Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Chương 172: Định Mệnh Con Người
C
húng tôi năm anh chàng trong phe chiến bại, đang bị một cô gái trong phe chiến thắng ”hành” ngày thứ Bẩy, Lao Động Xã Hội Chủ Nghĩa như mọi khi. Bỗng có tiếng ồn ào, quát tháo từ phía ngõ, khu Sơn Tây, chúng tôi đang quét và nhặt rác, thông những ống cống ở mấy con đường hẻm gần nhà thờ Nam Hòa, đều ngừng tay ngửng lên: Một cô gái tóc uốn, chừng 18 hay 19 tuổi, nước da trắng hồng, với bộ mặt tương đối khả ái. Toàn bộ thân hình của cô không hề có một mảnh vải, không phải cô gái nào cũng có một thân hình cân đối như cô. Cô rảo bước từ phía ngõ Sơn Tây đi đến, có mấy đứa trẻ con trai mươi, mười hai tuổi hò hét chạy theo nhìn, nhiều tiếng quát của người lớn là để gọi con cái họ, không được đi theo nhìn.
Tôi và mấy anh kia, cũng đều bàng hoàng đờ cả người ra. Quay lại phía cô công an Ngọc Anh, thì cô ả mặt đỏ như mai cua luộc, gục mãi đầu vào một cánh cửa sổ của một ngôi nhà. Tình thế bất ngờ!
Lẽ ra phía phụ nữ, những bà lớn tuổi, phải ra can thiệp, hoặc đưa vải hay khăn che cho cô ta. Nhưng chả có một ai ra giúp đỡ giữa khoảng 10- 12 giờ trưa, nếu ở gần nhà tôi, tôi sẽ gọi Hoa đưa tạm cái khăn, hay miếng nylon ra che cho cô ta. Tôi cũng không dám đến gần cô, để tìm hiểu vì sao lại có một sự việc ”ngàn năm một thuở” như thế này?
Bố mẹ và nhà cô ở đâu? Khi đến dong nhà thờ, cô rẽ ra đường Bắc Hải để sang khu Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa cũ. Chúng tôi đang lao động có người chỉ huy, nên chả đi đâu được. Tuy chẳng một ai trong chúng tôi biết lý do, nguyên nhân, nhưng chắc bốn anh kia cũng như tôi, làm sao mà quên được:
Cái buổi ” chết người ” lao động ấy!
Ngàn năm chưa dễ đã ai………quên!
Nó độc lập với ý chí của con người, dù có muốn quên đi nhưng vẫn còn nhớ mãi. Tôi về kể chuyện lại cho Hoa, Hoa lại cười ré lên, như con gà tây gại ổ:
- Như vậy là anh vớ ” bở ” rồi!
Tôi chả biết đến ”bở” hay ”sượng” nhưng rõ ràng sự việc này, nó cũng luồn sâu bên trong là vấn đề xã hội. Từ sự việc này, nếu ai chịu suy nghĩ đều đã nhìn thấy, nhiều mặt của cái xã hội ấy.
Hôm nay đi làm về, vừa đến cửa Hoa đã chạy ra, mặt em tươi roi rói, em nói ríu rít:
- Vừa khi nãy có một anh chừng ba chục tuổi đi xe Honda vào, anh ta nói là anh em của một Biệt Kích nhẩy Bắc, muốn gặp anh? Tên anh ta là Vân.
Tất nhiên, tôi chả biết anh ta, vì tôi chưa gặp lần nào, có địa chỉ ở gần Cống Bà Xếp Hòa Hưng. Cứ để đấy, cuối tuần tôi sẽ đến thăm, xem sao? Không ngờ hôm sau gần 5 giờ anh ta lại đến. Tôi về đến nhà, ngoài cửa một chiếc Honda còn ”láng coóng“, mới và đẹp hơn xe của chú Tuất, chồng em Xuân. Một cậu rất tư cách, tỏ là giới ”lõi” của thành phố, cậu ta tự giới thiệu là Vân, em rể của Hoàng Văn Chương, một biệt kích ra Bắc 1968.
Cậu đã ra Bắc thăm Chương, cùng với cô Hoàng Thị Phúc, chị vợ. Cô Phúc cũng là em của Chương, như thế tôi hiểu: Hoàng Văn Chương, rồi cô Phúc và còn một người em gái nữa. Người em gái này là vợ của Trần Vân. Thái độ của Vân rất niềm nở, mới gặp mà như đã quen nhau lâu rồi. Ngay buổi chiều ấy Vân mời tôi cho bằng được ra một hiệu phở ở Ông Tạ, Vân mời cả Hoa, nhưng Hoa đã từ chối, phải ở nhà cơm nước, săn sóc ông bà cụ.
Nói chuyện với Vân, tôi biết nhiều điều mới của Sài Gòn dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa. Mấy ngày sau, Vân đã đèo tôi về nhà gặp vợ Vân. Vân ở mãi dưới Long An, nhưng thường xuyên đi về bà nhạc ở Hoà Hưng. Tôi cũng đã gặp cả cô Phúc là em của Chương, cô Phúc cũng đạt dào tình người. Tôi hiểu Trần Vân có một số khả năng, nhìn được một số kẽ hở của xã hội mới, nên cậu ta đã lách vào những kẽ trống đó để giải quyết cuộc sống của gia đình, mà còn thảnh thơi, thong dong.
Cậu ta chạy ”mánh” thuốc lá, thuốc Tây; chơi thì có trọng điểm, theo cậu ta, màng lưới CA và quan thuế dầy đặc. Đã gọi là màng lưới, thì phải có mắt lưới và nút lưới, nút lưới là chỗ chốt của CA hay quan thuế. Vì thế, điều cần thiết là phải nhìn được ra đâu là mắt, đâu là nút, hơn nữa với những kỹ thuật thực hư, hư thực của CA và thuế quan, phải nắm vững chỗ nào, mắt trở thành nút và ngược lại. Thấy anh chàng Vân này tuy chưa có kinh qua về tình báo; chỉ do kiến thức thiên phú tự nhiên mà cũng tương đối sắc sảo, tôi khích lệ và bổ sung những chỗ tôi biết cho Vân.
Đi với Vân, tôi vừa học hỏi thêm kinh nghiệm lại có bồi dưỡng, bù đắp những ngày nắng hạn trước đây. Để thưởng thức một ”pha” làm ăn của Vân, hôm đó sau khi trình diện xong, Vân và tôi ra Xa Cảng. Mối cũ của Vân, tôi ngồi sau xe Honda, ôm 900 bao thuốc lá ba số 5, trong một cái bao tải gạo cũ, luồn lách qua nhiều đường hẻm, đã đưa về nhà Vân an toàn. Theo Vân tiền lời của ” cú đó, có thể mua được một tạ rưỡi gạo.
Có lần cô Phúc một Honda, Vân đèo tôi trở lại thăm nhà hàng Thanh Thế, nơi 1962 tôi và bạn bè hay ra ngồi, vợ Vân bụng to; Hoa cũng bụng to nên phải ở nhà.
Đã mấy lần cô Phúc và Vân ca tụng một bà thầy tướng, ở một ngõ trong khu Đắc Lộ, nhã ý của hai người muốn mời tôi cùng đến xem một lần để thẩm định, tôi đều từ chối, phần vì tôi sống bằng sự nỗ lực, của chính bản thân tôi. Hơn nữa, mỗi lần xem giá 30 đồng cho một người, đành rằng do Vân và cô Phúc trả; nhưng tiền của ai thì cũng là tiền. Nếu có một chút ý thức tự trọng, thì tiền của người khác, cũng ý nghĩa như tiền của mình.
Tôi đã đánh giá Vân là người khá sắc sảo, bén nhậy, mà còn ca ngợi cô thầy tướng, nào là: không phải ngẫu nhiên mà nhiều người ở xa đến xem tướng phải nằm chực, nằm chờ vì vào nhưng giờ cô thầy không coi, hoặc vì đông quá v.v… Những người từ Lục Tỉnh lên, người từ Thanh Hóa, Nghệ An vào, anh cứ đi đến xem anh có ” oversea ” được không? Tôi đã từ chối nhiều lần, đưa ra nhiều lý do, không hiểu sao Vân và cô Phúc lại muốn tôi cùng đi xem?
Hơn một tuần sau, Vân cho biết, hôm qua cô Phúc và Vân đã đi xem rồi, bà thầy nói như người quen biết từ lâu với mình, biết rõ quá khứ, tương lai của một người. Một tuần có hai ngày bà không xem, dù trả gấp đôi hay gấp ba; đó là thứ Ba và thứ Bẩy. Tôi hỏi, thế Vân có hỏi tại sao bà thầy, lại không xem hai ngày ấy? Bà thầy đã nói: Bà cũng muốn coi, vì khách chờ lâu, nhưng bà nhìn được vận mệnh của người khác là do lộc, do ý của Thánh. Thánh đã dậy, bà chỉ biết tuyệt đối vâng lời!
Đến đây thì tôi đã hiểu Vân muốn tôi đi coi, một người đã đi tù hết cả tuổi xuân trong nhà tù, xem bà ta có biết không? Vả lại theo Vân, tôi cũng có những nhận xét tương đối về tướng số và bói toán. Thực sự tôi không hề biết về những món tướng số, tử vi, bói toán. Những năm tù ở trại trung ương, do tiếp xúc với một số thầy tướng, thầy ngải, thư, ếm bùa người dân tộc, người Kinh đều là loại danh tiếng, có cỡ cộng sản mới bắt vào tù. Tôi tiếp xúc với các vị, chẳng có một chủ trương gì, ngoài cái tính tò mò, và cũng tùy tiện, nghĩa là gặp chăng hay chớ, chứ chẳng để tâm làm gì.
Tôi lại chợt thoáng nhớ tới ngày 30-4-1975, những tờ báo cộng sản tha hồ huênh hoang nhiều chuyện, có một chuyện đăng ngay trên tờ Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân. Chúng còn ra rả đọc ở trên đài phát thanh, khi chúng vào tiếp quản Dinh Độc Lập, một tổ ba người (tôi không nhớ tên), được lệnh đặc biệt lục tìm những tư liệu mật và tài sản giấu đút của Nguyễn Văn Thiệu. Chúng đã thấy ngay ở đầu giường của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, có ba quyển sách quý: Một cuốn về tướng số của con người, hai cuốn kia là tử vi phong thổ, nổi tiếng của thế giới và miền Nam.
Ngay ở trong tù, anh em chúng tôi nghe đến đấy, đều ồ lên cười đùa? Nhiều anh em tù miền Bắc đã nói: ” Chắc ông Thiệu không chịu nghiên cứu kỹ, nên đã phải chuồn đi từ ngày 16-4″. Hầu hết những biệt kích chúng tôi đều cúi xuống, để tránh mắt mọi người.
Về vấn đề tâm linh, tín ngưỡng nó cũng có những cái chung: Cuộc sống càng cơ cực, lầm than; thất bại tràn lan, mạng sống quay cuồng trong bão tố, thì con người càng tìm đến thần linh để cứu giúp, che chở. Ngược lại, cơm no, áo ấm thừa thãi, muốn cái gì cũng đạt theo ý mình, thì càng lửng lơ xa lìa thần thánh. Dưới chế độ cộng sản vô thần, chúng coi thần thánh là kẻ thù, chúng đả phá tiêu diệt. Nhưng người dân quá cơ cực đói khát, thiếu thốn lầm than nên họ càng tìm đến, với thần linh.
Nó trở thành mâu thuẫn đến vô lý, của hai hệ thống xã hội. Thế giới tư bản tự do, hữu thần: Người dân thờ ơ, coi thần linh tôn giáo như một hình thức trang trí, làm cảnh. Thế giới cộng sản độc tài vô thần: Người dân thành kính đến với thần linh, tôn giáo, coi thần linh, tôn giáo như một cứu tinh của đời họ. Tôi nhớ đến một chuyện tướng số, thời gian tôi ở tù: Có một giai đoạn, khoảng 1969- 1971 ở trại trung ương số 1 Lào Cai.
Giai đoạn này tôi mới lên trại, chưa có tay nghề mộc khá, để có thể có năng suất kiếm một vài đồng, mua thuốc hút. Một đêm tôi nghĩ ra một cách ” ma giáo ” để kiếm thuốc hút. Tôi hiểu con người ta có nhiều cái riêng, nhưng cũng có nhiều cái chung. Anh thấy cái đó đẹp, người khác cũng thấy cái đó đẹp, anh thấy ăn cái đó ngon, người khác cũng thấy ngon. Trong cuộc sống anh sợ hãi cái đó, người khác cũng sợ hãi cái đó vậy v.v...
Phải chấp nhận: muốn kiếm tiền, hay sống bằng nghề nghiệp gì cũng phải mất tâm trí, công sức về cái đó, ít hay nhiều tùy theo. Nghề bác sĩ thì phải mất nhiều tâm trí, công sức hơn (học nhiều hơn) nghề sửa xe đạp. Chuyện tôi chỉ cần kiếm điếu thuốc hút ở trong tù, nên chỉ cần suy nghĩ qua loa một chút: Tìm một số điểm chung của con người, mới thoáng nghe lại tưởng là cái riêng. Phải khoét sâu vào tâm lý, và cũng phải biết chế ngự, giới hạn.
Tôi nói chuyện với mấy bạn nằm bên cạnh: Ngày xưa, nhớ hồi còn học trung học (tất nhiên ở Sài Gòn), do tình cờ tôi đọc được một cuốn sách của Pháp nhan đề: Định mệnh con người (L’homme et sa destinée), tôi thấy họ vẽ những bàn tay với những đường chỉ tay, của mỗi người khác nhau. Từ những đường, những điểm khác nhau này, để người này có cuộc đời khác với người kia (ai mà chẳng quan tâm đến ngày mai của cuộc đời mình). Cuốn sách này được giới thiệu là của ” Hội nghiên cứu về số phận của con người do một nhóm giáo sư đại học biên soạn “.
Mấy anh ngồi cạnh đều xôn xao giơ tay, để xem cuộc đời mình ra sao? (ở tù thì đời anh nào chả bế tắc). Tôi lửng lơ, tỏ ra không muốn mất thì giờ, vào những chuyện vẩn vơ, để rồi tôi đưa ra điều kiện: Thôi bây giờ thế này, tôi thì không biết gì về tướng số, tôi nhìn tay bạn, nó giống như trong sách điểm nào thì tôi nói theo: Chuyện tương lai thì chẳng ai kiểm chứng được, vậy chỉ là sự việc đã qua và hiện tại. Nếu tôi nói ba điều, mà các bạn không thừa nhận là đúng, thì tôi không xem nữa. Ngược lại, nếu bạn thừa nhận là đúng thì tôi phải được thường một điếu thuốc lá, hoặc là ba điếu thuốc lào? Ai đồng ý thì tôi bắt đầu! Nhiều anh đưa tay lại tôi đồng ý.
Tôi cầm tay một anh, mặt tôi tỏ vẻ mô phạm, đăm chiêu, xoay ngang, xoay dọc, xem từng đường chỉ tay: Đường đời, đường học vấn, đường tình duyên, miệng lại nói tiếng Pháp như minh giải. Rồi nói như quyết đoán theo sách: ” Bàn tay này nội tâm rất nặng! ” Anh đó hơi ngơ ngác chưa xác định được; tôi nói thêm thí dụ: Bạn gặp một sự việc, một người quen mới, một chuyển đổi mới v.v... Người khác chỉ nghĩ đến một chút rồi quên đi, bạn thì cứ vẩn vương trong óc, có khi đến đêm còn nhớ lại, anh ta xác nhận là đúng!
Tâm lý bị đánh lạc, hay bị dụ, bị mê hoặc là sách của Pháp. Tỉnh táo sẽ thấy đây là cái chung, của mỗi người. Câu thứ hai: “Lạ thật! Bàn tay này nặng tình với người thân hơn, là người thân đối với mình “. Người thân có nghĩa là cha mẹ, anh em, vợ chồng, bạn bè v.v... Nghĩ một lúc rồi anh ta thừa nhận là đúng! (cái này có đo được đâu nên thế nào cũng đúng). Sau khi được thừa nhận hai câu là đúng, tôi lại ngó nghiêng bàn tay, thậm chí phải kéo ra chỗ sáng, rồi nói như quyết đoán: Cứ những gò ”thiên chường”, rãnh ”nguyệt đàm” của bàn tay này, thì sách nói là một người có ý chí mạnh, làm bất cứ việc gì đều quyết làm cho xong; chỉ bất đắc dĩ chứ không muốn nhờ vả ai cả.
Người thì tôi nói: ”bàn tay này có một lần tường chết, nhưng lại hóa giải được“, vì có một âm hồn phù trợ. Anh này suy nghĩ cho kỹ, 30 – 40 tuổi ai mà chả một lần thoát chết? Kể cả lúc mới đẻ v v. Nhiều người cùng nghe, và tôi tiếp tục có thuốc hút, mà hút một cách không phải đi xin. Người này bảo người kia, sang cả những buồng bên cạnh. Tâm lý của người đời, khi muốn ca tụng, thì cứ mở thêm ra. Lúc đó tôi lại quy định giờ xem, vì tôi đã có đủ thuốc hút, không cần mấy nữa. Vả lại, phải tỏ ra kênh kiệu như thế, nó mới càng có giá, người ta càng tin.
Nếu tôi chủ trương để kiếm sống bằng nghề ”Ma giáo” này, thì phải dày công nghiên cứu, sưu tra như một nghệ thuật, rồi nghề dậy nghề, do thời gian càng điêu luyện. Như tôi đã nói từ đầu, đây là do ”ma giáo” của tôi, phần vì tôi đã kiếm được cách có thuốc hút, vì tay nghề (mộc) khá hơn nên có năng suất. Phần khác là chính tôi, không cho phép tôi làm những việc như vậy nên tôi đã dứt khoát, không xem cho ai nữa.
Thế mà giờ đây Vân, lại muốn tôi đi xem tướng cái cô ở Đắc Lộ. Nể tình của Vân, một hôm tôi đồng ý để chiều lòng người bạn trẻ, và cũng xem trình độ, của cô thầy tướng Đắc Lộ này cao đến đâu, để hiểu biết thêm. Thế là một buổi hẹn, Vân và tôi, phóng chiếc Honda đến khu Đắc Lộ để gặp cô ”Thầy “. Tôi đã giao hẹn Vân ”để tôi hoàn toàn tự do, không được nói một tí gì về tôi cả“. Vân đồng ý, vì Vân muốn tôi đi, Vân phải chịu điều kiện của tôi.
Vào một căn hẻm, đến nhà cô thầy, bên ngoài có 7- 8 chiếc Honda và Mobylette xếp dựng theo hàng, 4- 5 chiếc xe đạp ở một góc. Căn nhà lợp tôn, hai buồng xây gạch và một buồng nhỏ vách gỗ. Trong nhà phía gian nhà gỗ, đàn ông, đàn bà lố nhố hơn một chục người nằm, ngồi. Qua dáng dấp và vài hiện tượng kết hợp, tôi đã hiểu là những người khách chờ cô ”thầy” xem tướng ở những nơi xa về. Có một bà hơn bốn chục tuổi ghi sổ sách và điều hành đám khách hàng chúng tôi, thay cho cô ” thầy.
Căn nhà cũng như những nhà khác trong xóm, không có một miếng giấy hay tấm bảng nào, ghi là chỗ hành nghề của cô thầy. Vân dựng xe xong, bước vào trong nhà. Chúng tôi phải đến ghi tên chỗ cái bàn con, theo bà điều hành nhắc nhở, rồi bà ta dẫn đến một buồng xây phía trái. Dù có một tấm liếp che, tôi vẫn nhìn thấp thoáng thấy những người phía bên căn nhà gỗ.
Chừng nửa giờ sau, có tiếng xôn xao của mấy bà bên ấy: “Cô thầy đã tới!“. Tôi, Vân đứng lên, ngó ra, một cô chừng 29-30, mặc chiếc áo khoác mầu xanh đậm, tóc quăn bồng cao phía trước. Đôi mắt sáng, sắc như dao cau, một đứa bé gái chừng 10 tuổi, ôm cái tráp đi phía sau, từ phía trái căn nhà gỗ đi ra. Ngay từ xa tôi đã thấy mắt cô ta như điện, đã nhìn sang khắp chúng tôi, nhưng khi đi gần tới, lại coi như chưa nhìn thấy chúng tôi. Trong lúc nhiều người đứng lên lễ phép trang trọng chào cô thầy, tôi thoáng thấy một tên ”áo vàng” đã đứng tuổi, cũng từ phía sau căn nhà gỗ đi ra, rồi rẽ vào một hẻm khác.
Tôi chợt nghĩ như thế CA và cô ” thầy ” phải ” ăn có “với nhau, thì mới có số người lạ, nằm đêm tụ tập mới ổn được. Đột nhiên cô ”thầy” chen vào giữa mấy ông bà bên căn nhà gỗ, cô chỉ tay vào một ông mặc chiếc áo sơ mi mầu gụ có cầu vai, giọng của cô thầy sang sảng: ”Chuyến này, ông không đi được! Nguy hiểm tính mạng! Hôm nay tôi không xem cho ông, sang năm trở lại đây!“. Nói rồi cô ”thầy“đẩy cửa đi vào căn buồng giữa. ông sơ- mi mầu gụ mặt trắng bạch, chới với định hỏi gì, nhưng cô “thầy” đã đóng cửa rồi. Tôi và mấy người xô đến hỏi han: Được biết, ông đó từ Vĩnh Long lên chiều hôm qua, đến nhờ cô thầy xem chuyến này đi có trót lọt không?
Điều lạ kỳ là; ông ta chưa gặp cô ”thầy” mà sao cô đã biết là ông định đi ”vượt biên” và còn nói đi không được, nguy hiểm nữa? Càng bàn tán thì sự việc càng thấy ly kỳ hơn, uy tín của cô ”thầy” càng được dàn rộng và càng ngấm thẩm vào bên trong số người này. Trong lúc bà quản lý gọi một số người trước vào buồng cô ”thầy“. Vân cứ trừng trừng nhìn tôi, miệng mỉm mỉm như muốn nói: ”Anh đã thấy cái tài ”thần thông” của cô thầy chưa? “.
Tôi không thể có ý kiến trong trường hợp này, hơn nữa công sức và thời gian đâu, để chuyện trò tìm hiểu với cái ông áo ”sơ-mi mầu gụ” để hỏi ông, từ hôm qua ở đây ông đã nói chuyện với bất cứ ai về chuyện ông định đến xem về chuyện ra đi của ông? Không kể lý do, giai đoạn này, nếu không nói là hầu hết thì cũng chiếm đa số, những người đến đây xem tướng số, đều phải tính đến ít nhiều, về chuyện vượt biên? Điều đáng để ý là tại sao cô ”thầy” phải làm cái kiểu ”muốn tỏ tài” thần thông ”trước nhiều người? “.
Đến lượt tôi được gọi vào, từ đầu Vân đã giới thiệu Vân với tôi là hai anh em ruột, Vân đã xem rồi, thấy hay, thấy đúng nên về đưa ông anh lại coi. Nhân dịp người anh là tôi, mới ở trên trại định cư Cái Sắn về Sài Gòn chơi, do đấy cả hai chúng tôi đều được vào căn buồng giữa.
Mở cửa đã thấy mùi hương nhang ngào ngạt. Hơi đặc biệt, một bàn thờ đơn giản có bát nhang khói bay nghi ngút, trên có hai tấm tranh thờ, một là đức Trần Hưng Đạo, và một là ông Quan Công ở bên Tàu. Cô ”thầy” ngồi bên trong một chiếc bàn con, đôi mắt long lanh như hạt sương trong ánh đèn. Theo ý tôi, Vân dẫn tôi đến chào cô ”thầy” giới thiệu: ”Đây là anh trai mới xuống chơi” rồi sang cái chõng tre phía vách bên kia ngồi.
Từ lúc vào, tôi như người có bệnh kinh niên, tôi vẫn vịn vai Vân, dáng đi và cử chỉ tỏ mệt mỏi, chậm chạp. Cô có cái thước nhôm 1/ 2 hình tròn có phân, ly để đo những đường chỉ tay, mặc cô đo tôi cứ nói chậm rãi:
- Tôi bị té từ trên mái nhà, gãy một xương sườn, một bên lá lách vỡ nát, tường chết. Bạn bè tôi đều nói, chỉ ở ngoại quốc mới chữa được bệnh của tôi. Tôi liều sẽ đi ”vượt biên” tôi nhờ cô xem, có đi được không? Chết thì tôi không sợ (bệnh này chết khỏi đau đớn), nhưng tôi sợ nhất là ở tù, cô chú ý xem cho, bàn tay này có phải ở tù hay không?
Tôi cứ thủng thẳng nói, trong lúc cô đo, cô xem tay tôi. Để hỗ trợ cho việc đánh lạc hướng, tâm lý cô ” thầy “; tôi ngoái sang chỗ Vân, hỏi nhẹ:
- Chú Vân ơi? Có phải tôi té, từ tháng 7/1973 phải không? Tôi chẳng còn nhớ năm nào?
Tôi hỏi như vậy, có nghĩa năm 1973 tôi vẫn ở miền Nam. Cô ” thầy “đã thấy tôi lo sợ nhất là ở tù, cuối cùng cô đã nhấn mạnh để tôi tin tưởng:
- Không phải ở tù, chuyến đi trót lọt! Tương lai sẽ gặp nhiều thuận tiện, đời tôi ăn về hậu vận v.v...
Để xác định rõ ràng, tôi nói to cho cả Vân cùng nghe:
- Thưa cô, cô xem kỹ lại, bàn tay này có bị ở tù không?
Cô nói khẳng quyết là ” không “.
Tôi còn ” láy “lại:
- Có nghĩa bàn tay này không bao giờ sợ phải vào tù?
Cô nhìn tôi một lúc, rồi gật đầu, tôi vui ra mặt, thấy tương lai của mình như sáng sủa ra.
Vân hôm nay ra về, nét hả hê đã dàn đầy trên khuôn mặt. Dắt Honda ra tới ngõ, Vân còn ngoái lại nhìn căn nhà của cô “thầy” rồi quay lại nhìn tôi. Đôi mắt của Vân hấp him lóa ra mầu hoàng kim, cái mầu chắc nịch của tâm hồn. Tôi chẳng hỏi, nhưng tôi nghĩ rằng Trần Vãn, chẳng còn trở lại để gặp cô ” thầy nữa.
Trên đường về Vân có nhã ý hỏi tôi: Muốn ăn bất cứ món gì Vân sẽ phải ăn theo. Để đáp lại tôi, đã chiều theo ý của Vân, vừa lúc ấy Honda đã về ngang Ông Tạ. Cái mùi chả ”Chó” nó phả ra đầy đường, từ ngày về tôi chưa một lần thực hiện được một ý thơ, của một người bạn tù:
Đã là trai…đất Bắc Phải biết… lúc… lắc… với… chả cầy.
Một cái chồi ”hứng” đã ngỏng lên trong lòng, tôi đã đồng ý vào một hiệu ”Cây Còn” gần chéo Ngã Ba ông Tạ. Tôi và Vân cùng tương đắc cái món ”nghiền” của dân nhậu Bắc Hà, nên đã thả lỏng lòng thưởng thức ”Mộc Tồn“. Cái món mà nhiều thế hệ cha anh, đến chết còn phải băn khoăn:
Sống ở trên đời, ăn miếng dồi chó.
Chết xuống âm phủ, còn có hay không?
Hôm nay tôi hân hạnh gặp cụ Lưu Linh nữa, nhưng tôi chỉ dám tiếp ”cụ” xã giao, vì tôi còn phải gặp cô Ngọc Anh 7 giờ, và còn phải họp tổ dán phố, 8 giờ tại nhà ông trùm Lộc.