Books are a uniquely portable magic.

Stephen King

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 155: Giăng Lưới Bắt Tôm
ã chiều muộn, tôi từ giã anh chị Đạt để về nhà, chuẩn bị đi trình diện CA. Về đến nhà, ngạc nhiên, tôi thấy một chiếc xe đạp dựng khóa phía ngoài cửa, thì ra anh chàng Lê Văn Bưởi, cũng là điệp viên ra Bắc cá lẻ như tôi (Thép Đen III). Anh bị án 20 năm, nhưng lại được về trước tôi. Anh ở trên khu Đắc Lộ; tôi và anh đã gặp nhau một lần, giống như anh Bạch. Anh Bưởi đang sống nhờ, tạm trú một gia đình có cái xưởng lán làm gỗ, anh sống lai rai giúp việc nhà cho một người, còn có chút tấm lòng bao dung những kẻ khốn cùng.
Ngoài những chuyện bình thường, anh ghé vào tai tôi thì thầm: “CIA đã bắt mối liên lạc với anh, có thể họ sẽ đón anh đi một ngày gần đây”.
Hoàn cảnh của tôi như một người sắp chết đuối, không có điều kiện nào để bơi nữa, thấy bất cứ vật gì nổi cũng đều bám, hy vọng sống được.
Một chút mặc cảm vấn vít vào vị thế nhỏ bé của mình, anh Bưởi đã tâm sự với tôi từ buổi đầu gặp nhau ở phân trại E, phố Lu Lào Cai 1968. Anh là loại tình báo chiến lược, loại cấp cao của VNCH. Mình chỉ là loại tép riu chiến thuật, nên Mỹ đâu có để ý gì đến! Lòng nghĩ như thế, nhưng cuộc sống của tôi bị nhiều dồn ép, nghẹt thở quá nên tôi đã xuống nước, nói với anh Bưởi:
- Nếu anh đi được, nhớ đừng quên tôi đang bơi lội, trong sình lầy nhé!
Anh Bưởi nhìn tôi với ánh mắt chia xẻ:
- Bình yên tâm, tôi không thể quên Bình đâu!
Tuy nghe anh Bưởi nói thế, nhưng đầu tôi lại lóe lên một ý:
Biết đâu, đây chỉ là một đòn hiểm của cộng sản? Mình là loại do áp lực của Quốc Tế, của dư luận. cộng sản thả về để làm chiếc loa “không công” cho cộng sản, chứ cộng sản không tha do thực lòng họ. Như vậy sớm muộn, nó sẽ cố tìm cớ để bắt lại, hoặc sẽ tạo điều kiện, bầy ra một hình thức khác, để bắt mình về tội hình sự. Có khi còn làm mai một hết những năm tháng tù đày, về chống cộng sản của mình. Nghĩ như thế, tôi quay lại tỏ ra bình thường nói chuyện, hơi một chút trầm trồ:
- Làm sao anh lại biết đấy là đường dây của CIA? Họ là loại người nào? Họ đến với anh ra sao?
Anh Bưởi đã biết tôi, không có cơ sở thì làm sao tôi tin, mắt anh liếc nhìn hai phía, rồi ngồi gần lại tôi:
- Là một anh Xích-lô bình thường, họ còn hỏi tôi: Cuộc sống có khó khăn lấm không? Có thể lần gặp tới, họ sẽ cung cấp một hai cây vàng!
Tôi hỏi liền:
- Khi nào lần gặp kỳ tới?
- Sáng thứ Tư này!
Vì có chủ trương nên tôi hỏi rõ:
- Mấy giờ và ở đâu?
-10 giờ sáng ở bùng binh, chợ Bến Thành!
Để biết rõ sự thật, và cũng để một con mắt cho sự việc của anh Bưởi có an toàn không? Ngày mai tôi sẽ ngoan ngoãn đi làm tổ mành trúc, chiều mai (Thứ Ba) sẽ báo cáo ông Bàng, tôi xin đi khám bệnh nơi một ông lang trên Ngã Bẩy sáng thứ Tư, tôi sẽ đi làm buổi chiều.
Hôm sau tôi dậy thật sớm, từ 6 giờ, tôi đã có quán tính, nếu không làm thì thôi, nếu đã định làm thì đừng tiếc công, dù có thiệt thòi hay mệt nhọc hơn, tôi chấp nhận. Để đạt những điều mình muốn, để không than trách tiếc nuối bỏ lỡ công việc này do mình lười, lỗi chính do mình.
Tôi tính anh Bưởi có hẹn 10 giờ, có thể anh Bưởi từ nhà đi sớm từ 9 giờ, nhỡ đi việc khác nữa, anh rời nhà ngay 8 giờ sáng thì sao? Vậy phòng hờ cao, là 7 giờ tôi đã có mặt ở phía trước cửa nhà anh rồi.
Tôi đứng từ một chỗ xa, cách cái cửa lán mộc nơi anh Bưởi đang ở hơn 100 mét. Trong một chỗ khuất nẻo thuận tiện, để nếu anh Bưởi ra, tôi phải biết. Lấy một nắm cơm nếp đã từ hôm kia cô Xuân mang biếu thầy mẹ, chưa ăn hết trong túi. Miệng nhai miếng cơm nếp vừa cứng, vừa hơi có mùi, mắt nhìn lên bầu trời sớm mai của khu Đắc Lộ. Mãi phía Tây, phía có dòng sông Sài Gòn, hơn một chục con hải âu, hay vịt trời cứ vòng quanh chao đảo đuổi nhau, không hiểu chúng đùa vui, hay đang săn đuổi bắt những côn trùng trong không khí?
Mặt trời còn chưa bò dậy mà da trời đã như một cánh buồm xanh mát mắt, chỉ có ba cụm mây nhỏ trăng trắng, cảm tưởng như một bà tiên vừa bưng một rổ bông gòn đi qua để vương vãi. Nếu ở gần, tôi chẳng tiếc công, đến nhặt hết cho cái màu xanh dịu êm ấy, nó êm dịu hơn.
Mãi 9:15 anh Bưởi, mới xách chiếc xe đạp đàn ông (chắc mượn của anh chị chủ nhà) lò cò trong cổng đi ra. Tôi giữ một khoảng cách, tùy theo trên dưới hàng trăm mét, trong dòng người ngược xuôi mỗi lúc càng đông. Tôi không để mất ”con mồi” là anh Bưởi, và cũng không để anh Bưởi biết là tôi đang theo anh. Bất chợt tâm tư của tôi lại trở về với tháng Năm, tháng Sáu ở Thăng Long thành 1962. Tôi lại là ”con mồi” và thường có năm cái đuôi của phản gián cộng sản đi theo. Khác nhau hoàn toàn về ý nghĩa, bây giờ tôi lại đang dõi theo một đồng chí, một người bạn của tôi. Điệp viên về vườn, theo dõi một điệp viên hết thời. Vì muốn biết sự thật và cảnh giác cho bạn mình, cũng là cho mình. Từ hè của một ngôi nhà có cửa vòm phía gần rạp ciné Lê Lợi ngày xưa, tôi nhìn ra anh Bưởi đang ngồi một mình hút thuốc, trên chiếc ghế ciment ở công viên Quách Thị Trang. Từ 10 giờ kém 10, tinh thần tôi căng thẳng hơn vì điều tiết của mắt. Cả một hiện trường rộng với đầy người, xe cộ qua lại. Không những để ý người sẽ đến với anh Bưởi, mà còn phía sau và chung quanh người đó, từ những hiện tượng, thái độ để mình thẩm định.
Hai mươi phút sau, tức 10 giờ 10, một anh xích – lô, gác xe ở chỗ quán nước phía bên kia bùng binh, anh ta đội chiếc mũ vải tai bèo như nhiều xích – lô khác, che sụp gần kín mắt, thái độ quan sát của anh ta, tôi nghi có thể là đối tượng. Quả như rằng, anh ta vượt những dòng xe để tiến sang bùng binh, mà anh Bưởi vẫn chưa thấy, nhưng anh ta đã nhận thấy anh Bưởi rồi.
Khi anh Bưởi đã nhận ra, anh ta ra hiệu tay để anh Bưởi theo, thái độ anh này rất tháo vát, nhanh nhẹn. Chừng 35, 36 tuổi, mặc chiếc quần short mầu vàng nhạt đã tã. Chiếc áo màu cứt ngựa, rách cụt cả hai tay. Họ đã theo nhau trở về đường Cách Mạng Tháng Tám, vào một quán nước chéo vườn Tao Đàn.
Nửa giờ sau hai người ra hè phố còn bắt tay nhau, một người ra xe đạp, một người đến xích lô và đi về hai ngả khác nhau. Người tôi cần biết là tên xích lô này sẽ đi về đâu, làm gì? Trước khi y rẽ về đường Võ Tành, y còn ngoái lại nhìn về phía sau, sợ có anh Bưởi theo.
Y lách vào mấy phố vắng rồi trở ra đại lộ Trần Hưng Đạo. Điều làm tôi càng đặt vấn đề, khi y đạp xe qua nhà thờ Huyện Sĩ có một bà dẫn tay một đứa nhỏ năm, sáu tuổi vẫy xích – lô, y đã xua tay từ chối. Cuối cùng, y đã đến một ngôi nhà sang trọng, ngay phía trái trước thành CA, nơi hơn ba tuần trước tôi phải đến trình diện, y lái tuột xích – lô vào trong sân. Tôi chờ đến 11:30 không thấy y ra, tôi phải về cơm nước và chuẩn bị đi làm chiều.
Trên đường về nhà, tôi chưa thể có một kết luận rõ ràng, phải sau giờ làm chiều lên nhà anh Bưởi gặp anh đã, nhưng tôi cũng hơi phân định được chiều hướng. Khả năng hãn hữu, nếu không nói là không có cái kiểu CIA lại đặt nơi liên lạc ở trước Thành công an của cộng sản. Kể cả phương châm: nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất. Vậy chỉ có thể của cộng sản mới hợp tình, hợp lý.
Chiều hôm đó, tôi gặp lại anh Bưởi, tôi muốn đến anh trước rồi về trình diện sau. Anh Bưởi đang hì hục hót đống mùn cưa (cưa máy) trong lán mộc. Tôi cũng loay hoay làm với anh để nói chuyện. Tinh thần thái độ anh Bưởi tỏ ra phấn chấn rõ rệt. Tôi hỏi anh đã gặp người xích lô lần trước hẹn chưa? v.v... Anh Bưởi tươi tỉnh trả lời là họ còn xem cả giấy ra trại nữa và tôi cũng đã nói sơ, gợi ý về Bình. Họ nói còn phải xin ý kiến, và dặn tuyệt đối không được mở rộng thêm. Tôi hỏi anh Bưởi một vài việc, cho sáng tỏ thêm như: Gặp họ có lâu không? Họ có mời ăn uống gì không? Phương cách đi như thế nào? và vào khoảng bao giờ? Còn chuyện cây vàng thì sao?
Tất cả anh Bưởi chỉ được biết lờ mờ, thường lấy chữ ” bí mật”, chờ, để trả lời nhiều vấn đề v.v... Tôi đã ngửi thấy cái hơi ngược hay xuôi rồi. Trước khi tôi có ý kiến, tôi vẫn hỏi để biết về sự tinh tế, của anh Bưởi:
- Anh Bưởi ơi: có lúc nào anh nghĩ đây là một đường dây của cộng sản? Và có khi nào anh thử lại chưa? Như thử một cái máy, xem còn tốt hay hư rồi ấy mà!
Anh Bưởi đã trả lời tôi một cách tin tưởng:
- Họ tư cách, đúng mực lắm!
Không do dự, tôi nói luôn, còn về. Gần đến giờ trình diện và còn sinh hoạt cá nhân:
- Bây giờ anh hãy nghe tôi, anh hãy tìm cách từ chối không giao thiệp nữa. Phần tôi, tôi nói rõ ràng, tôi sống đến bây giờ là vì bố mẹ tôi, bởi vậy tôi chẳng ra đi, khi bố mẹ tôi chưa “mãn phần “.
Thấy anh Bưởi mở to mắt nhìn tôi như không hiểu, tôi cầm tay anh Bưởi bóp nhẹ nói:
- Chiều nay sáu bẩy giờ tối, đến tôi. Rất cần đấy!
Từ lâu, anh Bưởi đã hiểu tôi, khi tôi nói như vậy là có việc cần nói thật.
Vội vàng đạp xe về tới nhà, tôi khẽ mở khóa vào nhà mà, thầy mẹ tôi không biết. Thầy tôi hôm nay chưa ăn cơm, và từ trong màn người cứ rên, nghe não ruột. Mẹ tôi đang lần mò ra chỗ ấm tích, tay sờ miệng chén để rót nước. Tôi cứ đứng yên theo dõi, một tay mẹ tôi cầm một viên thuốc, một tay cầm chén nước, chân chậm chạp tiến về phía giường thầy tôi. Nhưng người không có tay sờ, nên lại đi ra phía cửa để rồi xô vào chiếc xe đạp tôi dựng sát cửa sổ, rơi cả thuốc, đổ cả chén nước, tôi không nhanh tay đỡ ôm lấy người thì người đã ngã xuống nền nhà.
Mắt tôi lại mờ đi, ôm mẹ mà lòng tôi như quắt lại, vặn vò xót xa. Miệng tôi gọi mẹ chỉ còn thều thào. Tôi đỡ mẹ tôi đến giường thầy tôi, thầy tôi kêu đau bụng từ chiều, mẹ tôi đã mò mẫm kiếm được viên thuốc, rồi rót nước cố đưa đến cho thầy tôi. Cầm tay thầy, tôi còn hổn hển:
- Thầy đau ở đâu?
Thầy tôi không nói, mà chỉ run rẩy chỉ tay xuống bụng, tôi chỉ biết cho người uống thuốc, rồi xoa bụng cho người. Tôi vo gạo, gầy nồi cơm, nhìn trong chạn chỉ còn hai miếng đậu rán, lúc trưa còn lại, trong khi chờ cơm chín, tôi tranh thủ cầm sổ chạy sang cô CA Mỹ Lệ ở xóm trong.
Đi qua nhà bà Lân phía cuối nhà thờ, nhìn trên cái sạp bán những thứ lặt vặt của bà, một hũ cà ghém nén trắng phau, quyến rũ tôi đã từ lâu. Trình diện xong trở về phen này quyết tâm mua một đồng cà, để cho đời lên hương và thỏa lòng thèm muốn của mình. Cứ nghĩ đến câu: Canh đay, chan đẵm… Quả cà cắn ngang là nước miếng của tôi đã rỉ ra cuống họng rồi. Lần trước em Thu đã đút vào túi tôi mười đồng, hôm nay còn ba đồng trong túi, nên khi trở về tôi đã thực hiện được cái hạnh phúc đó. Tuy chưa tròn, chưa có canh rau đay, điều này phải chờ khi nào em Xuân hay em Thu, vì tôi chưa biết nấu, nhưng từ quan điểm: Hãy thích những cái gì mình đang có, lòng tôi vẫn thấy xởi lởi mang gói cà về.
Thầy tôi chắc đã đỡ đau, nằm im, mẹ tôi đã về giường, tôi trang trọng nhè nhẹ chuẩn bị một bữa cơm thịnh soạn, để cùng hưởng với thầy mẹ tôi.
Khi cơm đã đầy đủ trên chiếc bàn con góc nhà, tôi vào đỡ thầy tôi ngồi dậy, và dẫn thầy tôi xuống bếp đi tiểu với lời khích lệ:
- Hôm nay con thổi cơm rất dẻo, vì thầy đau bụng!
Tôi đã đỡ mẹ tôi ra ngồi một ghế, mẹ tôi hãy còn tinh tế thật! Tôi chưa nói gì thế mà cụ chỉ ngồi một tí đã hỏi:
- Tao ngửi thấy mùi cà ghém nén phải không?
Tôi đã vồ lấy hai tay cụ, trầm trồ:
- Mẹ của con giỏi lắm! Con vừa mua cà ở hiệu bà Lân.
Mâm cơm chỉ có đĩa đậu (hai miếng nhỏ) và một bát cà ghém nén, một bát con mắm tôm (không có chanh). Tôi đã có chủ định: hai miếng đậu để dành cho song thân, mỗi người một. Tôi đã có cà và thêm thắt chút mắm tôm.
Nghiệm ra rằng cứ hình dung, như những ngày còn ngồi trong xà- lim ở Hỏa Lò, hạnh phúc cuộc đời lại ùa về tràn ấp lòng tôi. Ngày ấy làm gì có cà ghém mắm tôm, làm gì có bát cơm đầy, và làm gì được ngồi với đấng sinh thành?
Tôi xin cảm tạ Chúa, cảm tạ cuộc đời thật nhiều, đã ban cho tôi niềm hạnh phúc này. Nhìn ba bát cơm còn khói bay lên, nhìn thầy tôi nhìn mẹ tôi, rồi tôi nhìn lên bàn thờ Chúa. Đức Mẹ Maria giang tay, nhìn gia đình tôi bằng đôi mắt bao la dịu hiền. Mẹ tôi làm dấu nguyện kinh theo thủ tục tôn giáo, tôi làm theo thủ tục gia đình là mời thầy, mời mẹ xơi cơm. Tôi đã gắp hai miếng đậu vào bát hai người, riêng mẹ tôi có thêm một quả cà.
Nhìn đôi mắt của mẹ tôi lòa hõm vào, nhưng khi người cắn quả cà, tôi cảm thấy nét hân hoan của mẹ tôi. Tôi phải xuống bếp lấy chiếc quạt nan, khi nãy nấu cơm tôi đã mang xuống, bây giờ nhìn mồ hôi đã lấm tấm trên mặt mẹ tôi, tôi phải quạt cho người.
Khi trở lại bát cơm của tôi lại có hai miếng đậu, tôi không muốn, mà nước mắt tôi cứ tràn ra, làm sao tôi ăn được hai miếng đậu này. Tôi gắp lại bát thầy mẹ, mà tay tôi còn run rẩy vì tấm lòng thương con, lồng lộng như đại dương của các người (bây giờ ngồi viết lại mấy dòng này mắt tôi lại mờ đi).
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen