"It's very important that we re-learn the art of resting and relaxing. Not only does it help prevent the onset of many illnesses that develop through chronic tension and worrying; it allows us to clear our minds, focus, and find creative solutions to problems.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Mikhail Solokhov
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 232
Phí download: 14 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8394 / 274
Cập nhật: 2015-11-23 18:38:17 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 142
hung quanh Uỷ ban cách mạng thôn đã tập họp được vài người: chàng thợ xay Davydka, Timofey, Emelian, người đánh xe trước kia của nhà Mokhov và anh thợ giầy mặt rỗ Finka. Trong công việc hàng ngày chỗ dựa của Kotliarov chính là mấy người đó, và mỗi ngày anh càng cảm thấy rõ hơn rằng có một bức tường vô hình đang ngăn cách mình vớl dân chúng trong thôn. Dân Cô- dắc không chịu đi họp nữa, nếu có đi thì cũng chỉ sau khi Davydka cùng mấy người khác đã năm lần bẩy lượt đến thúc từng nhà. Họ tới họp rồi cứ câm như hến và nghe nói gì cũng đồng ý. Trong đám người đi họp, bọn trẻ rõ ràng chiếm đa số, nhưng ngay trong lớp trẻ cũng chẳng kiếm đâu ra một người đồng tình. Trên bãi họp việc làng, Kotliarov chủ toạ các buổi họp chỉ nhìn thấy những khuôn mặt lầm lì, những cặp mắt thù địch, nhìn gườm gườm đầy vẻ hoài nghi. Trước quang cảnh như thế, anh cảm thấy lạnh cả tim, mắt đầy vẻ lo ngại, giọng nói uể oải thiếu tin tưởng. Một hôm anh chàng mặt rỗ Finka nói không phải không có chủ tâm:
- Chúng ta đã ly dị với mọi người trong thôn rồi, đồng chí Kotliarov ạ! Dân chúng đang bất mãn, đang biến thành quỉ dữ cả rồi. Hôm qua tôi đi lấy xe chở anh em thương binh Hồng quân đi Vosenskaia, nhưng chẳng có người nào đi. Đã ly dị rồi khó mà cùng sống với nhau trong một nhà…
- Mà còn rượu chè nữa chứ? Cái bọn khốn kiếp! - Emelian liếm cái tẩu nói thêm. - Chẳng nhà nào không nấu rượu.
Miska cau mày, anh đã định giấu không cho mọi người biết những ý nghĩ của mình, nhưng rồi cũng phải nổ ra. Một buổi tối, lúc sắp về nhà, anh bảo Kotliarov:
- Anh cho tôi một khẩu súng trường.
- Để làm gì?
- Cái anh nầy! Tôi sợ không muốn đi tay không. Chẳng nhẽ anh không nhìn thấy gì à? Tôi nghĩ rằng chúng mình cần phải trị một vài đứa… Phải tóm cổ thằng Grigori Melekhov, cả mấy lão già Bondrev, Matvey Kasulin, Miron Korsunov. Cái bọn chó đẻ ấy, chúng nó rỉ tai bọn Cô- dắc… Chúng nó đợi bọn chúng nó ở bên kia sông Dones về!
Kotliarov khoát tay bực bội.
- Hừ! Nếu ở đây mà bắt đầu bắt bớ thì phải bắt khá nhiều đấy. Dân chúng đang ngả nghiêng dao động… Có những người muốn đồng tình với chúng ta nhưng lại đề phòng về phía lão Miron Korsunov. Họ sợ thằng Miska nhà lão ấy ở bên kia sông Dones về sẽ moi gan móc ruột họ…
Cuộc sống đã tiến tới một bước ngoặt rất gấp. Hôm sau có một liên lạc cưỡi ngựa mang từ Vosenskaia tới một bản chỉ thị bắt các nhà giàu nhất thôn phải nộp một khoản chiến phí. Con số định mức cho toàn thôn là bốn vạn rúp. Từng nhà được qui phần đóng góp. Sau hơn một ngày thu được hai túi tiền chiến phí, khoảng hơn vạn tám một chút. Kotliarov xin chỉ thị trên khu. Trên đó phái về ba công an với chỉ thị: "Những kẻ nào không nộp chiến phí thì bắt giải lên Vosenskaia". Bốn lão già bị nhốt tạm trong hầm nhà Mokhov, chỗ trước kia chứa táo mùa đông.
Toàn thôn náo lên như một tổ ong bị khuấy động. Lão Korsunov khư khư giữ lấy những tờ giấy bạc đã phá giá, dứt khoát không chịu đóng. Nhưng đã đến lúc lão phải trả giá cho cuộc sống tươi đẹp trước kia. Trên khu phái xuống hai người: một dự thẩm về những án kiện địa phương là một anh chàng Cô- dắc còn trẻ, người trấn Vosenskaia, trước kia đi lính trong trung đoàn Hai mươi tám, và một người mặc chiếc áo ahoàng bằng dạ thô ngoài chiếc áo da ngắn. Hai người cho xem sự vụ lệnh của Toà án cách mạng rồi vào phòng làm việc của Kotliarov, đóng kín cửa lại. Người cùng đi với viên dự thẩm đã có tuổi râu cạo nhẵn nhụi. Anh ta nói giọng thành thạo:
- Trong Quân khu đã phát hiện thấy những vụ rối loạn. Những thằng Bạch vệ còn ở lại đang ngóc đầu dậy và bắt đầu khuấy lộn những người lao động Cô- dắc. Cần phải diệt trừ cho hết những kẻ có thái độ thù địch nhất đối với chúng ta. Đồng chí hãy cho danh sách những tên sĩ quan, cố đạo, ataman, hiến binh, phú hộ và tất cả những đứa tích cực chống lại chúng ta. Đồng chí hãy giúp đỡ đồng chí dự thẩm, đồng chí ấy cũng có biết vài tên đấy.
Kotliarov nhìn khuôn mặt nhẵn thín như mặt đàn bà của anh ta và trong khi nêu lên những họ tên, cũng có nhắc tới Petro Melekhov.
Nhưng anh chàng dự thẩm lắc đầu:
- Một người của chúng ta đấy. Fomin có đề nghị đừng động tới hắn. Hắn có tư tưởng ngả theo Bolsevich. Chúng tôi đã từng ở cùng trung đoàn Hai mươi tám với hắn.
Bản danh sách do chính tay Miska viết trên một tờ giấy kẻ xé trong một quyển vở học sinh đã nằm trên bàn.
Vài giờ sau những tên Cô- dắc bị bắt đã ngồi trên những cây gỗ sồi trong cái sân rộng thênh thang của nhà Melekhov, có mấy người cảnh sát canh gác. Chúng chờ người nhà mang lương ăn tới và chiếc xe tải chở hành lý. Miron Grigorievich mặc toàn đồ mới như sẵn sàng đi đến chỗ chết: cái áo khoác ngoài ngắn bằng da thuộc, đôi ủng ngân với đôi bít tất trắng sạch bong lồng ngoài ống quần. Lão ngồi ở ngoài cùng, bên cạnh hai lão già Bogatyrev và Matvey Kasulin.
Lão Apdevich "Vua nói phét" chạy lăng xăng trong sân, lúc thì ngó xuống cái giếng không hiểu để nhìn gì, lúc thì nhặt một mảnh củi nhỏ rồi lại chạy từ trên thềm ra hàng rào, vừa chạy đưa tay áo lên lau khuôn mặt đẫy đà đẫm mồ hôi, đỏ như quả táo.
Mấy lão kỉa đều ngậm tăm ngồi yên. Chúng gục đầu cầm gậy vẽ lằng nhằng trên tuyết. Vài người đàn bà thở hổn hển chạy vào trong sân, nhét những chiếc tay nải và túi dết vào tay những tên bị bắt và thì thầm nhỏ to với chúng. Mụ Lukinhitna khóc sướt mướt, cài khuy chiếc áo da cho lão già và quàng lên cổ lão một chiếc khăn quàng trắng của đàn bà. Mụ nhìn vào cặp mắt đục như rắc tro của lão và khuyên lão:
- Ông Grigorievich nó ơi, ông đừng buồn nhé! Cũng có thể sẽ tai qua nạn khỏi thôi. Sao ông nó cứ ủ rũ như thế? Lạy Chu- u- úa tôi! - Miệng mụ dành ra như mép giải, tiếng gào làm mặt mụ méo đi, bẹt ra, nhưng mụ vẫn cố gắng chúm môi, rỉ tai chồng - Tôi sẽ đến thăm ông… Tôi sẽ đưa con Gripka cùng đi, ông vốn yêu nó mà…
Người công an đứng ngoài cổng quát to:
- Xe đến rồi! Bỏ khăn gói lên và đi thôi! Mấy mụ nầy, né sang bên kia, đứng đây chảy nước ra làm gì!
Lần đầu tiên trong đời mụ Lukianovsky hôn bàn tay đầy lông đỏ của Miron Grigorievich rồi quay đi.
Hai con bò kéo chiếc xe trượt tuyết từ từ trườn qua bãi thôn xuống sông Đông.
Bảy tên bị bắt và hai người công an đi sau xe. Apdevich đứng lại một lát, buộc dây ủng rồi lại chạy đuổi theo, nom điệu bộ còn rất trẻ. Lão Matvey Kasulin đi bên cạnh thằng con trai. Maidanikov và Korolev vừa đi vừa hút thuốc. Miron Grigorievich bíu lấy thành xe.
Lão già Bogatyrev đi sau cùng, bước chân nặng nề và oai vệ. Gió thổi từ phía trước lại, lật bộ râu tộc trưởng của lão ra sau lưng, đầu chòm râu trắng như cước, những cái ngù của chiếc khăn quàng vắt qua vai phấp phới như từ biệt.
Cũng trong cái ngày tháng Hai âm u đó trong thôn đã xảy ra một chuyện lạ lùng.
Thời gian gần đây, bà con đã quen thấy những cán bộ công tác trên khu về. Vì thế khi có một chiếc xe hai ngựa xuất hiện trên bãi thôn với người khách ngồi co ro bên cạnh lão đánh xe thì chẳng ai buồn để ý. Chiếc xe trượt tuyết dừng lại trước cửa nhà Mokhov.
Người khách bước trên xe xuống, xem ra là một người có tuổi, cử chỉ đi đứng từ tốn. Người ấy sửa lại cái dây da của lính trên chiếc áo ca- pốt kỵ binh dài thườn thượt, bẻ lại hai cái tai của chiếc mũ da Cô- dắc màu đỏ lên, rồi đặt tay lên cái hộp gỗ của khẩu Mauser 1 ung dung bước lên thềm.
Trong trụ sở Uỷ ban cách mạng có Kotliarov và hai người công an. Người khách lạ thôi không gõ cửa, bước thẳng vào, tới ngưỡng cửa thì sửa lại chòm râu hoa râm cắt ngắn thành hình dẻ quạt và nói bằng một giọng trầm trầm:
- Tôi cần gặp đồng chí chủ tịch.
Kotliarov muốn đứng chồm lên mà không sao đứng dậy được, cứ giương hai con mắt tròn như mắt chim nhìn người khách bước vào. Anh chỉ còn có thể ngáp ngáp như con cá, và bấu mười đầu ngón tay vào hai bên tay đã mòn bóng của chiếc ghế bành. Stokman, bây giờ đã già sọm đi, đang nhìn anh chằm chằm bên dưới chiếc mũ ba tai Cô- dắc xấu xí có cái đỉnh đỏ lòm. Hai con mắt lá răm của Stokman nhìn mãi Kotliarov mà không nhận ra, rồi đột nhiên cặp mắt ấy run run, nheo lại, sáng bừng lên, những nếp nhăn như nan quạt hằn rõ từ đuôi mắt lên tới hai bên thái dương bạc như cước. Kotliarov còn chưa đứng dậy kịp, Stokman đã bước tới ôm chặt lấy anh, sát chòm râu ướt đẫm vào mặt anh, vừa hôn vừa nói:
- Tôi biết mà! Trước kia tôi đã nghĩ rằng nếu hắn còn sống thì thế nào hắn cũng sẽ làm chủ tịch thôn Tatarsky nầy?
- Đồng chí Yosif Davydka, đồng chí đánh đi! Đồng chí đánh tôi đi đánh cái thằng chó đẻ nầy đi! Tôi không tin hai con mắt tôi nữa rồi! - Kotliarov nói, giọng mếu máo.
Cho đến nay chưa ai thấy có những giọt nước mắt chẩy trên khuôn mặt đen sạm và dũng cảm nầy. Vì thế cả đến anh chàng công an cũng phải quay mặt đi.
- Nhưng cậu cứ tin đi nào! - Stokman mỉm cười, khẽ gỡ tay mình khỏi tay Kotliarov, và nói giọng trầm trầm - Sao thế, nhà cậu không có cái gì để ngồi à?
- Đồng chí ngồi cái ghế bành nầy vậy? Nhưng đồng chí ở đâu về thế? Đồng chí nói đi nào!
- Mình từ Ban chính trị của Tập đoàn quân tới đây… Nhưng mình thấy như cậu vẫn còn chưa thật tin là mình đang có mặt ở đây. Cái anh chàng thật là kỳ quặc!
Stokman mỉm cười vỗ vào đầu gối Kotliarov và nói rất nhanh:
- Mọi chuyện đều hết sức đơn giản, người anh em ạ. Sau khi chúng nó tóm cổ mình ở đây, chúng nó đem ra toà xử và cách mạng đã nổ ra trong khi mình đang đi đày. Mình đã cùng một số đồng chí tổ chức một chi đội Xích- vệ, đánh nhau với bọn Dutov 2 và bọn Koltrak 3. Ô, người anh em ạ, tình hình ở phía ấy bây giờ vui lắm. Hiện nay đã tống cổ được chúng nó sang bên kia dãy Ural rồi, cậu được biết chưa? Và bây giờ mình về mặt trận của các cậu đây. Ban chính trị của Tập đoàn quân số tám đã phái mình đến công tác ở khu của các cậu, vì mình đã có thời kỳ sống ở đây, hay theo cách nói của đồng chí ấy, đã quen với hoàn cảnh. Mình đã tạt qua Vosenskaia, trao đổi ý kiến với các đồng chí trong Uỷ ban Quân sự Cách mạng rồi quyết định trước hết đến thôn Tatarsky. Mình nghĩ rằng hãy đến ở với các anh em tại đây ít lâu, làm vài việc, giúp đỡ tổ chức công tác rồi sẽ đi nơi khác. Cậu thấy không, người ta không quên tình bạn cũ đâu nhé! Nhưng chuyện ấy chúng ta còn có chán dịp nói tới. Bây giờ hãy nói về cậu, về tình hình đã. Cậu hãy cho mình biết về nhân dân, về hoàn cảnh. Trong thôn đã có chi bộ chưa? Ở đây cùng với cậu có những anh em nào? Còn được anh em nào? Thôi nhé, xin lỗi các đồng chí… có lẽ các đồng chí để cho đồng chí Chủ tịch nói chuyện với tôi chừng một giờ nhé. Chà, quỉ quái thật! Mình vừa đặt chân vào trong thôn đã lại thấy nặc những mùi xưa kia rồi… Nhưng năm tháng đã qua nhiều, thời buổi bây giờ khác rồi… Thôi cậu kể đi!
Chừng ba giờ sau, Miska Kosevoi và Kotliarov đưa Stokman về căn nhà cũ của mụ lác Lukeska. Ba người đi trên lớp mặt lát nâu nâu của con đường. Chốc chốc Miska lại nắm lấy tay áo ca- pốt của Stokman như chỉ sợ Stokman giằng ra, chạy trốn mất hoặc biến đi như một bóng ma.
Mụ Lukeska thết ông khách ở thuê cũ một bữa súp bắp cải, thậm chí còn mò trong một góc kín của cái rương, lấy ra một miếng đường thủng lỗ chỗ vì để quá lâu.
Sau khi uống nước lá anh đào thay trà, Stokman ngả lưng xuống giường. Anh lắng nghe những câu chuyện hai người kể luyên thuyên thỉnh thoảng lại hỏi một câu, chiếc bót thuốc lá nhai nhai trong miệng. Đến lúc trời sắp rạng, anh ngủ thiếp đi lúc nào không biết, để rơi cả điếu thuốc lá xuống chiếc áo sơ- mi cáu bẩn may bằng vải falanel. Nhưng Kotliarov vẫn còn nói thêm chừng mười phút nữa, mãi đến khi anh hỏi một câu, thấy Stokman trả lời bằng một tiếng ngáy, anh mới rón rén bước ra ngoài. Một cơn ho đã dồn lên đến cổ, nhưng anh cố nhịn, vì thế mặt đỏ dừ, chảy cả nước mắt.
- Thế nào, đã hết cơn chưa? - Vừa bước chân trên thề xuống, Miska đã hỏi, anh chàng khẽ cười sằng sặc như bị cù.
o O o
Olsakov áp giải những tên bị bắt lên Vosenskaia đến nửa đêm thì hắn trở về trên một chiếc xe tải đi cùng đường. Hắn đứng gõ rất lâu vào cửa sổ căn nhà nhỏ, chỗ Kotliarov ngủ. Anh tỉnh dậy:
- Cậu có việc gì thế? - Kotliarov bước ra, mặt còn nặng vì ngái ngủ. - Cậu đến có việc gì thế? Có công văn à?
Olsakov nghịch nghịch cái roi ngựa.
- Bọn Cô- dắc bị bắn chết cả rồi.
- Chỉ nói láo, đồ khốn kiếp!
- Chúng tôi vừa giải chúng nó đến thì họ lập tức hỏi cung ngay, và trời còn chưa tối đã đưa chúng ra rừng thông… Chính mắt tôi trông thấy mà…
Kotliarov vội vã mặc quần áo, chân thọc mãi không đúng ủng, mặc xong chạy luôn sang nhà Stokman:
- Mấy tên chúng tôi giải đi hôm nay đã bị xử bắn ở Vosenskaia rồi! Tôi cứ tưởng sẽ tống cổ chúng nó vào tù thế mà sao… ở đây chúng ta không làm như thế được đâu! Dân chúng sẽ rời bỏ chúng ta, đồng chí Stokman ạ! Trong việc nầy hình như có cái gì không ổn. Việc gì đến nỗi phải giết người? Bây giờ rồi sẽ ra sao đây?
Kotliarov cứ tưởng Stokman sẽ phẫn nộ như mình trước những việc vừa xảy ra, sẽ hoảng lên khi nghĩ đến các hậu quả sẽ dẫn tới, nhưng Stokman vẫn từ từ mặc áo sơ- mi, mãi đến khi đã chui đầu ra khỏi cổ áo mới bảo:
- Cậu đừng có la lên như thế, làm bà chủ mất ngủ bây giờ…
Anh mặc quần áo xong, châm thuốc hút, bảo trình bày lại các lý do bắt giữ những tên đó, rồi nói bằng một giọng khá lạnh lùng:
- Cậu cần phải nắm vững điều nầy, cần phải nắm cho thật vững mới được! Mặt trận chỉ còn cách chúng ta năm chục vec- xta. Phần cơ bản trong dân chúng Cô- dắc có tâm lý thù địch với cậu, bọn kulak Cô- dắc, tức là những tên ataman cùng những tên khác trong tầng lớp chóp bu, còn có uy tín rất lớn trong giới lao động Cô- dắc, còn có trọng lượng, như người ta thường nói. Vì sao vậy? Đây cũng là một điểm mà cậu phải hiểu thật rõ. Dân Cô- dắc thuộc về một tầng lớp đặc biệt, một tầng lớp quân sự. Chế độ vua Nga đã nhồi nhét cho họ cái tinh thần yêu quí quan trên, yêu quí những kẻ "vừa là chỉ huy vừa là người cha"… Trong một bài hát của lính tráng đã có những câu như thế nào? "Lệnh trên truyền ta chém ta đâm. Ta chỉ biết tuân theo mệnh lệnh, của chỉ huy, của cha ta, dù dẹp bắc hay đánh đông". Có phải như thế không? Cậu xem đấy! Thế là những tên vừa là chỉ huy vừa là cha ấy đã ra lệnh giải tán các cuộc bãi công của công nhân… Chúng nó đã làm mê muội đầu óc của dân Cô- dắc ba trăm năm nay. Thời gian có ít ỏi gì đâu? Tình hình là như thế đấy! Thêm vào đó lại có những sự khác nhau rất lớn chẳng hạn giữa những tên Cô- dắc ở tỉnh Riazanskaia với những tên kulak vùng sông Đông. Bọn kulak ở Riazanskaia bị trấn áp chỉ kêu ca về chính quyền Xô viết nhưng chúng nó bất lực, chỉ run sợ chúi xó một chỗ. Còn bọn kulak vùng sông Đông thì sao? Chúng nó là những tên kulak có vũ trang. Chúng là những con rắn nguy hiểm, những con rắn độc! Chúng nó có sức mạnh. Chúng nó không những sẽ chỉ kêu ca, phao tin đồn nhảm nói xấu chúng ta, vu khống chúng ta như lão Korsunov cùng một số tên khác đã làm theo lời cậu nói, mà còn tìm cách công khai chống lại chúng ta. Chà, tất nhiên như thế rồi! Chúng nó sẽ cầm súng bắn chúng ta. Chúng nó sẽ giết cậu? Ngoài ra chúng còn ra sức lôi kéo những tầng lớp Cô- dắc khác, tức là tầng lớp Cô- dắc trung lưu và thậm chí dân nghèo nữa. Chúng nó âm mưu đánh chúng ta bằng bàn tay của hai tầng lớp kia đấy! Thế thì vấn đề là như thế nào. Đã có bằng chứng là có hành động chống lại chúng ta phải không? Thế là đủ rồi! Không cần nói năng dài dòng làm gì: xử bắn! Trong vấn đề nầy không cần rỏ rớt rỏ rãi thương hại chúng nó làm gì: lại còn nói trước kia chúng nó là người tốt.
- Đồng chí nói gì vậy, tôi đâu có thương chúng nó! - Kotliarov xua tay. - Tôi chỉ sợ những người khác sẽ xa rời chúng ta.
Từ nãy Stokman vẫn đưa tay lên xoa xoa bộ ngực đầy lông bạc, có vẻ như rất bình tĩnh. Nhưng vừa nghe nói thế, anh đã nổi sung lên, nắm chặt lấy cổ chui của chiếc áo quân phục Kotliarov, kéo sát vào mình và cố nén cơn ho, rít lên chứ không phải là nói:
- Họ sẽ không rời bỏ chúng ta đâu nếu chúng ta gợi cho họ hiểu được cái chân lý giai cấp của chúng ta! Người lao động Cô- dắc chỉ có thể đi theo con đường của chúng ta, chứ không đi theo con đường của bọn kulak được? Chà, cái anh chàng nầy! Bọn kulak bóc lột sức lao động của họ, để mà sống, để béo múp ra! Chà, cái anh chàng hồ đồ! Cái tư tưởng của cậu… Cậu đã làm tôi tức điên lên rồi? Cả một đầu óc ngu đần! Một thằng công nhân mà thở ra toàn là hơi trí thức… Đã biến thành một thằng xã hội cách mạng tồi tệ thế nầy rồi à? Cậu phải liệu liệu với mình đấy, Kotliarov ạ?
Stokman rời tay khỏi cổ áo Kotliarov, lắc lắc đầu, hơi mỉm cười. Anh châm thuốc hút, nuốt một hơi khói rồi nói nốt bằng một giọng đã bình tĩnh hơn:
- Nếu trong khu không tóm cổ hết những tên thù địch hoạt động tích cực nhất thì sẽ có bạo động. Nếu bây giờ kịp thời cô lập chúng nó thì sẽ không thể nổ ra bạo động. Muốn vậy không nhất thiết phải lôi tất cả đi xử bắn. Chỉ cần tiêu diệt những tên đầu sỏ, còn những tên khác thì có thể chỉ đưa tới những vùng thật xa trong nước Nga. Nhưng nói chung, đối với địch thì không cần phải gượng nhẹ làm cái gì cả! "Người ta không đi găng làm cách mạng", - Lenin đã nói như thế đấy. Trong trường hợp nầy có cần phải đem bắn mấy thằng đó không? Tôi nghĩ là có! Có thể là không cần bắn tất cả, nhưng chẳng hạn như lão Korsunov thì không làm thế nào cải tạo được nữa rồi! Điều đó đã rõ như ban ngày! Còn thằng Melekhov thì nó chuồn mất rồi, dù chỉ là tạm thời! Chính nó là thằng mà chúng ta phải trị thẳng tay đấy! Nó còn nguy hiểm hơn tất cả mấy đứa kia gộp lại. Cậu phải nhớ lấy điều đó. Câu chuyện nói với cậu ở trụ sở ban chấp hành là những lời của một kẻ thù ngày mai. Nói chung trong việc nầy chẳng có gì phải đau khổ dằn vặt. Những người con ưu tú nhất của giai cấp công nhân đang chết trên các mặt trận. Chết hàng ngàn đấy! Đau buồn là phải đau buồn về họ chứ không về những đứa đang giết họ hay chỉ chờ có dịp là đâm vào lưng chúng ta. Một thằng chúng nó giết chúng ta, hai là chúng ta giết chúng nó! Không có con đường thứ ba đâu. Đúng như thế đấy, anh bạn Kotliarov ạ!
Chú thích
1 Đây chỉ kiểu súng ngắn của Đức có hộp gỗ, lắp vào được thành báng, hồi Tầu Tưởng sang đây ta quen gọi là "poọc- hoọc" (mộc hạp: hộp gỗ) (ND).
2 (1864 - 1921) Đại tá trong tổng hành dinh của quân đội Nga hoàng, ataman Bạch vệ của Quân khu Orelburg đã phát động tầng lớp Cô- dắc nổi lên chống chính quyền Xô- viết theo chỉ thị của đế quốc Anh - Mỹ. Tháng Chín năm 1919, quân đội của Dutov đầu hàng Hồng quân, một số tàn quân theo hắn chạy sang miền Tây Trung Quốc. Dutov bị giết tháng Hai năm 1921 (ND).
3 (1873 - 1920) Thuỷ sư đô đốc của hải quân Nga hoàng, mùa thu năm 1917 sang Mỹ rồi về Viễn Đông tổ chức mặt trận chống chính quyền Xô- viết. Tháng 10- 1918, làm Bộ trưởng Hải quân trong Chấp chính viện tây nam Ufa, sau tự xưng là "Chấp chính tối cao kiếm Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng lục hải quân, là lực lượng chủ yếu trong đợt tấn công thứ nhất của Đồng minh. Tháng Giêng 1920 thua trận phải nhường chức trên cho Donikin, bị công nhân Irkurs xử bắn (ND).
Sông Đông Êm Đềm Sông Đông Êm Đềm - Mikhail Solokhov Sông Đông Êm Đềm