Remember that great love and great achievements involve great risk.

Anonymous

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 170: Tình Mẫu Tử Xoắn Võ
rong tình trạng đen tối như thế của giai đoạn ấy, thì chuyện cậu mợ Tập nhường chuyến đi lại cho tôi, là một cơ hội của đời tôi. Hơn nhiều người đã hiểu, đã biết: Trong đời của một người, cơ duyên (duyên may) chỉ đến một hay hai lần, nếu người đó không biết nắm lấy, để nó vuột đi, đôi khi lại có tác dụng ngược. Nghĩa là cái cơ duyên đó lại làm cho đời người ấy khốn đốn tơi bời.
Vì đời là kỳ diệu!
Như vậy, ai cũng đã thấy, nếu tôi không nhận, mới là chuyện ” trái khoáy ” của cuộc đời. Theo ý cậu mợ Tập, nếu tôi đồng ý ra đi, thì một buổi hai vợ chồng tôi xuống gặp cậu mợ bên đường Trần Quốc Toản, sau này là đường 3 tháng 2. Chúng tôi đã nhờ mẹ, cho cậu biết và xin một ngày chúng tôi sang thăm cậu mợ.
Đêm ấy hai vợ chồng tôi cũng biết bao nhiêu tâm tư chồng chéo trong lòng.
Trong cuộc sống biết bao nhiêu chuyện không theo ý của mình, mà phải theo một cái khuôn thước hoàn cảnh và điều kiện khách quan. Chẳng một ai mới cưới một người vợ trẻ đã bỏ vợ lại để ra đi, và càng chẳng một ai, người con gái mới lấy chồng lại muốn để cho người chồng của mình ra đi. Ra đi vượt biên ở những giai đoạn ấy có hàng chục tình huống xẩy ra, tù đày, xuống lòng biển, cướp biển bắt v.v... Còn một cái có thể ở cả những trường hợp đi thoát, đi được, nhưng người ra đi đã ôm cầm thuyền khác, điều này lại không phải là cá biệt.
Như vậy tâm trạng của Hoa, vợ thương yêu của tôi, sẽ trăn trở như thế nào? Nhất là trong bụng đã có mầm mống của tôi hai ba tháng, kẻ ở người đi: ”chia đàn, xẻ lứa “? Tôi phải hiểu để cảm thông với những trận giông bão trong lòng của Hoa. Chồng mới cưới, mới bén mùi thương yêu đã ra đi với hàng chục tình huống. Hầu như ra đi, không có ngày trở lại, bụng mang dạ chửa, tay làm hàm nhai (Tay trắng như chưa bao giờ trắng thế?). Chồng ra đi, còn để lại một trách nhiệm ý thức liên đới, cha mẹ già yếu, mù lòa. Hoa ơi! Nghĩ đến đây, anh chỉ biết xin cúi đầu lắng nhận cái lồng lộng của tình em, sự chịu đựng truyền thống, em đã được thừa hướng, của người phụ nữ Việt Nam. Con xin cảm tạ Trời, Chúa đã ban cho con một người vợ là Hoa.
Một buổi chiều, sau một ngày lao động căng thẳng, tôi uể oải nhấn chiếc bàn đạp của chiếc xe, cũng mắc nhiều bệnh, vì tuổi nó cũng đã về chiều. Mở khóa vào nhà, cũng như mọi khi, thoáng bóng thầy tôi nằm trong màn, dù thức hay ngủ tôi vẫn lên tiếng chào: ” Thưa thầy, con về “, rồi vào gian trong chào mẹ, nhưng mẹ tôi không có ở nhà. Loáng lên, tôi thấy có vấn đề, lại không thấy em Hoa. Nhớn nhác, tôi xuống bếp, bếp cũng lạnh vắng như ” chùa bà Đanh “, vừa quay lên nhà, tai thoáng có tiếng động trên sàn gác, tôi giồ lên, thì cũng là lúc có đôi bàn chân mềm, của em Hoa thò đi xuống. Tôi được biết từ sáng, Hoa đã đưa mẹ vào nhà thương Hồng Bàng.
Khoảng 9: 30 (sáng) thầy tôi mở cửa, gào to với hàng xóm:
- Các ông, các…… bà …..ơi!
Bà Chức và một vài người chạy sang. Mẹ tôi đã nôn ra nhiều máu, người đang xỉu trên giường, mỗi người một tay, nắn cổ, xoa dầu, đỡ bà cụ ngồi dậy.
Bà Chức, nhanh nhẹn chạy sang tổ ngòi bút Đức Thành gọi Hoa; rồi bà Chức và Hoa đã thuê chiếc xích-lô đạp, chở bà cụ vào nhà thương Hồng Bàng cấp cứu.
Hoa đã mệt nhọc từ sáng với bà cụ trong nhà thương, mới về hơn một tiếng, quá mệt lả, nên chả thiết làm hay ăn uống gì. Tôi tranh thủ gầy nồi cơm, rồi chuẩn bị cùng với Hoa trở lại nhà thương, mãi bên Chợ Lớn. Dưới đất, trên giường đây đó còn những vệt máu của mẹ tôi, chưa dọn lau sạch, tuy tôi cũng mệt, nhưng bụng chả thiết uống, ăn gì. Vả lại, có muốn ăn cũng chả có gì mà ăn.
Nghĩ đến mẹ tôi đang rờ rẫm một mình trong một căn buồng nhiều người lao bệnh khác, như tôi vừa nhai xong một nhúm muối rang. Tôi muốn phóng xe ngay, sang nhà thương Hồng Bàng, nhưng nhìn Hoa đang chậm chạp đi xuống bếp, để giải quyết vệ sinh, tôi lưỡng lự vài giây. Tôi đã vậy, nhưng còn Hoa, người vợ thương yêu của tôi đã có bầu? Mệt nhọc từ sáng với mẹ tôi, nếu không tỉnh táo giải quyết lần lượt sự việc, có nhiều khi sự việc lại kéo dài thêm ra, trầm trọng thêm. Nếu quá sức, người mẹ đã vậy còn đứa con trong bụng?
Nồi cơm đã ghế, đảo 5-10 phút nữa chín, Hoa phải ăn một bát cơm nóng. Tôi đổ thêm một ít mắm cáy của mẹ Hoa mới cho hôm qua, thêm lẫn vào chiếc soong con mắm tôm chưng, hai loại mắm đảo lộn với nhau. Chưng nóng sôi lên thành một món ăn ít người được thưởng thức. Vừa xong thì cơm cũng đủ chín, Hoa cũng từ nhà cầu ra, hai chúng tôi mỗi người một tay, một chân, lấy sẵn bát đũa, thìa lên bàn cho thầy tôi, rồi mỗi người xới lẹ một bát cơm thưởng thức vội, với món ăn tôi vừa sáng chế.
Hai vợ chồng vừa nhìn nhau, vừa nhồm nhoàm nhai miếng cơm với mắm, tôi chợt nghĩ đến một ý:
Dù nghèo mà vui…..
Hỏi ai không hé môi cười… … ….
Tôi yêu ….quê tôi, yêu lũy tre dài… …đẹp xinh …
Rồi miệng nhai, tai tôi nghe rõ mồn một bài hát ” Tôi Yêu ” hình như của ông Trịnh Hưng sáng tác thì phải, từ trong hố sâu của ký ức. Tiếng hát đu đưa réo lên ở một chiếc loa phóng thanh, trong khu chợ Nguyễn Tri Phương, Chợ Lớn một buổi chiều muộn nắng nhạt, khi nhiều gia đình đã quây quần bên mâm cơm năm 1958.
Tôi yêu …..quê tôi…..yêu mãi ….bây giờ càng yêu… …
Yêu con sông xanh……dâng cát …..hoe vàng bên đình…
Yêu trăng buông lơi…..trên má cô nàng…..dệt tơ….
Và yêu cánh đồng vời xa… ngàn tay dâng mùa thái hòa
Yêu anh, yêu em……. Yêu nước…..yêu trời gần xa
Và yêu…mối tình nở hoa…ngàn năm..không hề phai nhòa.
Tôi mắm môi, mẩm lợi đèo Hoa sang Chợ Lớn cho kịp trước giờ nhà thương đóng cửa. Đến cổng cũng là lúc ông già gác cổng đang đẩy cánh cổng khép lại để khóa. Tôi hộc tốc cùng Hoa xông vào, ông già nhìn tôi và Hoa đang chạy phía sau với vẻ mặt của con ngan vừa ” tè “, ông nói như tiếng mưa rơi mùa hè:
- Đã đến giờ rồi, anh ơi!
Vừa thở hổn hển, mặt tôi vừa dài ra, nhăn nhúm lại:
- Thưa bác, tôi vừa đi làm về tới nhà, mẹ tôi bị ngất đưa vào đây, xin bác thông cảm cho đứa con trai nghèo thăm người mẹ.
Ông già ngừng tay đóng cổng, mặt của ông tỏ vẻ ái ngại:
- Tôi thông cảm cho anh, còn cháu thì không được!
Tôi biết ông ta lầm, nên nhã nhặn nài nỉ:
- Thưa bác đây là vợ của tôi… cũng đã mang bầu…..
Ông mở cổng rộng ra, nhưng mắt của ông cũng mở to, tưởng chỉ còn lòng trắng, để nhìn hai chúng tôi như một chuyện không bình thường của quê hương nhiều máu lửa. Khi tôi đi qua cổng, ông già đã để tay lên tay tôi, trên ghi dông xe như muốn kéo lại để ông cởi cái nút băn khoăn trong lòng của ông về một đôi vợ chồng, mà ông lại tưởng là cha và con.
Nhưng rồi ông lại nở một nụ cười hiền hòa, đẩy tôi đi, như đã tự tìm được câu giải đáp: Trong một đất nước không may gặp phải cái nạn ” hồng tuộc ” để gây ra một cuộc chiến tranh dai dẳng ác liệt suốt một giải Trung Nam Bắc liên tục 30 năm. Hết chống thực dân xâm lược, lại làm nồi da để nấu, hầm thịt của mình. Cho nên nó đã đẻ ra nhiều chuyện không bình thường, mà đây là một. Khi đã có quá nhiều chuyện không bình thường, thì đương nhiên nó trở thành chuyện bình thường. Có nghĩa chuyện của vợ chồng tôi, cũng chỉ là, một câu chuyện bình thường của quê hương nhiều súng đạn, lửa, bom của chúng ta.
Tôi đã hình dung từ trước, nhưng khi nhìn thấy mẹ tôi, tôi đã không nhìn rõ người, vì nước mắt của tôi giàn ra mà tôi đã không kìm giữ được. Họ đã cắt tóc mẹ tôi chỉ còn hơn một phân. Người nằm, mắt người lúc nào cũng nhắm, không thể biết được người thức hay ngủ, nếu người không động đậy tay, hoặc chân. Cái mặt của người khắc khổ càng bé choắt lại.
Ngày xưa, mẹ tôi là người đẫy đà, tầm thước duyên dáng đã được nhiều bạn hàng và họ hàng trêu đùa, ca ngợi, nhất là đôi mắt. Đôi mắt mà thầy tôi vẫn bông đùa với chúng tôi, mỗi lần nàng Xuân của dân tộc ghé thăm gia đình tôi:
”Mẹ chúng mày có đôi mắt thu hồn người “,
thế mà giờ đây, một tấm thân khô gầy, tiều tụy chỉ vì những tai ương của cuộc đời đã dập vùi, dầy vò mẹ tôi.
Cái tai ương mở đầu, lại chính đứa con trai cả, yêu quý của người gieo. Người con trai ấy đã bất ngờ bỏ ra đi, không một lời từ giã mẹ mình, để lại cho người những đêm dài thấp thỏm, khắc khoải nhiều nước mắt.
Người con trai khi đó do bầu nhiệt huyết, tâm hồn trắng trong của tuổi trẻ, thẩm thấu cái nhân sinh quan của cụ Nguyễn Công Trứ: Chí trai ngang tàng vẫy vùng ngang dọc bốn phương trời. Không những cụ có tài về quân sự mà còn uyên bác về kinh tế, xã hội. Trong văn học sử nước nhà, khó tìm được một người: Tri, ngôn, hành hợp nhất. Vì thế ngay khi còn niên thiếu, học trung học đệ II cấp, tôi đã thuộc làu nhiều thơ văn của cụ. Chỉ nghĩ và làm những điều mình muốn, ở những phương trời có lửa và có máu. Chàng trai ấy, đâu nghĩ đến cái nỗi lòng của người mẹ, chờ con:
Chờ con lúc canh khuya……
Người con ….đã ra đi ….. vì ….nước!
….. Để rồi …….. biền biệt ……… mất tiêu.
Tôi hơi một chút se lòng, lắt lay trong đạo lý làm con, mập mờ, sáng tối giữa hiếu và trung. Mẹ tôi đã khóc thương con nhiều, nên người đã lòa cả đôi mắt từ 1964. Còn thằng con trai thứ hai lớn lên, cũng đi vào quân đội để cứu nước, cuối cùng đã bị một tên du kích hạ sát để trả thù, lúc đang ngủ ở giữa cánh đồng, trên Hồng Ngự năm 1976 để lại một đàn con sáu đứa côi cút và người mẹ cũng đã bước sang thuyền khác. Người có hai đứa con trai, thì cả hai đứa đều bỏ người lại, để ra đi không trở về.
Cuộc đời của người và gia đình càng chìm sâu vào vũng lầy trong hang tối, để đến bây giờ từ lao tâm, người đã trở thành lao phổi, trầm trọng mà không có thuốc men để chữa chạy. Tôi cứ ngồi yên nhìn mẹ tôi nằm, dòng suy tường của tôi cứ cuồn cuộn vặn vò trong đầu, nó đã vắt kiệt và đẩy dần nước ra ngoài mắt tôi
Đặt một tay lên bàn tay gầy của người. Tôi chỉ nói được một tiếng ”mẹ“, bao nhiêu nỗi niềm như đút chặt cổ họng, làm tôi không nói ra lời. Mẹ tôi tuy nằm, nhưng người không có ngủ, như ”thần giao cách cảm” người biết ngay là tôi. Nước mắt của người đã giàn ra, môi của người mím lại rồi thốt ra, cũng chỉ có một tiếng ”con “. Tay của người xoay lên cầm nhẹ tay tôi, người vẫn nằm yên, nhưng trong hai hố mắt của người nước càng giàn ra nhiều hơn. Tôi phải lấy khăn lau mắt cho người và cũng chiếc khăn ấy, lau cả cho tôi. Nhìn lên Hoa, mắt cũng đỏ hoe, tôi chợt nhớ đã đến giờ về để trình diện.
Hoa ở lại với mẹ, 5 giờ sáng mai tôi đưa cơm nước sang, hẹn Hoa ở ngoài cổng nhà thương, vì giờ đó chưa mở.
Tôi sẽ dậy từ 4 giờ, nấu cơm, để kịp chuẩn bị đưa sang nhà thương, rồi phóng xe sang tổ mộc Thành Công, bên Phú nhuận. Tôi còn phải sang bà mẹ vợ, nhờ mẹ đến tổ ngòi bút Đức Thành, xin cho Hoa nghỉ để chăm lo mẹ lòa, trong bệnh viện.
Sau khi tôi đi trình diện về, ở nhà tối hôm nay chỉ có hai bố con tôi, nhìn đôi mắt chậm chạp lờ đờ của thầy tôi, tình phụ tử từ dưới đáy con tim của tôi đã trỗi dậy. Mới 7: 30, tôi chạy vội ra cửa hàng bà Lân để mua thêm hai hào cà ghém nén, món cà tuy mặn, nhưng thầy tôi vẫn thích từ ngày xưa.
Sau khi bà xúc cho gần một chục quả cà, tôi nhìn mấy con cá khô, tôi biết thầy tôi cũng thích mà tôi cũng thèm, nhưng tôi cứ ngần ngừ. Bốc đồng, tôi định bảo bà ấy bán cho hai con, chợt nhớ Hoa đã dặn gom cho đủ 12 đồng để đong thêm 7 kg gạo thiếu. Vì đã đổi bo bo để lấy gạo, vừa không muốn ăn bo bo lại vừa thích ăn cá kèo, thì làm sao mà đạt? Năm hào cà nén, đã là phóng tay rồi. Tôi bước ra tới cửa thì bà Lân lại gọi giật vào:
- Cậu cứ cầm lấy hai con cá về mà ăn! Tôi không lấy tiền đâu!
Tôi đã trợn mắt nhìn bà Lân “bà này đọc được tâm tư của tôi ư?”. Nghèo, nhưng lòng tự trọng của tôi vẫn trỗi lên:
- Cám ơn bà, tôi đủ rồi!
Bà ấy cầm luôn hai con cá, gói vào miếng giấy báo đưa vào tay tôi:
- Cậu cứ cầm về đi, tôi còn mang ơn bà cụ nhiều lắm!
Sau này, tôi nhớ lại, có lần tôi hỏi mẹ tôi thì được biết: Khi mắt của mẹ tôi còn sáng bán vải ở chợ, người giữ (làm chủ) nhiều bát ” hụi “, không những rộng rãi, nhân nhượng với bà Lân, mẹ tôi còn là người đỡ đầu cho con trai của bà ấy.
Sáng hôm nay, cũng như mọi khi, tôi dậy từ 3: 30, để lo cơm nước đưa sang cho mẹ và em Hoa. Đặc biệt hôm nay, có chừng nửa lạng bột sắn dây, loại này giai đoạn ấy rất quý và hiếm của bà Cần trước cửa nhà, đưa cho tôi chiều qua, dặn đưa vào cho bà cụ. Thứ này rất mát, rất tác dụng với bệnh lao phổi.
Ngoài ra, chiều qua tôi có mua được một bó rau lang, tôi đã luộc để lại cho thầy tôi mươi ngọn, tôi ăn mươi ngọn, còn gói đem sang cho Hoa và mẹ. Ở nhà thương mẹ uống thuốc bị nóng, thiếu rau tươi, Hoa cũng cần vì bụng chửa, tôi cũng cần ” bồi dưỡng “cho con tôi đã 4- 5 tháng rồi. Chả biết con trai hay con gái, kinh nghiệm của cô Thu, cô Xuân và mấy bà hàng xóm, bụng chửa tròn như quả dưa hấu, đứt đuôi là con gái. Nhưng theo mợ Út và ông lang Diệm phía trước nhà thờ, bụng óng lên như mít Tố Nữ thì có chạy đi đằng trời, cũng là thằng cu tí! Tôi chẳng biết nghe ai, con trai hay con gái, cũng là của quý như ngọc, như vàng của tôi. Bây giờ tôi cứ phải bồi dưỡng cho con tôi đã. Con thông cảm cho bố nhé! Bố không có tài, lại đang bị con Hồng Tuộc nó ràng bố, nên bố chỉ có rau lang, để bồi dưỡng cho con thôi.
Vừa đạp xe, đầu óc mông lung, vừa nghĩ đến bồi dưỡng, mà đã nhìn thấy cổng bệnh viện Hồng Bàng rồi. Mới 4: 45, còn 15 phút nữa, mới tới giờ Hoa ra cổng.
Nhìn chéo phía bên kia cổng, một mảnh vườn con, với chiếc ghế để không, tôi vòng sang đấy ngồi chờ. Mới còn tinh mơ, đã có hai chú bướm trắng đậu vào hai bông Thược Dược. Hai cánh ”khỏa ” chậm chạp như một ông tiên, đang phe phẩy chiếc quạt lông ngỗng. Tôi khẽ nhón bước, lách vào bụi râm bụt, tiến lại gần hai anh chàng hay cô nàng bướm. Thôi, cứ cho một chàng và một nàng đi, cho họ hạnh phúc mà mình có thiệt hại gì đâu?
Một con phía cuối cánh, gần đuôi có mầu xanh nước biển, một con cũng phía cuối, lại có mầu vàng nghệ, tôi cứ cho con vàng nghệ là một anh chàng đi. Anh chàng thò mãi cái vòi như sợi chỉ nâu, chọc vào hết chẽ này, lại chẽ khác của nàng Thược Dược mới nở. Hai chiếc cánh cứ ấp vào rồi lại mở ra, thỉnh thoảng cái bụng con, cong cong của con bướm có điểm chút màu xanh biển, cũng có vẻ tham lam lắm. Chiếc vòi của nàng ngoặt ngoẹo lách vào chẽ này, lại quặt sang chẽ khác của bông hoa. Hai chiếc râu con phía trên đầu, cứ lắc lắc mở dài ra, rồi lại cuộn vào cứ như đang bơm bánh xe đạp bị hết hơi. Cánh của cô nàng cũng từ từ mở ra khép vào giống như anh chàng mầu nghệ, có thể anh chàng và cô nàng đã chắc dạ, nên lại lẳng lơ vờn đuổi nhau sang mãi bên kia vườn.
Cũng kỳ khôi, từ nãy tâm trí của tôi chỉ chú ý đến đôi bướm trắng mà không để ý đến một khóm huệ, phía sau chiếc ghế tôi ngồi, có hai con chuồn chuồn nâu gắn vào nhau! Nhìn thoáng, tôi có cảm tường là một chiếc trực thăng thu nhỏ. Chúng không biết có tôi ngồi ngay đấy, tôi khẽ xoay người đầu cúi thấp, mò gần lại xem chúng làm gì mà lạ vậy? Thảo nào, mới khi vào ngồi ghế, lẫn vào mùi thược dược rõ ràng có một mùi lạ. Bây giờ tôi mới hiểu, đó là mùi đài các quý tộc của huệ trắng, thứ hoa thường để dâng hiến Đức Mẹ và Phật Bà Quan Âm. Nó vừa trâm anh, thế phiệt lại vừa hòa nhã, khiêm tốn, đạo đức, thế mà mấy chú chuồn chuồn mới bảnh mắt, đã rủ nhau đến làm trò.
Rất là lạ, đuôi của một con phía dưới lại cong tớn lên, gắn vào phía sau đầu của một con, ôm phía trên. Con phía trên quay ngược đầu lại, thò mãi cái đuôi dài xuống phía dưới, gắn vào bụng của con phía dưới: Chẳng biết chúng làm cái trò gì mà rắc rối vậy? Tôi đã giơ tay lên định chộp cả đôi, để nhìn cho rõ, nhưng tôi chợt nghĩ, dù là một sinh vật nó cũng có buồn, vui, sướng khổ, tôi không có quyền làm gián đoạn hay phá quấy, cuộc sống của chúng nó.
Nghĩ thế, tôi đã hạ tay xuống để cho cái mũi, tự do hà hít cái hơi thiên kim của nàng huệ trắng, đang phì ra cái hơi ngát, ngây ngất của tiểu thư. Làm cho tôi quên béng là phải đứng yên và thở nhẹ, để ngắm nhìn đôi chuồn chuồn. Tôi đã đứng thẳng người lên, làm cho hai chú chuồn chuồn đang ôm nhau, cất cánh sang mảnh vườn bên cạnh. Lúc chúng ôm nhau bay đi, lại càng giống một cái trực thăng bà già, mà tôi đã nhìn thấy nhiều lần.
Tôi đang định dẫn xe đạp theo sang mảnh vườn bên ấy, thì đã thoáng thấy bóng em Hoa trong cổng bệnh viện, phía bên kia đường đang vẫy. Như chợt tỉnh một cơn mê, của anh chàng Từ Thức:
Rằng xưa…..có gã …..từ quan …… ….. lên non
Tìm động …….hoa vàng …… với …..tiên!
Tôi vội dẫn xe đưa các thứ sang cho em Hoa, đến nơi, chưa kịp hỏi thăm mẹ, em Hoa đã hỏi tôi rồi:
- Anh làm gì...... mà em gọi...... em vời mãi?
- Xin lỗi em! Đêm qua anh ít ngủ, nên hơi mệt? Mẹ …. đêm qua, có ngủ được không em? Cả em nữa?
Chợt nghĩ đến con của tôi, như có một sinh khí luồn vào người, tôi tươi mặt:
- Thế còn con của anh, nó có ngủ yên không?
Hoa đỏ mặt rồi ứ....ứ, tay cầm các thứ đi vào, chẳng trả lời một câu hỏi nào của tôi. Tôi cũng đã đến giờ phóng xe sang Phú Nhuận.
Buổi chiều, tôi lúi húi vo gạo, đặt nồi cơm để chuẩn bị sang với mẹ. Đã hơn một tuần, mẹ tôi đã đỡ nên ngày mai nhà thương sẽ cho mẹ tôi về nhà, uống thuốc Bắc. Mấy hôm trước, một ông bác sĩ trẻ trưởng khoa, hỏi tôi và Hoa có một loại thuốc trị vi trùng lao của Tiệp rất hữu hiệu, chúng tôi có đủ tiền lo cho bà cụ không? Với giá tiền ấy, chẳng khi nào chúng tôi nghĩ tới, chứ đừng nói là chúng tôi có, nhà chạy gạo, chạy củi từng ngày làm gì có tiền mua loại thuốc như vậy.
Có thể Chúa và ông Trời đã thương gia đình chúng tôi hay sao, vài ngày sau, mẹ tôi lại tỉnh táo, như có một phép lạ tiếp sức, hàng ngày nhà thương cũng cho mẹ uống thuốc lá Đông y là chính.
Buổi tối, tôi đi trình diện về, vừa bước vào nhà, thầy tôi chỉ chiếc ghế như bảo tôi ngồi. Tôi ngồi đưa đôi mắt ngạc nhiên nhìn thầy tôi, hôm nay người có những thái độ khác thường. Người mở tủ, trịnh trọng lôi ra một chiếc hộp con đánh vẹc- ni đã cũ, từ mãi góc trong cùng của chiếc tủ cũng xấp xỉ tuổi đời với thầy tôi. Người mang chiếc hộp ra chiếc bàn con, nhà vẫn ăn cơm. Chiếc hộp chỉ có cái móc, không có khóa, người ngồi xuống mở hộp, tôi đoán chắc người có món gì quý người cho tôi đây? Người cầm ra một cái lọ con mầu tím xanh, người đưa cho tôi mặt người tươi lên, nói dịu dàng:
- Con giữ lấy...... mà dùng?
Tay tôi cầm, nỗi ngạc nhiên của tôi càng lớn hơn, rõ ràng là lọ mực Wateman của thời trước 1975. Lọ mực còn đầy nguyên chưa mở, vậy người đưa cho tôi để làm gì? Dù tôi biết là thầy tôi đã hơi lẫn trí, nhưng tôi vẫn băn khoăn. Để thầy tôi vui lòng, tôi nhận và cũng trịnh trọng:
- Con cám ơn… thầy!
Thầy cho mực để đi học? Rõ ràng tôi đã bốn mươi mấy tuổi, lại đang là phó thường dân, chạy ăn từng bữa, còn đang làm đơn xin vào nơi địa ngục của đời, thì còn học hành cái gì? Vậy người cho lọ mực để tôi bán lấy một hai đồng? Hợp lý và rốt lý nhất là tinh thần của người không còn sáng suốt, nên người đã làm như vậy!
Tuy thế, chiều ngày hôm sau, mẹ tôi và em Hoa ở nhà thương về, ngoài những chuyện khác, tôi vẫn còn đưa chuyện lọ mực Waterman ra hỏi ý kiến Hoa và mẹ. Hoa và mẹ cũng ngẩn người ra chịu chết, cuối cùng cũng chỉ còn cho là thầy đưa lọ mực trong một lúc mà óc thầy không còn sáng suốt.
Phần tôi đã nhiều lúc tôi định hỏi thẳng thầy tôi, nhưng tuy thầy tôi đã lẫn trí, nhưng người vẫn còn cái uy với tôi. Cái uy nó đã có từ những ngày tôi còn bé, còn niên thiếu, những ngày khổ cực tập luyện võ nghệ, đấm đá cây chuối, đấm đá cột nhà, bao cát. Khổ luyện về mùa Đông cũng như mùa Hè hàng chục năm, từ ba bốn tuổi đã phải đứng Trung bình tấn, Đinh tấn, Xà tấn, Chảo mã tấn, v.v... trong những bài quyền thuật, hay có binh khí cho mãi tới 14-15 tuổi. Rồi những trận đòn nên thân của thầy, nên tôi cứ rụt rè không dám hỏi, vả lại tôi đã đinh ninh là một việc làm của một người không còn bình thường, nên tôi đã bỏ qua.
Tôi nhớ lại hôm kia, tôi đang gò lưng đạp chiếc xe già trên đường Trương Minh Giảng, thì gặp Tuấn Nguyệt. Cũng như năm ngoái gặp Lộc Vàng, những người của Hà Nội, của miền Bắc, giờ đây lại gặp ở Sài Gòn. Tuấn Nguyệt bị ghép cái tội phản tuyên truyền, phản cách mạng, chẳng có án ung gì mà chỉ ” tắc bọp “. Loại tù tập trung ba năm ở miền Bắc XHCN hầu như ở đại đa số người tù, người thì ba lệnh, bốn lệnh, năm lệnh v.v…
Mỗi lệnh là ba năm, rất ít người được cái may mắn là một hay hai lệnh, thì được về.
Tuấn Nguyệt cũng ở cái lệnh thứ ba, tại phân trại A, trại trung ương số 2 Phong Quang (Yên Bái), thời gian này, (cuối 1974) tôi đã gặp Tuấn Nguyệt. Anh có bố di cư vào miền Nam 1954, ông đã già, không di tản, Tuấn Nguyệt liên lạc lại được với bố. Năm 1976 Nguyệt được tha đã về sống với bố, Nguyệt lấy vợ, cả hai vợ chồng cũng vất vả ngược xuôi để kiếm miếng ăn. Hiện nay Nguyệt cũng chả có công việc gì làm; lông bông thỉnh thoảng ăn bám ông bố già, Nguyệt cũng khoảng tuổi của tôi, hiện nay cảnh sống cũng tương tự như tôi, chỉ có khác là người tù địa phương (những người ở miền Bắc đi tù như Trần Nhu, Nguyễn Chí Thiện, Lý Cà Sa, Vũ Thư Hiên,v.v…). Chứ không phải như tôi, của chính quyền miền Nam ra Bắc, anh không bị mất quyền công dân và quản chế như tôi.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen