We are too civil to books. For a few golden sentences we will turn over and actually read a volume of four or five hundred pages.

Ralph Waldo Emerson

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 147: Yêu Lầm, Chột Một Đời
hi chúng tôi từ khu biệt kích ra tới cổng trại; xa xa trong đám tối của những mái nhà tranh, của những lũy tre làng, có một khoảng sáng bật lên. Từ chỗ vùng ánh sáng đó, tiếng trống, tiếng kèn, đã văng vẳng nhào qua những cánh đồng, mời gọi khách lãm du, hãy rảo bước. Lòng chúng tôi cũng dấy lên một chút xốn xang. Dù đã tối, tôi vẫn thấy cái mênh mông, của đất trời rộng mở. Từng làn gió nhẹ, khe khẽ đưa cái hơi nồng của ruộng đồng, đến từng mũi mọi người.
Công An Vũ Trang với súng ống kè kè sau lưng, hôm nay cũng được tăng cường thật dầy. Tù nhân được lệnh tuyệt đối không được di chuyển, phải ngồi tại chỗ trong đội của mình theo nơi đã được quy định. Chỗ đi tiểu tiện, đã được quây cót, ở ngay phía sau mỗi khu.
Sau những thủ tục khai mạc của một trại tù như trước đây, đến phần trình diễn văn nghệ. Tôi đã hiểu đó là điều tất yếu của một trại tù trong chế độ VC. Chính tù, được xem anh em trình diễn, vừa được nghỉ ngơi mà vẫn còn, thấy ngán ngẩm. Hết ca ngợi quê hương 5 tấn, lại thúc giục xây dựng nhà máy, công nông trường.
Mãi gần về cuối, có một tiết mục hơi lạ. Hợp ca của khoảng 6 – 7 chục người. Các anh Z khéo chọn lựa, có đến 5 – 6 bè rõ rệt. Bè thì ồ ồ như tiếng xe cam – nhông đang chạy, bè thì nghe róc rách như nước suối chảy lưng đèo, bè nghe như tiếng chim non kêu gọi mẹ, vì đói ăn. Có bè réo rắt như Tiếng Sáo Thiên Thai của Văn Cao thời tiền chiến. Không những làm cho chúng tôi say mê đờ đẫn, mà còn làm cho lũ cán bộ và những người dân quanh vùng, mắt thao láo, mồm há hốc ra, như miệng của những con ếch đang gọi mưa.
Cả một đám đông hàng ngàn người, mà tôi còn nghe được tiếng quang quác, của những đàn ngỗng trời bay ngang. Một sự việc cũng quá đặc biệt, trước đây tôi chưa từng thấy. Theo lời người điều khiển chương trình, là ông phó chủ tịch Huyện, muốn có vài lời với mọi người.
Một ông chừng 50 tuổi, người bé nhỏ, nhưng nước da như người Ấn Độ, ông nói rất từ tốn và rõ ràng:
- Thưa các đồng chí! Do một sự may mắn, tôi được thay đ/c chủ tịch Huyện đi công tác. Tôi được dự một buổi văn nghệ ngoài trời, của trại viên trại T52 này. Phải nói tôi chưa bao giờ được thưởng thức, một ban hợp ca đầy sáng tạo nghệ thuật mới lạ như hôm nay, tôi xin cám ơn các anh trại viên.
Những tiếng vỗ tay râm ran, dai dẳng làm cho lòng tôi cũng cuộn lên một chút tự hào, về cái miền Nam thân yêu đã mất của mình. Những ngày sau, tôi đã tìm mọi cách chuyện trò với tên cán bộ Hồng Thắng Tài để biết tên, hoặc một chút gì về cái ông Phó chủ tịch huyện, tối văn nghệ hôm ấy. Nhưng đành thất vọng, cho tới ngày biệt kích, rời khỏi trại T 52 Hà Sơn Bình này, vào mùa Đông 1978.
Vào khoảng gần cuối tháng 11 năm 1978. Tất cả 132 biệt kích lại được chuyển về xuôi phía Nam nữa. Hai chiếc xe tải dài ọp ẹp, chắc từ thời tôi còn chưa được mặc quần, khò khè nặng nề nhét chặt 132 anh chàng biệt kích chỉ còn da bọc xương, vào lòng mình. Chúng mò mẫm bò về phía Nam. Nhiều lúc, chắc vì nặng quá, vì phải đèo thêm hơn chục tên áo vàng và công an võ trang, chúng xịt cả khói đen ra đầy đường. Mấy bác nông dân gồng gánh đi đường, cũng phải bịt mũi, quắc mắt nhìn theo hai chiếc xe chết tiệt. Tay của tôi nối chặt với Quách Nhung, bởi một cái còng số 8. Xế trưa, quá mỏi và đau tay, tôi ra hiệu kéo Nhung ra sát cửa sổ nhìn xuống đường, thoáng thấy một cột cây số sơn trắng, đầu đỏ đề: Thanh Hóa 59 cây số. Như thế đây là Quốc Lộ I. Từ thời Tây, ở miền Bắc các cột cây số trên đường lộ, đều sơn trắng. Đầu đỏ là Quốc Lộ; đầu xanh là Tỉnh Lộ.
Xe bắt đầu rẽ vào Tỉnh Lộ, bóng chiều đã ngã muộn, gà bắt đầu lên chuồng. Xe leo qua một cái dốc dài rồi ngừng lại, ngay giữa rừng già Thanh Hóa. Nhìn theo một con đường nhỏ dài hơn 2 chục mét, chỉ có 3 mái nhà tranh dài, rào vây quanh cũng là tre với nứa. Rõ ràng là một trại giam mới chưa làm xong, còn 2 – 3 cái nhà nữa, mới chỉ có cái khung. Điều này đã nói lên, VC đã phải vội vàng đưa, những đám biệt kích này đến, không có dự trù trước. Đúng như vậy, vài ngày sau chúng tôi đã biết: Đây là trại Thanh Phong, tên một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, chỉ là một trại giam nhỏ của Huyện, với hơn 100 tù hình sự.
Những ngày sau, tất cả chúng tôi đều phải làm thêm và làm tiếp những căn nhà lán tù, chưa làm xong. Lúc đầu trại chỉ có một cái giếng nhỏ đủ nước cho bếp nấu ăn. Tắm rửa, mỗi buổi chiều công an võ trang phải dẫn từng toán tù (đến đây lại gọi là toán) xuống hết một cái dốc đồi, dài hơn một cây số. Ở đấy có một giòng suối rộng có chỗ đến hơn 10 mét, với những tảng đá lớn lổm ngổm, ở giữa giòng. Tôi chưa biết giòng suối này tên là gì, nhưng ở các trại giam trên miền ngược, chưa bao giờ tôi được nhìn thấy một cái suối nào, to và đẹp như vậy.
Nhìn cheo chéo phía bên kia suối, có một cái guồng to tròn, như một cái bánh xe khổng lồ bằng gỗ. Hỏi những tên công an võ trang coi toán, tôi được biết đó là những cái guồng nước ở miền núi. Người ta dùng để lấy nước, từ dưới suối lên dẫn nước đi xa, có khi cho cả một xóm dùng.
Thời tiết đang ở giữa mùa Đông, nên trời còn lạnh ngóm. Tuy trong trại không có nước, nhưng rất nhiều anh, cả các anh dân tộc vẫn còn sợ nước. Các anh chỉ ở cạnh bờ suối, thò những miếng giẻ rách to, nhỏ nhúng nước thay cho khăn mặt, rồi lách vào trong áo, trong quần để lau người.
Ngược lại, Lê Văn Kinh, Quách Nhung, tôi và gần chục anh em nữa thì như “cờ gặp gió, cá gặp nước”. Giữa trời, mây với cây rừng đá núi, chúng tôi đều trở lại thời tiền sử của loài người. Cả một lũ tồng ngồng, nhẩy xuống nước nhào lộn, vẫy vùng. Không những làm cho mấy tên công an võ trang (3 toán thì 3 tên) cũng lác cả con ngươi.
Tôi cũng thấy lạnh tê cả đầu, và cứng cả người, nhưng có lẽ quá thèm khát nước lâu ngày. Cái từ bơi lội suốt 16 năm, coi như chúng tôi không còn hề nhắc đến. Ngay cái anh chàng Kinh là người Nhái mà cũng lạnh thun “gân” lại còn bé tí tị. Lên bờ rồi, nhìn người nhau còn bốc khói! Tôi cũng lấy làm lạ, tuy lạnh nhưng có lạnh quá như trên Lào Cai, Yên Bái đâu? Có lẽ cái chính là vì quá đói, cơ thể không có và không còn nhiệt để chống đỡ, với cái lạnh ở bên ngoài.
Những ngày sau, chúng tôi phải làm một căn lán thủ công 5 gian, cạnh con đường chính ra suối. Lán thủ công cách trại khoảng 300 mét. Tối hôm qua lại có 2 xe chở biệt kích đến Thanh Phong. Thật vui, gặp lại hầu hết anh em trước đây, ở các trại trên miền ngược.
Trại Thanh Phong bây giờ, riêng biệt kích cũng trên dưới 250 người. Lán mộc hoàn thành, toán mộc hàng ngang, cũng được thành lập. Toán mộc kỳ này tương đối là đông gồm 44 người, do tên Lê Xuân Hoàn, trung sĩ phụ trách. Tên này người miền Bắc, cái mặt xám xịt, tỏ ra rất nghiêm khắc. Toán trưởng toán mộc lần này lại là một anh chính trị địa phương. Anh là Trần Bá Đôn, một tu xuất, đã có vợ con. Anh đã từng là tổ trưởng mộc, của một cơ sở sản xuất, huyện Kim Anh.
Toán mộc lại tiếp tục những giường, bàn, tủ, ghế gọi là hàng ngang, khác với mộc làm nhà cửa. Tôi vẫn phụ trách tổ kỹ thuật, chuyên đóng hàng kỹ cho các cán bộ của trại. Tổ kỹ thuật chỉ có 3 người: Lầu Chí Chăn, Vũ Viết Tinh (Tinh Còi) và tôi.
Vì là một trại mới trở thành quy mô, khi bất ngờ là nơi Cục Lao Cải chọn để quy tụ biệt kích gián điệp của VNCH cũ. Rất nhiều vấn đề thiếu thốn ở nơi giữa rừng già, cái thiếu bình thường nhưng lại trở thành nguy hiểm, là rau xanh. Với một số tù nhân đủ loại, trên dưới 500 như thế, mà lại không có rau xanh. Ngay tụi cán bộ, chừng gần 4 chục tên và khoảng hai đại đội công an võ trang, cũng còn thiếu rau xanh nữa là tù. Bởi thế nếu có chuyến xe con rau nào, tụi cán bộ phải bí mật lén lút, giấu để dùng dần. Còn mặc kệ tụi tù, làm sao quan trọng bằng cán bộ?
Chính vì lý do này mà trại tù Thanh Phong, đã nổi bật hơn các trại tù khác, ở một sự việc độc đáo: Hàng tháng không hề có rau, mà chỉ có toàn muối rang, hết pha thành nước, lại rang. Chung quanh không hề có những loại rau dại, như ở miền xuôi, hay nơi đã có giai đoạn, có người ở hay qua lại. Cho dù là người dân tộc, ở đây hoàn toàn giữa rừng già. Nhiều lúc tôi suy ngẫm, do luật bù trừ huyền bí của tạo hóa, thiên nhiên, nếu không có con suối trên tôi đã nói, thì rồi không biết sẽ ra sao, khi tù phải sống ở cái vùng khắc nghiệt, khác thường này?
Đầu tiên là đám tù hình sự, do còn trẻ, bản tính bất cần đời nên không có ý chí chế ngự, chịu đựng, ăn bậy bạ nhiều. Do những mánh lới chuyên nghiệp (lưu manh) đã kiếm được lá sắn, đôi khi kiếm được củ, thì xơi cả ruột lẫn vỏ. Một sự không may, có thể do những vườn sắn mới trồng, đất chưa thuần, còn hơi hướng, gốc rễ của những cỏ gianh (Tôi đã có kinh nghiệm hàng chục năm, ăn sắn). Cây sắn nào mà củ chui vào rễ cỏ gianh, ăn vào là say, nhức đầu nôn mửa, hay té re, tháo tỏng, nặng có khi là tử.
Một loạt các cậu tù hình sự bị nhức đầu, nôn mửa (hầu hết các em còn trẻ 18 đến 20 – 25). Tên cán bộ y tế của trại, lại chưa có kinh nghiệm, với loại say sắn! Y thấy hàng mấy chục người nôn mửa và nhức đầu. Y quýnh quá, lấy Aspirin cho mỗi cậu 2 viên uống, để rồi sáng hôm sau chết một lúc 13 – 14 người. Chắc là cán bộ đảng ủy của trại thấy trầm trọng, vội ưu tiên lập 3 đội, phá bỏ những loại cây trồng khác, chỉ chuyên đề trồng rau xanh. Ý muốn thì nhanh, nhưng hiện thực phải qua nhiều khâu. Phải cho cán bộ về thành phố kiếm tìm hạt giống, chuẩn bị đất để trồng v.v… Cho tới khi có rau ăn, cũng phải mất hàng nửa năm.
Riêng với khu biệt kích, dù sao đã là những người lớn, và tương đối có ý chí tự tồn, trong những điều kiện ngặt nghèo. Một đoạn đường rừng hơn một cây số, từ trại tù ra tới con suối (khi mới đến chúng tôi chưa biết tên, bây giờ chúng tôi biết đó là con sông Tràng. Con sông sau này đã gây ra nạn lụt 1981, trôi cả lán trại, trâu bò). Dù đã biết đó là con sông Tràng, nhưng chúng tôi vẫn gọi đó là con suối Tiên. Vì nó đã góp phần duy trì sự sống, sự tồn tại của anh em biệt kích. Đoạn đường này, hai bên đường là những cây rừng, hàng ngày các toán chúng tôi đều qua lại để ra suối, rửa ráy, tắm rửa sau một ngày lao động cực nhọc.
Qua mùa Đông 1978 để vào mùa Xuân 1979, những cây rừng cũng nẩy lộc, đâm chồi. Cũng giai đoạn này, qua những tin đồn người tiếp tế ở trong Nam, VN đã đánh chiếm Campuchia, tôi chợt nhớ đến 200 chiếc hộp hắc ín, ở trại T52.
Những chồi lộc của những loại cây rừng, mỗi ngày mơn mởn mỗi lớn, mỗi xanh tươi. Không biết là do ai? Trong anh em biệt kích, có thể là những biệt kích người dân tộc. Có lẽ các anh, cũng cùng tâm trạng như mọi người, nhưng do sáng kiến (Cùng thì phải tắc, tắc thì phải thông). Một anh đã hái một ít đọt lá non, của một cây rừng.
Hôm sau ra nơi lao động anh cho vào bô tôn, thùng thiếc, đổ nước, luộc rừ rồi ăn thử. Lúc đầu là thử nếm rồi nghe ngóng cơ thể, thấy không sao. Thế là cái loại cây đó được phổ biến cho bạn thân, mà đã ra người thứ hai, thì cả biệt kích đều biết, và ai cũng thấy. Các loại lá cây ấy, trên con đường từ trại ra “Suối Tiên” hết dần, và càng gần cuối thì tốc độ hết, càng nhanh. Để rồi ra cái chồi hay lá non nào, đều bị vặt hết, vặt cả ngọn.
Hết loại cây ấy, con người lại phải thực nghiệm sang một loại cây khác. Cuối cùng chỉ gần 3 tháng, từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 3 năm 1979, cả 2 bên triền rừng, từ đường lấn sâu vào rừng chừng 15- 20 mét, đa số lá cây rừng sạch trơn, như có thỏ hay hươu cao cổ, ăn lá cây vậy.
Từ cán bộ hay công an võ trang nào cũng thấy chính mình, mà còn không có rau. Vả lại, tụi nó nằn nì (cả toán ai cũng nằn nì) chỉ tranh thủ vặt những lá cây rừng. Cán bộ chỉ mất 5- 10 phút, đã ban cho những thằng tù một đặc ân, mà chúng chả có mất cái gì cả. Chúng được những tên tù khẩn khoản, nhìn với những con mắt ân huệ, biết ơn.
Không những là khu biệt kích rồi lan dần ra khu hình sự, cụ thể là khu biệt kích gần 300 người, nếu có người chết là rất cá biệt. Nếu không nói là không một ai bị chết, vì thiếu chất rau xanh, ở giai đoạn ấy. Cả một mùa Xuân, của cây rừng 2 bên đoạn đường ấy, không còn khoe hương, khoe sắc với chúa Xuân như mọi năm. Nhưng, chúng đã làm được một việc thiết thực hơn nghệ thuật. Chúng đã cưu mang, giúp đỡ bọn biệt kích sống còn. Chúng đã phục vụ, nhân sinh.
Có lần chân tôi bước theo hàng đôi của toán trên con đường “huyết mạch” đó, óc của tôi miên man chạy ngược về những năm tháng trước đây. Khi ấy CIA và Cục Trung Ương tình báo của VNCH, dạy tôi trong giai đoạn thực tập “mưu sinh” sống trong rừng, mà không có lương thực. Ngoài những chuyện bẫy, bắt cá và thú rừng, củ, rễ cây rừng v.v… Từ trong trí óc đã đẩy ra miệng tôi thành cười mỉm: Có thể rồi đây, các cơ quan tình báo nổi tiếng, Quốc Tế như CIA, Hắc Long của Nhật, I S của Anh, Gestapo (Đức), KGB, RU, Liên Xô v.v… cần phải nghiên cứu bổ sung, trong bài học “mưu sinh”.
Tối hôm qua về trại, tôi nghe loáng thoáng Trung Quốc lại đem quân vượt biên giới, đánh VN. Tôi bí mật tìm hiểu, nguồn tin là do anh Hoàng Tồn được ra tự giác, từ mấy tháng trước. Anh có một chiếc xe ba gác, thường chở những đồ tiếp tế cho gia đình của các anh em biệt kích, từ trong Nam ra tiếp tế. Tôi đã đến anh Tồn để biết sơ qua, có tính cách khái niệm. Một vấn đề tương đối lớn, tương đối sâu trong nội bộ của Đảng cộng sản Quốc Tế.
Việt Nam đánh Cam-pu-chia (7/1/79), rồi bây giờ Trung Cộng lại đánh Việt Nam (17/2/79). Có thể đây là những tiền đề, cho những bước kế tiếp của các Đảng cộng sản. Cũng có những dư luận về Lý Cà Sa. Từ nhiều nguồn tin, Lcộng sản có cầm quân trở lại Lầu Cai, là đúng! Cầm bao nhiêu quân, đánh ở đâu, mức độ? v.v… Ta không bàn ở đây, các chi tiết ấy dành cho các nhà chuyên môn.
Chỉ vì tôi có một chút xíu dây dưa liên quan với Cà Sa về không gian, và thời gian mà thôi! Sáng hôm nay khi toán chúng tôi ra tới lán thủ công, anh Đôn toán trưởng đã đến tổ kỹ thuật gọi tôi:
- Bình ơi! Ông Hoàn kêu anh vào ông ấy gặp!
Ít khi cán bộ toán gọi, nên tôi vội vàng đi về phòng cán bộ toán. Thấy tôi vào, y chỉ tay vào chiếc ghế trước bàn:
- Anh ngồi đi!
Tuy y chỉ nói như thế! Nhưng thái độ và cách nói tỏ ra rất thân tình. Thấy thân tình, tôi lại phải cảnh giác, nên tôi vẫn ngồi yên chờ.
May quá! Y đã vào đề ngay, y nói:
- Ông Giám thị đại úy Hà Văn Nho, muốn đóng một cái tủ lệch, kiểu Đức bằng gỗ lát!
Đến đây tôi đã hiểu, chỉ là vấn đề nghề nghiệp, thì có gì cần nói đâu. Tôi xuống tổ cũng nói sơ qua cho Chăn và Tinh, để sắp xếp những công việc đang làm, v.v… Đóng đồ cho ông Giám thị trại, cũng chẳng có cái gì hơn. Nhưng, tâm lý ai cũng vậy, nhất là ở một cái xã hội bao cấp, thì càng phải quan tâm nhiều đến những cái, riêng tư. Nghĩa là nếu muốn cái tủ gỗ tốt, đóng cẩn thận thì ít nhiều phải làm cho người thợ đó vui lòng, dù không phải nói ra bằng lời, khi y ở một cương vị là thủ trưởng, của cái khu vực đó.
Tổ kỹ thuật lại ở ngay đầu lán thủ công, từ đây nhìn ra đường chỉ 2 chục mét, vì thế đã nhiều ngày Lầu Chí Chăn và Vũ Viết Tinh đã đổ xô ra, khi có một đoàn người trong Nam ra tiếp tế. Tâm trạng của Chăn và Tinh như vậy cũng là đương nhiên, vì hai người đã nhận được quà của gia đình, từ trong Nam gửi ra. Chỉ có tôi, tôi có một chút ý nghĩ hơi lẩm cẩm, nên tôi chả mong ngóng? Dù rằng:
Biết đâu… trong đám người đi ấy! Lại chẳng có người của… chính tôi?
Đúng như tôi đã suy ngẫm, từ những ngày đầu vào trong nhà tù VC. Bản tính tạo nên cuộc đời, nói khác đi chính bản tính của mình đã tạo ra cuộc sống của mình. Bản tính lại không thay đổi được. Giang sơn thì dễ chuyển, nhưng bản tính thì khó dời.
Tôi đã mang một quan điểm: Cái gì đẹp, tốt, hay, hãy mang đến cho bố mẹ, họ hàng, người thân của mình cùng hưởng. Ngược lại những sự đau thương bất hạnh, thì hãy kiên trì chịu đựng, đừng bắt người thân chịu lây với mình. Chính vì những ý nghĩ lẩn thẩn ấy, từ khi miền Nam bị mất, tôi nhất quyết không viết thư về Nam dù cho nhiều cán bộ giáo dục đã khích lệ cổ vũ anh em biệt kích, hãy viết thư thăm hỏi và báo tin cho thân nhân ở miền Nam, biết về mình. Tôi hiểu trước đây Biệt Kích GĐ (biệt kích gián điệp) khai báo với chúng, chúng chưa có dịp xác minh. Bây giờ là lúc chúng đến từng địa phương, từng gia đình để kiểm tra lại sự việc. Vì thế về một mặt, không những chúng khích lệ, mà còn tạo điều kiện cho Biệt Kích GĐ viết thư, về cho gia đình thân nhân. Mãi chúng cũng không thấy tôi viết một lá thư nào về miền Nam. Chúng đã hỏi thẳng tôi, tại sao? Tôi cũng đã thẳng thắn trả lời chúng:
- Thưa các ông, 17-18 năm xưa tôi đã bất ngờ ra đi bố mẹ anh em không hề biết. Chắc rằng bố mẹ, anh em tôi đã đau đớn, khóc thương nhiều. Do thời gian nỗi niềm thương đau ấy, chìm dần vào quên lãng, như một đống tro đã tàn. Bây giờ báo tin cho bố mẹ biết, là lại bới cái đống tro tàn đau thương đó ra. Bắt người thân lại khóc lóc nhớ thương, thậm chí phải chạy vạy tiền nong, mò mẫm ra thăm chồng, con vẫn còn ở trong tù ở ngoài Bắc, chẳng có ngày về. Như vậy là càng làm cho gia đình, thân nhân buồn khổ thêm. Cho nên, trừ phi khi tôi được tha, tôi mới báo cho bố mẹ, thân nhân tôi biết mà thôi.
Thậm chí tôi đã viết thư hộ, cho những anh em người dân tộc và có khi còn được hưởng những quà cáp của gia đình một số anh BK, từ trong Nam gửi hay trực tiếp ra Bắc. Nhưng tôi vẫn một lòng đè niềm thương, nỗi nhớ vào sâu kín trong lòng. Tuy niềm khắc khoải giằng xé lòng tôi, tưởng như nhiều khi không thể kìm chế được: Bố mẹ, các em, họ hàng, bạn bè trong bao nhiêu năm? Bao nhiêu những biến thiên, chìm nổi trong khói lửa, của quê hương. Ai còn, ai mất, ai sẽ như thế nào?
Nhìn lên bầu trời của Thanh Phong hôm nay, tôi cứ đê mê ngắm mãi, cái màu xanh hy vọng của da trời. Những lọn, những cục bông gòn trắng nõn nà, ai để vương vãi lung tung rải rác khắp trên miếng thảm, màu xanh thương yêu? Những miếng bông gòn vương vãi ấy, từ chân trời phía Tây đang từ từ chậm chạp tiến về Đông.
Vài tiếng quang quác thanh thanh của một đàn cốc bay ngang, như nhắc nhở tôi đã bắt đầu vào Hè. Mấy cô nàng én của mùa Xuân, đã vội vàng gọi những chàng cốc, đến thay phiên trực, mà tôi đâu có hay. Chỉ vì kỳ này tâm hồn tôi, đã nhờ gió đưa về miền Nam thương yêu của tôi, hơi nhiều.
Thoáng bóng ông cán bộ toán, đang lững thững tiến về chỗ tổ kỹ thuật của chúng tôi. Đây là ông Lê Hoài Lĩnh (trung sĩ) mới thay tên cán bộ Hoàn, 2 ngày hôm trước. Những tên cán bộ khác, tôi đều gọi là ” y ” hoặc ” tên “. Nhưng với ông Lĩnh, tôi đã phân biệt đối xử, chỉ vì, mới qua lại vài câu nói và cách hành sử tôi đã thấy ông cán bộ Lĩnh có cái ” máu lính và bụi đời ” nên tôi khoái mà thôi!.
Ông Lĩnh đã bước vào, chúng tôi chưa kịp chào, thì ông ta đã niềm nở vừa như hỏi, vừa như chào chúng tôi trước:
- Các anh có thèm rau lắm không? Buổi họp hôm qua ban giám thị đã quyết định, chiều nay sẽ có một bữa rau cải đầu mùa của trại, cho các anh!
Nói rồi ông ta lại tất tả tiến sang phía nhà kho của trại. Nguồn tin ” bữa rau cải đầu mùa ” từ tổ kỹ thuật phát ra, đã nhanh chóng lan tràn khắp cả toán. Mặt chúng tôi người nào cũng phơi phới, cứ như mới nhận được tin người yêu của người mình “ghét” đi lấy chồng!
Nếu biết rằng tôi đi lấy chồng,
Trời ơi! Người ấy (kẻ thù của người yêu) có cười không?
Hoan hô anh em các toán rau! Vì chủ nghĩa xã hội đã nỗ lực thi đua phục vụ anh em tù, trại Thanh Phong có “bữa rau cải đầu mùa”. Hai toán rau: Quý Chổi, toán rau xanh, chung cho cán bộ và trại Hoàng Ngọc Chính, toán rau cải thiện riêng cho tù. Không biết toán nào thực sự được niềm vinh dự, nhận những tiếng hoan hô, của tù Thanh Phong chúng tôi?.
Cũng qua ông cán bộ Lĩnh ”máu lính” này, những ngày sau đó tôi biết được một số tin, mà bình thường tôi không thể biết:
- Kỳ này cán bộ các trại giam chuyển vào trong Nam rất nhiều, ông Lĩnh cũng muốn lắm, nhưng không được bình bấu hay chỉ định.
- Trung Quốc đánh sang 6 tỉnh phía Bắc của ta. Chúng đã rút về nước 5/3/79. Điều đáng nói là, khi chúng kéo quân về nước, chúng đã cho di chuyển các cột mốc biên giới vào trong đất của ta hàng 4, 5 chục cây số.
- Tên chánh giám thị Nguyễn Huy Thùy (thiếu tá) đi Liên Xô dự lớp học đặc biệt, về quản lý trại giam. Tên Đại úy Hà văn Nho, mới lên làm quyền Giám thị. Chúng tôi (tổ kỹ thuật) đang đóng cái tủ gỗ lát (tủ lệch kiểu Đông Đức) cho tên Nho này.
Thấy y rất săn đón cái tủ của y, tôi càng bầy ra nhiều kiểu bàn ghế về gỗ lát. Tôi biết gỗ lát là loại gỗ quý, loại quốc cấm của XHCN. Loại gỗ này rất quý ở trong rừng Thanh Hóa, các nơi khác rất hiếm. Đã có lệnh cấm từ trung ương là không được khai thác. Nhưng tôi nghĩ đối với công an, nhất là CA quản lý trại giam, còn ai là người kiểm soát? Vì vậy tôi càng đưa những “miếng mỡ ” ra trước miệng “con mèo” xem nó ra làm sao?
Tôi đã ra chỗ Quách Nhung, mới được làm toán trường toán xẻ. Được Quách Nhung cho biết, toán xẻ được lệnh của giám thị, dành riêng ra hai cặp xẻ, chuyên xẻ gỗ lát cho tên Nho. Toán lâm sản do Nguyễn Huy Lân, cũng được chỉ định 4 người, hàng ngày vào rừng sục xạo, lên núi xuống vực tìm cây gỗ lát, để hạ v v.
Tối hôm qua đã khuya muộn, kẻng cấm 9 giờ tối đã lâu lắm rồi, một giọng miền Nam khàn khàn ểu ợt, gần như hết hơi:
- Theo tên “Bịp” tập kết ra Bắc! Nay nó đã chết xanh mồ rồi! Miền Nam cũng được ”giải phóng” rồi, mà còn không cho tao về ……..
Đêm rừng khuya, nghe tiếng chửi bới thều thào, gần như không còn hơi thở, đã làm não ruột lòng tôi, và chắc cũng làm “héo úa ” nhiều người tù khác.
Tiếng chửi bới, tiếng nỉ non như không còn sinh khí, nhưng phát ra ngay ở bệnh xá, phía bên kia sân trại (15m). Tôi đã biết đó là của bác Đặng Minh Chánh. Tôi làm sao quên được bác! Ngay từ đầu năm 1968, khi tôi mới bắt đầu từ Hỏa Lò lên trại trung ương số I vào phân trại E, tôi đã gặp bác, một cán bộ huyện ở Bến Tre (quê hương đồng khởi) tập kết ra Bắc năm 1954.
Ba năm sau (1957) đã bị bắt vào với cái tội: Không chấp hành nghiêm chỉnh đường lối chính sách, của Đảng. Người bác thật cao ráo, bộ mặt quắc thước với hai cái tai thật to. Nếu gặp thời, thì cũng đôn hậu ”cha già dân tộc” như ai. Nhưng đã không gặp thời, lại bất hạnh nữa, nên bác đã phải chuyển đổi bao nhiêu trại tù. Bây giờ 1978 tôi vẫn gặp bác ở đây, bác đã tù 21 năm rồi.
Sáng hôm sau, tôi gặp anh Mai Nhuệ Anh BK, làm y tá trưởng (phụ tá là Lê Ngung cũng là BK) của trại. Tôi được anh Anh cho biết bác Chánh đã tuyệt thực 2 ngày rồi, bác nhất định không ăn uống gì cả. Ngày đêm, khi nào tỉnh ra là chửi cộng sản không tiếc lời. Tôi dự định trưa nay không ngủ trưa, sẽ sang thăm bác.
Sau khi cơm nước xong, tôi lỉnh sang bệnh xá. Gọi là bệnh xá mà chỉ có 4 cái gường cá nhân. Mai Nhuệ Anh rất từ tốn và có nhiều tình người, tỏ ra một người có lòng tự trọng cao. Anh chỉ vào trong góc, một cái mùng rách vàng khè, càng làm cho chỗ góc đó tối hơn:
- Bác Chánh nằm kia!
Nhấc cánh màn, tôi đờ người, tim tôi như bị bóp nhẹ! Bác Chánh đây ư? Một người da xám ngoét, cái mặt bé choắt, chỉ còn 2 cái tai to, tôi mới nhận ra bác Chánh. Tôi cầm nhẹ tay bác, đôi mắt của bác lờ đờ nhìn tôi, như chợt nhận ra tôi, mắt bác như có một luồng sinh khí mới, miệng bác mấp máy phều phào, rời rạc:
- Bình… hả? Cố… gắng… cho… quê… hương…!
Bác nấc lên, rồi bác nằm yên! Mai nhuệ Anh đã nhè nhẹ nghẹn ngào:
- Bác đi rồi!
Tôi chả hiểu bác bảo tôi cố gắng cho quê hương, điều gì? Trong khi… tôi vẫn trong tù..! Rồi đây tôi cũng sẽ như bác mà thôi?
Chạnh nỗi niềm riêng của mình, lòng tôi lại càng thương bác. Mắt tôi đã mờ đi, trong niềm xúc động dâng lên đầy lòng! Dù gì tôi cũng phải tôn trọng một người, đã cả một đời không những đã khổ đau về vật chất, mà còn khổ đau về tinh thần. Cái khổ đau giằng xé, nội tâm bác cho tới lúc lìa đời, chỉ vì đã lầm. Bác đã lầm tin theo một con Chằn Tinh, đóng vai là một Quan Thế Âm Bồ Tát. Bác đã phải trả một cái giá cho sự lầm lỡ, dại khờ của bác là một cuộc đời.
Tin bác Chánh ra đi, Lê Ngung và một số người chạy bổ vào. Cũng là lúc kẻng đi làm chiều rống lên, tôi ghé vào tai Ngung:
- Ngung đặc biệt lo cho bác Chánh nhé! Tôi sẽ tình nguyện đóng cho bác một cỗ quan tài, hết điều kiện của tôi.
Ngay chiều hôm ấy, khi ra lán, tôi đã khẩn khoản nói với ông Lĩnh cán bộ toán: Tôi và Chăn tình nguyện làm thêm giờ, đóng quan tài cho bác già Đặng Minh Chánh. Ông Lĩnh hơi ngần ngừ, vì sợ chúng tôi làm chậm cái tủ cho giám thị, Chăn và tôi đã dõng dạc:
- Thưa cán bộ, cỗ quan tài chúng tôi chỉ làm trong 2 giờ, vì thế sau giờ giải lao, chúng tôi mới bắt đầu làm quan tài?
Ông Lĩnh không nói gì, nhưng nhìn qua ánh mất, tôi đã biết là chúng tôi đã được sự chấp nhận.
Chúng tôi đã lựa loại gỗ tốt, chịu nước, lâu mục. Chúng tôi bảo nhau thẳm khít, bào kỹ. Chúng tôi làm cỗ quan tài với tâm trạng: Làm đẹp, làm tốt như một nén hương lòng, của những người Việt lầm than. Chào mừng một người cộng sản (ở phân trại E phố Lu, bác Chánh đã nói với tôi, bác có 5 tuổi Đảng) đã sớm quay về với dân tộc, trước khi chết.
Đúng lúc kẻng tan tầm chiều, chúng tôi đã làm xong cỗ quan tài. Chúng tôi còn định lấy vẹc-ni quét một lượt, nhưng anh Trần Bá Đôn, toán trưởng nói không nên. Vì chưa có quan tài tù nào, được sơn quét cái gì.
Khi toán vào tới trại, được biết: Lệnh của cán bộ trực trại, không một ai được vào bệnh xá, nếu không được phép của cán bộ. Y là chuẩn úy tên Hòa Ba Tai, y được tù gọi là “ba tai”. Tai phải của y rách thành hai mảnh, vì y hắc búa và ác ôn, nên tù mới gọi y như vậy.
Điểm xong, tù vào chuồng. Bấy giờ mới có 4 cậu hình sự tự giác khênh bác Chánh ra nghĩa địa tù. Chẳng biết bác có họ hàng, con cháu gì ở trong Nam không? Có khi họ còn trách bác, đi theo bác Hồ từ ngày ấy, chắc bây giờ làm to lắm nên đã quên cả bà con, bạn bè?
Cả cái đêm hôm đó, tôi cứ quằn quại trằn trọc mãi, cũng không chớp mắt được. Câu chuyện của đời bác Đặng Minh Chánh, cứ quấn mãi vào lòng tôi. Ngày hôm sau, buổi đi làm trưa về, tôi lại lén ra buồng y tá, để nói chuyện với Mai Nhuệ Anh và Lê Ngung, biết thêm được vài chi tiết về bác Chánh. Cũng qua dịp này tôi có điều kiện chuyện trò, với Ngung và Anh một chút về quá trình: Lê Ngung bị bắt từ 1967 trong một toán BK tên HADLEY, tôi biết thêm cậu Vũ Viết Tinh trong tổ kỹ thuật của tôi, cũng cùng toán với Ngung.
Toán HADLEY gồm 11 người. Ra Bắc ngày 26- 1- 1967. Nhẩy ở vùng Hà Tỉnh.
1. Toán trưởng là Lê Văn Ngung, hiện ở Baltimore, Maryland.
2. Vũ Hình chết ở Missouri 2001, do ung thư phổi.
3. Nguyễn Thế Khoa, truyền tin trưởng. Tha 1982, hiện ở VN.
4. Nguyễn Huy Khoan, vì trốn trại nên là người duy nhất của toán, mãi tới 28-12- 1984 mới được tha từ trại Tân Kỳ, Nghệ An trong khi hầu hết toán Hadley được tha năm 1982.
5. Lê Văn Lào, hiện ở Chicago.
6. Phạm Ngọc Ninh, hiện ở CA.
7. Phạm Viết Phúc, Truyền tin phụ, đã chết ở Sài gòn.
8. Trần Văn Quy, Toán phó, hiện ở Minnesota.
9. Lương Trọng Thương, chết 1970 tại trại tù Phong Quang.
10. Vũ Viết Tinh, hiện ở Indiana.
11. Vũ Như Tùng, hiện ở Chicago.
Còn Mai Nhuệ Anh lại ra Bắc trước Ngưng gần một năm. Toán của Anh là HECTOR BRAVO B. Ra Bắc ngày 13-9-1966, gồm 12 người. Địa bàn hoạt động tại tỉnh Quảng Bình, gần đường mòn HCM. Do một Thiếu úy: Đặng Đình Thúy của trường Sĩ Quan trừ Bị Thủ Đức, làm cố vấn hiện ở San Jose.
1. Mai Nhuệ Anh,Toán trưởng, hiện ở Wa. State
2. Vũ Văn Chí,Toán phó, hiện ở Louisiana
3. Nguyễn Văn Đình, Truyền tin trưởng, hiện nay ở Cali
4. Nguyễn Văn Độ, hiện ở Cali.
5. Hà Trung Huấn, truyền tin phụ, chết trận ngày 13-9-66.
6. Hoàng Đình Khả, cũng chết khi chiến đấu 13- 9- 1966
7. Lê Ngọc Kiên, hiện ở Cali
8. Trần Trọng Nghĩa, hiện ở Cali
9. Âu Dương Quy, hiện ở Cali
10. Tống Văn Thái, Truyền tin phó, hiện ở Cali
11. Nguyễn Văn Dũng, hiện ở Cali
Sáng hôm nay, tôi đang cắm cúi lắp cái ngăn kéo cho cái tủ gỗ lát của Hà văn Nho, nghe ồn ào léo nhéo ở phía nhà kho. À thì ra toán nông nghiệp của Phạm Ngọc Ninh (Ninh côi) đang ôm, vác vận chuyển những bao tải lạc củ (đậu phụng) vào kho. Tôi, Chăn và Tinh liếc nhau, nhưng như cùng hiểu; “làm sao kiếm được một ít lạc bây giờ, thì đúng là chúng ta được vào Thiên Thai”.
Tên cán bộ toán nông nghiệp trông rất còn trẻ, chỉ 27- 28 là cùng. Y nhìn qua lán mộc, chân y tiến bước sang, tiến vào ngay tổ kỹ thuật của tôi. Hơi gật đầu chào y theo xã giao và theo thủ tục. Y cũng hơi gật đầu, đáp lễ lại chúng tôi. Y sờ tay, quan sát cái tủ tôi đang làm, rồi ra vẻ trầm trồ:
- Cái tủ đẹp và gỗ cũng đẹp!
Thời cơ đến! Mặc cho y ngắm nghía cái tủ, tôi quan sát loáng một cái, hiện trường. Tôi khẽ bảo nhỏ, Chăn và Tinh:
- Tôi sẽ nói chuyện với tên cán bộ này! Các cậu tính sao để kiếm tí chút!
Tôi liếc nhanh tên CAVT, đang cầm khẩu AK đứng gần nhà kho. Tinh kiếm cớ ra hỏi chuyện tên đó cái gì, để che mắt. Chăn làm hiệu sao với toán trưởng Ninh (côi) (Phạm Ngọc Ninh) mở sẵn một bao lạc ra. Chăn chỉ việc vào xúc, chừng 1 kg là được rồi.Làm lẹ!
Tuy tôi quay lại tán chuyện, với tên cán bộ nông nghiệp về chiếc tủ v.v… nhưng mắt tôi không bỏ qua một hiện tượng nào, của hiện trường. Tôi đã thấy Chăn, Tinh, và Ninh Côi đã nhịp nhàng, tiến hành từng động tác. Tới chỗ Tinh tiến đến tên CAVT, Chăn lỉnh vào nhà kho. Tôi choáng cả hồn, làm câu chuyện tôi đang nói với tên cán bộ, bị ngắt quãng. Nếu y tinh ý, y sẽ thấy bất thường. Lầu Chí Chăn ôm luôn cả một bao tải lạc, lủi ra phía sau toán mộc, khuất chỗ 6 -7 cái giường đóng rồi, đang để chồng lên nhau. Anh chàng Người Nhái này liều thật! Tôi cứ tưởng kiếm được một vài kg lạc, là đạt yêu cầu rồi!
Chính Ninh Côi và cả toán nông nghiệp, những cậu nhìn thấy cũng hết cả hồn. Sau này tôi được biết Ninh Côi đã mở sẵn một bao tải lạc, cho Chăn lẹ vào xúc. Thế mà Chăn lại ôm ngay một bao tải khác, nặng hàng 40 kg.
Một kỷ niệm không quên. Bây giờ ở Mỹ (2004) Chăn chạy xe tải, Ninh Côi chạy Taxi ở Cali và tôi. Qua điện thoại, đôi khi còn nhắc lại cái buổi ” chôm ” bao tải đậu phụng ngày ấy, ở trại Thanh Phong.
Chiều hôm ấy, ông Lĩnh và tên CAVT cho toán mộc ra Suối Tiên (hay sông Tràng) tắm giặt như mọi khi, mỗi tuần. Tâm hồn tôi như bay lượn, với khung trời suối Tiên. Cũng 2 cái guồng nước, chéo 2 phía, ở bên kia giống suối như mọi khi. Hôm nay dưới ánh nắng chiều xiên khoai, nửa sáng, nửa tối. Tôi cổ cảm tưởng hai guồng nước, như 2 con mắt của một ông thần khổng lồ, đang nhìn chúng tôi tắm rửa ở dưới dòng suối. Ở một cành cây rừng cạnh bờ suối, một con chim cánh chả xanh biếc, lao vụt xuống suối để bắt cá, như chiếc ” Thần Sấm ” từ trên trời lao xuống Hà Nội rắc bom năm xưa, từ cửa sổ xà-lim I Hoả Lò, tôi đã chứng kiến.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen