Books are delightful society. If you go into a room and find it full of books - even without taking them from the shelves they seem to speak to you, to bid you welcome.

William Ewart Gladstone

 
 
 
 
 
Tác giả: Nguyệt Quan
Thể loại: Kiếm Hiệp
Số chương: 229
Phí download: 14 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3863 / 50
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 183: Vua Muốn Đi Xa
uan binh canh giữ những quan ải quan trọng của kinh thành cũng không có nhiều kỵ binh cho lắm, mặc dù là kinh sư cũng không nuôi nổi bấy nhiêu chiến mã mà bình thường chỉ để đó không dùng. Nhưng ngay khi tin vừa được đưa vào nội thành, đề kỵ(1) của Cẩm Y Vệ và mã khoái (sai nha cưỡi ngựa) của Ngũ thành binh mã ty liền tranh đi trước đại quân, đuổi theo ra ngoài thành tới mấy dặm đường, bất chấp tuyết rơi mù trời.
Tuyết lớn khó đi, bọn họ đuổi đến khi cả người lẫn ngựa đều mệt lử thì chợt trông thấy ở đằng trước xuất hiện mấy bóng người lẻ loi trên đường. Đám quan binh vội ghìm ngựa rút đao, dè chừng tiến tới gần mới thấy rõ là vài viên thị vệ Nội xưởng đang đứng bất động trong tuyết.
Đám Ngũ Hán Siêu và Liễu Bưu đang đứng như trời trồng, hồn bay phách lạc: phía trước, một gốc cây khô to bằng một vòng tay bị tuyết nặng đè gãy chắn ngang trên đường, trên gốc cây tuyết xốp phủ đều, hiển nhiên bọn đạo tặc đã đi vòng qua. Thế nhưng tuyết lớn mịt mù, trên đường mất sạch dấu tích, bọn họ chẳng khác gì anh mù cưỡi ngựa lòa, biết đuổi về phương nao bây giờ?
Một tay Cẩm Y bách hộ tra cây Tú Xuân đao(2) vào vỏ, thúc ngựa tiến tới. Khi đến gần, trông thấy người ngồi trên ngựa ở đằng trước là Thiên hộ Liễu Bưu của Nội xưởng, hắn liền vội ôm quyền thi lễ:
- Liễu đại nhân! Có phải đã có tung tích của Dương xưởng đốc?
Liễu Bưu quay đầu lại, thấy sau lưng có hơn trăm quan binh cưỡi ngựa bèn hít sâu một hơi rồi quát bảo:
- Toàn bộ tản ra! Năm người một nhóm, lấy nơi này làm trung tâm tìm kiếm chung quanh, thường xuyên trao đổi tin tức lẫn nhau. Một khi có manh mối của đại nhân phải lập tức phi ngựa về báo, không được tự ý quyết định.
Tay Bách hộ đó vâng dạ rồi dặn dò Cẩm Y Vệ và mã khoái tản vào trong đồng hoang. Một lát sau, thềm nhiều người ngựa lục tục kéo đến lũ lượt gia nhập vào trong đoàn người tìm kiếm.
Dương Lăng bị mang vào đồng hoang cách đường cái mấy dặm. Đôi giày quan của y bị tuyết ngấm vào ướt sũng, đôi giày da trâu này vừa ẩm vừa nặng, y bước đi loạng choạng, đi đến độ mồ hôi đẫm lưng, tim đập như trống. Chợt trông thấy trong gió tuyết có mấy bóng người đang đến gần, Dương Lăng trợt chân, suýt nữa ngã nhào.
Mấy tay quan quân trông thấy trước mặt có người, cũng căng thẳng rút đao thương ra quát lớn:
- Kẻ nào đó? Đứng lại! Cấm đến gần! Người đâu mau lên, ở đây có người, ở đây có người!
Dương Lăng định thần lại, trông thấy những kẻ trước mặt mang mũ tua đỏ trông như quan binh, liền vội quát:
- Ta là Dương Lăng, các ngươi là quan binh của bộ nào?
Mấy tên quan binh đó nghe xong thì bán tín bán nghi, bèn đi tới gần quan sát y từ đầu đến chân một lượt, trông thấy y phục của y lập tức tin tưởng mấy phần, nhịn không được liền hào hứng reo to:
- Tìm được Dương đại nhân rồi! Chúng tôi tìm được Dương đại nhân rồi!
Tay tiểu ngũ trưởng cầm đầu hưng phấn đến độ cả mặt đỏ bừng, "Công to ở ngay trước mắt rồi! Đây quả là ông trời tặng đại lễ mừng Tết cho ta rồi!". Gã chỉnh đốn lại y phục, bước vội tới dùng quân lễ ra mắt, cao giọng thưa:
- Tiêu hạ (như thuộc hạ - ND) là Hạ Đại Niên, Ngũ trưởng của Chấn Uy doanh, tham kiến xưởng đốc đại nhân!
Dương Lăng cười khổ, bảo:
- Miễn lễ, mau đưa bản quan trở về! Thực sự chịu hết nổi rồi.
Tay Ngũ trưởng nọ liền vội đứng dậy rồi cùng với một sĩ tốt cường tráng dìu Dương Lăng nhanh chóng quay về. Tin tức mau chóng lan truyền, quan binh nhanh nhẹn tụ tập về hướng đó, đến khi Ngũ Hán Siêu và Liễu Bưu hay tin, mừng như điên chạy đến nơi thì người dìu Dương Lăng đã đổi thành Tì tướng Lưu Bản Nguyên và Bả tổng Trương Khai của Chấn Uy doanh.
Liễu Bưu mặt mày kích động, dừng bước chân ngắm nhìn Dương Lăng một lúc rồi mới nghẹn ngào:
- May sao xưởng đốc đại nhân... bình an vô sự!
Ngũ Hán Siêu bước đến trước mặt Dương Lăng, hổ thẹn nhìn y, rồi không nói không rằng vén áo bào quỳ xuống tuyết.
Tuy Dương Lăng ngồi nơi ghế cao nhưng lại không hề có thói kênh kiệu vênh vang, lấy thân chủ nhân đãi phận tôi tớ; đó cũng là chỗ khác biệt giữa y và những mệnh quan khác.
Tuy thuật tiết chế kẻ dưới từ xưa quý nhất là ở chân thành, chứ không phải thủ đoạn, coi chúa như thầy, coi vua như bạn, coi việc mất nước cấp bách như việc quân. Thế nhưng thời xưa quan niệm tôn ti trên dưới quá nghiêm, dẫu rằng quan viên có đối đãi rộng lượng với kẻ dưới cũng rất khó lòng tôn trọng thuộc hạ, mà chủ yếu là chỉ ban thưởng tiền tài và danh lợi. Cho nên Trình Bất Thức trị quân nghiêm ngặt, một vạn sĩ tốt dưới trướng ai nấy đều nghe lệnh, còn Lý Quảng cai quản thuộc hạ khoan dung, ấy vậy mà năm nghìn thủ hạ lại có thể chọi năm vạn người, mỗi khi gặp chiến trận ai nấy đều dốc sức liều mạng.
(Xin xem Lý tướng quân liệt truyện – Sử ký Tư Mã Thiên, )
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi mà Dương Lăng có thể xem các nội tướng Ngô Kiệt, Hoàng Kỳ Dận, Vu Vĩnh cùng ba vị nguyên Đô ty Thần Cơ doanh và hai người Liễu, Dương là tâm phúc. Bọn họ cũng theo y không rời không bỏ, dĩ nhiên cũng có nhân tố là họ theo y để được tiền đồ như gấm, song quan niệm "sẵn sàng chết vì tri kỷ" của những nhân sĩ này cũng chiếm một phần rất lớn tâm tư của bọn họ.
Về phần Ngũ Hán Siêu, hắn xuất thân võ lâm chỉ mới vừa gia nhập Nội xưởng; uổng cho một thân võ công thế mà lại chưa hề có ý thức làm bảo tiêu. Nay thấy hắn xấu hổ tự thẹn, bộ dạng lôi thôi lếch thếch, Dương Lăng cũng không nỡ trách thêm.
Y bước tới đỡ Ngũ Hán Siêu dậy, mỉm cười nói:
- Minh thương dễ tránh, ám tiễn khó phòng, đừng tự trách mình nữa. Có điều sau này phải nhớ kỹ bốn chữ 'làm tròn bổn phận', không phải chức trách của mình thì không can dự vào. Ngươi là thị vệ cận thân của bản quan, hộ vệ bản quan không bị làm hại chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, việc bắt giặc cứ giao cho nha môn xử án là xong. Nếu như lần sau lại xảy ra việc như vầy, cho dù bản quan không phạt gậy ngươi thì phu nhân của ta cũng sẽ không bỏ qua cho ngươi đâu.
Lời của Dương Lăng khoan dung độ lượng, có mềm có cứng, khiến Ngũ Hán Siêu cảm kích không thôi. Miệng hắn mấp máy, muốn nói rồi lại thôi, cuối cùng đành chôn chặt sự hối hận và cảm kích trong lòng, không thốt tiếng nào.
Dương Lăng quay đầu hỏi Liễu Bưu:
- Chuyện của ta... phu nhân đã biết chưa?
Hiện tại Liễu Bưu đã kiềm được sự kích động khi vừa gặp mặt, rạng rỡ đáp:
- Đại nhân yên tâm! Ngô đại nhân và Hoàng đại nhân không dám để trong phủ hay tin. Thuộc hạ đã đưa tin cho phu nhân rằng do chiến sự tiền phương và sắp đến Tết nên ở cung đình sự vụ bộn bề, vì vậy mấy ngày nay đại nhân không thể hồi phủ.
Liễu Bưu vừa cởi áo choàng của mình khoác cho Dương Lăng vừa nói tiếp:
- Đại nhân! Tin tức đã được phi mã hồi báo về thành rồi, đại nhân hãy mau hồi kinh đi, tránh để Hoàng thượng nhung nhớ. Mấy tên cường đạo đó...?
Dương Lăng bảo:
- Trời tuyết lớn khó lần ra tung tích, bọn chúng chạy về hướng nào khó mà đoán được. Quay về bảo quan phủ các nơi dán tranh, vẽ hình truy nã nghiêm ngặt là được. Còn nữa, bảo người của chúng ta chú ý đến những nhân vật khả nghi vừa xuất hiện trong thành.
Đạo tặc Dương Hổ đến kinh thành, lại do Di Lặc giáo âm thầm dụ dỗ, cuối cùng hai bên lại xảy ra chém giết, rõ ràng không chỉ đơn giản là tạm thời nảy ra ý muốn giết mình như vậy. Tuy Hồng Nương Tử không nói rõ ràng, song Dương Lăng cũng ngờ rằng trong đó ắt có âm mưu, chỉ là chuyện này y không tiện đề cập với Liễu Bưu trước đám đông người.
Y chỉ kể lại qua loa chuyện mình được thả, rồi được mọi người dìu đỡ lên ngựa vội vã hồi thành. Lưu Cẩn vừa nhận được tin, một mặt sai người báo tin mừng cho Hoàng thượng, mặt khác đích thân dẫn người ra ngoài nghênh đón.
Lúc Dương Lăng vào cung, tảo triều hãy còn chưa kết thúc. Thái giám đứng hầu ghé tai nói nhỏ với Chính Đức mấy câu, hắn vừa nghe liền mừng ra mặt, vội vã giải quyết cho hết công vụ, cho dừng tảo triều rồi liền lập tức chạy về phía điện Bảo Hòa.
Chính Đức vừa bước vào đại điện, Dương Lăng đang ngồi dựa bên cạnh lò than lửa long phượng sưởi ấm trông thấy lập tức bước tới làm lễ ra mắt. Chính Đức nâng tay đỡ y, quan sát một lượt rồi mừng rỡ cười nói:
- Tốt, tốt! Trở về là tốt rồi, mấy ngày nay khiến trẫm thực lo quá đi.
Hắn kéo Dương Lăng vào trong nội điện, ngồi trên giường lò, rồi cười nói với đám người Dương Lăng, Lưu Cẩn và Cốc Đại Dụng:
- Ngồi đi, ngồi xuống cả đi! Dương khanh, đám đại đạo Bá Châu đó không làm khó gì khanh chứ?
Tiểu hoàng môn dọn vào sáu bảy cái bệ gấm, đám người Dương Lăng tạ tội rồi ngồi xuống. Thấy trong phòng chỉ có mấy người trong đám bát hổ, Dương Lăng bèn đáp:
- Dạ! Nữ tặc đó bắt cóc thần chỉ vì muốn trao đổi với đạo tặc Dương Hổ của ả, cho nên không hề ngược đãi thần. Về sau biết được Dương Hổ đã bỏ trốn, ả mới mang tính mạng của thần uy hiếp, phá ải xông ra ngoài tẩu thoát.
Chính Đức nhướng mày, nôn nao bứt rứt:
- Từ xưa những kẻ cậy võ vi phạm cấm lệnh, dám bắt cóc trọng thần triều đình quả thực rất hiếm. Gan dạ và bản lĩnh của nữ tặc này thực bất phàm, có thể bắt cóc khanh ngay giữa phố chợ sầm uất, phải chăng là phi tặc biết khinh công bay lượn trong truyền thuyết? Thực khiến cho trẫm rất háo hức, tò mò đây.
Dương Lăng đáp:
- Lên cao xuống thấp như đi trên đất bằng, búng người không cao hơn một trượng, kiếm không (dài) tới ba thước chỉ có thể cậy võ phạm cấm, khiến cho máu đổ năm bước mà thôi. Điều Hoàng thượng tu chính là Thiên Tử kiếm, một cái vung tay, binh ở ngoài vạn dặm liền kéo đi như thủy triều, vừa ra chiếu lệnh, liền thao túng tính mạng sinh tử cùng hỷ nộ ái ố của tất cả mọi người. Võ công cao có gì mà đáng hâm mộ?
Chính Đức cười to, mặt mày nở nang:
- Ái khanh nói chí phải! Thị vệ đại nội của trẫm cũng có bản lĩnh như vậy, cái gì là tám bước đuổi ve, lướt bèo qua nước gì chứ!? Có lần trẫm cao hứng từng bảo bọn chúng tay không trèo lên điện Thái Cực, song lại không một ai trèo nổi.
Dương Lăng tiếp lời:
- Lời đồn của dân gian bao giờ cũng thổi phồng bản lĩnh của bọn họ. Có điều đám mã tặc này cậy vũ lực đối chọi phép vua vẫn không đáng sợ, song hiện tại lại có một lực lượng mà Hoàng thượng vạn lần chớ nên xem nhẹ.
Chính Đức hiếu kỳ hỏi:
- Lực lượng nào?
Dương Lăng thưa:
- Di Lặc giáo! Bọn chúng dùng lời tà thuyết mê hoặc dân chúng, khắp tam giáo cửu lưu đều có tín đồ mù quáng nghe theo. Theo lời của đám mã tặc Bá Châu mà thần nghe trộm được, lần này mấy trăm đại đạo âm thầm vào kinh chính là do sự sai bảo của giáo chủ Di Lặc, mưu đồ hiển nhiên không chỉ là tính mạng của thần. Cái nguy hại của tà giáo hơn xa mối nguy của đám vũ phu tụ tập nơi núi rừng, Hoàng thượng không thể không cẩn thận!
Từ xưa, điều đế vương e ngại nhất chính là những tổ chức tà giáo mê hoặc lòng dân; lực lượng của bọn họ như rễ cây bám sâu vào lòng đất, ẩn náu trong dân gian. Khi bọn họ không phát động đấu tranh hoặc nổi loạn thực khó mà phân biệt lương dân với tín đồ; đợi đến khi bọn họ vừa khởi sự lập tức đã có ngay mấy mươi vạn tín đồ, sẽ rất nguy hại cho triều đình. Triều Minh vốn lợi dụng giáo phái để khởi sự, thành sự rồi mới thoát ly khỏi bọn họ, cho nên hiểu rõ nhất về sự đáng sợ của lực lượng tôn giáo.
Chính Đức nghe xong nụ cười liền tắt vụt, lo lắng:
- Di Lặc giáo? Lúc bọn chúng truyền đạo ở Thiểm Tây, lôi giành sự ủng hộ xa gần, ngu dân giào nghèo theo họ có kẻ dâng biếu cả nghìn vàng, cho dù phá gia cũng cam tâm tình nguyện, hoặc hy sinh con cái, hoặc buông bỏ đồ dùng, nối đuôi mà theo. Một khi giáo chủ hạ lệnh, liền có thể thu được vạn lượng hoàng kim trong một tối, hương dân gần xa không ai mà không theo bóng nó, quả thực là cái họa lớn của triều đình.
Có điều sau khi cái tên Lý Việt bị chém đầu, bọn chúng liền tan đàn xẻ nghé, triều đình đã không còn nghe đến tung tích của Di Lặc giáo nữa, chẳng lẽ bọn chúng vẫn đang hoạt động?
Dương Lăng gật đầu đáp:
- Dạ, Di Lặc và Bạch Liên vốn một nhà. Từ cuối đời Đường, Tống, Nguyên đến nay, người Hán làm chủ thì sẽ phản Hán, người Nguyên làm chủ lại sẽ phản Nguyên, mưu đồ của nó chính là xã tắc vậy. Mỗi khi gặp phải đả kích, nó liền sẽ biến lớn thành nhỏ, biến nhỏ thành không, rút vào trong bóng tối, âm thầm tích góp lực lượng chậm rãi chờ ngày quật khởi. Theo thần nghĩ, do lực lượng của bọn chúng hiện chưa đủ để đối kháng với triều đình nên mới mượn tay kẻ khác, nhằm loạn chính nhiễu dân.
Chính Đức đứng bật dậy, đám người Dương Lăng và Lưu Cẩn liền vội đứng lên theo. Chính Đức chậm rãi thả bước trong điện một hồi, chợt trỏ Cốc Đại Dụng bảo:
- Đại Dụng! Việc này giao cho ngươi đi làm, tập hợp lực lượng Đông xưởng, Tây xưởng và Cẩm Y Vệ, bí mật truy lùng Di Lặc giáo, nhất thiết phải diệt trừ gốc rễ bọn chúng.
Cốc Đại Dụng liền vội vâng dạ đáp lời. Chính Đức thoáng trầm ngâm, lại vung tay hạ lệnh:
- Các ngươi lui xuống đi, Dương khanh hãy ở lại.
Đợi mọi người lui ra khỏi điện rồi, Chính Đức vội nói với Dương Lăng:
- Dương khanh, mạch máu của Bạch Liên giáo kéo dài đã mấy trăm năm, đời sau nối tiếp đời trước, trước nay đều không thể tiêu diệt được nó.
Khi tiên hoàng còn sống, thường hay nói rằng bá tánh thờ ngưỡng nó, hoặc vì phú quý, hoặc do trường sinh, trong đó không thiếu người lương thiện, chưa hẳn đều là những kẻ có mưu đồ tạo phản. Nếu như trừng phạt quá rộng, sẽ gây tổn hại đến gốc rễ của Đại Minh, còn nếu chỉ tiêu diệt kẻ cầm đầu, lại sẽ như ngắm hoa trong sương. Đại Minh từ thời dựng nước đã diệt trừ tà giáo, không biết còn phải diệt trừ đến năm nào tháng nào.
Việc này không gấp, giao cho hai xưởng một vệ xử lý là được. Nội xưởng của khanh vẫn còn phải để ý đến chiến sự ngoài Đại Đồng và chuẩn bị cho trẫm đi lên phương bắc.
Dương Lăng do dự:
- Hoàng thượng! Thần bị đạo tặc bắt cóc đã khiến cho lòng người bất an, nếu như lúc này Hoàng thượng xuất kinh, e rằng bá quan sẽ càng kinh hãi. Chi bằng bí mật thông tri cho Đoá Nhan Tam Vệ trước, đợi khi việc thanh trừng giặc cướp và đả kích tà giáo của thần có chút thành quả rồi Hoàng thượng mới khởi hành. Hoàng thượng thấy thế nào?
Chính Đức có mỗi việc xuất kinh này là chuyện vui, thật sự còn sướng hơn cả đón Tết nên nào thèm nghe. Hắn không chịu:
- Kết minh với Đoá Nhan Tam Vệ sớm một ngày thì biên ải sẽ bớt được một ngày tổn hại. Đây là đại sự nước nhà, trẫm đường đường là vua một nước, há có thể sợ một đám giặc cướp? Lòng dân bất ổn thì mặt mũi triều đình càng bị tổn hại, cho nên trẫm càng phải xuất kinh!
Rồi hắn hớn hở nói tiếp:
- Đợi trẫm từ biên ải nở mày nở mặt trở về kinh sư, lòng dân sẽ yên ổn ngay. Nếu như ngay cả lãnh thổ của chính mình mà trẫm còn không dám bước chân đến thì mới thực sự là mất hết mặt mũi đó. Bọn chúng có thể bắt cóc ái khanh giữa dăm ba thị vệ là có thể khiến trẫm bị thương giữa trăm nghìn giáp sĩ ư? Nếu như có bản lĩnh đó, bọn chúng cũng có thể xông vào cung bắt cóc trẫm vậy. Thế thì trẫm cũng nên chắp tay dâng cái giang sơn này cho rồi, trốn trong Tử Cấm Thành còn an toàn sao?
Dương Lăng cười khổ sở đáp:
- Muốn Hoàng thượng xuất kinh, tự dấn thân nơi biên ải, thị sát dân tình, kết giao với nước chư hầu, làm một thánh quân lưu danh thiên cổ, vốn là tâm nguyện của thần. Nhưng mà Hoàng thượng lại can hệ đến cả thiên hạ, thần thực sự chưa nguôi hết nỗi lo.
Chính Đức cười hí hửng:
- Chưa nguôi hết nỗi lo thì sẽ từ từ mà nguôi, kinh thành này trẫm vẫn sẽ phải rời khỏi. Trẫm dẫn theo ba trăm thị vệ đại nội, cộng thêm mấy nghìn quân thiết giáp của khanh, thực muốn xem thử còn ai có thể đả thương được trẫm.
Nói đoạn hắn sực nhớ ra một chuyện, bèn hớn hở kể:
- Đúng rồi! Dương khanh quả nhiên có nhãn quan độc đáo. Mấy ngày trước có đám ngôn quan dâng sớ chỉ trích Dương Nhất Thanh và Vương Thủ Nhân uổng công ôm mười vạn quân nhưng lại đóng thành không ra, mặc cho giặc Thát hung hăng càn quấy ngoài thành. Ái khanh lại nói bọn họ làm vậy ắt có mưu đồ, cho nên trẫm nghe xong mới không hạ chỉ giục bọn họ xuất binh, chỉ chuyển tấu chương hặc tội đến cho Dương Nhất Thanh, bảo gã dâng sớ biện bác.
Hôm qua tấu chương của Dương Nhất Thanh đã được đưa vào trong kinh, bọn họ quả nhiên có mưu kế khác. Ha ha, hai người này khẩu vị không nhỏ đâu à! - Chính Đức vừa nói vừa lục lọi trên chiếc bàn chân thấp trên giường một hồi, không tìm thấy bản tấu chương bèn kể tiếp - Xưa nay giặc Thát xuất binh, luôn lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, không mang theo cấp dưỡng, và thực sự là bọn chúng cũng không có cấp dưỡng để mang theo. Cho nên khi đánh luôn phải nhanh như mưa sa gió táp, phải một kích tất trúng. Mục đích không đạt được liền chuyển sang công kích nơi khác, không thể dừng lại ở một nơi quá lâu.
Lúc đầu bọn chúng công thành chiếm đất, cướp được một số lượng lớn tiền bạc và lương thực. Dương Nhất Thanh lại không cho bọn chúng có cơ hội rút lui, cứ kẹp chặt lấy bọn chúng, níu chân bọn chúng ở vùng lân cận Đại Đồng. Hơn bảy vạn đại quân giặc Thát, phải nuôi cả ngựa lẫn người, nay những thức bọn chúng cướp được đều đã hết sạch.
Năm nay bọn chúng xuất binh cướp bóc, chẳng những không thể lấy được gì về cấp dưỡng cho bộ tộc mình mà lúc xuất binh còn dùng hết lương thực dự trữ, sau khi trở về e rằng sẽ phải giết bò ngựa mới có thể qua khỏi mùa đông, ắt sẽ đại thương nguyên khí. Tên Dương Nhất Thanh này đánh giặc không chỉ lo nghĩ trước mắt, mà tầm mắt lại còn trông xa đến vậy, quả nhiên là một tướng tài.
Hai ngày trước Vương Thủ Nhân đóng quân giữ ải, sau một ngày khổ chiến đã quăng mũ cởi giáp, vờ đại bại mà chuồn, bỏ lại lương thảo cho giặc Thát. Những tên lính đói đó vội vã chôn nồi nấu cơm. Ăn xong bữa đó, lính trúng độc mà chết đã có hơn năm nghìn, ngay cả chiến mã ăn phải cỏ độc cũng chết quá nửa, đó đều là tinh nhuệ của Bá Nhan đó à. Ha ha, không phí một binh một tốt mà có thể khuất nhục được địch quân, đánh trận như vậy trẫm mới thích!
Chậc! Có điều không biết Bá Nhan Mãnh Khả nghe báo xong có thổ huyết không nữa, chốc nữa hãy kêu người của khanh thám thính thử xem sao.
Chính Đức mỉm cười vỗ vai Dương Lăng, hết sức hài lòng.
Dương Lăng nghe xong cũng vui sướng vô cùng, bèn tâu:
- Công lớn như vậy, Hoàng thượng nên thưởng lớn mới được. Trên chiến trường, làm tướng dụng binh thực không dễ, có Hoàng thượng ban thưởng, nhuệ khí sẽ được nâng cao, một lính có thể chọi hai quân đấy.
- A! Chính Đức vỗ vỗ trán, - Vốn trẫm cũng định ban thưởng, nhưng Lưu Cẩn nói mới chỉ là tin thắng trận mở màn, nếu như thưởng to, e rằng binh tướng sẽ sinh ra kiêu ngạo, cho nên trẫm đã gác lại. Việc này... hiện tại ban thưởng có sao không?
Dương Lăng nghe hắn nói vậy thì ngẩn người. Y đã lường trước Lưu Cẩn nhất định cực kỳ bất mãn với hai người Dương Nhất Thanh, tuy kết quả dụng binh của hai người này có liên quan trực tiếp đến niềm vui nỗi buồn của lão cho nên lão phải dốc sức làm tốt công việc hậu cần, song lão sẽ không mong thấy hai người bọn họ được khen thưởng.
Dương Lăng không trả lời ngay, mà lại cười, nhớm hỏi:
- Có công thì thưởng, có tội thì phạt, lúc nào ban ơn, khi nào nghiêm luật, Hoàng thượng nhất định đã có dự tính sẵn trong lòng. Nếu như Hoàng thượng là tướng lĩnh dẫn binh, sẽ hy vọng thế nào?
Chính Đức không hề nghĩ ngợi gì, hùng hồn đáp ngay:
- Trẫm ư? Trẫm đã lập được đại công thì đương nhiên muốn được thưởng, muốn thăng quan, muốn tiến chức, muốn cưỡi ngựa diễu hành, được nở mày nở mặt mà, bằng không ai còn bán mạng cho khanh chứ? Trẫm hài lòng thì lính của trẫm cũng không... ồ...
Hắn chợt ngậm miệng, liếc xéo Dương Lăng, cười tủm tỉm, đấm ngực y một cách thân thiết, rồi cười lớn bảo:
- Nói chuyện vòng vo! Dương thị độc cũng gạt cả trẫm vào tròng rồi.
Chính Đức suy nghĩ một hồi rồi nói:
- Vậy tức là thưởng. Tết rồi, tướng sĩ ở tiền phương phục tùng mệnh lệnh, không vì chuyện này thì vẫn phải thưởng. Chốc nữa trẫm sẽ bảo Lý Đông Dương và Tiêu Phương thu xếp là được. Đúng rồi, tấu chương liên danh của Dương Nhất Thanh và Vương Thủ Nhân còn đề cập đến việc khi giặc Thát đại thương nguyên khí, bọn chúng lấy du mục làm chủ, không quen trồng trọt, mùa đông năm nay dê bò tiêu hao quá nhiều, e rằng sang xuân cũng sẽ thay đổi thói quen trước kia, sẽ không ngừng tập kích biên giới. Bọn họ kiến nghị với trẫm là vẫn cho phép đóng trọng binh ở biên tái. Nếu như Thát Đát tập kích biên giới mà không được gì, chắc hẳn bọn chúng sẽ quay sang Đoá Nhan Tam Vệ gây áp lực đòi lấy tài vật, cho nên đề nghị trẫm ban ơn lôi kéo Đoá Nhan Tam Vệ, không ngờ lại khéo hợp với đề nghị của khanh.
Dương Lăng đăm chiêu đáp:
- Ừm! Bọn họ ở tiền phương, đương nhiên sẽ thấy được rõ, nghĩ được xa, năm sau Thát Đát tập kích biên giới, chính hợp với ý thần. Đúng lúc Hoàng thượng đổi chỗ Kinh doanh và biên quân để bọn họ luân phiên ra chiến trường rèn luyện một phen, nhân dịp này mượn tay Thát Đát huấn luyện quân Đại Minh của chúng ta.
Về phần Đoá Nhan Tam Vệ, chuyện này vốn đã được dự tính trước, đây cũng là một cơ hội tốt để bức bọn chúng quy thuận triều đình. Có điều bọn chúng chỉ biết theo đuổi cái lợi, không giữ vững lập trường, đục nước béo cò, trước đây khi còn giao hảo vẫn thỉnh thoảng tập kích cướp bóc biên cảnh, chưa hề thực sự ngoan ngoãn quy thuận. Kết minh chẳng qua chỉ là cái kế tạm thời, mảnh đất rộng lớn Liêu Đông sớm muộn gì sẽ phải nằm trong tay triều đình mới được, cho nên không thể vì vậy mà áp chế bọn chúng.
Muốn nhận trước hết phải cho. Bọn chúng có ngựa, chúng ta có lương thực, dầu, muối, vải vóc, tơ lụa, lợi ích chẳng những không thua kém, mà còn có thể cho bọn chúng nhiều hơn, tăng thêm tỉ suất trao đổi chiến mã và lương thực dầu mỡ, khiến chúng càng lúc càng giàu, càng sẽ không để ý đến Thát Đát nữa. Thát Đát cũng sẽ càng lúc càng đỏ mắt vì ghen tị, khi đó sẽ chính là cơ hội của triều đình.
Dường như Chính Đức bẩm sinh rất hứng thú với những thủ đoạn lừa bịp của phường cường đạo, không hề có chút giác ngộ nào của bậc đế vương thiên triều, nghe xong kế sách "hèn hạ thâm độc" của Dương Lăng thì hắn không khỏi gật đầu lia lịa, luôn mồm khen phải.
Đã sát cuối năm, chuyện vì một đại đạo mà binh giáp khắp thành đã tổn hại đến năng lực và uy tín trong việc khống chế thiên hạ của triều đình, nếu không phải việc cực chẳng đã, thực sự triều đình chẳng cần phải căng thẳng như vậy. Hồng Nương Tử đã thoát khỏi kinh sư, Lý Đông Dương liền xin Chính Đức thánh chỉ rút quan binh Kinh doanh về, kinh sư dường như đã khôi phục lại cục diện yên tĩnh phồn vinh trước đây.
Bộ Hình lập tức công khai phát công văn đến các phủ và các đạo, ra lệnh truy bắt đại đạo Dương Hổ và Hồng Nương Tử.
Mùa đông mà dụng binh với sơn tặc là việc lợi bất cập hại, thế nhưng hành động của vợ chồng Dương Hổ đã làm mất thể diện của triều đình. Dưới tình hình đó Lưu Đại Hạ cũng không dám làm trái thánh chỉ, lão đành phải âm thầm căn dặn tướng lĩnh dẫn binh vừa đấm vừa xoa, vây bắt thay vì tấn công, không được tùy tiện xông vào núi một cách ồ ạt.
Trên thi thể được phát hiện phía sau đạo quán trong con hẻm đổ nát phía thành bắc, quan viên khảo sát hiện trường của bộ Hình đã phát hiện tín vật của Di Lặc giáo, chứng thực nhận định của Dương Lăng. Vốn hai xưởng một vệ tưởng rằng Di Lặc giáo đã tan thành mây khói, lúc này mới biết bọn họ đã quật khởi, không khỏi bèn tăng cường việc lùng bắt.
Đã sắp đến Tết. Trước Tết ba ngày ấy là lúc triều đình được 'nghỉ phép'(3), vua không phải xử lí chính sự, một ít quan viên vùng khác cũng xin nghỉ trở về quê ăn Tết. Ngày này khắp chốn ăn mừng, ngay cả kinh sư cũng cho phép ăn xin kiếm cơm trong thành; lệnh giới nghiêm ban đêm được dỡ bỏ, đám quan sai của Ngũ thành binh mã ty cũng bớt hống hách, không tùy tiện vụt roi người đi đường phạm lỗi nữa.
Trận tuyết lớn hai ngày trước đã làm đổ nhà một số hộ dân ở thành bắc và thành tây. Bộ Hộ phái dịch phu tu sửa hoặc tài trợ ít tiền tài. Đây là thông lệ của triều đình, quan phủ các nơi cũng đều như vậy, không ai dám làm trái.
Những người phụ nữ mà ngày thường không bước chân ra khỏi nhà nay cũng có thể ra ngoài dạo chơi, đi chùa thắp hương, ra chợ mua ít son phấn, bột nước, tranh Tết cầu may lẫn những thứ mà bọn họ ưa thích.
Trở về đến phủ, Dương Lăng vẫn không dám để lộ chuyện bị bắt cóc. Thấy đám phụ nữ trong nhà hớn hở muốn ra ngoài dạo phố, y không nỡ cắt sự hào hứng của bọn họ trong ngày Tết nên đành âm thầm phái người Nội xưởng đi theo làm tùy tùng kiêm bảo vệ. Lần này y không dám lơ là, bốn mươi viên phiên tử vận thường phục được chọn đi theo ba vị phu nhân cùng với Cao Văn Tâm và Thành Khởi Vận đều là những kẻ biết công phu giang hồ, trong người đều nhét nỏ mạnh và hỏa súng ngắn.
Quan viên ở lại trong kinh đều phải tham gia đại lễ tại triều đình, ngoài ra, là người đứng đầu một nhà, bọn họ còn phải chủ trì thu xếp đón ngày Tết cho toàn gia đình, nên ai nấy bận rộn không thôi. Dương Lăng càng bận bịu hơn, bận đến nỗi thậm chí không có thời gian dạo phố cùng ba vị phu nhân. Cả ngày y bôn ba giữa ba xưởng, một vệ và mười hai đoàn doanh, chỉnh đốn quân ngũ, kiểm tra gia thế để tinh lọc, tuyển trạch tinh nhuệ, dùng Nội xưởng làm chủ lực nhằm tuyển chọn tinh binh theo tùy tùng Hoàng đế đến phương bắc. Đương nhiên những việc này đều được tiến hành một cách bí mật, rất ít người biết được mục đích thật sự của y.
Dương Lăng thân vận giáp mềm, khi ra vào thành cũng được bảo vệ canh gác, chận đường nghiêm ngặt. Vốn xuất thân danh môn nên Ngũ Hán Siêu vẫn coi thường việc sử dụng ám khí, song từ dạo ăn phải trái đắng, lúc này ngoài thanh lợi kiếm tùy thân hắn còn kè kè thêm hai bọc phi tiêu Kim Tiền, theo Dương Lăng như hình với bóng, một tấc không rời. Chung quanh y còn có mười hai viên phiên tử bảo hộ công khai và ngần ấy người âm thầm bảo vệ, có thể nói là gió mưa không lọt.
Thị vệ cận thân của Hoàng đế đã có cao thủ đại nội, còn những tinh binh do Dương Lăng tuyển chọn đều là những tráng sĩ trăm người chọn một, kiêu dũng hơn người. Đội ngũ gồm năm nghìn người tinh nhuệ như thế này đủ khiến bất kỳ một đội quân nào cũng phải ghen tị.
Năm trăm nữ kiếm sĩ hộ vệ tùy thân, hai nghìn nội giám quân túc trực luân phiên, cộng thêm dũng sĩ và quan quân hộ giá, thị vệ đại nội, lại còn có một số sư thái là đệ tử thân truyền của sư thái Thủy Vân của am Thủy Vân, đạo sĩ phái Long Hổ Sơn do Bỉnh Nhất chân nhân Đào Trọng Văn tiến cử, một số đạo sĩ của Toàn Chân Long Môn phái, đạo sĩ tu chân ở các miếu Võ Đang được hoàng gia sắc kiến(4), võ tăng ở các chùa chiền Thiếu Lâm được hoàng gia sắc kiến, cao tăng Ngũ Đài Sơn ở Sơn Tây; một đám người đang sẵn sàng đứng trước xa giá chờ nghe hiệu lệnh, thật là quyền thế ngút trời.
Tuyển chọn quân dũng sĩ tinh nhuệ xong, vẫn cần bọn họ làm quen với nhau, phối hợp ăn ý. Dương Lăng thu xếp cho năm nghìn tinh binh này ở trong Thần Cơ doanh, mời Ngũ quân đô đốc phủ và đại nội luân phiên phái người huấn luyện cho bọn họ phép đánh trận và phối hợp chiến đấu. Hôm nay y mới vừa từ trong Thầnh Cơ doanh chạy về, còn phải trở lên Nội xưởng xem thử hành trình xuất kinh cụ thể mà đám người Ngô Kiệt đã chuẩn bị cho Hoàng đế.
Ngựa chạy đến cổng thành, trong dòng người đông nghìn nghịt Dương Lăng chợt nhìn thấy mấy bóng hình quen thuộc. Y chăm chú nhìn, thấy là các cô Hàn Ấu Nương, Tô Tam và Tuyết Lý Mai đang kiễng chân sờ cái ụ đồng trên bề mặt cổng thành, đứng sau lưng là hai người Cao Văn Tâm và Thành Khởi Vận. Nghiêng đầu mỉm cười, hai má ửng hồng, các cô gái ấy xinh đẹp muôn phần, dân chúng đi qua đều trao cho bọn họ những nụ cười đầy thiện cảm.
Quan binh chặn gác cổng thành vẫn còn rất đông, cộng thêm hiện đang là lúc Bá Châu quét cướp, Đại Đồng chống giặc, thế nên thường có quan binh cưỡi ngựa lui tới báo tin. Cách cổng thành không xa là hai đội múa lân múa rồng trống chiên inh ỏi. Đám người Dương Lăng đi từ ngoài thành vào, vẫn chưa thu hút sự chú ý của các cô, có điều Liễu Bưu đứng cạnh mấy vị phu nhân luôn để ý đến động tĩnh chung quanh đã trông thấy y tới. Hắn vội ghé tai nói nhỏ với một người cải trang làm bá tánh thường dân mấy câu, sau đó vòng qua bọn họ tiến về phía y.
Dương Lăng ngồi trên ngựa khom người xuống hỏi:
- Các vị phu nhân đang làm gì vậy?
Liễu Bưu không nhịn được cười đáp:
- Đại nhân! Thuộc hạ đi theo phu nhân vào miếu dâng hương rôi đi dạo phố chợ, thuộc hạ có nhắc đến chuyện mười sáu tháng giêng nữ giới nên leo lên đầu thành, lên tường thành xua tan bệnh tật, chị em bạn dâu qua cầu nhỏ để vượt tai ương, rờ ụ đồng thì sẽ sinh con, còn là con trai nữa. Khụ khụ... mấy vị phu nhân liền đến... liền đến rờ ụ đồng. Thuộc hạ có nói rằng mười sáu tháng giêng mới linh, song Tuyết phu nhân lại nói... đã sẵn dịp ra ngoài, rờ thêm một lần cũng tốt vậy.
Dương Lăng nghe xong thì lắc đầu cười khổ. Y thấy mấy vị phu nhân đang cao hứng như vậy mà lúc này mới là chính ngọ, nếu mình đi ngang qua, bọn họ trông thấy nhất định sẽ theo mình trở về. Hiếm khi bọn họ có dịp ra ngoài như thế nên Dương Lăng không muốn làm bọn họ mất hứng. Y đang do dự không biết có nên tránh đi hay không, bỗng nhiên một hàng người ngựa dừng lại bên cạnh. Một người đàn ông vạm vỡ tuổi trạc tứ tuần, vận áo bào ống rộng, ngồi thẳng trên lưng ngựa, ghìm cương cười hỏi:
- Đằng trước có phải là Dương đại nhân không?
Dương Lăng ngẩng đầu, thấy người đó ria mép đen như mực, áo gấm đai ngọc, thẳng lưng trên ngựa, khí khái hào hùng, hai bên có mấy gia tướng đi theo; cưỡi ngựa bên cạnh là một vị tuổi trạc ngũ tuần, toàn thân vận nho phục cổ tròn, dáng cười toe toét.
Dương Lăng suy nghĩ một lúc mới nhớ ra người này là con trai của Vũ Định hầu Quách Lương, tên là Quách Huân. Tuy vẫn chưa kế thừa tước vị, song vì thân phụ tuổi đã cao, không tiện đi lại, mọi việc đối đáp xã giao đều giao cho ông ta ra mặt, cho nên ông nghiễm nhiên mang thân phận huân khanh. Nhà họ Quách và hoàng thất đã kết thân ba đời, hiện Quách Huân là Chánh đề đốc của Tam Thiên doanh, hai ngày trước Dương Lăng đã từng gặp qua.
Dương Lăng rẽ ngựa sang, chắp tay chào:
- Hóa ra là Quách tướng quân, thất lễ thất lễ! Tướng quân đang muốn ra ngoài thành ư?
Quách Huân cười đáp:
- Hôm nay ba mươi tháng chạp, là ngày phong ấn, nha môn không phải mở cửa làm việc. Vị bạn tốt này của bản tướng lại phải vội vã rời kinh đi nhậm chức, vì vậy ta tiễn y ra ngoài thành.
Dương Lăng thấy Quách Huân trỏ vào người đàn ông tuổi ngũ tuần trông nho nhã và thân thiện bên cạnh, nghe nói ông ta đi nhậm chức quan, lại là bạn thân của Quách Huân nên hẳn không phải là một chức quan nhỏ, bèn vội chắp tay chào:
- Hân hạnh hân hạnh! Vị đại nhân này thực lạ mặt, đã sắp đến Tết rồi, sao không ở lại kinh ăn Tết rồi hẵng đi nhậm chức vậy?
Quách Huân cười nói:
- Không phải đâu! Đại nhân tưởng vị hảo hữu hào hoa phong nhã này của bản tướng là quan văn ư? Vị này họ Trương tên Dần. Chỉ huy sứ Thái Nguyên vệ gặp cơn bạo bệnh mới qua đời, vị hảo hữu này của bản tướng nhận lệnh kế nhiệm vận chuyển vũ khí trang bị và lương thảo từ các nơi đến Đại Đồng. Y đã đến Thái Nguyên nhiều lần, trọng trách nặng vai, cho nên không thể không đi ngay.
Chú thích:
(1) trỏ quan lại truy nã tội phạm
(2) loại đao lưỡi hẹp của Cẩm Y Vệ, xem hình trang phục Cẩm Y Vệ ()
(3) nguyên văn "hưu mộc"', nghĩa là “nghỉ để tắm gội”. Lệ xưa làm quan cứ mười ngày được nghỉ một lần để tắm gội, cho nên sau này ngày lễ nghỉ được gọi là ‘hưu mộc nhật’
(4) "sắc" nghĩa chiếu thư của vua; "kiến" nghĩa xây dựng, trỏ công trình dựng nên theo chiếu mệnh vua ban
Ngược Về Thời Minh Ngược Về Thời Minh - Nguyệt Quan