If you love someone you would be willing to give up everything for them, but if they loved you back they’d never ask you to.

Anon

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 171: Ra Khơi Lần Thứ Hai
ặp lại nhau, thật là vui, nhưng cũng chỉ là ly nước mía, hay nước chanh là hết cỡ. Tôi cũng đã mời Tuấn Nguyệt lại nhà tôi, và tôi cũng đã lại thăm nhà, chào ông bố của Nguyệt. Đều tự hiểu là chẳng có cơm nước gì, dù chủ nhà có muốn mời cơm, cũng không có khả năng. Qua Tuấn Nguyệt tôi biết thêm một số anh em khác, cũng đã được tha như Mạc Lịch, Tâm Bột, Trần Thế Khải, Kiều Duy Vĩnh v.v... Từ đấy thỉnh thoảng Tuấn Nguyệt ghé lại nhà tôi chơi, cũng như một số anh em Biệt Kích vậy. Người này liên hệ thăm hỏi để biết người kia.
Sang đầu 1982, số Biệt Kích càng ngày càng được về nhiều. Ngay trong anh em BK hầu như không có ai trong hoàn cảnh và điều kiện như tôi. Họ không có bố mẹ già mù lòa, họ không bị ràng bố và phải trình diện mỗi ngày như tôi. Nhiều anh em BK được tha về, hầu như ai cũng phấn chấn ra mặt, riêng tôi hẩm hiu lại xin trở vào trong tù.
Hôm nay tôi đi làm về đến nhà, Hoa bảo sang mẹ gặp, buổi trưa cậu Tập đến gặp mẹ lâu lắm!. Tôi vội sang bên bà nhạc, cậu Tập cho biết: tối nay, 8:00 tôi phải sang nhà cậu ngủ, để sáng sớm mai có xe đón ra Vũng Tàu. Tôi vội về lo toan chuẩn bị những thứ cần thiết. Tôi trèo vào mùng thầy tôi, thấy tôi vào, người lồm cồm bò dậy, tôi đã ôm lấy thầy tôi và thì thào:
- Xin thầy giữ gìn sức khỏe, thầy cầu nguyện cho con đi được trót lọt.
Tôi đã bước chân xuống giường, tôi chợt nghĩ: ”có thể rồi đây thầy tôi chết, hay tôi chết chả còn gặp nhau nữa, tôi đành lỗi đạo làm con “. Tôi quay lại ôm lấy thầy tôi thật lâu, như muốn nói thầm với người như vậy.
Tôi lại vào giường mẹ tôi, mẹ tôi đã hiểu chuyện từ lúc tôi chưa đi làm về, mẹ tôi cầm tay tôi, vuốt tóc tôi, người nói trong nước mắt:
- Mẹ muốn con ở bên mẹ, nhưng mẹ lại cầu xin cho con đi bằng yên! Con phải thương vợ của con, nó cũng đứt ruột để chồng ra đi!
Tôi ngồi ôm mẹ, gục đầu vào vai mẹ im lặng cho nhiều nỗi niềm, chảy ra theo dòng nước mắt. Biết bao nhiêu chuyện phải nói, phải dặn dò mẹ, nhưng tôi chỉ nói được với mẹ, một lời:
- Tất cả mọi sự, con xin dâng và vâng theo thánh ý Chúa!
Cũng như với thầy tôi, sẽ chẳng còn hy vọng gặp lại mẹ nữa. Mẹ tôi thì già yếu, bất cứ lúc nào người ra đi, còn tôi thì trăm thứ bấp bênh trước mặt. Tôi đi trình diện rồi tôi và Hoa đèo nhau sang nhà cậu.
Tôi đã dặn kỹ mẹ và Hoa, từ sau 7 giờ chiều mai cho tới ngày hôm sau, nếu cô công an Ngọc Anh có đến hỏi tôi, thì đều nói: Khoảng 5:30 chiều, người cháu ở Hồng Ngự xuống báo bà Hai Công sắp chết. Nó vội vàng chạy đến cô để xin phép, nhưng nói là không gặp cô, nên nó đã đi ngay với người cháu. Đại cương là cứ nói lửng lơ, không xác định, diễn tiến tuỳ theo để mặc tôi giải quyết! Trong thực tế tôi đã đi từ sau lúc trình diện, ngày hôm qua.
Buổi tối ở nhà cậu mợ Tập, tôi đã minh định với cậu mợ Tập: ” Vợ chồng cháu xin ghi lòng nhã ý của cậu mợ. Về chuyến đi này cháu xin nói rõ:
Nếu cháu chết ở biển cả, xin Chúa trả đền cho cậu mợ, hoặc trong muôn một vợ con của cháu có điều kiện nào, trang trải món nợ này cho cậu mợ. Nếu cháu đi đến nơi, cháu sẽ thanh toán đủ số vàng, mà cậu đã đưa cho họ. Không may mà cháu bị bắt, là phần số của cháu, còn liên lạc được với cậu mợ, vả lại cháu luôn nghĩ rằng: Nếu lòng cậu mợ tính toán như cháu vừa thưa, chắc chắn cậu mợ đã không nhường, chuyến đi này cho cháu “
Đêm hôm ấy, tôi ngủ với em Hòa, còn Hoa ngủ với mấy con gái của cậu mợ. Bốn giờ sáng còn tối đất đã có người đến đón, xe đậu mãi gần chỗ chợ cá cũ (Trần Quốc Toàn), Hoa bịn rịn cứ quấn quít bên tôi, tôi đã đèo Hoa ra tận chỗ xe đậu.
Cả một đêm, Hoa không chợp mắt được một phút, tôi cho một tay lại sau, cầm tay Hoa. Lòng tôi như sóng biển trong cơn giông, dạt dào, gào thét thương vợ và đứa con chưa chào đời. Trên xe đàn ông, đàn bà, trai gái đã có hơn một chục người. Tôi chẳng muốn người khác chú ý mình, tôi ngừng xe ở một gốc cây bên này đường, Hoa và tôi đã ôm nhau một lúc thật lâu, để rồi ngực và vai tôi đã ướt cả. Tôi khẽ xoa và vỗ nhẹ bụng vợ tôi, như nói thầm:
- Con ở lại nhé! Bố đi sẽ đón con đi sau!
Tôi đã lên xe và xe đã chạy, tuy trời chưa sáng hẳn, nhưng tôi nhìn rõ Hoa đang gò lưng lại, đạp theo chiếc xe tôi đang ngồi, để cứ mờ dần, rồi mất hút vào phố phường. Tôi nói như tự nói với mình:
-Em ơi? Có mệt không em? Cái bụng to, tròn như thế mà đạp xe khỏe thật!
Hơn 2 giờ trưa xe mới đến đồn Cỏ May, vì chiếc xe còn đón một vài người nữa ở chợ Cầu Ông Lãnh, lúc sáng nay. Xe đi qua đồn Cỏ May, mãi đến một con rạch thì chiếc xe rẽ vào. Xe ngừng trước một đám nhà tranh, tôn như một xóm nhỏ của làng quê Mười lăm, mười sáu người lục đục kéo xuống, lúc đó đã hơn 6 giờ chiều. Họ dẫn vào một căn nhà lợp tôn vách gỗ, trong nhà chỉ có vài chiếc giường ọp ẹp. Một cái bàn mộc đã loang lổ mực tím, với mấy chiếc ghế đã thứt thẹo, do gánh nặng thời gian. Chiếc bếp nhỏ lợp rạ vẫn le lói ánh lửa, có một bà mặc nâu sồng, khăn mỏ quạ đang cời than, tỏ là một gia đình người di cư nghèo từ 1954. Mỗi người còn đang nhớn nhác tìm chỗ đứng, ngồi thì cái bà tóc quăn, mặc áo cánh trắng khi sáng đôn đốc người lên xe vào nói, và chỉ tay sang cái nhà bên cạnh:
- Mời các ông, các bà 6 – 7 người sang bên kia, cho rộng chỗ nằm!
Ồn ào một lúc, một số người quen nhau đã sang căn nhà lợp rạ. Trời tối dần, phần tôi đi ra ngoài quan sát địa hình, cảnh vật. Theo bà tóc quăn thì đêm nay ngủ ở đây, chờ thuyền lớn vào theo con nước, có thể 2- 3 giờ sáng chưa biết chừng. Có một cậu chừng 25- 26 tuổi, da bánh mật, đầu húi ” cua “, ngay từ trên xe, cậu ta gặp mắt tôi, mặt cậu tươi lên, miệng cậu vừa như cười, vừa như mấp máy, mặt của cậu toát ra là một người hiền lành, chân thật.
Như tôi đã có chủ trương từ trước, tôi không muốn tỏ ra một hiện tượng gì khác thường, để người chung quanh để ý. Vì thế, tôi muốn làm quen với cậu lấm, nhưng tôi vẫn giữ im lặng, giữ nét mặt tư lự hợp lý như mọi người, đều nghĩ về gia đình, người thân của mình. Bây giờ thấy cậu giở ra một miếng nylon đen đã cũ, tìm một góc nhà, định trải ra nằm. Lúc cậu gặp lại mắt tôi, tôi đã mỉm cười như chào, rồi tiến đến chỗ cậu. Cậu đã ngồi dịch lại một chút như ý ” xin mời “. Tôi đã ngồi xuống bên cạnh và khẽ hỏi:
- Cậu đi có một mình?
Cậu gật đầu và khẽ ” dạ “. Tôi đã biết cậu người Nam, và chúng tôi đã quen nhau, cậu tên là Chánh, bố là sĩ quan cấp tá đi ” cải tạo ” ngoài Bắc từ tháng 7/1975. Phần vì chẳng nên vội vàng quen biết lúc này, phần khác ai còn tâm hồn đâu, mỗi người đang đầy ắp, mối ưu lo cho mình.
Trời đã tối, góc này chỗ kia đã có người móc đồ riêng ra nhai, ăn nhóp nhép. Khoảng 8 giờ, bà tóc quăn đi vào, theo sau có một bé gái chừng 12- 13 tuổi, bê một rổ cơm đi vào, còn đang bốc khói và một chồng bát con. Mùi cơm chắc làm nhiều người chảy nước miếng, vì chính tôi, từ trưa chỉ có hai quả chuối tiêu, ở Biên Hòa, gần chợ Đồn khi xe nghỉ máy. Bà tóc quăn nói: ” bà con ăn tạm bát cơm với cá khô”, nói rồi bà ta ra ngay.
Đã có kinh nghiệm trong tình huống này, nhiều người còn nhìn nhau ngập ngừng. Phải thực thi lời dậy của cổ nhân: ” ăn cỗ đi trước lội nước đi sau “. Tôi kéo tay cậu Chánh ra, lấy mỗi người một cái bát xúc cơm, gắp mấy con cá ” cơm ” khô, rồi về chỗ, dùng đũa ” trời ” mà ăn. Miệng nhai nhưng đầu tôi phảng phất nghĩ suy: Đây là một hình thức nhà ” ếm ” người. Để đêm thuyền vào đón, hoặc người đón dẫn đi ra thuyền, nhưng họ tương đối tử tế, những người không có đồ mang theo là đói.
Trời lại tối đen như mực, khoảng 10 giờ, cũng đã nghe một vài tiếng ” gáy ” khọt khẹt đây đó. Tôi chợt nghĩ ” cẩn tắc, vô ưu; lo xa thì không gặp khó khăn gần”. Nếu như CA họ đã ngửi thấy hơi, mình chưa hiểu ” bến, bãi ”mua hay giao thiệp thế nào nằm một ” rọ” thế này, đêm CA đến vây là bắt gọn. Tôi quay sang ”lay” vai cậu Chánh, nói nhỏ, trao đổi với cậu nội dung như trên, và tôi đã nói với cậu như một quyết định. ”Thà chúng ta chịu khổ cực một chút, nhưng an toàn hơn “:
- Anh em mình ra chỗ bờ dậu găng, chui vào trong bụi nằm tạm chờ, nghe ngóng. Nếu họ đến đón thì chúng ta vào nhập bọn, còn bộ đội CA đến, thì chúng ta rút, lủi chạy!
Cậu Chánh đã đồng ý, nên đêm hôm ấy làm sao tôi chợp mắt? Tôi ngồi nghe ngóng tiếng đêm thâu, của không gian vùng Chu Hải Bà Rịa. Ngoài những tiếng lá cây xào xạc, tiếng dạt dào của sông nước xa xa vọng về, thỉnh thoảng có tiếng chó cắn, tiếng gà gáy của những xóm làng quanh vùng vẳng đến. Một điều tôi hơi lạ lùng, rõ ràng tôi nghe thấy mấy hồi cú ”rúc ” như tiếng oan hồn đêm thâu gọi ”tử thần ” của vùng Vũng Tàu, Bà Rịa. Tôi cứ tưởng đồng bằng hay ven biển, thì làm gì có tiếng cú kêu?
Dòng tư tướng của tôi trong bụi găng giữa đêm thâu, đã nhiều lần nhẩy nhót về Sài Gòn. Về người mẹ hiền mù lòa, bệnh tật của tôi, về người bố lẫn trí. Tự nhiên, tôi nắn tay, sờ chân xương thịt của tôi là truyền nhân của người. Về người vợ trẻ thương yêu cùng giai cấp nghèo, như tôi và về đứa con ngọc quý hơn sáu tháng vẫn còn nằm trong bụng (không biết trai hay là gái). Do một vài ngôi sao đêm to nhất nhòm xuống và ánh của chiếc đèn biển, từ một chiếc cột cao trên chỏm, cái đồi trọc phía trước, tôi đã nhìn thấy lúc chiều. Cảnh vật, nhà cửa chỉ còn mờ mờ trong trí tưởng là chính. Cậu Chánh thỉnh thoảng cựa quậy và thở dài, tôi thông cảm với cậu.
Tôi đã phải hàng mấy năm, đêm ngày trong cùm, xích, xê dịch, nằm, ngồi, trở mình, ỉa đái khó khăn bao nhiêu. Như thế này thì đã thấm tháp gì. Hơn nữa, gió mát lồng lộng, khí hậu trong lành. Như vẫn thường ăn cơm muối rang, nay được ăn với thịt cá. Sướng như cưỡi ngựa ấy chứ! Tôi chỉ có nhớ và thương bố mẹ vợ con, lẫn với một chút niềm lắng lo CA, bộ đội đến vồ. Tôi hiểu mình đã xin đi tù, giờ đây có bắt thì cũng đi tù, nhưng ở hai tư thế khác nhau rõ rệt.
Có tội bị bắt vào tù và tự nguyện vào tù đã thấy khác hẳn nhau, ngay ở trong lòng mình rồi. Nó khác ngay trong con mắt của mình, khi nhìn những tên cán bộ của trại tù.
Do mắt không nhìn rõ cảnh vật, nên đôi tai đã phải tăng tần số, để nghe tiếng động. Quá nửa đêm, có lúc trời lặng gió, tôi nghe thấy cả những tiếng giun, tiếng dế nỉ non chuyện trò, tiếng mấy con cóc cọ kẹ, gại lưỡi gọi trời mưa. Để rồi vừng Đông rạng dần, còn tôi lại hư đốn, chợp luôn vào giấc Nam Kha. Có lẽ, cái tần số cảnh giác của thần kinh, tự thấy tạm an toàn, nên đã thổi còi hụ tan giờ ”giới nghiêm “.
Đến khi cậu Chánh đã lay vai, tôi mới bò nhổm dậy. Nhìn đồng hồ 4:30 như thế tôi cũng chợp mắt, được gần một giờ. Thảo nào, người tôi thấy sảng khoái hẳn lên, tôi chui ra khỏi bụi găng, rồi vẫy tay cho cậu Chánh. Tôi khẽ lách, nhẩy qua một luống rau dền cơm, vào phía sau ngôi nhà hôm qua, mọi người còn đang ngủ yên ắng! Có thể đêm qua ai cũng thấp thỏm, nên giờ đây đều hãy còn ngủ trả.
Tôi rủ cậu Chánh làm vài động tác thể dục buổi sáng. Trời trong xanh, nhưng cũng thật nhiều mây trắng, có chỗ mây chồng lên nhau lổm ngổm như những trái núi mầu xám bạc. Phía dưới những tầng mây, chỗ thì xám, chỗ thì mầu sữa đặc, nhưng phía trên thì trắng toát, thậm chí, phát ra hào quang rừng rực, có lẽ mặt trời đã mò lên ở chân trời phía Đông!
Dưới này thì ánh sáng nhàn nhạt, nhưng nếu những máy bay nào đi lên trên mây, thì vẫn thấy mặt trời nắng chói. Bầu trời vẫn còn những khoảng trống, không có mây. Mầu xanh, cái mầu xanh êm như lụa, tôi không có khả năng để diễn tả hết được cái đẹp kỳ diệu, cái đẹp hùng vĩ của bầu trời lúc này. Hẳn các quý vị ai cũng đã hơn một lần đã chiêm ngưỡng, bầu trời xanh mây trắng buổi sớm mai như tôi!
Cái mầu hài hòa kỳ vĩ lộng lẫy này, tôi đã nhìn thấy ở đâu? À đúng rồi cái mầu xanh của áo khoác ngoài Đức Mẹ Maria đồng trinh với cái mầu trắng của áo dài phía trong. Mầu xanh càng làm nổi mầu trắng và ngược lại, như mầu xanh của da trời với mây trắng, nó hài hòa, nó bao dung, và linh thiêng mãi mãi.
Người tôi đờ đẫn ngắm trời xanh mây trắng như xuất hồn, một tiếng trong vắt kéo dài rồi rung lên như phím tơ: Tì…tì….te te… té té… của một con chim lạ đậu trên cây bưởi Biên Hòa phía trước cổng. Tôi tỉnh hẳn, quay lại cậu Chánh cũng đang dõi mắt về phía tiếng chim lạ. Không ngờ cũng có người say mê như mình, tôi kéo tay cậu len lén nép vào dậu găng. Mò gần đến cây bưởi, hình như con chim càng kêu hót nhiều kiểu, như ca ngợi bầu trời êm ả sớm mai, vùng Chu Hải Vũng Tàu?
Chả lẽ nó liếc nhìn thấy hai chúng tôi, đang lò dò đến gốc cây bưởi, nên biểu diễn thêm khúc nhạc mê hồn?
Tôi đã nhìn thấy rồi? Đúng là con chim lạ, tôi chưa hề nhìn thấy bao giờ, mỏ trắng, đầu và cổ đỏ chót, hai cái cánh mầu cánh chả ấp lấy cái thân mầu trắng, đặc biệt, cái đuôi tím sậm, dài ngoẳng. Mỗi lần cất tiếng hót….tí tí..tẹ….tè…tè tè…thì cái đuôi lại quay ngang, rồi ưỡn lên một cái.
Tôi và cậu Chánh đều ngây ngất, không dám cả thở mạnh sợ động, nó bay đi, làm sao có điều kiện, hoàn cảnh để gặp lại con chim ấy lần thứ hai? Thoáng bóng cô bé bưng rổ cơm tối hôm qua, đi về phía chúng tôi, tôi đã định chạy lẹ ra kéo cô bé vào bóng cây găng, nhưng không còn kịp nữa, con chim khỏa cánh bay sâu vào vùng Hải Sơn. Nó bay đi, vẫn còn hát tiếp tẹ tẹ … tí tí…. tè tè…. Cô bé cũng thoáng thấy con chim bay đi, và chúng tôi vẫn còn ngoái nhìn theo. Cô bé cũng nhìn theo con chim, nhưng miệng thì lại hối hả:
- Các chú vào để chuẩn bị ra xe?
Nhìn đồng hồ mới 5: 15, tôi và cậu Chánh đều tự hiểu, là chuyến đi đã trục trặc không thành. Bà tóc quăn căn dặn: cứ hai hay ba người một toán đi cách xa nhau, lần lượt trở ra tỉnh lộ, tự túc đón xe trở về Sài Gòn. Chuyến đi không được hôm nay, bà ta không nói lý do, nếu có ai hỏi thì tùy theo mỗi người là ra thăm bạn bè, bà con ở Chu Hải hay Hải Sơn v.v…
Với tôi thì sự việc đã tương đối rõ, để khỏi những rắc rối bất ngờ. Tôi đeo chiếc tay nải cố hữu theo những hướng, đường tôi đã biết để trở về. Tôi định quay vào rủ cậu Chánh cùng về cho vui, nhưng khi tôi vào trong nhà, chả thấy cậu ta đâu. Một mình tôi trở về Sài Gòn, để sớm gặp lại bố mẹ, vợ, và con (còn trong bụng).
Trong lúc ngồi xe trở lại thành Đô, tôi nhớ đến cậu Chánh, rất tiếc do những tình huống đặc biệt, nên tôi đã không hỏi để biết cậu ở đâu, và bố của cậu bị ra Bắc tên là gì? Với cái nhìn một vài thái độ của cậu, tôi hiểu là sáng hôm sau cậu cũng đã biết chuyến đi ấy, chẳng có tàu, thuyền gì cả. Nhưng hiện nay, là người tị nạn trên xứ người, do những đẩy xô của dòng đời sau 22 năm (1982- 2004) tôi đang ngồi lần giở lại một quãng đời trong hố thẳm của thời gian, không biết bây giờ cậu ở đâu? Như thế nào? Còn ở trong nước hay đã ở hải ngoại? Nếu cậu còn hiện hữu, chắc cậu cũng không thể quên được cái đêm hôm ấy, chúng ta trong bụi cây găng già và con chim lạ vùng Chu Hải, Bà Rịa?
Hai giờ chiều hôm ấy tôi đã trở về đến nhà, mẹ tôi cho biết cô Ngọc Anh 8 giờ tối qua đã đến đây tìm con, mẹ đã nói như lời con dặn, cô ấy dặn:
- Hôm nay con về phải đến cô ấy ngay.
Tôi tranh thủ tắm rửa, thay quần áo rồi phóng xe sang tổ mộc Thành Công, ông Huỳnh đã từng là đặc công của Sài Gòn, qua nhiều lần tôi trao đổi. Phần vì thực tế, từ sau khi miền Bắc đã chiếm được miền Nam cho tới nay, ông ta đã nhìn rõ một phần sự thật. Phần khác với những cái hiểu biết của tôi, ông ta thắc mắc, nghi hoặc chưa rõ điều gì; tôi chỉ cần trình bày sự thật, chính điều này, ông Huỳnh đã dần dà có thiện cảm với tôi. Đến nay, ông sẵn sàng giúp tôi trong điều kiện của ông. Tôi sang gặp ông, trình bầy tôi phải đi Hồng Ngự đột xuất thăm bà chị v.v... Đến nơi, bà chị đã gặp được bác sĩ ở bệnh viện Tam Nông giải quyết đúng phương pháp, và cho thuốc đúng bệnh nên đã khỏe lại chờ ngày cho trở về nhà v.v …
Tôi cũng xin ông cấp cho cái giấy xác nhận, tôi có đến xin ông nghỉ, để đi Hồng Ngự. ông Huỳnh còn giúp tôi là CA phường 7 Phú Nhuận, xác nhận trưa nay tôi đã về lao động tại tổ mộc. Có giấy này, thì dễ dàng nói chuyện với cô Ngọc Anh.
Trưởng CA phường 7 là bạn thân của ông, từ những ngày hoạt động trong nội thành. Tôi đã chuẩn bị những giấy tờ cần thiết, chuẩn bị cả tư tưởng cho một ngày thiếu trình diện, để đến gặp cô Ngọc Anh. Gặp cô, sau khi đưa hai tờ giấy của tổ mộc Thành Công và của trưởng CA phường 7 Phú Nhuận cho cô. Tôi tưởng sẽ phải trả lời những câu hỏi hạch sách và thái độ lôi đình của cô như mọi khi, nhưng cô đã không hỏi han, hay thốt một lời. Mắt của cô nhìn tôi vài giây như đọng lại, mi mắt của cô hơi hạ xuống, rồi lại từ từ giương lên như nhìn một bến sông chiều muộn, gần cửa biển lộng gió. Nhìn cô ký cho tôi cả ngày hôm qua, tự nhiên một nhánh tư tường ngông cuồng, của một người trai tạt ngang, tôi gọi khẽ:
- Cô Ngọc Anh!
Đôi mắt mầu lam nhạt quay, quét khắp người tôi, rồi đọng lại như đóng cọc nơi cổ tôi. Con ngươi của cô chuyển dần thành mầu nho chín, trong nắng chiều giữa hạ, tiếng nói thập thò như muốn lôi kéo, mùa thu về của tôi.
- Tôi muốn.....bắt tay cô!
Con ngươi của cô tròn lại, rồi dẹp ra khép lại, tay cô như đầu con sẻ tơ, ngước mỏ lên, rồi tiến dần về phía tôi. Tôi đã đường hoàng nấm chặt lấy đầu con sẻ, như một lời cảm ơn. Tôi đứng dậy ra về, với một hơi thở ra thật dài.
Trên đường về, những ánh đèn trong những ngôi nhà lồi ra thụt vào, như những chiếc lưỡi trắng vàng, lè ra ngoài con đường hẻm. Cảnh vật mập mờ như dáng hình của mấy sơn nữ, vừa ngụp lặn trong dòng suối mơ, đang thay đồ bên triền dốc, một ngọn đồi có nhiều sim tím. Chân bước thấp, bước cao, có lúc nhẹ ” hẫng ” như vừa nhắp một men rượu lạ, chưa một lần hít hơi.
Nhưng một mùi hương ngọt ngào quen thuộc, đã xồng xộc chui vào khứu giác, làm cho tôi ngơ ngác đến lạ lùng. Càng bước tới, cái mùi ngọt ngào, ngây ngất đã nhiều lần kéo, lôi tôi vào động hoa vàng, càng đặc quánh lại. Để rồi hai cánh tay mềm tròn lẳn, đã vòng xiết chặt lấy cổ tôi. Mùi hoa thiên lý đang thì, của làn tóc huyền óng ả của em Hoa, đã vít chặt hai lỗ mũi của tôi. Lạ quá! Có bao giờ em ra đón tôi ở mãi ngoài này?
Bữa cơm hôm nay có mấy món lạ, chẳng hiểu em tôi xoay xở ở đâu, như một chút lòng của người vợ mừng đón người chồng của mình trở lại, và hẳn cô nàng cũng tự hiểu, sẽ có những giờ phút nắm tay nhau nhún nhẩy vào thăm động hoa vàng!
Một bát canh hoa bí đỏ nấu lẫn với mấy ngọn bầu, em xin ở nhà cô bạn trong xóm Nghĩa Hòa, một dĩa trứng vịt tráng, già lửa vàng ngậy thơm ngứa cả mũi, từ khi tôi bước vào nhà. Do Hoa lỉnh về nhà, xin mẹ được một quả trứng, bữa cơm hàn huyên đầy ắp nghĩa tình phụ mẫu, phu thê, tường rằng chuyến đi sẽ khó lòng gặp lại.
Đôi mắt em Hoa, nhìn như chà xát, như dội nước nóng vào cái tay cầm đũa của tôi. Có thể Hoa nhìn theo ý riêng của Hoa, nhưng tôi có cảm tường cái tay ấy rát ràn rạt, vì dám cầm vào tay của một cái vòi của con Hồng Tuộc? Tôi lên gân, nắm chặt cứng lại, như nắm chặt cái vòi, bắt nó co lại, rụt hẳn vào, để đợi ngày.
Con của tôi, chẳng có cái gì để bồi dưỡng, nhưng cứ mỗi ngày mỗi lớn, nó làm cho cái bụng của mẹ nó gồ cả vạt áo lên. Hôm nay lĩnh lương, tôi đã ghé đến hàng bà Thản, bán trứng vịt lộn Hiền Vương. Đã từ lâu, từ ngày có vợ tôi đến bà mua trứng ” bồi dưỡng ” thường là bốn hột. Hôm nay, tôi lại bảo bà lấy cho năm cái bà ngước mắt lên, quét ngang vào mặt tôi một cái, như đàn cò đêm, cả vào mặt chị Hằng. Tiếng nói rặt vùng Cai Lậy, của bà reng rẻng cất lên, như tiếng nồi cám heo sôi già:
- Bữa nay sông Bến Nghé nước chảy ngược dòng, cậu đòi những hai?
Chẳng muốn thanh minh với bà Thản, nên tôi chỉ mỉm cười để bà tự thưởng thức câu nói đùa vui của bà. Thẳng người, khoan thai cỡi lên ” ông già ” lắm mồm, để rong ruổi về Nam Hòa. ” Ông ” này đã kêu ca cọt kẹt hơn nửa tháng rồi, nhưng tôi vẫn khuyến khích ” ông ” hãy chịu đựng, tôi chưa có thời gian và cũng chưa có tiền mua bốn cái má ” thắng ”và lau dầu. Đã từ lâu tôi đã gọi là ”ông ” vì tuổi đời như tôi hoặc hơn, một ”ông” có phí phách, dù cũng phải thiếu thốn ngược xuôi, tần tảo hết lên Quận, xuống Phường như tôi để trình diện với các cơ quan quản lý. Dù mưa dầm hay bão giật ”ông” cũng lần mò đi trong nước bùn, cống rãnh ngập tràn, dù cho nắng rách vai, đỏ tóc ”ông” vẫn cùng tôi đi đến nơi về đến chốn.
Đức tính đặc biệt nhất của ”ông” là không tố cáo ai, đã hơn hẳn những người bệ vệ, kính trắng, xách cặp da nhưng xun xoe, luồn cúi, tố giác cả bạn bè, anh em để lấy thành tích, trèo lên chỗ ngồi cao, để lừa lọc đám dân đen. Dù bết bát, bệnh tật như thế nhiều lần ”ông” vẫn sẵn sàng cõng thêm cả vợ tôi. Tiếng cọt kẹt của ”ông” hôm nay nghe như ”ông” hoan hô đồng tình với năm quả trứng vịt lộn, đang chễm chệ ở trên vai tôi tuy ”ông” thấy tôi có tiền bồi dưỡng, mà lại không có tiền chữa bệnh cho ”ông “?
Đã từ bữa bồi dưỡng lần trước, ông bà nội khuyến khích tôi; lần này phải bồi dưỡng cho đứa cháu ”đích tôn” của ông bà, nghĩa là Hoa sẽ được, hai trứng vịt lộn.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen