Books are the glass of council to dress ourselves by.

Bulstrode Whitlock

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 177: Ra Khơi Đến Bờ
ã mấy ngày rồi, con chim và tôi đều như muốn tìm một chút hơi ấm của nhau, trong chiếc áo nhựa. Nó cứ rúc mãi vào sát bụng tôi, hồn tôi đang liu riu lững lờ vào giấc mộng bập bềnh, của con thuyền. Bỗng có tiếng xôn xao:
- Có ánh đèn!
Như một tiếng ” phèng ” trong đêm đen choảng vào con thuyền! Tôi và nhiều người nhớn nhác bò nhổm dậy, tôi nhào tới cửa, rúc lên sàn thuyền. Giữa cái thẫm đen mịt mù của trời và nước, rõ ràng có một vũng rạng ra, trắng như chiếc ngà voi, tưởng rằng có một ánh sao trong làn mây. Nhưng rồi như có một mảng mây dầy, chậm chạp che dần, rồi trở thành một mầu đen thẫm, như chung quanh.
Người ta kéo xuống hầm thuyền dần, tôi còn ngồi lại cố mong chờ trong chỗ mù mịt tối đen ấy, sẽ có một nguồn sáng để mang niềm hy vọng cho con thuyền. Phần vì mấy ngày nay giấc ngủ chông chênh, cứ khi nào mệt quá thì thiếp đi một lúc. Phần khác, có thể sức mòn vì thiếu ăn, vẫn chỗ ngồi dựa một góc khuất sau buồng hoa tiêu, tôi đã đi vào miền mất cảm giác lúc nào không hay.
Mãi tới khi như có người sờ vào cổ tôi gãi gãi, mở mắt đã thấy nước trời đổi thành mầu lá nhãn. Tôi đã nhìn thấy mầu trắng của những làn sóng bạc đầu. Con chim tị nạn đã chui ra khỏi bụng tôi từ bao giờ, nó đứng sát ngay mặt tôi, một chân trên vai, một trên ngực. Cái đầu nó cứ dụi vào cổ tôi, như muốn đánh thức tôi dậy, phía chân trời đã rạng hồng, rồi đỏ lên. Tôi đã ôm con chim vào lòng như một lời cảm ơn, gọi tôi dậy để tận hưởng ánh bình minh của đất trời. Nhưng rõ ràng, lẫn vào tiếng rì rào của sóng, có mấy tiếng kêu:
U oách… u…..oách… khu…..oách… khách … khách… Rồi bỗng nhiên, chính con tị nạn ở ngực, vai tôi cũng rối rít kêu khu… oách… khu … oách… Từ ngày tôi cứu nó, chưa bao giờ tôi thấy nó kêu. Nó làm cho tôi quên cả mệt, cả đói, tôi ngồi hẳn dậy. Một nửa cái nia đỏ như nhuộm máu bò, đã thò lên khỏi mặt nước, từ mặt biển phía Đông, làm đỏ hồng cả cánh buồm và con chim. Một đàn bảy con hải âu trắng toát đang bay lượn quanh con thuyền, miệng kêu: Khu … oách… khu....oách…. Con tị nạn, mắt chớp lia lịa, lại giụi đầu vào cổ tôi, thái độ hưng phấn khác thường. Nó giang hẳn hai cánh ra vẫy vẫy, như đáp lại đàn hải âu đang bay lượn, nó ngửng hẳn cổ lên trời miệng lại kêu: Khu oách…. khu…. oách….Tôi đờ hẳn người ra, chưa kịp phản ứng, con chim lại nhẩy lên vai tôi, rồi lại giụi đầu vào cổ tôi như khi nãy. Tôi chợt hiểu, nên tôi khẽ vuốt đầu nó, và tôi gật gật.
Nó sải cánh một cái rồi bay vụt lên theo đàn hải âu bay đi mất hút chỉ còn vẳng lại những tiếng khu… oách.....khu ….oách… nhỏ dần. Tôi bần thần cả người, con chim đã bay đi rồi ư? Tôi ngồi xuống mạn thuyền, lắng đọng đăm chiêu: Như thế vừa rồi, tôi đã lầm, tôi tưởng con chim giụi đầu gọi tôi dậy, để ngắm ánh bình minh của đại dương? Nó gọi tôi dậy, chào tôi để ra đi với đồng loại, dù sao nó cũng có nghĩa, có tình, tôi bằng lòng. Một cánh tay đặt lên vai tôi, anh Nghĩa, giọng đứt quãng của anh quẩn vào gió mặn:
- Anh đã giúp nó toại nguyện! Tìm được khung trời tự do!
Nghĩa đã biết tôi ngồi suốt đêm qua, phía sau buồng lái, một ý thoáng đến, tôi vồ vào vai anh Nghĩa: ” Gần đây phải có đảo hay đất liền! ” Nghĩa đã nắm chặt tay tôi, nói như gà gại ổ đẻ:
- Thấy đàn chim, từ sớm chúng tôi đã nghĩ như anh!
Như vậy họ đã biết trước tôi rồi! Cũng có nghĩa ánh đèn sáng mơ hồ đêm qua, không phải trong hồ mơ? Anh Nghĩa kéo tôi vào buồng lái, tôi gặp lại bác Bang, tôi mới hiểu bác và Nghĩa có họ hàng. Nghĩa lôi ở một cái hộc ra gói bánh ngọt, chính bác Bang cũng đang băn khoăn, theo bác phải hai ba ngày nữa mới tới Indo hoặc Mã Lai, nhưng khi thấy đàn chim thì đảo hay đất liền phải gần đây, dù sao cũng mang nhiều hy vọng.
Nhìn nét mặt cương nghị, từng trải của bác Bang, tôi rất mến mộ, bác cũng tỏ thiện cảm, bảo Nghĩa cầm lái. Bác kéo cái “phích” có cà phê nóng, bác rót một ly con đưa cho tôi, với thái độ “gió sương” không mời. Từ lúc Nghĩa chưa lôi gói bánh ngọt ra, cái mùi mê người của nó, đã luồn ra chọc tứ tung vào mũi tôi rồi, nên khi bác đẩy bọc bánh đến vẻ “khinh tài” thì sao tôi từ chối?
Bác thăm hỏi một số nét về tôi, tôi cũng sơ lược, đi tù về là phải từ giã quê hương ra đi v.v... Xuống hầm về chỗ nằm, nhìn thấy cái cóng con đựng gạo, không biết con tị nạn bây giờ đã đi đâu? Hẳn nó đã có một cảnh đời mới! Như cụ Nguyễn Công Trứ đã kết luận: Rút cuộc lại… … … mỗi người, riêng mỗi kiếp!
Gần trưa lại có tiếng ồn ào phía cuối thuyền, giọng một bà lanh lảnh:
- Có chiếc tàu to lắm!
Một số người xô nhau trèo lên sàn, tôi hơi mệt, nhưng cũng là những người đầu tiên mò lên sàn thuyền, chỉ chừng 8- 10 cây số, một chiếc tàu trắng toát, trông như một toa xe lửa, hay chiếc xe “buýt” dài ở gần. Không thể nhìn thấy cờ nên không biết là tàu nước nào. Bà con vui mừng hô hoán, có người nhẩy lên gào, vời, nhưng con tàu hình như bé dần lại.
Mấy người nhanh trí đã lấy giấy báo và giẻ cũ đốt lên, con tàu cứ mỗi lúc bé lại và mờ đi, để rồi lẫn vào những lớp sóng bạc đầu mất tiêu. Con tàu hình như không hề trông thấy con thuyền buồm đơn độc, như một chiếc lá tre khô trên dòng Cửu Long cuồn cuộn chảy. Hay lương tâm nhân loại, đã chuyển thành lá cây, của mùa Đông?
Con thuyền như gần lửa, sôi lên, nhưng một trận mưa rào đã làm ngọn lửa tắt rụi. Hôm nay đã là ngày thứ sáu, của con thuyền buồm, nhiều người đã tỏ ra mệt nhoài, ăn uống ngủ nghê thất thường, cộng với tinh thần căng thẳng lắng lo với công an cộng sản, cướp biển, bão tố v.v… Chưa nói nếu ai lại bị say sóng như tôi thì chỉ có nằm bệt. Còn hàng chục thứ khác giằng co, vò xé trong đầu của một người bỏ nước ra đi.
Mảnh mặt trời chiều đang chui dần xuống mặt nước, mầu gạch cua của da trời chuyển thành mầu lá mồng tơi già, phía Tây Nam lại rạng ra mầu nghệ non. Rõ ràng, không thể chệch vào đâu được nữa, tôi đã xô vào buồng lái gào, gọi bác Bang và anh Nghĩa:
- Bác và anh Nghĩa hãy coi kia!
Tay tôi chỉ về hướng có mấy ngọn đèn lẫn vào lớp sóng trắng đầu, lúc nhô lên, lúc lại mất đi. Bác Bang đã chuyển mũi hơi chếch về phía Tây Nam và những điểm sáng mỗi lúc càng sáng tỏ. Bà con chỉ có vài người mò lên, sợ cũng như những lần trước, thậm chí tôi đã trông thấy những bóng cây và cây tháp có bóng đèn, có lẽ là ngọn hải đăng của những vùng ven biển.
Lúc này thì bà con xô lên như vỡ đê; có lẽ ai cũng muốn chính mắt mình, phải nhìn thấy một lần cái bóng dáng tương lai có giống, ở trong đầu? Tôi vào gặp bác Bang, anh Nghĩa để biết ý kiến, không ngờ lại gặp cả Phạm Lộc, vì không một ai biết rõ đây là đâu?
- Thuyền của mình chưa, phải ở tình trạng cấp cứu.
Do đấy họ đều quyết định hãy bỏ neo ở bên ngoài đêm nay, sáng mai, nhìn rõ hãy cho thuyền tiến dần vào, rồi tùy theo để quyết định. Tôi thấy họ giải quyết như thế là có thận trọng và hợp lý. Tôi cũng thấy mệt quá rồi, bà con kéo lên đầy trên sàn chuyện trò bàn tán rôm rả, tôi lại mò xuống tìm một chỗ yên vắng nằm nghỉ một đêm cho lại sức. Tôi gặp cậu Thiện, lại có chăn ấm, thế là tôi nằm ngay cạnh cậu, vài câu chuyện đổi trao, rồi tôi vào giấc ngủ say, sau khi được một bữa bánh ngọt không mong mà có buổi sáng nay. Tôi ngủ mê man, như chưa được ngủ bao giờ.
Tôi cảm thấy ngực của tôi bị ai đè, thì ra một cái chân nặng chịch, vắt lên cổ và ngực tôi. Trong bóng đêm không nhìn được bàn tay, tôi đẩy cái chân xuống, không biết chân của ai, da thịt mềm như tơ, và mát như lụa Hà Đông, tôi đờ người ra. Sau khi đẩy cái chân ra rồi, nằm im, tôi không dám cựa quậy, tôi cố hé mắt nhìn để phân định là ai? Không thể nhìn được gì, tôi nằm chịu trận, óc phán đoán: ” Trong cái chỗ đông đầy người, tâm tư căng thắng sống và chết, chắc là những người nằm gần chung quanh? “.
Do lòng háo hức, nên mới rạng sáng tôi đã bò dậy, định lên sàn, nhìn vào phía đất liền để phán đoán. Qua vị thế, tôi đã nhìn thấy người gác chân lên ngực tôi đêm qua, là một cô gái chừng 17 – 19, vẫn còn nằm mê mệt với mấy người phụ nữ khác.
Trong làn sương mỏng của buổi sớm, tôi đã nhìn thấy cây xanh và một số mái nhà mầu nâu nhạt. Bỗng một đàn hải âu từ hướng trái bay đến, chúng chao đảo, lượn vòng với những tiếng kêu quen thuộc: Khu oách…. khu …. oách…
Không biết có con tị nạn không? Tôi nhìn lên thấy con nào cũng giống con nào? Liếc vào phòng hoa tiêu, loáng thoáng thấy bóng người, tôi đến ngó vào, 4 – 5 người, ngoài bác Bang và anh Nghĩa, có mấy người lạ. Họ định kéo buồm cho thuyền tiến dần vào, tùy theo, nếu thuận tiện thì làm tê liệt cái máy ngầm phòng hờ của thuyền, để họ thấy con thuyền chỉ chạy bằng buồm. Thực ra cái máy công suất rất nhỏ, chỉ đủ sức đẩy thuyền đi từ từ, chầm chậm, phòng hờ khi thuyền không có gió.
Chúng tôi đã nhìn rõ, đây đó có những căn nhà sàn gỗ lợp tôn, nhìn toàn bộ cảnh vật, mọi người vẫn không thể suy đoán ra nước nào phía cực Nam Châu Á? Nhưng chắc chấn không phải là Việt Nam.
Có một đám người lố nhố nhìn ra con thuyền, mấy đứa nhỏ chạy loăng quăng, thoáng trong đám người đó, có hai người mặc quần áo Ka Ki quân đội. Xôn xao, ồn ào, rối rít tiếng Anh, tiếng Việt và một thứ tiếng lạ, đan chéo vào nhau như mạng nhện. Dần dần hiểu ra, họ yêu cầu cử người xuống nói chuyện với họ, khi ấy tiếng Anh của mọi người như cóc ngồi trong hang, thỉnh thoảng thò cổ ra kêu ộc…..ệch một tiếng lại rụt cổ vào, chắc chỉ có ông trời mới hiểu.
Rất may, trong thuyền giới thiệu một chị tên Châu, cử nhân Anh văn. Chị Châu chừng 30 – 35 tuổi, đã cùng với ba người đàn ông nữa, họ đỡ nhau lội xuống, nước trên đầu gối để lên bờ. Gần hai giờ sau, phái đoàn đi đàm phán trở về thuyền, chúng tôi được biết:
Đây là một hòn đảo NATUNA thuộc Indonesia, cách những đảo chính từ 50 đến 100 hải lý. Dân INDO ở đây chỉ có khoảng hơn 300 người. Đảo trưởng hay chúa đảo, có chừng hai trung đội binh sĩ giữ an ninh. Hơn một năm trước, cũng có một chiếc thuyền Việt Nam tị nạn vào đây, hơn sáu chục người. Họ phải tự túc lương thực, gần hai tháng sau mới đón được tàu rước đi, họ đói khát khổ cực lắm! Dân ở đảo hầu hết là đánh chài lưới. Chúa đảo không muốn nhận người lạ vào đảo nữa.
Có thể do chị Châu là phụ nữ, lại khéo ăn nói, nên chúa đảo chấp nhận, với điều kiện phải tuyệt đối chấp hành luật lệ của đảo và tự túc lương thực. Một số người trong thuyền có vẻ lưỡng lự, muốn ra đi tiếp về những đảo chính. Với tôi, phải đi từng bước, tạm thời ở đây mới có điều kiện liên lạc với Cao Ủy Tị Nạn. Riêng trường hợp của tôi và có thể ở một số người nữa, trong thuyền: Bất cứ nơi đâu, trên trái đất này, không có vòi con Hồng Tuộc đều là “Đất Hứa” cả.
Sau khi, hầu hết đều đồng ý, hãy lên đảo đã rồi chờ liên lạc với cao ủy. Lên đảo, nên phải đếm người. Trẻ con người lớn cả thuyền 53 người. Họ dẫn đoàn người vào giữa đảo rồi tiến vào một căn nhà sàn tương đối rộng cho 53 người. Một vài hiện tượng và hình vẽ ngược xuôi trên vách, chứng tỏ đã có người Việt ở đây và đã rời đi lâu ngày rồi. Già một nửa căn nhà trên mặt nước, tôi bước qua một cái cửa ngó sơ qua cái bếp, một số bà đang lúi húi đun nấu lại những thức ăn đã 6 – 7 ngày.
Bếp lạnh, tro tàn, lại không có củi, họ phải dùng nhữmg giấy gói đồ, nấu, đun lộn xộn. Ngay cạnh cửa sổ bếp, nhìn ra cái hẻm vịnh, thoáng bóng hai cô gái đang ngồi trên một cái bao tải áo quần.
Qua dáng dấp tôi đã biết cái cô trẻ hơn, có làn tóc dài óng mượt là người, ngủ đã gác chân lên ngực tôi. Tôi cũng muốn nhìn xem mặt cô như thế nào? Tôi còn đang loay hoay không biết làm cách nào để thực hiện lòng tò mò cửa mình một cách tự nhiên. Bỗng một bà có đứa con nhỏ, vẫn chơi với con chim “tị nạn”, và đã cho gạo, quay lại thấy tôi; bà hỏi một cách sôi nổi:
- Con chim của anh đâu rồi?
Câu hỏi bất ngờ, làm tôi ngắc ngư, niềm hưng phấn được đặt chân lên đất liền, còn quấn quít, tôi hỏi lại như đùa vui:
- Bà hỏi để làm gì?
Câu hỏi lại của tôi, một giây im lặng, mọi người đều đỏ mặt, chính ngay cái bà hỏi, hai má cũng au lên mầu mận chín. Hai cô gái đều quay lại, mặt cô trẻ hiền lành, thuỳ mị như con Đức Mẹ Đồng Trinh. Cái liếc 17 hơi cau lại lườm tôi, còn vương vãi mấy sợi tơ vàng trong khóe mắt. Hồn thập thò định bay đi, tôi nói một câu giải tỏa, mà không hiểu hết ý:
- Con chim đã bay theo đàn!
Bỗng xôn xao ngoài phía cửa, tôi chạy ra, hai người lính Indo đang khênh vào một bao tải gạo đặt ở giữa nhà. Chị Châu và nhiều người xô đến: ông chúa đảo có nhã ý tặng tám chục ký gạo. Đây là của gia đình ông!
Như một luồng sinh khí cho người suy nhược, cả thuyền vui như đón ngày mồng một Tết. Cả nhà kéo ra cửa, để tiễn hai người Indo, thay cho lời cảm ơn nồng nhiệt. Người lính gác cửa và giữ an ninh, đôi mắt sáng lên long lanh, như chìm vào nỗi hân hoan của con thuyền buồm.
Bác Bang kéo hai thanh niên vào đống đồ từ dưới thuyền chuyển lên, lôi ra hai cái nồi nhôm lớn. Mọi người quyết định, ngay chiều nay sẽ nấu hai nồi cơm, mỗi nồi 10 kg gạo, ăn để bù lại 6 – 7 ngày đói khát thất thường. Những cá nhân, hay gia đình còn chút đồ ăn nào, đều tự nguyện đóng góp. Người thì ít cá khô, người thì chút tôm kho, hay thịt muối v.v…
Một bữa cơm ngay tại sàn nhà, tôi nghĩ rằng khó tìm hay tạo được một bữa cơm, nhiều nghĩa tình, nhiều niềm hưng phấn, như bữa cơm hôm đó, trong tương lai đối với tất cả mọi người trong thuyền. Được biết họ chỉ cung cấp muối ăn, còn gạo, củi, con thuyền buồm tị nạn hãy lo lấy cho mình.
Tuy ngôn ngữ bất đồng, tiếng Anh tiếng U của cả những người lính gác, cũng như trong thuyền như cóc kêu, thỉnh thoảng khọt khẹt một vài tiếng. Chúng tôi cũng hiểu một chút giá sinh hoạt: một lượng vàng 400. 000 Rupias (tiền Indo) 12 đ ở đây ăn 1đ VN, 100 dollars là 80.000 rupias.
Cái mà tôi tò mò, băn khoăn đầu tiên: những cỏ, hoa, cây cối, cảnh vật có khác gì với quê hương của tôi không? Vì thế, ngay từ lúc đi theo hàng, lần lượt vào ngôi nhà sàn, tôi đã sà xuống mé cửa, lấy tay lặt, vuốt mấy ngọn cỏ dại để ngắm nhìn.
Những đám trẻ con, người lớn Indo, kéo đến nhìn chúng tôi. Họ thường có nước da mầu nâu nửa mạc, cũng lếch thếch, lôi thôi như trẻ con Việt Nam thường xử dụng, chân không giầy, dép. Để giải quyết vấn đề quan trọng bậc nhất cho cả con thuyền, mấy thanh niên và đàn ông, lật vài miếng ván phía sát vách của căn nhà sàn, che chắn, tạm một chỗ cho mọi người, nhất là các bà, các cô giải quyết tự do xuống dưới biển.
Cũng đôi lúc tôi không yên lòng, ra vào thỉnh thoảng, lại va chạm vào cái lườm 17 như có điện từ, tôi đã được biết tên cô là Hằng, và người chị là Hoài. Thuộc một gia đình công chức thương gia ngày xưa, quen biết về phía vợ chồng Phạm Lộc+Liên.
Một cái giếng rất to ở giữa một vườn dừa rộng. Dừa Indo thật là nhiều và cao lêu nghêu như những cây phướn ở quê nhà. Nhìn những chùm quả dừa, mầu nâu da bí ngô, mãi tít trên cao lộng gió, như nhìn mây bay ở trên trời. Chiếc giếng cách nhà khoảng 200 mét, hầu hết đàn ông, con trai tắm giặt ban ngày; đêm khuya dành cho đàn bà con gái.
Đến ngày thứ 5 thứ 6 thì hết gạo và thức ăn cũng chẳng còn. Những người có điều kiện gia đình còn cầm cự. Tôi và một số đông các cậu, ruột gan nóng rát vì ngày nào cũng sát muối. Nhìn xuống chỗ đi cầu, dưới làn nước biển trong xanh, những khi thủy triều xuống, lảng vảng có những con cua bể to nhỏ, đến tìm hơi của lạ.
Khó khăn đẻ ra sáng kiến, đó là lẽ sinh tồn của mọi sinh vật. Mấy cậu lần mò, hý hoáy dùng chỉ buộc vào một tép tôm khô, thả xuống. Mấy chú cua tranh nhau tìm của lạ. Các cậu, hò reo kéo con cua lên, nhưng cứ lưng chừng, lại rơi trở lại biển. Thấy thế tôi lấy một cái nón của các bà, thò xuống, một cậu lại kéo con cua lên, tôi lẹ làng hứng lấy trước khi con cua nhả mồi rơi xuống.
Hôm đó, bắt được 5- 6 con, các bà giã nát ra trộn muối rang thành một món ăn, làm mở to mắt, mỗi khi ai được nếm thử.
Tuy đói, tuy thiếu, nhưng nét mặt của mọi người luôn luôn hân hoan, hưng phấn. Điều này đã chứng tỏ hùng hồn: Thà đói, thiếu mà tự do, còn hơn ăn no mà phải làm nô lệ, mất hết mọi quyền tự do.
Sáng hôm nay, tôi và cậu Thiện đi lang thang ra khu vườn dừa. Do tính sục sạo, tò mò thích tìm những cảnh lạ của thiên nhiên, tôi rẽ xuống một cái hũng rậm rạp, toàn dừa non. Thoáng thấy một cây thánh giá đã gẫy cánh trái, bằng một thanh dừa khô, có hàng chữ Nguyễn V.. tôi suy đoán, có thể là Nguyễn Văn.. chẳng có ngày tháng.
Trở về hỏi những người lính gác an ninh, tôi được biết sơ sơ. Chuyến tàu trước, có một ông Việt Nam, đến đây gần một tháng bị té dừa chết, họ đã chôn ở dưới một cái hũng. Tôi hiểu cũng như hiện nay tâm trạng mọi người, hàng trăm thứ lo lắng nhét đầy trong óc, còn tâm hồn đâu nghĩ đến những chuyện không trực tiếp?
Ngày hôm sau, tôi lại rủ Thiện mò đến chỗ cây thánh giá gẫy một lần nữa. Như thể hiện một chút nghĩa tình, của người cùng một nước. Ông hay anh Nguyễn Văn... đã bỏ nước, bỏ nhà, bỏ người thân ra đi... để rồi đã nằm xuống nơi một hòn đảo hẻo lánh không người biết. Bố mẹ anh, vợ con, người thân của anh có biết không? Hay vẫn tháng năm mòn mỏi đợi chờ, tin tức người ấy trở về? Đau thương nghiệt ngã này do đâu?
Hôm nay những con cua bể, có thể đã khôn ra, hay chỗ đó chỉ có mấy con, mấy giờ đồng hồ mà chỉ câu được có một con. Mấy ngày sau, ông thiếu úy trưởng an ninh, mang lệnh của chúa đảo đến:
- Do sự phản đối của người dân đảo, và sự an ninh:
Từ nay: 11-12- 82, buổi sáng 2 giờ (từ 8:00 đến l0:00 giờ), nam nữ ra giếng tắm giặt, kiếm củi, sinh hoạt.
Buổi tối 1 giờ, (từ 8:00 đến 9:00 tối): Chỉ dành cho phụ nữ tắm giặt. Toàn thuyền phải chấp hành nghiêm chỉnh.
Từ hai ngày hôm trước, do đóng góp của toàn thuyền, đã nhờ được chúa đảo mua cho một tạ gạo, giá 80.000 Rupias. Tối hôm qua, tôi và cậu Thiện mò mẫm sang mãi phía Đông, chỗ có một chòm xóm, nơi có một cửa hàng tạp hóa duy nhất của đảo.
Cửa hàng vì không có bảng hiệu nên không thể phân biệt với nhà khác bên cạnh. Một căn nhà cửa mở, vào bên trong, giữa nhà có một số kẹo, bánh đựng trong những cái chĩnh sành, một ít khoai tây, rau v.v… để trên một cái sạp gỗ ở giữa nhà. Khách vào xem, chỉ có tôi và cậu Thiện, tôi có nửa cái nhẫn cưới cần gạ bán, để có tiền đóng góp mua gạo.
Rất may, người chủ hiệu có thằng con trai 17 tuổi, học ở một trường trung học bên BRUNEI về nhà, trong dịp nghỉ nửa tháng, cậu này cũng bập bẹ tiếng Anh bằng tôi. Lúc đầu phải ngoáy tay, nhắc đi nhắc lại một chữ nhiều lần, nhưng dần dần đã hiểu nhau.
Nói về tiếng Anh, tiếng U của tôi, nó cũng nổi trôi với cuộc đời của tôi nhiều chặng. Tôi nhớ khoảng 1957- 59, do từ người bạn Nguyễn Vĩnh Lý, tôi đã chơi bạn bè Pen- Pal Corresponding địa chỉ cái Club này ở Đan Mạch. Vì vậy, tôi đã có mấy người bạn ở Mỹ, Nhật, Anh.
Khi đó thì tôi miệt mài say mê, với thư từ chữ nghĩa, chứ chưa hề nói chuyện với một người Anh, người Mỹ nào. Mãi tới đầu 1960 do những kéo, đẩy của nghề nghiệp, tôi phải tiếp xúc với Brown, Dale, và Horry v.v... Rồi bị tuột tay, chìm nghỉm vào miệng con Hồng Tuộc.
Tôi tự xác định, không chết sớm thì cũng chết muộn, ở trong mồm của nó. Nên suốt 20 năm tôi đã buông rơi, nếu không nói là giũ, vẩy, gần sạch cái thứ “tiếng lai căng”, không phải của cha mẹ đẻ, cho nó nhẹ người. Cho nên, nếu còn sót tí nào, là nó bị kẹt, bị vướng lại, khi tôi giũ mà thôi. Tôi đâu có nghĩ có ngày tôi lại phải đi bòn mót, nhặt nhạnh nó trở lại để sinh tồn?
Cuối cùng tôi đã bán nửa cái nhẫn, được 20.000 Rupias. Một điều đã gây một ấn tượng hằn sâu, vào ký ức của tôi. Cũng buổi tối ấy, tôi đã đờ đẫn nhìn những hình ảnh trong chiếc ti vi mầu. Từ xưa suốt ở Sài Gòn, rồi tù đày ở miền Bắc, tôi chỉ nhìn hình ảnh trắng đen của truyền hình.
Tôi không thể tưởng tượng được, con người và cảnh vật ở ti vi mầu nó lại tươi đẹp, đến như vậy. Nhìn hình ảnh của ông tổng thống Shoharto, và đoàn tùy tùng của Nam Dương đẹp như những ông bà tiên, trong tưởng tượng. Tôi đứng ngây ngất ngắm nhìn Ti vi, tôi chẳng hiểu họ nói gì, tôi chỉ ngắm con người và cảnh vật, xe cộ của thành phố Jakarta.
Đầu óc tôi miên man nhớ lại trước thập niên 1970, tình hữu nghị của Hồ Chí Minh với Shokamo sôi nổi gắn bó. Đài Hà Nội khi ấy, ra rả ngày đêm ca ngợi Shokamo như một vị anh hùng, của những nước trung lập không liên kết. Tưởng như Mao Trạch Đông sẽ nhuộm đỏ Nam Dương đến nơi, không ngờ tướng Shoharto bất ngờ đem quân đội đè bẹp, tận diệt đám Tàu Cộng ở Nam Dương, mở ra nước Cộng Hòa như ngày nay.
Cả ngày hôm qua, 4- 5 cậu mà chỉ câu được có hai con cua. Năm mươi ba người hầu như chỉ còn muối, mà không có hơi cua. Tính sục sạo thích làm những việc ít hay chưa ai làm, đã thúc giục tôi. Tôi lách rồi chui xuống sàn, dùng tay để bắt những con cua có kinh nghiệm, đưa mồi đến miệng nhưng nhất định nó không cắn nữa.
Thủy triều càng cạn dần, tôi bảo các cậu buộc dây thả xuống cho tôi một cái thùng 20 lít vẫn đựng gạo. Say sưa mải mê, săn tìm những con cua trong những hốc đá, hay trong hang lỗ chỉ còn từng vụng nước nhỏ, nước chỉ tới đầu gối. Hơn hai giờ sau, tôi đã xách thùng về với hơn hai chục con cua, có những con to cả kí lô. Hẳn ai cũng biết cua bể của Thái Bình Dương, khác hẳn với cua bể Đại Tây Dương.
Cua Thái Bình Dương mầu xám xanh, hai gọng cái to và nhọn hoắt, rất nhanh và dữ. Chính những người lính Indo, cũng không tin ai dám dùng tay, để bắt những con cua bể ở dưới nước hay trong hang? Nhiều người lính Indo đã đi theo tôi, để nhìn tận mắt, và vì vậy, mỗi ngày khi nước thủy triều xuống, họ chỉ cho tôi và cậu Thiện xách thùng đi theo, được ra ngoài.
Dù tôi cũng có một chút kinh nghiệm, nhưng những con cua bể quá nhanh, quá dữ nên tay tôi cũng bị nhiều lần ra máu. Một lần tôi vẫn còn nhớ chi tiết: Một chiếc thuyền vỡ, cũ đã chìm ở một ven bờ, nước thủy triều xuống chỉ còn xăm xắp dưới đáy. Tôi biết bên dưới sẽ có nhiều hang cua, nước còn đến gần đầu gối. Tôi cúi xuống, luồn tay vào một cái hang, một con chộp cắp, vào hai ngón giữa và đeo nhẫn. Khi nó đã cắp, tay mà nhúc nhích nó càng nghiến chặt hơn, vậy chỉ còn cách chịu trận đứng yên rồi nghe, chờ thấy nó hơi nhẹ nghiến (vì nó cũng mỏi) giật mạnh tay ra. Nhưng con cua này, không biết to bao nhiêu, nó cắp tay trái của tôi rồi, lại cứ lôi sâu vào trong hang.
Người tôi thì cúi, hai chân chịu trận hàng mười phút, con cua lại cứ lôi tay tôi vào tiếp. Lưng mỏi, tay đau, lại không được nhúc nhích, tôi nổi máu liều, tay phải tôi xục xuống đất cát, lựa thọc vào phía trong hang, rồi xục tay lên. Mục đích để chặn không cho con cua kéo tay tôi, vào thêm nữa. Không ngờ, có một con khác, không hiểu vợ hay chồng của con đang cắp tay trái, nó cắp ngay ngón trỏ và ngón cái, tay phải vừa đau, hai chân mỏi quá, tôi phải khuỵu quỳ xuống nước. Hai tay chịu trận hai con cua cắp, mặt tôi cố ngửng lên để mũi không gục xuống nước.
Biết cậu Thiện đứng ở trên bờ, nhưng không ai cứu được tôi lúc này cả. Vả lại, cậu Thiện hay ai dám thò tay vào với cua bể? Tôi đã nhìn thấy máu loang ra nước nhưng vẫn phải cắn răng, không dám động đậy.
Hơn hai chục phút, tôi nghe ngóng con tay trái cắp mãi, chắc cũng đã mỏi, nó lơi lỏng, tôi giật mạnh tay ra. Lấy tay ra khỏi nước, mà máu vẫn rỉ chảy có giọt. Con tay phải hơi nhẹ nghiến tôi lại giật được ra, nhìn hai tay đều bị chảy máu, nhưng lòng tôi khó chịu lắm. Hai tay bị thương, mà hai con cua vẫn không bắt được Cậu Thiện ái ngại nhìn tôi, cản lại:
- Thôi anh ơi? Đi bắt con khác?
Tôi nhìn thoáng thấy một thanh gỗ con mục, dài đến 50 phân, tôi chạy đến, cởi phăng cái áo của tôi, dùng thanh gỗ giấn, chẹt lấy phía cuối hang cua. Áo cuốn tay, thò vào, sau vài phút, tôi đã lôi được cả hai con cua chồng vợ vào thùng. Hai con cua đang thời kỳ sung mãn, mẩy chắc nịch, mầu đất sét.
Khi về nhà cả thuyền vây đến coi. Giữa sàn, tôi bắt hai vợ chồng con cua, ra ngoài trình diện. Mấy cậu thanh niên đi ba ta, đi dép, lấy chân định đè nó xuống sàn, nhưng nó nhanh như cắt, đã chộp lấy dép, lấy ba ta, làm các cậu giật hất tung cả giầy, dép ra sàn. Các cậu và nhiều người, không nghĩ là nó dữ và nhanh, như thế. Đấy là ở trên bờ, khi nó đã bị bắt, chứ dưới nước như hổ ở trong rừng, là đất của nó, nó còn hống hách làm tàng, đến độ thế nào.
Các bà, các cô và trẻ con chạy vón, dạt vào sát vách. Một cái tay phía sau để nhẹ vào vai tôi:
- Bình bạo gan thật!
À! Ra anh Trường!
Không ngờ có anh Trường trong thuyền, hôm nay tôi mới gặp. Tôi quay lại cầm tay anh vồn vã:
- Bạo gan làm sao bằng anh được? Có chị và các cháu không?
Mặt anh buồn rười rượi, lắc đầu, chúng tôi đã kéo nhau ra phía sau hàn huyên nỗi niềm. Đầu tôi luẩn quẩn một ý nghĩ xanh mầu trời:
Một người đã lách ra khỏi bùa mê, thuốc lú, độc dược, của con Hồng Tuộc.
Hai tay của tôi máu vẫn còn rỉ ra, các bà đưa ra một sáng kiến, sẽ khâu cho tôi một cái túi tay, bằng vải dầy, đôi tay của tôi đã bị nhiều vết sứt sẹo do cua cắp. Có thể do máu của tôi lành, phần khác nước biển mặn, diệt trùng nên chỉ một vài ngày là khỏi.
Dù chưa khỏi sưng, khỏi đau, ngày nào nước thủy triều xuống tôi vẫn đi bắt cua. Tự nhiên tôi trở thành một người giải quyết thức ăn cho cả con thuyền. Nhiều cậu, nhiều bà thường đùa vui gọi tôi là ”vua cua ” rồi trở thành cái tên ở trong thuyền. Các bà, các cô làm đủ mọi kiểu: Rang muối, luộc, nướng, cắt ra từng miếng đập dập v.v… Lúc đầu còn háo hức, dần dần mọi người phát sợ, ngấy lên vì cua. Sáng ăn cua, chiều cua, hôm sau lại vẫn cua, nhất là tôi mới phát hiện ra một cái mánh bắt cua bể.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen