Never lend books, for no one ever returns them; the only books I have in my library are books that other folks have lent me.

Anatole France

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 126: Một Căn Bệnh Thần Kỳ
hiều hôm qua, một câu chuyện của anh Lê Văn Bưởi làm cho tôi và có lẽ cả khu A chính trị không thể quên được. Như tôi đã nói trước đây, khi còn trong trại E, anh Bưởi cứ lẽo đẽo cắp vở theo học lớp 2 bổ túc văn hóa vào những buổi trưa của trại. Lúc đầu còn nhiều anh em bàn tán, xầm xì; nhưng mãi rồi cũng thôi. Phần tôi nhìn về anh, vì anh và tôi càng ngày càng thân hơn do giống nhau ở nhiều điều kiện nên được nhiều chi tiết cụ thể hơn. Những tháng đầu anh mới chuyển về trại E, mặt anh thường tươi vui phấn chấn. Có thể vì anh còn đang ấp ủ một niềm hy vọng tràn trề trong lòng theo như anh đã tâm sự với tôi: “tôi có rất nhiều công lớn với đảng và nhà nước”. Nhưng rồi niềm hy vọng của anh cứ phai lạt dần theo thời gian, để rồi chính anh cũng chẳng còn bao giờ nhắc điều đó với tôi nữa.
Sau khi chuyển ra trại xây, trại chính này hơn một tuần. Một đêm mưa rơi tầm tả làm thao thức, khắc khoải bao tâm hồn người tù. Sáng hôm sau, cái chân phải của anh Bưởi, không hiểu vì sao đó bị co rút gâp lại, anh không đi lại được nữa. Cán bộ và y tế vào buồng khám, chỉ thấy anh rên rỉ, kêu la đau đớn. Họ nắn bóp, sờ mó chân anh nhưng chưa thể kết luận là bệnh gì. Nhìn cảnh sinh hoạt của anh ai cũng mủi lòng, thuơng hại.
Theo quy định của trại, ban ngày không ai được vào nhà cầu trong buồng để đại, tiểu tiện. Vả lại người làm vệ sinh đã lấy thùng đi từ sáng sớm rồi. Mọi người ốm bịnh ở lại buồng đều phải ra nhà cầu công cộng của trại. Anh Bưởi không đi được, nhẩy lò cò thì đau đớn, vì thế nhiều lần anh phải bò, lết đi ra rửa ráy. Những hôm nắng ráo đã đành, vào những ngày mưa dầm ướt át thì thật khốn khổ cho anh. Cũng có nhiều anh em thông cảm, trông thấy nên đã dắt dẫn anh đi.
Phải nói tôi rất thương anh. Anh cũng như tôi, một thân, một mình chẳng may rơi xuống vực thẳm của đời, đành lầm lũi, lê kiếp sống lầm than trong ngục tù tăm tối đã thổi ruỗng, não nề cõi lòng rồi. Bây giờ lại bị bán thân bất toại nữa thì còn cay đắng tủi cực đến đâu.
Chính vì thế, nhiều đêm tôi đã chui sang màn anh, thăm hỏi, ủi an, xoa bóp chân cho anh, đã nhiều lần tôi phải cõng anh ra nhà cầu của trại, cũng như ra rửa ráy, giặt giũ. Hơn một tháng sau, hôm ấy, khi toàn trại đã đi lao động có một trung úy là bác sĩ trên tỉnh (Lào Cai) vào buồng khám bệnh cho anh Bưởi. Ông bác sĩ, có cán bộ y sĩ trại là thượng sĩ Thìn đi theo. Sau đấy, cả tên Đức trưởng ban giáo dục trại, rồi Thạc y tá của trại. Một đoàn người kéo vào buồng I để khám bệnh cho anh Bưởi.
Người ta dùng ống nghe, dùng vồ con gõ, đập khớp xương. Cuối cùng, một người khoác nách, hai người cầm chân anh Bưởi, họ ra sức kéo thẳng ra. Anh Bưởi đau đớn, kêu như bò rống, nhưng khi họ bỏ chân anh ra, nó lại gập lại như cũ. Phần vì không có thuốc để tiêm, phần khác không có đủ phương tiện để khám nghiệm cho nên chân anh Bưởi cứ đành bị gập như vậy. Cứ như thế kéo dài 3 – 4 tháng sau. Dĩ nhiên là anh Bưởi không đi lao động được.
Anh được ban giám thị cho tổ kỹ thuật của Đinh Sơn làm cho anh một cái nạng gỗ thật nhẹ và đẹp. Từ đấy cuộc đời anh đỡ nhiều nỗi khó khăn trong sinh hoạt. Trong buồng, nhất là những anh nằm gần anh Bưởi, họ nhìn thế nào về anh thì tôi không được biết, riêng tôi, cũng có lần tôi đặt vấn đề suy nghĩ. Tất nhiên, trong cuộc sống của con người, ai cũng đầy rẫy những vấn đề phải lo lắng suy nghĩ rồi, đâu cần bận tâm suy nghĩ về những câu chuyện của người khác. Nhưng sự việc cứ bầy ra trước mắt hàng ngày, nên rồi cũng có lần phải suy nghĩ tới. Nếu anh Bưởi không có bệnh, chân anh cứ co quắp suốt ngày đêm như vậy, thì làm sao anh chịu được. Nó sẽ bị tê buốt nhức nhối. Có lẽ những tên cán bộ giáo dục và những tên cán bộ y tế, cũng nghĩ như thế. Cho nên, một hôm chúng nó lại xuống buồng dùng băng quấn chặt chân anh Bưởi lại. Chúng xỏ lá nói là phải buộc như vậy để cái máu tê xuội nó không thể chạy lung tung khắp người, có khi nó còn chạy sang chân bên kia nữa.
Tôi nhìn anh Bưởi mà thương hại anh, nếu anh bị thật thì không nói làm gì, nếu giả thì không biết anh sẽ bị khó khăn như thế nào. Phải nói vì chuyện này, mà đã từ lâu tụi cán bộ giáo dục, đã gọi hầu như lần lượt khắp buồng lên để hỏi về anh Bưởi. Ngay chính tôi, đã 2 lần khi chúng gọi tôi lên để giáo dục, tên Đức đã hỏi tôi có nhận xét gì về cái chân của anh Bưởi. Một lần khác tên Tập trung sĩ (tên này là cán bộ giáo dục mới ở đâu về) cũng hỏi tôi về cái chân anh Bưởi. Trong lòng tôi, thực sự cũng có nghi là anh Bưởi làm giả, nhưng tôi nghĩ rằng: thứ nhất, đây là một chuyện vô thưởng, vô phạt đối với mình; thứ hai, dù anh Bưởi có làm giả thì đó là một chủ trương của anh, một hình thức đấu tranh của anh đối với cộng sản. Nếu bất cứ ai có ý thức với đường đi của mình thì đều phải giúp đỡ anh, bao che, tạo điều kiện cho anh.
Tuy vậy, để khỏi mang mối ưu lo về sau với một việc làm mà tôi đã cho rằng chưa đủ thấu quát, nên tôi đã đều trả lời:
- Tôi nằm ở sàn đối diện, nhiều đêm tôi thấy anh rên la ghê lắm! Chính tôi cũng thông cảm và giúp đỡ anh nhiều lần. Nhưng như ông đã biết đấy, hàng ngày tôi thường nỗ lực lao tác dựng nhà. Về buồng tôi chỉ đọc sách rồi mệt thì ngủ, nên tôi không biết rõ lắm.
Từ ngày chuyển ra trại chính này, Hoàng Thanh đi đâu biệt không thấy mặt. Nhiều lần ban giám thị xuống nói chuyện với trại ở ngoài hội trường, chỉ thấy tên Toán, Chuân, Mạch mà không thấy bóng dáng Hoàng Thanh đâu. Có lẽ y phải chuyển đi nơi khác! Hoặc có khi y buồn, vì không mang được cái tác phẩm kỳ vĩ của y là cái cùm hộp ra trại chính này, cho nên y đã bỏ đi chăng?
Mới hai tuần trước, tôi thoáng thấy cái dáng cao lênh khênh của y lững thững từ phía cổng trại đi xuống khu nhà bếp. Trông xa từ gần 200 mét, rõ ràng chiếc lon trên cổ áo của y còn tươi đỏ như máu, có 3 ngôi sao vàng lấp lánh mới toanh. Như vậy y đã lên thượng úy rồi. Dạo này những buổi sáng và những buổi chiều khi toàn trại đã đi lao động, đã có nhiều người được lệnh ở lại trại để đi gặp cán bộ. Tuy trước đây hàng ngày vẫn có người phải ở lại gặp cán bộ giáo dục nhưng từ ngày Hoàng Thanh về, mật độ đã dầy hơn. Anh Bưởi bị Hoàng Thanh gọi lên gặp mấy lần. Và chiều hôm qua khi chúng tôi đi lao động về thấy anh Bưởi không đi nạng nữa. Anh mang quần áo ra giếng tắm rửa như một người khỏe mạnh bình thường. Tôi và nhiều anh em khác mở to mắt ngạc nhiên, thì Nguyễn Văm Gôm và Trần Như nghỉ ốm ở nhà đã cười rộ lên, Gôm nhanh nhẩu:
- Hôm nay Hoàng Thanh gọi anh Bưởi ra ngoài chỗ khu ban giám thị. Chẳng hiểu Hoàng Thanh đã dùng phương cách gì, hay nói năng với anh Bưởi ra sao, chỉ biết khi anh trở về trại, anh đi đứng bình thường, và chiếc nạng chắc Hoàng Thanh giữ lại để làm kỷ niệm.
Nói đến đây, Gôm lại cười hô hố nói tiếp:
- Nghe đâu Hoàng Thanh đã ra lệnh cho anh Bưởi phải khỏi cái chân ngay lập tức, nếu không y sẽ thẳng tay trừng trị. Và anh Bưởi đã chấp hành lệnh của Hoàng Thanh để khỏi cái chân thật, sau gần 6 tháng què.
Câu chuyện què chân của anh Bưởi, làm cho anh em trong trại đùa vui như một giai thoại của nhà tù. Sau này thỉnh thoảng tôi nghĩ đến hành động này của anh Bưởi. Có thể tôi đã nhìn sai? Anh Bưởi làm như vậy để giải quyết điều gì? Phải chăng để cho cộng sản thấy anh què, sẽ tha anh? Hay anh làm thế để khỏi phải đi lao động? Kết hợp với việc đi học lớp 2, bổ túc văn hóa của anh, tôi cứ nghĩ rằng: Đây là hành động của một người nhìn việc đời chỉ từ một góc độ, trong khi thường phải nhìn từ rất nhiều phía.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen