We read to know we are not alone.

C.S. Lewis

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 161: Cố Gắng, Cố Gắng, Cố Gắng Nữa
ột bà già tay run rẩy (chắc vì đói và mệt) đưa cho tôi hai miếng mì khô bé tí, mắt bà lại nhìn con chim! Tôi hiểu, cầm hai miếng mì khô, tôi cũng không biết làm sao cho nó ăn. Tôi buộc vào đầu một cái que một miếng, rồi giơ lên, chẳng hiểu vì sao, con chim cứ nhìn trân trân vào miếng mồi, nhưng vẫn lạnh lùng đứng yên, nó không thích ăn hay nó không ăn được? Nó cũng chẳng có thái độ gì, trong khi chính tôi, sáu bảy ngày nay chỉ có một hộp sữa, nhìn miếng mì khô, tôi cũng thèm lắm, nhưng phải mang vào trả lại bà cụ, với lời cảm ơn thay cho con chim. Khoảng gần trưa, tôi đang nằm lim dim vì mệt, thì có tiếng cậu Bạch kêu lên, như reo mừng:
- Ối trời ơi! ở đây có một hòm to lương thực!
Tôi xông đến ngay, trong một cái góc khuất, sát vào hầm máy dưới đáy của thuyền: mì sợi khô, gạo tẻ, gạo nếp v.v... Tôi hiểu ngay, đây là do thằng Lợi, chuẩn bị cho chuyến đi, ông Cường không hề biết, điều này đã nói rõ. Tôi suy đoán: chắc thằng Lợi lo mọi chuyện cho chuyến đi, từ máy móc cho tới khâu đóng thuyền. Ông Cường hợp đồng, chỉ là người lo bến bãi, đón khách v.v...
Ông Cường được nhận một số khách nào đó, theo thỏa thuận với thằng Lợi, nhưng tới ngày đi, ông Cường đã đưa quá nhiều khách để lấy vàng, lấy tiền, vì thế đã xẩy ra xô xát cãi lộn, để rồi thằng Lợi đã mang con cái trở lên bờ.
Lúc này ông Cường, cũng đã xô đến nhớn nhác nhìn hòm lương thực, tôi nhẹ đưa một câu để ông Cường này biết điều một chút. Tôi nói to, cho mọi người cùng nghe:
- Cái này là do thằng Lợi đây, nó không kịp nói với tôi, thì đã lên bờ rồi.
Ông Cường đang chỉ chỏ, định giải quyết những thực phẩm đó thấy tôi nói như thế, ông ta ngừng lại ngay như bị chạm huyệt. Tôi lờ đi và nói tiếp với mọi người:
- Lương thực này là của chung mọi người trên thuyền. Điều quan trọng bây giờ là nước, nước chỉ còn đủ dùng cho một ngày nữa, ăn nhiều bây giờ, lại càng phải cần nước nhiều. Do đấy, tôi đề nghị hãy chia đều cho mỗi người một chút, rồi từ từ theo điều kiện chúng ta giải quyết dần. Tôi xin minh định rõ ràng: Cũng như nước, quý vị đã giao cho tôi, lương thực cũng sẽ như thế.
Nói rồi tôi nhìn các cậu Bạch, Triết và Thâu, qua những buổi tâm tình các cậu ấy sẽ ủng hộ tôi. Hơn nữa, tôi làm theo đường chính, thực sự vì mọi người trong thuyền. Cụ thể sau khi tôi đưa ra ý kiến ấy, không những mấy cậu thanh niên giơ tay tán thành, ông già má hõm (sau này tôi đã biết tên là bác Kiệt) và anh chị gần cạnh tôi (người Miên) cũng lên tiếng đồng ý. Dù như thế, để cho nó êm vui, tôi quay lại nói như cùng phe với ông Cường:
-Ông Cường cũng đồng ý, giải quyết như thế phải không?
Ông Cường vừa cười vừa gật đầu, và cũng trở gót về phòng hoa tiêu. Tôi cười bước sang khoang bên, mấy bà, mấy cô, chào ầm lên như đùa:
- Chào ông thần nước!
Tôi biết là các bà đùa vui, nên tôi chỉ cười.
Tôi nhờ bác Kiệt và các cậu phân chia mỗi người một ít lương thực, tôi vẫn lưu ý là hết nước, ăn nhiều càng nguy hiểm, cho nên chỉ từ từ ít một. Mấy ngày trước, trong những lúc ngồi trao đổi chuyện trò với các cậu thanh niên, tình cờ tôi nắm được một ý là:
Cái hôm ở bến bãi lên thuyền có xô xát, lộn xộn là vì ông Cường cho khách, lên thuyền nhiều quá. Thuyền có thể bị chìm, nên thằng Lợi cương quyết không đồng ý. Hôm ấy, thằng Lợi đã mang con lên bờ, chứ nếu không, phe cánh bên ông Cường sẽ giải quyết thằng Lợi. Nghĩa là sẽ cho nó đi “mò tôm” ở ngay chỗ bến bãi. Tôi nghe mà người nóng lên và buồn cho lòng con người, dễ dàng phản nhau, chỉ vì đồng tiền. Nghe để biết vừa đủ thôi, bởi vì trong điều kiện hiện nay cứ đóng cái vai không hề quen biết Lợi là chính.
Vừa qua tôi đã hơi vội, nên đã lòi ra một chút, tuỳ theo sau này tôi phải tìm cách hóa giải, với ông Cường. Mặt khác, tôi không hề tỏ ra quen biết Lợi nhiều, mà chỉ nghe nói, khi đi đóng ghe thuê để kiếm ăn v.v... Vì trách nhiệm chung, cũng như nước, tôi mới có ý kiến. Tôi để mặc bác Kiệt và các cậu giải quyết lương thực, tôi cũng chỉ nhận phần như mọi người.
Con thuyền vẫn thay nhau chèo về hướng Bấc, khoảng 4 giờ chiều, con chim lạ bỗng bay đi, cũng về hướng Bắc. Như thế, càng chứng tỏ đã có chiều hướng đi đúng hướng, chỉ không biết rõ đấy là Căm-pu-Chia hay là Thái Lan mà thôi.
Mặt trời đã chui dần xuống biển, bầu trời cũng thẫm dần lại, bỗng từ phía Nam, một luồng sáng từ dưới nước chạy ngược lên trời. Mới chập tối mà đã có sao chổi đổi ngôi, tôi chưa từng được nhìn sao chổi, đổi ngôi ngoài khơi bao giờ, nên mới thấy lạ. Cậu Triết đang chèo, chạy vội xuống khoang gọi kêu rối rít:
- Có tàu đánh cá!
Nhiều người lại chạy xô lên sàn thuyền, đúng rồi xa xa rõ ràng có ánh đèn lấp loáng ở phía Bắc. Tôi cũng xô đến, tiếp tay chèo với mấy cậu thanh niên, điểm sáng càng ngày càng rõ ra, thậm chí tôi đã nhìn thấy cả bóng người đi lại. Mấy chị phụ nữ nhanh nhẩu, cho hai tay lên miệng làm loa, gào to:
- Xin cứu chúng tôi với!
- Chúng tôi không còn nước uống!
Tiếng gào lẫn vào tiếng sóng, thuyền của họ to gấp hai thuyền của chúng tôi. Có hai, ba người nhấp nhô cũng hướng về thuyền chúng tôi, nghe những tiếng ó é lẫn vào sóng gió của biển khơi. Tôi giơ một tay che gió ở tai, cố lắng nghe xem họ nói tiếng gì? Cao Miên hay Thái Lan? Vì xa đến hàng trăm mét nên, không thể phân định được. Thuyền của tôi, bà con xô lên càng đông, nhiều tiếng gào réo lên của cả đàn ông lẫn đàn bà:
- Cứu chúng tôi với! Chúng tôi không có nước uống!
Thuyền chúng tôi càng gần, đã trông rõ họ mặc quần áo đen và nâu, bây giờ thì đã nghe rõ:
- Làm sao mà cứu?
Câu hỏi bất chợt, làm chúng tôi ớ cả ra, không ai trả lời được. Chẳng lẽ nói chúng tôi đi vượt biên? Riêng tôi thì buồn và vui lẫn lộn. Tướng rằng sẽ nghe tiếng ngoại quốc: Thái Lan hay Miên, dù không hiểu nhưng lòng tôi sẽ vui biết mấy! Ai ngờ đâu lại là tiếng Việt, tiếng Việt lúc này, là tê tái lòng, chúng tôi vẫn còn trong khu vực của Việt Cộng. Rõ ràng con thuyền đó là đánh cá, cũng là lúc, tôi đã nhìn thấy một khẩu CKC ở bên vách thuyền. Tôi kéo vội tay cậu Triết, Thâu và Bạch ra sau, nói nhanh:
- Nếu họ sang thuyền mình, tôi sẽ thuyết phục họ vượt biên với chúng ta, nếu không được, tôi sẽ cướp súng của họ rồi cướp tàu Các cậu phải nhanh trí, ứng tiếp tôi nhé! Lúc này phải liều, để tự cứu mình!
Cả ba bốn cậu đều sốt sắng đồng ý! Tôi vỗ vào vai cậu Thâu và Triết, nói nhẹ như khích lệ:
- Hai cậu đã là dân vệ xứ Bình An, của cha Quỳnh mà!
Khi thuyền chúng tôi chèo cách chừng hơn 10 mét, một người cao lớn, nói giọng chỉ huy, giơ cả hai tay, xòe ra như đẩy lại:
- Ngừng lại đấy! Không được đến gần!
Như vậy, họ đã có kinh nghiệm với những người vượt biên. Họ không sang thuyền chúng tôi, và cũng không cho thuyền chúng tôi, đến gần. Bên thuyền ấy bẩy, tám người tiến ra nhìn chúng tôi, thuyền chúng tôi bây giờ nhiều bà mẹ đã mang cả con nít lên, ồn ào hỏi han qua lại. Họ đã biết chúng tôi vượt biên, thuyền chết máy đã một tuần, bây giờ xin nước uống!
Phía trên buồng lái, mấy người ra mũi thuyền, gào sang thuyền đánh cá, để nói chuyện. (Tôi chỉ quan sát chứ không hề lên tiếng). Nội dung những trao đổi:
Nếu ai sửa được máy, chúng tôi chạy được, chúng tôi có hiện vật là đồng hồ, một ít tiền, vàng v.v... để trả công!
(Họ cung cấp nước, nhưng không thể sửa máy).
Chúng tôi cũng đã biết: Vùng biển này ở bên ngoài Hòn Khoai, chỉ cách HK chừng 25 cây số. Tôi hiểu HK cũng đã sát với vùng biển của Cam Bốt, nhưng vẫn thuộc hải phận của Việt Nam.
Cả một tuần lễ, con thuyền chúng tôi lênh đênh, trôi đi, dạt về vẫn còn loanh quanh trong hải phận của VN. Họ đồng ý cho nước uống, họ ném sang một đầu cuộn dây thừng, buộc giăng giữa hai con thuyền, buộc những can nhựa, thùng nhựa lân chuyền giữa hai thuyền, họ cho được sáu can nhựa nước uống.
Phải thừa nhận dòng máu Việt trong con người của họ, vẫn còn hơi hướng, mầu sắc của Âu Lạc, vua Hùng. Họ chưa mất hết như những tên Việt Cộng bị những dòng máu lai căng cộng sản, pha trộn vào để cạn hết tình người, không còn nghĩa đồng bào, nhìn những tình tự dân tộc như một sự cổ hủ, lạc hậu.
Bây giờ họ cho chúng tôi ba điều kiện để tự quyết định. Thuyền của họ trong đội thuyền đánh cá quốc doanh. Tôi hiểu, cái vòi hút của Đảng phải thò tới những thuyền đánh cá này. Có nghĩa, trên thuyền ấy phải có một tên, của cái Đảng lai căng mất gốc:
1) Nếu muốn tiếp tục ra đi thì cứ tự tiện.
2) Nếu muốn họ kéo vào Hòn Khoai (họ không có trách nhiệm gì, vì họ không quen biết. Họ cứ kéo thuyền vào, giao cho đồn công an).
3) Họ sẽ kéo thuyền về Minh Hải, cũng giao cho đồn công an. Nhưng là nơi họ về, địa phương của họ.
Chúng tôi, kẻo hết xuống khoang giữa của thuyền để lấy ý kiến chung. Tôi tranh thủ trao đổi vận động các thanh niên, bác Kiệt, cả gia đình của ông Cường. Bây giờ đã có nước rồi (Dè dặt cũng được bốn, năm ngày), lương thực dè xẻn cũng còn năm sáu ngày, vậy hãy quyết tâm ra đi tiếp, cứ chèo sang phía vịnh Thái Lan. Một số thì im lặng, mấy bà có con dại, cứ nằng nặc phải quay về, tôi cao giọng nói mấy nét chính:
- Thưa bà con trong thuyền, chúng ta đã mất bao nhiêu công lao, ngày tháng chuẩn bị. Chúng ta đã bị hơn một tuần lễ lênh đênh, đói khát trên con thuyền vô định giữa biển khơi, vì chúng ta đã xác định, chúng ta không thể sống dưới chế độ hà khấc sắt máu vô thần của Việt Cộng. Chúng ta ra đi chấp nhận mọi gian khổ, thậm chí cả mạng sống của chúng ta để đổi lấy tự do cho mình, và cho gia đình con cháu của chúng ta, vậy đây mới là một trở ngại bước đầu, chúng ta đã nản lòng, sợ sệt quay về?
Ba chị phụ nữ dẫn năm cháu nhỏ ra giữa, một chị đã quỳ xuống trước mặt tôi mếu máo:
- Tôi lậy ông, hãy cứu mấy đứa nhỏ này!
Tôi choáng người, vội vàng đỡ chị đứng dậy ngay, chị nói sụt sùi trong nước mắt:
- Đi về, đàn ông thanh niên bất quá bị tù một đến hai năm sẽ được tha, đàn bà con gái thì một vài tháng, rồi cũng được về. Nhưng nếu đi, thuyền không có máy, chẳng biết đến ngày nào, không chết vì bão tố, thì cũng chết đói, chết khát. Xin các ông hãy thương mấy đứa nhỏ, chúng nó có tội tình gì, mà bắt chúng nó chết!
Cái cá tính tình cảm lố bịch của tôi lại nổi lên, tôi nhắm mắt, ngửa mặt nhìn lên phía trời cao. Đời tôi đi chiến đấu chịu bao nhiêu gian khổ là cho người khác, trường hợp này cái cá nhân của tôi đã trở thành con số không.
Tôi mệt nhọc, bước sang khoang bên, về chỗ nằm, tai tôi còn nghe nhiều tiếng:
- Thôi quay về! Quay về! Trong đó có cả những tiếng của những người khi sớm: Quyết ra đi!
Tôi nằm, tính toán lo lắng cho phận mình: Sẽ để tuỳ theo tình huống để ứng biến!
Khi ông Cường và một số đông xin họ kéo thuyền về Minh Hải, họ nói, còn cần ở lại đánh cá đêm nay, hai giờ chiều mai, bắt đầu quay về. Tôi cần phải ngủ, để lấy lại sức của những ngày vặn vò với số mệnh.
Sáng hôm sau, mặt trời đã dậy từ lâu, ồn ào, xôn xao ở trên sàn thuyền, người tôi cũng đã phần nào tỉnh táo, tôi mò lên và được biết thuyền bên ấy họ đã buộc hai cái thúng đậy bao tải, dù xa hàng chục mét, cũng còn thấy khói giẫy dọn mơ hồ. Họ có nhã ý nấu cơm nóng cho bà con thưởng thức sau một tuần không có cơm. Quả như tôi đã suy nghĩ: Dòng máu của họ hãy còn trong lành, tinh khôi chưa bị pha thuốc mê, thuốc độc của chủ nghĩa ngoại lai cộng sản. Tôi chợt nghĩ đến những can dầu ở dưới hầm thuyền, không dùng đến, tôi gợi ý với ông Cường và các cậu thanh niên, nếu họ muốn, xin tặng họ, nếu không về đồn CA, chúng tịch thu cả thuyền. Mãi, họ đồng ý lấy năm, sáu can dầu trong hàng chục can, thuyền không dùng đến (mỗi can hai chục lít).
Đúng hai giờ như lời họ đã nói, họ ròng dây để kéo, cách xa thuyền họ chừng 7 mét. Quả máy thuyền của họ thật là khỏe, họ kéo thuyền chúng tôi đi băng băng. Qua một vài sự việc tiếp xúc tôi hiểu bên thuyền ấy có những người có tình, có nghĩa, có trước có sau. Tôi rất tiếc, không có điều kiện tiếp cận để tâm tình, trao đổi về kiếp sống của con người. Cho nên, điều kiện quyết định mọi sự việc trong cuộc đời.
Qua thăm dò, được biết họ sẽ kéo thuyền của chúng tôi về thẳng đồn công an của Minh Hải (vì cuộc sống, vì nồi cơm, họ không thể làm gì khác hơn).
Tình huống này tôi đã cân nhắc và quyết định. Được biết thuyền kéo về đến Minh Hải, sẽ vào khoảng 10 giờ đêm. Tôi hiểu: phải làm những cái gì người ta chưa, hoặc không nghĩ tới thì mới dễ, khi mà thuyền đã về đến đồn CA, thì khó trốn thoát. Có thể chúng có súng và còng tay mang theo xuống thuyền, chúng sẽ bắt đàn ông xuống hết hầm thuyền, rồi lần lượt chúng khóa tay từng người v.v... Vậy tốt nhất, bất ngờ nhất, khi thuyền kéo về đến gần đồn CA, họ phải đánh tín hiệu cho nhau (đêm tối) bằng đèn bấm, xác định khoảng cách, tôi sẽ xuống biển, lặn rồi bơi chéo về một hướng xa đồn CA. Không ai nghĩ là tôi dám xuống ở ngoài biển, khi còn xa bờ về ban đêm.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen