Books support us in our solitude and keep us from being a burden to ourselves.

Jeremy Collier

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 157: Thăm Mộ Em Trai
ôi hiểu sự việc này giải quyết phải có “điểm ” và có “thời “, điểm “nút” lại chính ở nơi tôi. Tôi đang ở cái thế “trên đe, dưới búa” cả ngày lẫn đêm, vậy hãy “nuốt sâu” vùi lấp nó lại.
Trước mắt hãy đến mộ thăm em tôi một lần, không phải là không có nguy hiểm, nếu tôi không dự trù ứng đối chuẩn bị trước. Tôi chỉ có ngày thứ Bẩy và Chủ Nhật cuối tuần. Tôi viết tờ giấy báo cáo cho phường và CA khu vực: Thăm các cháu, thăm mộ người em, thăm bà chị con ông bác ruột v.v... Đi sáng thứ Bẩy, Chủ Nhật trở về.
Ông Trung úy Mậu ngoài phường chấp nhận, nhưng CA khu vực lại không đồng ý, vì thứ Bẩy đó tôi phải đi hót rác, dọn dẹp chung quanh khu vực chợ Nam Hòa. Cách một thứ Bẩy, phải đi lao động buổi sáng, do Mỹ Lệ đứng điều hành.
Tôi đã đề nghị, sẽ đi lao động vào thứ Bẩy tới, nét mặt cô “Ả”, cứ câng câng, lắc đầu không đồng ý! Nhìn quả “cà ghém luộc”, lòng tôi hơi tiêng tiếc cái hôm ” ả ” mò lên căn gác vắng, của tôi! Tôi cứ đi, đâu có ” ngán ” gì, khi tôi đã có phường chấp thuận.
Xe đò đi Long Xuyên, Hồng Ngự chật như nêm cối. Đất nước tôi từ Bắc chí Nam đều khốn khổ như nhau. Từ xưa, trên sách báo tôi đã nghe, đã đọc về vựa lúa của đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, cái đồng bằng đó, đang ở ngay trước mặt tôi. Nó rộng và bằng phẳng đến nỗi đứng ở bên đường, tôi có thể nhìn thấy trái đất tròn.
Tôi hơi ngạc nhiên, nhìn trải dài ra cánh đồng ruộng lúa chín vàng, những làn sóng từng hàng lần lượt đuổi nhau nhấp nhô như sóng biển ngoài khơi, chỉ có khác là mầu xanh (của nước) và mầu vàng (của lúa). Trên chiếc xe chật, mùi “mồ hôi ” lẫn vào mùi lúa chín, thành một cái mùi riêng biệt của Đồng Tháp. Để rồi sau này ở xứ Cờ Hoa, tôi ngửi thoáng thấy mùi giò lụa, tôi lại nhớ đến Đồng Tháp Mười ngày ấy.
Cả một cái vung khổng lồ mầu xanh lam của bầu trời, úp chụp lấy mầu vàng óng của lúa chín. Xa xa dưới chân, riềm là một vạch ngang, mầu xám xám của nhà cửa, cây cối. Ngoài miền Bắc, tôi chưa hề nhìn thấy cảnh này, cái vựa lúa vĩ đại của quê hương yêu dấu đã quấn, hằn vào tâm tường. Thật là lạ kỳ! Sau này, khi tôi được may mắn chiêm ngưỡng bức tranh “Đất, Trời” của Van Gogh, trong bảo tàng viện thành Trier, dịp tôi đến thăm nhà lưu niệm của Karl Marx, bên Tây Đức 1992, hồn tôi lại trở về vựa lúa vĩ đại của dân tộc.
Xe chỉ đến Long Xuyên, từ Long Xuyên về Hồng Ngự phải đi bằng xe lôi, trên con đường huyện lồi lõm do phục vụ cuộc chiến lâu dài, đào xới, phá đường, chôn mìn v.v... Để rồi nắng mưa đã góp phần, làm cho con đường giờ đây như một cánh tay gầy, đầy ghẻ lở, hắc lào. Chiếc xe lôi nhún nhẩy lắc lư như lên đồng. Nét mặt bác tài xế hằn những vết nhăn trên trán, và quấn quanh miệng, môi bác mím lại, mỗi khi chiếc xe giằn xuống một ổ gà, như nói lên sự an phận, chịu đựng thân phận một người công dân của một chế độ “vì dân và do dân”.
Ngôi nhà sàn thương yêu của em tôi, một nửa ghé ra mặt đường, một nửa nằm gác lên con sông Hồng Ngự đầy mầu mỡ phù sa. Con sông thật là rộng, nhìn sang phía bên kia bờ lau sậy, xa hàng hai ba trăm mét, thỉnh thoảng có những chiếc tàu nhỏ, hay ca- nô xì khói chạy ngược dòng vào phía trong hay ra phía ngoài. Nhìn thím Lý chừng 35-40 tuổi nhẫn nhục, ngồi võng đút cơm cho đứa con gái chừng bốn năm tuổi, nhìn ba bốn đứa con trai trần truồng đang nô đùa trên mặt sàn, nhìn căn nhà nửa gỗ, nửa tre, lợp tôn nó đã ôm ấp người em trai độc nhất của tôi bao nhiêu tháng ngày. Bây giờ nó vẫn trân quý nâng niu, những giọt máu còn để lại cho đời của đứa em. Tiếng nhóp nhép của sóng nước phía dưới sàn vẳng lên, tiếng ò e cọt kẹt của những rui mè trên mái như tiếng nỉ non thầm thì, của người em bạc mệnh:
- Anh ơi! Hãy thương đàn con của em!
Tôi quay ngoắt lại gọi tất cả các cháu lại cho tôi ôm từng đứa, và hỏi từng tên:
Hoài Khanh 16 tuổi, đã về Sài Gòn thăm ông bà nội và đón tôi, Chí Trung 12 tuổi, Chí Tuấn 1 tuổi, Chí Dũng 10 tuổi, Chí Bảo 8 tuổi, và cháu Hồng Trang 5 tuổi.
Như thế gồm 6 đứa, năm trai và một gái. Trừ thằng Khanh con cả, bốn đứa con trai sau đều lấy đệm là “Chí “. Kết hợp với tấm hình của tôi 1959 thấy trong cuốn album của chú Lý. Tấm hình tôi mặc sơ- mi trắng ngấn tay, chụp ở giai đoạn trong trại học sinh di cư Pavie Lamothe Phú Thọ. Lật phía sau tấm hình nét chữ riêng biệt của em Lý còn ghi: “Đặng Chí Bình. Người anh đáng kính của mình!”.Tôi không thể hiểu lời ghi chú trên của em tôi trong tình huống nào, vào giai đoạn nào. Vì ý nghĩa ấy, tôi đã lấy và in tấm hình đó ở tập I Thép Đen.
Từ tấm hình của tôi, đến lấy đệm “Chí ” của tôi đặt cho các con của chú, đã như một dấu ấn trong lòng tôi. Trừ thằng Khanh, bác cháu đã có nhiều chuyện ở trên đường, tôi lục túi cho mỗi đứa một đồng, mua kẹo, bánh theo ý của mỗi đứa. Tôi cũng nói rõ với các cháu, tôi đi làm ba tháng nay không có gạo và cũng không tiền, tôi cũng xin lỗi các cháu, tôi xin lỗi cả thím Lý, đời các cháu lầm than nheo nhóc có phần của tôi góp vào.
Thím Lý nói một câu vẫn còn buộc túm trong lòng tôi:
- Nếu anh Lý biết anh còn sống trong tù ngoài Bắc, thì anh Lý đã ra Bắc rồi! Nếu anh Lý ra Bắc 1976 thì anh ấy lại không…” nói đến đây thím Lý nấc lên, không nói ra lời nữa. Lại chữ “nếu cái chữ mà một văn hào người Pháp đã dùng nó một cách điển hình nhất: Chữ “nếu”có thể đút cả thành phố Paris vào một cái chai nhỏ (Avec un “si”, on mettrait Paris en bouteille).
Lúc đó đã ba giờ chiều, trời tối sầm lại rồi chuyển gió lộng, con sông Hồng Ngự cũng bị đất trời làm nó ngứa ngáy dộp hết cả người. Người nó như khúc mình con rồng giương hết cả vẩy lên. Do hoàn cảnh và điều kiện, thằng Khanh sáng mai phải lên thị trấn Hồng Ngự, nó đang làm thuê cho một ông chủ “đít mới đỏ” do nhuộm sau 30-4-1975, nó đã xin nghỉ một tuần về Sài Gòn. Tôi, sáng mai cũng phải về lại Sài Gòn trình diện với CA khu vực Hôm nay đã “cương ẩu” với cô nàng mặt “quả cà ghém luộc” rồi. Vậy, dù cho có mưa gió bão bùng, bằng mọi giá, hôm nay phải ra đồng gặp người em của tôi. Tôi, thằng Khanh, Trung, ba bác cháu chạy đến một cửa hàng bách hóa mua nhang và nến. Trên đường, qua các cháu, tôi được biết tên “sát thủ” ở một xóm phía bên kia cũng, có một vợ và hai con. Tôi đã quan sát, qua những tình huống sinh hoạt, của dân trong vùng.
Tôi đã đưa giấy chấp nhận của Phường 6 cho tôi lên Hồng Ngự cho công an địa phương để ngủ lại đêm nay. Chính tôi luôn có một con mắt “cảnh giác”, dù rằng tôi không có một chủ trương gì cả, nhưng chữ “ngờ” thì đã ai học được?
Trời có thể mưa to, hơn nữa thím Lý ở nhà với cháu Hồng Trang, nấu cơm. Tôi và tất cả năm đứa cháu trai lách lau sậy tiến về một nghĩa địa cách nhà gần hai cây số, cỏ dại mọc um tùm che khuất cả ngôi mộ. Tất cả sáu bác cháu cùng dọn sạch. Một con dao quắm tôi vùng vẫy, một ý nghĩ chợt đến tên “du kích” thật hèn! Hạ thủ một người đang ngủ, y sống kiếp của con rùa, con thỏ lén lút không những sợ ngay cái bóng của mình mà còn sợ cả ánh sáng. Là rùa, là thỏ mà có thời vẫn áo mũ nghênh ngang, xe mã; ngược lại tướng mà hết thời, thì cũng chỉ mòn mỏi chết dần.
Mùi cỏ dại bị phát, bị nhổ hăng lên trong gió, nó nồng nồng, hăng hăng, cái mùi chất phác, mộc mạc của máu xương tiền nhân quyện vào trong đất.
Một làn chớp nháng lên xanh lè cả nghĩa địa, rồi những tiếng ùng ục… ùng ục phía chân trời. Những đám mây đen vần vũ trên bầu trời sũng những nước, mấy đứa nhỏ lấm lét nhìn lên trời sợ mưa ở giữa cánh đồng, tôi muốn nói với thằng Khanh, Trung, Tuấn mấy đứa lớn:
- Các cháu hãy thắp nhang, đốt nến rồi bác cháu ta sẽ đọc một số kinh, cầu cho linh hồn bố các cháu? Bác cũng chẳng thuộc kinh nhiều, chúng ta hãy cầu nguyện giản đơn, điều quan trọng là phải có lòng thành.
Bất chợt một tiếng nổ như xé màng tang, ngay ở trên đầu, cả năm đứa đều ôm chầm lấy tôi. Các cháu nhỏ, như muốn tìm sự bảo vệ, chở che của một ông bác.
Nhìn ngôi mộ đất thấp lè tè của em Lý, tay tôi ôm và vỗ nhẹ các cháu, tôi như muốn nói: Bác của các cháu đã tài hèn sức mọn, lại không có thời, cũng đành tàn lụi dần theo vận nước, bác xin các cháu tha lỗi cho bác! Nhưng không thể thết ra thành lời.
Để xóa đi những nỗi niềm đầy vơi yếm thế trong lòng, tôi nhìn lên mây trời xám đen đang quay lộn, nói với các cháu:
- Bác hỏi cả năm cháu! Nếu bác cháu mình đang đọc kinh cho bố các cháu, trời có mưa to, gió lớn, bác cháu mình vẫn cương quyết đọc cho xong buổi kinh, các cháu có dám không?
- Chúng cháu “dám”! Không sợ trời mưa!
Mưa bắt đầu rơi, rồi như tháo cống, nước đổ xuống ầm ầm xối xả các cháu đã được khích lệ trang bị ý chí chịu đựng. Mưa rơi, mặc mưa rơi, bác cháu chúng tôi vẫn đọc kinh đều đều, mưa tầm tã rắc đổ lên đầu chúng tôi. Từng dòng nước chảy luồn vào cơ thể, thỉnh thoảng một đứa đưa tay lên vuốt mắt. Không biết chúng vuốt nước mưa hay nước mắt, khóc thương cho người bố hẩm hiu, nằm dưới mộ một mình đơn độc, cô liêu?.
Tiếng réo rột roạt của nước mưa chảy chung quanh, lẫn với tiếng mưa gió như giọng nói em Lý ngày nào:
- Anh ơi? Hãy cưu mang các con của em!
Bụng của tôi sôi lên ọ… ẹ như muốn nói: Nút đầu tiên phải cởi là anh ra được nước ngoài, em hãy hỗ trợ anh! Một tiếng sấm gào lên ở chân trời phía đông như lời khẳng định của em Lý:
- Lúc nào em cũng ở bên anh!
Trên đường bác cháu trở về, óc tôi vẫn vấn vít cảnh ngoài mộ chú Lý vừa qua, dù chỉ là những dòng hình dung, tướng tượng trong tâm tưởng nhưng có một sức thúc đẩy mãnh liệt trong lòng tôi, để thể hiện ra trong cuộc sống.
Sáu bác cháu về đến nhà, mưa vẫn còn rơi nhì nhẹt.Nhìn dòng Hồng Ngự cuộn đỏ phù sa, tôi rủ cả năm cháu nhào xuống vẫy vùng. Cháu Dũng và Bảo nhỏ nhất, cũng bơi lội ra trò. Hầu như những đứa nhỏ được sinh ra bên bờ sông nước, đều chẳng lạ gì lội với bơi. Từ dưới dòng nước, qua màn mưa thưa, trời lại sáng dần, tôi nhìn lên nhà em Lý, rõ ràng có hai người phụ nữ.
Một người chắc là thím Lý, còn người nữa là ai? Khi bác cháu vừa lên đến cửa thì “người ấy “đã chạy ra, cầm cả hai tay tôi, nói trong nước mắt đoanh tròng:
- Cậu Bình! Chị tường cậu đã chết rồi!
Tôi nghẹn ngào ôm chầm lấy chị, không nói ra lời, chị là chị Công, con của bác Hạnh là anh ruột của thầy tôi. Bác của tôi có ba người con, chị Công là cả, chí cùng tuổi với tôi. Thời 1945 chị xuống phố ở với bố mẹ tôi. Tháng ba Ất Dậu 1945, nạn đói khốc liệt của quê hương đã làm chết hơn hai triệu người, cả gia đình bác Hạnh ở trên quê đã góp phần bốn người, chị Công ở dưới phố với bố mẹ tôi nên còn sống và chúng tôi đã gặp nhau hôm nay.
Tôi nhớ trước khi tôi ra Bắc chị đã có chồng, chị không có con, nhưng không rõ người chồng của chị ngày ấy là anh Ký bây giờ ra sao, tôi cũng lơ mơ không hỏi được để biết. Chỉ vì giai đoạn từ trại tù về miền Nam này tôi bị Công An Thành, CA Quận, CA Phường, CA khu phố và phòng Quản lý những người học tập cải tạo được tha về, ràng bố, ép đè vây hãm mê tơi. Không gạo, không tiền mà vẫn phải đi làm hàng ngày.
Một điều khi còn trong tù tôi thường thấp thỏm, nếu được về Nam, cần biết rõ: Sau khi tôi ra Bắc bị mất tích, bố mẹ tôi có được đền bù phần nào, do chính phủ VNCH hay không? Cho tới lúc tôi đang ngồi viết những dòng này, tôi cũng không hề có một manh mối nào giải đáp rõ ràng cho câu hỏi trên của tôi. Tôi muốn biết để cho niềm ẩn ức ở trong lòng đậy lại, hay xóa đi, chứ chuyện đó đã “over” rồi.
Chị Công, vùng này hiện nay Huyện Tam Nông Đồng Tháp gọi chị là bà Hai Bắc, ở một gian nhà tranh vách đất nhỏ với một đứa con gái nuôi tên là Ngọc (đầu 1981). Bữa ấy, bằng mọi giá chị Công bắt tôi phải đến nhà chị ngủ đêm và sẽ ăn một bữa cơm nghèo với chị. Nghĩa tình chị em và những kỷ niệm ngày ấu thơ, tôi đã làm theo lời chị.
Sau bữa cơm sáng với chị Công của tôi, một mình rong ruổi về Sài Gòn. Tiễn tôi ra đến cửa, chị Công còn cầm tay tôi như ngày còn bé:
- Cậu về có biết đường thăm hỏi ở các bến xe?
Vỗ vai chị tôi nói cười, như còn ngây thơ lắm:
- Chị quên rằng khi còn “bức màn sất”1962, chỉ một cái địa chỉ, một mình em đã mò mẫm tới chỗ em cần đến trong khi ở miền Nam giai đoạn ấy, đã biết gì bên trong ” bức màn sắt “, kể cả CIA?
Về đến nhà, tôi thưa trình sự việc lên Hồng Ngự với thầy mẹ tôi xong, là đến gặp cô công an Mỹ Lệ ngay. Mặt của cô “ả”, đang có chút máu mặt, thoáng thấy tôi đẩy cửa vào, mặt ả lại xám đi để tỏ ra ta oai nghiêm mới càng giống quả “cà ghém luộc”. Cô ả hạch sách, bất tôi phải viết bản kiểm điểm, tại sao đã không nghe lời CA? Tôi nói là tôi không sai, nên tôi không làm kiểm điểm.
Tuy vậy, sáng hôm sau tôi đã đến gặp tên trung úy Mậu, đã chấp thuận cho tôi đi Hồng Ngự để thăm mộ em trai, và các cháu nhỏ con của em trai. Tôi trình bầy lại sự việc, rồi chỉ khẽ chêm một câu:
- Từ trước tôi cứ tướng CA khu vực, phải dưới quyền của Phường!
Tôi không hề có chủ trương gì, nhưng lại gặt hái được kết quả. Hai ngày sau, có một CA khu vực khác về thay cô Mỹ Lệ hắc búa, đó là Ngọc Anh.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen