Số lần đọc/download: 9981 / 102
Cập nhật: 2014-11-20 13:49:29 +0700
Hồi 142 - Tên Thái Giám Hào Hoa
H
iếu Trinh hoàng hậu đem hết lời lẽ chân thành để cứu Ý quý phi khiến Hàm Phong hoàng đế cũng phải cảm động.
Ngài nói:
- Vậy, nể mặt hoàng hậu, trẫm sẽ tha chết cho nàng. Ý quý phi vốn người thâm hiểm, điêu xảo. Trẫm chết rồi, không ai có thể chế ngự được nàng đâu. Chỉ còn cách trẫm viết lại tờ di chiếu, khiến nàng không dám lộng hành nữa.
Nói đoạn, ngài cố gượng ngồi dậy, bảo Túc Thuận đem bút nghiên lại, rồi cất tay run run viết di chiếu:
"Nay trẫm tư cho Hiếu Trinh hoàng hậu: Ý quý phi nhờ con mà được phú quý, không thể nào không tôn lên làm thái hậu. Tuy nhiên, nàng không phải là người có thể tin cậy. Cho nên, bất cứ việc gì, hậu cũng phải quyết đoán lấy. Nếu nàng chịu an phận thủ thường, không có điều chi lầm lỗi: ắt trước sau đều xứng với ân lệ. Nhưng nếu nàng rắp tâm làm bậy, hậu hãy triệu họp đình thần, đem ý chỉ này của trẫm tuyên bố và lập tức giết đi, để tránh hậu hoạ. Khâm thử".
Viết xong tờ di chiếu, Hàm Phong hoàng đế gọi hoàng hậu tới cạnh giường, ký tên vào; lại gọi cả Túc Thuận cùng ký tên vào. Xong xuôi rồi, ngài giao cho hoàng hậu giữ.
Hiếu Trinh hoàng hậu đang định cất đi, bỗng lại quay lại trả cho hoàng đế và tâu:
- Tờ sớ này cũng truyền báo cho ngoại thần. Vậy xin cho mời Cung thân vương tới đây ký tên vào luôn. Tương lai nếu có chuyện gì xảy ra, ắt có trong, có ngoài hưởng ứng.
Hàm Phong hoàng đế, nghe đoạn cũng cho rằng phải: thế là ngài truyền dụ tìm Cung thân vương Dịch Hàn hoả tốc tới hành cung. Hàm Phong hoàng đế một mặt cất tạm tờ di chiếu dưới gối.
Đến hồi này Ý quý phi đã bố trí được đầy đủ tai mắt bên cạnh hoàng đế. Nàng thấy ngài đối với mình ngày một lãnh đạm, trong lòng đã thấy lo. Vì thế nàng dặn dò hai tên tổng quản An và Thôi lưu tâm xem xét động tĩnh.
Rồi hôm đó, hoàng thượng cùng hoàng hậu, Túc Thuận mật nghị trong phòng. Thôi tổng quản đứng ngoài cửa sổ cũng nghe được một vài điều, tiếc phải cái không dám đứng lâu, sợ có kẻ nhìn thấy. Do đó, những lời nói của hoàng đế, hắn nghe không được trọn, nhưng dù sao, hắn cũng cho rằng bất lợi cho Ý quý phi. Thế là hắn vội vàng ba chân bốn cẳng phi báo ngay cho nàng hay.
Ý quý phi lo sợ quá nhất thời chẳng đoán ra được chuyện gì. Lòng nàng như lửa đốt, nàng chẳng nhắm mắt được đến mấy đêm liền. Nhưng may cho nàng một cơ hội tốt đã tới.
Hoàng đế ốm lâu ngày, liệt giương liệt chiếu, mình gầy như con mắm, cảm thấy nhức mỏi quá đỗi. Do đó, ngài nghĩ tới chuyện tẩm quất cho thân thề giãn xương giãn thịt. May thay, cái nghề tẩm quất này, viên ngự y họ Lục cũng biết.
Thế là Lục được đưa vào ngự phòng hè huyệt đấm kỹ cho ngài. Có lẽ họ Lục nghệ thuật còn dở dang, nên hoàng đế vẫn thấy nhức mỏi, chẳng thoải mái được chút nào.
Viên tổng quản thái giám vội đi gọi một tay đấm bóp trứ danh hơn. Hắn là tên thái giám Lý Liên Anh. Anh quả thật là một tay cự phách trong làng này. Hắn được học chân nguyên, nên sờ đến đâu là hoàng thượng mát đến đó, đấm đến đâu là ngài rên hừ hừ tới đó. Gân cốt của ngài như giãn ra hết, các bộ phận trong người ngài tự nhiên như được tiêu tan hết mọi đau nhức mỏi buồn.
Khi Lý Liên Anh tẩm quất ngực, thì hoàng đế chịu quá, ngài "khì" từ thuở nào! Thế là từ đó, đôi bàn tay thần diệu của Anh có thể còn hơn cả sâm cả nhung, đối với hoàng đế. Chỉ cần một hôm, anh ta đã được hoàng đế khoái, rồi cưng lại chiều nữa.
Cứ mỗi ngày, Hàm Phong hoàng đế ít ra cũng truyền gọi Lý Liên Anh một lần, nếu không là chân tay ngài bải hoải, tinh thần bần thần, mặt mày ngài xám ngoét lại. Lý Liên Anh vốn người khôn ngoan, tinh quái. Đợi lúc hoàng đế thiêm thiếp ngủ say, hắn mới từ từ đưa mắt nhìn chung quanh phòng để quan sát tình hình. Hắn nhác thấy một tờ giấy lòi ra một góc dưới gối, trong đó có một câu: "Nàng không phải là người có thể tin cậy". Hắn liền đoán tờ giấy này ắt phải có điều quan trọng đối với một kẻ nào đó. Hắn phân vân một lát, nhưng bỗng hắn nghĩ tới Ý quý phi. Hắn tự hỏi: phải chăng nội dung tờ giấy nọ nói về Ý quý phi?
Nghĩ như vậy rồi, hắn đánh bạo đưa tay khẽ kéo tờ giấy ra xem. Thế là bao nhiêu ý, bấy nhiêu lời trong tờ di chiếu, hắn đọc hết và đã nhớ hết trong bụng. Giữa lúc đọc tờ di chiếu, hắn không ngờ đằng sau hắn cũng có một người đang nghển cổ đọc theo. Người đó chính là Thôi tổng quản. Thôi và Anh vốn cùng một giuộc thì có lo gì, cho nên Anh chẳng để ý tới, mà chỉ định đánh cắp tờ di chiếu.
Bỗng Hiếu Trinh hoàng hậu bước vào phòng. Thôi tổng quản đứng đằng sau, thấy trước, vội lấy mũi giày khe đá một cái vào đít Anh báo hiệu, Anh giật mình đánh thót, vội lấy chiếc khăn tay phủ tờ di chiếu lại, rồi lui ra ngoài vội chạy đi báo Ý quý phi.
Nguyên Lý Liên Anh chính là người thân tín nhất của Ý quý phi. Anh vào cung tuy chưa có bao ngày, nhưng rất được nàng sủng ái và tín dụng. Anh người Hà Giang, đi học nghề trong một cái quán do đó mọi người cứ gọi hắn là…
Anh nhà nghèo mạt, hiền hậu nhưng bữa ăn không đủ no. Tại vùng Hà Giang có rất nhiều người làm thái giám trong cung. Nhà Thôi tổng quản lại ở ngay bệnh cạnh nhà Anh, thành thử đôi bên là láng giềng của nhau. Đã nhiều lần, Thôi về nhà, mang theo vàng bạc nhiều lắm. Anh thấy mà mê. Thôi còn kể lại cho Anh nghe trong cung thú vị như thế nào, thế lực ra làm sao, đủ mọi thứ hấp dẫn mê ly.
Anh lúc này mới có mười sáu tuổi, nhưng hắn là con người dám làm. Anh nghe Thôi nói xong, liền dối cha mẹ, đem cắt luôn cái "của quý" để thực hiện mộng giàu sang của mình. Không ngờ, Anh đau quá, đau đến mê đi, ngã lăn quay trên vũng máu tưởng chết.
Cha mẹ Anh hoảng hồn bạt vía, vội chạy đi mời ông lang dùng thuốc để cầm máu mới hết chảy. Anh nằm luôn một lèo ba, bốn tháng lúc đó mới bình phục.
Khỏe khoắn bảnh bao như thường rồi, Anh mới vào Kinh tìm tới nhà Thôi tổng quản, cầu xin đưa vào cung làm một tên tiểu thái giám. Thôi tổng quản giữ Anh ở lại nhà chờ cơ hội. Mấy hôm sau, may thay Ý quý phi cần mướn một tên thái giám trẻ ở trong phòng, để sai vặt lau chùi quét tước và chải đầu búi tóc cho mình. Cơ hội tới, Thôi tổng quản đưa ngay Anh vào cung. Ý quý phi thấy Anh mặt mũi bảnh bao nói năng lại hoạt bát nên có ý thích. Nàng gọi Anh chải đầu búi tóc. Thực là một dịp tốt để cho Anh trổ tài. Anh vốn là một tên trai trẻ khéo chiều chuộng đàn bà đến cái mức vô địch. Bên cạnh những tấm thân ngà ngọc, Anh vuốt ve êm dịu. Anh nịnh nọt vô cùng khéo léo và được lòng hết cả giới yếm khăn.
Đã sẵn cái tài ấy, Anh lần đầu được Ý quý phi cho chải đầu búi tóc. Do đó Anh hết sức thận trọng trong khi làm việc. Ý quý phi vốn rất quý mái tóc của mình, chỉ sợ hư tóc hoặc hỏng mất da đầu. Anh biết thế bèn dùng hết cái khéo của đôi tay nâng niu mái tóc của nàng, lúc chải chuốt, lúc ve vãn tuyệt nhiên không có một cử chỉ nào khiến nàng bực bội không vừa lòng.
Đầu Ý quý phi chải xong, không một sợi tóc rụng, không một mảy da đầu bị sầy xước. Đến lúc búi thì lại còn là một nghệ thuật, mấy ai đã được biết để điểm tô. Ý quý phi soi vào gương sướng đến điên người. Lòng nàng càng khoái thì đầu nàng càng muốn thay đổi. Cứ mỗi ngày nàng đổi kiểu một lần. Tóc càng thay đổi, tài nghệ của Anh càng nồi bật. Lần nào chải cũng vậy, Ý quý phi đều thấy đầu mình mới đẹp lạ lùng.
Cứ mỗi lần có cái đầu mới, Ý quý phi lại có một cái mới để dành riêng cho mái tóc của mình lần đó. Lý Liên Anh quả khéo vẽ ra những cái tên khá kỳ khá thú: hôm nay thì là đầu Giàu sang chẳng dứt (phú quý bất đoạn đầu), ngày mai thì lại đầu Thiên hạ thái bình. Rồi ngày mốt thì là đầu Hoà khí một đoàn. Rồi ngày mốt mốt nữa thì lại là đầu Long phượng song hỉ, hoặc là đầu Cát lợi…
Ý quý phi có cái tính kỳ lạ là rất khoái hai tiếng "cát lợi". Nay nghe nói tới cái đầu Cát Lợi thì còn gì thích cho nàng hơn.
Lý Liên Anh lại còn một cái tài đặc biệt nữa, tài ăn nói. Cứ mỗi lúc rảnh việc Anh lại đem những chuyện cũ nơi đồng quê xóm cũ ra kể. Đây cũng còn là một cái khoái của Ý quý phi. Kể chuyện cổ đối với nàng quả là một chuyện cần thiết nữa là khác. Bởi thế cứ mỗi lúc buồn chẳng có gì làm, nàng lại cho gọi Anh vào phòng mình để kể chuyện.
Cái tên Lý Liên Anh quả thật nhiều chuyện. Ngày nào cũng kể chuyện, hết chuyện này tới chuyện kia, thế mà chẳng bao giờ hết. Anh tính lại rất thông minh. Bất cứ một chuyện tiếu lâm nào, Anh cũng nhớ để kể, mà cứ, hễ kể là tức cười ngay. Cứ môi lần chọc cười, Anh làm cho Ý quý phi cười đến lệch giường lệch chiếu, cười đến chảy nước mắt, cười đến són ra quần. Tiếng nàng cười lên khi thì như nắc nẻ, khi thì như cả một cái thác đổ dồn, nàng cười đến ngất đi, đến lịm đi.
Có lúc hứng nổi lên từng cục, nàng đỏ mặt tía tai, bọt mép đổ ra, giơ đôi tay ra đấm thùm thụp vào lưng vào vai Anh, miệng thì rủa:
- Thằng quỷ ổi! Thằng quỷ!
Lý Liên Anh lại còn cái tài lạ nữa là có một bộ xương da vô cùng hấp dẫn. Tha hồ cho quý ông quý bà đấm đánh chửi bới. Anh vẫn cười, vẫn tươi. Bởi thế những lúc sầu khổ tức giận của đời mình, Ý quý phi đều phải nhờ Anh đến tiêu sầu giải muộn cho.
Nhưng cái tuyệt kỹ khiến thiên hạ mê ly nhất là Anh có một giọng hát vô cùng hấp dẫn. Bất luận điệu hát nào từ Nam cho đến Bắc, nào điệu vui điệu buồn, nào điệu quê điệu kính, Anh đều hát được cả. Tiếng hát của Anh lại còn du dương uyển chuyển, chỉ cần nghe qua là ai nấy đầu say, đều mê cả.
Chuyện ca hát vốn là cái thích độc nhất của Ý quý phi. Nàng thích hát, thích nghe hát xem tuồng. Bởi thế tài hát của Anh quả rất hợp vị với nàng. Thế là từ ngày có Anh bên cạnh, nàng có thêm một cái thú cố hữu trong dòng máu, lúc thì ngồi nghe Anh ca một vài điệu kinh lả lơi tình tứ, khi thì ngồi học một vài điệu quê tuy chất phác nhưng vui cười. Cũng có khi nàng đồng ca với Anh vang động cả một khu nhà, khu vườn.
Lý Liên Anh tuy còn nhỏ nhưng rất giỏi tâm lý, nhất là tâm lý đàn bà. Cứ hễ người đàn bà nào gặp phải nghịch cảnh hoặc niêm đau khổ, dù bí ẩn đến bực nào, Anh cũng có thể tìm ra được. Cho nên khi nói chuyện với bọn cung nữ bất cứ cô nào, Anh cũng nói trúng tâm lý phong phóc. Do đó đám cung nữ từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên cô nào bà nào cũng đều có mỹ cảm đối với Anh.
Nói đến một cái tài mọn nữa nhưng quan trọng chẳng kém các tài trên của Anh, ta phải nói tới tài "đấm bóp". Quái lạ nhất là cứ mỗi khi được Anh đấm bóp cho thì bất cứ ai cũng thấy toàn thân mình sướng quá, tinh thần thoải mái đến cực độ đến mức mắt miệng gì cũng đều nhắm ngậm lại hết. Tên thái giám oắt con, chưa ráo máu đầu mà được thiên hạ quý mến rồi!
Đối với Ý quý phi thì những cái tài trên của Anh nhất định phải là những tài siêu việt của các bậc siêu nhân xưa nay chưa từng thấy. Đấy là lý do khiến nàng sủng ái Lý Liên Anh đến kinh khủng. Nàng sủng ái Anh đến cái độ ép hắn phải ở lại với mình suốt đêm, nằm chung giường với mình nữa. Những lúc thức giấc trong đêm khuya thanh vắng, nàng lại gọi Anh dậy để trò chuyện tán gẫu. Cái tên Anh quả khôn ngoan rất mực. Hắn khéo chiều ý nàng, đối đáp mọi lẽ đều đẹp lòng nàng, khiến hắn cũng đôi lần phải nhận rằng mình quá là một "cục cưng" của nàng.
Ý quý phi sủng ái Lý Liên Anh đến độ dần dần lạnh nhạt đối với Thôi tổng quản. Thấy được sủng ái, Anh cũng tỏ lòng cảm kích và nhớ ơn Ý quý phi. Hắn thường đưa ý kiến để giúp đỡ nàng.
Bởi thế nên khi thấy tờ di chiếu của hoàng đế có hại cho nàng, Lý Liên Anh vội chạy đi báo cho nàng hay. Ý quý phi nghe xong nhất thời quả chưa tìm ra mưu chước để đối phó.
Nàng chỉ còn cách ngày ngày đưa hoàng tử ngồi ở trước giường, mượn tiếng săn sóc hầu hạ lúc hoàng đế bệnh tình trầm trọng để dò xét những cử động của Hiếu Trinh hoàng hậu.
Cung thân vương Dịch Hàn hồi này đã tới hành cung cho nên cũng có ký tên trên di chiếu. Thực ra thì vương đã lén gia nhập đảng của Ý quý phi từ lâu rồi. Bởi thế vương lẻn tới thông tin cho Vinh Lộc, trong khi đó ở một chỗ bí mật khác cả một bọn đại thần như đại học sĩ Túc Thuận, Trịnh thân vương Đoan Hoa, ngự tiền đại thần Ngạch Phó Cảnh Thọ, quân cơ đại thần thượng thư Binh bộ Mục Ấm, Lại bộ tả thị lang Khuông Nguyên, thự Lễ bộ tả thị lang Đỗ Hán, thái bộc tự thiếu khanh Tiêu Hựu Doanh, ngày ngày chụm đầu lại bàn tính ráo riết chỉ sợ trong tương lai Ý quý phi ỷ thế lực của con mình làm lớn mà thao túng quyền hành. Bởi thế cả bọn quyết định đợi khi Hàm Phong hoàng đế mất rồi khuyên Di thân vương là Tải Viên lên nối ngôi hoàng đế.
Tải Viên biết rõ Ý quý phi sinh một hoàng tử, thế mà mình cưỡng đoạt ngai vàng, chỉ sợ quần thần bất phục. Bởi thế Viên bèn nói thác ra là hoàng tử còn nhỏ tuổi, đương kim hoàng đế có di chiếu sai mình làm Giám quốc nhiếp chính vương.
Bọn Túc Thuận nghe ý kiến của Viên chẳng ai trả lời, nhưng biết làm sao hơn. Thế là việc nối ngôi này đành ném đó, bàn không xong.
Hàm Phong hoàng đế chết! Ngài chết trong điện Yên Ba Trì Sảng. Bọn Túc Thuận lúc đó không làm cũng không xong, thế là tự xưng mình làm Tán tương chính vụ đại thần loan truyền Đại hành hoàng đế có di chiếu lập Di thân vương Tải Viên làm tự quân, đổi niên hiệu là Kỳ Tường năm thứ nhất. Lại truyền dụ cho bọn kinh ngoại vương (vương ở ngoại kinh đô) và đại thần, nhất là Cung vương, Vinh Lộc hãy ở lại, bất tất phải đi đưa đám tang bởi vì bất nhật sẽ đưa linh cữu về kinh.
Ý quý phi lúc này cung đã liệu biết mưu đồ của Túc Thuận, nên khi hoàng đế mất nàng thu lấy và cất đi ngọc tỷ truyền quốc (cái ấn).
Quả nhiên Túc Thuận tiến cung hỏi về chiếc quốc tỷ ở Hiếu Trinh hoàng hậu. Hoàng hậu thấy bọn Túc Thuận kéo tới một cách dữ tợn, chỉ sợ có chuyện xảy ra, Hậu bèn giúp Ý quý phi nói dối Thuận là chiếc ngọc tỷ truyền quốc đã bị Lục vương gia lấy mang về kinh rồi.
Túc Thuận nghe nói chiếc quốc tỷ không còn ở hành cung liền chạy vội về kinh. Ý quý phi thấy việc đã đến lúc nguy ngập liền bế hoàng tử Đái Thuần quỳ trước mặt Hiếu Trinh hoàng hậu cầu xin bà cứu giúp.
Hiếu Trinh hoàng hậu thấy Ý quý phi vừa nói vừa mếu, tình cảnh thật đáng thương. Bà cũng nghĩ rằng nàng sinh ra hoàng tử về sau thế nào cũng kế thừa đại thống. Bởi thế bà chạy lại đỡ dậy, miệng hứa sê giúp.
Thế là Ý quý phi viết ngay một tờ chiếu đóng dấu ngọc tỷ lên trên rồi lẻn đưa cho viên tổng quản thiện phòng là Hỉ Lưu ngay đêm phi chạy lẹ về kinh giao cho Thuần vương, Cung vương, Vinh Lộc ba người thân tín của mình và đặn họ theo kế mà hành động.
Bọn Túc Thuận muốn giữ Hậu, Phi hai bà lại Nhiệt Hà còn đích thân mình đưa tử cung (linh cữu) về kinh. Nhưng khổ cái là Hiếu Trinh hoàng hậu không chịu. Thuận chẳng còn cách gì hơn đành phải mời Hiếu Trinh hoàng hậu cũng như cả đoàn người đưa linh cữu về kinh cùng mình một lượt.