Có tiền và có những thứ tiền có thể mua được là điều tốt, tuy nhiên, đôi khi cũng nên xem lại và đảm bảo rằng mình không mất những thứ mà tiền không mua được.

George Horace Lorimer

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 128: Một Chuyện Tình Hi Hữu
hả biết Gôm xoay xở quan hệ sao đó, quen được với anh Khuê là thư ký nhà bếp. Nghe đâu 2 người cùng ở Hà Nội lại đã biết nhau từ khi chưa đi tù. Chính vì thế Gôm biết được một câu chuyện tình đặc biệt ở dưới khu nhà bếp. Tối hôm qua, trước khi Gôm kể lại cho tôi nghe câu chuyện đó, Gôm đã hỏi tôi:
- Anh Bình có còn nhớ, hơn 2 tháng trước, cái nhà hủi ở khu cách ly phía cuối trại bị cháy không?
Tôi vừa cười, vừa nhìn Gôm, chưa hiểu mục đích của Gôm định nói cái gì, vì vậy, tôi vẫn trả lời thăm dò:
- Anh chàng Lộc hủi trốn tù chứ gì?
Gôm trề môi xuống:
- Đấy, đấy…Câu chuyện tình bắt đầu từ đấy đấy!
Tôi buồn cười vì anh chàng này dùng nhiều chữ “đấy” quá. Đời tù khô khan như nằm trên nồi rang, tôi cũng muốn nghe một câu chuyện tình cho đời thêm âm ẩm lại. Hơn nữa, câu chuyện tình này lại ở ngay dưới nhà bếp, vì vậy, tôi háo hức giục Gôm:
- Bạn cứ kể đi, khỏi cần phải mở đề nữa!
Nhìn anh chàng Gôm cứ mó cái này, xếp cái kia, tôi nóng cả tiết. Tôi biết tính anh chàng ngày là như vậy. Cứ gợi một câu chuyện, cho đến khi nào người ta thích nghe là anh chàng bắt dầu khệnh khạng, làm điệu. Biết tỏng như thế, nên tôi đứng dậy định trèo xuống sàn:
- Thôi, tôi đi về chỗ đọc sách!
Gôm vồ cả 2 tay kéo tôi lại, miệng hềnh hệch:
- Thôi mà, xin huynh đừng nổi giận hết cả đẹp trai đi!
Tôi ngồi lại mà niềm thích thú cứ rung mãi ở trong bụng. Nếu Gôm biết rằng, Gôm chẳng kéo lại thì tôi cũng ở lại, để giục Gôm kể câu chuyện tình ở trong tù ấy bằng đuợc. Gôm đã kể nội dung câu chuyện tình đó như sau:
Anh chàng Lộc này, chả biết bị cái tội gì bên phía hình sự. Anh ta bị bắt vào tù từ khi nào, vì sao anh ta bị hủi và cũng hủi từ bao giờ thì cũng chả ai tìm hiểu, vả lại cũng không có điều kiện. Chỉ biết khi trại này xây dựng lại. Mãi phía cuối trại, cách nhà bếp khoảng 50 mét, có một căn nhà con, chung quanh có rào nứa che kín. Đấy là khu cách ly của người hủi. Nhà bếp hàng ngày vẫn đưa một suất cơm, thường đặt ở cổng hàng rào. Bệnh hủi đã ăn cụt của anh ta hết 3 ngón chân và một góc tai bên phải. Anh chừng 24 hay 25 tuổi. Có lẽ vì con hủi nên da mặt anh ta rất hồng hào, sáng sủa. Một mình anh sống đơn độc trong căn nhà hoang vắng đó với căn bệnh quái ác của cuộc đời.
Chẳng biết ai cho hay anh kiếm ở đâu và tự bao giờ, một cuốn thơ của Hàn Mạc Tử. Lúc nào cũng thấy anh cầm ở tay. Có lẽ vì đồng căn bệnh nên cùng một niềm u uất, cấu, xé tim gan, anh đã gửi, buộc hồn anh vào những vần thơ ngâm, dầm trong máu của Hàn Mạc Tử? Rồi chẳng biết, anh có những tính toán sao đó về cuộc đời của anh. Một đêm anh đã đốt căn nhà cách ly với loài người đó của anh. Lợi dụng đêm tối và lúc tụi cán bộ đang hỗn loạn chữa cháy, anh đã trèo qua tường trại để trốn. Nhưng chỉ 15 phút sau, anh đã bị trói gô, giong về trại, đưa ngay vào nhà kỷ luật.
Thời gian ở nhà kỷ luật này, duyên đời lúc nào cũng bay bổng khắp đó đây của đất trời, đã đến với anh. Trong trại nữ, nhà kỷ luật đang sửa lại, nên có một nữ tướng đấm, đá Hồng Đào bị giong ra, nhờ kỷ luật ở trại chính; vì tội đã đánh bị thương nặng một đồng phạm.
Trong nhà kỷ luật, do những buổi ra ăn cơm nước gặp nhau, rồi do những sợ tơ đời nối duyên, Hồng Đào và Lộc hủi đã nhìn nhau mà say đắm. Tình yêu trong sáng thì không phân biệt tuổi tác, giầu nghèo, sang, hèn và xấu, đẹp, chỉ đơn thuần là tiếng nói của hai trái tim; nó độc lập với ngoại cảnh. Tình yêu có tính toán một ít, thì vẩn đục một ít; tính toán nhiều thì vẩn đục nhiều. Có phải ai trong cuộc đời này cũng được hưởng cái tình yêu kỳ diệu nguyên thủy đó đâu?
Có lẽ, ai cũng phải nghĩ đến cái nỗi thuơng đau, niềm bất hạnh của một kiếp người mang cái bệnh hủi. Cho nên, anh chàng Lộc hủi bất hạnh nhưng được cuộc đời thuơng. Chỉ sau nửa tháng vào nhà kỷ luật, cán bộ đã tha cùm. Trong khi chờ nhà cách ly làm lại, Lộc hủi cứ ở trong nhà kỷ luật, nhưng không còn là một người bị kỷ luật nữa. Vì vậy một đêm, do những sợi dây tơ đồng, anh đã dũng cảm trèo tường sang chỗ Hồng Đào bị cùm. Rồi những buộc, nén, gò ép của cảnh đời tù đã mau chóng tạo lên một cuộc mưa gió trên ngọn sầu đông. Đường đi quen lối, cứ như vậy tiếp diễn hàng đêm. Trong cái chỗ cùng khổ, đen tối của cuộc đời vẫn có thể nở những bông hoa hạnh phúc ngất ngây của loài người. Hỏi rằng trên cỗ long sàng của bậc đế vương với chỗ ngục tối, người bị hủi, người bị cùm, ai đã mê dại đã đầy hơn ai? Âu, đây cũng là một sự sắp xếp, an bài kỳ diệu của tạo hóa. Sự sung sướng và khổ đau, ai cũng được hưởng bằng nhau trong cuộc đời!
Nửa tháng, Hồng Đào kết hạn kỷ luật trở về trại nữ. Nhưng cũng chỉ hơn nửa tháng sau Hồng Đào lại bị kỷ luật, để phải trở lại nhà kỷ luật của K1. Đối với mọi người đó là căn nhà kỷ luật, nhưng đối với Hồng Đào và Lộc hủi thì đó lại là căn nhà hạnh phúc. Cứ như vậy, dòng thời gian quấn quít, ôm chặt cuộc tình cho đến lần thứ 3 Hồng Đào lại bị đi kỷ luật nữa. Nếu cuộc đời cứ trôi đều đi như vậy thì quả là không còn thi vị, mà cuộc đời thực tế lại đầy thi vị cho nên nó đã chẳng trôi đều. Chỉ vì nó không trôi đều nên cuộc đời mới biết câu chuyện tình hi hữu ấy. Nếu không, chỉ giữa hai người thì có trời mới biết mà thôi.
Tên Tập cán bộ giáo dục đã đặt vấn đề. Khi đặt vấn đề, thì y phải để ý theo dõi, rình mò. Mà đã rình thì phải bắt được cả đôi chim đang đu đưa trên ngọn cây sầu đông. Khi đó Hồng Đào có thai hơn 2 tháng. Bắt được như vậy, ban giám thị giận lắm, nhưng không thể kỷ luật Hồng Đào được nữa mà bắt về trại nữ. Để cho Hồng Đào ôm trọn một khối tình, có xuống tuyền đài vẫn chưa tan. Hiện giờ Lộc hủi vẫn còn đang nằm trong nhà kỷ luật.
Gôm đã ngừng kể một lúc rồi, mà tôi và Gôm vẫn cứ ngồi im. Hình như lòng mỗi người đang lắng đọng vào cái nỗi đầy vơi, bồng bềnh của cuộc đời.
Trưa hôm nay, tôi vừa nói chuyện với anh Thành tôi vừa lục tìm trong cái thư viện con con của trại trung ương số I. Tôi cố gạn lọc, may ra còn cuốn nào có thể tạm xem được. Móc ở mãi trong kẽ của một ngăn tủ sách, thấy một cuốn sách mỏng bìa bọc bằng một miếng giấy xi măng đã cũ. Nhan đề của cuốn sách viết dài thoòng: Những Phong Trào Văn Hóa Đấu Tranh Chống Thực Dân Pháp Trước Cách Mạng Tháng Tám. Viết theo dạng hồi ký. Tôi lần dở một vài trang, chợt tôi nhìn thấy một tấm hình chụp 5 người. Tấm hình có chú thích phía dưới: Ban chủ trương, biên tập của tờ báo “Le travail” ở Hà Nội. Tấm hình chụp ngay trước cửa tòa báo.
4 người biên tập viên là: Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thái Mai và Phạm Văn Đồng. Chủ nhiệm là ông Nguyễn Văn Tiến.
Nhìn thấy tấm ảnh bác Tiến, tôi bỏ cả cuộc nói chuyện với anh Thành coi thư viện. Tôi mượn cuốn sách chạy về buồng. Bác Tiến còn đang lục đục ở ngoài nhà ăn. Vui mừng như năm ngoái nghe tin Hồ Chí Minh hộc máu ra chết, tôi rối rít khoe:
- Bác ơi! Có ảnh của bác chụp trước tòa báo Le Travail đây này!
Mặt bác Tiến tươi hẳn lên, quay lại, trong khi bác còn cho tay vào túi áo móc cái kính ra, tôi cứ líu lo:
- Có cả Phạm Văn Đồng, Trần Huy Liệu nữa bác à!
Một số người, trong đó có cả 3 anh tu sĩ là: Sĩ An, Quốc Anh và Phùng Văn Tại cũng xô đến mà coi. Qua bức hình này, bác Tiến càng được anh em kính nể hơn. Ngược lại, những tên cán bộ, nhất là tên Đức, thiếu úy trưởng ban giáo dục, hễ khi nào thấy bác, chúng lại sai bảo, hành hạ chơi, coi như một cái thú vui của chúng.
Sáng hôm qua, buổi gần trưa, lúc trại đi lao động về, có một nhóm 4 người tù mới. Nghe đâu thuộc Biệt Hải, Người Nhái vừa chuyển từ trại Thanh Liệt đến. Trông 4 người tuy xanh xao gầy guộc nhưng đều cao lớn. Họ đều còn trẻ cả, chỉ trong khoảng từ 24 đến 27 tuổi là cùng. Buổi chiều, một anh được phân về toán xẻ là Lý Giồng Slau, còn lại là 2 anh phân về toán 2 là: Lầu Chí Chăn, Dương Long Sang và Vòng Hợp Văn. Cả 4 anh đều là gốc Tầu, quốc tịch Việt. Nghe Nguyễn Văn Gôm kể lại, các anh đều ở bên Chợ Lớn.
Sở dĩ tôi nghe Gôm và Trần Như kể lại loáng thoáng như vậy chỉ vì tôi chưa vội vàng, vồ vập buổi đầu. Mặc dù trong lòng tôi cũng đang ngứa ngáy muốn biết những tình tiết, nội vụ của nhóm Người Nhái này. Cũng chính vì cái nhóm Người Nhái này đến trại ngày hôm qua, chiều nay ở chỗ nhà ăn trong lúc chờ tên cán bộ trực trại vào “cho gà vào chuồng”; bác Tiến, Gôm, Nhu và tôi hãy ngồi tán chuyện gẫu. Gôm, Nhu và bác Tiến hẳn từ lâu đã được nghe nhiều do chính những người biệt kích, gián điệp trong Nam ra kể sơ lược lại về bản thân mỗi người. Chính quyền miền Nam huấn luyện biệt kích, gián điệp rồi tung ra miền Bắc ra sao, họ đều đã có những cái nhận định chung, nhưng hôm nay họ lại đem vấn đề đó ra hỏi lại tôi.
Lòng người dân miền Bắc, như tôi đã trình bầy trước đây, khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị lũ tướng, tá đảo chính hồi cuối năm 1963, họ vẫn hướng về mảnh đất phía Nam của tổ quốc. Nhất là những người đã phải vào tù, những lúc lòng họ tím thẫm, tối đen nhất, họ lại hướng về miền Nam, mong mỏi nhìn thấy một nguồn tia sáng hy vọng, hòng giải thoát cái cảnh đời ngục tù của họ.
Bởi thế, khi ở trong tù họ lại được gặp chính những người miền Nam ra Bắc để hoạt động chống cộng sản, hầu hết họ đều tò mò muốn tìm hiểu về miền Nam, nơi mà lòng họ vẫn và đang ngưỡng vọng trong mỏi mòn. Tóm lại họ đã hỏi tôi như sau:
- Các anh, dù là biệt kích, biệt hải, lôi hổ hay gián điệp, chúng tôi thấy các anh được đào tạo rất công phu, được trang bị đầy đủ đến chân răng, kẽ tóc. Nhưng có một điểm quan trọng bậc nhất là các anh không được trang bị về tư tưởng, hoặc nếu có thì cũng chỉ hời hợt, tùy tiện mà thôi. Có phải thế không?
Trước mặt tôi, tuy họ không nói thẳng ra, nhưng tôi hiểu trong lòng của họ muốn nói tư tưởng ở đây là “Lý tưởng và lòng căm thù giặc”. Tôi hiểu đây là một cái lỗi, chẳng phải của riêng ai, mà nó đã nằm sẵn trong cái đáy của cái xã hội của những nước tư bản rồi, nghĩa là ngay từ nước Mỹ chứ không phải chỉ ở miền Nam Việt Nam. Do lòng tự mãn tin vào vũ khí và sức mạnh của tiền bạc nên đã coi nhẹ cái khâu tinh thần này. Thậm chí, hầu hết đều mang một quan điểm, cứ để tùy tiện lòng của mỗi người đối với kẻ thù. Tôi cứ cấp súng, giao tiền cho anh để anh đi đánh cộng sản. Nếu gia đình anh có nợ máu với cộng sản thi anh đánh hăng, nếu không, anh có đánh kẻ hời hợt thì cũng tùy anh.
Chính ngay bản thân tôi, cũng ấm ức cái thắc mắc này. Tôi nhìn chung, bao nhiêu toán biệt kích đi ra miền Bắc, đa số đã vào trại giam miền Bắc, nếu không nói là còn cao hơn nữa. Thậm chí cứ gửi toán này ra, bị mất tích, lại gửi toán khác ra, lại cũng biệt tăm. Vậy mà sau đó vẫn cứ gửi tiếp. Nỗi ấm ức này đã thúc hối tôi cũng đi phỏng vấn đủ thành phần, từ trong Nam xâm nhập vào miền Bắc để hoạt động chống cộng sản. Để rồi, tôi được nghe người ta giải thích như một giai thoại nghe mà cười méo cả miệng thế này. Ngay từ khi còn ở các trại Long Thành (Bà Rịa), Mỹ Khê, Sơn Trà (Đà Nẵng) cũng đã có nhiều anh em thắc mắc. Anh em thấy toán nào ra đi cũng thường không về, mà bây giờ đến lần họ lại phải ra đi, cho nên họ đã hỏi thẳng ngay những cố vấn Mỹ này cởi vòng xoắn đó như sau: “Các anh cứ yên tâm ra đi, nếu có bị bắt cũng không sao. Chỉ cần các anh cố giữ lấy cái đầu (nghĩa là đừng chết). Chúng tôi muốn gửi các anh ra đó, để cộng sản huấn luyện tư tưởng cho các anh. Sau này tư tưởng của các anh sẽ được tôi luyện già dặn, trở thành sắt thép để chống lại cộng sản”.
Đành rằng đây chỉ là một lời giả tạo, một lời khích lệ, hứa hẹn để yên lòng người đi nhưng về một khía nào đó, ít nhiều nó cũng có giá trị thực tế. Thực tiễn đã cho thấy, những người càng ở tù lâu trong tay cộng sản bao nhiêu, lòng họ càng cứng rắn chống cộng sản bấy nhiêu. Có những người lúc ra đi, dù chưa có ý thức chống cộng sản, thì rồi cũng trở thành người chống Cộng từ trong máu. Vì vậy, tôi cũng tạm lấy cái ý này, gượng gạo trả lời bác Tiến, Gôm và Nhu, tuy trong lòng tôi lại nghĩ hoàn toàn khác.
Hơn một tuần lễ sau, tối hôm nay, tên cán bộ Y trực trại vừa vào điểm buồng đi ra. Từ gần 3 năm xưa, ngày đầu tôi lên trại, cũng tên Y này đã dẫn tôi vào phân trại E. Khi trở ra trại này, cũng 6 – 7 tháng rồi, mãi hôm nay tôi mới lại thấy y. Vẫn dáng dấp quân sự, với những bước đi dài, dõng dạc, chỉ có khác, cầu vai của y bây giờ mang cái lon thuợng sĩ. Dòng tư tưởng của tôi còn đang lãng đãng, bần thần suy nghĩ về tên Y này, bỗng anh chàng Gôm nổi hứng bất tử, đứng ở giữa buồng cao giọng tuyên bố:
- Đồng bào hãy chú ý: Một nguồn tin nóng hổi vừa thổi vừa ăn à…nghe, tôi vừa mới nhận được 10 phút trước đây!
Nhiều người im lặng quay lại, Hoàng Đức Tùng từ sàn trên nói vọng xuống:
- Nói ngay đi, đang chờ nghe đây!
Để nửa phút cho cả buồng im lặng, bán tín, bán nghi với cái tếu của Gôm, bấy giờ Gôm mới dõng dạc từng lời:
- Một thiếu nữ 17 tuổi đã bắt cóc 4 thiếu niên mang vào rừng hơn 3 tháng nay. Sáng hôm nay mới tìm thấy thì 4 chàng thiếu niên đã bò đi không được.
Gôm tuyên bố xong, quay ngoắt vào nhà cầu để đi đái. Trong khi căn buồng sôi nổi, râm ran lẫn lộn tiếng cười, tiếng nói. Người hỏi thế này, người hỏi thế kia, chả ai nghe rõ cả. Cho đến lúc các tổ vào ngồi sinh hoạt buổi tối. Nhiều anh còn hấp háy, thấp thỏm về câu chuyện 4 cậu thiếu niên, chả biết anh chàng Gôm này nói thực hay nói đùa.
Tôi cũng hiểu Gôm thỉnh thoảng hay tếu, bốc đồng nhưng cũng phải thừa nhận anh ta có cái tài săn tin, nhất là về những mối tình đặc biệt trong cái thế giới nhà tù này. Buổi tối hôm ấy, chẳng còn phải do tôi đến với anh chàng Gôm để tìm cách biết về câu chuyện nóng hổi đó nữa. Rất nhiều người trong buồng, sau khi sinh hoạt xong đã đổ xô đến vây quanh chỗ Gôm, bắt Gôm phải nói rõ sự việc.
Trong một cái xã hội hàng ngàn người, lẫn lộn chính trị, hình sự này. Chả hiểu Gôm đã nhận được một nguồn tin từ một đường dây nào đó thì không biết. Đường dây nào thì cũng không ngoài những bộ phận tự giác, mà trại tù nào cũng phải có. Gôm đã kể nội dung như sau:
Cách đây 3 ngọn đồi và một khoảng rừng già, nghĩa là xa đến 7 – 8 cây số về hướng Tây, có một trại tù thiếu niên tuổi từ 12 đến 17. Trại này có cái tên mỹ miều, tiến bộ đễ đánh lừa thiên hạ: “Trường phổ thông công nghiệp I”, chứa chừng trên dưới 400 em, vừa trai, vừa gái. Con gái chỉ có một phần mà con trai chiếm đến 3 phần. Tuy có hàng rào ngăn chia 2 khu trai, gái ở riêng biệt nhưng bếp chung và học chung một dẫy nhà. Trại nằm chỉ cách 2 cây số bên trái tỉnh lộ Lào Cai với Yên Bái. Trại cũng có ban giám thị và quản giáo nhưng được gọi thay là ban giám đốc và các thầy cô. Một đại đội công an vũ trang, hàng ngày mang súng đưa các em ra ngoài trại lao động. Các em cũng được chia thành tổ, toán. Nửa ngày ở nhà học văn hóa và học nghề rèn, mộc, xẻ; nửa ngày đi lao động trồng khoai, trồng sắn, trồng rau và làm ruộng. Để cho các thầy cô có thể đi sát với các em, và cũng để khác với trại tù một tí, các thầy cô tuy có phòng riêng nhưng cũng ở cùng khu với các em.
Trong một khung cảnh nửa nhà tù, nửa trường học, trai gái lẫn lộn như vậy, cứ hình dung, tưởng tượng thì biết bao nhiêu cậu chuyện xẩy ra hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Nhưng người ta vẫn nói, thèm cái gì thì hay nghĩ và hay nói về cái đó. Những tin tức khác, có thể Gôm đã loại bỏ, mà chỉ chú ý về những giai nhân và những chuyện tình giật gân. Nào là, có thầy giáo cứ mang riêng từng nữ sinh vào rừng tập dậy tập thể dục, để rồi nhiều thầy giáo mất lon, mất việc, có khi phải vào ấp. Nào là, có hai học sinh nhìn thấy cô giáo ngon thơm như múi mít, đang đêm rủ nhau đột kích vào buồng cô giáo, trói tay chân cô giáo xuống giường rồi hè nhau đu đưa trên ngọn cây sầu đông. Trước khi bị trói, cô giáo đã hành động rất thông minh đúng bậc thầy. Trong bóng đêm đã vảy kịp cái bút máy có mực vào những kẻ “ong non ngứa nọc châm chọc hoa rữa”, để rồi sáng hôm sau đã tìm ra đích thủ phạm là 2 chú “dê còn buồn sừng thích húc dậu thưa”.
Nhưng câu chuyện sốt dẻo được Gôm chú ý nhất là cô Yến Cổ Am, nghe đâu cô là gái của làng Cổ Am, Bắc Ninh. Cô này có đôi mắt một mí và một chiếc má lõm đồng tiền. Đặc biệt, cô có một cơ thể rất nẩy nở của tuổi trăng gần tròn.. Rất năng động và tháo vát, vì vậy không những cô là toán trưởng của một toán 32 người, cô còn là tự giác của trường nữa. Toán của cô trồng chè và hái chè. Bên khu con trai có 4 cậu choai choai chơi một băng với nhau là Minh Cò, Đạt Chộp, Hổ Mưu, còn một cậu nữa quên tên, tuổi từ 15 đến 17. Chả biết cô Yến Cổ Am hẹn hò,, dỗ dụ làm sao đó, bốn cậu quyết tâm đi theo tiếng gọi của đò đưa để cho cô Yến dẫn lên một ngọn đồi hoang có một căn hầm tăng xê bỏ phế từ thời chống Pháp. Vì cô Yến là tự giác nên đã lén mang được chăn chiếu và một vài thứ đồ dùng tối thiểu cho các cậu ở một nơi cách xa trường đến gần 2 cây số. Thỉnh thoảng đôi ngày, có khi một ngày cô Yến lại mò lên vừa tiếp tế thức ăn vừa cùng các cậu thượng đài giao đấu.
Thời gian cứ thế trôi đi. Trong trường cũng như ban giám đốc đều nghĩ rằng các cậu đã biến về miền xuôi rồi, cho nên cũng chỉ ra lệnh tầm nã thường lệ, vì cả nước đang có chiến tranh chống Mỹ. Câu chuyện, 4 cậu thanh niên trốn trại, dần dần chìm vào quên lãng của thời gian đến nay đã hơn 3 tháng.
Tên Dũng là một hạ sĩ quan vũ trang, 25 tuổi. Tuy đã có vợ, một con ở quê nhà miền Thanh Nghệ, nhưng y làm công tác ở nơi núi rừng heo hút đêm, ngày chỉ nghe thấy gió ngàn rên rỉ, lòng y càng nặng trĩu những lúc gió mưa và những buổi tối trời. Trong những xê dịch, quan hệ của cuộc sống ở trường tù này, đã nhiều lần y nhìn thấy Yến Cổ Am mơn mởn đào tơ. Đêm ngày y dệt chiếc lưới tình mong bủa được con chim Yến làng Cổ Am. Bản tính phóng đãng của con mồi như vậy, nên lưới của y chả cần dệt xong thì con mồi đã ngoan ngoãn chui vào vòng tay của y. Rồi từ đấy, cô gái Cổ Am 17 không phải chỉ bẻ gẫy một sừng trâu mà những 4 -5, để đường đi phải rẽ 3 -4 ngả.
Tên Dũng đã đu đưa nhiều lần trên ngọn cây sầu đông với cô Yến. Y thấy cô Yến có những thời gian, và những hướng đi bất thường nên y lập tâm theo dõi. Vào một ngày đẹp trời có nhiều mây bay, gió thổi, tên Dũng đã theo, rình và bắt tại trận 4 cậu dê non. Tuy cậu nào cũng chỉ còn da bọc xương với những đôi mắt thất thần trắng hếu, vậy mà vẫn hăm hở, lần lượt thay phiên nhau “ấy” với cô gái Bắc Ninh. Thật là chẳng sai, mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo…đồi. Thấy vậy y giận quá! Nếu anh chàng Dũng chịu suy xét, hiểu chuyện đời…là như vậy thì cứ ngậm miệng tiến bước trên con đường đi như cũ. Có thể vì giận nên mất khôn; nhưng có lẽ y tưởng, phát hiện được 4 tên vượt ngục này, vai y sẽ thêm một sao nữa và đảng cũng sẽ tín nhiệm y thêm, nên y đã cấp tốc về báo cáo với ban giám đốc. Thế là cả một tổ chim lớn trên đồi hoang bị bắt gọn, 4 chú “ong non” đã phải vừa đi vừa bò về trại.
Cuối cùng câu chuyện vỡ banh ra hết. Anh chàng Dũng vũ trang có công đã phát hiện được tổ chim, nên chỉ bị lột lon cho về nhà đuổi gà cho vợ. Đến đây câu chuyện của cô Yến Cổ Am vẫn chưa hết. Sáng hôm sau, Nguyễn Văn Gôm được lệnh ở lại trại để gặp cán bộ. Đến trưa, chúng tôi đi làm về thì được biết Gôm đã bị đi kỷ luật rồi. Chúng tôi chưa dám kết luận vì sao, tuy vậy Bùi Tâm Đồng vẫn nói đùa:
- Chắc ban giám thị gửi Gôm vào nhà kỷ luật gặp Lộc hủi để tìm hiểu thêm về cuộc tình giữa Hồng Đào và Hộc hủi.
Hơn một tuần sau, Gôm ôm chăn chiếu trở về buồng, mặt buồn rười rượi nói nhỏ với tôi:
- Mẹ cha nó, chắc thằng Phi tổ tôi chứ không ai. Ban giám thị kết tội tôi làm ảnh hưởng đến tinh thần lao động của trại viên.
Tôi đùa, cũng nói nhỏ với Gôm:
- Họ kết tội như vậy quả không sai, mấy đêm nay tôi vẫn còn mơ màng về câu chuyện của cô Yến Cổ Am đấy, cứ khắc khoải mãi giấc ngủ có yên đâu.
Mặt Gôm còn mệt và xanh tái, vậy mà miệng vẫn toét ra cười:
- Hơn một tuần lễ để chân trong cạm, tôi càng giận thấu xương cô gái làng Cổ Am này. Sau này, nếu tôi gặp một cô Yến khác nào, tôi sẽ chạy tránh ngay ra xa.
Tôi đã biết tỏng anh chàng Gôm này rồi. Thấy gái như người khát nước thấy quả mơ, nhưng bác Tiến ngồi bên cạnh đã ngạc nhiên, quay lại hỏi Gôm:
- Mình không thích người ta thì thôi, chứ việc gì mà phải chạy?
Như giũ sạch cái buồn vừa đi kỷ luật về, Gôm đã đon đả:
- Cháu chạy ra xa lấy trớn, để lao vào cho mạnh hơn bác ạ!
Đúng là cái nết, cho kỷ luật chết cũng không chừa.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen