I like intellectual reading. It's to my mind what fiber is to my body.

Grey Livingston

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 167: Cái Áo Nhân Dân
au buổi nói chuyện với cô Hoa, tôi đã về trình bày chi tiết lại với thầy mẹ tôi. Mẹ tôi mừng ra mặt, người tươi như có một nguồn sinh lực mới, người sai tôi đi mời mợ Út vào để người nói chuyện.
Mợ Út vừa vui, vừa ngạc nhiên: Vui vì tôi đã chịu lập gia đình, lớn tuổi mà còn lận đận, long đong mãi. Ngạc nhiên vì so với bốn đám kia thì tôi có điều kiện để bay, nhẩy sau này nhiều hơn, nhưng một khi đã nói: Đời là kỳ diệu, vợ chồng là duyên số thì xin ngừng lại đây.
Chuyện lấy vợ của tôi cũng không đơn giản, bình thường. Tôi còn bị mất quyền công dân năm năm, cho nên tôi phải chạy lên Thành, xuống Quận; ra Ủy Ban Quản Lý Những Người Học Tập Được Về, vào Phường còn phải đến báo cáo cả cô Ngọc Anh, công an khu vực nữa. Không phải một lần mà xong, chúng bắt tôi chạy đi, chạy về nhiều lần. Hạch hỏi, cả những điều tôi không hề nghĩ tới, như:
- Anh quen với cô Hoa này do đường dây nào?
- Anh có chủ trương gì với cô Hoa sau này?
Tôi nóng cả người lên, tôi đã định trả lời theo cái ngang bướng cố hữu khi bị ép đè là:
“Tôi có chủ trương sẽ đẻ con với cô Hoa! Và sẽ phong cho cô ấy, chức Nội Tướng sau này”.
Nhưng thôi, phải nín thở qua đò, thì mới có thể làm được những việc mình muốn, nên tôi đã trả lời, ngoan ngoãn ngây thơ:
- Thưa ông, chủ trương nào cơ? Tôi chỉ muốn lấy cô ấy làm vợ thô i!
Chỉ có cô Ngọc Anh làm cho tôi ngạc nhiên. Một buổi tối, tôi đến trình diện xin chữ ký của cô mỗi ngày, hôm nay sau khi làm những điều thường nhật xong, tôi nói luôn:
- Thưa cô, tôi và cô… Hoa sẽ chuẩn bị tiến đến hôn nhân, vợ chồng!
Con ngươi của cô đang là mầu xanh lam hình bầu dục, cô ngửng lên nhìn tôi. Con ngươi của cô mở to dần thành tròn, rồi ưỡn ra, chuyển thành mầu nâu. Không nói một lời, cô quay ngoắt vào trong.
Thấy vậy, tôi đứng lên, khẽ chào, rồi tôi ra về. Mợ Út đã vào nhà tôi nhiều lần, cùng với mẹ tôi, có cả bà Chức. Các bà đều đã chuẩn bị sấp xếp vào ngày Chủ Nhật này, có cả ông Chức từ trên Phương Lâm về. Như một ngày chính thức dạm hỏi, để rồi ấn định ngày cưới, ngày vào Cha cho một lễ cưới đơn giản theo điều kiện và hoàn cảnh của gia đình đôi bên ở giai đoạn ấy. Vợ chồng Lợi và Đạt hoan nghênh tích cực, chuẩn bị cho đám cưới của tôi.
Mấy ngày sau, chị Hai Công ở Hồng Ngự đã xuống và chị đã thực hiện lời chị nói là, cho tôi một cây vàng lá Kim Thành. “Tiền vào nhà khó, như gió vào nhà trống”. Phải thừa nhận lạng vàng của chị Hai, đã giải quyết những khó khăn chính, trong giai đoạn này của tôi.
Tôi nhớ có một bữa cơm họp mặt mấy bạn bè trên nhà thằng Lợi trước ngày đám cưới của tôi. Bữa cơm hôm ấy có năm sáu người bạn hoặc liên quan họ hàng: Anh Trần Đình Lộc(anh rể của Lợi) Đạt, Lợi, tôi, ông Long và anh Bùi Văn Đệ. Bữa cơm họp bạn bè giữa năm 1981, đã hằn vào tiềm thức của tôi.
Những ai ở Sài Gòn trong giai đoạn này, đều đã thấy: Hầu hết cuộc đời của mỗi người, đều không biết ngày mai sẽ ra sao? Đầy trăn trở, lắng lo; đầy thấp thỏm ngơ ngác nhìn ngày mai với những khó khăn, chất chồng trước mặt. Vì thế bữa cơm này, dù tâm trạng mỗi người khác nhau, nhưng đều muốn uống mà không cần kìm giữ. Trong sáu người này, người nhiều tuổi nhất có lẽ là ông Long, ông đã từng là một người điều hành kỹ thuật, của một cơ xường mộc xuất khẩu của Sài Gòn trước và cả sau 1975.
Trong khi người nào cụ Lưu Linh cũng đã đến thăm, có nhiều chuyện được đề cập. Tôi hiểu tuy là bạn bè nhưng mỗi người đều có những nỗi niềm riêng, tôi cũng có niềm riêng. Tôi còn có một cái tôi tin rằng, khác với năm người kia. Tôi có muốn gặp cụ Lưu Linh, nhưng cái túi nó đã ngăn tôi lại, hôm nay có điều kiện, nên tôi đã nói chuyện với cụ hơi lâu, hơi nhiều. Bỗng nghe thằng Đạt nói như sừng sộ:
“Ông Hồ có tên trong tự điển Larousse”.
Rồi tiếng ông Long cũng sôi nổi:
“Ông Hồ Chí Minh tuy có một số điểm sai, nhưng chúng ta phải thừa nhận, ông ta đã cả một cuộc đời yêu quê hương dân tộc”
Anh Đệ ngồi mãi phía cuối bàn, cũng khàn khàn lên tiếng:
” Rất tiếc, nếu ông Hồ còn sống, thì người dân không khổ cực như bây giờ“.
Tôi nghe, và tôi cũng không hiểu tại vì sao các bạn lại đưa cái đề tài HCM ra, để tranh luận? Nghĩ thế, nhưng tôi vẫn ngồi im, cho hồn đưa võng với cụ Lưu Linh. Tôi hiểu mấy người bạn của tôi, đều là người Bắc di cư. Cùng ở dưới chế độ VNCH và đều đã là công chức dưới chế độ đó, đều không ưa gì cộng sản, mà còn nhận định về Hồ Chí Minh như vậy, thì còn nói chi đến người dân khác!
Nghe như vậy, nhưng lòng tôi còn rối rắm nhiều sự việc, sáng mai phải đưa bản kiểm điểm lên tiểu ban Quản Lý Những Người Học Tập Được Về. Họ có tha thứ, chấp nhận cho tôi được gia hạn ba tháng, tạm trú nhà bố mẹ của tôi không đây? Tuần trước, tiểu ban QLNNHTCTĐV gửi giấy gọi lên, bắt tôi làm kiểm điểm đã vi phạm thời gian tạm trú. Lý do, khi tôi lên Thành CA, sáu tháng trước trình diện. Tôi có xin gia hạn tạm trú, nhưng CA Thành đã bảo vấn đề tạm trú, đã giao về địa phương.Tôi hiểu địa phương là phường 6; phường của tôi ở, và CA khu vực, mà hai nơi này thì hàng ngày tôi đều có mặt trình diện rồi.
Đầu tôi đang cúi gầm, tâm sự với cụ Lưu Linh thì ông Long đã gọi tên tôi:
- Anh Bình đã ra Bắc, tù nhiều năm, cho chúng tôi nghe ý kiến của anh đi!
Cả cái thằng chó chết Đạt cũng thúc vào:
- Anh Bình có đồng ý ông Hồ có công với dân tộc, với đất nước không?
Tôi đã ngất ngưỡng rồi, nhưng bạn bè muốn tôi có ý kiến, vậy thì cứ nói thật, những suy nghĩ trong lòng:
- Tôi đã say, nhưng các bạn muốn tôi có ý kiến, xin các bạn thông cảm, tôi không có khả năng lý luận và ăn nói. Do đấy, tôi chỉ nói những cảm nghĩ và sự việc bản thân đã trải qua:
Khi tôi còn nhỏ ở trong vùng Việt Minh, nên tôi đã là nhi đồng cứu quốc. Tôi đã chơi đùa nhiều với các anh bộ đội của “Bác Hồ” suốt những năm 1945 đến 1950. Năm 1950 tôi ra Hà Nội, 1954 vào Nam, rồi 1962 ra miền Bắc. Do những bối cảnh của quê hương, do những thúc đẩy của dòng đời, tôi đã nhận một nhiệm vụ nhỏ bé ra Hà Nội để chống cộng sản.
Dù tôi đã được nghe, được diễn giải chủ nghĩa cộng sản từ đệ I, II, III IV Quốc Tế diễn tiến cho tới Tito của Nam Tư (thời gian ở lớp học số 2 Jean Jacques Rousseau).
Một mình tôi xông vào bức màn sắt, mò về Hà Nội để đi thực tế. Trong đáy con tim của tôi vẫn còn dành một góc nhỏ, lòng mến mộ HCM. Thật là một điều mâu thuẫn, nhưng đấy là sự thật! Rồi tôi bị bắt.
Sáu năm trong xà- lim, cũng là thời gian tôi có điều kiện soi rọi lại những sự kiện của cuộc đời, và của quê hương. Ở các trại trung ương, là thời gian tôi vừa tiếp xúc với nhiều những thành phần đối lập, với chế độ cộng sản, lại vừa có điều kiện, đọc những sách triết, lý luận của cộng sản (do chính cộng sản xuất bản), cái món ăn tinh thần, tôi vẫn ngán ngẩm, và lười đọc trước đây. Như một món ăn mình không thích, nhưng đói và cái thế phải ăn mãi thành quen, rồi thành thích.
Vậy mà mãi tới năm 1978 – 1979 Việt Nam đánh sang Căm-pu-Chia; Trung Cộng dạy cho Việt Nam một bài học. Nhiều đêm tôi mần mò trăn trở, khắp các nước cộng sản, rồi về. đến cá nhân Hồ Chí Minh.
Đất nước ta bị thực dân Pháp đô hộ chính thức từ 1858. Dân trí tiến lên theo cái đà chung của toàn thế giới. Vì thế, từ 1900 đến 1925 biết bao nhiêu thanh niên Việt Nam, đều thấy cái nhục mất nước, mong ra nước ngoài tìm được một giải pháp cứu nước. Họ, tùy theo điều kiện, người thì sang Tàu, sang Nhật, Anh, Pháp v.v... Nơi nào có những manh mối đường hướng, chủ trương, phương pháp hay tốt. Để từ đấy hy vọng đuổi được thực dân Pháp đi.
Biết bao nhiêu phong trào, đoàn thể, đảng phái đi khắp nơi trên thế giới: Như cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Cường Để, Nguyễn Văn Tiến, Tạ Thu Thâu, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Thế Truyền v.v…- trong đó có Hồ chí Minh.
Tất cả những người thanh niên yêu nước, thương nòi đầy nhiệt tâm này đã bôn ba nhiều nước, tiếp xúc với nhiều phong trào tiến bộ ở bất cứ một nước nào, hy vọng giải phóng được đất nước của mình. Việc làm của các thanh niên này phải được hoan nghênh, toàn dân Việt chúng ta; cho tới các thế hệ sau này vẫn ghi ơn các vị.
Thời gian và sự việc đã cho chúng ta thấy, do cái trào lưu tiến bộ của loài người, đã đến lúc các loại thực dân kể cả Anh, Pháp, Bồ, Nhật v.v…… trước sau đều phải từ bỏ tham vọng Đế Quốc, Thực Dân của mình (Mỹ tiến bộ, đi đầu tiên) Hẳn các bạn cũng đã nhìn thấy, ngay những nước láng giềng chung quanh của ta. Nói như vậy, có nghĩa các vị thanh niên của ta không cần phải bôn ba, cực nhọc đi tìm phương cứu nước, thì nước ta cũng sẽ được độc lập. Và như thế, chúng ta đã không biết ơn các vị thanh niên đó hay sao?
Không! Việc làm của các vị vẫn đúng, vẫn được chúng ta, những thế hệ sau biết ơn. Như trên tôi đã nói là do cái trào lưu tiến bộ của loài người. Ngay những tên thực dân sừng sỏ, cũng không thể biết trước được, huống chi các vị thanh niên ấy.
Nhận xét một con người, ta phải nhìn từ nhiều mặt, nhìn với con mắt khoa học, biện chứng. Một người có lòng tự trọng, có nghĩa trọng người khác, thì không thể lừa dối bạn bè, lừa dối người thân, không thể làm được một công việc hèn hạ, đáng khinh.Một người miệng và lòng khác nhau, coi quyền lợi cá nhân trên tập thể, trên cả dân tộc. Sẵn sàng lậy van quy lụy kẻ thù, chỉ cần đạt được mục đích, bất chấp phương pháp thủ đoạn.
Do thời gian đã dài, ngày nay nhiều tài liệu mật của Liên Xô (cũ) của thực dân Pháp đã được bạch hóa, báo chí Pháp và thế giới đã trình bày. Khi HCM đến Pháp (1911) đã làm đơn xin theo học Trường Thuộc Địa, để sẽ trở thành một người phục vụ trung thành, cho mẫu quốc nhưng đã bị Bộ Thuộc Địa Pháp từ chối. Anh ta đi thăm hỏi, tìm tòi, nghe ngóng khắp nơi. Ngày nay ở đâu nước nào có một cái đường hướng tạo lập được một lực lượng quần chúng như phong trào Đông Du (Nhật), Tam Dân (Tôn Dật Tiên), Mặt Trận Bình Dân, hay Cộng Hoà v.v... Anh chàng tên Minh thấy, sau này dù có đuổi được thực dân Pháp, thì người lãnh đạo cũng chỉ có một nhiệm kỳ 4 hoặc 5 năm mà thôi. Rồi chàng thanh niên đó đã gặp chủ nghĩa Marx kết hợp với của Lénine. Anh ta say sưa học tập và nghiên cứu.
Tuy anh ta hiểu, đi theo con đường của đệ III của Marx+Lénine, người dân sẽ nghèo khổ, nhưng mục đích của anh ta đã đạt Nếu đuổi được thực dân, hoặc lật đổ được một chế độ, thì anh ta sẽ ngồi ở cái ghế đứng đầu ở trong nước, mãi mãi. Một hình thức của một ông vua, một ông Hoàng Đế tuy không thể làm ngai vàng. Nhưng chỉ khi nào chết mới thôi, như ở Âu Châu: Lénine; Staline; Caucescu; Honoker; Fidel Castro. Á Châu: Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh. Đặc biệt Kim Nhật Thành còn truyền ngôi lại cho con trai nữa.
Đến đây, ai cũng đã thấy: Những lãnh tụ cộng sản là những người có chủ nghĩa cá nhân cao nhất, núp sau cái bình phong tập thế, là nhân dân.
Điều này cũng lý giải cộng sản phải thanh toán gián tiếp hay trực tiếp, tất cả những cá nhân hay đoàn thể, không phải là cộng sản. Cũng đã lý giải, ngay từ khi còn chính phủ liên hiệp, cho đến ngày nay biết bao nhiêu cá nhân bị hạ sát, bị thủ tiêu.
Với cái hiểu biết hạn hẹp của cá nhân tôi: HCM là một người không có tim, không có tình cảm, đầy thủ đoạn. Một con người bằng gỗ, bằng đá. Cụ thể: Bất cứ một bài báo, một bài viết nào của HCM, không bao giờ nhắc đến, hay nói đến:
- Cha mẹ, anh chị em (Ai mà chả có cha mẹ?).
- Bạn bè. Dù là một tên trộm cướp, một tên vô lại cũng có bạn bè!
- Vợ con, người tình. Ngày nay không những ở trong nước, thế giới bên ngoài đều rõ: Không những HCM có vợ, mà còn có nhiều vợ, nhiều người tình.
Còn nữa, có lẽ trên thế giới này, là độc nhất, vô nhị. Tự mình lấy một cái tên giả để viết ca tụng đạo đức, tài ba của chính mình. Như tên T. Lan, rồi Trần Dân Tiên. Các anh có thấy nực cười không? Trần Dân Tiên (tức HCM) viết: ”....Tôi hồi hộp, sung sướng, bồn chồn khi được bác Hồ cho gặp, bác tiếp chuyện tôi (Chế Lan Viên đã nói trong hội nhà văn năm 1978. Trần Dân Tiên là chính bác Hồ). Đến đây, nếu chịu suy nghĩ một chút, thì ai cũng hiểu.
Một người như thế thì có thể làm bất cứ điều xấu xa nào. Lừa lọc, lật lọng trắng trợn, giết người; nếu cần giết cả vợ con, bố mẹ, anh em để đạt cái mục đích thâm sâu của mình. Mà quan điểm của tôi:
- Một người bất cứ ở thành phần nào, tuổi tác nào chỉ một lòng vì dân, vì nước kể cả mạng sống của mình, tôi xin tôn trọng kính nể, chết thì tôi tôn thờ.
- Một người cũng bất cứ ở thành phần nào, tuổi tác nào, coi mình là trên, Tổ Quốc quê hương bên dưới, làm hại đồng bào, bán nước, bán đất cầu vinh. Sống tôi gọi là “tên”, là “thằng”. Chết, „tôi phỉ nhổ đến muôn đời. Và từ đấy, tôi đã gọi HCM là “tên”, là “thằng”. Dù cho y mấy trăm tuổi, muôn đời như “tên” Trần ích Tắc, Lê Chiêu Thống v.v...
Xin trở lại bữa cơm họp bạn ở nhà Nguyễn Hữu Lợi, gồm 6 người của năm 1981. Hiện nay 2005, trừ ô. Nguyễn Phan Long còn ở VN. Năm người kia thì 3 ở Hoa Kỳ là Trần Đình Lộc, Bùi Văn Đệ và tôi. Hai người ở Australia là Nguyễn Đức Đạt và Nguyễn Hữu Lợi. Bằng phương tiện khác nhau, thời gian khác nhau nhưng đều đã ở hải ngoại. Điều này đã nói rõ: Đời là kỳ diệu!
Sau bữa cơm, tôi đã rủ, mời cụ Lưu Linh cùng về. Chiếc cầu Kinh chiều nay trắng quá! Tôi ngừng lại, ghé ra thành cầu. Sao lạ lùng thế! Từ trên cao của thành cầu nhìn xuống, hôm nay nước xanh ngắt một mầu lam mát mắt. Tôi nhìn thấy cả mặt một anh chàng “ngố „ cũng đang nhìn tôi. Tôi cứ ngạc nhiên ngắm nhìn anh ta mãi. Trông mặt mũi anh ta, tôi cũng thấy cảm tình, gần gũi dễ mến. Cho tới khi tôi tỉnh dần, rồi tỉnh hẳn, để biết anh chàng “ngố „ đó cũng chính là tôi.
Trời trong xanh, không một làn gió, cảnh vật yên ắng của một buổi chiều êm ả. Một vài tiếng quang quác như tiếng chào hỏi của một đàn vạc vừa bay ngang, làm tôi phải ngửng đầu lên nhìn theo. À...thì ra bầu trời hôm nay không có một vẩn mây. Cái mầu lam xanh yêu đương ấy, đã nhuộm cả mặt nước dưới chân cầu.
Tôi đã ghệ chiếc xe đạp vào thành cầu, rồi đứng lên, kiễng chân. Tôi đã thấy nhiều mây trắng lắm dưới chân trời. Tôi có cảm tưởng cái vung xanh kỳ vĩ của bầu trời, đã lắc lư rúng động sao đó. Bao nhiêu những miếng bông gòn trắng rải rác, đã tụt hết xuống riềm chiếc vung, thành từng đống.
Con sông Thanh Đa nằm phơi mình ưỡn ẹo, hai bên bờ cây lá xanh um trườn ra, như những vết mực đen loang lổ. Cụ Lưu Linh cũng đã từ giã tôi, để đi về một phương trời. Tôi cũng nhấn mạnh bàn đạp, để kịp giờ trình diện của ngày hôm nay, với CA.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen