Bất hạnh là liều thuốc thử phẩm chất của con người.

Seneca

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 154: Người Ấy Đã Sang Đò
rên đường đi xe, tôi đã được biết sơ lược: Vì Lộc không biết gì giữa tôi và cô Vân, nên cũng chẳng hỏi kỹ ông Võ. Chỉ biết cô Vân đã lấy chồng cuối năm 1969, HCM chết xong thì cô Vân đám cưới với một Trung úy bộ đội đi B. Hiện nay cô đã có một con trai 6 – 7 tuổi, Lộc cũng không nói chuyện với cô Vân, ngay ông Võ, Lộc cũng không biết địa chỉ.
Tôi trình diện CA về, thì Lộc cũng đã nấu xong cơm, tôi hì hục bác trứng và luộc tí rau muống, đã mua từ hôm qua. Hai anh em ăn cơm ở sàn trên gác, chỉ có trứng bác và rau muống luộc, nhưng thật đậm đà nghĩa tình trong khó khăn cuộc sống, của những người đi tù về.
Phần tôi vẫn thèm, nhớ tiếng hát của Lộc vàng nhất là lòng tôi đang nát nhão, như dưa khú lâu ngày. Tôi đã cho Lộc biết sơ sơ một chút sự liên hệ giữa tôi và cô Vân. Sau khi cơm nước xong, Lộc đã nho nhỏ hát tặng tôi một bài trên căn gác trống, không có đàn, trống. Tôi đã nằm lịm đi để mặc cho giọng hát truyền cảm của Lộc, chui luồn vào cơ thể, rúc vào hồn tôi. Theo Lộc, đây là bài: Lá Đổ Muôn Chiều:
Thu đi cho lá vàng …….bay….
Lá rơi…….cho đám cưới về……..
Có những đêm về sáng……..
Đời. buồn…..chi mấy cố nhân ơi…..
Đã vội chi……men rượu…. nhấp đôi môi…..
Mà phung phí…..đời em…..không tiếc nhớ… …
Lá đổ muôn chiều…..ôi lá úa…..
Phải chăng..... là nước mắt người đi...
Em ơi…..đừng dối lòng……
Dù sao chăng nữa…….không nhớ đến tình đôi ta……..
Thôi thế đây……anh cố đành quên ….rằng có người …… Cầm bằng……như không biết ………mà thôi…….
Lá Thu…..còn lại……đôi ba cánh…..
Đành lòng….cho nước cuốn…….hoa trôi…..
Thôi thế từ nay…….như vàng bay…….
Làm lòng anh …….nhớ mãi……… người ơi……
Nhớ nhau …….từ làn môi ………đôi mắt……..
Đời vắng em rồi……….vui với ai?………
(Đoàn Chuẩn, lời Từ Linh)
Lộc vàng đã đập vào chân tôi, dù tôi không ngủ, nhưng tôi như vừa ở một vùng đầy sương khói chui ra. Một ý thơ của T.T.KH hãy còn già một nửa ở trong đầu:
Nếu biết rằng tôi….. đã ……..lấy chồng!
Trời ơi!…….người ấy có ……buồn không?…..
Bao nhiêu ngược xuôi, ngang dọc rối rắm trong đầu, tôi thừa nhận cô Vân lấy chồng là đúng, là hợp lý, vậy mà tại sao, tôi vẫn buồn? Lộc nói, mà mắt nhìn tôi như nài nỉ:
- Anh đưa em về đi, kẻo khuya!
Tôi muốn Lộc ngủ lại với tôi đêm nay, nhưng Lộc cũng đã hiểu. Bất ngờ lũ Nặc – Nô CA lại vào khám nhà. Hai bên đều tự hiểu, tôi đứng dậy đưa Lộc về Khánh Hội. Bố mẹ tôi đã nằm yên ở trong màn, tôi cũng cần về sớm, sợ chúng vào lúc tôi không có nhà. Chiều theo ý của Lộc, tôi đạp xe theo đường Công Lý để Lộc nhìn Dinh Độc Lập một lần. Mới khoảng hơn 9 giờ mà Sài Gòn đã đìu hiu vắng vẻ.
Bao nhiêu năm xa vắng, tôi nhìn Dinh Độc Lập tận mắt, niềm ước mơ, niềm khắc khoải nhớ thương, thế mà tâm trạng của tôi chỉ thấy dửng dưng, quấn quít một chút xót xa. Nhìn tòa nhà từ xa, dưới ánh đèn đêm của thành phố, tôi có cảm tường như nét mặt của thầy tôi. Chiếc cửa sổ chiếu ánh đèn lờ mờ như đôi mắt kèm nhèm, cửa to phía dưới như cái miệng của thầy tôi méo xẹo, trong đêm CA vào khám nhà. Đã đạp xe qua rồi, mà đầu tôi còn ngoái lại; đúng nét mặt thiểu não của thầy tôi, cụ cũng đã lẩn thẩn rồi!
Đến một xóm nghèo phía bên kia cầu Khánh Hội. Một cái ôm khắng khít chia tay với Lộc, không hẹn ngày gặp lại. Nét mặt của Lộc, cũng thiểu não như nét mặt của thầy tôi khi nãy đi qua, Lộc đã giúi vào túi tôi 10 đồng. Tôi hiểu Lộc muốn chia xẻ với cảnh đời rách mướp của tôi lúc này, nhưng tôi đã cương quyết không nhận! Phần vì chính cảnh sống của Lộc cũng chỉ là một cái ” sơ mướp “, phần khác, dù tôi đang gặp khó khăn thế này, hay rồi đây sẽ hơn nhiều thế nữa, tôi vẫn đứng bằng chính đôi chân của tôi. Tôi đã trả lại Lộc, những người cùng khổ có lòng và một cái ôm chặt nữa, để chia tay.
Hôm sau, buổi sáng tôi không làm sao bò dậy được, miệng khô đắng như cho giấy vào thấm, đã đến giờ ra tổ Mành Trúc, nhưng tôi cố mãi vẫn chưa ngồi được lên. Phải ra báo và xin phép nghỉ một ngày, nhưng tôi đành nằm liệt. Thế mà khoảng 9 giờ, cô ả Mỹ Lệ đã mò đến gõ cửa. Tôi nghe tiếng của thầy tôi nói, không thành câu:
- Thằng Bình ốm......trên gác!
Tôi nghe tiếng chân khe khẽ, nhè nhẹ bước lên thang gác! Cô “ả” này liều thật? Nếu mặt cô “ả” không phải là quả cà ghém luộc? Và nếu tôi không có định kiến ” ghét rồi ” từ hôm đầu gặp “ả” thì cơ hội này, sẽ có một câu chuyện của cuộc đời.
Một giọng êm nhẹ, khác với mọi khi:
- Anh Bình!
Tôi cứ nằm im trong màn, xem sao?
Tiếng bước chân nhè nhẹ trên sàn gác, rồi chiếc màn tôi nhúc nhích: Đúng là coi ”trời bằng vung“. Cô ả lưỡng lự, dùng dằng một lúc, rồi cô bước chân rón rén đi xuống nhà. Cho đến khi nghe tiếng chốt cửa của thầy tôi, một ý tưởng không thực tế len lỏi vào đầu: Giá đấy là cô Vân. Tôi cong hai chân bật người dậy theo thói quen, xuống đến dưới nhà nghe tiếng mẹ tôi ở trong màn:
- Con đã uống thuốc gì chưa?
Thầy tôi cũng đã chui ra khỏi màn. Để thầy mẹ tôi yên lòng, tôi nói cố ra vẻ bình thường:
- Con không có sao đâu!
Mấy hôm trước cô Thu, đã đưa sang hơn một chục ký gạo và một nải chuối. Tôi phải sắp xếp dọn dẹp trong nhà. Khi còn ở trong tù, tưởng như không có ngày về thì mơ ước, thèm khát được làm những công việc này, để phụng dưỡng đấng sinh thành. Bây giờ có, lại coi thường! Không thấy đó là một điều may mắn, sung sướng! Tâm lý của con người cũng kỳ lạ!
Tôi chợt nhớ đến thằng Đạt, từ cái dạo tôi mới về thằng Lợi đã cho tôi biết sơ về Đạt. Tôi cũng xin sơ lược về Đạt.
Thời gian 1955-1956 tôi chạy Bình Xuyên, lên sống ở trại định cư Hà Nội Hố Nai Biên Hòa. ở đây, tôi đã quen Nguyễn Hữu Lợi và Nguyễn Đức Đạt. Tôi với Đạt cũng chơi thân, nhưng không thân bằng Lợi với tôi. Bố của Đạt làm về bưu điện ở ngoài Bắc, bây giờ di cư vào Nam, già yếu về hưu.
Một số cậu thanh niên Hà Nội ở trại chơi với nhau, trong đó có Lợi, Đạt và tôi. Khi tôi đi Bắc, cậu nào cũng còn độc thân. Khi tôi trở về thì Nguyễn Hữu Lợi (tôi đã tường thuật trên), còn thằng Nguyễn Đức Đạt, nghe vợ chồng Lợi nói: Thằng Đạt có cái tú tài đôi đã theo nghề bố, thi vào ngạch bưu điện. Thời gian Mỹ ồ ạt vào miền Nam, Sài Gòn cũng ” cuốn theo chiều gió” thằng
Đạt nghe đâu đã làm trướng phòng nhân viên ” bở béo ” ngay bưu điện trung ương ở Sài Gòn (cạnh nhà thờ chính tòa). Hiện nay vợ con gia đình Đạt đang ở Trương Tấn Bửu, còn vì sao gia đình nó lại không đi di tản, tôi sẽ đến thăm gia đình, và hỏi trực tiếp nó.
Lợi dụng ngày hôm nay (không đến tổ mành trúc), tôi chuẩn bị lo nhà cửa và cho bố mẹ xong, xách xe đạp, tôi sang tìm nhà thằng Đạt. Sau một lúc mò mẫm, tôi đã đứng trước nhà của Đạt, thoáng qua một vài nét bên ngoài cũng là loại khá giả, nhưng không bằng thằng Lợi. Tôi bấm chuông đứng chờ, qua vợ chồng Lợi, nên Đạt và tôi không có cái bất ngờ gặp lại. Ngày xưa cậu trưởng phòng này, nọ; giờ đây đang ngồi đút cơm cho đứa con út, giúp vợ, giữ nhà.
Đạt rất vui, gọi cả vợ con trên gác xuống giới thiệu. Anh chị Đạt được năm sáu đứa con, đứa con gái lớn cũng 17 tuổi, con trai kế tiếp là Nguyễn Vạn Thắng 15 tuổi. Vợ chồng Đạt cứ ríu rít định làm cơm ăn bữa chiều. Tôi đã hiểu dưới chế độ ” tem phiếu ” nên tôi dứt khoát từ chối, lý do phải về trông nom ông bà cụ v.v... Ngay từ ngày tôi chưa đi Bắc, Đạt vẫn mến nể tôi, nhất là về mặt ngang tàng coi nguy hiểm là chuyện bình thường.
Do đấy, khi ở phòng khách chỉ có Đạt và tôi, tôi đã hỏi Đạt, có rào đón. Chính tôi cũng muốn biết tâm trạng, sự hiểu biết của một người có tú tài đôi, đã từng là một trường phòng ở Sài Gòn, cũng đã tiếp xúc nhiều với bạn bè Mỹ, Việt v.v... nên tôi đã ngửng lên hỏi:
- Đạt ơi? Bây giờ tao hỏi mày, với lòng tự trọng, trả lời những suy nghĩ thực mày đang nghĩ. Mày có đồng ý như thế không?
Mặt Đạt ngẩng lên tỏ ra, rất chân thành:
- Mày hỏi gì tao cũng nói sự thật?
Thấy đã đủ để biết rõ vấn đề, tôi hỏi ngay:
- Lý do chính, vì sao gia đình mày không đi di tản?
Thằng Đạt, cái mặt chảy dài, đứng hẳn dậy, nói như còn phẫn uất:
- Cái số của tao, chỉ vì vợ tao khi đó đang chửa đứa thứ tư, bố tao lại đang ốm nặng. Ngày 27-4, thằng Ted Folk, trung uý Hải Quân, quen thân gia đình tao, nói hai ba lần, tao vẫn dứt khoát không đi.
Ngập ngừng một chút, nhìn qua cửa sổ rồi quay lại, tỏra thành khẩn:
- Thực sự khi ấy tao còn tiếc cái nhà này, và đi như vậy, sẽ không biết như thế nào. Người ta bảo: ”xẩy nhà ra thất nghiệp “.
Để cho cạn lý, tôi gặng hỏi tiếp:
- Mày nghĩ kỹ lại đi, còn một lý do nào nữa, để mày không đi?
Nó nhìn tôi chăm chú, và lấc đầu. Vào thời gian ấy (1980-1981), vượt biên bị lừa lọc, bị chết cao nhất. Tôi nhớ có một chiếc tàu ở ngoài Cấp bị vỡ, đắm chết hơn 300 người. Khu Ông Tạ, Tân Bình hầu như nhiều nhà phải để tang ngầm. Tôi thấy thằng Đạt cứ lúng túng, tìm nhiều lý do để bảo vệ. Đạt chưa nhìn thấy cái nguyên nhân chính, vì thế tôi đặt một câu hỏi nữa cho sáng vấn đề. Trước khi hỏi, tôi vẫn phải ràng lại:
- Bây giờ tao hỏi thật mày một câu, mà cũng nói thực lòng mày: “Nếu bây giờ có một chiếc tàu của Mỹ đến cảng Bạch Đằng, mày phải bỏ hết tất cả, cả vợ con, nhà cửa, bố mẹ, chỉ được mặc một chiếc quần đùi, tàu sẽ đón đi, mày có đi không?”
Đạt tươi hẳn mặt, nói như quả quyết:
- Đi, đi chứ! Tao đi ngay?
Tôi thong thả nói rành rọt:
- Như thế, tất cả những lý do mày nói, đều là sai cả! Cái nguyên nhân chính mày không nhìn thấy, hoặc chỉ nhìn thấy mập mờ, để mày và gia đình không đi di tản ngày 30/4/1975 là khi ấy mày chưa nhìn rõ cộng sản. Mày không ngờ cộng sản đểu ra, sắt thép, nham hiểm như bây giờ!
Mặt thằng Đạt lại đực ra, đầu gật gật, miệng còn nói như nhắc lại:
- Tao không ngờ nó độc hiểm, sắt máu như vậy!
Tôi phải nói chút nữa cho trọn ý:
- Mày nhớ, ông cụ (bố của Đạt) và mày, đã từng ở khu 3 (Việt Minh) về thành 1950 (vào Hà Nội). Đã di cư vào miền Nam 1954, mà còn mơ hồ, chưa nhìn rõ sự việc. Huống chi hầu hết đồng bào ở miền Nam. Chưa một ngày sống với cộng sản, và nếu có biết về cộng sản cũng chỉ qua sách báo, thì làm sao hiểu được cái tim đen của họ. Anh còn vũ khí, anh còn tiền, anh còn bên ngoài vòng kiềm tỏa của họ, anh đừng vội vỗ ngực, tự đắc: Tao còn đi guốc vào những lừa lọc, thủ đoạn của cộng sản. Chưa đâu! Khi nào anh đã hạ vũ khí cất đi, anh hết tiền, anh đã vào trong sự kiềm tỏa của cộng sản. Khi đó anh mới hiểu tim đen của cộng sản, mà một khi anh đã hiểu, đã đủ hiểu thì anh không còn, làm gì được cộng sản nữa.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen