Số lần đọc/download: 4221 / 45
Cập nhật: 2014-12-04 16:13:47 +0700
Đừng coi chuyện kết hôn là vĩnh cửu
M
ọi thứ đều có thể đổi thay, chả ai tắm ở dòng sông 2 lần. Nước sông hôm nay khác nước sông ngày mai, đừng đổ tội cho người đàn bà khác, đừng vin vào việc "con cần có bố" mà không dám buông tay.
Tôi có một điều ngạc nhiên rằng hình như người phụ nữ nào cũng lên án gay gắt và đổ lỗi cho bồ của chồng, còn chồng họ vô tội và là của báu. Tôi đã tranh thủ đọc hầu hết bài viết về chuyện chồng có bồ, để ý thấy mấy điều thế này: Các chị em đều tự cho là mình có công lao, đã hy sinh mọi thứ vì chồng con, vì gia đình chồng. Chồng yêu đương người khác thì anh đã đánh mất đạo đức. Người thứ 3 - cô bồ của chồng thật trơ tráo, vô đạo đức, sẽ bị quả báo.
Tôi có cảm giác chị em đang la lối như thể bị mất cắp một thứ tài sản gì đó chứ không phải nỗi đau khổ vì không còn được yêu thương, không còn có tình yêu của chồng. Tôi có cảm giác hầu hết chị em thực sự coi chồng như một thứ tài sản vĩnh viễn thuộc về mình, ít chị em suy nghĩ về chồng như một cá thể độc lập về thể xác cũng như đầu óc. Giờ tôi có mấy ý kiến gọi là "phản biện" thế này:
Ai bắt chị em hy sinh vì chồng con? Có anh chồng nào ngày cưới đã ra nội quy yêu cầu chị em đầu tắt mặt tối, không son phấn, không vui chơi, không bạn bè mà chỉ chúi mũi vào việc nhà và mọi cơ hội chị em phải dành cho chồng không? Tôi không tin các anh chồng lại ra tối thư như vậy khi cưới vợ. Khi một người đàn ông kết hôn với người phụ nữ, trừ số rất hiếm là đào mỏ hoặc vì mục đích nào đó, những người đàn ông đều không ít thì nhiều yêu thương, trân trọng người phụ nữ của mình. Vậy tại sao sau này những người đàn ông đó thay đổi? Các chị em có bao giờ tự hỏi lý do?
Tại sao các chị em từ vị trí số một trở thành vô nghĩa với họ? Các chị em chỉ thấy công lao của mình, sự hy sinh cho chồng (mà khéo khi được hỏi, chắc đâu các anh em đã thích sự chăm lo, hy sinh ấy). Tôi nghĩ trong tình cảm, nếu lấy công lao ra mà kể lể và đòi hỏi thì những chăm sóc, quan tâm ấy chả có nghĩa gì. Quan tâm, chăm sóc đến nhau là tự nguyện, khi chị em làm vậy vì đó chính là những điều đem lại hạnh phúc, ý nghĩa cho chị em. Vậy tôi nghĩ, đừng bao giờ kể lể đó là sự hy sinh. Nếu không thích thì đừng làm, nếu làm đừng kể công. Cá nhân tôi cho rằng, khi người phụ nữ luôn có ý thức mình có công với chồng, có công với nhà chồng thì chị ta cũng chả yêu thương mấy nỗi ông chồng ấy.
Đạo đức trong chuyện này là gì? Có chị em nào định nghĩa và đưa ra khái niệm cụ thể dùm tôi được không? Tại sao khi chồng có người phụ nữ khác thì lập tức nói rằng anh ta vô đạo đức, xấu xa? Cá nhân tôi nghĩ: Không thể nói đạo đức trong chuyện tình cảm được. Người ta cùng lắm chỉ có thể nói đến trách nhiệm với hậu quả đã gây ra thôi. Có khi nào các chị nghĩ chồng mình cặp bồ với một người phụ nữ khác đâu phải vì cô ta có cặp chân dài hay bộ ngực đẹp mà chính vì sự đồng điệu nào đó (kể cả đến đồng điệu về suy nghĩ và thể xác mà các chị không có)?
Tất nhiên có những người đàn ông trăng hoa do bản tính, những người đó hay thay đổi, chóng chán. Không chỉ có một bồ mà có nhiều bồ trong nhiều khoảng thời gian, nhưng đấy là tự chị em quyết định kết hôn với anh chàng đào hoa ấy cơ mà. Thời buổi này tự do yêu đường kết hôn, có ai bị ép gả đâu? Tại sao chị em không nghĩ có khi chính tính ga lăng, hào hoa, lẳng lơ của anh ta đã hấp dẫn và là lý do làm chị em mê mệt đến mức kết hôn với anh chàng như vậy thì cũng có nhiều cô gái, nhiều người phụ nữ khác cũng có thể mê mệt những phẩm chất đó của chồng chị em.
Cô bồ liệu có đúng là vô đạo đức, trơ tráo hay không? Tôi nghĩ nếu với cương vị ăn cắp đồ thì cô ta vi phạm luật pháp nhưng một ông chồng không thể là tài sản của ai, anh ta là một con người độc lập về thân xác, tinh thần. Anh ta không phải là tài sản của vợ; con người, suy nghĩ của anh ta muốn trao gửi với ai thì đó là quyền của anh ta.
Tờ giấy kết hôn chỉ là thừa nhận 2 con người chung sống, sinh con đẻ cái hợp pháp trước pháp luật và họ có trách nhiệm với tài sản, con cái chung đó. Chị em cầm tờ giấy kết hôn không có nghĩa rằng người chồng sẽ thuộc về mình mãi mãi. Tờ giấy kết hôn không quy định thời hạn chung sống với nhau phải là mãi mãi và trên tờ giấy kết hôn không hề ghi rằng: Đây là chứng nhận anh này chị kia yêu nhau bây giờ và yêu nhau đến lúc chết. Cá nhân tôi cho rằng vấn đề của chị em khi có một quan niệm hết sức sai lầm: kết hôn là vĩnh cửu. Chồng mãi mãi thuộc về mình.
Chị em tìm cách xích chân anh em bằng những cố gắng chăm lo nhà cửa, con cái và cả anh chồng nữa, rồi tin rằng "gái có công, chồng không phụ". Chị em hình như quên mất nếu không yêu bản thân thì làm sao người khác yêu mình được? Chị em tự đánh mất mình, tự sống mòn đi, không còn cá tính, không còn ước mơ, không còn những kế hoạch riêng thì các anh chồng liệu có yêu mình mãi được không? Hễ nói đến gia đình là lập tức chị em nghĩ ngay đến cơm áo gạo tiền. Đành rằng cuộc sống khi có con cái là cơm áo gạo tiền, nhưng các chị em có biết áp lực khủng khiếp của đàn ông khi phải bươn chải ngoài kia kiếm tiền cho vợ con nó thế nào không? Cái anh em cần khi về nhà là sao?
Tôi không nghĩ anh em cần một người vợ như ôsin và như một bà mẹ. Hai cái đó mà cộng lại thì cũng đáng ái ngại với một người đàn ông. Tôi cho rằng đàn ông dù gia trưởng đến mấy cũng thích chia sẻ với người phụ nữ hiểu mình, muốn được sống đúng là mình mà không phải e dè điều gì cả. Có chị em nào chồng cặp bồ mà có thể tự tin nói rằng: Chồng sống với mình rất thoải mái, được thể hiện là đúng con người anh ta không?
Quay trở lại chuyện cô bồ có đúng là vô đạo đức đến mức thấy anh chồng có vợ con rồi mà vẫn không tha anh ta hay không? Tôi cho rằng trong chuyện này, cô ta bình đẳng với chị em. Cô ta thích ai đó thì có quyền tiếp cận, nhớ mong, yêu thương, quan tâm, vấn đề là chồng chị em kìa. Có tránh được sự cám dỗ ấy không? Đa phần chị em đều không thấy rằng mình có một lợi thế cực kỳ, đó là những năm tháng gắn bó chia sẻ cùng chồng, nếu như sau ngần ấy năm chung sống mà còn không hiểu nổi tâm tính chồng, không giữ nổi anh chồng thì chị em kêu ca gì?
Đàn ông đa phần không phải là chỉ háo sắc đâu. Các anh chàng tìm đến người thứ 3 một phần nào đó muốn trốn tránh thực tại ngột ngạt trong gia đình đấy. Tôi chỉ muốn nói: Chị em hãy thay đổi đi, hãy tôn trọng mình bằng cách quý bản thân, quý cơ hội đang được sống. Hãy độc lập về kinh tế, đừng dựa dẫm vào chồng. Đừng coi rằng tờ hôn thú là cái dấu đóng cuộc đời chồng vĩnh viễn vào mình.
Mọi thứ đều có thể đổi thay, chả ai tắm ở dòng sông 2 lần. Nước sông hôm nay khác nước sông ngày mai, đừng đổ tội cho người đàn bà khác, đừng vin vào việc "con cần có bố" mà không dám buông tay. Trẻ con khi bố mẹ ly hôn mà giữ được thái độ tôn trọng nhau thì cũng chả sao đâu. Đừng coi chồng là một bất động sản mà mình ra sức đầu tư và rồi cũng tự trói mình vào đó.
Tôi đã đọc những lời góp ý trên diễn đàn xui một chị đừng có dại ly hôn vì "Bao nhiêu công lao của mình gây dựng cho chồng thành đạt giờ để cho cô khác hưởng à". Tôi thấy buồn cười và ái ngại quá. Chồng có phải tài sản đâu, giữ anh ta là chồng trên danh nghĩa để làm gì khi điều đó tước đoạt của chính chị em sự tự do, thà gặp gỡ những người đàn ông khác phù hợp và làm chị em hạnh phúc gấp ngàn lần anh chồng đã hết tình.
Phía trước là bầu trời xanh tự do, nếu như chị em độc lập về kinh tế, phía trước sẽ có bao nhiêu cuộc hẹn hò và những anh chàng hấp dẫn. Tại sao phải hằm hè bám chặt lấy anh chồng đã hết tình với mình? Pháp luật có cấm chị em yêu đương sau khi ly hôn đâu? Tôi xin cam đoan cơ hội có đủ cho mọi chị em. Các cụ chả nói: Có nồi là khắc có vung mà. Vấn đề là lựa cái vung nào cho hợp với cái nồi của mình thôi.
Nhất là đừng đổ lỗi cho "hồ ly tinh" quyến rũ chồng mình. Phải hiểu rằng trong chuyện này chả ai có lỗi cả, chỉ có một người sai lầm đó là chị em mà thôi. Tin tôi đi, trên 75 tuổi vẫn còn cơ hội gắn bó. Tôi cam đoan mình không cổ vũ cho ngoại tình, chỉ coi đó là một phần tất yếu sẽ xảy ra ở cuộc sống này. Chỉ là ta sẽ lựa chọn cách nào để thoát khỏi nó mà thôi. Chúc các chị em vui tươi, hạnh phúc, biết buông tay để tìm cơ hội mới.
Thục