Books are immortal sons deifying their sires.

Plato

 
 
 
 
 
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 208
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 22739 / 122
Cập nhật: 2015-10-14 21:37:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Z.28 Vượt Tuyến - Chương 11: Tây Bá Linh Một Đêm Mưa
ây Bá Linh, một buổi chiều mưa đông sùi sụt. Một chiếc phi cơ lạ hạ cánh xuống trường bay trong sương lạnh hoàng hôn.
Nửa giờ trước khi phi cơ hạ cánh, nhiều biện pháp bảo vệ an ninh khác thường đã được áp dụng. Các lối ra vào bị bít nghẽn bằng chướng ngại vật với những binh sĩ không quân đứng gác bằng súng cắm lưỡi lê sáng loáng. Hai chuyến bay thương mãi bị bãi bỏ bất thần, xe ca chở hành khách đến tận phi trường chưa kịp tắt máy thì tài xế được lệnh lái lộn về thành phố. Đài kiểm soát không lưu cũng không cho phép mọi phi cơ đến gần.
Ngoại trừ chiếc phản lực cơ sơn màu xám, màu của trời chiều chìm ngập trong màn mưa. Giãy đèn pha khổng lồ trên phi đạo bê tông trơn trượt chỉ được bật sáng cho phản lực cơ đáp xuống. Rồi tắt ngúm. Dường như nhà đương cuộc không muốn những con mắt tò mò nhìn thấy màu cờ và số hiệu của phi cơ. Và nhất là nhìn thấy những ng
Trên thảm xi măng rộng thênh thang, con chim sắt to lớn đậu trơ trọi một mình. Không có ai ra đón. Cửa giành cho hành khách cũng được đóng kín.
Không kể nhân viên phi hành đoàn, hành khách trên chuyến phi cơ lạ này chỉ gồm vỏn vẹn hai người. Hai người đàn ông. Người thứ nhất nhanh nhẹn, dĩnh ngộ, thân hình vạm vỡ, diện mạo có những nét Đông phương. Người thứ hai vẻ mặt trầm tư mặc tưởng, và không cần nhìn gần, ai cũng biết là người phương Tây. Hai người này là Văn Bình Z.28 và Bilatốp, nhà bác học hỏa tiễn sô viết.
Cả hai đều khoác ba-đờ-suy bằng nỉ dầy màu sẫm, và đội mũ phớt vành to. Tuy trời mưa, họ không che dù, cũng không mặc áo tơi. Bilatốp có vẻ chậm chạp. Hắn xuống hết cầu thang phi cơ, lấy bàn tay che mắt nhìn quanh ngơ ngác. Ba chiếc xe hơi sơn đen từ bên trong phi cảng chạy vụt ra đậu thành hàng dài dưới cánh máy bay. Xe nào cũng quây kiếng kín mít. Phía sau kiếng là riềm đen nên không thể biết được trong xe có bao nhiêu người ngồi.
Văn Bình hít hà khi nhận ra loại Gaz-13 do Nga sô chế tạo, bánh cao lêu nghêu, thân dài ngoằng chỉ thua Cađilắc của Mỹ. Nhưng về an toàn và sang trọng thì kém Cađilắc một vực một trời. Hình dáng thô kệch của đoàn xe Gaz-13 như liều thuốc hồi sinh đối với Bilatốp. Vì Gaz-13 là một trong các kiểu xe Tchaika và Bilatốp từng lái một chiếc Tchaika động cơ cực mạnh ở Hà nội. Hắn khựng người một giây rồi hỏi Văn Bình:
- Liên Sô?
Văn Bình gật đầu. Dọc đường hắn hỏi chàng nhiều lần về địa điểm sẽ tới song chàng không đáp.
Cửa sau của chiếc xe giữa mở toang. Văn Bình nhường cho nhà bác học sô viết hảo ngọt lên trước. Cũng trên nệm sau, ngồi sát vào cửa bên kia là một người đàn ông Việt đứng tuổi, để râu mép nghiêm nghị, đeo kính trắng gọng đồi mồi Hà Tiên. Trần Phiến, tùy viên quân sự của tòa đại sứ Việt Nam tại cộng hòa liên bang Tây Đức.
Đại tá Phiến nắm chặt bàn tay đeo găng da của Văn Bình, giọng ấm áp:
- Hân hạnh được quen trung tá.
Nghe Trần Phiến chào, Văn Bình mới chợt nhớ ra mình là trung tá. Và cách đây một năm, còn là thiếu tá. Được ông tổng giám đốc phong trung tá, chàng cũng chưa hiểu tại sao. Không phải vì chàng đã thu lượm hàng loạt thành công vẻ vang và lon trung tá là phần thưởng của chàng. Vì thật ra, chàng không hề là quân nhân.
Bilatốp không hiểu tiếng Việt nên ngồi yên lặng. Xe hơi vòng qua một con đường nhỏ, chạy ra trước phi trường, rồi hướng về trung tâm Tây Bá Linh. Tuy nhiên đoàn xe không ra khỏi khu vực Mỹ. Chạy loanh quanh một hồi đến gần ranh giới khu sô viết 200 thước, đoàn xe rẽ vào một biệt thự đồ sộ, quét vôi trắng toát. Trước mặt biệt thự là công trường Pốt-đam thuộc khu Nga kiểm soát. Cửa ga ra vừa xập, đại tá Trần Phiến mở cửa xe nhảy xuống. Bên cạnh ga ra là một căn phòng gắn máy sưởi ấm cúng. Trần Phiến quay điện thoại và nói bằng tiếng Đức:
- Alô, Trần Phiến đây. Xong cả rồi. Xin liên lạc gấp với họ bên ấy.
Người đối thoại cũng đáp bằng tiếng Đức thật thụ:
- Trong nửa giờ tôi sẽ gọi lại. Trong khi chờ đợi, xin chuẩn bị sẵn sàng.
Nếu không có những bóng người cao lớn, lầm lì và những khẩu tiểu liên đen sì, lạnh lùng, bố trí khắp nơi, Văn Bình đã tưởng lầm đây là phòng trọ một đại lữ quán tân tiến. Riềm cửa bằng nhung được kéo kín, ánh đèn dìu dịu, âm thanh nổi một nhạc phẩm thời danh từ bốn góc phòng tỏa ra, một cái tủ đựng những thứ rượu hợp khẩu cái và cái giường thấp, rộng, êm, trải nệm lông dầy trên hai gang tay... Những tiện nghi mê ly này làm Văn Bình thèm rệu nước miếng.
Chàng đâm oán Trần Phiến. Oán Bilatốp. Oán ông Hoàng. Vì Bilatốp, vì ông Hoàng mà chàng phải lặn lội đến Bá Linh. Ông Hoàng đã ra lệnh cho chàng đóng nốt xen cuối cùng của vở kịch Bilatốp. Lát nữa đây, chàng sẽ vượt rang giới, sang địa phận Đông Đức, để trao trả nhà bác học dại gái cho nhà đương cuộc sô viết.
Văn Bình ngả mình vào nệm ghế, thở khói Salem ngát mùi bạc hà lên trần nhà. Hai ngày trước...
o O o
Phải, hai ngày trước, trong khi Văn Bình mải mê trượt nước với Thúy Liễu trên sông Sàigòn thì Lê Diệp xuất hiện, triệu chàng về tổng hành doanh. Tuy ông Hoàng chỉ cho phép chàng sống gần Thúy Liễu trong thời gian con tàu lênh đênh trên biển, trên thực tế chàng vẫn không xa nàng khi tiềm thủy đĩnh cặp bến Cam Ranh. Về đến Sàigòn, hai người vẫn cặp kè nhau, và không đêm nào là họ không thức suốt sáng. Để giữ sức khỏe, Văn Bình giành buổi chiều cho cuộc bơi thuyền trượt nước. Dĩ nhiên cũng như ở trong phòng riêng, Văn Bình đều có Thúy Liễu trong tầm tay.
Nhưng ngày vui đã hết. Chàng chỉ kịp khoác cái áo sơ mi cao bồi là chiếc xe sơn đen quái ác của Sở đã phóng nhanh như ma đuổi. Lần này Sở không đóng trong một biệt thự hoang phế ở Gia định mà ngự trong tòa cao ốc ngất ngưởng giữa thủ đô Sàigòn.
Nguyên Hương, cô thư ký trẻ đẹp với những đường cong đầy nhựa và đầy lửa, làm mặt giận không ngẩng lên hôn gió với chàng như mọi lần. Nàng cúi gằm trên máy chữ điện.
Ông Hoàng ngồi một mình trong căn phòng mênh mông sau giãy máy điện thoại, mỗi máy một màu khác nhau.
Không cần đợi mời ngồi, Văn Bình buông phịch xuống cái ghế bành êm ái bọc da đỏ đặt trước buya rô bằng sắt sơn đen. Đằng sau là tấm địa đồ to tướng. Thường lệ, bản đồ này khuất sau tấm riềm vải dầy, đóng mở bằng nút điện trên bàn giấy. Giờ đây tấm riềm được kéo dạt sang bên.
Máy điện thoại màu xanh biếc reo vang. Màu xanh này là dây nói ăn thông với ngoài nước, hoặc với các nhân vật ngoại quốc. Máy màu đỏ là tổng đài của Sở Mật Vụ. Nhân viên thuộc quyền ông Hoàng nói chuyện với ông qua tổng đài và qua máy màu đỏ. Máy màu vàng nghệ liên lạc với hệ thống các tỉnh. Còn may màu trắng ngà là máy liên lạc trực tiếp với chính phủ trung ương.
Mặt ông Hoàng sáng rực. Ông đặt máy vào giá, xoa hai tay như tránh rét tuy trời mùa đông ở Sàigòn vẫn nóng trên 25 độ, đoạn chậm rãi:
- Tôi muốn cử anh đi nữa, có được không?
"Có được không?" "Có được không?", chẳng qua ông Hoàng chỉ hỏi lấy lệ chứ có lần nào Văn Bình từ chối. Chàng làm thinh. Nhận thấy tính cách lấy lệ của câu hỏi, ông Hoàng tiếp:
- Lần này anh sang Bá Linh.
Chàng hỏi đón:
- Thưa ông lại nhảy dù xuống khu vực Nga chiếm đóng,
Ông Hoàng mỉm cười, khoát tay:
- Không, lần này không cần nhảy dù, mà là đàng hoàng vào bằng cửa trước.
Ngừng một phút châm xì gà, ông Hoàng tiếp:
- Đáng lẽ tôi cử người khác nhưng xét thấy anh đã nhiều phen vào đất cộng sản bằng cách nhảy dù, vượt biên giới lậu nên tôi muốn giành cho anh cái cảm tưởng thú vị của một chuyến thăm viếng công khai.
Văn Bình thở phào:
- À ra thế!
Ông Hoàng nhún vai:
- Bilatốp về đây đã hơn một tháng, trong thời gian này chuyên viên của ta đã nghiên cứu tường tận những tài liệu về các giàn hỏa tiễn mà họ xây cất dọc chu vi bức màn sắt. Từ nay, nhất cử nhất động của họ sẽ không thoát khỏi con mắt quan sát của ta và vạn nhất chiến tranh xảy ra, các giàn phi đạn của họ sẽ bị phá tan trong phút đầu. Dĩ nhiên họ có thể di chuyển các giàn hỏa tiễn sang chỗ khác. Nhưng di chuyển như vậy không phải dễ. Phải mất vài năm là ít. Và đợi họ di chuyển xong, ta lại tái diễn tấn trò Bilatốp.
Văn Bình ngắt:
- Ông lạc quan quá!
- Làm nghề này, khi nào không còn lạc quan nữa tất phải bỏ nghề. Thôi anh để tôi nói tiếp. Trong một tháng ở đây, Bilatốp đã được ta khai thác triệt để. Theo thông lệ chúng ta không bao giờ trả lại Bilatốp cho họ. Nhưng lần này...
Văn Bình lại ngắt:
- Ông định tra Bilatốp lại cho Liên sô?
Ông Hoàng rút trong túi ra miếng da trừu nhỏ, từ tốn lau đôi mắt kính láng bóng:
- Đúng, tôi đã quyết định trả hắn cho Liên sô. Câu chuyện đầu đuôi như vầy: hai tuần sau khi Bilatốp bị ta bắt, nhà đương cuộc sô viết yêu cầu một nước trung lập Á Phi điều đình với ta. Tôi đã thảo luận với các chuyên viên và ai cũng đồng ý là Bilatốp không còn hữu ích cho ta nữa. Qua trung gian của nước Á Phi này, ta trả lời chấp thuận nhưng với điều kiện phải bồi thường ta 10 triệu đô la Mỹ.
Văn Bình trợn tròn mắt:
- Sao? 10 triệu Mỹ kim ư?
Ông Hoàng vẫn thản nhiên:
- Anh cho hắn không đáng 10 triệu đô la sao? Kể ra hắn không đến nỗi đắt như thế, nhưng mình được cái may là bắt đưọc một nhà bác học có họ gần họ xa với nhà độc tài Cút-Sếp. (1)
- À, tôi hiểu rồi. Chắc gia đình Bilatốp giục Cút-Sếp điều đình.
- Phải. Vì vậy giờ chót tôi đổi kế hoạch và yêu cầu anh bắt cóc Bilatốp. Tôi không tin Cút-Sếp bỏ rơi được Bilatốp. Nhà bác học dại gái này là cháu của Cút-Sếp, cháu ruột nữa mới khổ chớ!
- Nên ông mới nhất quyết đòi 10 triệu đô la?
- Phải. 10 triệu đô la thật ra cũng chẳng nhiều. Họ chế vệ tinh, chế máy bay, tàu lặn còn tốn hàng chục, hàng trăm lần như thế. Nhưng đối với ta, 10 triệu đô la là món tiền khá lớn. Ít ra ta cũng đào tạo thêm được một số nhân viên nữa.
- Họ chấp thuận không?
- Đòi hơn nữa họ cũng phải cắn răng mở bóp phơi ra nữa là...
- Sao ông không đòi thêm?
- Nghệ thuật bắt cóc chuộc tiền nằm trong sự khôn ngoan đó. Đòi ít thì mình thiệt, nhưng đòi nhiều sợ họ lì ra không trả. Già nắn, rắn buông mà lại...
- Địa điểm trao trả ở đâu, thưa ông?
- Họ muốn ta trả ở đây, trả trên cầu Hiền Lương... nhưng tôi không chịu. Tôi đề nghị trả ở Tây Bá Linh (2) . Máy bay quân sự đang chờ anh ở phi trường Tân sơn Nhất. 30 phút nữa cất cánh. Bilatốp đã được mang ra trường bay từ trước.
- Thưa ông, Bilatốp có trí nhớ phi thường, các chuyên viên KGB có thể dùng hắn để tìm hiểu một phần nội bộ của ta...
Ông Hoàng cười ròn:
- Tôi đã nghĩ đến giả thuyết này. Và Nga sô cũng khôn như ranh. Họ bắt ta cam kết không được đánh thuốc độc cho Bilatốp. Trong quá khứ đã có những vụ trao đổi, nạn nhân vừa hồi hương được 5, 10 phút hoặc 5, 10 ngày thì chết vì độc dược. Nếu Bilatốp chết trong khoảng thời gian ba tháng sau ngày hồi hương, ta phải hoàn lại 10 triệu đô la.
- Đã nhận tiền rồi có bao giờ trả lại mà ông băn khoăn?
- Nói như anh không ổn vì còn quốc gia đứng ra làm trung gian nữa. Ta phải gây tín nhiệm chứ. Họ đòi như vậy, tôi sẵn sàng cam kết Bilatốp không bị tiêm thuốc độc. Bilatốp về Nga mạnh khỏe như thường và trái lại còn béo tốt hơn trước nữa là khác.
- Vậy thì...
- Có lẽ anh nóng ruột muốn biết lắm? Theo anh, bệnh nhân mắc chứng mặc cảm tội ác, hoặc những mặc cảm khác sinh ra chán đời thì phải chữa trị bằng phương pháp nào?
Văn Bình bóp trán rồi reo lên:
- Tôi hiểu rồi. Có thế mà không biết. Phàm mắc bệnh mất trí uống thuốc an thần không mang lại kết quả thì chữa bằng ma túy và bằng điện. (3)
- Đúng. Người bác sĩ đánh thuốc mê cho bệnh nhân ngủ thiếp, đoạn tiêm vào cơ thể một liều thuốc độc cuy-ra (4) làm cho trung tâm thần kinh bị tê liệt trong khoảnh khắc. Một khi thần kinh bất động, bộ máy hô hấp cũng ngừng chạy. Bệnh nhân được bơm dưỡng khí vào phổi để thở. Sau đó ta truyền điện vào óc bệnh nhân. Người điên chỉ được truyền điện sáu, bẩy kỳ như vậy là quên hết những mặc cảm yếm thế, tội lỗi... và hết chứng điên.
- Nhưng nếu khi khỏi điên, họ cũng quên mất truyện cũ phần nào, phải không thưa ông?
- Dĩ nhiên Bilatốp cũng vậy. Hắn không điên nhưng ta không muốn hắn nhớ mãi những điều hắn nghe, hắn thấy. Ta đã truyền điện cho Bilatốp.
Tuy nhiên, phương pháp truyền điện của ta khác phương pháp chữa bệnh thần kinh thông thường. Giới khoa học gọi là ESB (5) , thay vì truyền điện nhiều lần ta chỉ làm một lần, và dùng sức điện nóng dồn vào các tế bào trí nhớ trong não. Kết quả là trí nhớ bị đảo lộn hoàn toàn. Bilatốp vẫn tỉnh táo, vẫn thông minh nhưng những điều Phản gián sô viết muốn hỏi, muốn biết hắn đã quên hết.
Văn Bình bắt tay ông Hoàng. Nửa giờ sau, chiếc phi cơ bí mật rời trường bay Tân sơn Nhất. Nhân viên trên máy bay, từ hoa tiêu đến vô tuyến điện viên đều là điệp viên thân tín của ông Hoàng.
o O o
Chuông điện thoại reo trong phòng. Nghe xong Trần Phiến ra lệnh cho Văn Bình:
- Ta đi thôi. Họ dã chuẩn bị xong xuôi.
Văn Bình không ngạc nhiên khi thấy Trần Phiến cầm lái, và cả Bilatốp lẫn chàng đều ngồi ở băng trước. Thoạt đầu, Trần Phiến chạy từ từ, với hai chiếc Tchaika sơn đen quen thuộc theo sau, chở đầy nhóc cận vệ võ trang. Đến khúc đường cuối cùng dẫn đến ranh giới hai khu Mỹ-Nga ở Bá Linh thì Trần Phiến đậu lại. Toán cận vệ rẽ vào vọng gác kế cận của binh sĩ Mỹ trong khi Trần Phiến mở đèn pha sáng quắc xuyên thủng màn mưa, vượt qua cái chắn ngang bằng sắt đặt trên ranh giới. Từ ranh giới đi sâu vào Đông Bá Linh xe của Trần Phiến được một chiếc Opel sơn vàng, đeo bảng ngoại giao đoàn, hướng dẫn. Xe Opel này là của đại diện Ấn Độ làm trung gian trong vụ trao đổi.
Trời mưa như trút nước. Quang cảnh Đông Bá Linh ban ngày đã buồn, ban đêm càng buồn thêm, với những cửa nhà đóng kín, với ánh điện hấp hối, với những con đường vắng tanh, không một bóng người.
Các thành phố ở phía sau bức màn sắt đều buồn như nhau, song Văn Bình có cảm tưởng Đông Bá Linh là thành phố buồn nhất. Có lẽ vì ngay sau lưng chàng là một Tây Bá Linh đầy sức sống với hằng hà sa số địa đàng giải trí, đàn bà đẹp đông hơn đàn ông bên trong những nhà hàng tráng lệ trang bị điện thoại ở từng bàn, tha hồ hẹn hò công khai, và những hộp đêm thoát y giật gân, những căn phòng lữ quán thần tiên...
Tòa đại sứ Nga sô sừng sững bên đường. Tiếp theo là bộ Giáo dục Đông Đức, tọa lạc ở góc đại lộ mang tên ông thủ tướng cộng sản. Trước đây, chàng đã ghé ngã tư này nhiều lần để gặp một nữ điệp viên cực kỳ diễm lệ, hoạt động dưới quyền ông Hoàng. Một lần chàng suýt bị tóm vì có thói quen lười biếng không chịu cất giấu tiền Tây Đức trước khi vượt biên. Chính phủ phía đông áp dụng những luật lệ hối đoái hết sức khắc nghiệt: du khách không được mang ngoại tệ, một đồng cũng phải khai. Chàng nhẩn nha trên vỉa hè thì bị xét giấy, và khi trình sổ thông hành chàng đãng trí lôi luôn ra một xấp bạc... quốc cấm. Nhờ người đẹp xuất hiện kịp thời, và cũng nhờ cặp giò dẻo dai, chàng thoát nạn.
Trần Phiến lái qua trường đại học rồi quẹo sang công trường Hòa Bình. Quang cảnh vẫn vắng tanh, vắng ngắt. Trong xe được sưởi ấm mà Văn Bình lại thấy lạnh. Bất giác, chàng bẻ cao cổ ba-đờ-suy để che khí lạnh vô hình.
Một đoàn mô tô đã chực sẵn ở công trường, máy nổ rì rì. Theo chương trình được chấp thuận từ trước, đoàn bình bịch hộ tống hai chiếc xe chạy dọc theo những con đường cây cối um tùm đến địa điểm trao đổi.
Trần Phiến ấn cho Văn Bình cái ve nhỏ:
- Lạnh quá, lại quên mang rượu. Uống tạm cái apfelwein này (6) được không?
Văn Bình xua tay bây bẩy:
- Thôi, thôi, uống thứ xi rô đó càng lạnh thêm.
Nước Đức là quê hương của rượu bia, tuy nhiên uống rượu bia suông không thể nào bằng nhậu nhẹt với những món ăn Đức nổi tiếng. Đầu bếp Đức vang danh về môn phá-xí, được thưởng thức ngỗng chiên nhồi trái bom, và hạt dẻ hoặc gà con nhồi sữa, trứng, ruột bánh, lá thơm... thì ... bội thực chết non cũng đáng. Úi chao, lại còn xúp thịt nấu với la-ve... Văn Bình nghĩ đến mà thèm.
Chàng thầm mong cho công việc hoàn tất nhanh chóng, và nhất là đừng trục trặc vào phút chót, để chàng có thể vẫy tắc xi, phóng lại đại lộ Kudam (7) với người đẹp Lily tóc vàng ngồi bên. Nàng là người Đức chánh hiệu, tất nàng không khoái thức ăn Đức, vả lại chàng cũng biết rõ sở thích của nàng. Nàng ưa món Tàu. Nàng ưa những món thật bổ. Nàng thường nói nhỏ vào tai chàng "anh ơi, em phải tẩm bổ vì sợ... lát nữa thua anh".
Giai nhân tóc vàng thua Văn Bình là cái chắc mặc dầu nàng thuộc loại đàn bà rom rom, chân dài quá khổ, và thịt rắn trên mực độ trung bình. Thời gian trôi qua, lâu lắm chàng chưa gặp lại nàng, song chàng tin tưởng là nàng vẫn gầy nhẳng, thịt nàng vẫn rắn như dạo nọ. Cuộc so tài giữa hai người sẽ diễn ra nghiêng ngửa trong đại khách sạn Hin-tôn, cao ốc vô cùng tối tân với những chiếc giường vuông. Gần sáng, nàng gối đầu trên cánh tay khỏe mạnh của chàng, ngủ ngoan ngoãn giữa tiếng chim kêu vượn hót yêu đương từ vườn bách thú bên dưới vẳng lên.
Nhưng đó chỉ là tưởng tượng. Chung quanh chàng không khí vẫn ướt át và lạnh lẽo. Văn Bình liếm mép ra vẻ luyến tiếc. Trần Phiến vỗ đùi chàng:
- Trung tá đang nghĩ gì thế? Tôi biết nhiều nơi giải trí thú vị gấp chục lần Sàigòn. Lát nữa, chúng ta đến chơi cho vui.
Chàng lắc đầu:
- Cam ơn. Đêm nay tôi cò hẹn.
Trần Phiến nín lặng. Phiến tưởng chàng có hẹn với một điệp viên để lấy tài liệu. Chàng không ngờ Văn Bình có hẹn với người bạn gái xinh như mộng đợi chàng từ tối, đợi chàng từ nhiều năm nay.
Đoàn mô tô dừng trước một bin đinh cao ngất, đèn điện sáng trưng.
Tại phía đông có 22 sư đoàn Hồng quân sô viết đặt dưới quyền chỉ huy của tướng Ivan, và tòa nhà đồ sộ này là một trong các trụ sở KGB kín đáo của chỉ huy trưởng Ivan (8) , và lực lượng chiếm đóng. Nhà ngoại giao Ấn xuống xe. Một người mặc thường phục, cử chỉ cứng nhắc, đã chờ sẵn bên cửa. Sau đó, một đoàn người khá đông cũng mặc thường phục, và cũng có cử chỉ cứng nhắc, chứng tỏ họ là quân nhân chuyên nghiệp, từ tòa nhà bước ra ngoài, tiếp xúc với nhà ngoại giao Ấn.
3 phút sau, nhà ngoại giao quay lại, giơ tay vẫy Trần Phiến. Trần Phiến mở cửa xe, xốc nách Bilatốp xuống. Nhà bác học Nga hảo ngọt khua chân một cách rụt rè trên mặt đường ướt, và suýt trượt ngã. Hắn còn sửng sốt hơn nếu được biết trước ngày hắn khởi hành, thủ tướng Cút-Sếp đã ký chi phiếu chuyển số tiền khổng lồ 10 triệu đô la vào một trương mục vô danh ở Thụy Sĩ.
Hai người đeo kiếng trắng, vẻ mặt đạo mạo, có lẽ là y sĩ, giữ Bilatốp lại xem xét. Rồi cả hai gật đầu, ra hiệu cho toán người mặc thường phục đứng trên bao lơn.
Nhà ngoại giao Ấn chìa cho Trần Phiến một tờ giấy trắng. Trần Phiến rút bút máy ký vào biên bản. Đóng vai phụ tài xế, Văn Bình thản nhiên hút thuốc lá nhưng cặp mắt tinh anh của chàng đang ghi chụp quang cảnh diễn ra chung quanh. Chàng phải mở mắt thật rộng vì trong tương lai chàng sẽ trở lại Đông Bá Linh.
Văn Bình liếc đại tá Trần Phiến. Có lẽ lần đầu Phiến qua Đông Bá Linh, can dự vào một công tác quan trọng, nên mặt hắn tái mét vì xúc động. Hắn hút thuốc liên miên, điếu nào cũng chỉ hút non nửa rồi vứt bỏ. Văn Bình mỉm cười. Nếu Trần Phiến biết thêm chi tiết, sự xúc động của hắn sẽ gia tăng thêm nhiều. Trên thực tế, Phiến chỉ được lệnh trao trả Bilatốp cho tướng Ivan chứ không biết Bilatốp là ai, bị bắt ở đâu và bị bắt trong trường hợp nào.
Mọi thủ tục được hoàn tất, chiếc Opel lại dẫn đường về khu vực chiếm đóng cùng đoàn mô tô hộ tống. Trong gió lạnh tạt vào xe, Trần Phiến thở phào khoan khoái:
- Thế là xong.
Văn Bình ngồi im không nói. Đối với chàng, công việc mới xong một phần nhỏ. Trong tương lai, đang còn nhiều vụ Bilatốp.
Trời vẫn mưa ào ào. Bốn bề vắng tanh. Văn Bình biết là xe cộ và khách bộ hành đã bị chặn lại ở hai đầu đường, và đâu đây nhân viên Phản gián cộng sản, núp sau gốc cây và sau cánh cửa mở hé, đang dán mắt vào kính hồng ngoại tuyến, nhìn xuyên màn tối.
Bilatốp được dìu lên bậc tam cấp, vào tòa nhà sáng trưng. Nhà bác học sô viết đi thẳng không hề ngoảnh lại.
Văn Bình bâng khuâng đốt thêm điếu Salem nữa. Chàng nghĩ đến mẩu tin mà hãng thông tấn Tass của Nga sẽ loan báo sáng mai về vụ Bilatốp. Chắc chắn không một chữ nào đá động tới việc nhà bác học hỏa tiễn hảo ngọt bị bắt cóc ở Hà nội, mang vào Nam và được trả bằng tiền chuộc ở Đông Đức. Theo lệ thường, Bilatốp đã đi công cán và trở về. Không sự việc nào quan trọng xảy ra. Nhưng trong bóng tối, cuộc đấu tranh ác liệt giữa những chiến sĩ không ầm ỹ lại tiếp diễn.
Trời vẫn mưa ào ào. Ban đêm ở Tây Bá Linh đèn sáng như ban ngày. Lát nữa, chàng sẽ tìm cách bỏ rơi Trần Phiến và thót đến căn phòng của cô gái tóc vàng Lily. Chà, lâu lắm chưa được ngửi lại mùi hương ngoại quốc! Chàng mường tượng đến một căn phòng ấm áp, một cái lò sưởi, một chai rượu huýt ky mới mở nút với một cái ly pha lê, một bịch thuốc Salem, một cái áo ngủ mỏng như giấy bóng, thơm mùi nước hoa, phấn sáp, mùi da quyến rũ và một cái giường lò so êm ái, không đau lưng. Nhất là trên đó có một cô gái tóc vàng với cái kho báu không tiền khoáng hậu kia nữa.
NGƯỜI THỨ TÁM
Chú thích
1. Khi ất Cút-Sếp chưa mất chức và đang còn sống.
2. Truyện này được viết trước khi "bức tường ô nhục" ngăn đôi thành phố Ba Linh.
3. ma túy: narcose ; điện: électro-chocs.
4. tức là curare.
5. tức là Electrical Stimulation of the Brain (phương pháp kích thích óc bằng điện).
6. apfelwein là thứ bia ngọt chế tại Đức, vị nó ngon ngọt như nước "bôm".
7. đó là đại lộ Kurfurstendamm, đường Tự Do của Tây Bá Linh.
8. tướng Ivan Jubokovski.
Z.28 Z.28 - Người Thứ Tám Z.28