Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Chương 151: 5 Năm, Mất Quyền Công Dân
S
áng thứ Hai, tôi lên Phường 6 theo lời của tên Mậu. Y yêu cầu tôi phải lên Thành Phố trình diện ngay buổi sáng nay. Sau khi hỏi kỹ về nơi chốn, và cách thức, tôi đạp xe đến đường Trần Hưng Đạo.
Nhìn từ xa, trong một góc sân của CA Thành, tôi thấy hơn một chục người, người mái tóc còn xanh, nhiều người đã muối tiêu hoặc tiêu nhiều hơn muối. Qua dáng dấp đứng ngồi, nét mặt, tôi đã thấy cũng là dạng như tôi hôm nay. Thấy tôi đạp xe vào sân, còn đang ngơ ngác, một anh nhanh nhẩu, có lòng giúp người:
- Vào nộp giấy ở trong trước, rồi chờ!
Hơi cúi đầu, cười tỏ ra cám ơn, tôi tiến vào trong. Trên một chiếc bàn giấy có hơn một chục tờ giấy, tôi đoán là cũng giống của tôi “giấy ra trại“. Sau khi tôi xếp giấy lên bàn, liếc qua một khung cửa rộng, tôi thấy một gian lớn, với nhiều hàng ghế dài, đã có sáu bảy người ngồi. Để tâm hồn được lắng đọng suy tư, tôi xuống phía cuối, ngồi một mình. Gần 9 giờ, các anh ngoài sân cũng lần lượt kéo vào các hàng ghế, ngồi chờ. Trên dưới ba chục người, những người ngồi gần nhau, châu đầu thì thầm chuyện trò.
9 giờ, một tên đeo lon thượng úy từ phía trong tiến đến chiếc bàn có chồng “Giấy ra trại” lật xem từng tờ một lúc. Y ngẩng lên nhìn khắp lượt, cao giọng:
- Anh nào là Đặng Chí Bình?
Hơi bất ngờ, tôi đứng dậy, nhiều anh em cũng thấy lạ, quay lại nhìn tôi. Tên thượng úy vẫy tay:
- Anh lên đây tôi gặp!
Lách ghế, tôi tiến lên gần bàn y, đứng lại. Mặt y tươi lên làm tôi ngạc nhiên. Y nói tiếng Bắc “sệt “:
- Không ngờ, tôi lại gặp anh!
Hơi choáng hồn, tôi nghiêm trang chờ đợi. Y niềm nở, cứ như quen biết cũ:
- Anh không nhớ, và biết tôi đâu vì vụ án của anh ngày ấy, tôi chỉ là một hạ sĩ chạy giấy tờ.
Tôi tươi hẳn mặt, nhìn y. Lúc đầu y gọi tên tôi, giọng Bắc, tôi đã không ưa, vì mang một định kiến, những tên “ăn cướp” nắm hết những cơ quan chủ chốt, còn người miền Nam chỉ là tượng trưng làm “vỏ bọc” tuyên truyền. Bây giờ, tôi có phần nào thiện cảm, vì y tỏ ra chân thành.
Tôi là người y làm việc đầu tiên, mà không một ai thắc mắc. Ở giai đoạn ấy, chế độ ấy cũng chả một ai dám thắc mắc, kể cả tôi. Nội dung buổi đó là:
- Ngay chiều hôm ấy, tôi phải về trình diện “Phòng Quản Lý Những Người Học Tập Được Về ” của quận Tân Bình.
- Đầu mỗi tháng phải lên trình diện CA thành. Đầu mỗi tuần phải ra trình diện CA phường.
- Phải có một cuốn vở, ghi rõ hàng ngày: Sáng làm gì, gặp những ai; chiều cũng thế. 7:OO chiều phải đưa cho CA khu vực ký tên mỗi ngày (Vợ tôi sang Mỹ sau, đã mang theo hai cuốn vở này).
Tôi được một đặc ân: Sau khi tên Thượng Úy đọc kỹ giấy hộ khẩu của bố mẹ tôi. Mắt y đăm chiêu nhìn tôi, như một sự cảm thông chia sẻ:
- Xét hoàn cảnh, bố anh 76 tuổi, đã lẩn thẩn. Mẹ anh 73 tuổi, đã bị loà cả hai mắt 16 năm rồi. Đảng và nhà nước chiếu cố cho anh, được tạm trú ở nhà bố mẹ 3 tháng. Cứ ba tháng, anh phải đem tờ hộ khẩu này đến “PQLNNHTĐV” xin gia hạn.
Thật cũng lạ đời! Tôi là con trai cả, cũng là người con trai duy nhất của bố mẹ tôi. Mà lại được phép tạm trú nhà bố mẹ của mình chỉ ba tháng? Tôi định thắc mắc hỏi cho rõ, nhưng tôi chợt nhớ, 18 năm ròng rã tù đầy, đã hiểu, người dân của chế độ này, sống trong một cái khuôn, chỉ biết cúi đầu nghe đảng: Đảng đã phán, đã bảo, thì không bao giờ sai cả. Mọi người phải coi như một tín điều của một tôn giáo. Đạo Phật thì có Niết Bàn, đạo Công Giáo thì có Thiên Đàng. Không được băn khoăn thắc mắc, hoài nghi. Nên tôi cố nuốt những niềm u-uất xuống tận đáy lòng.
Nhưng có lẽ y nhìn nét mặt trầm buồn của tôi. Y đã chỉ vào giấy tha của tôi: án phạt 18 năm, mất quyền công dân trong năm năm. Về một phía tôi thấy mình còn bị o-ép, thắt buộc chặt hơn ngày ở trong tù.
Như thế bản án của tôi không phải 18 năm, mà là 23 năm. Tôi sẽ không tiếc công sức, đem tâm trí, khả năng của mình để quyết tâm chuyển đổi. Tôi cầm tờ giấy tha tù, chậm chạp đi ra. Có mấy anh hất đầu, vẫy tay làm hiệu, các anh muốn hỏi tôi điều gì tôi chỉ cười, gật đầu như chào, rồi ra chỗ chiếc xe đạp.
Gò lưng, tôi đạp về đường “Cách Mạng Tháng Tám”. Cảnh phố phường ngang, dọc của Sài gòn là đây! Nhìn Thành Đô kính yêu và thương nhớ của tôi, nhưng, giờ đây tôi thấy xa lạ. Cái gì cũng xa lạ, như ở một nước khác, tôi đang đi nhờ trên đường. Cũng chợ Bến Thành, cũng đường Lê Văn Duyệt của Sài gòn, của miền Nam trước đây:
Tình miền Nam như… Hoa lan đầy hương…
Nhạc dịu êm vang… Dư âm ngàn hướng…
Đây đó… Vui ca…Tiếng hát… Chan hòa …
Dựng một mùa hoa…
Nhưng giờ đây, tôi thương tôi… Thương Sài gòn… Thương miền Nam và thương cả… Đất nước tôi.
Có đau cũng không dám khóc… Có vui cũng không dám cười! Tư tưởng của tôi chợt loáng về hai ý thơ trào phúng của cụ Uy Viễn tướng công, thời quân chủ phong kiến:
Khi vui… muốn khóc…
Buồn tênh… lại cười…
Nếu cụ sống lại thời nay… chắc chắn cụ ở trong nhà tù cộng sản.
Cái tâm trạng của tôi xa lạ, như 18 năm xưa ở Hà nội, khi ấy tôi ở nhà trọ khu Ngã Tư Sở. Ở Sài gòn hôm nay cũng thế! Nhìn những con chim sẻ đậu trên mái nhà, những hàng me ngoài đường phố, tôi có cảm tưởng như chúng cũng đã bị tiêm nhiễm cái chất độc cộng sản. Chúng cũng ngày đêm, rình rập soi mói, nhòm ngó lẫn nhau. Cuộc sống của chúng cũng không còn có thể yên lành.
Tôi có một người bạn thân là Nguyễn Hữu Lợi: Đầu 1955, tôi chạy khỏi Bình Xuyên lên khu định cư Hố Nai Biên Hòa, tôi và Lợi biết và quen nhau từ đấy (xin xem Thép Đen I). Do những sự kiện và thời gian, chúng tôi càng ngày càng thương mến nhau. Để rồi, Lợi trở thành người bạn thân thương nhất của đời tôi. Khi tôi nhận một nhiệm vụ ra Bắc, không nói với bố mẹ, nhưng tôi đã nói sơ qua cho Lợi. Vì thế Lợi là người bạn duy nhất, biết tôi ra Bắc.
Những tháng năm quằn quại trong nhà tù cộng sản, tôi đã nhớ đến người bạn này nhiều lần. Bây giờ trở về, ngoài những chuyện bắt buộc tôi phải làm trước, tôi phải tìm mọi cách để biết về Lợi. Giữa bao nhiêu biến thiên của miền Nam, Lợi còn hay mất, hay như thế nào? Tôi hiểu Lợi là một người có ý chí, lập trường, chống ai thì có phần hơi quá khích. Khi tôi ra đi, nó đang là Tỉnh Đoàn Thanh Niên Cộng Hòa, tỉnh Phước Thành (chiến khu D của cộng sản).
Bố mẹ của Lợi còn lại Hà Nội, Lợi di cư vào Nam cùng với gia đình một bà bác. Do liên đới, tôi đã quen và thân với Nguyễn Vĩnh Lý, là con bà bác ấy và cũng là anh họ của Lợi. Lý và tôi cùng vào lớp tình báo ở số 2 Jean Jacques Rousseau (Thép Đen I). Vì cùng ở Sài Gòn đi học, nên Lý và tôi vẫn thường xuyên gặp nhau ở nhà Lý, tại khu Đa Kao, Phú Nhuận- Sài Gòn. Do đấy, tôi phải đến nhà Lý mới biết tin về Nguyễn Hữu Lợi được.
Sáng ngày hôm sau, lọc cọc đạp xe đến vùng Tân Định, tâm trạng của tôi cũng bồi hồi xúc động không ít. Tất cả mọi tình huống không thể đoán trước được. Cứ theo định vị trong đầu, ngoằn ngoèo vài ngõ hẻm. Vùng này chẳng khác xưa bao nhiêu, không như những vùng khác.
Tôi đã đến một ngôi nhà, có lưới thép chống ruồi, muỗi. Một bà cụ già đang chậm chạp đu đưa, trên một chiếc võng. Tôi hồi hộp ngó nghiêng để định hình. Rõ ràng bộ mặt hiền, đôn hậu mẹ của Lý. Tôi mở móc cửa, bước vào đến bên bà cụ. Thấy động bà cụ ngồi lên, nhìn tôi đăm đăm. Tôi biết bà cụ chưa nhận ra tôi, phần vì gầy ốm, phần vì đã không còn là một cậu thanh niên tươi trẻ ngày xưa. Không thể kìm hãm được lòng mình, tôi ngồi xuống đặt nhẹ một tay vào tay bà cụ, nghẹn ngào:
- Cụ còn nhớ con không?
Bà cụ lại mở càng to mắt hơn, rồi như chợt nhận ra, vì nước mắt cụ đã chạy vòng, cụ nói thều thào:
- Anh Bình?
Rồi nước mất của cụ đã tràn xuống má, cụ bóp nhẹ tay tôi. Tôi hỏi trong nỗi lắng lo:
- Thằng Lý bây giờ ở đâu, cụ?
Nước mắt bà cụ lại dàn ra nữa, cụ không nói ra lời, cái miệng của cụ méo xẹo đi, tay của cụ chỉ xuống nền nhà. Người tôi như đang đu võng, tôi hỏi dồn dập:
- Thằng Lý làm sao hả cụ?
Bà cụ nấc lên, rồi cố gắng nói trong cuống họng:
- Nó chết 6 năm rồi!
Tôi định hỏi, nó chết vì sao thì tiếng chân người trên gác đi xuống. Qua tấm màn “sáo” tôi đã nhìn ra chị Thọ. Mắt của chị sững lại nhìn tôi chằm chằm, giọng của chị vẫn còn trong suốt như xưa.
- Cậu Bình hãy còn sống ư?
Rồi chị rút khăn ra lau mắt, còn tôi cũng không thốt ra lời!
Sau những phút hàn huyên của những tháng năm dài xa cách, tôi được biết sơ lược: Bà cụ Lý có sáu người con, ba người con trai và ba người con gái, chị Thọ là cả.
Nguyễn Vĩnh Lý, đã chết từ 1974.
Nguyễn Đức Lập, đã vào trường Sĩ quan Thủ Đức và đã chết trận, để lại vợ và hai con.
Nguyễn Thành Phong, người em út cũng đã chết do vượt biên đường bộ sang Căm – Pu – Chia, (cuối 1976).
Tôi bàng hoàng, bao nhiêu người đã chết, cả cậu em trai của tôi. Còn tôi, tôi đã đi vào chỗ “thập tử nhất sinh” lại sống trở về đúng là lẽ đời thật huyền diệu!
Tôi đã vội hỏi đến Nguyễn Hữu Lợi. Được biết Lợi hiện nay khá giả, đã có bốn con, đang ở phía bên Cầu Kinh, Gia Định. Tôi và chị Thọ hẹn nhau, sáng mai chị sẽ dẫn tôi sang nhà Lợi. Trên đường đạp chiếc xe “cà cộ” về nhà, chân tôi nhiều lúc như rời ra, không muốn đẩy vào bàn đạp nữa, chỉ vì dòng tư tưởng của tôi nhiều lúc như xoắn lại, co kéo nhẩy ra nhiều lần, về thân phận của con người trong một đất nước gặp phải ”Vấn Nạn “. Bất cứ nước nào gặp phải cái ”vấn nạn” này, dân chúng cũng đều điêu linh cả. Gặp ít thì dân khổ ít, gặp nhiều thì dân khổ nhiều, khổ lâu.
Ban đêm, bố mẹ tôi ngủ ở dưới nhà, bố một giường ở gian ngoài, mẹ một giường ở gian trong. Một mình tôi thênh thang trên gác, sàn gỗ, không có giườơng, bàn, tủ, ghế. Tôi trải một chiếc chiếu, với một cái màn cạnh chiếc cửa sổ, tôi nằm giạng chân, giang tay, tưởng như trên trái đất này có mỗi một mình tôi. Để bù lại những ngày tháng trong tù, nằm nêm, ép chật chội. Tôi tưởng sẽ đánh một giấc Nam Kha ngon lành, sáng mai theo lời hẹn với chị Thọ, dẫn đến nhà thằng Lợi.
Một mình mà cứ lăn lộn, trở mình hoài, không ngủ được. Quá nửa đêm, một âm thanh rất lạ, rù… rì… vi… vu, tôi tưởng là tiếng “gáy gỗ” của thầy tôi ở dưới nhà vẳng lên, có lúc nghe như bên hàng xóm nhà ai đang đẩy, kéo giường hay tủ trên sàn gỗ. Bây giờ thì nghe rõ là tiếng sấm ở xa xa, nghe như tiếng xay lúa của một cụ già trong làng quê rời rạc, hổn hển đẩy cái cần của chiếc cối xay ọc ạch, cũng như tuổi đời của cụ.
Bỗng nhiên gầm, rú lên như có nhiều chiếc cối xay của những chàng thanh niên lực lưỡng, thi nhau đẩy cần. Tiếng sấm của Thành Đô nghe thật lạ, có thể do khí quyển miền nhiệt đới, hay lý do nào khác tôi không rõ. Tôi nghe tiếng sấm của Sài Gòn, khác hẳn tiếng sấm của miền Bắc.
Đã có những hạt mưa long tong, lách tách. Lúc đầu, tôi tưởng là tiếng chuột, đang gặm gỗ làm tổ ở trong vách nhà. Rồi như một đàn chuột chạy đùa, đuổi nhau trên mái tôn. Một tiếng nổ to tôi giật mình, làm cả căn nhà như rung lên, một làn chớp xanh lè nháng lên làm sáng cả căn gác. Thế rồi, như nước ở trên trời đổ xuống.
Mưa của Sài Gòn cũng khiếp thật, khác với mưa Hà Nội, nó nhè nhẹ lả lơi như hơi thở của một thiếu nữ thanh tân, nồng giấc trưa hè. Nằm mãi nghe âm thanh của một đêm mưa, những giọt tong tong của một chiếc máng, rơi vào bể nước phía sau nhà. Dòng nước xối xả, chảy từ mái nhà bà Cần xuống hè đường, phía đối diện.
Tiếng rọc rạch, rổn rảng của chiếc máng nhà cụ Thanh bên cạnh, nghe như một đàn cua rốc chạy trên một cái mâm đồng.. Tiêng gió lắt lay, lồng lộn đập vào tấm phên trước cửa nhà ông già Tấn. Tất cả, như một buổi hòa âm của một tụ điểm nhạc thính phòng, đã khắc ghi vào lòng tôi một đêm Sài Gòn mưa rơi. Rồi tôi đi vào giấc ngủ muộn đêm hè lúc nào không hay.