To sit alone in the lamplight with a book spread out before you, and hold intimate converse with men of unseen generations - such is a pleasure beyond compare.

Kenko Yoshida

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 179: Võng Lõng Đu Đưa
ãi 8 giờ chị Hằng mới mò lên chịu soi gương xem mặt mình. Nước triều lênh láng, gió dìu dịu như đèn cạn dần dầu. Tiếng quậy của một con cá ở dưới cầu, tôi ngoái lại, một làn hương lạ, quyện vào gió chiều. Tôi không tin được, trong bóng tối sáng lờ mờ, cô Hằng đang lò dò tiến ra cầu, dáng đi rụt rè vì sợ té hay vì ngại ngần? Vì cái gì, tôi cũng quay lại. Tôi đã cầm tay Hằng dẫn cô đi một đoạn cầu, không biết tay tôi run hay tay cô run, nhưng rõ ràng mát như lụa, mát như cái cảm giác ban đầu cô ngủ mê, gác chân lên ngực tôi.
Cái buổi ban đầu… lưu luyến ấy
Ngàn năm… chưa dễ … đã ai quên?
(ai quên hay quên đi tùy theo tâm trạng)
Chỉ một đoạn cầu, ý tưởng của bác Nguyễn Bính đã sồng sộc, xốc vào hồn tôi. Do mỗi người đều có lòng tự trọng nên tôi và Hằng đã ngồi cách xa nhau một cánh tay. Cô Hằng giọng ngọt như nước mưa đầu mùa:
- Chú …. hay ra đây ngồi một mình?
Nhìn làn tóc óng ả đen huyền, mềm như sóng lùng trong vụng, tôi nôn nao, thở nhè nhẹ, lẫn vào gió:
- Để.. nhìn về ….quê hương!
Hằng “hứ” lên một cái, nghe như tiếng con nai tơ “hực” lên mỗi khi gặp con dê mật, đang gãi sừng trong rừng thu. Nhìn vào hai đốm sáng, tôi hỏi đùa:
- Đã khi nào Hằng nhìn thấy ba mặt trăng một lúc chưa?
Giọng cười khèn khẹt như gà giò mới biết gọi trống:
- Thôi! ” Đốt ” chú đi!
Tôi định nói cho vui như nỗi niềm hơ hớ nhựa trong lòng: “đốt ” tức là ” nướng “, vậy Hằng định ăn hết hay một nửa? Nhưng khi nghe những tiếng cười khúc khích của mấy đôi, phía bên cầu barrack kia, tôi nói như giải lý nghiêm trang:
- Một chị Hằng ở trên trời, một chị ở dưới biển và một cô em Hằng ngồi trước mặt!
Trong barrack tự nhiên có tiếng đập vào cửa phành phạch liên hồi, như tiếng xe bình bịch nổ máy. Hằng đứng lên. Đưa Hằng trở vào rồi, tôi trở lại, ra cầu tiêu. Tôi đã chỉ cho Hằng một ngọn thông cao nhất, trong một khoảnh rừng non sát mé biển. Xa chừng 300 mét phía trong phố, để cho Hằng yên lòng, tôi nhấn mạnh rõ ràng: ”Đúng 6 giờ chiều mai tôi đã có mặt ở đấy rồi“,
Hằng đã yên lặng gật đầu.
Thật sự cái đêm hôm ấy, tôi nằm mà cứ như đang bơi trong nước, hay bay trong mây. Tôi nằm để nghe, để cảm nhận từng ngóc ngách tâm trạng của một người có “hẹn hò” nó sẽ như thế nào? Mỗi ai hồi tướng lại, cái buổi “hẹn hò” đầu đời của mình, mới thấy cái rạo rực, run rẩy. Lúc thì rõ ràng quang đãng, như trời không mây; lúc lại lờ mờ, như sương mù tháng củ mật, của lòng tôi lúc này.
Chuyện riêng… ai chằng… một lần mím môi?
Ngỡ ngàng là … tiếng lòng tôi
Bâng khuâng là cả ….nẻo trời bâng khuâng.
Chiều hôm sau, tôi đã rời barrack ngay từ 5: 30, tôi len lỏi đến tận gốc thông già, và đã vặt những cành lá thì mới lớn, để chuẩn bị một chỗ ngồi. Tiếng dạt dào, xao xác của sóng biển vọng đến, lẫn với những tiếng re re của dế cơm, dế chũi. Mà cũng lạ, tiếng dế chiều của Indo, khác hẳn với tiếng dế của quê nhà. Tiếng dế của đồng nội quê hương mình nó ngọt, nó êm; nó không dằn dỗi tức tưởi, như tiếng dế ở đây.
Một chiếc lá rơi, một tiếng chim hắng dạng, cũng làm tôi quay lại, tướng như “người ấy” đã … thập thò.
Rồi một làn hơi lạ, thoang thoảng như mùi hoa móng rồng xoắn cuộn vào hơi lá cây rừng. Trong ánh lờ mờ, Hằng từ trong ấy rụt rè tiến ra, không một lời nói. Như có một lực hút của nam châm, tôi và Hằng đã ôm chặt, như không còn ôm được nữa. Hằng hổn hển áp mũi và mặt vào cổ tôi. Cái mùi hoa móng rồng, như cả chùm, úp chặt vào mũi tôi, tay của tôi tự nhiên như mất hết sức, rủn ra. Tôi tường như phải ngã đổ kềnh ra, thì một hồi trống cà rùng gióng lên, ngay phía bên ngoài.
Năm, sáu cậu thiếu niên 14- 15 tuổi đuổi nhau, chạy xổ vào trong đám rừng non. Các cậu mặc quần áo boy scoot, hò hét tiếng Indo, tôi và Hằng chẳng hiểu gì. Như một thùng nước lạnh dội vào người đang ngủ, Hằng đã lủi ra đường, và tôi đờ đẫn nhìn mấy cậu Indo đùa dởn, như nhìn một chiếc thuyền câu, gió đổi chiều.
Tôi chưa muốn trở về barrack, tôi lang thang đi vào mấy phố lạ, trong bóng điện mập mờ chỗ sáng, chỗ tối. Tay này sờ lay kia, tôi sờ cổ, sờ má. Thậm chí, tôi sờ, tôi xoa cả bên ngoài chiếc áo sơ mi như tôi muốn tìm lại, một chút quen quen vừa mới đây. Cả cái mùi nhè nhẹ vương vấn, của móng rồng còn quấn, quẩn vào quần áo của tôi.
Đến một con đường hẹp, từ trong một ngõ hẻm, bóng một phụ nữ Indo, bế một đứa con nhỏ đi ra, tóc của người mẹ thật dài, đứa nhỏ cứ vơ lấy cuốn vào cổ nó. Cũng như có một lực hút ngầm, chân tôi đã quẹo đi theo hai mẹ con. Một luồng lực âm từ chui xộc vào tâm hồn, làm tôi quặn thắt lại. Em Hoa, người vợ tận tụy thủy chung của tôi, đang mòn mỏi ở quê nhà, tại sao tôi còn đu đưa tìm hương sắc lạ?
Tôi đã đi theo hai mẹ con cả một đường phố dài, cho đến khi họ rẽ. Tôi lững thững lần ra nơi có tiếng sóng gọi, mời. Tôi cứ bước những bước đi vô định, trên bãi cát lạ, vắng người. Tai nghe tiếng sóng gầm ghì dạt dào, như những lời oán trách, chửi bới của người mẹ mù lòa, và người vợ thơ dại trằn trọc trong những canh khuya. Người con, người chồng đã ra đi vào giông bão để cứu mình, cứu gia đình và may ra góp được một phần nhỏ bé, cứu quê hương?
Chân tôi đã mỏi dừ, mà lòng vẫn còn vặn vò khắc khoải. Tôi ngồi hẳn xuống một phiến đá lồi, dõi mất về hướng quê nhà. Tôi cứ nhìn mãi về phía xa xôi mờ mịt ấy, như muốn nguồn cơn với biển, với trời, chẳng lẽ con người của tôi lắt lay không có hướng như vậy?
Mới đến KuKu gần 10 ngày, đang chờ tàu cao ủy đến đón, đưa về nơi chính là trại Galang. Những buổi chiều muộn, buổi tối khuya từng cặp của cả hai barrack, ở trên cầu hay ngoài bãi. Không thể phủ nhận được một điều, sau một chuyến hãi hùng đi qua một cửa tử thần. Riêng tư, cá biệt không kể, hầu hết tâm tư của mỗi người đều mở rộng, như một kiếp đời mới để đón nhận, một cảnh đời nhiều mầu xanh phía trước. Nếu không nhìn rõ tâm trạng này, sẽ không thể thấu triệt, nhìn những sự việc khác thường, trong cảnh đời tị nạn nơi xứ người.
Tôi cứ ngồi mãi, để lòng tôi tâm tình, chuyện trò với sóng, với gió, với đất, với trời và với mây. Chẳng phải do những tiếng phành phạch đập cửa, càng không phải do những cái quắc mắt của vợ chồng Phạm Lộc. Những cái đó chỉ càng làm cho tôi chạy nhanh, chạy đường hoàng hơn tìm cái tôi muốn. Cái khác, cái không nhìn thấy nhưng lại có sức mạnh áp đảo là nhân cách, đạo đức của một người. Mấy tiếng đồng hồ, tôi ngồi một mình trong khu biển vắng, đã phân định rõ con đường phía trước, dù cho có nhiều chông gai, lầy lội cũng chẳng thể làm đổi hướng. Tôi chỉ nỗ lực vượt qua, như tôi đã vượt qua những hầm hố, những tử sinh của đời.
Tôi trở về đến barrack đã 11:30 đêm, để rồi sáng hôm sau, 6 giờ tôi đã ra khỏi barrack, lại trở ra vùng sóng gió, tôi cứ dọc theo ven bờ, tôi đi mãi để nhìn những cảnh vật chưa bao giờ thấy. Điều chính yếu, tôi nói với tôi, chưa đủ uy lực để chống đỡ với sóng điện từ, của một đôi mắt trong như nước giếng chùa Láng, giữa Thu.
Mãi chiều tối hôm ấy, tôi mới trở về, được tin sáng mai có tàu Cao ủy từ Galang, đến đón cả hai thuyền. Sáng sớm hôm sau, một chiếc tàu tương đối, ghé bến KuKu đón cả hai thuyền, thuyền buồm chúng tôi 53 người, và thuyền kia 61 người. Đó là ngày 30-01-1983.
Vì tôi thích gió, nên tôi ngồi ngay mũi của chiếc tàu, ngồi nhìn những lớp sóng bạc đầu đuổi nhau, tư tưởng của tôi bay nhẩy như một cánh bướm, trong một vườn hoa nhiều loại, nhiều mầu. Chợt một thoáng về con “tị nạn”, lại lang bang về bến bãi Chu Hải Vũng Tàu. Tàu đi cứ mỗi ngày mỗi to hơn, Natuna tới Kuku, rồi hôm nay từ Kuku đến Pulau Galang.
Nhìn những làn sóng cuồn cuộn đầu trắng như bông lại thấy thơ mộng, chẳng còn thấy hung dữ, bí hiểm như ở Chu Hải. Nhìn một đám mây vàng đang lướt thướt ở trên cao, cái đúng với lúc này, lại sai ở lúc khác. Chỉ mấy tháng trước, tôi thành khẩn làm đơn xin Đảng, và nhà nước mở rộng bàn tay nhân đạo, cho tôi trở lại nhà tù.
Nếu khi ấy Đảng lại chấp nhận lời xin xỏ của tôi, thì làm sao tâm hồn tôi lại la đà bay trên ngọn sóng, hôm nay? Cho nên ngay công lý không những phụ thuộc vào không gian, thời gian, mà còn phụ thuộc theo điều kiện, hoàn cảnh nữa.
Mới khoảng 3 giờ chiều, đã nhìn thấy ngọn cờ Cao Ũy Tị Nạn trắng nõn, dẫy dọn ở một khu có nhiều nhà. Mãi đầu mỏm Galang, lá cờ Indo đỏ trắng, cũng đang vẫy chào, như mời gọi những con người tha phương bất đắc dĩ, vì Tổ Quốc bị thằng con côn đồ, rình đâm lén, đang còn nằm dưỡng thương.
Tàu ghé bến Galang, lần lượt theo thuyền của mình, được dẫn đến một khu nhà gỗ lợp tôn, mỗi nhà dài 3 – 4 chục mét, cũng gọi là barrack. Nhìn trải dài chung quanh, có rất nhiều khu nhà barrack, như một thành phố trù phú dân cư. Thoáng chợt một cái gì gần gũi, nhưng quý trọng thiêng liêng, tôi có nhìn lầm không? Rõ ràng, lá cờ vàng 3 sọc đỗ, đang lắc lư xa xa phía
trong, như Tổ Quốc kính yêu nhớ thương, biền biệt của tôi từ hơn 20 năm rồi.
Mặc kệ bà con sắp xếp tìm chỗ nằm, tôi kéo tay cậu Thiện rảo bước, hướng về lá cờ Tổ Quốc, xa chừng hơn nửa cây số. Lắt léo một số đường ngang dọc chắn ngang, tôi vượt hết, cậu Thiện cũng bở hơi tai chạy theo tôi. Tôi và cậu đã đến chân cột cờ. Đó là khu ban đại diện của cộng đồng Việt Galang. Thảo nào khi nãy, có một số ông niềm nở ra đón, và đưa chúng tôi vào barrack.
Nhưng lá cờ Tổ Quốc đã thu hết tâm hồn của tôi rồi! Tôi ngước nhìn lá cờ vàng rực rỡ, tôi khoanh tay cúi đầu như kính chào. Một đứa con lạc lõng bơ vơ, mấy chục năm dài trong hang rấn, tổ sài lang.
Nhìn lá cờ nhún nhẩy như nụ cười đôn hậu của tổ tiên, hồn thiêng của sông núi., tôi có cảm tường như biết bao nhiêu hồn thiêng, của đồng bào và chiến sĩ đang quắn quít, chung quanh lá cờ.
Tôi và Thiện khoanh tay và kính cẩn cúi đầu lần nữa, kính chào tạm biệt ông cha, chúng tôi chạy vội về barrack để lo chỗ ăn, chỗ nằm. Barrack của chúng tôi số 33 thuộc Zone hai. Tối hôm đó chúng tôi đã được biết sơ sơ:
Hiện nay, tổng số đồng bào tị nạn ở trại trên 14,000 người. Những người của chiếc thuyền buồm chúng tôi, đã có địa chỉ để liên lạc thư từ, với thân nhân ở ngoại quốc.
Boat: Đ N 2013 CA, INS 7881 34 Banack 33, Zone II Refugee Camp, Galang I INDONESIA
Tôi xin thưa cùng quý vị:
Một phần tôi có những chi tiết thời gian, không gian và sự việc, do 1992 vợ tôi (Hoa) sang Mỹ đoàn tụ, đã mang theo những lá thư đầu tiên tôi đến Galang. Tôi gửi về cho mẹ tôi, cho Hoa qua những địa chỉ của chú Thương ở Pháp, bạn bè BK ở Mỹ, và những phái đoàn Caritas đến thăm trại tị nạn.
Hoa cũng đem theo:
- Những cuốn vở trình diện, hàng ngày của tôi.
- Giấy tạm trú nhà bố mẹ, 3 tháng một lần.
- Các giấy tờ tiểu ban QLNNHTĐV, công an Thành, Quận, Phường, khu vực nên có tên thật và chức vụ của họ.
- Giấy chứng nhận, của Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa, (nơi tôi làm việc)
- Cả tờ giấy nháp tôi xin Đảng trở lại tù.
- Giấy kiểm điểm vắng nhà, hàng tuần lễ vượt biên, không thành v.v…
Thậm chí có cả một chiếc bí-tất dầy bằng những giẻ chùi trong cầu tiêu, để chống muỗi ở xà lim I Hỏa Lò. Cả một chiếc lược nhôm, tôi tự làm với Lê Sơn ở trại E, phố Lu Lào Cai 1968.
Galang do mưu sinh, nhiều người tạo lập những quán hàng, nên có một đường phố dài, nhà cửa chắp vá hai bên, để rồi có một rạp ciné, có nhà thờ, có chùa, có trường học cho các em nhỏ, và không thể thiếu có một đồn cảnh sát Indo dù ban đại diện cộng đồng đã có một tiểu tổ trật tự, để giải quyết những vụ việc tất nhiên, trong cộng đồng hơn chục vạn người, mà quyền tự do mỗi ngày mỗi tăng ở trong lòng mỗi người, một quần thể đông đúc, người cùng một quê hương, cùng chạy cộng sản trong giai đoạn này.
Riêng với tôi, vì nhiều lý do để tâm trạng của tôi, dần dần vón cục lại, dù 14 ngàn người này, đủ mọi thành phần xã hội. Khi tôi từ miệng con Hồng Tuộc trở về: Bố mẹ, em gái, bạn thân còn không nhận ra tôi, nên hầu như ở đây tôi không có ai là người quen biết.
- Tâm tư còn đặc sệt máu và mủ của quê nhà ngày đêm còn nặng mùi nên chẳng ai muốn gần ai.
- Những lo toan danh và lợi của mọi người làm cho tôi lạc lõng, cô đơn, quạnh hiu.
Tôi xin nói sơ về giá sinh hoạt khi ấy (đầu 1983) ở Galang để quý vị có một chút khái niệm:
1 đồng Việt Nam = 12 Rupias (tiền Indo)
1 lượng vàng = 400,000 rupias.
Bó rau muống độ 20 ngọn giá 100 rupias; quả bầu 3kg giá 500 rupias; mướp 1 quả giá 200 rupias; bát phở giá 500 rupias; 1 vé ciné 500 rupias; 1 lon bia 600 rupias; ly cà-phê đá 200 rupias.
Tàu của tôi khi đó đến 80 phần trăm có thân nhân ngoại quốc gửi tiên cho bằng money order, money transfer cứ 100 Mỹ kim= 80,000 rupias.
Do hoàn cảnh riêng tôi chẳng để ý đến những thứ ấy. Ngoài những ngày phải đi interview, khai báo với các phái đoàn, sáng sớm dậy tôi đã ra khỏi barrach để đi vào một khu rừng non ở gần đấy tới khi trời tối mới trở về barrack. Khi đó Cao Ủy phát cho mỗi người hai gói mì khô mỗi ngày. Nhiều người, nhiều gia đình họ đem mì đổi gạo v.v.. xoay sở. Nhưng với tôi đã quá đủ rồi, hai gói mì: sáng một, chiều một.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen