Thất bại thực sự duy nhất chính là không dám khởi sự.

Harold Blake Walker

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 149: Chim Về Tổ
huyện khó tin, mà lại có thật! Chỉ hai ngày hôm sau, một buổi trưa toàn trại đang ngồi xếp hàng chờ, để đi lao động như mọi khi, có mấy cán bộ lạ đã đọc tên tha 7, 8 người. Sáu, bảy người là tù hình sự, hai người tù chính trị là:
- Phan Thắng Toán (Toán Xồm)
- Đặng Chí Bình
Không những anh em bàng hoàng, mà chính tôi cũng bàng hoàng, đờ đẫn. Tám người vừa được đọc tên ở lại trại, không đi làm. Với bao nhiêu cặp mắt ngoái nhìn lại nhau, như muốn nói ngàn câu, tâm tư nhiều ngả. Đã có kinh nghiệm, trời đã chiều, còn phải làm nhiều thủ tục v.v... Chắc đêm nay chúng tôi còn phải ngủ lại trại, được tha hồ hàn huyên với các anh em. Đúng như thế! Chúng tôi được phát mỗi người một bộ đồ nâu mới, và được gọi ra hội trường để được lên lớp, giáo dục, làm giấy cam đoan v.v... Cái đêm hôm ấy:
Thâu đêm, suốt sáng xầm xì
Ngàn xưa, xin để chút gì ngàn sau.
Tôi đã mang nhiều những cánh thư, chứa đựng nhiều những nhắn nhủ nhớ thương, về cho một số gia đình anh em BK, ở phương trời phía Nam. Sáng hôm sau, một chiếc xe cam-nhông ọp ẹp chắp vá, từ cái thời (Bảo Đại mới lên ngôi) chờ ở ngoài cổng trại. Vì tôi về Sài Gòn nên được phát cho 48 đồng (tiền xe lửa) và một tuần, tem phiếu lương thực.
Cùng đi trên chiếc xe ra ngã ba Chòm Chuối, rồi ra ga tàu, có hai tên CA cũng đi phép. Chiếc xe bắt đầu từ giã trại Thanh Phong, cuốn bụi đường đất, tiến về phía Chòm Chuối. Nó lắc lư, nghiêng ngả, như vừa được nhắp mấy chén rượu nồng. Trên xe tôi ngước mắt nhìn trời xanh, với những đám mây vàng ửng hồng phía sau. Một đàn vạc hình cánh cung, đang sải cánh bay theo chiếc xe, miệng chúng kêu quang quác, như hoan hô chào mừng, tôi nghe như:
“Hôm nay, các anh mới thực sự được ra chiếc lồng to! “
Những nét trầm tư, những cử chỉ lúng túng, xốn xang của những tên tù mới được tha, đã bị niềm phởn phơ hưng phấn quấn quít, làm cho hai tên CA cũng vui lây. Đến ngã ba Chòm Chuối, tôi đã có chủ trương từ đêm qua, thay vì lấy vé tàu xuôi về Nam, tôi lại trở ngược ra Hà Nội. Tôi đã có ý nghĩ rằng, phải về thăm Hà Nội sau 18 năm ở trong tù, vừa thực hiện được ý định, khi còn là công nhân “đểu‟, hơn hai năm trước. Vả lại, tôi có linh cảm, nếu không nhân cơ hội này, tôi khó có ngày trở lại đất Văn Vật mến yêu.
Toán Xồm và 5 cậu hình sự, không thích mặc bộ quần áo nâu. Các cậu tuy có những quần áo tư, nhưng đều đã đóng dấu của trại Riêng tôi, từ trong trại tôi vẫn mặc chiếc áo sọc tù có chữ “cải tạo” to tướng, ở trước ngực và sau lưng. Không những tôi không ngượng ngùng như các cậu hình sự, mà tôi vẫn thấy phảng phất niềm tự hào, của con đường tôi đi. Tôi đã bán ngay bộ đồ nâu cùng với các cậu, lấy 7 đồng. Thế là chỉ có mình tôi duy nhất vẫn mặc quần áo tù. Tôi đường hoàng, mặc bộ quần áo này về lại thủ đô Hà Nội.
Ở Chòm Chuối hai tên công an, 5 cậu hình sự, Toán Xồm và tôi cùng ngồi uống nước ở một căn lều bán cơm. Hai tên CA về mãi Phú Thọ, chỉ có hai cậu hình sự về Phủ Lý. Vì tôi cũng về Hà Nội, nên tất cả định đưa tiền cho hai tên CA, cùng lấy vé luôn. Mười hai đồng một người về Hà Nội, 9 đồng vé về Phủ Lý. Qua vài câu chuyện thấy hai tên CA chừng 26, 27 tuổi có vẻ “cả đẫn một cục “. Tôi hỏi:
- Các ông cũng phải lấy vé à? Có được giảm giá không?
Hai tên là Thái và Diệu đều lắc đầu!
- Nếu đi công tác, thì không phải mua vé!
Thấy hai tên trả lời như thế, chợt óc tôi lóe ra một mưu kế. Tôi quay ra hỏi Toán Xồm, và cả mấy cậu hình sự:
- Chúng ta 9 người đều về Hà Nội, lại có 2 anh CA (bây giờ gọi là anh), tôi có một cách để không phải mua vé. Các anh có đồng ý không?
Mắt ai cũng sáng lên, đồng ý (nhưng không tin tưởng lắm). Tôi phải nói sơ: Bẩy chúng ta cứ lên tàu, tìm một hàng ghế, rồi cùng ngồi tụm lại. Khi người soát vé đến, hai anh CA mặc quần áo vàng và đeo huy hiệu, mặt nghiêm đứng hai đầu ghế. Bẩy chúng ta không nói chuyện đùa bỡn, coi như chúng ta vẫn là tù, có CA dong tù v.v...
Cuối cùng cả bẩy người, đều về Hà Nội không mất tiền, hai cậu hình sự xuống ga Phủ Lý cũng thế. Tên CA Thái cũng đóng đạt vai trò. Ở nhà ga Nam Định, tên soát vé đi đến, tên Thái hất hàm chỉ bẩy chúng tôi mặc áo tù:
- Tôi đưa đám phạm này về Hỏa Lò.
Cái uy lực của “áo vàng”, người dân vẫn nem nép. Đến ga Hàng Cỏ thì chia tay, mỗi người mỗi ngả đời. Chẳng hiểu những người muôn năm cũ ấy, có còn một chút nào mờ nhạt, nhớ đến chuyến tàu năm xưa? Họ ở đâu bây giờ?
Mười tám năm tròn, hôm nay tôi lại được vinh dự nhìn lại bộ mặt của mảnh đất “Ngàn năm văn vật”.
Từ ga Hàng Cỏ, tôi vẫn mặc bộ quần áo tù, vai đeo một cái tay nải mầu xám đã cũ mèm, với đôi dép Bình Trị Thiên. Tôi lang thang về phía Hàng Bột, tìm về nhà người em gái họ: Nguyễn thị Quy, con gái của bà dì ruột. Năm 1978 tôi ở trại T 52 Hà Sơn Bình, đã nhận được lá thư duy nhất trong 18 năm tù, của vợ chồng em Quy. Đây, chính là nửa lý do, để tôi quyết định trở lại Hà Nội, trước khi về Sài Gòn.
Ngay từ lúc con tàu gần đến bến xe Kim Liên, lòng tôi đã bồi hồi xúc động, như tôi đã thoảng thấy cả hơi thở, của Hà Thành dấu yêu. Cái mùi pha trộn giữa hoa Sen, hoa Ngâu và hoa Đào đã nồng nàn, luồn trong gió.
Hà…Nội ơi……..Hướng về thành phố xa xôi……
Ánh đèn giăng mắc…….muôn nơi. ….
Tôi xa Hà Nội năm tôi 18 khi vừa …….
biết nhớ………biết ….yêu ….một..mình……
Ga Hàng Cỏ đây rồi, vẫn chiếc đồng hồ năm xưa, vẫn những mái dài, mái cong ẻo lả. Ngày xưa thì dòng người đầy mầu sắc sinh động, xôn xao chen chúc qua lại. Còn nay, nhìn ga Hàng Cỏ, tôi có cảm tướng chiếc áo ngày xưa, thời mới lớn đã bị sờn vai, rách cổ, chằng đụp nhiều chỗ vá, do cảnh sống bần hàn tất tả ngược xuôi, cũng chẳng khác gì chính bản thân tôi. Mắt tôi đờ đẫn nhìn những cảnh chen chúc, gánh gồng của phố ga, để rồi mọi người đã bắt tay tôi từ giã, mà hồn tôi vẫn còn lảng vảng bên ngoài. Toán Xồm cũng đã chào tôi, đi từ lúc nào.
Như đã có chủ định từ trước, tôi sẽ tìm về Hàng Bột, về nhà người em gái bé tị, ngày xưa ấy. Chân cứ bước, dòng tư tường đi riêng từng ngóc này, nẻo kia, của “ngày xưa thân ái”, để rồi dưới ánh nắng chiều, tôi đã thấy bóng Tháp Rùa từ xa. Lạ thật, tôi có định ra thăm hồ Hoàn Kiếm, hôm nay đâu? Dự trù là ngày mai, nhưng chân bước đã ra tới đây, thì làm sao tôi còn quay gót được?
Trời xanh thẳm, không một gợn gió, mặt hồ im lặng như một tấm gương, đăm đăm nhìn trời. Hồ Gươm thiên nhiên đẹp lộng lẫy. Hà Nội có hồ Gươm như một mỹ nữ đeo chiếc vòng ngọc quý.
Ngược dòng lịch sử, đầu thế kỷ 15, nhà Tiền Lê đại thắng quân Minh. Trong một buổi bơi thuyền, rùa thần đã nổi lên. Vua Lê đã trả kiếm lại cho thần Kim Quy, và từ đấy hồ được mang tên: Hồ Hoàn Kiếm.
Hồ có tháp rùa (từ hố sâu thẳm của ký ức). Trước đây, thỉnh thoảng những con rùa ngàn năm lên phơi nắng trên miếng đất dưới chân tháp. Đền Ngọc Sơn được xây trên một nền đất, như một hòn ngọc nổi trên mặt hồ. Đền thờ nhiều vị thần linh, chánh thần là Văn Vương, coi về văn học. Sau này thờ thêm một vị tướng “Trần Triều Hiển Thánh” là Hưng Đạo Đại Vương.
Cổng chính quay về hướng Đông, một chiếc cầu cong sơn đỏ, bắc vào đền gọi là cầu Thê Húc (nơi tụ ánh sáng ban mai). Tôi đã thấy rõ nhà bưu điện, tháp bút với 3 chữ lớn lồ lộ: Tả Thanh Thiên”.
Đền Ngọc Sơn, Trấn Ba Đình và cả ngôi nhà Thủy Tạ trắng toát, ánh nắng phản chiếu đều lộn ngược đầu xuống hồ. Thậm chí tôi còn nhìn rõ, những tàng Phượng vĩ đỏ chót, cùng với 2 toa của chiếc xe điện thời Tây, ở dưới đáy hồ.
Chân tôi đã tiến đến 2 hòn đá tảng, nơi tôi đã ngồi câu tôm hàng giờ với thằng Long Ngõ Huyện, thời trước 1954. Hai hòn đá như có hồn, như chúng muốn nói với tôi: “Chào anh Chúng tôi vẫn còn đây, mời anh ngồi đí!”. Một không khí ấm áp tình cố tri quen thuộc, như len lén vào lòng.
Cũng nơi đây 18 năm xưa, thân phận tôi như một con mồi. Năm, sáu người thợ săn, của phản gián Hà nội, chĩa những con mắt cú vọ nhắm vào tôi (xin đọc Thép Đen I). Dòng tư tưởng đó đến, đã bắt tôi phải ngoái đầu lại, xem có cái đuôi nào bám theo mình? Như một phản ứng, tự nhiên. Nó cũng làm tan biến cái khung trời, đầy mầu sắc trước mặt, và trong hồn tôi
Ánh nắng đã xiên khoai, tôi phải tìm về Hàng Bột đã. Nhìn căn hẻm tồi tàn, đã nói lên cảnh sống của các chủ nhân. Một người phụ nữ chừng ba chục tuổi, ra mở cửa. Bốn mắt nhìn nhau đến ngỡ ngàng vài giây. Tôi phải lên tiếng trước:
- Xin lỗi, đây có phải nhà của Nguyễn Thị Quy?
Người phụ nữ càng mở to mắt, rồi ngập ngừng:
- Thưa …..ông là …….
Tôi nói luôn:
- Đặng Chí Bình!
Cô ấy ôm chầm lấy tôi. Vai cô run lên! Phía trong nhà có hai đứa con trai nhỏ chừng ba và sáu tuổi, đứa ngồi trên chiếc ghế con, đứa đang nằm bò ra nền gạch. Tôi xúc động không nói lên lời. Câu đầu tiên cô em nói, trong nước mắt đoanh tròng:
- Anh gầy quá!
Tôi hỏi:
- Chú ấy đâu?
Cô em chậm rãi:
- Nhà em đạp xích – lô, có khi tới khuya mới về.
Sau những hàn huyên nghẹn ngào, xúc động, tôi được biết sơ lược: Quy năm nay 28 tuổi, lập gia đình lúc 21. Như thế 1954 cô ấy mới 2 tuổi. Thế mà nghĩa tình của cô em, thắm đậm như anh em ruột thịt. Tôi xin cảm ơn và xin ghi nhận, nghĩa tình của cô. Hiện nay cô có hai con nhỏ ba và bẩy tuổi, chú ấy trước đây là công nhân ở khu “Cao Xà Lá ” (Cao su, xà phòng, thuốc lá). Thất nghiệp hơn 3 năm nay rồi, bây giờ chú phải đạp xích-lô để nuôi vợ con.
Khi quyết định trở ra Hà Nội, tôi định nếu thuận tiện, sẽ ở lại 2, 3 ngày, rồi mới vào Nam. Nhưng tình cảnh nghèo nàn này, tôi chỉ muốn gặp chú ấy nữa thôi, tên chú là Tỉnh. Những người nghèo mà có lòng! Tôi không có gì để giúp đỡ cô chú ấy. Thật là may! Không biết do linh tính hay cô ấy đã nhắn bạn đạp xích lô ngay 8 giờ tối hôm ấy chú đã về nhà. Con người của chú Tỉnh, khi gặp và tiếp xúc tôi lại càng thương mến hơn. Cô chú ấy cứ nằng nặc mời tôi, ở chơi Hà Nội vài ngày. Như tôi đã trình bày, nhìn hai đứa cháu nhỏ, nhìn cảnh sống của cô chú ấy, ruột tôi xót xa và hận cho tôi bất tài, không có khả năng nào để giúp đỡ người thân. Thì còn vui gì mà ở lại!
Có một điều trùng hợp trong buổi gặp cô chú Tỉnh, cả hai phía, tôi lẫn cô em đều muốn biết tin tức về bố mẹ tôi ở Sài Gòn. Những năm, 1956 – 1957 còn gửi thiệp Bắc Nam, nhưng đến 1958-1959 và sau này, thì thiệp thư Bắc Nam đều đã ngừng. Thế là cả hai bên mong ngóng, nhưng cả hai đều không biết gì.
Một bữa cơm gia đình sum họp, dù chỉ có rau, dưa và mấy quả trứng vịt tráng, nhưng đầy nghĩa tình không thể quên. Buổi tối, tôi dứt khoát xin nhờ chú ấy, 5 giờ sáng mai đưa tôi ra ga Hàng Cỏ về Nam. Nước mắt của cô Quy đã chảy nhiều, nhưng tôi vẫn duy trì ý định.
Đêm hôm ấy, cô chú và cả tôi cứ trằn trọc thấp thỏm, ngủ không yên. Mới 4 giờ sáng cô em đã dậy lục đục nấu cơm, rồi nắm cho tôi một nắm cơm với muối vừng. Từ chối thì cô chú ấy sẽ buồn, tôi đành nhận nắm cơm, nhưng tôi dứt khoát không ăn sáng, lấy lý do bụng hãy còn no và không quen ăn sáng sớm. Tôi muốn dành lại cho hai cháu nhỏ.
Hai đứa nhỏ còn ngủ, cô ấy cứ nằng nặc đòi đi theo tôi ra ga để tiễn chân. Tôi hiểu đêm qua, cả cô chú ấy đều thiếu ngủ, chú ấy còn phải đạp xích lô cả ngày kiếm ăn, vì thế tôi giao hẹn, cô chú chỉ đưa tôi đến ga rồi phải về ngay, nếu không đồng ý, tôi sẽ đi bộ ra ga một mình.
4:30 đã ra tới ga Hàng Cỏ, cô ấy ôm lấy tôi, nước mắt lại đầy vơi còn giúi vào tay tôi 20 đồng. Tôi có là người mất trí, mới nhận 20 đồng này. Cô chú ấy đã làm cho chính tôi, nước mắt cũng vòng quanh.
Một mình tôi khoác chiếc tay nải, lủi thủi bước vào trong ga, thất thểu, ngơ ngác nhìn cuộc đời, nhìn dòng người lạ lẫm. Một lúc sau, nhìn sang phía góc trái, một hàng dài đến 4 – 5 chục người xếp hàng, đợi mua vé. Tôi hỏi và được biết, đúng là chỗ mua vé tàu đi vào Nam.
Đứng xếp hàng một lúc, nhìn thấy hàng còn dài quá. Tôi nghĩ, cứ như thế này, phải 2- 3 giờ nữa mới đến lượt mình. Tôi cũng thấy hơi là lạ, là ai cũng chăm chú nhìn tôi. Đứng một lúc, tôi chợt hiểu, họ nhìn chỉ vì bộ quần áo tù của tôi và cái dáng dấp gầy xanh, như người có bệnh lâu ngày. Tôi nghĩ, cứ lên thẳng chỗ cô mặc bộ đồ vàng, đang bán vé hỏi xem, may ra được chiếu cố vì mới ở trong tù ra. Nghĩ như thế, tôi lấy tờ giấy tha ra tù, đi lên chỗ cô bán vé. Tay cầm giấy, tiến dần đến chỗ cửa sổ bán vé, cả giòng người xếp hàng đều bàn tán nhìn theo tôi. Mặc, tôi đến trước quầy vé:
- Thưa cô, tôi vừa ở tù ra, tôi muốn mua vé đi Nam, cô có thể thông cảm bán ưu tiên cho tôi không?
Cô ta ngẩng mặt nhìn tôi, cả mấy người xếp hàng đều quay lại nhìn tôi. Cô ta giọng hách dịch:
- Cho tôi xem giấy của anh!
Cô cầm tờ giấy ra trại, cắm cúi xem, quay ra nhìn tôi, rồi nói to với những người, đang xếp hàng:
- Đây là một anh đã ở trong tù 18 năm, anh mới từ trại giam ra ngày hôm qua, đồng bào có đồng ý bán vé cho anh ta trước không?
Ồn ào nhiều tiếng nói:
- Đồng ý, bán vé cho anh ấy trước!
- Hãy bán vé cho anh ta đi!
- Chúng tôi hoàn toàn đồng ý! Cô hãy bán vé cho anh ta trước!
Mặt cô bán vé tươi hẳn ra, và tôi cũng xúc động không ngờ. Cô bán vé ngước lên hỏi tôi giọng dịu đàng, khác hẳn khi nãy:
- Anh muốn đi ngày nào?
Niềm hưng phấn của tôi, hãy còn đầy ắp:
- Tôi đi ngay hôm nay ạ!
Mọi người đều ồ.. ồ lên. Cô bán vé mở to mắt nhìn tôi, rồi từ tốn:
- Mọi người xếp hàng ở đây, mua vé cho thứ Hai tuần sau mới đi!
Có một bà đứng gần đấy, nói rõ ràng rành mạch:
- Anh ở trại lâu nên không biết! Bây giờ xếp hàng mua vé phải hàng tuần lễ nữa mới đi, làm gì có kiểu mua vé đi ngay?
Như trên trời rơi xuống, tôi buồn và ngơ ngác, tay cầm tờ giấy ra trại (do cô bán vé đưa lại), tay xách chiếc tay nải tiến ra giữa sân ga, lòng chưa biết tính sao? Tiền đâu để ăn cả tuần lễ? Lại về làm phiền cô chú em ư?
Trời sáng dần, nhiều người vây quanh lấy tôi, bỗng có một bà cụ chừng ngoài 60, tay cụ như cầm cái gì đút vào túi áo tù của tôi. Tôi đang thò tay vào để xem cái gì, lại một ông dáng nông dân đút vào túi kia. Bà cụ đút vào túi tôi năm đồng, ông nông dân cho ba đồng. Tôi còn đang lúng túng thì một cô chừng 20 tuổi tóc ngắn đưa cho tôi hai ổ bánh mì có nhân. Đồng bào vây chung quanh tôi đến hàng chục người. Tôi bàng hoàng bất ngờ, ai cũng nhìn tôi bằng những đôi mắt thương cảm, ái ngại.
Mười tám năm xưa, khi tôi ra Bắc, rồi bị bắt, người ta đã xô đến ném đá, chửi bới tôi là biệt kích, gián điệp, ăn gan, uống máu nhân dân ra phá hoại miền Bắc, như ở Hà Tĩnh. Mười tám năm sau, tôi ra tù thì đồng bào đã đối xử với tôi như thế này. Đồng bào đã thể hiện tình thương yêu chân chính, của những người cùng một nước. Như thế đường tôi đi, đường tôi chọn là đúng, con đường thực sự mang lại dân chủ, tự do, cơm no, áo ấm cho mọi người. Tôi cảm thấy thật gần gũi, trong tình đồng bào.
Trời càng sáng dần, khi tôi còn đang đứng trong vòng vây của nhiều người tò mò, thì có một ông chừng 44, 45 cao lớn, mặc quần áo bộ đội, không đeo quân hiệu, quân hàm nhưng đeo khẩu súng ngắn, trễ bên hông. Ông ta rẽ đám đông đến bên tôi, ôn tồn:
- Anh cho tôi xem, giấy tờ của anh?
Giấy ra tù tôi đang cầm ở tay, tôi đưa luôn, mình thực thì có gì phải ngại ngần. Ông ta đọc xong, nhìn tôi rồi dõng dạc:
- Tôi cùng gia đình đi chuyến tàu vào thành phố HCM lúc 7:30, gia đình tôi có một người em bị bệnh không đi được, anh có muốn đi thay, thì đi theo tôi.
Đúng là nắng hạn lại gặp mưa rào! Tôi mừng quá. Có mấy người cũng thúc hối. Một bà chừng hơn bốn chục, nét mặt rất đôn hậu đẩy vai tôi:
- Anh đi theo ông ấy đi, may quá… Tôi cũng yên lòng!
Tôi chào mọi người, rồi vội vàng theo cái ông đeo súng! Tôi tưởng như mình đang từ giã những người ruột thịt. Ông ta trả lại giấy cho tôi, rồi căn dặn:
- Anh đứng đây chờ tôi một chút nhé!
Đi chừng hai chục phút, quay lại, ông vồn vã kéo tay tôi lên một toa tàu. Đến một khoang ông mở cửa, bên trong có 2 cái giường sắt to và nhỏ. Cái to có một chị chừng 30- 35 tuổi với một đứa nhỏ 2, 3 tuổi. Ông đeo súng quay lại tôi, nói với người phụ nữ đang ngồi ôm con trên giường:
- Đây là anh Bình, anh đã nói với em. Còn đây là nhà tôi!
Tôi hơi cúi đầu ngập ngừng:
- Xin chào chị ạ!
Ông đeo súng chỉ tay vào chiếc giường con, sốt sắng:
- Đấy, anh sử dụng chiếc giường đó, thay chú em tôi.
Tay tôi đang ôm 2 ổ bánh mì, 2 cái bánh bao, và 2 cái bánh giò của đồng bào cho. Tôi nhìn em bé nhưng nói với chị phụ nữ:
- Anh chị giúp tôi, cho cháu ăn hộ bớt, tôi làm sao ăn hết!
Nói rồi, tôi chỉ cầm một ổ bánh mì, còn đặt hết xuống chiếc giường to. Đúng là tác phong quân sự, anh cười, bảo:
- Cứ để đấy.
Thực là một sự may mắn kỳ diệu. Chuyến tàu xuôi Sài Gòn 7:30 chuyển bánh. Anh chị Thanh, (tên anh đeo súng là Thanh) chuyển công tác vào Nam mang theo cả gia đình. Anh Thanh vội vàng ra sân ga mua ít bánh trái để ăn dọc đường. Anh đã đọc giấy ra trại của tôi, đã biết tôi là gián điệp của VNCH, nhưng thái độ của anh tỏ ra “không thành vấn đề” giúp người không may là chính. Tôi hiểu, thời gian còn dài, từ từ tôi sẽ tâm tình chuyện trò.
Ánh nắng ban mai như dát lụa, ẻo lả luồn qua cửa sổ trải dài một mảnh vuông lung linh, giữa khoang tàu. Tàu bắt đầu chuyển bánh, bất chợt anh Thanh chạy bổ ra phía cửa sổ, đầu và hai tay anh cúi ra phía ngoài, người anh cứ như cái máy, cứ kéo lên, giật xuống liên hồi. Quá bất ngờ tôi và cả chị Thanh chưa kịp có phản ứng, thì hai tay anh kéo lên một cái túi lưới nylon xanh, có hai ba con tôm càng khô. Anh Thanh đỏ mặt, tía tai, hổn hển quát:
- ĐM! Tao mà rút được súng ra, tao bắn vỡ đầu chúng mày!
Tàu bắt đầu chạy nhanh! Tôi đã hiểu: Nắng sớm, anh Thanh có 2 kg tôm he khô (tôm biển), hơi bị ẩm, anh sợ bị mốc, anh định treo phơi ngoài cửa sổ. Không ngờ tụi lưu manh chờ tàu chạy, chúng giật. Tôm đó là quà của anh mang vào Nam tặng bạn bè.
Qua việc này, tôi đã hiểu cảnh sống của XHCN hiện thực hơn. Người tôi rung rinh theo con tàu đang chạy xuôi Nam. Lòng tôi phơi phới mở rộng thênh thang, mắt tôi lững lờ nhìn qua cửa sổ những hàng cây trên đồi núi chạy vùn vụt về phía sau. Con tàu ré lên một hồi tu hu...... tu hu...... rồi hồng hộc chui vào một vùng ngát đẫm mùi hoa soan, chính chị Thanh cũng đập vai anh Thanh hỏi thương yêu:
- Cái mùi gì mà thơm thế hở mình?
Anh Thanh miệng thì ừ....ừ....nhưng đầu lại lắc lắc:
- Anh cũng chả biết mùi gì mà thơm thực!
Để dự phần vào cái hạnh phúc gia đình của anh chị Thanh, tôi quay lại:
- Mùi hoa soan của quê hương đấy! Tôi cũng hơi lạ, bây giờ mới giữa Hè mà sao lại có mùi hoa soan?
Nói rồi, tôi tiến ra sát cửa sổ con tàu, mặt trời đã lên cao đến hai con sào. Cả một vùng thiên nhiên mầu trắng sậm lẫn với mầu xanh của lá non đầu mùa. Hoa soan trắng, nhị và yếm mầu tím, hoà thành một mầu trắng sậm. Tôi cứ hóng cái mũi ra để hít, để nuốt vào cái mùi đậm đà chất phác, mộc mạc của quê hương tôi. Đột nhiên anh Thanh thốt lên:
- Tàu đã đến Phủ Lý rồi!
Tôi hiểu anh Thanh và tôi ở hai chiến tuyến đối đầu. Do những đẩy xô của hoàn cảnh, của dòng đời gặp nhau ở một tình huống: kẻ được người thua, nhưng cả hai phía đều đã thể hiện là những người có hồn “tình tự quê hương, người cùng một nước”. Phần tôi, phần của kẻ “chiến bại” tôi luôn luôn, kè kè đeo trên vai một cái “túi to lòng tự trọng”. Chỉ cần anh Thanh biểu lộ một vài hành xử, một vài lời nói, thở ra cái hơi của người “chiến thắng” thì ai cũng hiểu là tôi sẽ phải làm gì rồi.
Anh chị Thanh cũng hỏi han nhiều sự việc, để biết chính xác về tôi. Từ quan điểm chân thành, tôi nói lên lòng tự trọng và liêm sỉ của một người. Hơn nữa sự thật thì trường tồn, dài lâu nên tôi cứ thành thật tiếp chuyện anh chị. Tôi cũng hiểu sự thật nhiều khi thô lỗ, gồ ghề nhưng cuối cùng người nghe vẫn thích hơn là đánh bóng, hay sơn phết.
Tôi đã xác định, nhìn và hiểu thấu con đường tôi đang đi, dù có lúc bị ngăn sông, cách núi, có khi phải chui vào hầm tối lầy lội, nên tôi đã nói cho anh chị Thanh rõ vì sao tôi nhận một nhiệm vụ ra ngoài Bắc, và một vài nét chính trong tù mà tôi đã nhìn, đã nghe, đã trải qua. Anh chị Thanh tỏ ra quý mến tôi hơn, mà lúc đầu anh chị chỉ muốn giúp đỡ một người bất hạnh, không may đang gặp khó khăn, thế thôi. Tôi nói thế vì chứng cớ là anh chị cũng cho tôi biết những nét chính, của cuộc đời anh chị.
Chị Thanh là giáo viên cấp hai ở Hà Đông. Anh Thanh quê ở nông trường vải (quả vải) gần chùa Trầm, Hà Đông. Anh là cháu gọi tướng Lê Trọng Tấn bằng cậu. Anh đã công tác bốn năm trong ngành hoa tiêu, ở sân bay Nội Bài. Anh vừa được đi học hai năm ở Liên Xô. Hiện nay anh là Thượng úy chuyển công tác vào Nam, ở Đài kiểm soát không lưu trường bay Tân Sơn Nhất. Anh chị Thanh chưa hề vào Sài Gòn hay miền Nam bao giờ. Phần tôi chỉ biết Sài Gòn, hay miền Nam của gần hai chục năm trước.
Tôi kéo anh chị Thanh trở lại túi tôm bị giật lúc sáng, cứ nói những ý nghĩ trong lòng, tôi thành thực:
- Anh chị đã biết, gần hai chục năm ở một chỗ sâu nhất của một nhà tù, tôi không hề biết một chút gì về cảnh sống xã hội của miền Nam, cũng như miền Bắc.Tôi rất ngạc nhiên với việc sáng nay. Qua dư luận, hình như ở khắp nơi, cả ở miền Nam nữa có quá nhiều cảnh cắp, trộm, trấn lột, cướp giật v.v... Chả lẽ ngành cảnh sát, công an không giải quyết được
Nghe tôi nói và hỏi như thế, cả hai anh chị tỏ ra đăm chiêu mấy giây. Anh Thanh nhìn tôi, nói như giải nghĩa, giáo dục:
- Tiếc rằng bác Hồ mất sớm quá! Vả lại, anh tính, kẻ thù, đế quốc nó bao vây kinh tế như thế, nên nước ta mới nghèo túng!
Tôi biết không phải anh chị Thanh, mà hầu như đa số, nếu không nói là hầu hết nhân dân miền Bắc, đều sẽ trả lời như vậy, hoặc từa tựa như thế! Cũng có một số người hiểu rõ cái nguyên nhân, cái sự thật, thì đa số đã phải vào trong cái ”lồng nhỏ” rồi. Người nào còn ở ngoài là do khéo đậy miệng, hoặc mũ ni che tai, hay quần quật đêm ngày lo kiếm miếng cơm cho mình và gia đình, thời gian nào đâu mà đi chuyện trò.
Anh chị Thanh mãi không thấy tôi nói gì, nhưng chắc nhìn nét mặt, anh Thanh đã đoán ra là tôi không thỏa, khi nghe anh trả lời. Tôi nghĩ đây đâu có phải là một buổi tranh luận, hơn nữa anh chị ấy cũng như mọi người dân khác mà trung ương đảng cộng sản, đã đội cho cái “mũ ngựa” che tai, che mắt chỉ còn được nhìn về phía trước mà thôi.
Tôi chỉ hỏi nhẹ một câu như thế, để rồi tự anh chị sẽ suy nghĩ. Tuy vậy, cũng bằng những câu hỏi, tôi quay sang sốt sắng:
- Anh Thanh đã được sang Trung Quốc bao giờ chưa?
Cả hai anh chị đều trả lời với nét mặt tự hào, dù tôi chỉ hỏi anh Thanh:
- Năm 1976 chúng tôi còn là “nghiên cứu sinh ” đều được tham quan Bắc Kinh một tuần.
Tôi hỏi tiếp với vẻ trầm trồ ca ngợi:
- Thế anh chị có được đi Bắc Hàn chưa?
Cả hai anh chị đều lắc đầu, tôi lại hỏi:
- Thế còn Cu Ba và các nước Đông Âu?
Anh Thanh nhanh nhẩu:
- Kỳ hè năm đầu tôi đi Rumanie, kỳ hè năm ngoái tôi đi Albanie một tuần.
Tôi ôn tồn, từ tốn như muốn để anh chị Thanh cùng chia sẻ:
- Anh chị đã biết, cả cái tuổi trẻ của tôi nằm im một chỗ, ngay Hà Nội và Sài Gòn tôi còn không biết gì! Nhưng vì lòng quý mến anh chị, anh chị cho tôi hỏi một sự thật, có nghĩa là chính anh chị nhìn bằng mắt của mình, và suy nghĩ bằng óc của mình, chứ không phải vì theo suy nghĩ của người khác. Tôi không cần phải đến Bắc Kinh, Moscova, Albanie, Rumanie, dù là một tuần hay ở Liên Xô gần hai năm như anh. Anh có nhìn thấy từ cán bộ đến người dân ở các nơi ấy, đều làm ăn ngược xuôi vất vả? Xã hội không thiếu những cảnh cấp trộm, lừa lọc, giả dối. Nói không đúng sự thật, là chuyện thường xuyên, phải không anh?
Mặt anh Thanh đực ra suy nghĩ, đầu anh gật gật, rồi mở to mắt nhìn tôi:
- Sao anh biết rõ thế?
Anh hỏi tôi, nhưng cũng là câu trả lời rồi! Tôi nhìn anh chị nói tiếp:
- Không nói những nước anh đã đến, mà tất cả các nước cộng sản hay XHCN cũng sẽ đều như thế, và sẽ như thế mãi mãi. Những nước ấy chả có bác Hồ. Và như Liên Xô, Trung Quốc thì đừng hòng Đế quốc nào bao vây kinh tế, nếu không nói là chính những nước ấy đang đe dọa, o- ép nhiều nước khác. Những lúc thanh vắng, ngồi một mình, anh chị hãy chịu khó suy nghĩ mọi sự việc, bằng chính bộ óc độc lập của mình. Tôi tin anh chị sẽ nhìn rõ nhiều vấn đề, của thời đại chúng ta.
Khi thì trò chuyện, khi thì gửi hồn vào những chuyện không đâu để rồi con tàu Thống Nhất đã đi mấy ngày đêm, tôi cũng không hay, cho tới khi tàu ngừng ở ga Bình Triệu. Khi đó đã 11 giờ đêm, tôi và anh chị Thanh vội vàng lấy địa chỉ của nhau.
Lúc này mới đẻ ra một trở ngại: Phía tôi, địa chỉ của bố mẹ không biết có còn như xưa không? Phía anh chị Thanh, mới vào, chưa nhận công tác. Tôi đành đưa cho anh chị Thanh hai địa chỉ ngày xưa, của bố mẹ tôi và của vợ chồng người em gái, nếu có duyên thì sẽ tìm gặp lại nhau.
Tôi và anh chị Thanh cũng không biết tại sao xe hỏa cuối năm 1980 chỉ ngừng ở Bình Triệu, mà không vào thành phố HCM? Anh chị Thanh, cháu nhỏ và tôi đã chia tay nhau ở ga Bình Triệu. Phần tôi, vai vẫn khoác cái tay nải cũ, dép râu và bộ quần áo tù mầu xám. Tôi có hai bộ quần áo tù, một sọc, một xám. Bộ xám thì có dấu hắc ín, chữ “Cải Tạo” to tướng trước và sau lưng.
Trên tàu bước xuống đường nhựa, đèn điện đêm sáng trưng. Tôi ngơ ngác nhìn xa lộ rộng thênh thang. Tôi không xác định được phương hướng, phía trái hay phía phải về Sài Gòn? Một chàng trai Hà Nội, một chàng trai Sài Gòn và còn là một điệp viên nữa, thế mà lại “ngố rừng” như vậy, thật là chuyện cười đáng buồn. Tôi định hỏi thăm, nhưng lòng cũng hơi ngượng ngùng, nên miệng khó mở ra. Giữa hàng chục phút “ngắc ngư con tàu đi”, có một cậu xích lô còn trẻ, chừng 16 -17 tuổi quành xe lại hỏi:
- Chú đi bộ à, chú có đi xe không?
Tôi đã có chủ trương là sẽ dùng đôi chân lang thang, đi những bước đầu tiên trên Thành Đô xưa cũ của tôi, nhưng thái độ ngộ nghĩnh của cậu xích lô, làm tôi đổi ý. Tiền bạc không có bao nhiêu trong túi, nên tôi phải hỏi:
- Từ đây về đường Bắc Hải, khu ông Tạ thì cậu lấy bao nhiêu?
Đã không trả lời trực tiếp, cậu ta còn ríu rít hỏi lại:
- Chú mới ở trại cải tạo ra ư? Hơn một năm trước, ba cháu cũng được tha ra!
Tôi biết cậu đã nhìn rõ cái áo tù của tôi. Mặc thái độ đon đả của cậu này, tôi vịn tay vào thành xe, dịu dàng nhắc lại câu tôi đã hỏi. Cậu ta nhẩy xuống xe, vừa kéo ngay lại chiếc đệm xe, tay đập đập như phủi bụi, vừa như thúc giục:
- Chú cứ lên xe ngồi đi, rồi chú cháu mình nói chuyện.
Đường khuya, phố vắng, cái phút ban đầu gặp lại Thành Đô yêu dấu, thương nhớ đã êm ái, ấp ủ trong lòng tôi gần hai chục năm, hôm nay mới nhìn thấy mặt.
Sài Gòn ơi! Người là viên ngọc quý trong lòng tôi?!
Giọng cậu xích – lô đã làm ngắt quãng dòng tư tưởng của tôi:
- Ba cháu bị cải tạo hai năm, còn chú chắc phải ba năm, nên bây giờ mới được tha ra?
Cái giọng nhè nhẹ reng rẻng của miền Nam; chất phác ngọt ngào như trái dừa nước của Bến Tre, Định Tường. Một nguồn hứng cảm đã bừng dậy trong lòng, tôi khoắng tay, ý muốn ngừng xe lại:
- Chú cháu mình hãy hút một điếu thuốc, cho hồn mình lang thang đã!
Nhanh nhẩu, tôi lấy bao thuốc Trường Sơn đập điếu thuốc cho ló khỏi bao, đưa lại phía cậu. Cậu bé tên Dân, nhẩy xuống rút điếu thuốc rồi bật diêm cho cả cậu và tôi. Cậu bé ngửa cổ thở khói rồi hỏi ngay.
- Thuốc gì mà cái ” gu” lạ thế?
Tôi không ngờ khi ấy cộng sản chưa đưa thuốc này vào miền Nam, nên tôi ôn tồn giải thích:
- Thuốc Trường Sơn là loại phổ biến ở Hà Nội, cũng như ở cả miền Bắc lâu rồi!
Dân mở to mắt hỏi ngay:
- Vậy chú ở ngoài Bắc vào ư?
Tôi đành phải nói sơ sơ vài nét để cậu bé này đỡ băn khoăn, tò mò. Xe đang đạp ngon trớn, chuyện trò rôm rả, từ xa có mấy người quần áo xam xám đeo băng đỏ, dựng hai khẩu CKC ngồi, nằm chắn ngang ngay mặt đường. Gần đến nơi, cậu Dân đã phải ngừng xe lại.
Bốn, năm cậu đồng phục xanh xám, băng đỏ tiến lại, sau một lúc trao đổi, và nhất là sau khi các cậu băng đỏ xem giấy ra tù của tôi, một cậu là tổ trưởng cái tổ Thanh Niên Xung Phong đó, đã vồn vã:
- Trời ơi? Sao chú ở tù lâu thế? 12 giờ tất cả thành phố đều giới nghiêm, chúng cháu có để cho chú đi, vào tới trong kia chú cũng không đi được. Chú hãy đến chỗ chúng cháu uống nước, hút thuốc, nói chuyện cho chúng cháu nghe, rồi 3 giờ cháu sẽ để chú đi sớm nhất!
Nhìn lên, đây là đường Hồng Thập Tự, tôi quay ra nói với cậu Dân, và hỏi hết bao nhiêu tiền, vì cậu còn phải trả tiền mướn xe để chạy. Cậu nhất định không lấy tiền, và nói một câu vẫn còn hằn trong lòng tôi, từ buổi đầu hôm ấy:
- Dù cháu có đưa chú tới nhà, cháu cũng không lấy tiền, huống chi đang giữa đường. Cháu đạp xe cho chú, cũng như đạp xe cho ba cháu!
Tôi không thốt ra lời, vì xúc động. Tôi lấy một bao Trường Sơn mới (tôi có một “tút “, mua theo anh chị Thanh ở Vinh để làm quà) rồi ôm lấy cháu Dân:
- Rồi đây, dù chú cháu mình không gặp lại, nhưng chú sẽ ghi hình ảnh buổi hôm nay, chú cháu mình gặp nhau!
Ngồi vây quanh lấy tôi, bốn năm cậu thanh niên xung phong say xưa tò mò nghe bao nhiêu chuyện, mà trước đây chưa bao giờ nghe. Thuốc lào, thuốc lá, thậm chí cả bánh kẹo các cậu ấy nồng hậu mời mọc, để cuối cùng chớm 3 giờ sáng với những cái bắt tay, những cái ôm chân thành lưu luyến, chúng tôi từ giã nhau.
Một mình tôi sải bước về phía Hòa Hưng. Vừa đi, đầu óc tôi lảng vảng về các cậu thanh niên xung phong, vừa qua. Ngay ở miền Bắc, những thanh niên đã được thâm ý dầy công trồng người của lão “cáo” mà tôi tiếp xúc còn thiện mến, huống chi ở miền Nam. Tôi vẫn tin tưởng: Mình có sự thật là chân lý, biết ứng dụng nhuần nhuyễn với kinh nghiệm bản thân, thì thường hơn hẳn.
Nhìn đường phố trong ánh đèn đêm, tuy là “đường xưa, lối cũ” nhưng tôi vẫn cảm thấy một cái gì là lạ trong lòng. Nó không còn trọn vẹn cái thân thương, gần gũi tôi vẫn ấp ủ trong tâm tường bấy lâu. Gần 4 giờ, tôi đã đi qua nghĩa địa Đô Thành, với cái định vị trong đầu thì đây phải là đường Bắc Hải, nhưng sao đã thay đổi hết rồi.
Tôi nhớ ngày xưa, hầu hết các nhà trên con đường này đều lợp tôn, nhà gỗ. Hồi ấy một bên là tường xây của nghĩa địa, một bên là những ngôi nhà sàn, phía nửa sau nhà trên nước, nhưng bây giờ thì cả hai dẫy phố, nhà cửa hai ba tầng lầu. Chân cứ bước dần vào phía Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa và xứ Nam Hòa, mà lòng ngẩn ngơ như đi vào xứ lạ. Không còn một hình ảnh nào, để tôi nhận ra ” cảnh cũ người xưa.”
Tôi đã nhìn thấy ngôi nhà thờ Nam Hòa, xưa làm bằng gỗ, lợp tôn, nhưng bây giờ là một nhà thờ tân kỳ, kiểu mới. Tuy không có đồng hồ, nhưng qua dáng trời và ước định thời gian, tôi đoán có thể khoảng 4:15 hay 4:30 sáng. Tiếng chuông sớm của nhà thờ ngoáy thánh thót vào khung trời đêm Nam Hoà, cũng làm rung rinh hổn hển lòng tôi sắp gặp lại đấng sinh thành. Chợ Nam Hòa, xưa là những căn lều bốn cọc trống trải, giờ đây là những gian hàng xây ngăn nắp. Tôi còn đương ngơ ngác, ngỡ ngàng, thì thoáng có tiếng người nói chuyện từ một hẻm, rồi bóng dáng của ba người mặc áo dài trắng đi ra, đoán là những người đi lễ sớm, tôi tiến ra đón đường lễ phép:
- Xin vui lòng chỉ nhà của cụ Phúc (bố mẹ tôi) ở phía nào dùm?
Cả ba người phụ nữ đều kéo nhau chạy về phía nhà thờ! Tôi bàng hoàng, không hiểu vì sao. Hay cụ Phúc không còn, hay không có ở đây? Xác định vị trí các ngõ, đường ngày xưa, tôi quyết định vào một đường hẻm. Trong tâm tưởng của tôi, ngôi nhà của bố mẹ tôi tường xây, lợp tôn. Trước nhà có một cây trứng cá, mà thỉnh thoảng tôi còn hái quả chín ăn và cho em Lý và em Thu ngày ấy.
Tất cả nhà cửa, phố, đường đều đã đổi thay. Nhưng với óc định vị của nghề nghiệp, tôi xác định được một ngôi nhà. Đó là ngôi nhà hai tầng lầu. Cái ngõ ngày xưa đất cát đỏ, giờ đây là ciment bê tông, xe tắc – xi đi vào được. Tôi lần bước tiến đến ngôi nhà cửa đóng, nhòm vào tối sáng lờ mờ, không thể nhìn rõ vật dụng. Thoáng thấy căn nhà ba lầu trước cửa, trong bóng “cửa chớp”, có bóng người tóc quăn vì ánh đèn mới bật, chiếu ra, tôi tiến sang, nhã nhặn:
- Thưa, cho tôi hỏi thăm một chút ạ!
Bóng tóc xoăn biến mất tiêu!
Đành trở lại ngôi nhà, tôi xác đoán là ngôi nhà của bố mẹ. Trời sáng dần, nhìn vào một lần nữa. Một chiếc ghế bành trong bộ ghế ngày xưa đã phòi bông gòn ra ngoài, chiếc giường gỗ của bố ngày ấy, bỏ màn nhưng không có người. Đúng rồi, ngay cái mùi quen thuộc thương yêu ruột thịt của bố mẹ, đã tràn cả ra ngoài cửa sổ. Tôi đoán, có thể là các người đi lễ sớm! Tôi quay lại, thoáng thấy những bóng người trên ban công ở các nhà đối diện chạy vào trong nhà, rồi những bóng người thập thò trong các cửa sổ những nhà phía trước cửa. Trời càng sáng rõ. Trầm ngâm, tôi nhìn xuống đôi dép râu, rồi chiếc quần, tôi chợt hiểu. Chính vì cái dáng dấp và quần áo, không giống ai của tôi (trong giai đoạn cuối năm 1980), đã làm người ta tránh xa. Bây giờ thì mấy ban công đối diện, họ bảo nhau bước ra nhìn xuống tôi, thì thào bàn tán.
Cũng đúng khi ấy, thì lễ sớm nhà thờ tan. Từ xa, phía nhà thờ, có một cụ già tóc bạc phơ, với dáng gầy gầy, cao cao, đôi mắt lờ đờ, đang chống gậy lần bước tiến về. Mắt tôi tự nhiên mờ đi, niềm xúc động ứ lên làm run rẩy cả người, tôi tiến đến cầm vào tay người, miệng tôi thều thào:
- Thầy?.... …...
Thầy tôi ngơ ngác.
Tôi nghẹn ngào nói lại:
- Thầy ơi! con đây!
Tay thầy tôi run run để lên vai tôi, giọng hổn hển:
- Con là..... người, hay...... là ma?
Nước mắt tôi đã chảy xuống má, cả hai tay tôi cầm nhẹ vào tay chống gậy của thầy. Trong niềm xúc động ứ tràn, miệng tôi nói ngập ngọng trong cái mằn mặn của nước mắt:
- Con là người đây......Thầy ạ!
Miệng thầy tôi nói thều thào không thành tiếng. Thầy tôi rời tay khỏi vai tôi, run run móc trong túi, rút ra một chiếc chìa khóa đen và dài. Tay tôi đỡ chiếc chìa khóa, nhưng mắt tôi nhìn những bóng người phía sau thầy tôi, đang túa ra từ phía nhà thờ:
- Mẹ đâu …………..hở thầy?
Tôi đỡ tay, dẫn người đến cửa. Thầy tôi hơi ngoái đầu lại phía nhà thờ, giọng hãy còn thều thào, hổn hển:
- Mẹ mày…………..về ……sau …….?
Tôi đút chiếc chìa vào lỗ, tay run hay vì nước mắt mà mãi không được. Một ông đã đỡ chiếc chìa khóa mở hộ. Lúc này hàng chục người vây chung quanh, cả những người hàng xóm thập thò trên ban công từ sớm cũng kéo xuống, vào đầy nhà từ trong đến ngoài. Tôi vội vàng vắt chiếc màn lên rồi đỡ thầy tôi ngồi xuống giường. Thầy tôi cứ lảm nhảm điều gì tôi không nghe rõ, dần dần tôi đã nghe ra:
- Nhà ………hết …………gạo ………..rồi…………!
Nước mắt của tôi càng trào ra, vì tôi biết thầy tôi đã lẩn thẩn rồi! Để thầy tôi ngồi đấy, tôi chen ra phía ngoài để ngóng mẹ tôi. Vừa ra khỏi cửa, giữa đám đông người, tôi đã nhìn thấy một cô gái chừng 15 – 16 mặc áo dài trắng, đang dẫn một bà cụ lòa cả hai mắt, lần từng bước. Mẹ của tôi đấy ư! Một tiếng kêu rên trong đáy lòng? Tôi chạy bổ đến, hai tay ôm lấy mẹ! Tôi không nói thành lời:
- Mẹ ơi!
Một tay người cầm nhẹ cánh tay tôi, một tay xoa xoa lên đầu tôi, hai giòng nước mắt từ đôi mắt lòa chảy xuống má. Trong lúc tôi dẫn đưa người vào trong nhà, người hỏi tôi rõ ràng:
- Có phải thằng Bình thật không?
Tôi chợt hiểu, chắc rằng trước đây trong những lúc kêu gào khóc thương tôi, đã có nhiều người đến nhận là tôi, để giúp mẹ, tôi một cụ già mù lòa quay quắt thương nhớ người con. Mẹ tôi đã bị lừa nhiều lần rồi!
Tôi đã ôm chặt lấy mẹ tôi rên rỉ nói trong nước mắt:
- Con là Bình đây......... mẹ ơi!
Mẹ tôi rời cả hai tay sờ cổ, sờ mặt tôi, rồi khuỵu xuống!
Tôi bế vội, nhấc bổng mẹ tôi, mọi người tránh ra để tôi đưa người vào chiếc giường phía gian trong, có những tiếng hối hả:
- Ai có dầu nóng không? Bà cụ ngất rồi!........
Người đầy nhà, nhưng tôi chả còn nhìn thấy ai. Tôi đặt mẹ tôi ngay ngắn, đắp nhẹ chiếc chăn ngang bụng người. Một bà giúp tôi xoa bóp và gọi tên người. Hai, ba, người nữa đưa dầu nóng, giữa những tiếng gọi tên người và tên thánh:
- Cụ An na Nguyễn thị X!
Một giọng hách dịch dồ lên:
- Anh nào là Đặng Chí Bình?
Tôi đang ngồi gục đầu ủ rũ trên giường, bên cạnh mẹ tôi, ngửng lên là một tên công an áo vàng, đeo súng ngắn chừng 27-28 tuổi. Tôi đứng hẳn lên, giọng còn xúc động trả lời ” tôi đây”, Tên CA quắc mắt gằn giọng:
- Anh cho tôi xem giấy tờ?
Mọi người trong nhà đều nhớn nhác nhìn tôi lo sợ. Tôi mở cái ví con rách của một cậu hình sự, đã cho ở trại tù T 52 Hà Sơn Bình ba năm trước, rút tờ giấy ra trại đưa cho y. Khệnh khạng y cầm tờ giấy ra trại do Bộ Nội Vụ cấp, mở ra đọc, trước sự lấm lét lo lắng của hàng chục người trong nhà. Thầy tôi lúc ấy ở gian ngoài lại chống gậy lần bước vào, giọng đã khàn khàn:
- Nhà hết gạo ………..rồi!
Tôi hiểu, thấy tôi về mà không có gạo để nấu cơm cho tôi ăn! Tôi cố ngăn mà nước mắt của tôi cứ trào ra! Hình như mấy chục năm khổ đau, cùm kẹp, nước mắt tôi không hề chảy, tích tụ lại cho ngày hôm nay. Chính tôi cũng ngạc nhiên, sao mà tôi nhiều nước mắt như thế!
Nét mặt của tên CA đọc giấy, tỏ ra không hiểu đầy đủ, y khoát tay, nói như ra lệnh:
- Anh theo tôi ra phường!
Nhìn mẹ còn đang nằm ngất, không biết ra sao, nhìn mọi người âu lo cho hoàn cảnh gia đình tôi, tôi thấy một luồng hơi nóng ran truyền lên đầu tôi! Một vài giây ngập ngừng, tôi bước xuống đất. Mấy người cũng hẩy tay tôi ra phía cửa, bảo tôi:
- Anh cứ đi đi!
Nhìn mọi người rồi nhìn mẹ tôi còn nằm yên trên giường, tôi nói tha thiết:
- Xin bà con giúp đỡ.
Đi qua, tôi đặt tay vào cánh tay thầy tôi, cố nói to cho mọi người và tên CA cùng nghe:
- Thầy ở nhà, con về ngay?
Đi qua những con đường ngoắt ngoéo ra phường, liếc tên CA phía sau, lòng tôi nghĩ: “Lại có một tên đeo súng đi theo hầu “. Chừng 400 mét ra tới phường, nhìn tấm biển đỏ treo trước cửa, thì ra là Phường 6 thuộc quận Tân Bình.
Bước qua mấy bàn giấy, đến một chiếc bàn có một tên Trung úy chừng 35- 40 đang hách dịch ngồi, tên CA theo tôi đưa trình miếng giấy ra trại của tôi. Tên Trung úy cắm cúi đọc rồi ngẩng lên, chỉ tay một chiếc ghế trước bàn, ra oai:
- Anh ngồi đó!
Lưỡng lự một hai giây, tôi ngồi nhìn thắng y. Để “bắt mạch” món hàng buổi đầu, y nghiêm giọng:
- Từ Thanh Hóa về đây chỉ 3- 4 ngày, hôm nay đã 7 ngày, vậy còn 3 ngày nữa anh đi đâu?
Tôi hơi nhếch mép. Y phải nhìn thấy cái nhếch mép của tôi.. Đến những bậc thầy của y tại phòng phản gián, và chấp pháp của Hà Nội, tôi còn đối ứng được, huống chi là một tên công an phường. Điều quan trọng là phải quán thấu tình trạng, điều kiện cái quyền có thể của mình. Trong hoàn cảnh tàu, xe Bắc Nam hiện nay, những chuyện trục trặc, trở ngại là chuyện thường xuyên, không ai định trước được, vả lại có điều khoản nào trong giấy tờ ấn định ngày, giờ phải có mặt tại nhà đâu? Nghĩ như thế, tôi nhìn thẳng vào mắt y, thủng thẳng, ôn tồn nói:
- Tôi bị trở ngại tàu dọc đường!
Tên này cũng rất nhạy cảm, tuy tôi chỉ nhã nhặn nói như vậy, nhưng y đã thấy tôi không phải là loại trộ nạt được. Sơn ăn từng mặt! Mềm nắn, rắn buông! Y dịu giọng:
- Anh được Đảng và nhà Nước tha cho về địa phương, anh phải chấp hành mọi đường lối, chính sách của địa phương. Hơn nữa, anh còn đang ở dạng quản chế!.
Lại gặp những “con vẹt ” và “loài nhai” lại, tôi đứng thẳng lên, nhưng vẫn rất lễ độ, ôn tồn:
- Hôm nay buổi đầu được gặp các ông, chắc rằng tôi còn được gặp ông nhiều lần nữa. Hiện giờ mẹ tôi đang bị ngất ở nhà, xin phép ông tôi về xem mẹ tôi sống, chết ra sao!
Nói rồi, tôi hơi nghiêng người như chuẩn bị trở về. Tên Trung úy, sau này tôi biết y là Mậu, trường CA Phường 6, cũng đứng lên dõng dạc:
- Sáng thứ Hai, anh lên đây nhận chỉ thị!
Hôm nay là thứ Sáu. Tôi quay lại tỏ ra đường hoàng, nhưng rất nhã nhặn:
- Xin cảm ơn. Tôi sẽ lên gặp ông sáng thứ Hai!
Tôi trở ra ngay, trước sáu, bảy tên CA đứng phía trong nhìn theo. Tôi rảo bước nhanh chân, gần về tới nhà thì có một cô gái tóc dợn sóng chừng ba chục tuổi, đang hối hả đi ngược chiều tôi. Cô ta đi qua, còn ngoái lại. Tôi cũng vậy. Cô đó hơi ngượng ngùng quay lại nhìn tôi ngập ngừng:
- Xin lỗi có phải anh là………….
Niềm xúc động của tôi lại cuộn lên, tôi chộp lấy tay cô và kêu lên:
- Thu à?
Nước mắt của em túa ra, miệng méo xệch. Đè nỗi thổn thức vào lòng, tôi hỏi ngay:
- Mẹ sao rồi?
Em Thu đã cầm cả hai tay tôi kéo về phía nhà, miệng còn hổn hển vì xúc động:
- Mẹ tỉnh rồi, không sao cả anh ạ! Mẹ và bà con bảo em ra phường xem anh ra sao?
Hơi yên lòng, tôi dắt tay Thu, và nhìn em. Khi tôi rời xa, em là một cô bé 13 tuổi, thế mà bây giờ…. Mới nghĩ tới đấy, tôi và em đã bước vào nhà, vẫn còn bốn, năm bà và một ông trong nhà. Thầy mẹ tôi đang ngồi cạnh nhau, trên chiếc giường của mẹ tôi phía trong. Thấy tiếng tôi về, mẹ tôi quay ra, nhưng… … mẹ ơi! Mẹ đâu có nhìn thấy con? Tôi chợt nghĩ đến đứa em trai tên là Công Lý, khi tôi rời xa, em Lý 17 tuổi đang học Đệ Tam trường Hồ Ngọc Cẩn. Từ sáng tôi về chỉ thấy hai ông bà già, đã làm rối loạn lòng tôi, nên chẳng còn tâm trí nghĩ về em Xuân, em Lý và em Thu. Tôi quay lại hỏi thầy mẹ tôi, nhưng trong nhà ai cũng nghe:
- Thầy mẹ ơi! Em Lý ở đâu?
Mẹ tôi lại gục xuống gào lên:
- Nó chết rồi..... con ơi!
Như một hơi ép nén ngược lại, làm cho tôi không thở được, tôi phải để tay lên ngực và một bà đỡ cho tôi ngồi vào một chiếc ghế. Trong khi thầy tôi cứ nấc lên rồi lại kêu rồ… rồ như vướng cái gì trong cổ họng, còn em Thu đứng dựa, gục đầu vào tường vai run lên không nói ra lời. Tay tôi vẫn đè ở ngực, một nỗi đau như xé tim tôi, mà không hề chảy một giọt nước mắt. Thầy bố mẹ và em Thu thì nước mắt chảy ra không kịp lau, nghe tin em trai duy nhất chết lại chỉ có đau mà không có nước mắt. Có thể hạch nước mắt của tôi đã hết nước, hay nỗi đau đã dồn vào tim, vào óc? Tâm tư của tôi lại chảy ngược về em Xuân, cô em lớn sát tôi, em đã có hai con trước ngày tôi ra Bắc. Tôi đã góp phần giới thiệu để chú ấy làm công nhân, ở Công Binh Xưởng Hải Quân Ba Son.
Tôi quay lại, hỏi nhỏ em Thu:
- Vợ chồng chú Tuất, cô Xuân thế nào?
Có lẽ vì còn đông các bà, nên em Thu chỉ vắn tất:
- Anh chị ấy vẫn ở bên Lăng Cha Cả!
Thấy hai giòng nước mắt vẫn chảy ra từ hai con mắt loà nhắm nghiền của mẹ, tôi lại trèo lên giường ngồi bên mẹ, thì thào vào tai mẹ, nũng nịu như ngày còn bé:
- Sao mẹ còn khóc nữa hở mẹ?
Mẹ tôi nấc lên liên hồi, vừa nói, vừa khóc:
- Mẹ thương …… thằng Lý ……quá!
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen