Nên coi những thất bại trong quá khứ là động cơ để hành động, chứ không phải lấy đó làm lý do để bỏ cuộc.

Charles J. Given

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 160: Ra Khơi Tìm Tự Do
rời tối đen, chúng tôi cứ đi mãi, hơn một giờ sau đến một vùng sông nước, họ nói sắp tới thuyền rồi, tuyệt đối im lặng! Khi tôi trông mờ mờ một con thuyền ở một bến sông, thì có tiếng cháu Thủy nho nhỏ (con gái lớn của Đạt) “chú Bình đâu?” Cũng lúc ấy, chiếc thuyền đã nổ máy.
Nhiều dòng người túa ra hỗn độn tranh nhau để xuống thuyền. Bất ngờ, một người ôm chầm lấy cổ tôi, có tiếng hổn hển sát tai tôi: “Cháu sợ quá! Chú Bình ơi!” Tôi đã biết là cháu Thủy, có cả thằng Thắng nữa. Tôi hiểu lúc này phải tranh thủ lên thuyền, con Thủy cứ nằng nặc ôm cổ, bắt tôi cõng qua một lỗ lội. Tay dẫn thằng Thắng, con Thủy ở trên lưng, trong những giây phút hối hả. Trên thuyền lại có tiếng vật lộn cãi vã, tôi cũng mệt quá rồi, tôi đặt cháu Thủy xuống và cao giọng:
- Các cháu leo lên thuyền, tìm chỗ ngồi đã.
Tôi hỗ trợ đẩy hai đứa lên thuyền. Con thuyền rất là “khẳm” lại chòng chành vì xô xát, có nhiều tiếng hô, tiếng quát, như đánh nhau:
- Không xuống nữa, thuyền đắm chết hết bây giờ?
- Lái thuyền ra đi!
Ồn ào, lộn xộn, thằng Lợi cầm vào tay tôi, nói khẽ:
- Mày đi, tao dẫn con tao lên bờ! Mày là đại diện thay tao!
Không còn kịp nói gì với nhau, thuyền quay mũi, rời bến, tiếng máy rú to dần, tôi nằm một góc. Ở dưới hầm thuyền la liệt, hỗn độn đầy người. Thuyền chạy chừng được một giờ thì có hai tiếng súng CKC, có tiếng ai nói hốt hoảng:
- Công an gọi vào!
Tôi nhoi lên nhìn ra ngoài, một ánh đèn xa xa trong chỗ tối đen, tôi dự đoán đây là cửa sông, ra biển. Tôi không hề biết ai với ai trên thuyền, nhưng vì mạng sống của chính mình, tôi nói to như ra lệnh:
- Cứ tăng ga, phóng ra khơi!
Con thuyền lồng lên rồi rẽ sóng, lại hai phát CKC nữa. Mặc! Thuyền vẫn phăng phăng, hướng về phía Nam. Sóng biển đã làm cho con thuyền chồm lên lắc lư. Cái nhược điểm say sóng cố hữu của tôi đã bắt đầu. Người tôi đã thấy nôn nao, khó chịu, tôi đã tìm được một chỗ nằm yên. Cháu Thủy từ một khoang bên mò sang bên này gọi:
- Chú Bình nằm ở đâu?
Tôi giơ một tay, dưới ánh sáng đèn dầu mé vách, cháu đã nhìn thấy, cháu bước qua một số người để đến bên tôi. Người tôi đã nôn nao quá rồi, mà phải đỡ cho cháu Thủy nằm bên cạnh. Tôi xin cảm ơn cháu Thủy, đã tin tường và quý mến tôi. Cũng đã có nhiều người nôn ọe góc này, chỗ kia, mùi của nôn mửa đã nồng nặc cả con thuyền.
Tôi muốn đẩy cháu Thủy đi chỗ khác, tôi không muốn mùi nôn ọe của tôi để cháu Thủy kinh tởm, tay tôi đẩy cháu Thủy đi, miệng chỉ mới nói: ” cháu đi chỗ ….. ” thì tôi đã ồng ộc nôn cơm cháo ra rồi. Cháu Thủy và ai ở chung quanh cũng sợ dãn cả ra, cháu Thủy đã sang khoang khác, mà tôi vẫn còn tiếp tục nôn, mật xanh, mật vàng. Chuyến này tôi cũng xin cho ra hết, giống như ngày tôi đi con thuyền xâm nhập miền Bắc đầu 1962.
Có tiếng ai nói ngắt quãng:
- Đã ra….. Hải ……….phận Quốc Tế……… rồi!
Con thuyền càng chồm lên, nhào xuống, tiếng nôn ọe đây đó càng dồn dập, tôi thì rũ rượi như con gà ” rù “. Do tôi nôn mửa nhiều, mùi chua khăn khẳn nồng nặc, dù chật chội, nhưng lớn bé ai cũng sợ tôi, họ đều cố nhích xa tôi, nên chỗ của tôi tương đối thoải mái nằm.
Thuyền đã chạy được gần hai giờ, chẳng ai nói ra, tuy sóng càng to, gió càng lớn nhưng trong lòng của mỗi người nỗi lắng lo bị CA bắt đã nhỏ dần. Đây đó đã nghe tiếng trẻ con khóc, tiếng gọi tên nhau í – ới. Một số người đi từ khoang này sang khoang thuyền kia, ngơ ngác sục sạo tìm người thân.
Con thuyền vẫn tròng trành lắc lư, nhấp nhô, tôi lại phải bò dậy để nôn nữa, ruột gan của tôi như xoắn quắt lại để nôn. Tôi có cảm tưởng tôi phải nôn cho ra hết cả bộ ruột, dạ dầy, phèo phổi của tôi. Cái bệnh say sóng này cũng thật lạ kỳ, không phụ thuộc vào trẻ hay già, phụ nữ, đàn ông, khỏe hay yếu, có thể do tính chất máu của mỗi người. Có nhiều người quay lại, ngó ngấp nhìn tôi...... Mặc, tôi lại nằm đổ vật ra! Có tiếng nói từ sàn thuyền vẳng xuống:
” Đã đi ngang qua Côn Sơn rồi! “
“Trời …….đã sáng ……rồi!”
Như có một nguồn sinh lực bừng lên trong người, tôi ngồi dậy và xem đồng hồ tay: 4 giờ 30 phút sáng ngày 15/1/81. Có lẽ tôi đã nôn thốc, nôn tháo nhiều lần, để rồi không còn gì để nôn ra nữa, nên người tôi tỉnh dần. Nhưng yếu tố chính là: Nỗi lắng lo bị bắt đè nặng trong lòng, đã nhẹ đi và niềm hy vọng của ngày mai, nơi phương trời càng lớn dần lên. Giọng nói khi nãy từ sàn thuyền lại vọng xuống:
- Thuyền đã đi qua Côn Đảo rồi!
Qua những khe hở của vách thuyền, ánh sáng đã vàng ửng lên, chắc mặt trời đã chui lên khỏi mặt biển. Đầu óc của tôi đang lần giở lại hình ảnh đêm vừa rồi, thằng Lợi và các con của nó, đã lên bờ trở về. Tôi chợt nhớ tới cháu Thủy và Thắng, con của vợ chồng Đạt nằm ở đâu? Như thế, chỉ còn hai cháu đi theo tôi. Chỗ này, chỗ kia bà con đã lấy thức ăn, thức uống ra để giải quyết cái dạ dầy của mỗi người, hẳn nó đã nhắc nhở. Trong túi của tôi có một cái giò lụa và hai cái bánh giò, do mẹ của tôi chuẩn bị, nhưng tôi chả cần ăn và cũng không dám ăn. Tôi đã có chút kinh nghiệm say sóng, trong những lần đi thuyền ra Bắc, không ăn lại khỏe người hơn là ăn.
Phần vì, tin tưởng con thuyền đã ra khỏi tầm kiểm soát của bộ đội, công an Việt Cộng. Phần vì, cả một đêm trắng chạy, chui rúc, bờ bụi, sợ hãi, lo âu. Phần khác nữa, say sóng nôn mửa suốt đêm, tôi nằm vật ra, lịm đi lúc nào không hay. Khi tôi mở mắt ra, lại thấy tối lờ mờ, tôi giơ tay cố hướng về chiếc đèn dầu, treo mé vách thuyền: 4giờ 30, tiếng máy thuyền vẫn rổn rảng lẫn với tiếng dạt dào của sóng biển.
Tiếng ọc ạch, nhóp nhép của sóng nước đập vào mạn thuyền làm tôi tỉnh ra thêm. Tôi nằm lắc lư theo con thuyền, óc phân định thời gian và sự việc, tại sao lại 4giờ 30? Phải chăng đã qua một ngày mà tôi không biết? Thiếp đi là đêm, tỉnh ra lại là đêm mà đồng hồ chỉ kém giờ hơn. Như thế, ít nhất phải qua một ngày rồi. Trời sáng lại dần, và lại đã có ánh nắng. Tiếng máy thuyền tự nhiên như mắc nghẹn, rồi hồng hộc lên, con thuyền rùng lên bần bật, tiếng máy như hết hơi, thở hắt ra rồi im bặt. Nhốn nháo, mọi người đều trợn mắt nhìn nhau, ngơ ngác. Tôi cảm thấy một sự bất thường, ngồi nhổm dậy, chung quanh tôi người chật như nêm cối, đàn ông, đàn bà, trẻ con, người lớn nằm ngổn ngang. Tôi lảo đảo đứng dậy, tìm chỗ mò lên sàn thuyền. Không khí trong lành của biển khơi như chui nhào vào trong phổi, tôi tỉnh hẳn. Trên sàn thuyền, cũng lố nhố đầy người đang đổ dồn mắt về khoang máy của chiếc thuyền. Ba người, đầy dầu mỡ từ trong khoang máy bước ra, mặt tái nhợt, một người thốt cao giọng:
- Máy bị lột “dên” rồi!
Tiếng la hét, trong đám đông lố nhố:
- Có sửa chữa được không?
- Chạy tối đa... quá sức mà!
Tôi chả hiểu lột “dên ” là thế nào, nhưng những người xử dụng máy đã không có kinh nghiệm, bất cứ một loại máy móc gì để tối đa “gas” mà chạy mãi, thì phải hư là đương nhiên. Ngay con người cũng thế, chạy tối đa một lúc thì phải nghỉ hay chậm lại nếu không thì chỉ có lăn đùng ra mà “xỉu”. Bốn, năm người túm lại khoang máy kìm, búa, mỏ lết, hì hục hàng giờ cũng đành bó tay. Một người nói to như “phì” nỗi tuyệt vọng ra cho mọi người:
- Máy đã lột “dên”, chỉ có về xưởng máy “đại tu” mới sửa được!
Mặt trời đã quắc mắt như giận dữ nhìn theo mọi người trên sàn thuyền, con thuyền trở thành “vô định” giữa đại dương. Chung quanh, trên dưới chỉ có nước với trời, như trên hành tinh này có mỗi con thuyền “vô định” này mà thôi. Mặc cho gió, mặc cho sóng đẩy thuyền đi rồi lại đẩy về, như vậy con thuyền đã chạy được hai đêm và hơn một ngày. Không một ai biết con thuyền đang ở vị trí nào? Một khi không biết rõ vị trí, thì đều trở thành suy đoán mò linh tinh.
Người thì bảo có thể đây là bên ngoài Căm Bốt, người thì nói đã ở trong vịnh Thái Lan, có người còn bảo, có khi đã gần Mã Lai rồi. Khoảng 12 giờ trưa, phần vì niềm tuyệt vọng đã tràn ắp lòng tôi, rồi lại không có một cái gì trong bụng kể cả nước. Tôi chui xuống hầm thuyền, tìm về chỗ cũ nằm vật ra, tôi chợt nhớ đến cháu Thủy và Thắng từ hôm qua, tôi chưa biết các cháu ở chỗ nào?
Con thuyền dài chừng 15- 16 mét, rộng khoảng bốn mét rưỡi đến năm mét, có khoảng bốn, năm chục người cả trẻ con. Nghĩ đến cái giò lụa và hai chiếc bánh giò trong cái tay nải, tôi không dám ăn. Từ hôm trước tôi nhìn hai đứa nhỏ cứ quấn quít lấy mẹ nó, một bà chừng 35 tuổi, nửa tỉnh, nửa quê của miền Nam. Tôi lôi cái giò và cái bánh hãy còn thơm mùi lá, cầm ở tay ngập ngừng, người mẹ và hai cháu nhỏ đều nhìn tôi. Tôi cười, rồi hỏi dè dặt:
- Tôi không ăn, chị có thể vui lòng cho hai cháu ăn dùm?
Mặt hai cháu nhỏ tươi hơn ra, nhưng chị ấy lại ngần ngừ, tôi cố nhoài người sang đưa hết cho hai cháu nhỏ. Chị cầm giò và bánh, không nói gì nhưng ánh mắt của chị, như thay cho một lời cảm ơn! Người chồng ngồi dậy. nói với giọng trìu mến:
- Anh hai cố ăn “dô” đi, anh có ăn gì đâu!
Mặt người nào cũng hốc hác, quần áo tả tơi, đầu tóc rối bù, mới có hai ngày, hai đêm, mắt ai cũng lỗ đáo vào, trắng nhợt ra. Tôi cố đứng dậy định lần sang khoang phía cuối thuyền, để tìm cháu Thủy, Thắng. Đây đó những bãi nôn mửa, vỏ chuối, lá bánh thậm chí cả những “băng màn”của phụ nữ, đầy máu. Tôi lại quay về nằm vật ra, nghĩ đến tất cả những người này, trong đó phải có tôi xin về lòng đại dương, và xin hiến tặng những thân xác này cho những ông cá, bà cá, chúng tôi xin về nơi vĩnh hằng.
Buổi sáng ngày thứ ba (17-l), con thuyền vẫn tròng trành theo sóng biển, tôi mệt quá cũng chẳng muốn bò dậy làm gì. Có lẽ vì không ăn uống, nên tôi cũng không cần đại, tiểu tiện ba bốn ngày. Đồng hồ đã 6 giờ, khi tôi trở mình, ngay ở lòng (bụng) tôi có một hộp sữa ông Thọ. Tôi tưởng trong mộng mị tưởng tượng, tôi ngồi hẳn dậy ngơ ngác nhìn mọi người chung quanh, tay tôi vẫn cầm hộp sữa. Khi hai vợ chồng anh chị người Miên quay lại, tôi giơ hộp sữa lên, hỏi:
- Có phải của anh chị không?
Nhưng cả hai anh chị đều thiểu não lắc đầu, thấy hai người và nhiều người khác cũng rũ rượi và mệt mỏi, tôi chả hỏi nữa. Tôi cầm hộp sữa tới khi trời sáng hẳn, và tôi cũng tỉnh hẳn người. Không biết của một ân nhân nào? Tôi nhìn ai, khi họ quay lại, tôi cũng nghĩ là của người đó, nhưng rồi khi tôi hỏi, họ đều mệt mỏi lắc đầu. Thôi cứ cho là một ông tiên hay một bà tiên cho, bây giờ tôi đang cần cứ dùng đã. Vị ân nhân nào cũng sâu sắc thật, vì không ra mặt nên bắt người nhận, cho tới chết mới quên được. Tôi đã dùng một mũi dao díp dùi lỗ và như một thần dược, bây giờ tôi nhìn cái gì cũng rõ ràng. Hôm qua, hôm kia, nhìn ai cũng lờ mờ như có mưa phùn. Tôi ngồi lắc lư nghiêng ngả, hồn như lạc vào chốn “Thiên Thai”. Trên sàn thuyền rộ lên tiếng reo hò của đàn ông, phụ nữ:
- Có tàu ngoại quốc?
- Đứng lên chỗ cao mà vời!
Tôi nhào lên như có lò so, chẳng biết là Đông, Tây, Nam, Bắc (thuyền quay lung tung mà không có điểm tựa). Mắt thường nhìn sát phía chân trời, có một chấm trắng dài di chuyển. Gần hai chục người đứng trên sạp thuyền, đều giơ tay vẫy vời, cả tôi cũng vung vẩy như muốn nhẩy lên vì mừng, có tiếng nói như gào:
- Đem trẻ con lên đây, cho tàu nhìn thấy, nó mới tới cứu!
Người cởi áo trắng, áo đen, khăn đỏ ra vẫy, vung tứ tung. Thậm chí, có người còn quấn một cái khăn bông trắng, vào đầu chiếc đòn gánh giơ cao lên ngoáy, vẫy. Chấm trắng càng lúc càng mờ, rồi mất hẳn. Mặt trời lặn dần xuống biển, mọi khi thì tôi say sưa ngắm, nhưng lúc này thì hoàng hôn, hay bình minh cũng mặc. Nhìn bốn, năm cậu thanh niên, cường tráng thật khỏe mạnh, một áng liên tưởng về mình, trước những ngày xông vào vùng bão lửa, tôi mỉm cười với các cậu. Sau khi chuyện trò, vì là cùng hội, cùng thuyền tôi biết một cậu tên là Bạch ở bên khu Bình Xuyên, hai cậu nữa là Triết và Thâu dân chài lưới của Nghệ Tĩnh. Trông cậu nào cũng khỏe mạnh và đầy sức sống, dăm ba câu chuyện đổi trao, tôi thấy mến các cậu, và các cậu cũng thích nghe tôi nói chuyện.
Từ khi tôi biết có chuyến đi, tôi đã nhuần nhuyễn một “vỏ bọc”: ” Tôi theo bố mẹ di cư vào Nam, bố mẹ đã chết hết, nhà nghèo, tôi đi làm thuê, làm mướn, nay học được nghề mộc. Thường người ta đóng thuyền, đóng bè, ai mướn tôi cũng làm để sống, biết làm tính cộng, tính trừ, học hết tiểu học. Mánh, thấy cái tàu này vượt biên thì tôi “căn me “(Không có tiền, thấy thuyền nào đi, thì lẻn trốn lên), may ra đi được nước ngoài, thì đỡ khổ”.
Đại cương, tôi lựa trong tư thế đó để nói chuyện với mọi người trong thuyền. Buổi chiều hôm ấy, tôi thoáng thấy một vấn đề sinh tử trầm trọng, cho mọi người trong thuyền. Qua năm sáu cậu tôi quen, tàu có 43 người, gồm cả gia đình chủ tàu. Đàn ông con trai 16 người, năm sáu ông già, bà già còn lại hầu hết là đàn bà, con gái và trẻ em. Từ mấy ngày qua, đây đó, tôi đã thấy những bà mẹ dội nước, từ những chiếc thau con tắm rửa kỳ cọ, cho những cháu nhỏ. Có những bà, những cô gái, cắm cúi rửa mặt ở những chiếc thau nhôm con.
Sáng tối, đêm ngày, tôi để ý ở trong góc, khoang giàn máy, có một bồn nước nhỏ tròn, nằm dài chừng 2 mét, cao khoảng 1mét. Mọi người đều đến múc nước, rửa ráy hay uống ở đấy. Tôi được biết bồn nước ấy là toàn bộ nước ngọt, để giải quyết ăn uống cho cả thuyền. Không hề có một ai trông coi, quản lý, mạnh ai đến lấy nước giải quyết cho cá nhân.
Con thuyền đã trở thành vô định, cả về thời gian (chưa biết đến bao giờ), về không gian (chưa biết sẽ trôi dạt về đâu), chỉ một trận cuồng lộ, giận khùng của biển khơi. Thuyền chạy, thì khả dĩ phần nào chống đỡ được với mưa bão, cuồng phong; thuyền chết máy, như chiếc lá trôi dạt giữa đại dương, ai cũng đã thấy chắc chắn nó sẽ xuống đáy đại dương, mà nằm. Sự sống và chết cho cả con thuyền, thế mà không một ai để ý đến. Tôi đến bồn nước mở nắp, quan sát, lấy que thăm đò, mới có hai ngày ba đêm mà nước chỉ còn một phần ba của bồn. Dung tích của cả bồn chỉ vào khoảng gần hai mét khối nước, bây giờ chỉ còn một phần ba thì còn lại bao nhiêu nước? Cứ cái đà như mấy ngày nay, có thể ngay chiều nay, hay ngày mai là hết nước.
Về ăn, do thực phẩm của mỗi người, của mỗi gia đình mang theo còn có thể e dè tự túc. Nước uống mà hết, thì sẽ thấy tình huống ra sao? Tình trạng hiện nay của con thuyền, chỉ có trời mới biết.
Mấy cậu thanh niên, cũng theo tôi đang đứng chung quanh bồn nước. Những bà con ở trong khoang thuyền ấy, sau khi hiểu ra vấn đề, đều thấy rất nghiêm trọng về chuyện nước nôi. Một cụ già chừng sáu mươi lăm tuổi, đầu đã bạc trắng, hai má đã hóp lõm vào, nhưng đôi mắt vẫn còn sáng long lanh, tiến lại chỗ bồn nước. Giọng nói của cụ, tuy khàn khàn nhưng rất dõng dạc:
- Đây là sự sống và chết của cả con thuyền, các ông phải có biện pháp thế nào. Tôi thấy nhiều người đến đánh răng, rửa mặt, dùng nước rất là phung phí, nhất là ban đêm.
Tôi thấy sự việc này phải giải quyết hôm nay, và ngay từ bây giờ, tôi và nhiều người thấy cần mời chủ thuyền đến để bàn biện pháp. Cậu Triết đã nhanh nhẩu, lên chỗ phòng hoa tiêu một lúc, rồi đi xuống cùng với một ông chừng hơn bốn chục tuổi. Tôi được biết chủ thuyền tên là Cường, sau khi ông Cường nghe mọi người nói, ông đã hiểu. Chính ông, đã tỏ ra tự trách đã không để ý đến và không ngờ, lại nghiêm trọng như vậy. Nhiều ý kiến giống nhau và khác nhau, cuối cùng đều thấy cần thiết, phải có một người, điều hành quản lý nước.
Ồn ào, xôn xao bàn tán, ý kiến đa số, kể cả ông Cường, chỉ định tôi là người chịu trách nhiệm, quản lý và điều hành. Tôi tự thấy không thể đảm nhận được, vì tôi say sóng, nhiều lúc ngắc ngư “con tàu đi”, tôi thấy chính ông Cường làm công việc này là đúng và thích hợp. Nhưng ông Cường đã giẫy nẩy từ chối, vì hiện nay vợ của ông đang sốt nặng. Hai ngày nay không ăn uống gì ông thường xuyên phải săn sóc.
Tôi hiểu chẳng một ai muốn làm cái công việc “không đâu” này. Bận rộn và mất thời gian, nhất là trong lúc cuộc đời có thể đi “đứt” nay mai. Phải là một người có ý thức trách nhiệm, với tập thể chung quanh mình. Ông già bạc đầu, hõm má khi nãy đã để hai tay vào hai vai tôi, nói khàn khàn không ra hơi:
- Anh đừng ngại khó, ngại khổ giúp bà con trong thuyền đi!
Tôi đã thấy chẳng nên lằng nhằng, một sự việc không nên. Tôi giơ tay, nói với mọi người:
- Tôi sẽ đảm nhận với điều kiện: tất cả mọi người trong thuyền đều phải chấp nhận thực hiện, những điều đã cùng thỏa thuận đồng ý, cả chủ thuyền và cả tôi?
Mọi người nhao nhao lên đồng ý.
Tôi nói tiếp:
- Số phận của con thuyền chưa biết được kéo dài bao nhiêu ngày nữa, nước ở trong bồn đã gần cạn, chỉ còn một phần ba. Ông bà mình đã dậy: Lúc còn thì chẳng ăn dè, đến khi hết thì ăn dè, cũng chẳng ra. Vậy bắt đầu từ ngay hôm nay: Người lớn mỗi ngày hai ly (tôi cầm một cái ly, loại tám ly bằng một lít), một ly lúc 8 giờ sáng và một ly lúc 4 giờ chiều, trẻ con thì một ly.
Ngay bây giờ, mấy cậu Triết, Bạch và Thâu, cùng với tôi tìm cách khóa cái bồn nước. Chỉ mở lúc 8 giờ sáng, và 4 giờ chiều mỗi ngày.
Ông Cường, cứ nhìn theo tôi và các cậu loay hoay làm việc, tôi biết ông chỉ đoán tôi là một khách hàng. Tôi thì hiểu, ông chỉ có một nửa cổ phần của con thuyền, còn của thằng Lợi một nửa, mà hiện giờ tôi là đại diện, nhưng tôi cũng chả cần phải nói ra làm gì. Khoảng gần tối có tiếng hô hoán ầm ầm:
- Có tàu to lắm! Đang đến gần!
Tôi và nhiều người đều leo lên sàn thuyền, trong cái tối đen của nước và trời, rõ ràng có mấy ánh đèn sáng. Với sự ước lượng, phán đoán các điểm sáng đó, cách xa khoảng từ 8 – 10 cây số. Có người nói: “sao chúng ta không đốt lửa lên!” Ý kiến thật hay! Thế là mọi người moi móc giấy đủ loại, giấy báo, gói đồ v.v… Đốt lên một đống trên sàn thuyền, trong một chiếc mâm bằng nhôm, niềm hy vọng như tràn dâng trong lòng mọi người. Một cánh tay quàng ôm vào cổ, tôi quay lại: ồ, cháu Thủy! Thảo nào cánh tay thật là mềm và mát. Tôi cầm lấy, hỏi giật giọng:
- Mấy bữa nay, các cháu ở đâu?
Cháu Thủy nói như khóc:
- Cháu và thằng Thắng, nằm mãi trong góc phía đầu mũi thuyền.
Mọi tâm tư lúc này của tôi, đang hướng về mấy điểm sáng mơ hồ trong đêm đen, của biển trời. Tôi lấy một thanh gỗ, khều cho đám giấy trong chiếc thau, cháy to lên. Nhưng những điểm sáng, của chiếc tàu xa xôi cứ bé dần lại, để rồi mất hút vào cái tối đen vô cùng, của trời và nước. Nó cũng mang theo, cả những nguồn hy vọng sôi nổi, của mọi người trong con thuyền vô định.
Tôi quay lại, sàn thuyền đã vãn người. Nhìn chiếc thau đốt lửa, bây giờ chỉ còn vài túm giấy cháy dở đã tắt ngúm. Những tàn than, gió lộng của biển khơi đã quét sạch, rắc trên những lớp sóng bạc đầu, đang ưỡn lên gào, gọi lại “nàng gió” ngày đêm. Tôi lần mò về chỗ, mệt nhọc chìm dần vào giấc ngủ, nhiều khắc khoải lắng lo.
Hôm nay là ngày thứ năm, lênh đênh dật dờ, trong con thuyền vô định. Nhiều người đã nằm liệt luôn, ít còn nghe những tiếng bàn tán chuyện trò. Người tôi cũng như nhão ra, chẳng muốn bò dậy nữa, hộp sữa ông Thọ tôi đã dùng quá một nửa rồi, mỗi ngày hai lần, tôi chỉ mút chừng hai thìa con, rồi tôi uống nước. Tôi xin cúi đầu cảm tạ ân nhân, đã cho tôi điều kiện để tồn tại.
Tôi nhớ buổi tối hôm qua, một chị chừng ba mươi tuổi, bế đứa con trai khoảng ba tuổi đến bên tôi, có vẻ lấm lét. Tay chị cầm một chiếc ca nhôm, to chừng ba phần tư lít. Chị đặt chiếc ca xuống cạnh tôi, tay chị moi túi lấy ra một chiếc nhẫn vàng chừng một chỉ, chị ghé sát gần tôi nói khe khẽ:
- Em biếu anh chiếc nhẫn này! Anh giúp con em, một ca nước, nó cần pha sữa!
Tôi hơi đẩy tay chị ra một chút, nhìn nét mặt nhăn nhó của chị và cháu nhỏ, lòng tôi xót xa như quắt lại, tôi lắc đầu và nhẹ nhàng: “Không được chị ơi! Đây là của chung chứ có phải của tôi đâu!”
Thái độ quyết liệt của tôi, chị đứng dậy, bế con đi luôn. Chính ngay bản thân tôi, vì chỉ có ba thìa sữa, tôi cần có đủ nước để trang trải trong cơ thể, nên thiếu nhiều lắm. Hàng ngày tôi phát nước cho mỗi người, có người uống vội vàng ly vẫn còn đọng lại vài giọt, tôi đã uống tại đấy, để lấy ly đong cho người khác. Mỗi ngày nỗi tuyệt vọng trên nét mặt mọi người càng làm tái đi, mắt của mọi người cùng trắng nhợt ra, tóc tai, quần áo càng lôi thôi, lếch thếch hơn. Đến ngày thứ năm tiêu chuẩn nước, chỉ còn một ly cho cả ngày. Nước gần cạn rồi ông trời ạ!
Gần một chục chiếc tàu, tùy theo xa gần qua lại, ngày, đêm, trưa, chiều, nhưng rồi hình như những chiếc tàu đó (không biết của những nước nào). Chúng không hề có mắt, coi như trên đại dương này, chỉ có một chiếc tàu của họ mà thôi.
Cả thuyền, người tích cực vẫy vời tàu cứu nhất, cũng phải nản lòng, hình như lương tâm của thế giới, đã bị đóng băng rồi. Tối khuya hôm đó, một trận mưa miền nhiệt đới rào rào như đổ nước xuống, dù nhiều người đang mệt, đang ngủ đều xô lên sàn thuyền. Ai cũng ngửa đầu, hả miệng mặc cho những hạt mưa tự do rắc vào cho nó đã, nó sướng, bù lại những ngày, nước được coi như những giọt nhựa sống của con người.
Mấy đêm nay, tôi cứ nằm trằn trọc, quằn quại mãi nhìn con thuyền với 43 mạng người, cứ tiến dần đến chỗ chào từ giã cuộc đời. Bất khả kháng, nghĩ lối nào, mặt nào cũng tắc tỵ. Con thuyền từ bốn năm ngày nay cứ trôi đi, dạt về không có một điểm nào là “chằng” là “cứ” ở giữa cái mênh mông của biển cả. Ngày nào tôi cũng lên sàn thuyền, nhìn ra khắp chung quanh, cũng chỉ nước và trời.
Điều tâm lý lạ kỳ, cũng là nước biển xanh, cái mầu của những cặp thương yêu nhau mặn nồng, đã gọi là mầu xanh của “ái ân”. Nhưng sao lúc này, tôi nhìn cái mầu xanh của bể khơi, tôi thấy nó đen ngòm, chứa chất bao nhiêu những huyền bí, linh thiêng đe dọa. Vì nó sắp đưa tất cả chúng tôi, sang bên kia thế giới, sẽ ngoạm và nuốt trửng, tất cả chúng tôi nay mai vào mồm nó.
Đêm khuya tôi ngồi một mình, dựa vào vách buồng hoa tiêu, để nghe những âm thanh của biển đêm. Bỗng một đàn cá to tướng, đen như mun, nhổm lên mặt nước đuổi nhau. Tôi thấy rùng mình, lạnh xương sống, tướng như một lũ ma quỷ của Hà Bá, Diêm Vương lên giễu cợt, như báo cho chúng tôi biết: “Chúng tao sắp được ăn xác chúng mày“. Cũng những con cá ấy ở bể nuôi cá, hay những vùng biển khi đi trên tàu du lịch, thấy chúng hiền lành, như một lũ trẻ em nô đùa. Thế mà giờ đây tôi lại rùng mình nổi gai ốc, vì cái uy lực huyền bí, đe dọa của chúng.
Khắc khoải trằn trọc mãi trong đêm thâu, gần sáng tôi chợt nghĩ đến một ý niệm: Tại sao không làm những cái bơi chèo? Trong thuyền có nhiều đàn ông thanh niên, mỗi người hay hai người một cái để chèo? Do mặt trời từ mấy ngày nay, chúng tôi đã xác định được Đông Tây Nam Bắc, như vậy, ít ra còn chủ động phần nào.
Chứ không như mấy ngày nay, là cái kiểu tiêu cực: “nằm ngửa há miệng, rồi chờ sung rụng”. Sáng sớm hôm sau, tôi tập hợp các cậu thanh niên và chủ tàu, tôi đưa ra ý kiến. Hầu hết đều hoan nghênh và chúng tôi xúc tiến. Chủ tàu còn mấy hộp đinh năm phân khi đóng tàu còn thừa, với những thanh gỗ có thể lấy ra được của con thuyền. Tôi lại là thợ mộc, nên chả khó khăn gì, chỉ hai giờ sau đã có bốn cái “bơi chèo” cứng chắc, do chế biến. Tất cả đều đồng ý là cứ chèo về hướng Bắc, rồi tùy theo cơ trời. Chúng tôi dù muốn hay không cũng tự nguyện, xin giao cuộc sống cho đấng tối cao quyết định.
Đặc biệt những người chèo, tiêu chuẩn nước gấp đôi, nghĩa là họ được mỗi người một ly. Không có điểm tựa làm chuẩn, nhưng rõ ràng ai cũng thừa nhận con thuyền có lướt đi trên sóng. Tôi cũng được vinh hạnh mó tay chèo, tuy mệt, nhưng tinh thần của mọi người trong thuyền, được nâng cao rõ rệt. Còn thuyền đã có những nụ cười và tiếng nói, chứ không im lìm, như những ngày hôm trước.
Cho đến chiều ngày thứ sáu, tức là (ngày 20/l), vẫn cứ thay nhau tiếp tục chèo, cả đêm hôm ấy. Sáng ngày thứ bẩy, kể từ đêm 14/11, trời hôm nay đẹp lạ lùng! Nhất là vào khoảng 7 giờ sáng, có một con chim lạ, to như con chim câu, chân và mỏ đều đen tuyền, cổ có một khoanh vàng và một khoanh đỏ, cánh và đuôi màu trắng toát. Nó không hót, không kêu, chẳng biết từ đâu bay đến đậu ở cái chĩa ngang trên ngọn, của cây cột ở giữa thuyền.
Mấy ông bà già tin rằng nó mang theo cái may, cái hên cho những nơi nó đến. Nhưng tôi lại nghĩ, chim không thể ở giữa biển, mà phải ở chỗ có đất, có cây, như thế đất liền hay đảo, phải ở gần đâu đây. Chúng tôi đều căng mắt ra, nhìn khắp bốn phương nhưng vẫn chỉ là trời với nước. Tôi quay ra nói với các bạn, đang chèo:
- Xin các bạn cứ vững tay chèo? Phần thưởng sẽ đến với những người, có ý chí miệt mài, kiên định.
Con chim cứ vẫn đậu yên chỗ cũ, bản thân tôi không có cái gì, tôi quay nói to với mọi người:
- Chắc con chim này nó cũng đói! Nó phải từ ở nơi xa xôi, chỉ có một con thuyền này giữa đại dương, nên đậu đại xuống nghỉ cánh. Nó cũng có hoàn cảnh lỡ “cơ” như chúng ta, bà con ai có còn thức ăn ngô, gạo hay mì cũng được, cho tôi xin một chút cho nó!
Mọi người nhìn nhau, chẳng ai nói một câu. Tôi hiểu, chẳng còn ai có lương thực, nên tôi ngửng lên nói to với con chim. Cứ coi như là, nó hiểu:
- Chim ơi! Thông cảm nhé! Chúng tôi cũng sắp chết đói và chết khát rồi! Chúng tôi cũng lỡ “cơ” như chim thôi!
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen