Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Chương 142: Ra Chiếc Lồng To
T
ôi hiểu đấy cũng chỉ là một sự chuyển đổi, xả hơi cái nồi “súp ze”. Chẳng có thể giết sạch những người tù này! Nếu giết mà êm thấm, thì chúng tôi chẳng còn ai! Chẳng lẽ cứ giam tù mãi, lại còn phải bắt nữa, dài theo năm tháng, như thế sẽ có rất nhiều trở ngại.
Vậy thì đây cũng như một chỗ tạm thời mở nút. Vả lại, ai cũng đã hiểu dưới chế độ VC, nếu có phải tha một người tù, cũng như mở cửa cái lồng nhỏ, cho tù ra một cái lồng lớn mà thôi khi anh đã có cái gốc là đã đi tù, trong chế độ.
Sáng hôm sau, một chiếc xe Camion thời Tây chở cả 13 chúng tôi đi. Gần chiều xe đưa tôi trở về phố Lu, nhưng ở một khu vực khác; vẫn hàng rào nứa cũng như trại tù. Trong khu này có 3 cái lán dài, cũng có cổng nhưng không có công an võ trang gác. Khi xe chúng tôi vào cổng, trong một cái lán cũng râm ran tiếng người. Chúng tôi được dẫn vào một căn lán cạnh đấy, bên trong đã có 3 – 4 chục cậu, cũng toàn là hình sự ở các trại khác về.
Sáng sớm ngày hôm sau, trời hãy còn tối đất, tôi đã nghe thấy tiếng xe Camion rình rình chạy vào trại. Tiếng xe Camion rọt rẹt như tiếng than thở của một ông già ốm yếu, phải làm việc nặng nhọc cả cuộc đời. Tôi và mấy cậu, chạy vội ra ngó ngấp, thấp thoáng bóng người đang trèo xuống trên 2 chiếc Camion thời Tây, một niềm hưng phấn ùa vào lòng tôi.
Rõ ràng chiếc bóng cao lớn của Lê Văn Kinh Người Nhái, vụ sông Gianh đã hơn 5 năm, bây giờ gặp lại. Tôi chạy bổ ra, lại thấy La Văn Thịnh trong toán Biệt Kích của Nông Quốc Hải, cũng hơn 5 năm gặp lại.
Nhìn gần 4 chục anh đều là Biệt Kích. Lòng tôi lúc này lại vừa vui nhưng lại vừa buồn. Niềm vui như những cánh bèo bập bềnh trôi nổi trên mặt nước; được gặp lại một số anh em quen cũ ngày xưa; và anh em Biệt Kích cũng không được trao trả theo hiệp nghị Paris như mình. Nỗi buồn như cả một làn nước ao tù, suốt ngày và suốt đời hẩm hiu quanh quẩn với bùn lầy hôi thối. Thương mình, lại thương anh em. Ai cũng tự hiểu đều là những kẻ khốn cùng, hãy yêu thương nhau, đùm bọc nhau mà sống.
Vài ngày sau lại có hơn một chục anh em Biệt Kích ở trại trung ương số I phố Lu đến, trong đó có Lý Giòng Lau (Người Nhái) Vòng A Cầu, Lê Trung Tín v.v… Trước sau đã có hơn 6 chục anh em Biệt Kích đến trại công nhân Hồng Thắng, với hơn 100 là hình sự do một tên trung úy Tô Bá Oanh làm gíam đốc. Một đêm lại có mười mấy anh em Biệt Kích, ở trại Tân Lập Vĩnh Phú, cũng đến Hồng Thắng.
Cuối tuần có một buổi tập trung “công nhân” anh em từ Biệt Kích đến hình sự đều gọi như thế. Gần 200 người được chia làm 3 đội: Đội mộc, xẻ; Đội làm đồi: Trồng dứa và sắn khoai. Đội linh tinh: Làm nhà, lấy gỗ, đan lát v.v… Mỗi đội có một anh đội trưởng, do Ban Gíam Đốc chỉ định và một cán bộ áo vàng phụ trách (cũng giống như của tù). Tôi thuộc về đội mộc, hàng ngày đóng gường, bàn, tủ, ghế v.v… Do tên cán bộ trung sĩ Nguyễn Ngọc Thành phụ trách. Công nhân làm theo mức khoán sản phẩm, và công việc chỉ định.
Trong buổi tập họp toàn công trường, có 3 – 4 tên cán bộ áo vàng phụ trách các đội lăng xăng chạy ra, chạy vào chỉ cho các đội kê bàn, kê ghế! Mãi khoảng gần 10 giờ, tên trung úy Gíam Đốc Tô Bá Oanh đến. Mặt y cố tươi roi rói, miệng luôn nở nụ cười tuyên huấn, mầu mè. Y khoa tay như tập thể dục buổi sáng, y hồ hởi cao giọng, nội dung:
Y hân hoan chào mừng toàn thể các anh em công nhân, y được Đảng và nhà nước, giao cho trách nhiệm giúp và tạo điều kiện cho các công nhân, nhìn rõ tương lai mở rộng của mỗi người. Y đề nghị các anh em công nhân, cùng với y quyết tâm trong 2 năm, tức là tới năm 1979 sẽ biến nơi này, thành một thị trấn trù phú, của miền núi! Sẽ có một ngày Hồng Thắng muốn ăn kem thì mua kem ăn, muốn ăn bánh mì thì mua bánh mì ăn. Y đang vẽ ra những chiếc bánh tưởng tượng, đó là phương cách chung của cộng sản, ở đâu và bao giờ cũng thế. Thôi kệ chúng!
Tôi chỉ chú ý nghe, những điều kiện sinh hoạt ra sao. Nội dung y nhấn mạnh: Tuy là công nhân, nhưng là tạm thời bước đầu, vì thế mọi công nhân phải chấp hành, một nội quy nghiêm ngặt.
- Dù làm gì hay đi đâu, đến 9 giờ tối, phải có mặt ở công trường như một hình thức tự gíac, ở trong trại tù trước đây. Có hơn những tự giác ở trong tù, những mặt sau:
. Nếu lao động tốt, có năng suất, giữ gìn nội quy đúng, cuối năm sẽ được đi phép, về thăm gia đình.
. Mức ăn đồng đều 15 đồng (tù có 12 đồng), Ban Gíám Đốc công trường đã nghiên cứu thí điểm, nên sát nút: Nếu công nhân nào chịu khó lao động, đều có thừa thãi 5 – 7 đồng, trong một tháng, để tiêu xài cá nhân như trà, thuốc.
Cuối cùng Tô Bá Oanh rành mạch kết luận do những quy định như trên, các anh nên nhớ rõ: có thể một giờ trước các anh là công nhân, nhưng một giờ sau các anh đã là tù rồi.
Mặc cho y nói, mấy điều chính tôi đã nắm được. Tâm tư của tôi mấy ngày nay, đang tập trung tâm tình trao đổi, thăm dò với các anh em Biệt Kích ở các nơi về, để biết rõ những diễn tiến. Tôi có một chút khái niệm, hiểu biết tình trạng thê thảm, bất hạnh của những đứa con, bị bố mẹ bỏ rơi. Mà lại bỏ rơi trong tay kẻ địch, kẻ thù của mình.
Qua nhiều nguồn tin từ các anh em tôi được biết: gần thời gian cộng sản chủ động ký hiệp định Paris, tất cả Biệt Kích gían điệp trong mặt trận tình báo giữa Bắc và Nam gần 20 năm, đã bị cộng sản bắt, chúng tập trung thành 3 nơi để bồi dưỡng, học tập chuẩn bị nếu có phải trao trả, như tôi đã trình bày ở trên.
1) Ở trại Hoành Bồ thuộc tỉnh Quảng Ninh, hơn một trăm Biệt Kích gían điệp.
2) Trại Tân Lập thuộc tỉnh Vĩnh Phú, hơn một trăm Biệt Kích gían điệp.
3) Trại trung ương số I phố Lu thuộc tỉnh Lào Cai, khoảng 160 – 170 Biệt Kích gían điệp.
Có lẽ phố Lu, cộng sản tập trung Biệt Kích nhiều nhất. Trước đây trong hội nghị Genève 20/7/1954 cộng sản chỉ có kinh nghiệm với Pháp thôi. Mà Pháp thì chúng đã qua mặt, được rất nhiều sự việc nghiêm trọng. Ngay trong việc trao trả tù binh, hiện nay (1977) còn hàng trăm Maroc, Algérie, thậm chí cả người Pháp, vẫn còn sống ở mạn Ba-Vì, những người tù ở miền Bắc vẫn gặp.
Nhưng bây giờ là Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa. Vì cũng là người Việt Nam, nên chúng ta cũng biết những cái quái qủy, lọc lừa của cộng sản, vì vậy chúng ta cứ phải chuẩn bị, phòng hờ trước. Còn cộng sản, chúng muốn chủ động, thì phải chuẩn bị; càng chuẩn bị kỹ, tính chủ động càng cao (tôi đã trình bày ở những chương trên). cộng sản đã chuẩn bị cho Biệt Kích gían điệp gần một năm, trước khi cộng sản ký hiệp định.
Tôi đã trình bày rồi, cộng sản như một con nọ không hề muốn trả nợ. Người đòi nợ như ông Trần Văn Lắm, ông Kissinger, là những người lịch sự nhã nhặn nên hỏi, đòi con nơ cũng lịch sự, nhã nhặn như ngoại giao, phòng khách. Nếu hiểu con nợ như trên thì phải nghiêm túc sống sượng đập bàn, đập ghế:”Anh có trả cho tôi không? Khám túi, khám ví, đến nhà bắt đồ đạc, bắt vợ, đợ con để trừ nợ. Khi ấy con nợ nào cũng phải trả, chỉ trừ con nợ thực sự không có tí tiền nào cả. Cho nên chúng (cộng sản) nghe ngóng dọ dẫm thấy Mỹ chỉ là anh chàng “hổ giấy”. Còn VNCH thì chỉ nặng về tham nhũng, ăn chơi, mua quan, bán chức chứ họ có còn quan tâm gì đến những tên BK gián điệp này đâu. Bởi vậy cộng sản đã ra mặt ngừng không cần bồi dưỡng bồi dung gì nữa, cho đám của nợ này làm gì. Thậm chí các anh ở Hoành Bồ cho biết: Khoảng tháng 10-1973, chính tên Hoàng Thanh đại diện bộ CA (sau nầy là nội vụ), mặt Hoàng Thanh rầu rầu, nói trong nỗi niềm buồn bực, tức tối trước tất cả anh em BK ở Hoành Bồ:
- Tôi suy nghĩ thấy thương các anh lắm! Cùng là người Việt, là đồng bào ruột thịt của mình! Do trước đây chưa hiểu rõ Cách Mạng nên đã nghe theo lời lường gạt dụ dỗ của Mỹ-Ngụy ra Bắc phá hoại nhân dân, phá hoại CM, nhưng trước sức mạnh của chính nghĩa, của toàn dân, trăm tai nghìn mắt của cách mạng, các anh đã bị bắt và đã bị trừng phạt. Ngày nay Mỹ đã bỏ dã tâm biến nước ta thành thuộc địa kiểu mới, phải ký vào hiệp nghị hoà bình Paris ngày 27-1-1973.
Như thế các anh phải được về với gia đình, bố mẹ, vợ con. Nhưng khi chúng tôi đưa vấn đề này ra thì Mỹ và Sàigon đã chối và nói không hề biết các anh là ai cả! Chúng tôi còn căm giận cho dã tâm của chúng, đối xử với những người đã làm việc cho chúng!
Nói chung cộng sản đã lợi dụng kẽ hở nầy để làm cho BK gián điệp đau lòng thêm.
Tôi cũng được anh em cho biết: do sự dùng dằng trở mặt của cộng sản, không chịu nghiêm chỉnh thi hành hiệp nghị hoà bình Paris, nên anh em BK gián điệp ở phố Lu, cũng như ở Tân Lập đều tuyệt thực tập thể, đấu tranh đòi cộng sản thực thi những điều khoản của Hội Nghị Paris. cộng sản đã khôn khéo lắt léo dàn xếp, rồi chúng từ từ phân tán mỏng BK gián điệp, đưa đi trừng trị những BK nào đã tự đóng dấu mình, trong những đợt đấu tranh trước đây. Kết quả có nhiều BK gián điệp chết hoặc bị thương tật, trong dịp cộng sản trả thù này.
Tôi cũng biết trại Hoành Bồ, không có đấu tranh nghiêm trọng như phố Lu và Tân Lập. Đặc biệt nhiều anh em BK nói: Ngay cán bố cộng sản cũng rất ngạc nhiên vì sao mà đợt đấu tranh tuyệt thực tập thể giữa trại Tân Lập và Phố Lu lại cùng xẩy ra trong một ngày, dù không hề có điều kiện nào liên lạc với nhau?
Nghe nhiều anh em nói, tôi xin tường thuật lại chứ tôi cũng thấy khó có cơ sở, có chăng là một sự trùng hợp kỳ diệu thì tôi không rõ.
Sau mươi ngày, tạm thời ổn định chỗ ăn, chỗ làm, tôi và Lê Văn Kinh định cuối tuần làm một cú xuất hành, đầu tiên ra chợ Bắc Ngầm. Một ngôi chợ Huyện của miền Núi (một tháng mới họp một lần). Cả Kinh và tôi ở những đường hướng khác nhau, nhưng có nhiều những cái chung, nên đồng cảm nhiều vấn đề.
Cách nhau vài tháng, nhưng Kinh và tôi đều bị bắt vào giữa năm 1962. Và bây giờ cùng ở một cái trại công nhân “đểu” này. Hai người đều có cái cảm gíac: đã 15 năm tù, cùng không vợ con, vậy sẽ đi hưởng tự do một chuyến, xem nó ra làm sao?
Cái ngày thứ Bẩy năm xưa ấy, vẫn hằn nét trong lòng tôi. Tôi chắc chắn Lê Văn Kinh (hiện ở Florida), cũng không thể phai mờ trong tâm tưởng hình ảnh ngày thứ Bẩy, của buổi ban đầu, sau 15 năm bị buộc kín trong chuồng.
Vào một sáng thứ Bẩy của tháng 10/1977, tôi không thể nhớ ngày. Trời Lào Cai, từ mấy ngày trước đã có những con nhạn trắng, dài mỏ ra réo gọi mùa Thu về. Hôm nay tôi mới lục dưới đáy chiếc hòm con (rương), cái quần Tergal mầu vàng, chiếc áo sơ-mi ca-rô xám mà các cậu Tiến Ga, Thọ Lột đã trang bị cho tôi từ dưới Hỏa Lò ra mặc, chỉ có đôi giầy “ba-ta” mầu xanh là mới. Từ hôm đến trại Hồng Thắng, tôi đã quen với một cậu hình sự tội tham ô, tên là Nguyễn Trọng Phú. Tuổi chừng 30, người Sơn Tây, trắng trẻo, thư sinh, học hết lớp 10 hệ 10 năm. Phú tỏ ra rất mến tôi, thấy tôi chỉ đi một đôi dép râu hoài, cậu lục va li lôi ra đôi “ba-ta” và niềm nở:
- Em tặng anh đôi “ba-ta” này, mẹ em năm ngoái mới đưa lên tiếp tế cho em!
Thật bất ngờ, tôi xúc động ra mặt! Ở miền Bắc không còn cái kiểu chơi “ân tình” như thế này. Tôi đã ôm lấy Phú như một sự chấp nhận, không nói thành lời.
Lính quýnh trong bộ đồ, tâm trạng như đứa trẻ “mặc manh áo mới ngày Tết”. Anh em nhìn tôi với những đôi mắt, đượm mầu xanh chia xẻ!
La Văn Thịnh đã thốt lên:
- Ông anh còn phong độ lắm!
Tôi quay lại nhìn Thịnh, dịu dàng: “Em lại cho anh đi “trực thăng giấy” rồi!” Trong bụng của tôi lại lẩm bẩm: Có “quê một cục” thì có!
Tôi và Kinh mới bước xuống sân, ngước nhìn lên trời tôi đã gặp cụ Nguyễn Khuyến: Trời xanh cao ngất mấy tầng cao…
Hình như hôm nay, cảnh và vật phố Lu có vẻ hưng phấn hẳn lên, cứ như chào đón chúng tôi. Từ những ngọn núi xa xa mầu xanh thẩm, đến những cánh rừng bạt ngàn xanh lam chung quanh, như đang mỉm cười với chúng tôi. Nhìn những cành thông gió đẩy đưa, nhấc lên, nhấc xuống ở bên đường, tôi còn có cảm tưởng như những bàn tay của núi rừng, đang vẫy chào chúng tôi. Trên một đoạn đường rừng gần 5 cây số dẫn đến chợ Bắc Ngầm, chúng tôi sóng bước đi bên nhau, đã nhiều lần ngoảnh lại phía sau rồi cùng nhìn nhau mỉm cười, với đôi mắt nhấp nháy như cùng hiểu: Chả thấy một tên công an võ trang nào đeo súng, đi “hầu” phía sau như mọi khi!
Phải rồi đã 15 năm, chưa bao giờ chúng tôi đi mà lại không có một vài tên công an võ trang cắp súng theo sau. Hôm nay mới thực sự là “tự do” trong cái lồng to!
Đã 40 tuổi rồi, đi trên đường chân tôi cứ thỉnh thoảng nhẩy “cẫng” lên như một cậu bé 14 – 15 tuổi. Không biết do đôi “ba-ta” mới xỏ, hay trong lòng tôi? Chẳng biết được! Cứ cho là cả hai đi, có ảnh hưởng sai lầm gì đâu? Nhìn cheo chéo trên một hẻm đồi cao, trong đám rừng cây rậm xì, có một giòng suối con đang róc rách chảy đều đều, tôi chợt liên tưởng đến bài “Suối Mơ” ngày xưa:
Suối ơi!… Bên rừng Thu vắng….
Giòng nước trôi lững lờ ngoài nắng!
Tôi không thể kìm hãm lòng mình được nữa! Tôi đã rủ Lê Văn Kinh đến tận bên con suối, để ngắm nhìn cho đã! Biết đâu lại chả có những cô Thiên Nga, đùa giỡn đang tắm phía sau đồi! Một ngày quá đặc biệt, tôi đã thả lỏng hồn tôi tự do lang thang đây đó! Tôi còn định kéo tay rủ Kinh vào gặp cụ Văn Cao trong Thiên Thai nữa chứ! Nếu Lê Văn Kinh không phản đối tôi kịch liệt…
- Thôi! Tôi không vào trong ấy đâu! Tại sao Bình lại cứ ngẩn ngơ, với những vật vô tri ấy như vậy?
Tôi đành dịu dàng năn nỉ:
- Kinh ơi! Một chiếc cầu ao, mái nhà tranh, một ngọn cỏ, một lũy tre làng, một ánh trăng, một giòng suối, một cây rừng v.v… Đúng là những vật vô tri theo bạn. Nếu bạn biết “xuất hồn “cảm nhận, thì những vật vô tri ấy đều có “hồn” cả. Chúng cũng biết giận hờn hay mừng vui chào đón bạn, chia xẻ với bạn nhiều lãnh vực, khi bạn vui cũng như lúc bạn buồn.
Tôi đã tha thiết vận dụng, cái óc nhiều “bã đậu”của tôi để nói nhiều. Nhưng nhìn đôi mắt mầu nhờn nhợt nâu nâu, của Lê Văn Kinh, tôi cũng đành ngừng lại. Kinh chẳng chiều, chẳng thông cảm cho tôi, thì tôi phải chiều Kinh
vậy. Tôi kéo Kinh ra đường, tiếp tục đi, và chỉ nói những chuyện về chấp hành nội quy của Hồng Thắng. Đóng giường, tủ ghế, sao cho nhanh và đẹp. Chốc nữa đến chợ, mua được cái gì tươi để cải thiện cái dạ dầy v.v…
Từ xa, kia rồi, tôi đã thấy một đám đông người trên ngang lưng một ngọn đồi, cạnh đường đi. Những chiếc lều trống trải, một vài con bò, con trâu gầy, không phải để bán mà là những vật dụng, chuyên chở trên đường rừng. Trong đám đông hàng trăm người ấy, chỉ có dăm, mười người là Kinh, hầu hết là bán hàng, còn hầu như toàn là người dân tộc thiểu số. Tôi chẳng biết họ thuộc những sắc tộc gì; nhưng chắc chắn họ đều là người VN. Nhìn từ xa, ngôi chợ chỉ là một mầu nâu, hay xám. Bước vào chợ, có một cái mùi ngai ngái của phân trâu, phân bò, lẫn mùi cây rừng và đá núi, thành một cái mùi giản dị, mộc mạc thô kệch mà chất phác, của quê hương.
Cũng có vài tấm phản, trên có vài mảnh thịt của những con thú rừng như nai, hoẵng, gà Gô. Đa số là thịt khô đã treo trong bếp, ám mồ hóng lâu ngày. Tuyệt đối không có thịt trâu, bò, lợn, gà, vịt, gạo, đậu v.v… Những thứ này nhà nước đã quản lý chặt, phải đến cửa hàng Quốc Doanh, mua theo tem phiếu cố định, ở những thị trấn, thị xã.
Cảnh chợ hầu như người ta chỉ bán bằng thúng và mẹt, chỗ này một ông dân tộc, để trên cái mẹt vài cái nhạc ngựa bằng đồng, vài cái vòng tay, vòng cổ, hay giây chuyền của phụ nữ bằng bạc đã cáu ghét, đen xỉn lại. Chỗ kia mấy bà bày mấy quả cây rừng, vài cái lược, cặp tóc v.v… Đồ dùng của phụ nữ, miền sơn cước.
Có 2 – 3 anh mặc quần áo xám bộ đội, tay đeo chiếc băng đỏ. Một hình thức như cảnh sát, giữ trật tự ở dưới xuôi. Một anh chừng 25 tuổi, nhìn tôi và Kinh bằng đôi mắt màu thiên lý thiện cảm, rồi cười. Chúng tôi cũng cười đáp lại và tôi đã làm quen. Anh tưởng chúng tôi là nhà báo, hay cán bộ miền xuôi, của nhà nước. Tôi đã nói thẳng, thật, chúng tôi là tù đã gần 2 chục năm rồi, bây giờ là công nhân ở Hồng Thắng. Có lẽ vì tôi tỏ ra thành thật chân thành, nên anh càng có thiện cảm hơn. Anh là dân tộc Thổ, tiểu đội trưởng du kích ở Bắc Ngầm. Anh chỉ tay về phía cuối đường, chừng nửa cây số, có mấy căn nhà lá con:
- Nhà tôi nớ!
Chiều tan chợ, tôi định ghé thăm nhà anh, tên anh là Sín Lồ hay Sín Lò tôi không còn nhớ rõ. Tôi và Kinh mua được mấy bắp ngô luộc, ăn thay bữa trưa. Mới khoảng hơn 2 giờ chiều, chợ đã vãn người, có lẽ miền núi họ phải về bản làng xa chăng? Nhìn ngôi chợ miền Núi về chiều, tôi chợt nhớ đến Bà Huyện Thanh Quan “Qua Đèo Ngang”. Rồi lại nghĩ đến Hoàng Thanh trong “Bát Cảnh Danh Họa” đời Đường: “Sơn Thị Tình Lam” ở phân trại E. ngày nào! Tôi và Kinh còn mải mê ngắm nhìn con trâu gầy ở góc chợ, đang nhai cỏ, thì chính Sín Lồ đến. Anh muốn rủ chúng tôi trên đường về Hồng Thắng, ghé vào chỗ anh.
Khoảng 3 giờ, tôi và Kinh lang thang, thảnh thơi trên đường trở về Hồng Thắng. Đặc biệt là chúng tôi mua được 10 bắp ngô sống, định mang về công trường, ngày mai luộc ăn thêm.
Khi đi qua xóm nhỏ của Sín Lồ, chính anh lại ra đường vẫy chúng tôi vào, tôi kéo tay Kinh cùng đi vào! Thoáng bên trong có một cái chõng tre đã lên mầu thời gian; có hai thanh niên nữa. Sau khi chuyện trò được biết cả 3 anh đều là bạn và cũng là du kích của Bắc Ngầm, chúng tôi cũng chuyện trò xã giao. Tôi không thể quên được một sự việc trong lúc ngồi hút thuốc lá Hoa mai, uống trà chuyện trò, tôi nhìn lên vách thấy tấm hình của HCM bị lệch. Để tỏ cái “mắt thợ” của mình, và cũng để nghe xem sao, lòng của người dân Bắc Ngầm. Tôi chỉ tấm hình, nói như nhắc nhở:
- Tấm hình của bác Hồ, bị lệch kìa!
Cả 3 anh quay lại nhìn tôi, nửa như ngạc nhiên, nửa như thăm dò; Sín Lồ chậm rãi:
- Lệch đã lâu rồi! Có rơi cũng không sao?
Tôi nhìn Kinh rồi ngừng lại đấy, và chuyển đề tài:
- Các anh có hay ra thị xã Cốc Lếu chơi không? Và cách đây bao xa?
Sín Lồ lại vồn vã trả lời:
- Một, hai tháng mới ra một lần! Xa lắm! Đi xe đạp cũng hơn 2 tiếng, mới tới!
Thấy hôm nay, buổi đầu; như vậy là tạm đủ. Hơn nữa thái độ mấy cậu có vẻ bồn chồn, như sắp phải đi đâu, hay làm gì. Tôi nhìn Kinh như ra ý rồi quay lại từ giã ra về, hẹn một ngày thuận tiện sẽ gặp lại. Cả 3 cậu đều niềm nở tiễn đưa, chúng tôi ra đầu ngõ.
Vừa bắt tay với Sín Lồ, quay ra, tôi bàng hoàng giật mình, như có một gáo nước lạnh bất ngờ dội vào người. Một nàng tiên của núi rừng; phải nói là một sơn nữ, từ ngoài đường đang đi vào. Da cô trắng mát, ngược lại với mái tóc đen huyền, thò ra trong chiếc khăn vuông mầu xanh xanh đo đỏ. Lưng đeo một chiếc gù mây, chẳng biết đựng gì chỉ thấy một bông hoa rừng trắng toát lắc lư, nhô cao hơn miệng gù. Một bàn tay như thỏi sáp, hờ hững cầm vào một chiếc quai gù phía trên ngực, làm cho ngực của cô càng giồ lên. Đôi mắt của cô cũng đang mở to nhìn chúng tôi, như của một con nai tơ mới trong rừng sâu đi ra, bất chợt gặp bóng người.
Tôi ngây người ra đờ đẫn, chân không thể nhắc lên để bước đi. Mặt cô đỏ lên, rồi nhìn vào phía trong khu nhà, một giọng oanh vàng ré lên, như cầu cứu:
- Sín Lồ Cố!
Lê Văn Kinh đã kéo tay tôi đi, mà đầu tôi còn ngoảnh lại, cô sơn nữ cũng ngoảnh lại nhìn chúng tôi. Tôi ngoảnh lại vì tôi đang lục lại, và so sánh nàng sơn nữ đã từ lâu; qua văn, thơ vẫn êm đềm, nằm trong trí, hình dung tưởng tượng của tôi: Sơn Nữ ơi!…. Hoàng hôn xuống dần…. chờ đợi ai? Làm chi…. cho đớn đau lòng… Trong một thời gian rồi thương…. rồi nhớ… Sơn nữ ơi! Với cô sơn nữ tôi vừa gặp, khác nhau như thế nào!
Còn cô ngoảnh lại, tôi chắc cô ta cũng băn khoăn, không hiểu tại sao lại có một anh chàng, mặt lại đần ra như ngỗng ị thế? Trên đường về Hồng Thắng, Kinh nói những chuyện gì tôi chẳng hiểu và cũng chẳng còn nhớ gì hết.
Hôm sau chủ nhật, tôi nhớ đến anh chàng y tá Vũ Mạnh Tâm, khu tập thể công nhân xã hội (công nhân này không phải là tù như chúng tôi). Có khoảng hơn 100 người cả nam lẫn nữ, hầu hết từ thanh niên xung phong tuyển vào. Họ ở cách chúng tôi hơn 2 cây số, đang xây dựng mấy căn nhà “kiến thiết cơ bản” bên cạnh con đường ra phố Lu.
Tuần trước, tôi lang thang tò mò đã vào khu của họ và đã quen anh y tá tên là Tâm, chịu trách nhiệm y tế của khu. Anh ta khoảng hơn 4 chục tuổi có vợ con ở Bắc Ninh, tôi và anh đã hẹn nhau chủ nhật này để chuyện trò, quen biết bạn bè. Tôi cũng đã nói thẳng, vả lại đám công nhân này cũng biết Hồng Thắng có một trại công nhân “rởm”.
Tôi tính lại rủ thêm Lê Văn Kinh, cùng là Biệt Kích Gián Điệp (Biệt Kích GĐ) ở Sài Gòn, đi chơi thuận tiện hơn.
Tôi lại đóng bộ quần áo hôm qua đi Bắc Ngầm, đó cũng là bộ đồ duy nhất để diện. Ngoài một bộ đồ nâu và mấy bộ sọc (của tù) tôi vẫn thay đổi để đi lao động. Những ngày cuối tuần, trên đường đi rải rác đây đó, đã có những bóng dáng những anh chàng công nhân “rởm” của Hồng Thắng.
Tôi và Kinh đi đến một đoạn vòng cung của một ngọn đồi, thoáng thấy một bóng áo vàng đi ngược chiều. Đến gần ra là chính Tô Bá Oanh, như thế anh chàng này cũng thích trầm tư lang thang một mình. Mới chỉ một vài lần trao đổi tiếp xúc, khi ông ta vào lán mộc như quan sát, nhìn, xem xét của một ông gíam đốc công trường. Nhưng tôi đã thấy Tô Bá Oanh, tuy mang cái lon trung úy và chừng khoảng gần 4 chục tuổi như tôi, nhưng tôi cảm thấy tay này cũng khôn, quái và nhiều tham vọng lắm!
Chúng tôi đều cúi đầu chào theo thủ tục, mắt y lại sáng lên, tiến sang hẳn bên này đường, phía chúng tôi, tươi mặt vồn vã:
- Trông xa tôi lại tưởng là khách lạ, ở dưới xuôi lên!
Y nói, nhưng mắt chằm chằm nhìn quần áo của Kinh và tôi. Nhìn sang Kinh cũng bộ quần áo bộ đội hôm qua đi chợ, Kinh vẫn đi đôi dép râu “Bình Trị Thiên” như nhiều công nhân của Hồng Thắng. Chỉ có tôi mang đôi “ba-ta” mới, nên hơi khác một chút, ở nơi núi rừng. Tôi cười và nói cho qua chuyện:
- Thưa ông! Bộ quần áo này tôi mua rẻ lại của các cậu bên hình sự!
Nói rồi chúng tôi chào, và rút lui ngay.
Vào khu công nhân xã hội, tìm đến buồng y tá của anh Tâm. Nhìn chung một vài nét, tuy ở nhà xây (cơ bản) những ngôi nhà, chính họ đã xây, tạm thời họ ở, để xây những cái tiếp. Hai khu Nam, Nữ ở hai nhà khác nhau.
Thoáng một số nét sinh hoạt, họ cũng nghèo nàn lạc hậu, chả hơn gì chúng tôi bao nhiêu, đặc biệt là tinh thần, họ rất lười. Với cái năng suất lao động như vậy còn kém chúng tôi hàng nửa, thời gian cả về mặt kỹ thuật. Họ lơ là, đàn đúm chơi đùa là nhiều.
Anh Tâm ở một mình, trong một căn phòng con chật hẹp của y tế. Bốn chục tuổi mà có vẻ trầm lắng, không giao thiệp nhiều với những công nhân khác. Quan điểm của tôi lúc nào cũng thể hiện chân thành trước, tôi cũng đã nói thẳng, nói thật chúng tôi là loại Biệt Kích GĐ từ trong Nam ra Bắc v.v… Anh Tâm vui ra mặt, anh lăng xăng hoạt bát hẳn lên.
Tôi có cảm tưởng cuộc sống của anh bị buộc kín theo xã hội. Ở “bầu thì tròn ở ống thì dài” hôm nay anh gặp được mấy người thể hiện “tình người là chính” nên anh đã hưng phấn như thế?
Tôi đã được nghe nhiều sự thật, của cái hệ thống công nhân này. Như làm ít báo cáo nhiều, làm xanh lại báo cáo đỏ. Anh ở trong Đảng Ủy của công trường, anh đã lập gia đình 5 năm rồi. Vợ anh cũng là đảng viên, trong một xí nghiệp may ở Bắc Ninh. Vợ chồng anh có một đứa con trai 4 tuổi.
Tôi luôn mang một ý niệm: Mình có thật sự, như vậy đường mình đi là chính thống, vậy chỉ cần khéo léo trong hành xử, chắc chắn mình có tính hơn hẳn. Vậy thì bất kể với ai, dù chung quanh toàn là kẻ thù, nham hiểm là người của đối phương, ta vẫn mở cửa. Không phải chỉ có máy nhìn, mà có cả máy ngửi. Dù anh có bọc bao nhiêu lần vỏ, pha trộn bao nhiêu màu, ta tin tưởng sẽ nhìn vào cái nhân, vào bản chất của con người và sự việc. Rồi tùy theo, sẽ giải quyết theo chiều hướng ta muốn.
Có một chuyện vui mà tôi chưa quên: Sau khi Tâm biết chúng tôi là tù nhân 15 – 16 năm rồi, một loại tù phải chịu những hình thức khai thác ngặt nghèo, khác thường. Nghèo thôi, nhưng chân thành, chỉ có đậu phụng rang và ổi xanh với rượu trắng, mỗi người góp một đồng là có một bữa say, đầy nghĩa tình người.
Trong lúc bên trong là say, bên ngoài là tỉnh, rồi lẫn lộn: Tâm rất băn khoăn thắc mắc: Tại sao tôi và Kinh đã trên dưới 40 tuổi, Tâm mới 35 tuổi lại già hơn, cằn cỗi hơn? Trong khi Kinh và tôi phải ở trong tù, khổ đau như vậy?
Chính Lê Văn Kinh cũng không thể giải lý rõ vì sao, mà chỉ quy cho là có người trẻ hơn tuổi; có người già trước tuổi là do trời, do máu, do giòng họ của mỗi một người.
Tôi đồng ý, chúng ta không thể phủ nhận được yếu tố đặc biệt này, nhưng nếu ta xét, ta nhìn cái chung: Một chục người cùng tuổi ấy, điều kiện ấy mà ở trong tù cách biệt kiên giam. Và một chục người cùng tuổi ấy, điều kiện ấy ở ngoài đời có vợ, có con thì sẽ thấy yếu tố trên, không còn đúng hoàn toàn nữa.
Tuy đầu tôi nghĩ thế, nhưng tôi vẫn ngồi im lặng; mãi cho tới khi cả Kinh và Tâm bắt tôi phát biểu ý kiến. Cũng đã gặp cụ Lưu Linh rồi, nên tôi mạnh bạo trình bày, dù tự biết đầu óc của mình có nhiều “sạn, sỏi”. Nhưng phải cởi mở lòng mình, phải chân thành như lòng mình đã, nên tôi đã mạnh dạn phát biểu:
- Tôi suy nghĩ thế này: Phật và Chúa nói theo từng tôn giáo, nói chung là đấng tạo hóa sinh ra con người. Ngài ban cho mỗi người kể cả đàn ông, lẫn đàn bà, một bọc, một cục sống. Nói một cách giản dị là tạo hóa ban cho mỗi người 1000 đồng chẳng hạn. Bằng nhau, ai cũng như ai. Nếu anh phung phí tiêu nhiều, về cuối anh còn ít. Ngược lại thì anh còn nhiều, đó là hình dung theo toán.
Bây giờ ta hình dung có vẻ theo kiểu văn chương: Tạo hóa ban cho loài người đồng đều, mỗi người một sợi tơ đồng, để hưởng một thời hoa mộng.
Nói chung, từ khoảng 20 tuổi đến 40 tuổi, cái dây tơ hồng đó, có quý vị gẩy nhiều, người gẩy ít tùy theo. Bình thường trong 20 năm gẩy, thì sợi tơ đồng đó đã dão ra rồi, nên khi gẩy thì tiếng kêu của nó đã rè, đã đục. Các quý vị cứ nhìn các ông Cha, ông Sư. Các ông ấy thường trẻ hơn, với những người cùng tuổi ở ngoài đời, đấy là cái chung.
Chứ tôi hiểu cá biệt có những ông Cha, những ông Sư (nhất là ở Việt Nam hiện nay) các ông ấy không những vẫn gẩy đàn, mà còn gẩy hơi nhiều, gẩy hơn một người bình thường nữa. Như vậy thì ai cũng đã thấy, nếu đem cái dây tơ đồng của một ông 40 tuổi ra gẩy, nếu nó không rè rè thì nó cũng kêu bùng bục. Ngược lại, Lê Văn Kinh và tôi không gẩy và chưa hề dùng đến cái dây tơ đồng ấy. Nếu bây giờ đem gẩy thì nó vẫn thánh thót, du dương như thưở ban đầu vậy.
Tâm và cả Kinh đều cười ngặt nghẽo, cười bò ra, tay ôm bụng. Nỗi hưng phấn của Vũ Mạnh Tâm, càng được đẩy cao; anh chạy đến chiếc tủ con, mở lấy ra một chiếc máy ảnh nhỏ, quay lại nói rổn rang:
- Đây là chiếc máy ảnh của ông anh trung tá sư phó, mới mua ở Sài Gòn tháng trước, cho tôi mượn một tuần. Hôm nay anh em ta ghi một tấm hình, để kỷ niệm.
Truyện trên trời rơi xuống! Chụp ảnh ngoài xã hội lúc này còn khó, huống chi lại ở trong tù. Tôi nhoài người đến cầm chiếc máy, ngắm nghía. Máy ảnh của Nhật, TENKA II có automatic nữa. Ra ngay ngoài hè, Tâm chụp mấy tấm, trong đó có riêng một tấm Kinh và tôi. Có lẽ đó là một tấm hình đặc biệt duy nhất, của Kinh và tôi, chụp để kỷ niệm trong giai đoạn ở tù.
Buổi chiều trở về, mới bước chân vào đến cổng của Hồng Thắng, tôi mừng quá! Lý Cà Sa to lớn tiến lại bắt tay tôi, có một số công nhân mới chuyển đến, có thêm mấy anh Biệt Kích nữa trong đó có cả Nguyễn Cao Sơn (một chuẩn uý của Thủ Đức).
Trên đường vào chỗ của mình, đầu tôi suy tư: Lý Cà Sa mà được ra công trường HT, cũng là một sự khác thường. Tôi xách gầu và quần áo ra sau giếng tắm một cái, sau 2 ngày ngược xuôi quanh vùng.
Trong hàng chục người chung quanh giếng, có một cậu hình sự chừng 20 tuổi cứ liếc nhìn tôi, thái độ khác thường. Xong xuôi, tôi vừa rẽ về đến ngôi nhà số 2, thì cái cậu liếc nhìn tôi khi nãy, đã đón đường. Thái độ cậu ta hơi ngập ngừng, hai tay xoa xoa vào nhau; rồi giọng như được tăng số:
- Em hỏi thực anh, có phải anh là một điệp viên cừ khôi được đào tạo công phu ở Nhật, về Hà Nội hoạt động phải không?
Tôi còn ngạc nhiên, đắn đo quan sát thái độ của cậu, cậu ta lại nhấn mạnh:
- Anh cứ nói thật với em đi!
Một chút băn khoăn, tôi khẽ để một tay lên vai cậu:
- Trước khi anh trả lời, hãy cho anh biết do đâu em lại hỏi anh như thế?
Cậu này tỏ ra hơi bộp chộp, nên trả lời ngay:
- Nhiều bạn bè em chỉ anh, nói với em như vậy!
Tôi vẫn đặt tay lên vai cậu, dịu dàng nói với cậu:
- Cám ơn em đã hỏi anh như vậy, anh xin nói ngay là những lời đồn đó, là không đúng sự thật. Tên em là gì?
Cậu trả lời tên là “Công” còn gặn lại:
- Hãy tin em! Nếu thật em sẽ xong ngay!
Tôi thấy không giải quyết cái gì, cũng chả cần hiểu “xong ngay” là “xong”gì? Tôi đập vào vai cậu, như đẩy đi:
- Thôi chào em Công nhé!
Quay vào buồng tôi nghĩ: tiếng đồn thì thường hay phóng đại!
Đã có một số cậu hình sự xin đi phép, cả một vài Biệt Kích cũng đã xin đi phép vào miền Nam 2 tuần, 1 tháng. Để nghe ngóng, để thử, tôi cũng dần đánh tiếng qua tên cán bộ trực của công trường là Đỗ Nhận. Nghe đồn tên này là trung sĩ cán bộ trên trại Quyết Tiến (Cổng Trời) về đây.
Ra vào qua ánh mắt; tôi thấy y có chút thiện cảm cá nhân với tôi, nên một buổi thuận tiện gặp y, trên một quãng đường từ cơ quan vào Hồng Thắng. Nghĩ đến Hà Nội, còn mấy người em ở Hàng Bột con bà dì, em ruột của mẹ tôi. Tôi còn một bà dì họ ở Lương Ngọc Quyến. Thì cứ thử xin 2 tuần, xem họ có cho đi không đã. Nhưng tên Nhận đã nhìn tôi, rồi nói rõ ràng:
- Anh Bình cứ thử làm đơn lên Ban Gíám Đốc! Theo tôi đã có 2 người (Biệt Kích) đi phép vào Nam, nếu họ không trở lại thì không phải là dễ.