Some books are to be tasted, others to be swallowed, and some few to be chewed and digested.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 169: Chuyển Đổi Tư Duy
ẫn xe ra khỏi tổ mộc Thành Công, phố phường, cảnh vật hôm nay tươi ra roi rói, như trong lòng tôi lúc này, vợ và cháu gái đến tìm tôi! Đã mấy chục năm nay có ai hỏi tìm, thăm tôi đâu? Hôm nay cảm giác của tôi khác thường. Như vậy tôi cũng là một người như mọi người! Và tôi cũng có hạnh phúc giống người khác, điều mà đã mặc nhiên từ lúc nào, tôi không còn dính dáng gì đến cái hạnh phúc của cuộc đời này.
Tôi nhớ lại, cái tâm trạng đó, rõ nét nhất là cái buổi sáng hôm ấy, sau sáu năm ở trong buồng kín, tên cảnh sát khoá tay dẫn tôi sang toà án nhân dân Hà Nội để xử. Tôi nhìn đường phố Hoả Lò, tôi nhìn phố Hàng Bông Ruộm, dòng người và xe cộ ngược xuôi. Nhiều người ngước lên hoặc ngoái lại nhìn tôi, một tên tù gầy gò xanh tái bị khoá hai tay, do một tên cảnh sát đeo súng, lầm lì giong phía sau. Phía người dân, họ chẳng còn lạ gì với cảnh cùm khoá này, trong cái xã hội cộng sản. Nhưng phía tôi, tâm trạng của tôi: Tôi có cảm tưởng như nhìn một loài người khác, một xã hội khác, tôi không còn dính dáng, liên quan gì với họ.
Nhưng hôm nay, vợ tôi và cháu Lan đã lấy lại cho tôi cái cảm giác tôi còn dính dáng, còn liên quan đến cái xã hội này, những người đang ngược xuôi trên đường phố là đồng bào ruột thịt của tôi. Tôi nhìn em Hoa và cháu Thanh Lan cứ ríu rit cười đùa nhởn nhơ, tôi như muốn nói:
“Em yêu và cháu thương có biết rằng em và cháu vừa chuyển đổi tư duy của một người đấy!”
Tôi xin cảm ơn em thương yêu và cháu ngoan với tư cách một người Việt Nam.
Một ngày khác thường, một ngày vui như thế này, nếu tôi có điều kiện, tôi sẽ đưa em và cháu vào một nhà hàng nào đó, như thể hiện một tấm lòng với một tấm lòng.
Sờ vào túi, nhớ lại chỉ có 3 đồng rưỡi từ hôm kia còn lại, tôi đã định tối hôm nay sẽ bàn với em Hoa, hai vợ chồng sẽ chuẩn bị nấu một bữa cà ghém có thịt ba rọi, xào cháy cạnh với đủ mùi gia vì: ngổ hương và lá tía tô. Món tủ, món sở thích của mẹ.
Mặt của tôi ngẩn ra, đã cho tay vào túi lại đành rút ra. Đi qua một xe nước mía, tôi chợt nghĩ: Nếu uống nước mía loại 2 thì được, loại nhiều đá, ít mía chỉ ba hào (cắc), loại 1 những 5 hào cơ. Nhìn trán cháu Lan lấm tấm mồ hôi tôi ghé sang, hơi kéo “ghi-đông” xe về phía xe nước mía. Tôi hỏi cháu Lan có mệt để cho bác đèo bác gái? Nhưng cháu muốn tỏ nhã ý nói:
“Bác đã yếu, phải làm mộc cả ngày, ăn uống lại không đủ chất, hơn nữa cháu còn có ý định ghé thăm ông bà ngoại.”
Cơm nước xong, từ cửa sổ trên gác, nhìn em Hoa đang loay hoay rửa chén bát, tôi nghĩ đến nguồn vui hôm nay, chả có cái gì liên hoan chào mừng. Mỗi người mới có một ly nước mía loại 2! Tôi quay lại lấy chiếc quần đùi, lẹ làng xuống dưới nhà. Nhìn làn tóc huyền óng ả, thấp thoáng, che chiếc cổ trắng ngần, tôi cúi xuống, nhẹ áp mũi tôi vào hít hà cái mùi ngọt ngào à nói khẽ vào tai em Hoa:
- Hôm nay vợ chồng mình lại đánh cờ!
Mặt em đỏ như gấc chín, quay lại đắm đuối nhìn tôi. Em đã tự hểu như một thói quen ngất ngây êm ả mà Thượng Đế đã ban cho một đôi vợ chồng. Tôi vào đi tắm trước, và em sẽ tắm sau để chuẩn bị cho “cuộc cờ”.
Công việc chồng chất vây quanh, quấn chặt vào người, ăn uống, cũng chỉ có rau, mắm rồi lại cà tương. Đôi khi, bữa cơm cũng có con tôm, con cá, miếng thịt, thì từ thầy mẹ đến chúng tôi, đều hí hửng như có chất tươi ở trong tù. Đó là cảnh sống hiện nay của chúng tôi, nhưng từ lâu đã trở thành một thói quen. Hãy gạt hết qua một bên, mọi trở ngại khó khăn vây quanh, chú trọng hưởng cái trước mặt! Cuộc sống đã cho tôi hiểu:
“Không biết trân quý những cái mình đang có, thì mình sẽ không được tận hưởng cái tuyệt vời của nó”.
Đã trở thành nền nếp hơn một tháng nay rồi, từ ngày tôi và Hoa cùng trẻo lên chung một chiếc “thuyền đời”, mỗi một lần đánh cờ thì tôi được bồi dưỡng một quả trứng gà tươi của cửa hàng bà Khản trước cửa chợ Nam Hoà. Lên gác, mảnh mặt trời chiều đã chìm hẳn từ lâu, chéo phía Đông một mảnh trăng gầy đang nhìn vào cửa sổ. Tắt đèn đi, trong căn gác trống, ánh sáng mơ hồ mập mờ, càng tạo cho “cuộc cờ” thêm hương vị. Chẳng cần quay lại, tôi đã biết em thương của tôi đã lên gác, cái mùi ngọt ngào ngan ngát nhè nhẹ quên thuộc, đã phả kín căn buồng.
Bỗng cái mùi ngầy ngầy ấy sực đậm hơn, đôi vai của tôi bị một cái gì vừa mềm, vừa cứng đè trĩu xuống, rồi hai thỏi ngọc ngà của đôi cánh tay đã quấn chặt cổ, làm tôi tưởng không thở được. Tôi đâu có chịu thua, tôi sẽ cho cô nàng biết sức mạnh của chiếc dây đàn từ bé tôi mới được “gảy” vói cô hơn một tháng nay. Tuy tôi ít “gảy” nhưng khi tôi đã “gảy” thì trời “long” đất “lở”, cho tả tơi gỗ đá, cho rung chuyển cả căn nhà, để rồi chỉ có chắp tay mà lạy….xin tha!
Khi người “anh hùng” vùng vẫy chiến đấu đã ngã ngựa, em Hoa mới ghé sát tai thỏ thẻ:
- Anh có biết tối hôm qua, mẹ gọi em vào mùng, hỏi em cái gì không?
Tôi biết “tỏng” Hoa nói như vậy để tôi sẽ vồ vập hỏi Hoa là mẹ hỏi gì? Nhưng đừng “hòng! Tỉnh bơ tôi thong thả nói:
- Anh đã biết rồi! Mẹ cũng hỏi anh!
Hoa cuống quít hỏi:
- Mẹ hỏi sao?
- Em đưa ra ý kiến trước, thì em nói trước; anh sẽ nói sau!
Hoa ngồi hẳn dậy, nói ngập ngừng:
- Mẹ hỏi em;”Đã một tháng rưỡi, gần hai tháng… có thấy người khác thường không?”
Em trả lời mẹ là “em không thấy gì cả”!
Tôi nhìn Hoa với đôi mắt thương yêu nhiều hơn vì em của tôi, vợ của tôi thật “ngây thơ và hiền”. Tôi nhớ câu: Hạnh phúc cho những ai lấy được vợ hiền, lòng tôi cũng nhen nhúm lên một niềm thích thú: Mình thua cuộc đời, về nhà chỉ bắt nạt được vợ”. Nhưng tôi lại chợt nhớ, khi còn ở các trại tù chung, các bác giả thường nói: Khi vợ có con, vợ bắt “nạt” lải mình, càng nhiều con càng bị “nạt” nhiều.
Tôi nghĩ đến mẹ tôi, hẳn người mong ngóng lắm để tôi sớm có con, vì tôi đã lớn tuổi rồi. Tôi lại lan man nghĩ, có thể gần hai chục năm, tôi ăn uống đói khát, dơ bẩn, hầu hết là bo bo, ngô, khoai, sắn, cả nấm độc, đến lá cây rừng …cho nên tôi không còn bình thường nữa chăng? Tôi trở mình, kéo em Hoa lại gần:
- Rồi mẹ bảo sao hở em?
Thái độ của Hoa như được hưng phấn, sôi nổi, khoe một thành tích:
- Mẹ dặn em ra gặp bà Ngôn bán thịt, đặt mua một quả cật heo, đem về xẻ đôi lấy hết cái trăng trắng bên trong, nó rất hoi. Rồi ướp hành, tỏi với muối và đem nướng khô cho anh ăn. Buổi chiều, em đã đặt rồi, sáng mai anh sẽ có ăn.
Chẳng biết thế nào, tôi chỉ được ăn năm, sáu lần cật heo. Nửa tháng sau, em Hoa cứ nôn oẹ sáng chiều, để rồi mẹ tôi cười tủm tỉm lẩm bẩm: nó đã “có” rồi!
Ngày hôm sau, sáng nào cũng vậy, Hoa dậy sớm nấu cơm. Sau khi nắm cho tôi một nắm cơm với ít mắm tôi chưng, Hoa chuẩn bị cơm nước cho thầy mẹ xong, tôi và Hoa bắt đầu đi làm mỗi người mỗi ngả, chỉ có buổi chiều là bữa cơm sum họp gia đình.
Hôm nay, sau khi cơm nước xong, Hoa và tôi chuẩn bị: Thầy tôi một ly nước vối nóng, mẹ tôi một ly nước lá thuốc cho bệnh phổi của mẹ, dáng mặt khắc khổ, mẹ tôi chậm rãi:
- Các con ngồi xuống đây, mẹ muốn nói chuyện với các con.
Thấy thái độ của mẹ hơi khác thường, chúng tôi kéo nhau ngồi lại. Thầy tôi, sau khi kéo điếu thuốc lào, cũng đến ngồi một ghế. Tôi đứng lên, đến bên mẹ, nhẹ vuốt bàn tay nhăn nheo của mẹ, thì thào:
- Có chuyện gì thế hả mẹ?
Mẹ không nói gì, nhưng hai dòng nước từ đôi mắt lòa từ từ chảy xuống má. Miệng người méo xẹo đi, nói ngập ngừng thổn thức:
- Mẹ đã kêu van Chúa và mẹ Maria nhiều đêm ngày, cho mẹ được nhìn thấy con trai của mẹ bây giờ ra sao một lần. Mẹ khao khát, thèm ước đêm ngày. Vợ chồng con lam lũ cực nhọc, mẹ đứt ra từng khúc ruột. Phải chi, Chúa không bắt tội mẹ, thì các con đâu có khổ cực như bây giờ!
Nhìn đôi mắt hõm sâu, còn ướt của mẹ, má mẹ hóp lũm vào, càng làm giồ đôi xương quai hàm, hằn rõ từng chiếc xương dưới làn da nhăn nheo, Bệnh lao phổi đã hút hết thịt, làm cho mặt mẹ teo lại. Tôi hình dung lại bộ mặt của mẹ 19 năm xưa, ngày tôi về gặp mẹ buổi chiều cuối cùng trước khi lên đường vào đất địch trong ngôi nhà thờ Nam Hòa.
Dạo ấy nhà thờ còn là tôn là gỗ, tôi cũng đã cầm đôi bàn tay mềm mại của mẹ, đôi mắt của người nhìn tôi, khi ấy tôi đã có cảm nghĩ: ” Trên thế gian này không có một ngôn từ nào nói hết được cái đẹp, cái bao la lồng lộng của đôi mắt người mẹ”. ….Nghĩ đến đây, tôi không muốn, nhưng nước mắt của tôi đã giàn ra, làm cho em Hoa cũng nước mắt vòng quanh. Kéo ghế sát lại gần mẹ, tôi cầm tay mẹ áp vào má, tôi nức nở:
- Mẹ ơi! Con nghe nói khoa học ngày nay, có thể đổi thay được mắt. Trước bàn thờ Chúa linh thiêng, con xin tự nguyện kính biếu một mắt cho mẹ, để mẹ nhìn thấy con và con cũng nhìn thấy mẹ cho đến trọn đời.
Mẹ vuốt đầu tôi, như ngày tôi còn bé, mặt người có sắc tươi hơn lên, miệng người nói mà như cười:
- Mẹ sắp về với Chúa rồi! Con còn phải kiếm gạo để nuôi cháu của mẹ.
Thầy tôi thở dài, rồi lụ khụ đứng lên, lần vào giường, tôi cũng đỡ mẹ tôi đến giường của người, trong khi Hoa ra rửa chén bát. Tôi lấy cuốn vở để chuẩn bị đi trình diện CA khu vực. Hôm nay, là tối thứ Năm còn phải đến sinh hoạt tổ khu phố tại nhà ông Trùm Lộc, lúc 8 giờ tối hàng tuần.
Hôm nay tôi đi làm về, Hoa đã vẫy tay nói nhỏ:
- Mẹ bên nhà, bảo anh sang, mẹ nó cái gì ấy!
Chúng tôi sắp xếp vội vàng cho gọn ghẽ công việc nhà, rồi cùng xin phép thầy mẹ để sang nhà ông bà nhạc, một lúc rồi về ngay.
Chúng tôi đã được gặp mẹ của Hoa, nội dung, mẹ Hoa cho biết: Bên nhà cậu mợ Tập (em ruột của mẹ Hoa), trước đây, có một tổ chức vượt biên quen biết cậu. Họ lấy khách chỉ là quen biết để an toàn kín đáo. Khi đó cậu mợ có ý định cho người con trai tên là Hòa (em họ của Hoa), mỗi người đi phải đóng ba cây vàng. Là chỗ thân quen nên ai cũng đã đóng vàng rồi, để họ có sở phí lo cho chuyến đi.
Bốn tháng trước, cậu Hòa đã đi một lần, nhưng trục trặc nên chưa đi được, nay cậu Hoà quen biết một cô gái nhà nền nếp, cậu thay đổi ý kiến là sẽ cưới vợ, rồi sẽ đi sau.
Cậu mợ Tập cũng là loại có tiền, lại quen biết giao tế với chính quyền mới, thấy người cháu rể mới là tôi, trong hoàn cảnh ngặt nghèo về quản lý của chính quyền. Nhã ý của cậu mợ Tập là sẽ nhường lại suất đi cho tôi, theo cậu mợ, người cần đi đích đáng là tôi, đích đáng hơn là con của cậu. Mẹ của Hoa hỏi ý kiến tôi, để bà còn sang nói chuyện với em trai và em dâu là cậu mợ Tập.
Trong đám cưới của tôi, đã nhiều lần tôi tiếp chuyện với cậu mợ Tập, sau chuyến đi không thành do người bạn thân Nguyễn Hữu Lợi khổ công tổ chức. Di hại của chuyến đi là hầu hết người đi còn đang ở trại giam Gáo Dừa. Ngay hai đứa con của vợ chồng Lợi, ở đồn Cỏ May còn chưa lo xong cho chúng về, vợ chồng Lợi còn đang liểng xiểng về chuyến tổ chức cho tôi đi. Tôi tự hiểu, trong hoàn cảnh của tôi, không còn một hy vọng gì để ra đi nữa. Tôi đã được nghe, được biết nhiều chuyện vượt biên trầy trật, đầy cam go. Ngay ở Ngã Ba ông Tạ, có ông bà chủ một hiệu vàng lớn, từ ngày mất nước đã lo vượt biên, chạy trốn cộng sản nhiều lần. Nhiều lần bị bắt phải lo vàng chuộc, đút lót, tốn phí cũng phải vào tù hai ba lần.
Đến nay (cuối 1981) hết cả tiền, ông ta như người ngớ ngẩn lang thang dật dờ trong những nhà họ hàng, quen biết. Trong dân chúng, sau sáu năm trong bàn tay sắt bọc nhung của cộng sản đã hiểu, đã thấm, mức độ khác nhau. Hầu hết ai cũng muốn ra đi. Tôi có cảm nghĩ: Nếu được đi tự do, mấy con chó, mèo, gà vịt, trâu bò cũng ra đi. Nghĩa là con vật cũng muốn ra đi, huống chi con người? Nên nó mới đẻ ra nhiều những tổ chức thật, giả, lừa lọc Phía cộng sản cũng có nhiều phương pháp công khai, bí mật ngăn chặn và để xoay tiền và vàng.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen