Nếu bạn chưa từng nếm mùi thất bại, tất bạn chưa gặp thử thách thực sự.

Dr Porsche

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 124: “Đau Thương Này Thật Là Vô Kể!”
hẳng mấy chốc mà đã lại sắp sửa tới ngày Quốc Khánh mồng 2 tháng 9 rồi. Đời của những người tù ở miền Bắc, một năm chỉ đợi chờ có 2 dịp: mồng 2/9 và ngày Tết của dân tộc. Ai cũng hiểu là mong hai ngày ấy cũng chỉ vì những ngày ấy mới có chất tươi, mới có cơm không độn và mới cho đời người tù hiểu thấm thía cái ý nghĩa của một kiếp sống con người.
Còn những 3 ngày nữa, thế mà do những nguồn tin rỉ tai từ phía cán bộ, anh em trong trại đã biết rõ, mồng 2 tháng 9 năm nay sẽ ăn to! Riêng bứt cho bữa cơm sáng ngày Quốc Khánh là một con lợn cân nặng 40 kg. Về buổi chiều, một đặc ân kỳ vĩ, có một không hai của ban giám thị sẽ cho tù thưởng thức món… phở truyền thống của dân tộc.
Ối giời ơi! Thật là ngàn năm một thuở. Cái tiếng “phở” mà nhiều người tù đã quên béng đi từ cái dạo mới bị bắt kia. Trong này có ai còn dùng cái từ ấy làm gì nữa. Vậy mà mấy ngày hôm nay, trong trại, ngoài lán thủ công, cho đến trong rừng sâu, đồi dốc, chỗ nào có người tù lao động là chỗ ấy bàn tán nhắc nhở nhiều đến chữ “phở”. Tôi, Gôm và một số người bạn nữa, trong đó có cả bác Tiến và bác Lẫm cứ xoành xoạch lôi Nguyễn Tuân ra để mổ xẻ, bàn tán, tranh luận cứ rối rít tít mù cả lên về tuyệt tác “Phở” của ông.
Trại trung ương số I sẽ đặc cách giết một con trâu 2 tạ. Riêng phân trại E sẽ được phân phối 50 kg cả xương lẫn thịt. Còn một nguồn tin cũng không kém phần ghê gớm nữa: tối mồng 2/9 đoàn văn nghệ của trại chính sẽ vào diễn kịch tại trại E. Cái điều làm cho nhiều người trai trẻ, kể cả mấy ông già cứ nhìn nhau, lồi cả mắt ra là đoàn văn nghệ năm nay có những 5 giai nhân tuyệt cú mèo của trại nữ.
Cái này cũng không biết tại sao lại như thế, có lẽ trời bảo vậy. Anh nào cũng lục lọi, chuẩn bị một bộ quần áo đẹp nhất. Dù là quần áo trại hay của tư, nhưng chắc chắn là bộ quần áo mình phải vừa ý nhất. Những buổi trưa trong các buồng đã ít người ngủ hẳn đi. Người ta bận giặt giũ, tắm rửa. Người ta bận nhờ nhau cắt tóc, cạo mặt. Với những mảnh kính, mảnh gương con, những chiếc nhíp tự chế, người ta đang bận sửa sang cái đầu, cái mặt ở những chái hồi, xó hè.
Ôi chao, sao lòng người lại có nhiều nguồn vui rủ nhau cùng đến một lượt như thế! Phương ngôn đã dạy: “Phúc bất trùng lai”, vậy mà phở với giai nhân, cứ thập thò ở cửa miệng mọi người và hẳn rằng, nó len lỏi vào cả trong những giấc mơ của họ nữa. Tôi cứ thấy ở tôi, rồi suy ra thì đủ hiểu. Đêm qua tôi đã nằm mơ, được ăn một bát phở đầy, mùi hành, nước mắm, lá thơm đã làm tôi lúc tỉnh dậy thấy nước miếng còn chảy ướt cả mép. Rõ ràng, tôi ngửi thấy cả mùi phở xông lên ngào ngạt, vừa ngọt, béo, thơm đến ngứa cả cuống họng. Nghe đâu cả nột toán nữ gần 4 chục người, trong một tuần lễ xay bột và tráng bánh phở. Chưa được ăn mà người ta đã đùa vui kháo nhau. Chuyến này bánh phở, anh nào tinh mũi, sẽ ngửi thấy cả hơi tay, thậm chí cả hơi người của phụ nữ nữa đấy nhé.
Mong ngóng, chờ đợi mãi rồi ngày mồng 2/9 cũng phải đến. Ngay từ sáng sớm, những cái đầu gọn ghẽ, những bộ quần tươm tất; đeo, đội trên những tấm thân gầy, cứ đi ra đi vào cái hội trường và đi lên, đi xuống ở cái sân trại. Người ta cứ ngóng ra cổng, rồi lại nhìn nhau, mặt ai cũng tưởng như vừa mới được xức nước hoa “Ba Đình” không bằng, phởn phơ, tươi roi rói. Tôi ngồi ở hội trường với Gôm, cứ nhìn theo anh chàng Hoàng Đức Tùng và Trần Lào mà buồn cười. Hai anh đều là dân ở Thái Lan về nước.
Hai cái đầu vuốt nước chải thật mượt. Một anh thì chải quặt ra phía sau, như đít con vịt bầu. Một anh chải hất ngược, uốn một cái lưỡi trai meo méo, nằm trên một khuôn mặt gầy, làm đôi má và thái dương hõm vào, khúc khuỷu trông như con gà rừng đang vặt lông dang dở.
Cái anh có cái đầu đít vịt là Trần Lào. Cái quần tergal nâu, mang 4 cái dấu hắc ín to tướng “cải tạo” ôm lấy cái áo sơ mi mầu cứt ngựa bỏ trong thùng. Còn anh chàng Hoàng Đức Tùng thì hết chê. Vẫn bộ quần áo và đôi dép quai chéo lần trước, trong dịp Tết Nguyên Đán vừa rồi. Nhìn hai anh đi đi, lại lại, thỉnh thoảng lại nhìn ra phía cổng làm cho con mắt của tôi nhiều lần muốn tránh né, mặc dù tôi vẫn hiểu, họ chả có liên quan gì tới tôi.
Mãi tới khoảng 10 giờ. Mới đầu, còn lác đác một vài người thắc mắc, ngơ ngác nhìn ra phía cổng, phía khu cán bộ, vẫn thấy im ắng, lặng như tờ. Nhưng cho tới 11 giờ, thì cả trại ai cũng cảm thấy một sự bất thường. Có một vấn đề gì đó, mà không ai đoán được, thì cũng là lúc cán bộ nhà bếp vào trại cho lệnh: vẫn cứ ăn cơm thường như mọi khi, mà không cho biết lý do tại sao, trong khi tiếng loa ở các buồng thì im bặt vì đài bị hư.
Mọi người chả hiểu ra sao, nhiều những nguồn tin rỉ tai, linh tinh chả có một cơ sở nào cả. Bao nhiêu mộng mơ, hy vọng đều tan tành khói bay trong mây chiều. Mọi người đi ngủ, vẫn còn ấm ức, như mỗi người phải ngậm một cục sỏi ở trong mồm.
Hôm sau mồng 3/9, trại vẫn đi lao động. Thái độ của cán bộ, bộ đội âm thầm, lạnh lùng, miệng cứ câm như hến, nên chẳng một tên tù nào dám hỏi han gì. Nhưng cho tới sáng hôm mồng 4 thì mọi người mới vỡ lẽ: cáo Hồ xuống âm phủ để hầu hạ Karl Marx và Lénine.
Cũng mãi tới sáng mồng 4 lá cờ đen, mới chính thức kéo lên trên cây cột cờ chính ở trước nhà ban giám thị. Radio lại sửa được, tiếng đài lại nhí nhéo. Tiếng của đồng chí tổng bí thư Lê Duẩn oang oang dõng dạc:
….. Tổn thất này, thật là… lớn lao.
Đau thuơng này, thật là … vô hạn!…..
Anh em tù đã hiểu, nên cũng thông cảm cho ban giám thị. Tuy vậy, trong lòng mọi người vẫn oán giận lão già chó chết, vì nghe đâu lão chết đúng ngày mồng 2 tháng 9. Mãi không sao, chết bờ, chết bụi ở đâu không biết, lại mò đúng vào cái ngày oan gia này mà củ. Sáng nay, ở ngoài lán thủ công, trong một góc lán của bộ phận học nghề, lúc ấy chỉ có bác Tiến, Gôm và tôi. Ba người đang than vãn tiếc rẻ về bữa phở hụt, đột nhiên Gôm đứng phắt dậy, nghiêm mặt, nghiêng người, cũng oang oang dõng dạc tuyên bố:
Đau thuơng này, thật là…..oái oăm!
Tổn thất này, thật là…..thắt ruột!
Thực vậy, chả có gì bù đắp lại cho chúng tôi, có chẳng chỉ có ít nước muối và 2 chiếc bánh ướt. Báo hại, trong cái tuần lễ cả nước phải treo cờ rũ để tang này. Trước sau, trại có 12 người bị vào nhà kỷ luật, trong đó toán 2 có hai người là anh Cường và Trần Quốc Anh tu sĩ. Cái tội chỉ vì vô ý cười to về một chuyện khác, nhưng bị những tên Joóc báo cáo: đã tỏ ra thích thú, vui sướng vì Hồ Chí Minh chết.
Rất nhiều người, do phải chịu đựng quá dài, những năm tháng đầy đọa thuơng đau cùng cực, nên khi thấy Hồ Chí Minh chết đi, họ đều hy vọng mong chờ một chuyển biến, thay đổi mới ở ngoài xã hội, cũng sẽ đổi thay được phần nào cái đời lầm than của họ. Cụ thể nhất là Nguyễn Văn Gôm, một người có học, sắc sảo, bén nhậy về tình hình chính trị, đã sống 15 năm dưới chế độ cộng sản. Anh Lê Văn Bưởi, một đại úy tình báo của miền Nam ra Bắc hoạt động, đều nhận định, tin tưởng: Hồ Chí Minh chết đi, đường lối chính sách của chế độ miền Bắc cũng sẽ thay đổi. Để rồi trong một buổi chớp nhoáng mạn đàm ở hội trường giữa 4 người gồm anh Bưởi, Gôm, bác Tiến và tôi. Bác Tiến đã giải thích sáng tỏ:
Đã có những nhà ngoại giao, những chính phủ chưa hiểu rõ được cộng sản, chỉ vì họ cứ nhìn sự việc từ một ống kính của một nước tư bản để soi rọi, suy xét ở một nước cộng sản, cho nên hầu hết đều bị lầm. Để rồi kết quả sự việc xẩy ra lại khác hẳn, thì họ lại đổ cho lý do mới, còn vẫn khăng khăng cho sự nhận định của họ trước đây vẫn là đúng. Vì thế, những lần sau lại tiếp tục lầm nữa.
Thí dụ 2 quan điểm về cùng một sự việc:
1/ Lòng nhân đạo.
Tư bản: Đơn thuần, thấy ai sắp chết thì cứu. Thấy ai quá đau đớn thì chữa cho họ khỏi đau v.v…
cộng sản: Phải có tính giai cấp. Trước hết phải xem người sắp chết đó là loại nào? Nếu nó là một tên chống phá lại đảng, nó là một tên ở giai cấp bóc lột, thì cần phải đâm thêm cho nó chết ngay. Nhân đạo là tiêu diệt cái thiểu số, để cứu cái đa số mà chúng bịp bợm gọi là “nhân dân”.
2/ Sự công bằng.
Tư bản: Mọi người ai cũng như ai. Được đối xử như nhau trước pháp luật. Ai có tài thì được dùng, không hề có cái gì gọi là “tính giai cấp” nào ở đây cả.
cộng sản: Trước đây anh là chánh tổng, lý tưởng. Như vậy là cường hào ác bá đè đầu, cỡi cổ đám dân nghèo khổ, bây giờ đảng bắt chúng mày xuống nghèo khổ cho công bằng. Trước đây anh là tư sản, bóc lột người nghèo, bóc lột công nhân lao động, bây giờ để cho công bằng, đảng sẽ lấy hết tài sản của anh để trả lại cho người nghèo, cho công nhân thì học lại trở thành giầu, thành tư sản. Bởi thế, hãy để chính phủ, để nhà nước giữ vậy.
Trên đây chỉ là hai thí dụ nhỏ, trong muôn ngàn khía cạnh, của xã hội con người. Ngay cả về tình cảm, giữa hai xã hội, quan điểm cũng hoàn toàn khác nhau. Bởi vậy, hầu hết các nước dân tộc, tư bản, nếu vị nguyên thủ quốc gia bị giết hay bị chết bất ngờ, thì thường xã hội có nhiều thay đổi. Nhưng dưới chế độ cộng sản thì hầu như chẳng có chuyện gì xẩy ra. Lãnh đạo đất nước là một tập thể, gồm những tên trong bộ chính trị, chúng quyết định mọi đường lối chính sách. Vậy nếu chỉ định tên này làm thủ tướng, tên kia làm chủ tịch v.v… Đều chỉ là một cái khung, một đường dây loa mà thôi. Cho nên có mất hay chết một tên này, hay vài tên khác thì nó vẫn như thế, chả có gì đổi thay cả. Điều này cũng đã giải thích vì sao, hầu như tất cả các nước cộng sản, những tên lãnh tụ cứ đi phây phây mà không đứa nào bị ám sát cả. Vì người ta đã hiểu rằng, có tốn công, tốn tiền, tốn người để ám sát một tên lãnh tụ cộng sản, thì cũng vậy mà thôi. Bài học được rút ra từ trường hợp của tên Lénine bị ám sát trước đây.
Cho nên rất buồn cười, có rất nhiều những chính khách, thấy một tên đại diện, hoặc một tên lãnh tụ cộng sản đi ra nước ngoài để họp hội nghị hay công cán, họ đã cố gắng mồi chài, lôi kéo để lấy cảm tình. Cứ tưởng như nếu mua được tên đó, là mua được cả chế độ của nước cộng sản ấy vậy.
Cuối Đông, đã sắp sửa sang Xuân, vậy mà thỉnh thoảng vẫn còn những đợt gió mùa Đông Bắc mò về muộn, làm cho tiết trời lạnh ngóm. Mấy ngày rồi thật là ảm đạm, âm u chả có tí ánh mặt trời nào. Mãi quá trưa này, mặt trời mới chịu thò mặt ra, nhìn cảnh vật một tí.
Đã hai tuần rồi, lạnh quá tôi chả dám tắm. Người có ngứa ngáy khó chịu lắm, thì cũng chỉ ra giếng múc một gầu nước, dúng cái khăn ướt, vắt khô rồi thò vào bên trong áo, lau sơ sơ. Nhìn lại, so với nhiều người, tôi vẫn còn vệ sinh, sạch chán. Hôm nay nhất định tôi phải uống thuốc liều, tôi đã rủ anh chàng Gôm ra giếng tắm cho vui. Nhưng y đã giẫy nẩy lên, như con đĩa phải vôi, đầu lắc quầy quậy, miệng y liến thoắng:
- Không có một kẻ nào trên cái cõi đời này, lại bắt được tôi đi tắm bây giờ cả, trừ có hai điều.
Thấy Gôm cố ý nói nhăng để không tắm, tuy vậy tôi vẫn hỏi, trừ hai điều gì? Nằm cuộn tròn trong chăn, Gôm thò ra hai ngón tay:
- Ông Trần Quốc Hoàn (bộ trưởng bộ công an) bảo: Tên Gôm kia, hãy đi tắm rồi ta sẽ tha cho về Hà Nội.
Nói xong rồi Gôm trùm chăn kín đầu. Tôi đã xách gầu và quần áo định quay ra cửa. Tôi cũng chẳng lạ gì anh chàng Gôm này, nhưng cũng thấy phảng phất một chút băn khoăn, nên lại quay vào hỏi tiếp:
- Thế còn điều hai?
Gôm lại hất chăn xuống, lò mặt ra, mắt long lanh nhay nháy:
- Một cô em thơm như múi mít nỉ non: Anh Gôm của em ơi! Anh dậy đi tắm rửa cho sạch sẽ, anh yêu nhé!
Nhiều người ngồi, nằm gần đấy cười ầm cả lên, đều biết là anh chàng Gôm tếu. Tôi vừa xách gầu chạy xuống giếng vừa nghĩ: Tù đầy mãi, nhũn quắt cả ruột, lại còn mơ em, với mận chị gì nữa.
Phải nói, mỗi lần dội thùng nước giếng vào người, nó lạnh thấy bốc khói ở người lên. Lạnh quá, không ai dám tắm, một phần nữa vì tắm ở giữa trời, gió thổi hun hút không có gì che. Tôi lúi húi phơi bộ quần áo trại, vừa giặt xong ở chỗ đám dây phơi, phía đầu hội trường. Người còn đang run bần bật như cầy sấy, thì anh Lương Yên đã đi đến. Một tay anh đút trong túi áo, mặt anh khó đăm đăm, như anh đang có một điều ấm ức trong lòng. Anh nói hơi phì phào vì khoảng trống của 3 chiếc răng cửa hàm trên của anh bị thiếu:
- Anh ra hội trường, tôi gặp anh tí!
Gật đầu, bảo anh ra trước, tôi trở vào buồng lấy chiếc ruột áo bông khoác cho đỡ lạnh rồi sẽ ra sau. Chưa biết anh gặp tôi có chuyện gì, vừa đi vào buồng tôi vừa nghĩ về anh: Từ dạo anh chuyển ở trại Vĩnh Tiến về, trong lớp học tập “Lập công chuộc tội chống Mỹ cứu nước”. Sau khi tôi viết xong của tôi, tôi được cán bộ chỉ định, viết tường thuật cuộc đời cho hai người là anh Sín Dẩu, người Tầu, đẻ ở Việt Nam và anh Lương Yên, người Việt đã ở Sầm Nứa (Lào) hơn hai chục năm.
Hai anh đều đang theo học lớp 1 bổ túc văn hóa, nên không viết được. Viết tường thuật cuộc đời là kể lại chi tiết những diễn tiến của đời mình, từ nhỏ tới lớn cho đến khi vào tù. Chính vì thế tôi đã biết tường tận nhiều chi tiết, quãng đời đã qua của anh Lương Yên.
Sơ lược: Do nạn đói của năm Ất Dậu (1945), lúc này anh 24 hay 25 tuổi. Tha phương cầu thực, anh lạc lõng sang Lào. Anh đi ở đợ, rồi làm công cho nhiều người Lào ở Sầm Nứa. Ba mươi tuổi đời, anh gặp một cô gái Việt, sinh đẻ ở Lào mới 20 tuổi, rồi nên duyên vợ chồng. Hai vợ chồng tuy nghèo khổ, sống trong một khu lao động ở ngoại ô thị xã Sầm Nứa. Dù cảnh sống đầy gian chuân cực nhọc, nhiều tủi hờn trên xứ lạ quê người, nhưng hai người vẫn dắt díu, đùm bọc nhau để sống. Anh chị đã có 4 mặt con.
Năm 1963, lúc này ở Lào có rất nhiều phe phái chính trị. Có đại sứ của Sài Gòn và cũng có tòa đại sứ của Hà Nội. Hai bên đều dùng nhiều thủ đoạn tuyên truyền, để lôi kéo Việt kiều về với phe mình. Ngoài ra cũng đầy rẫy những lực lượng bí mật, gây sức ép trong giới Việt kiều để tranh giành ảnh hưởng. Một lần có 2 người Việt Nam đến nhà thăm vợ chồng anh. Họ tự giới thiệu là cán bộ cụ Hồ, của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Chấp hành đường lối thương yêu dân, như con của cụ Hồ, nước nhà ngày nay đã độc lập; khắp cả nước đâu đâu cũng chỉ có tiếng hát, nụ cười, cụ Hồ nghĩ đến những người con phải lưu lạc, xa quê hương, tổ quốc. Cụ muốn tuyển chọn một số Việt kiều, thành phần cốt cán như gia đình của Lương Yên. Nhà nước sẽ đài thọ hết phí tổn, để đưa kiều bào về tham quan tổ quốc.
Những kiều bào nào được tuyển chọn, khi về nước sẽ được học tập đường lối mới, của một nước nhà độc lập; niềm tự hào, kiêu hãnh của mọi người dân. Sau khi biết được thời gian về thăm quê hương sẽ tùy theo ý của mỗi người, có thể dăm ba tháng rồi trở lại đón vợ con cùng về nước hoặc ở lại Lào là do mình quyết định. Hơn nữa, ai xa quê hương mà chả nặng lòng với đất nước, nên cuối cùng anh đã nghe theo họ về nước vì anh nghĩ: Đây cũng là dịp anh về chơi thăm quê nhà, sau mấy chục năm trướng xa vắng.
Khi đi qua khỏi biên giới Lào + Việt, thái độ của hai tên cán bộ đã khác hẳn. Lạnh lùng và hình như anh cảm thấy mình bị quản chế. Họ ra lệnh cho anh không được tự tiện, đi lang thang ra ngoài. Anh vô cùng lo lắng, anh hỏi họ thì được trả lời:
- Cứ đi rồi sẽ biết!
Cuối cùng họ đã đưa tuột anh vào Hỏa Lò Hà Nội. Hàng ngày phải đi khai cung, họ truy hỏi, gán ghép cho anh là CIA, là chỉ điểm cho Sài Gòn. Họ bắt anh khai ra hiện nay vũ khí là khẩu súng ngắn giấu ở chỗ nào trong nhà v.v…
Đến đây anh Lương Yên mới ngã ngửa người ra. Nhớ lại, đầu năm ngoái, một lần anh đi khuân vác hàng cho một chiếc xe vận tải, anh đã vớ được một khẩu súng lục, không biết của ai để rơi trong một góc xe. Táy máy, thấy của hiếm, anh đã mang về nhà cất đi. Mấy tháng sau, một lần vợ chồng cãi nhau, anh lại quá chén nên say, đã vào buồng lấy khẩu súng ra dọa vợ, rồi lại cất đi.
Mãi gần Tết vừa rồi, nhà túng bấn quá, anh đã gạ bán khẩu súng đó cho một ông chủ hiệu tạp hóa người Lào, ngay gần nhà anh với giá rẻ mạt là 200 đồng kít. Ông chủ hiệu tạp hóa đã biết rõ vợ con, nhà cửa của anh Lương Yên nên mới mua để phòng thân, giữ của.
Vì đây là một chuyện thực. Chắc hẳn, sau khi anh khai báo, cộng sản đã đến tận nhà ông chủ hiệu người Lào để xác minh. Khi họ đã biết rõ sự thật, nhất là anh Yên trình độ lại không biết đọc, biết viết. Nhưng đã trót bắt lầm anh rồi, đâu có thể thả trở lại Lào được nữa. Một cái lưỡi sống sẽ làm mất chính trị biết bao nhiêu, trong cái đám kiều bào vẫn còn lơ ngơ chưa tin hẳn vào cụ Hồ và cách mạng. Bởi vậy, một mặt cứ vờ quả quyết Lương Yên đã làm chỉ điểm cho Sài Gòn mà không chịu khai báo; mặt khác, tống Yên lên trại cải tạo, với cái lệnh tập trung thì đảng có mất mát cái quái gì đâu.
Vì tội trạng của Lương Yên như thế, nên ở trại Vĩnh Tiến cũng như trại này, sau hơn một tháng đến trại, là cho làm tự giác quét dọn, vệ sinh ở trong trại. Tự giác của Lương Yên ở đây là buổi sáng cũng như buổi chiều, anh phải quét dọn sạch sẽ trong toàn trại. Sáng một lần, chiều một lần được gánh cái rác bẩn đó ra một chỗ quy định, bên ngoài trại để đổ. Mặc dù mỗi lần ra vào cổng trại, đều phải báo cáo với công an vũ trang gác cổng.
Anh Lương Yên rất hiền lành tử tế, nhiều khi nghĩ đến anh tôi thật mủi lòng. Tôi hiểu rằng, anh đã ở tù 7 năm rồi, đã hơn 2 cái lệnh tập trung, nhưng cái tội của anh lại không thể tha được. Anh đã mang cái tội mà dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt, lại không ít người mắc phải. Đó là cái tội “Bị bắt lầm”. Nếu thả anh về Lào bây giờ, về chính trị hại cho chế độ gấp trăm lần hơn là giam anh. Giam anh, thì chỉ có một gia đình anh bị thiệt. Vợ mất chồng, con mất cha và đời anh sẽ chết dần ở trong tù. Càng giam giữ lâu, thì lại càng không thả được nữa.
Tôi ra đến hội trường, rải rác đây đó, một số người ngồi chuyện trò hay khâu vá, anh Lương Yên ngồi mãi trong một góc khuất phía cuối. Thận trọng, liếc nhìn chung quanh, anh rút trong túi ra một cái phong bì đã bị bóc mất tem và một lá thư đã bị xé làm nhiều mảnh. Giấy đã nhầu nát, vàng khè, nhiều chỗ chữ đã nhòe nhoẹt. Tôi hơi chột dạ, cầm vội mấy mảnh thư lên coi, vì rõ ràng đây là nét chữ của tôi; nhưng tôi đã chợt hiểu. Đây là lá thư anh Yên gửi về cho vợ con anh ở bên Lào mà tôi đã viết hộ anh, hơn 3 tháng trước.
Với nét mặt rầu rầu, tuy anh Yên nói nhỏ, nhưng giọng anh đầy uất hận:
- Sáng nay tôi ra đổ rác ở chổ cái hủng đất mọi khi. Lúc tôi cào cho đống rác cho gọn lại, thoáng nhìn thấy cái mầu phong bì giống mầu phong bì của tôi và khi cầm lên, thì rõ ràng là nét chữ của anh nên tôi đã lục tìm, moi móc nhặt hết về.
Nhìn mặt anh buồn rười rượi. Nhớ lại, tôi đã viết hộ anh cả thẩy 3 lá thư, từ khi anh về trại này hơn một năm rồi. Do lòng nhân đạo của đảng và nhà nước, chiếu cố đến tình cảm gia đình của mỗi phạm nhân, nhà nước quy định cho mỗi người tù, được gửi thư về gia đình mỗi tháng một lần. Do đấy, cứ vào mồng một mỗi đầu tháng, mọi người trong toán nộp thư cho toán trưởng, rồi toán trưởng đưa nộp thư cho cán bộ của toán. Thư không được dán, để cho cán bộ duyệt. Đầu tiên là cán bộ toán duyệt rồi đưa lên cho ban giáo dục duyệt lại một lần nữa.
Hoàn cảnh của anh Yên cũng thật ái ngại. Anh không có tiền, lại hiền lành chậm chạp, không có tài xoay sở, cho nên cứ ba bốn tháng anh mới gửi thư một lần. Bởi vì mỗi lần anh gửi một lá thư anh phải nhịn ăn sáng 3 ngày. Một suất sáng để đổi lấy phong bì và giấy, một suất để đổi lấy con tem và một suất sáng tặng cho người mà anh nhờ viết hộ lá thư.
Nhớ lại năm ngoái, lần đầu tiên tôi viết hộ lá thư cho anh. Anh đưa ra một cái túi vải, trong có một suất sắn sáng, anh có nhã ý mời tôi ăn. Tuy tôi vẫn đói, nhưng tôi hiểu đó là phần sắn buổi sáng của anh, anh phải nhịn, vì thế tôi từ chối không ăn. Anh cứ nằn nì mãi, để tôi phải đứng dậy nói dứt khoát: Nếu vậy tôi sẽ không biết hộ thư cho anh nữa, bấy giờ anh mới chịu. Chậm chạp, anh móc trong túi áo ra một lá thư của vợ anh. Theo anh, đây cũng là lá thư đầu tiên và duy nhất sau gần 7 năm anh về thăm tổ quốc, quê hương yêu dấu. Hơn 3 năm xưa anh đã nhận được, khi còn ở trại tù Vĩnh Tiến. Tôi cầm lá thư đã nhầu nát, do thời gian và có thể do đã không biết bao lần anh mở ra “đọc” nó.
Nét chữ nguệch ngoạc, lời thư của một người vợ với một đàn 3 đứa con dại, ngày đêm thương nhớ chồng. Những giòng chữ mộc mạc, chân chất với nỗi khắc khoải của những đêm dài vời vợi nhớ thương, làm cho lòng tôi cũng xốn xang, vơi đầy. Người chồng đã ra đi biền biệt mãi không về, bỏ lại một đàn con dại với người vợ trẻ. Chị đã phải nai lưng ra làm thuê, làm mướn. Phải chịu bao nhiêu đắng cay, tủi cực, chồng chất lên nỗi nhớ thương chồng, thương con và thuơng mình, đêm ngày đầy vơi, ngơ ngác giữa cuộc đời.
Vì muốn trung thực trình bầy rõ những nỗi nhớ, niềm thuơng của anh với vợ con anh, nên tôi phải gợi hỏi anh từng chi tiết, cụ thể. Làm sao tôi quên được, cứ mỗi lần ngồi viết thư cho anh. Hình ảnh một người, nếu gọi bằng anh thì quá già, nhưng gọi bằng bác thì quá trẻ vì anh mới khoảng 45 hay 46. Thời gian và những thương đau chất chồng của đời, đã vạch hằn trên lên trán, lên mặt anh nhiều vết nhăn. Chẳng hiểu trong lòng anh đã chất chứa, nén đầy hình ảnh vợ anh, con anh ra sao mà suốt lúc tôi viết thư, môi anh cứ run run mấp máy, mắt anh thỉnh thoảng lại đỏ lên, có lúc tuôn dài hai giòng lệ. Thậm chí, có lần quá xúc động anh gục xuống đôi tay khoanh để trên bàn, vai cứ rung rung thổn thức, làm gián đoạn cả ý thư tôi đang viết. Những giọt nước mắt nhỏ xuống, cho vợ con anh hay cho đời anh? Của một kiếp người! Ai đã vùi dập, chia cắt gia đình anh?
Tôi mần mò ghép lại lá thư bị xé, để đọc lại. Lá thư không hề nói một tí gì về chính trị. Hoàn toàn chỉ là tình cảm, nỗi nhớ thuơng vợ chồng con cái. Tôi chợt hiểu, chính cái nhớ thương này, nhớ thương thì phải buồn, phải sầu, đấy là lý do lá thư bị xé. Người xé thư, cũng không quên lấy lại con tem.
Sau một hồi suy lý, tôi bàn với anh Yên, cái mục đích chính là làm sao cho chị nhận được thư của anh, để cho lòng của chị ấy đỡ khắc khoải đêm ngày. Vậy lá thư, chỉ cần viết sự nhớ nhung bình thường mà phải nói đến vui chơi, học tập tiến bộ, khỏe mạnh, miệt mài hăng say công tác, nỗ lực cùng toàn dân đánh thắng giặc Mỹ xâm lược v.v…
Chung quy, đã lại rơi vào cái bẫy của cộng sản,, dù hiểu chúng hay không hiểu chúng. Nghĩa là, chúng ta đã tự nguyện, tuyên truyền đắc lực không công cho chúng. Tôi cứ hình dung những người có trách nhiệm tuyên truyền của Sài Gòn ở Lào. Phần vì mãi hưởng lạc, hời hợt không có một kế hoạch tỉ mỉ, sâu sắc để lôi kéo lòng người. Phần khác, người ta không tin ai bằng tin người nhà của người ta cả. Chồng người ta, con người ta, họ sẽ tin hơn. Đây, lá thư của chồng người ta đã viết rành rành ra đây. Vậy mà bảo cộng sản xấu sao được. Một đồn mười, mười đồn trăm, cán bộ Sài Gòn nào mà tuyên truyền lại được?
Như thế, anh em tù nhân cứ viết thư, cán bộ cứ nhận thư, rồi gửi hay xé đi là tùy theo lá thư. Vậy nếu anh không tự hiểu, anh cứ viết đi theo kiểu của anh, rồi dài cổ ra mà ngóng thư trả lời.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen