thương nhớ, của riêng tôi.
Tôi hiểu có nhiều điều bất ngờ lắm trong lá thư, nhưng tôi cương quyết không xem lúc này. Tôi đút lá thư vào trong ngực, chỗ trái tim tôi đang thổn thức vơi đầy. Tôi sẽ ôm lá thư ngủ một đêm, với bao nhiêu điều dật dờ, lơ lửng bất ngờ trong lá thư đầu, từ ngày xa những người thương yêu nhất, của đời tôi.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen