Số lần đọc/download: 4221 / 45
Cập nhật: 2014-12-04 16:13:47 +0700
Đời tôi sẽ hạnh phúc nếu không có bố
8
0 tuổi, bố tôi vẫn ve vãn những phụ nữ xung quanh bất kể tuổi tác, từ những chị, bà ôsin của các gia đình hàng xóm, chị quét rác đến cả các cháu chưa đầy 20.
Tôi gần 50 tuổi, con thứ trong một gia đình, nhìn bề ngoài là niềm ao ước của nhiều người. Dòng họ tôi và các cụ trên nữa đều được mọi người trong làng ngoài xã nể trọng vì đức độ. Bố tôi cũng được ăn học đàng hoàng, sau khi tham gia chiến tranh giải phóng đất nước, ông là thương binh nên càng được trọng vọng ở một cơ quan nhà nước. Cùng với tài ăn nói, ngoại giao, ông được cất nhắc làm lãnh đạo trong doanh nghiệp nhà nước thời bao cấp. Tiền kiếm được thời đó không nhiều so với bây giờ nhưng ở cái thời khốn khó đó ông gần như là được "sủng ái" trong mắt chị em phụ nữ cùng cơ quan.
Còn mấy anh chị em tôi cùng mẹ lao động vất vả từ nhỏ để kiếm ăn. 6-7 tuổi chúng tôi đã biết thái bèo nấu cám cho lợn ăn, làm đủ mọi việc mà những đứa trẻ 14-15 tuổi ngày nay cũng không làm được. Quanh năm đói khát chỉ mong đến ngày giỗ, ngày Tết mới được bữa no. Trong hoàn cảnh đất nước khi đó, hầu như ở nông thôn ai cũng phải chịu vậy nên chúng tôi cảm thấy cũng bình thường, vì con theo mẹ nên chẳng có chế độ tem phiếu gì.
Bố kiếm được nhiều tiền nhưng chỉ ném hết vào các thú vui xác thịt với những phụ nữ xung quanh và cờ bạc. Lâu lâu chúng tôi mới thấy bố về nhà. Đời tôi chưa bao giờ được bố ôm ấp hay gọi bằng con âu yếm từ nhỏ cho đến lớn. Trong mắt ông có lẽ tôi là đứa trẻ xấu xí, lếu láo. Tôi cũng chẳng dám đến gần bố bao giờ. Bọn trẻ chúng tôi nếu đang chơi trong nhà mà bố bước vào cửa thì đứa nào cũng đứng dậy chạy tán loạn, vì về đến nhà ông không mở miệng nói chuyện gì hay hỏi han vợ con.
Ông luôn mang khuôn mặt nghiêm khắc đến lạnh lùng mà chúng tôi chỉ dám nhìn trộm từ xa. Khi còn là đứa trẻ tôi chỉ mong ông đừng về, thậm chí mong ông không có mặt trên đời này nữa. Chế độ bao cấp cũng hết, ông về vườn nhưng vẫn quen với kiểu tiêu tiền trước đó, có tý tài sản nào tích cóp trước đó ông dốc ra kinh doanh rồi trắng tay. Gia đình lâm cảnh nợ nần, mẹ lại phải đi vay mượn của anh em họ hàng trả nợ. Lúc này chúng tôi đã lớn và nhiệm vụ trả nợ được giao cho tôi vì tôi là con trai cả.
Sóng gió qua đi khi tôi lấy vợ và hai vợ chồng cùng nhau làm trả nợ giúp bố mẹ. Chúng tôi kinh doanh cũng tốt nên mua được nhà Hà Nội, đón bố mẹ già lên phụng dưỡng. Tôi may mắn khi lấy được người vợ hiếu thảo, con cái ngoan ngoãn học giỏi, vợ chồng chưa bao giờ cãi nhau hay to tiếng trước mặt bố mẹ và các con. Tôi luôn tự nhận mình là “người đàn ông mẫu mực của gia đình”, không rượu chè, cờ bạc, hút thuốc, trai gái càng không vì trước mặt tôi vẫn còn "tấm gương sáng”.
Đặc biệt tôi rất thích đưa đón các con đi học, kể cả học thêm. Vào mùa cao điểm ôn thi chuyển cấp tôi chạy như con thoi đưa các con đến trường, đón rồi đưa đến các điểm con học thêm. Những ngày này tôi chạy cả trăm cây số mà vẫn thấy vui và thích làm công việc đó, còn kinh doanh vợ lo giúp. Khi những đứa trẻ bị ốm tôi có thể thức trắng đêm để ngồi chườm cho con khỏi sốt cao. Trong đầu luôn nghĩ chúng tôi là cha mẹ sinh ra chúng thì phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng, giáo dục con nên người, chẳng nghĩ sau này phải được con phụng dưỡng. Nếu sau này sức khỏe hay tinh thần không còn tự phục vụ được mình nữa tôi sẽ tự kết thúc cuộc sống mà không làm khổ đến các con.
Cuộc sống của chúng tôi sẽ rất tuyệt vời nếu không có bố. Khi làm ăn khấm khá chúng tôi đưa tiền thoải mái cho các cụ chi tiêu, vì nghĩ các cụ phải có đồng dư dật để cho hoặc mua quà khi các cháu đến chơi hoặc giúp đỡ ai các cụ muốn. Khi cuộc sống đầy đủ, các tính xấu của bố lại trỗi dậy dù ông đã ngót 80. Ông bắt đầu ve vãn những phụ nữ xung quanh bất kể tuổi tác, từ những chị, bà ôsin của các gia đình hàng xóm, chị quét rác đến cả các cháu chưa đầy 20.
Chưa đủ, ông còn tìm mua các loại thuốc kích dục về sử dụng và bắt mẹ tôi phục vụ. Tôi đã phải vài lần đổi nhà vì nhục nhã và muốn tránh hậu họa nhưng không ăn thua. Rất nhiều lần ngồi đối diện với ông để nói chuyện tay đôi ông lại tỏ ra ăn năn và hứa sửa chữa. Có bạn nghĩ vì tôi thoải mái đưa tiền nên ông mới thế nhưng chúng tôi chỉ đưa tiền cho mẹ, ông có lương hưu khá cao và coi đó là của riêng nên không ai được phép đụng vào. Khi nào thiếu mẹ tôi phải đưa thêm, nếu không ông chửi đánh những lúc tôi vắng nhà.
Tôi đã tính đường đẩy ông về quê nhưng ở quê ông càng gây họa lớn. Các bà góa đều được ông gạ gẫm, thậm chí cả những người có họ hàng. Đỉnh điểm của sự việc là ông còn ăn ngủ với đứa trẻ vị thành niên. Mọi người trong nhà biết và họp kín để nói thì ông ra mặt thách thức chửi đánh vợ con. Tôi không có mặt trong buổi đó nhưng uất ức trào dâng, chỉ nghĩ đến việc sẽ một phen sống chết với ông. Có ai trong hoàn cảnh như này không, hãy chia sẻ với tôi. Chân thành cảm ơn.
Thìn