Làm tốt thì tốt hơn là nói giỏi.

Benlamin Franklin

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 134: Một Góc Hiệp Nghị Paris
ột buổi sáng, vừa ăn sáng xong chúng tôi đang chờ kẻng tập họp để đi lao động như mọi khi, thì tên cán bộ Ý trực trại, hộc tốc từ ngoài cổng khu A đi vào buồng số 2. Đến cửa, hắn vẫy tay gọi anh Tiềm- toán trưởng toán 2- tới, rồi y rút trong người ra một cuốn sổ, dõng dạc:
- Những anh có tên sau đây, mang hết công tư trang theo tôi: Trần Quốc Quang, Trương Nàm Tráng, Lầu Chí Chăn, Lý Giòng Slau, Đặng Chí Bình, Lê Văn Bưởi.
Thật là bất ngờ, tôi hấp tấp, tíu tít thu dọn chăn màn, quần áo. Một số anh em còn ngoài sân, chạy xô vào buồng. Trước mặt tên Ý, tôi không nói từ giã được với bất cứ ai, kể cả anh Tiềm toán trưởng, đứng ngay đấy. Khi đi theo tên Ý ra sân, tôi chỉ kịp nhìn khắp một lượt anh em như chào giã biệt. Ngay lúc tôi lúi húi vơ xếp chăn mền, trong đầu thoáng nghĩ: mới sáng sớm, không biết họ chuyển chúng tôi đi trại nào, thuộc tỉnh nào….?
Vừa ra khỏi cổng khu, nhìn ra sân trại tôi đã nhìn thấy một dẫy tù chừng 7-8 chục người. Họ xếp hàng đôi ôm đồm chăn màn, hòm xiểng như chúng tôi, ngay sát phía cổng trại. Mấy cán bộ lạ cùng mấy cán bộ trại I đi lại lăng xăng. Đặc biệt, tôi nhìn thoáng thấy ông Toán chánh giám thị ở phía trong cổng trại. Tên Ý dẫn 6 chúng tôi đến phía cuối của dẫy tù đó, cao giọng:
- Các anh xếp hàng đôi nối theo đây!
Tôi cũng đã nhìn thấy Lưu Nghĩa Lương, anh Tarzan và một số anh thủy thủ, tôi đã gặp mấy ngày trước ở toán 3. Như vậy họ là tù Biệt Kích ở trại QT chuyển về khu nhà xây trước đây, nhà số 1. Tôi hỏi mấy anh ở hàng cuối xem họ có biết sẽ chuyển đi trại nào không, nhưng họ đều ngơ ngác không biết như chúng tôi. Đoàn tù 73 Biệt Kích của trại Quyết Tiến và 6 chúng tôi ở trại I gồm 79 Biệt Kích. Đi áp tải có 4 công an võ trang, một tên cán bộ lạ, Bùi Huy Tập cán bộ giáo dục và tên Cao Văn Thục huấn luyện viên võ thuật của cán bộ trại I. Tên Tập đi đầu dẫn đoàn tù đi về phía trái, như thế là đoàn tù đi bộ. Tên Thục đi gần chúng tôi nhìn Chăn và Slau (Người Nhái) y nói như đùa:
- Trông đoàn đi cứ như là “Lính thủy đánh bộ” ấy!
Y nói rồi cười, nhưng chả có ai hưởng ứng, có lẽ vì mệt phải ôm, vác. Khi nãy, tôi đã hỏi lão Tập, chúng tôi chuyển đi đâu? Nhưng y đã lạnh lùng, cộc lốc:
- Cứ đi sẽ biết!
Thấy tên Thục có vẻ vui, tôi hỏi ngay:
- Thưa cán bộ, chúng tôi được chuyển về đâu mà đi bộ thế này?
Y nói cũng cộc lốc:
- K3.
Đi chừng hơn 2 cây số, thấy mọi người mang vác mỏi mệt, nên cán bộ cho nghỉ 10 phút. Giữa 2 bên là triền rừng khuất gió nên thật là oi ả, dù mới cuối tháng 3 sắp bắt đầu vào Hè. Thấy một anh Quyết Tiến cứ nhìn tôi như thiện cảm, tôi cười làm quen: Được biết anh là Nông Văn Hính, dân tộc Tầy, án của anh chung thân (hiện nay ở Cali), thuộc toán SWAN gồm 6 người:
1. Nông Công Định toán trưởng, chiến đấu, chết trận, ngay ngày đầu đổ bộ.
2. Đàm Văn Ngô phụ tá truyền tin, còn ở VN.
3. Đàm Văn Tôn (Tầy) tử trận ngay hôm đổ bộ.
4. Lý A Nhì toán viên, hiện ở Texas Mỹ.
5. Nguyễn Văn Ban Tử hình, trong một vụ vượt ngục.
Toán Swan hầu hết là người dân tộc Tầy. Ra Bắc ngày 4 tháng 9-1963. Địa bàn hoạt động thuộc Bắc Cạn. Lại nhìn thấy một anh ngồi cạnh đấy, mặt mũi trắng trẻo, nhưng có nét trầm ngâm, tôi nhìn anh rồi cười như chào; không ngờ anh lại vồn vã nói chuyện. Được biết anh là Nguyễn Phước trong toán Buffalo, nhẩy ở Quảng Bình ngày 9/6/1964.
Toán anh gồm 9 người, hiện nay ở đây chỉ có anh, rồi liếc mắt chỉ tay một người, đang đứng nói chuyện với tên cán bộ lạ, tên anh ta là Trương Bá Ngữ, cùng toán.
Sau này tôi được biết, những anh trong toán Buffalo gồm có:
1. Võ Khôn toán trưởng, được tha về chết (ở VN?)
2. Trương Bá Ngữ (hiện ở California)
3. Lê Chất (không rõ) từ 12/72.
4. Nguyễn Hóa Đều (chết ở trại Quyết Tiến cổng trời do bị cùm)
5. Nguyễn Khôi (chết trong nhà kỷ luật)
6. Nguyễn Huy (không rõ) từ 12/72
7. Nguyễn Phước (không rõ) từ 12/72
8. Lê Trang (không rõ) từ 12/72
9. Trần Hiệu (không rõ) từ 12/72
Tuy buổi đầu gặp anh, nhưng tôi đã thấy thái độ của anh, toát ra là không ưa Trương Bá Ngữ, cùng một toán Buffalo với anh. Gần trưa thì đoàn tù đến phân trại K3, một cái trại vừa phải (xấp xỉ phân trại E), chung quanh là 2 lượt nứa cả cây, chôn dựng đứng làm hàng rào của trại. Bên trong có 6, 7 ngôi lán dài cũng bằng tre, nứa và gỗ như nhà chúng tôi đã ở ngoài trại xây.
Sau khi vào trại, vào buồng, chúng tôi mới biết: trại chia làm hai khu, chính trị và hình sự. Khu chính trị lại chia làm 3 là F1, F2, và F3. Chúng tôi được dồn vào một cái nhà gọi là F3, gồm gần 100 người. Mấy ngày sau F3 được chia làm 2 đội. Đội mộc hơn 3 chục người trong đó có Lê Văn Bưởi, Lầu Chí Chăn và tôi, do Trương Bá Ngữ làm đội trưởng. Tên Dương Đình Thắng, là cán bộ ở Quyết Tiến về phụ trách. Còn lại gần 6 chục người là đội xẻ, may và công việc linh tinh. Woòng A Cầu là đội trưởng, Nguyễn Xuân Sang đội phó.
Phân trại K3 trước đây chỉ dành cho hình sự, do tên đại úy Nguyễn Thành Cửu làm giám thị. Bây giờ có thêm tù chính trị, nhưng toàn là Biệt Kích, Gián Điệp, từ trong Nam ra Bắc hoạt động, bị bắt, vẫn do tên Cửu làm giám thị. Đội mộc hàng ngày ra lao động tại một cái lán con, trên dốc đồi cheo chéo phía trái, trước ban giám thị.
Có thể do những cảm nhận sẽ có nhiều chuyển biến của tình hình, nên khí thế lao động của toán mộc và xẻ ở K3 không còn nỗ lực, hăng say như trước đây nữa. Ngược lại, tên cán bộ Thắng ở QT về, lại tỏ ra rất nghiêm khắc trong sinh hoạt. Y người bé choắt, chỉ có cái lon trung sĩ, lúc nào mặt y cũng cau có; gần một tháng trời, tôi chưa hề nhìn thấy một nụ cười nào của y. Không biết y được chỉ thị thế nào, trước toàn buồng F3 gồm mộc, xẻ, may, y tuyên bố:
- Hai người nói chuyện với nhau mà không có người thứ ba nghe thấy, là phạm nội quy, sẽ bị kỷ luật!
Tối nào cũng sinh hoạt rồi đọc báo 1 giờ cho tới khuya. Không khí ngột ngạt ngày đêm ép đè, không ai dám ngồi tâm sự chuyện trò với ai. Một hôm tôi nghỉ bệnh, đang ngồi nói chuyện với hai anh Đoàn Phượng và Lò Văn Cươm cũng nghỉ ốm ở sàn dưới. Bỗng thoáng nhìn thấy máu chảy từng giọt xuống, từ sàn trên, chéo phía chân tôi ngồi chừng 2 mét. Tôi trèo vội lên, thấy Lưu Nghĩa Lương (hiện nay ở California) đang nằm sấp xuống sàn. Tôi vội vàng kéo tay Lương, hốt hoảng hỏi:
- Sao vậy em? Em làm sao vậy!
Cũng là lúc tôi đã nhìn thấy một vệt cắt dài ở tay Lương, trong khi đôi mắt Lương nhắm nghiền. Chạy vội ra phòng y tá, thấy có một người, tôi hổn hển nói ngay:
- Ở F3 có người tự tử!
Tên y tá theo tôi về F3, đã có 5, 6 người đang nhớn nhác trèo lên sàn trên ngấp ngó Lương. Sau khi tên y tá (sau này tôi biết tên y là Đại) trèo lên, y lại trèo xuống, rồi ra thẳng cơ quan chỗ giám thị. Mười phút sau, tên Đại y tá, một thượng sĩ lạ và tên Thắng vào trại, đến nhà F3. Phượng, Cươm và mọi người đã về chỗ nằm của mình. Tên Đại về buồng y tá mang đến cuộn băng, cái kéo và một lọ thuốc rồi cùng tên Thắng trèo lên sàn trên.
Tuy tôi vờ nhắm mắt nằm, nhưng cũng không thể nghe được chuyện gì trên sàn Lương. Chừng 15 phút sau, cả 3 tên đều đi ra về phía phòng y tá, như cái máy, tôi phóng lên, thấy Lương nằm đắp chăn, tôi đặt tay lên vai, khẽ hỏi:
- Em có sao không?
Lương mệt nhọc, chậm chạp trả lời tôi:
- Em không sao đâu!
Liếc nhìn phía phòng y tá thấy bọn chúng trở ra, tôi lẹ làng về chỗ nằm. Cả 3 tên lại tiến vào F3; đứng ở cửa, tên Đại nói đủ nghe trong buồng:
- Lệnh ông cán bộ, tất cả những người ốm bịnh đều ra sân tập họp.
Đoàn Phượng, Cươm tôi và 3 người nữa đều lục đục kéo ra sân. Tên Đại, cho đi gọi cả anh làm vệ sinh của trại; tất cả 7 người ngồi ở sân. Tên Thắng nghiêm mặt nói rõ ràng:
- Câu chuyện của anh Lương hôm nay, tuyệt đối khi trại về không được nói cho một ai biết. Nếu ai không kín miệng, sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Nói rồi y vẩy tay:
- Các anh về chỗ!
Vào buồng một lúc, thấy chúng đã ra khỏi cổng trại, tôi trèo vội lên, lật chăn Lương, nhưng Lương đã nhắm mắt im lìm như ngủ say. Trèo xuống chỗ nằm đã thấy các anh Cươm và Phượng đang loay hoay hút thuốc lào. Tôi cũng sà đến làm một điếu!
Trong cảnh sống ngột ngạt, nghiêm ngặt ấy, mỗi người đều tự hiểu, tốt nhất là hãy “đậy” cái miệng của mình lại. Bởi vì nhiều lần, ai cũng thấy, khi có một tin tức gì lộ ra; có một tên antenne báo với cán bộ giáo dục, là ai nói tin đó. Cán bộ sẽ gọi người ấy lên hỏi, truy, cuối cùng sẽ đến gốc là ai. Vậy, phải tự hiểu để khỏi hậu hoạ lôi thôi, cứ im lặng là vô lo. Tôi, Phượng và Cươm thăm hỏi nhau chuyện khác: ngồi 3 người rất hợp pháp. Hôm ấy, tôi được biết sơ về anh Lò Văn Cươm: Anh thuộc toán Dauphine gồm 5 người là các anh:
1. Triệu Trung, toán trưởng (tử hình);
2. Nông Đức Vũ truyền tin (tử hình);
3. Hoàng Tồn, toán phó (hiện ở Iowa);
4. Lò văn Cươm, toán viên (hiện ở VN);
5. Đèo Văn Bạch, toán viên (hiện ở MA).
Toán này ra Bắc ngày 4/6/1963 địa bàn hoạt động tại Hà Giang.
Còn về anh Đoàn Phượng thuộc toán TELLUS gồm 4 người là các anh:
1. Nguyễn Văn Ngô, toán trưởng (hiện ở San José);
2. Nguyễn Cuông, toán viên (ở Mỹ);
3. Đoàn Phượng, truyền tin trưởng (chết, vượt biên 1982);
4. Đỗ Văn Tương, toán viên (hiện ở Mỹ).
Toán này ra Bắc 7/6/1963 địa bàn hoạt động tại Ninh Bình.
Cho đến trưa và chiều hôm ấy các toán của trại đi lao động về, không một ai biết, hay bàn tán gì về chuyện Lưu Nghĩa Lương tự tử.
Lợi dụng trong lúc vào nhà cầu, tôi chỉ nói nhỏ với Lầu Chí Chăn biết và cũng phải dặn kỹ, không nói cho người thứ 2 biết. Đến cả tuần sau, trong trại coi như không hề có sự việc Lương tự tử. Những khi chưa ngủ, nằm miên man suy nghĩ, tôi phải rùng mình kinh sợ, cho cái uy lực nhiều chiều ngang dọc của cộng sản o-ép con ngươi. Khoảng hơn 10 ngày, khi vào K3, tôi biết trong khu F1, F2 có hơn 50 Biệt Kích, từ trại trung ương số 2 Phong Quang, Yên Bái chuyển về K1 (Khu nhà xây số 3).
Rồi đã tách làm 2 khi chuyển vào K3 thành F1, F2 trước chúng tôi 3 ngày. Do đấy K3 có khoảng 150 Biệt Kích và chừng 350 hình sự lưu manh, tất cả trại trên 500 người.
Trong một cái trại hơn 500 người tù, như một cái xã hội thu nhỏ. Trước đây ở các trại giam khác, cuộc sống lao tù thật đơn điệu, ngoài những chuyện đục, cưa, bào, xẻ, tắm rửa, ăn uống con cá, lá rau. Mà cũng không có con cá lá rau mà bàn, cho nên khi có một chuyện gì đặc biệt một chút, cứ ghé tai truyền miệng nhau, trong một ngày là cả trại đều biết. Cái tâm lý khao khát, tò mò, muốn biết chuyện lạ trong một nơi cùng khổ, nó đòi hỏi ghê gớm lắm.
Thế mà cái chuyện tự tử của Lưu Nghĩa Lương, cắt tay máu chảy có dòng xuống sàn dưới, cứ im thin thít như thịt nấu đông. Càng suy nghĩ, càng thấy cái sức ép ngầm của cộng sản, khủng khiếp thật.Tôi thấy cuộc sống như thế thì sống làm gì, tôi không chịu được nữa.
Tôi bàn riêng với Chăn, mình phải chịu trận trước, rồi sao cũng được! Thế là ngày thứ Bảy cuối tháng 5, Chăn và tôi đường hoàng ở trong sân khu F3, hai người đứng riêng ra một góc sân, đi đi, lại lại, tâm tình nhỏ to chuyện trò. Ngay buổi chiều hôm ấy Trương Bá Ngữ và Vòng A Cầu được gọi ra khu giám thị về, yêu cầu F3 (mộc, xẻ) sinh hoạt có cán bộ Dương Đình Thắng chủ trì, để truy bức 2 người, Lầu Chí Chăn và Đặng Chí Bình chống phá và vi phạm nội quy.
Rất nhiều anh em thân quen lo cho chúng tôi, thế nào cũng phải đi kỷ luật và hạ mức ăn. Như trên tôi đã trình bày, nếu có phải đi kỷ luật, chúng tôi đồng ý chấp nhận. Khoảng 4 giờ chiều tên Thắng vào hội trường khu F3, gọi cả người ốm, bệnh ra hội trường sinh hoạt. Sau khi gần 100 người tụ tập đông đủ ở hội trường, tên Thắng mặt lạnh như tiền ngồi chủ tọa, có Nguyễn Xuân Sang toán phó (mộc) ngồi ghế bên cạnh ghi biên bản.
Để cho một phút mọi người im lặng trong không khí nặng nề, tên Thắng gằn giọng nhìn tôi và Chăn.
- Anh Bình và anh Chăn hãy đứng dậy!
Tôi và Chăn đều đứng lên một cách miễn cưỡng, xa nhau 5, 6 người; tên Thắng cũng đứng lên và cao giọng:
- Sáng nay, những ai đã trông thấy 2 anh Chăn và Bình nói chuyện riêng ngoài sân?
Có hơn chục cánh tay chậm chạp đưa lên. Y quay lại Chăn và tôi vẻ hằn học:
- Hai anh ngang nhiên chống phá và vi phạm nội quy một cách trầm trọng; hôm nay tôi cho phép tổ, toán hãy mổ xẻ, phân tích phê bình giúp đỡ để hai anh, thấy được mức độ sai trái của các anh.
Một anh tôi chưa quen đầu cắt cao, mặt hơi tròn, giơ tay xin nói. Còn 2, 3 người nữa cũng giơ tay xin phát biểu, qua nét mặt và thái độ, tôi thấy còn mấy anh nữa cũng còn muốn giơ tay. Tên Thắng chỉ tay cho anh mặt hơi tròn, đầu cắt cao phát biểu trước. Giọng anh hơi khàn, nhưng thái độ thật mạnh bạo:
- Thưa cán bộ, ngay trước mặt mọi người anh Chăn và anh Bình, đường hoàng rủ nhau ra một chỗ vắng, để nói chuyện riêng. Như vậy là các anh đã coi thường nội quy của trại và đã bỏ ngoài tai, lời cán bộ mới nhắc nhở nửa tháng trước đây.
Tên Thắng gật gật gật đầu, có vẻ thoải mái, y chỉ tiếp một anh khác đã giơ tay. Anh này người nhỏ bé, mặt hơi gầy gầy, tôi cũng chưa biết tên. Giọng anh nhỏ nhẻ, từ tốn:
- Thưa cán bộ, sáng nay tôi thấy hai anh thì thầm, to nhỏ ở chái hội trường, trong khi toàn buồng không một ai nói chuyện với nhau mà không có từ 3, 4 người trở lên. Tôi nghĩ rằng anh Bình và anh Chăn là thợ giỏi, thường đóng hàng cho cán bộ, mới dám ngang nhiên như thế. Tôi đề nghị các anh phải hoàn toàn chấp hành, nội quy của trại.
Thấy còn một số anh em nữa định phát biểu, tôi thấy không có gì khác hơn, nên tôi giơ tay xin nói. Tên Thắng và một số anh em có vẻ hơi ngạc nhiên, cuối cùng tên Thắng vẫy tay đồng ý cho tôi nói. Tôi nghĩ rằng cứ thong thả mềm dịu là tốt nhất, tôi nói với một thái độ nhã nhặn:
- Thưa cán bộ và toàn thể anh em trong buồng F3. Trước hết tôi phải cám ơn cán bộ và các anh em đã có buổi họp này, để giúp đỡ chúng tôi. Tôi thấy rằng không gì bằng là tôi xin trình bầy hết những suy nghĩ trong lòng tôi. Ở bất cứ tập thể nào đều cũng có nội quy, nhất là ở trong trại giam. Vì ý thức như thế, nên tôi đã có 10 năm ở trại giam rồi, tôi chưa hề vi phạm hoặc khi nào chống đối nội quy, từ ở Hỏa Lò, phân trại E rồi K1, cho tới K3 này.
Từ khi cán bộ ra chỉ thị: “Hai người nói chuyện, không có người thứ 3 nghe thấy, là phạm nội quy”. Từ ngày ấy hơn một nửa tháng nay, khí thế lao động, hăng say sản xuất của F3 đã giảm thấy rõ ràng (vì lý do khác, nhưng tôi cứ níu kéo vào đây để bảo vệ, để tăng cường cho ý kiến của mình) đã gây ra một không khí căng thẳng và anh em rất khó thực hiện được chỉ thị của cán bộ trong lao động.
Bây giờ một cặp xẻ, mỗi khi phải bàn nhau một điều gì khi gặp trở ngại về nghề nghiệp, lại phải gọi một người thứ 3 đến chứng kiến hay sao? Một cặp quai bễ lò rèn cũng vậy. Tôi và anh Chăn đang đóng một cái giường đôi đặt, cho ông Cửu (Giám thị K 3) chúng tôi đang gặp khó khăn nghề nghiệp, nên anh Chăn và tôi rất băn khoăn, ăn ngủ không yên (điều này tôi đã nói với Chăn trước). Chúng tôi sáng nay đang thảo luận với nhau sao để thứ Hai này, chúng tôi giải quyết cái giường ấy cho ổn.
Vả lại, 10 năm ở trại giam, tôi chỉ học thuộc và thi hành 4 tiêu chuẩn cải tạo, và 6 điều nếp sống văn hóa mới, mà thôi. Tôi chưa thấy cái nội quy nào như trên cả.
Trong khi tôi nói đến chỗ bàn nhau đóng giường, anh Chăn cũng giơ tay thừa nhận, tôi nói là đúng sự thật.
Tên Thắng sạm mặt xuống, trong khi anh em mặt lại tươi lên, mắt các anh sáng lên nhìn tôi. Tên Thắng đứng lên định nói gì đó… Thì cũng là lúc tiếng kẻng giờ lấy cơm, nên tên Thắng xua tay nghỉ buổi họp. Đặc biệt, không phải đọc lại biên bản sinh hoạt buổi họp như mọi khi. Anh chàng Vòng A Cầu của toán xẻ và may cứ nhìn tôi cười. Ngay buổi tối hôm đó, cái anh người nho nhỏ, mặt gầy đã đến nói chuyện với tôi và Chăn, tỏ vẻ hãy thông cảm. Tôi đã bắt tay anh và vồn vã thăm hỏi anh, được biết anh là Thân Văn Kính, án chung thân. Toán của anh là PEGASUS gồm 6 người. Ra Bắc 20/2/1963. Địa bàn hoạt động thuộc Lạng Sơn. Toán gồm có:
1. Thân Văn Kính, Toán Trưởng;
2. Hứa Viết Cóc, Toán Phó (Tử trận, trong chiến đấu ngay khi đổ bộ);
3. Lương Văn Phổ, Truyền Tin, không rõ từ 12/72;
4. Bành Viết Kim Toán viên, chết ở trại QT;
5. Hà Văn Thưởng Toán viên, bị tử hình trong một vụ trốn tù ở Yên Thọ;
6. Hoàng Văn Vân, chung thân, hiện ở Atlanta.
Sau đó, cái mặt anh hơi tròn, đầu húi cao cũng đến nói chuyện với chúng tôi, ý nói anh phải tỏ ra tiến bộ nên phát biểu vậy. Tôi nói là rất hiểu, không sao đâu. Và tôi thăm hỏi về toán của anh. Được biết anh là Bùi Văn Ân thuộc toán Bart. Gồm 5 người, ra Bắc 4/6/1963, địa bàn hoạt động thuộc tỉnh Nghệ An. Toán của anh gồm có
1. Bùi Văn Ân toán trưởng, hiện ở Oregon;
2. Đinh Văn Chúc, chết ở Gia Kiệm, Sài Gòn (về nhà chết);
3. Nguyễn Khắc Định, chết ở Rạch Giá (được tha về chết);
4. Nguyễn Văn Tập chết ở Gia Kiệm (tha về mới chết);
5. Trần Văn Thành chết ở trong tù.
Khoảng cuối tháng 5/72, hơi chéo phía trước trại giam K3 đã dựng rất nhanh 4 cái nhà con, do nhóm làm nhà của Vòng A Cầu làm. Mỗi cái chiều rộng chừng 3m, chiều dài khoảng 4m; đề những con số to 1, 2, 3 và 4 mầu đen, phía ngoài vách nứa. Chúng tôi trong trại nhìn ra, cũng như khi đi làm qua, không hiểu chủ trương 4 căn nhà đó để làm gì? Chừng vài ngày sau, khi đi làm ở lán thủ công, lại nhìn thấy ở sân ban giám thị K3, có một chiếc xe bus rất to và dài. Có nhiều người mặc thường phục, ra vào mấy cái nhà to, của khu giám thị.
Ngày hôm sau, khu F3 tập họp đi lao động, cán bộ trực trại gọi 4 người ở lại để gặp cán bộ là
- Đặng Công Trình, - Thân Văn Kính, - Lê Văn Bưởi, - Lý Văn Chung tức Ngô Quốc Chung.
Chúng tôi đi làm, ai cũng băn khoăn không hiểu thế nào? Mãi trưa hôm ấy đi lao động về, tôi tìm mọi cách để hỏi thăm các anh. Anh Ngô Quốc Chung, rất kín đáo, ngại ngần. Anh nói cán bộ dặn tuyệt đối về trại, không được nói với bất kỳ ai, buổi gặp cán bộ hôm nay: không nói một điều gì với bất cứ ai đến thăm hỏi, nếu không anh sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Cuối cùng tôi không hề biết một tí gì. Những ngày sau đó, tôi tìm hiểu được biết sơ lược về anh.
Anh bị mất một mắt ở điểm nhẩy ngày 4/7/1963, anh là toán trưởng toán PACHER. Địa bàn hoạt động thuộc Lào Cai. Toán anh gồm 5 người:
1. Lê Văn Can, hiện nay không biết;
2. Phạm Quang Cảnh, ở lại miền Bắc;
3. Vàng Văn Chương, không rõ từ 12/72;
4. Đỗ Văn Thảo, không rõ từ 12/ 72;
5. Riêng anh Ngô Quốc Chung, sau này do giấy tờ lằng nhằng, ghép chuyện vợ con nên phái đoàn Mỹ từ chối, không thể đi HO. Hiện nay anh vẫn ở VN, không rõ sống hay chết. (Mới đây, đầu 2004, tôi được biết anh Chung đã được đến Mỹ, nhưng tôi chưa có dịp nói chuyện với anh).
Tôi thăm hỏi với anh Thân Văn Kính cũng nhã nhặn từ chối (anh Kính chết 3/5/2000 do bệnh ung thư ở Atlanta). Mãi tới hôm đó tôi mới gặp được anh Đặng Công Trình, anh đã hiểu tôi nên anh tin, mới cho tôi biết:
- Họ có vẻ là cán bộ của bộ, rất hoà nhã, lịch sự, mời thuốc lá uống trà; đàm đạo như bạn bè. Cán bộ chỉ hỏi thăm sơ về toán ra Bắc bao giờ, nhẩy ở đâu v.v… Đặc biệt họ rất quan tâm: ở những trại nào? Bị cùm kẹp ra sao? Có cán bộ nào ức hiếp? Hiện giờ có khỏe không? Có bệnh tật gì không v.v…
Anh Trình có cảm tưởng cán bộ đó là người của phía bên mình, tức là của chính quyền miền Nam.
Sơ lược tôi biết về toán anh Trình: tên toán SCORPION. Toán của anh gồm 7 người:
1. Nguyễn Xuân Phương, toán trưởng không rõ từ 12/72;
2. Nguyễn Văn Chỉnh, toán viên hiện ở TX Hoa Kỳ;
3. Nguyễn Văn Khải, toán viên không rõ từ 12/ 72;
4. Vũ Đình Nghị, toán viên chết ở trong tù trại QT;
5. Nguyễn Văn Thưởng, toán viên, hiện ở TX Hoa Kỳ;
6. Đinh Quý Mùi, anh này không về K3 phố Lu, Lào Cai.
7. Đặng Công Trình, toán phó, án chung thân. Anh đã chết ngày 21/8/1996 lúc 11:30 AM tại Cali, do bị tai biến mạch máu não. Toán anh ra Bắc ngày 17/6/1964, địa bàn hoạt động thuộc Yên Bái.
Còn anh Lê Văn Bưởi, cũng nói như anh Đặng Công Trình, anh Bưởi là người đi lẻ (điệp viên) như tôi. Tôi đã trình bày chi tiết về anh ở tập 3 Thép Đen. Một điều đau lòng là, anh Bưởi đã chết ở NY (Hoa Kỳ) ngày 27/10/1995, sau khi anh sang Mỹ diện HO được 3 năm. Tôi đã đến thăm mộ anh ở NY năm 1999. Anh Lê Văn Bưởi chết vì bệnh ung thư màng óc. Vợ con anh còn ở Đà Nẵng, VN.
Cuộc đời đã thể hiện như Cụ Nguyễn Công Trứ hiểu: Rút cục lại mỗi người, riêng mỗi kiếp!
Rồi từ đấy, buổi sáng, buổi trưa, mỗi ngày 2 lần, họ lần lượt gọi các anh ở F3; cũng có khi gọi F1, F2 có cán bộ vũ trang đi kèm sát ra tới các buồng con. Mục đích họ không cho F1, F2, có thể liên lạc được với F3 phía bên ngoài.
Một buổi chiều chủ nhật, chúng tôi đang ngồi tụm ba, tụm năm, ở hội trường, vừa hóng thở một chút không khí trong lành, vừa chờ kẻng cơm chiều. Bỗng nghe thoáng mấy tiếng gào thét, phía căn nhà số 3 bên khu hình sự. Nhiều người chúng tôi, đều tiến ra cổng khu F3 nhìn sang. Cửa nhà số 3 vẫn khóa, bên ngoài cửa, ngay ở dưới sân có 2 em hình sự chừng 18, 20 tuổi bị trói giặt 2 tay ra sau lưng, đang lăn lộn khóc, rên la. Hai tên công an thỉnh thoảng lại đá rồi đạp cả hai em hình sự nằm dưới sân, các em kêu gào thảm thiết. Trong khi còn một tên CA nữa đang cầm một đoạn gỗ như cái cán xẻng, thẳng tay giáng xuống 2 cái tay, thò ra ngoài chấn song của cánh cửa, bị khóa cái còng số 8. Tiếng hét ré lên:
- Gẫy, đứt tay của con rồi! Con lậy ông cán bộ!
Những tháng trước đây, nhiều ngày, tôi cũng có nghe thấy những tiếng la thét phía bên hình sự, đêm cũng như ngày, nhưng tâm trạng của tôi khi ấy: chính mình cũng chưa biết khi nào về lòng đất, huống chi chuyện thiên hạ, chuyện của đời, xin mặc cho đời; tôi không còn quan tâm. Nhưng hôm nay, đứng nhìn cảnh này, dạ tôi xót xa đầy vơi, tâm tư triền miên trong niềm sầu tê tái. Tôi chợt nhìn thấy mầu đỏ ối ở đôi tay bị khóa ở cửa, mầu đỏ loang lổ cả dưới đất. Ba tên công an VC tụm lại nói gì với nhau, rồi cùng hè nhau đá, đạp túi bụi vào 2 em đang nằm dưới sân, một giọng khàn khàn rên rỉ thốt ra ngay trong đám anh em:
- Đừng đánh nữa! Người ta chết mất!
Rồi một người nữa, nói như than van trong nghẹn ngào:
- Cùng đồng bào, sao mà ác nghiệt thế!
Tôi quay lại, ra bác Dâng, mặt bác mếu xệu như khóc. Trong khi một tên CA, hung hãn một chân đứng trên ngực, một chân gi gi trên mặt một em nằm dưới đất: Không còn tiếng rên la, tôi đã thấy mầu đỏ, chảy ra loang lổ. Một tên CA quầy quả vào phía trong, rồi y cùng với tên Đại y tá trở lại, khênh cả hai em khuất về bệnh xá. Hai tên CA còn lại, mở cửa buồng, mở khóa tay, em hình sự cũng đã bị ngất xỉu, chúng khênh em ra để ở sân. Một tên khóa cửa buồng, rồi cùng đi theo, khi chúng khênh em bị xỉu dưới sân, khuất vào phía trong.
Tất cả chúng tôi, mặt người nào cũng buồn rười rượi, tôi kéo tay anh Bưởi đi vào buồng. Cả đêm hôm ấy, tôi cứ thao thức mãi về một cảnh đời thương đau, tôi chứng kiến. Chỉ hai ngày sau, F3 chúng tôi được tập họp lại, bốn, năm tên cán bộ của Bộ vào tuyên bố: Từ nay chúng tôi được ăn chế độ bồi dưỡng, riêng về gạo tất cả đều ăn mức 18 kg. Từ đấy sáng cũng như chiều, ngày nào bữa cơm cũng có đủ thịt cá. Lại còn được tuyên bố: cứ 5 ngày lại có một bữa liên hoan, có kẹo bánh, thịt cá ê hề.
Từ buổi chúng tôi chứng kiến cảnh CA đánh các em hình sự (không biết vì lý do gì), mấy ngày sau, tôi tìm cách đến thăm hỏi chuyện bác Dâng. Không ngờ đây là nhóm thủy thủ Hải Thuyền đầu tiên bị bắt ở miền Bắc. Nhóm của bác gồm 10 người bị bắt ngày 14/1/1962. Như thế nhóm của bác đã bị bắt trước tôi 5 tháng, khi ấy tôi còn ở Sài Gòn. Tôi tò mò để hỏi những người trong nhóm là đưa ai (điệp viên) đi, nhưng các bác chỉ nói một người chừng 4 chục tuổi. Tôi hiểu và thông cảm, làm sao các bác biết được tên tuổi người mà các bác đưa đi, cũng như tôi. Nhóm thủy thủ này gồm 10 người:
1. Bác Vy Văn Dâng, thuyền trưởng, đã đến Mỹ, chết ở Sacramento.
2. Trần Văn Cương, Hiện nay (16-03-2004) ở San José.
3. Nguyễn Xuân Đình ở Los Angeles.
4. Lê Văn Đức, không rõ từ 12/ 72.
5. Nguyễn Xuân Hạ, chết ở Cali tháng 12/ 1995.
6. Trần Văn Nhung ở Sacramento.
7. Hoàng văn Sỏi ở Sacramento.
8. Đỗ xuân Thành ở Sacramento.
9. Nguyễn Văn Trình, không rõ từ 12/ 72.
10. Nguyễn Quốc Tuấn, không rõ từ 12/ 72.
Sau nhiều hiện tượng, thái độ của các cán bộ của Bộ, của trại và trao đổi một số anh em Biệt Kích, đã nhiều lần được gặp cán bộ của Bộ; rồi chính bản thân tôi đã phải gặp họ 2 lần, tôi đã dự đoán được ý đồ và chủ trương của họ. Vì chưa đủ yếu tố để khẳng định, cho nên tôi phải dùng từ “Có Thể”: có thể họ đang chuẩn bị để rồi sẽ ký hiệp định Paris đã dằng dai mấy năm rồi, nên họ dành quyền chủ động trước.
- Những đám BK gián điệp này họ không hề muốn trao đổi, hay trao trả cho phía Mỹ và VNCH. Như thế có khác gì thả hổ về rừng, để rồi phải lo hậu họa? Với những điều khỏan của Hiệp nghị, có thể họ không thể lắt léo, chuyển đổi lập lờ, đánh lừa nhiều khâu theo bản tính của họ (cộng sản) được. Vạn bất đắc dĩ phải trao trả những Biệt Kích gián điệp này, cộng sản phải nghiên cứu sao, để coi như đã cắt gân chân hết. Chúng có được về rừng, thì cũng chả còn làm gì được phiền toái, cho họ sau này.
Nguyên tắc bản chất của cộng sản là: bất kể kẻ thù nào, nếu ai hiểu được những hiểm độc, lật lọng, tráo trở của chúng, hiểu đến chừng mực nào; cộng sản nham hiểm, quỷ quyệt là 10. A hiểu cái đó đến 4, B hiểu đến 3, C hiểu đến 7.Tùy theo để chúng có kế sách đối xử với từng loại. cộng sản kỵ nhất là ai hiểu hết cái tẩy đen của chúng.
Tướng, tá, chính khách, hay học giả uyên bác mà chưa hiểu hết tẩy của cộng sản. Không những chúng coi thường, mà còn tìm cách lợi dụng những điều chưa hiểu chúng. Nhưng một anh địa phương quân, một ông cha, một ông sư, hay một người bình thường dân dã, mà lại hiểu hết tim độc của cộng sản, thì chúng thấy nguy hiểm hơn, chúng kỵ nhất. Nó sẽ tìm đủ mọi cách để tiêu diệt, hoặc hóa giải. Nếu không được thì chúng tìm cách hạ uy tín, hoặc mượn tay của kẻ khác giải quyết v.v… cộng sản có trăm phương ngàn kế cuối cùng sao cho, ai chúng kỵ, cũng trở thành vô hiệu hóa.
Những người bộ gọi lên, bộ hành xử mỗi Biệt Kích mỗi kiểu, mỗi cách, mức độ khác nhau. Cá nào thì mồi nấy. Cán bộ hết sức nhã nhặn, bắt tay, vỗ vai coi như anh em một nhà, người cùng một nước. Nhẹ nhàng, khoét sâu những nhược điểm của Biệt Kích, gián điệp, của xã hội miền Nam, của Mỹ (xã hội nào, cá nhân nào chả có nhược điểm, chỉ ít nhiều và loại nhược điểm khác nhau).
- Anh bị cùm kẹp, tù đày bao nhiêu năm? Như thế thật tội nghiệp cho anh!
- Anh mất hết cả tuổi trẻ, tuổi hoa mộng! Anh thật may mắn, được sống sót đến ngày nay.
Y hỏi với thái độ và đôi mắt thật thương cảm; rồi y nhấn mạnh:
- Người đau khổ hơn cả là cha mẹ anh, vợ con anh v.v… Có khi nào, anh suy ngẫm, truy nguyên là do đâu không? Anh có biết hiện nay, những tên đã dạy anh, cấp chỉ huy của anh, chúng nó bây giờ ra sao không? Không những họ đã quên các anh rồi! Họ đào tạo xong một người, đẩy sang khỏi vĩ tuyến là lĩnh thưởng, lĩnh lương, hết trách nhiệm!
Trong khi Mỹ vẫn đài thọ lương năm, lương tháng của các anh, nhưng chúng đã lắt léo, tìm cách ăn chặn hết. Bố mẹ, vợ con của các anh vẫn khổ cực, lầm than. Vẫn phải chạy chọt cuộc sống, miếng ăn hàng ngày kết hợp với niềm thương nhớ, cùng với bao nhiêu nước mắt vì anh. Nói đến đây, thì hẳn anh đã nhận ra, cái nguyên nhân rồi?
Nếu chính quyền miền Nam, cán bộ miền Nam không hề ăn chặn lương của Biệt Kích gián điệp. Sự khêu gợi này đã làm cho chúng tôi phải suy nghĩ nhiều rồi. Huống chi, trong muôn một lại có hiện tượng, một số cán bộ ở Long Thành hoặc ở khâu khác, tìm cách ăn chận. Thậm chí còn lường gạt những người vợ trẻ, khi đi lĩnh lương của chồng là Biệt Kích, mới cưới bị bắt ngoài Bắc. Đem vợ con của người ta đi hết khách sạn này đến khách sạn khác. (Sự việc này có thật, người thực, việc thực, tôi chưa muốn nêu tên).v.v… Sự khích lệ này càng càng hữu hiệu thần kỳ. Chúng biết chỗ mạnh của chế độ tư bản, tự do; chúng cũng biết và biết rất rõ những cái nhược của chúng ta.
Cái nhược điểm nội tại, nghĩa là có cái chế độ dân chủ tự do dân quyền, là có cái nhược điểm đó rồi. Nhất là tính giác ngộ về dân chủ, của người Việt chúng ta chưa cao đầy đủ như dân các nước, đã văn minh. Tính kèn cựa, bè phái, cá nhân, đố kỵ. Cái tôi to tướng, trâu buộc ghét trâu ăn, cục bộ, mầu cờ sắc áo, tín ngưỡng v.v... Đám BK gián điệp này, bất đắc dĩ bất khả kháng, chúng phải để họ về miền Nam. Họ không quậy phá, trở thành cái nạn kiêu binh, mới là lạ.
Chưa hết, cộng sản còn phòng hờ nhiều tầng, nhiều khâu. Gần về cuối, những tên cán bộ của bộ, còn có cái trò:
- Anh đã thấy được cái tồi tệ của những kẻ tay sai cho đế quốc, thực dân mới. Vậy anh phải có trách nhiệm với dân tộc Việt Nam, với cách mạng. Nó tìm một vài cái ưu của mình để lôi mình vào cái thế không đồng ý, không gật đầu không được. Khi ấy cán bộ của bộ, mới đi vào chi tiết:
- Như anh đã đồng ý (nó coi như mình đã thỏa thuận), khi anh về với gia đình, về tới miền Nam; anh phải có trách nhiệm giúp đỡ nhân dân, giúp đỡ cách mạng. Vậy bất cứ sau này (không kể thời gian nào) có một người đến với anh thì anh phải giúp đỡ? (Tất nhiên, lúc ấy anh nào cũng phải đồng ý).
Bấy giờ cán bộ mới nói:
- Làm sao khi ấy, để người cán bộ đó biết anh và để anh biết người cán bộ đó là người của nhân dân, của cách mạng? (đến đây, ai chẳng ngắc ngư, lúng túng).
Lúc đó y mới nói, cứ như vừa tìm ra một cách:
- Anh hãy viết vào một mảnh giấy này bất cứ điều gì, rồi anh ký tên. Sau này, bất cứ ai cầm mảnh giấy này đến gặp anh, thì đó là người của cách mạng. (lại lúng túng, không biết viết gì).
Cán bộ lại gợi ý như:
- Chẳng hạn anh viết: Hẹn anh ngày 20, hoặc tôi vẫn nhớ đến anh v.v... Rồi anh ký vào. Mục đích sau này, anh vẫn nhận ra đó là mảnh giấy, của chính tay anh đã viết.
Tôi hiểu, cộng sản cũng hiểu, với đám BK gián điệp này không phải ai cũng tin, cũng mắc. Dù rằng cộng sản đã lấy cứu cánh là phương pháp ngăn cách ra, hỗ trợ:
- Tuyệt đối anh không được nói với ai, chỉ có anh và tôi, nếu sau này không đúng, anh sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. (Khi còn trong tay chúng, thì 5 cái từ này có uy lực ghê gớm).
Nhưng “Nó lú lại có chú nó khôn”, phòng hờ có những tên biết rõ âm mưu của chúng đi nữa. Nhưng qua thăm dò (do những tên chó săn) đã thấy hữu hiệu, khi BK còn trong đang nhà tù. Thực thế, nó úp úp, mở mở, anh nào cũng lên gặp riêng cán bộ, có người nó đưa cho cả bao thuốc lá, gói trà thơm v.v... Thậm chí cả tiền: 5, 3 đồng bạc, nó gây ra ngay trong anh em BK gián điệp đã nghi ngờ lẫn nhau. Còn ở trong trại giam đã thế huống chi, khi về miền Nam tha hồ tố khổ nhau v.v... Những gián điệp biệt kích, khi đó quay ra chống nhau, làm rối loạn, phá ung thối xã hội miền Nam.
Nhất cử lưỡng tiện, không những không phải lo chúng thu tập những kinh nghiệm đã có với lòng căm thù cao hơn gấp bội, so với ngày chúng ra Bắc trước đây (ý này của Lê nin) một kẻ thù sau khi bị bắt xổng ra, nó sẽ căm thù ta, lên nhiều lần hơn.
Mới chỉ hơn một tháng bồi dưỡng ăn uống, tuy không nói là đầy đủ, nhưng không còn đói nữa. Hằng ngày, nhìn nhau anh nào cũng lên cân, lại sức trông thấy. Cũng như một cái cây, lâu ngày cằn cỗi vì thiếu nước, giờ đây tưới bón đầy đủ thì nó lớn trông thấy. Hơn nữa, cái tinh thần mới quan trọng, mỗi người biết bao nhiêu hy vọng, huy hoàng mơ mộng, xây đắp mộng ngày mai, cho nên trông ai cũng mắt sáng long lanh, da dẻ hồng hào trở lại. Cụ thể nhất là Lầu Chí Chăn (Người Nhái) hay Đèo văn Bạch anh nào cũng to lớn khác thường.
Qua phương cách bí mật liên lạc với trong F1 và F2 chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng có phần khác với F3, chúng tôi được biết, trong F1 và F2 mỗi người được phát một cái khăn mặt, một bàn chải và một tuýt thuốc đánh răng. Trong khu lại có lược, kéo, dao cạo, tông đơ để cắt tóc cho nhau. Bên F3 hoàn toàn không có những thứ đó. (Hẳn ai cũng biết vì sao rồi).
Chiều hôm qua Chăn gọi tôi ra hội trường F3 nói chuyện, tâm sự (hai người chuyện trò, không còn ai để ý nữa). Từ cái buổi sinh hoạt toàn buồng để tố Chăn và tôi. Cũng có thể là do đúng lúc tuyên bố chế độ bồi dưỡng, nên mới cởi mở thế chăng? Chăn và tôi đang nói chuyện, Nông văn Hính cũng kéo đến rồi cả Lưu Nghĩa Lương nữa. Chúng tôi pha trà để câu chuyện thêm ấm cúng, Lầu Chí Chăn hỏi nhỏ:
- Tại sao F1, F2, lại có chế độ bồi dưỡng khác chúng ta? Anh có đoán ra không?
Đắn đo một lúc rồi tôi cũng nói:
- Chăn hỏi thế thì tôi cũng tịt thôi, nhưng tôi cứ dự đoán, chả biết có đúng hay không?
Chăn, Hính, Lương đều khích lệ:
- Cứ nói đi! chả đúng cũng không sao?
Thấy anh em ủng hộ, khích lệ tôi cũng nói đại:
- Đã gần một tuần nay, tôi cứ suy nghĩ về điều này mãi, lối nào cũng có mâu thuẫn, nên lại phải gạt đi. Chỉ còn hướng này có khả dĩ tạm thời chấp nhận. Hầu hết anh em Biệt Kích ở F1, F2 so với chúng ta đều là người mới.
Họ ra Bắc từ 1965 trở đi, thậm chí có toán mới năm 1967 vừa đây. Như chúng ta đã biết mánh khoé cộng sản: “cá nào, mồi nấy”. Những người ra sau, mới tù ít, chưa hiểu hết cái đểu giả, độc hiểm, trắng trợn, muôn mầu đổi thay của cộng sản, như chúng ta nên họ mua kiểu khác. Người nào hay loại nào đã hiểu hết cái độc hiểm của chúng, thì chúng không cần mua nữa, chỉ có thủ tiêu hay giết.
Cả 3 người đều gật gật đầu, Hính nói:
- Anh Bình nói có lý đấy! Nhưng tại sao nhiều người cứ bị lừa mãi?
Nói về sự nham hiểm, lừa lọc của người cộng sản; tôi nhớ đến lời của Đức Khổng Phu Tử xưa có nói với học trò: “Lý luận mà không giản đơn, hoặc phải lấy thí dụ cho người khác hiểu, thì chính người đó không có khả năng”.
Vậy tôi xin trình bày thế này:
- Nói về cái tài lừa lọc gây chia rẽ, chọc vào những huyệt mâu thuẫn, của từng loại người thì không ai bằng VC. Nó nguy hiểm ở chỗ; người bị mắc lừa ở mức độ, khác nhau mà vẫn không biết.
Tôi xin thí dụ:
Ngay cá nhân với cá nhân, giữa anh A và B, do mồm mép, tâm lý thu phục tình cảm. Nghĩa là do cái tài che giấu của anh A đã làm cho anh B thương cảm, tin tưởng để rồi A đã làm một cú lừa ngoạn mục đối với B. Như vậy sau này, đừng hòng bao giờ dùng miệng lưỡi, dùng phương pháp này nọ mà anh A lừa anh B lần thứ hai.
Thế mà, xin các anh hãy nhìn bằng sự thật, việc thật, hãy nhìn ngay vào quê hương đau khổ, mộc mạc của chúng ta:
Từ cái thời Sô Viết Nghệ Tĩnh 1930, thời mặt trận Bình Dân, với tờ báo Le Travail ở Hà-Nội, ta cũng không bàn đến vì xa quá. Hãy nói từ cái gọi là Cách Mạng Tháng Tám 1945, chính phủ liên hiệp với bao nhiêu thành phần quốc gia. cộng sản gây mâu thuẫn xúc xiểm giữa những thành phần quốc gia với nhau. Phần khác, chúng bí mật thủ tiêu, nhưng nó lập lờ đánh lạc, để rồi những đảng phái, đoàn thể nghi ngờ lẫn nhau. Cuối cùng cộng sản đã lừa được biết bao nhiêu người. Rồi diễn tiến cho tới hội nghị Genève 20-7-54. Một nửa nước bị lừa, điển hình là ông Thẩm Hoàng Tín, dược sĩ, đương kim thị trưởng thành phố Hà Nội. (xin xem TĐ 3, tôi đã trình bày).
Rồi qua trình diễn tiến đến hiệp nghị Paris 27-1-1973, cho tới khi mất nước, thì lại cả nước bị lừa. Đến bây giờ đây (tháng 10-2004) ở hải ngoại,
(mỗi lần lừa để có lý do mới, nào là những thành phần bảo thủ đã chết hết rồi. Ngày nay có nhiều thành phần trẻ, tiến bộ v.v…) hẳn quý vị đã thẩm nhận, ở mức độ khác nhau như thế nào rồi?
Như thế mà nhiều người vẫn coi thường cái tài lừa lọc, khích động, chia rẽ, gây mâu thuẫn, mua chuộc ở mọi thành phần của cS. Không thấy: về lọc lừa, nham hiểm, sắt máu thì cộng sản là sư tổ. Hơn nữa, thế giới tự do của chúng ta lại có quá nhiều cái nhược điểm nội tại.
(Cũng đã nhiều lần tôi đặt dấu hỏi: Mỹ, Pháp bị cho ăn mắm ngoé vì tiểu nhân với quân tử nên thường bị thiệt đã đành. Tại sao, cũng là người Việt mà chúng ta bị VC lừa nhiều thế, mà vẫn cứ bị lừa? Suy nghĩ mãi, chỉ có tạm thời chấp nhận: Thiên tính tự nhiên của người Việt dễ tha thứ, dễ quên hận thù, truyền thống “dĩ hoà vi quý”. Nhưng VC mang ý thức hệ cộng sản sắt và máu, ràng buồng trong một cái tập thể, chỉ có máu và máu, không có tình người).
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen