Meditation can help us embrace our worries, our fear, our anger; and that is very healing. We let our own natural capacity of healing do the work.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 168: Hợp Duyên Đời
gày Chủ Nhật, mợ Út và tôi đã sang nhà ông bà Chức, tôi đã được gặp ông Chức từ trên Phương Lâm về. Tôi cũng đã được gặp một số anh chị em của cô Hoa, cuối cùng đám cưới sẽ được cử hành vào ngày 28 tháng 9, như thế chỉ còn hơn hai tháng nữa.
Phải nói, do tình thương yêu đùm bọc của bà con bạn bè, nên đám cưới được chuẩn bị dù giản dị, trong điều kiện và hoàn cảnh của giai đoạn ấy, nhưng cũng tạm đủ những truyền thống, tập tục của quê hương. Tôi cũng cật lực, chạy ngược xuôi với các ban ngành của địa phương, từ thành xuống đến công an khu vực. Tôi không thể quên được nghĩa tình của họ hàng, bà con, bạn bè:
- Anh chị Hiền (anh họ của tôi) đã cho mượn một cái giường đôi một tháng. - Mẹ của anh Mai Văn Học (một biệt kích nhẩy toán ra Bắc mới được tha), nhận sẽ mua cau tươi cho đám cưới. - Cô Thu và cháu Thanh Lan, đi lo đặt mua một số bánh phu thê (xu xê) và bánh cốm. - Cô Oanh, bạn của cháu Thanh Lan đã cho mượn một bộ quần áo, và giầy của người anh trai mới cưới vợ. - Con trai (Hùng), con gái, con rể (Vợ chồng Uy+ Lý) của anh Nguyễn Huy Lân (toán trướng toán Boone chưa được về) đến chuẩn bị nhà cửa, giúp đỡ tôi trong đám cưới.
Để xác định rõ ràng, tôi ra phường hỏi rõ ông Nguyễn Quốc Văn chủ tịch phường và ông trung úy Mậu trưởng CA, về lá đơn tôi xin trở lại tù, bây giờ ra sao? Đã được chấp nhận chưa? Theo ông Văn và ông Mậu, lá đơn của tôi đã chuyển lên Thành rồi, được chấp nhận hay không, các ông ấy cũng không biết. Tôi định lên hẳn đường Trần Hưng Đạo, CA thành để hỏi cho ra sự việc. Tôi tin rằng, tôi chỉ mất công thăm hỏi với sự nhã nhặn đúng mức, thì rồi tôi sẽ tìm ra được diễn tiến của sự việc, nhưng tôi chẳng còn một thời gian nào cả, để kiếm miếng cơm hàng ngày, tôi đã làm việc cật lực. Kỳ này điện thành phố bị tắt thường xuyên (thành phố thiếu điện) vì thế tôi lao động bất kể ngày đêm, kể cả thứ Bẩy, Chủ Nhật, cứ khi nào có điện, tôi lại lao vào cưa, bào, đục, xẻ.
Mệt nhọc và căng thẳng tinh thần; tôi đâm ì mặc cho ra sao! Thế nào cũng chấp nhận. Tôi đã hình dung chuẩn bị tư tưởng, nếu đang đám cưới mà có lệnh đưa tôi trở lại tù, tôi cũng sẵn sàng ra đi, vì tôi đã tự nguyện. Trước mắt tôi cứ gạt điều đó ra một bên, để tâm trí vào việc chuẩn bị lo cho đám cưới. Dù gì cũng phải tôn trọng cô Hoa nữa, mới chạm vào đời tôi một chút, mà đã để cho cô phải lao đao với tôi?
Theo ý của các cô Thu, Xuân và chị Công, đám cưới dứt khoát phải chụp hình, ít nhất là ở nhà thờ. Giai đoạn này chụp hình hãy còn nhiều khó khăn, nhất là hình màu thì thật là tốn phí, ai cũng nói, nó là những tấm hình kỷ niệm của một đời người.
Tôi cũng hiểu như vậy, chỉ vì hoàn cảnh và túi tiền, cuối cùng tôi quyết định chỉ chụp bốn tấm hình màu ở nhà thờ với cha Bình (đầu người bạc trắng, dù người còn trẻ) giá 100 đồng, là tiền công của tôi làm mộc 10 ngày cật lực, ở tổ mộc Thành Công thuộc phường 7 Quận Phú Nhuận. Tôi đã nhẩm tính, dự trù một số người tôi sẽ mời tham dự đám cưới trong thời gian quản chế, mất quyền công dân, rồi tôi làm một lá đơn xin phép ngày tổ chức đám cưới tại nhà vào khoảng bốn chục người. Lá đơn xin phép không những ra Phường, mà còn phải ra tiểu ban QLNNHTĐV và quận Tân Bình.
Khi vào gặp tên Bội, trong tiểu ban QLNNHTĐV, y lấy bút đỏ gạc con số 40 mà viết số 20, y nói:
- Sao đám cưới lại đông thế?
Tôi nghĩ ngay anh em họ hàng trong nhà cũng đã hai chục người rồi, vậy y không cho mời khách ư? Người tôi lại ngứa ngáy, tôi định nói những lời phản đối. Y lại nói tiếp:
- Những người không phải anh em ruột thịt đều là khách, chỉ giới hạn hai mươi người, nếu anh không chấp hành, anh sẽ phải chịu trách nhiệm.
Tôi nhìn y trừng trừng, miệng tôi không cười, nhưng tôi cườibằng mắt, như muốn nói với y:
” Tôi đã làm đơn chịu trách nhiệm rồi, tôi còn coi ra gì cái trách nhiệm này“
thấy y có vẻ không hiểu cái cười mắt có lồng ý của tôi, nên tôi nói thẳng:
- Thưa ông hơn hai tháng trước, tôi đã làm đơn xin tự nguyện trở vào tù rồi mà?
Y cau mặt, quay ra hỏi tôi:
- Anh làm đơn khi nào?
Tôi chợt ngạc nhiên, nên nói mà như hỏi:
- Hơn hai tháng trước! ở dưới phường ông Văn nói đã nộp lên quận, lên thành rồi?
Đầu y hơi nhúc nhích như lắc, miệng y hỏi tiếp như không tin:
- Tại sao anh làm đơn, xin trở vào tù?
Nhìn y chừng hơn bốn chục tuổi, không đeo lon nên tôi không xác định được. Giọng Nghệ An của y nghe như giã gạo; nhưng từ tốn hơn khi nãy, nên tôi điềm đạm nói sơ lược lý do:
- Thưa ông, từ ngày tôi đi tù về, tôi đã tích cực chấp hành mọi quy định với địa phương: tôi đã lên thành, và tiểu ban quận trình diện nhiều lần. Hàng tuần mỗi thứ Hai ra trình diện tại phường, mỗi ngày tôi trình diện CA khu vực để xin chữ ký, hàng ngày tôi phải lao động tại tổ mành trúc 19/5 bên cạnh phường 6. Hơn bảy tháng tôi không có gạo, không có lương, bố mẹ của tôi già yếu, mù lòa. Tôi phải ăn bám vào các người, làm cho các người càng thiếu đói, khổ cực. Tôi đã nỗ lực làm lại cuộc đời nhưng cho tới nay, tôi không còn muốn sống nữa. Mẹ tôi 74 tuổi mù lòa từ 17 năm, nay người lại mắc thêm bệnh phổi thường nôn ra máu, tôi đã phải đưa người vào bệnh viện Hồng Bàng mấy lần. Không còn một lối nào để tôi sống, nên tôi đã làm đơn xin Đảng và nhà nước, cho tôi được trở lại nhà tù, tôi xin tự nguyện ở tù cho tới hết đời.
Y ngồi nghe tôi từ tốn trình bày, mặt y nhợt trắng ra, không xám đen như lúc đầu, y hỏi như băn khoăn thắc mắc:
- Thế, sao bây giờ anh còn lấy vợ?
Tôi trả lời ngắn gọn:
- Để nếu được Đảng và chính phủ ra ân cho tôi vào tù, thì có người đỡ đần bố mẹ tôi!
Y đứng dậy, hơi hất hàm nói nhẹ nhàng:
- Thôi, anh về đi, lo cho ông bà già! Đừng bi quan quá!
Tôi cầm tờ giấy cho phép tổ chức đám cưới ra về mà lòng nặng trĩu. Đi qua rạp ciné Đại Lợi cũ, cạnh đấy là một building to lớn, nay đã trở thành nhà tù. Một thoáng tôi liên tưởng về miền Bắc: Nhà tù đã mọc lên khắp nơi, cả những nơi vui chơi, du hí của quần chúng cũng trở thành một trại giam. Có bao giờ những người đi làm cuộc Cách Mạng Tháng Tám, đánh đuổi thực dân Pháp, ngồi suy ngẫm: Để lôi kéo toàn dân đứng dậy, với hai khẩu hiệu chính:
- Người cày có ruộng. - Phá nhà tù để xây trường học.
Bây giờ thực tế nhìn vào xã hội, đã đảo ngược hai khẩu hiệu trên.
- Người có ruộng trở thành làm thuê. - Phá trường học để xây nhà tù.
Hẳn các quý vị đã nhìn thấy những cái lắt léo, lật lọng của những người chủ trương. Còn lý do thì vô vàn: Ngược thành xuôi, ngang thành dọc, phải thành trái:
Mất mùa là tại thiên tai. Được mùa là tại thiên tài Đảng ta.
Sau nhiều những chuẩn bị lo toan, và sự giúp đỡ của bà con, họ hàng và bạn bè, ngày cưới cũng đã đến và đi qua. Tôi cũng đã thực hiện được bốn tấm hình mầu, ở nhà thờ Nam Hòa với cha Bình, cùng bạn bè thân thuộc.
Đã chấp nhận trở lại nhà tù, nên tôi chẳng cần phải mời một ai trong chính quyền. Duy nhất có ông Trùm Lộc, mời ông ấy không phải vì ông ấy là tổ trưởng của khu phố, mà là vì thân tình xóm giềng hàng mấy chục năm với bố mẹ tôi. Thế mà trong lúc đám cưới đang ăn uống, tên công an khu vực Ngọc Anh cũng mò đến cửa, làm cho nhiều bạn bè, bà con nhớn nhác nhìn ra, tôi coi như “pha”.
Nhưng con người phải có văn hóa, tôi đã nhã nhặn ra mời y thị, vào chung vui ngày cưới của tôi. Y thị không nói một lời, nhìn tôi một lúc bằng đôi mắt mầu nâu già, rồi lặng lẽ bỏ đi.
Cuối cùng thì cũng như mọi người:
Cái đêm hôm ấy, đêm gì…..?
Bóng dương lồng đóa trà mi….chập chùng!
Một điều làm tôi đắn đo, nhưng rồi tôi không thể không nói đến, dù bạn bè đã cố nài kéo tôi phải gặp lại cụ Lưu Linh, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn giữ một chủ trương. Tối nửa khuya, sau khi khách khứa ra về hết, tranh thủ lúc chị Công, cô Xuân, cô Thu và Hoa (giai nhân của ngày hôm nay) đang loay hoay dưới bếp, tôi lên gác một mình, ngồi vào chiếc giường duy nhất anh chị Hiền cho mượn. Tôi ngồi im lặng năm phút nhắm mắt, để gọi là một chút nào, nhớ về cô Thanh Vân người năm cũ, cô đã bước lên xe hoa từ cuối 1969, đến nay đã 12 năm rồi. Lòng tôi chẳng trách cô, mà còn mừng cho cô:
Đừng trách nhau…..
Đừng ái ngại nhau….
Thuyền yêu không ghé….bến sầu….
Như đêm thiếu phụ…….trên lầu …..không trăng.
Hãy như chiếc sao băng….băng mãi.
Để lòng buồn …..buồn mãi … ….không thôi.
Dù sao tôi vẫn biết ơn cô suốt đời.
Phải thừa nhận, khi cùng một giai cấp, thì có nhiều những cảm nghĩ tương đồng, tôi và Hoa:
Tôi nghèo, mà Hoa cũng nghèo.
Chúng tôi vẫn nguyện như keo suốt đời
Sau ngày cưới, chúng tôi vẫn không giảm đi niềm khó khăn, nỗi chật vật. Tôi vẫn ngày ngày gò lưng đạp xe sang Phú Nhuận làm ở tổ mộc. Hoa cũng vẫn ngày ngày đi làm ở tổ ngòi bút Đức Thành. Nghe Hoa nói tổ ngòi bút có chừng hơn bốn chục nhân công, hầu hết là đàn bà con gái. Tôi cũng như Hoa đều năng nổ, cố gắng làm việc, cũng chỉ đủ để nuôi bản thân mình.
Một buổi chiều như mọi khi tôi đi làm về, thoáng qua cánh cửa sổ khép hờ, dưới bếp Hoa đang tắm rửa và gội đầu cho mẹ tôi. Tôi đã đứng như dán chân xuống ở cửa, trái tim của tôi như to dần lên, giãn nở ra, miệng tôi lẩm bẩm:
” Con xin cảm tạ Chúa và mẹ Maria đã ban cho con một người vợ, biết thương yêu, đỡ đần bố mẹ mù lòa già yếu của con “.
Buổi tối hôm đó ở trên gác tôi cũng không quên cảm ơn Hoa, đã vì tôi. Có những buổi tối khuya tôi và Hoa, trên căn gác trống ngồi bên cửa sổ, ngắm nhìn chị Hằng hàng giờ. Chúng tôi nghèo, và ý thức trách nhiệm với bố mẹ già, nên chúng tôi trang trải “Honey Moon” của chúng tôi, bằng những đêm khuya, dựa lưng vào nhau cùng nhìn và tâm sự với chị Hằng. Hoặc với những anh chàng mây và những cô nàng gió thỉnh thoảng đi qua. Đôi khi có những đêm chúng tôi bàn tán chỉ cho nhau, chị sao Mai và chàng sao Hôm, còn hàng chục vì sao nữa do chúng tôi đặt tên, mà chúng tôi thường gặp, đã trở thành bạn bè.
Có một điều khác thường, từ ngày cưới Hoa về, tối nào lúc 9 giờ, thầy mẹ tôi, tôi và Hoa đều ngồi đọc kinh chung buổi tối. Một điều mà trước đấy, thầy tôi một giường, mẹ tôi một giường, còn tôi thì nằm trên sàn gác một mình, đều tự đọc kinh riêng rồi đi ngủ.
Vào một buổi chiều, sau khi cơm nước xong, tôi và Hoa ở trên gác đang bàn bạc, về một số khó khăn của ngày mai, thì nghe có tiếng một cô gái réo gọi ở dưới nhà:
- Chị Hoa có nhà không?
Tiếng của mẹ tôi, dõng dạc rõ ràng:
- Cô hỏi ai?
- Cháu muốn hỏi, là chị Hoa có nhà không ạ?
Mẹ tôi có vẻ hơi bực dọc:
- Ở đây không có ai tên là Hoa cả!
Hoa đang định chạy xuống dưới nhà, nhưng tôi đã kéo tay lại. Tôi đã hiểu mẹ tôi, người vẫn duy trì cái lễ giáo, gia phong ngày trước. Cô gái cũng chắc đã chợt hiểu như tôi, nên cô ta đã lại lên tiếng:
- Cháu muốn hỏi chị Bình ạ?
- Cô chờ một chút nhé! Chị ấy có nhà đấy!
Rồi tiếng mẹ tôi gọi vọng lên gác:
- Chị Bình ơi! Xuống có ai gọi chị đây này!
Từ đây, tôi và Hoa đã hiểu ý của mẹ tôi, tôi và Hoa đã đồng một quan điểm từ ngày nên nghĩa vợ chồng: Thầy già lại lẫn lộn, tâm trí của thầy không còn bình thường, mẹ thì mù cả đôi mắt, bây giờ lại mắc thêm bệnh phổi, sớm muộn lúc nào đó, Chúa sẽ gọi về. Chúng ta bổn phận là con cái, bất cứ ngày đêm, tâm niệm làm sao cho các người vui, chúng tôi cũng tự nguyện nhắc nhở nhau, giữ trọn đạo làm con.
Một buổi chiều, tôi đang cắm cúi thẳm một cái vai bàn gỗ trò, anh Vinh thư ký của tổ mộc chạy vào nhìn tôi, nói như trêu đùa:
- Có hai giai nhân đang tìm anh Bình kìa!
Mấy người trong tổ đang thao tác cũng ngừng tay, cười rẻ lên. Biết là anh Vinh đùa vui, vừa thở, tôi vừa nói:
- Nhân với nho gì? Có con bò trắng răng năng...
Ông Huỳnh ở ngoài sân bước vào, cắt ngang câu nói, ông nghiêm mặt nhìn tôi:
- Có hai cô gái nào, tìm anh Bình!
Tưởng đùa hóa ra thật, tôi chạy vội ra sân. Tôi thật ngỡ ngàng, Hoa và cháu Thanh Lan, hai bác cháu đèo nhau xe đạp, mò mẫm mãi sang đây. Vừa ngạc nhiên vừa vui, hết luôn cả mệt. Tôi hỏi như “phè” niềm vui trong lòng ra ngoài:
- Làm sao, em và cháu lại biết anh ở đây? Anh có nói cho em biết địa chỉ này đâu?
Hai bác cháu cười rúc rích, như gà giò đuổi nhau:
-Ở đâu mà không tìm được!
Dù còn gần một giờ nữa, mới tới giờ nghỉ, tôi vào văn phòng nhã nhặn xin cho về sớm, vì nhà có chuyện. Tôi vẫy cả hai bác cháu vào chào ông Huỳnh và người trong tổ. Tôi cũng giới thiệu với ông Huỳnh, vợ và cháu của tôi.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen