Số lần đọc/download: 22739 / 122
Cập nhật: 2015-10-14 21:37:32 +0700
Z.28 Một Vụ Đánh Cắp Tài Liệu Nguyên Tử - Chương 3: Ma Quỷ Hiện Hình
N
hư Luyến vặn máy ra-đi-ô, chọn một bản nhạc nhẹ. Nàng là con cưng của nhạc nhẹ. Chiếc xe Mo-rít 4 mã lực nhỏ xíu của nàng vẫn băng băng trên con đường nhựa từ Thủ Đức về tới Sàigòn.
Mỗi chiều sau khi tan sở, nàng lái xe về Gia Định với con. Như Luyến làm việc tại Trung Tâm Thí Nghiệm Nguyên Tử Thủ Đức. Buổi trưa, nàng ở lại văn phòng nhưng đến chiều, cũng như một số đông nhân viên khác của Trung Tâm, Như Luyến về nhà riêng ở Sàigòn.
Như Luyến là một thiếu phụ còn trẻ. Tuổi thật của nàng vừa gần ba mươi, nhưng ai cũng cho nàng mới hăm ba, hăm bốn. Nếu không góa bụa có lẽ Như Luyến còn đẹp nữa.
Nàng có khuôn mặt dài, cái miệng nhỏ, hàm răng đều bóng, đôi môi luôn đỏ không cần thoa son, cái mũi dọc dừa và nhất là đôi mắt rất đẹp. Hàng mi dài và đen nhánh không che nổi cặp mắt to rộng và trong vắt. Hồi còn ở Trung Tâm Nguyên Tử Huntsville bên Mỹ, nàng đã được các đồng nghiệp ngoại quốc gọi là Liz Á Đông. Liz là tên tắt mà khách mộ điệu màn bạc thường gọi nữ minh tinh Elizabeth Taylor. Như Luyến không khác Liz mấy. Da nàng cũng không kém da Liz. Nhất là bàn tay của nàng. Bàn tay thuôn thuôn, mười ngón nho nhỏ, dài dài như được Tạo Hóa nặn ra để cho thế gian chiêm ngưỡng. Mình cao một thước sáu, nghĩa là bằng Liz nhưng cái đẹp của Như Luyến, có người còn cho là sắc sảo và thấm thía hơn cô đào điện ảnh Hồ Ly Vọng nữa.
Nàng trông gầy gầy, cái bụng thót lại, hình như dạ dầy không bao giờ chứa thức ăn, ngực nhô ra phía trước với những đường cong tròn trĩnh, không khiêu khích, không gợi ra một thèm muốn dâm đãng, nhưng lại không thấp thỏi, rụt rè và tầm thường. Như Luyến hơn người ở chỗ đó. Hơn ở chỗ nàng làm cho ai đã gặp phải trầm trồ khen ngợi, khen ngợi một cách lễ độ, trang nghiêm chứ không sỗ sàng, thô bĩ. Toàn thân nàng toát ra một vẻ đẹp tôn kính, mực thước, thấm sâu vào mọi người như hương vị phong lan.
Lúc nàng thoăn thoắt đi, nàng còn đẹp hơn lúc ngồi nữa. Trông phía sau, ai cũng phải nhận rằng Như Luyến có một thân hình cân đối, kết quả của nhiều năm luyện tập và ăn uống chừng độ. Đôi chân của nàng khi mặc đầm thật là nhất tuyệt. Khi về nước, mặc áo dài Việt-Nam tha thướt, đôi chân diễm ảo của nàng vẫn tìm cách khoe khoang sau lần vải lụa.
Như Luyến bất giác nhìn vào cái gương chiếu hậu. Nàng tự thấy mình còn trẻ và đẹp quá. Nàng se sẻ mỉm cười, và sực nhớ đến nhà bác học nguyên tử Đoàn Trung. Đoàn Trung hơn nàng mười tuổi. Suốt một đời hoa niên giam mình trong phòng sách, bên cạnh lọ, chai và hóa chất. Đoàn Trung chưa có phút nào tận hưởng khoái lạc của con người. Nàng gặp Đoàn Trung từ mười tháng nay, vừa chẵn bốn năm sau ngày Lăng, chồng nàng, thiệt mạng trong một tai nạn thí nghiệm nguyên tử. Lăng cũng là một nhà bác học nguyên tử mà nàng gặp lần đầu trên bờ sông Sen ở Ba-lê ánh sáng. Hai người lấy nhau, và chiến tranh chấm dứt, cùng sang Mỹ phục vụ tại Trung Tâm chế tạo hỏa tiễn nguyên tử.
Cặp vợ chồng trẻ đương sống trong hạnh phúc thì Lăng mất. Nàng vẫn ở lại làm việc trong Trung Tâm, với chân thơ ký của ủy ban nghiên cứu, một chức vụ quan trọng, cần số vốn kiến thức khá lớn. Và để quên cái khung cảnh buồn thảm của nơi Lăng từ trần, nàng xin đổi qua Huntsville. Hình dáng khoan thai, bộ điệu nhã nhặn, tiếng nói thanh tao của Lăng đã được truyền sang cho thằng Lập, đứa con trai duy nhất của hai người. Mặc ngày tháng qua, mặc cho hoàn cảnh éo le, nàng vẫn không quên được người chồng quá cố, người chồng mà nàng vẫn yêu một cách thiết tha và chân thành.
Cho đến khi Đoàn Trung bước vào cuộc đời cô quạnh của nàng ở trung tâm Huntsville. Huntsville là một địa điểm mà các nhà bác học nghiên cứu ra những công thức mới về nguyên tử và phi đạn dưới quyền điều khiển của bộ óc kỳ tài Von Braun. Dưới quyền Von Braun có gần hai trăm nhà bác học thuộc đủ quốc tịch khác nhau, tuy đa số là người Đức được mang đi sau khi Hít-Le đại bại. Đoàn Trung là một trong những nhà bác học xuất sắc.
Lần đầu gặp Đoàn Trung, Như Luyến đã thấy mến trọng. Tình cảm ban sơ có lẽ do lòng yêu nước và sự hãnh diện mà ra. Vì Đoàn Trung cũng nói tiếng mẹ đẻ như nàng. Đoàn Trung là người Việt. Đêm đó nàng gặp Đoàn Trung trong buổi dạ hội long trọng. Dạ hội này đánh dấu thành công thứ nhất trong việc bắn một vệ tinh nhân tạo lên khỏi trái đất. Hôm đó nàng đẹp lắm. Màu đen của tang tóc, nàng không mặc nữa. Nàng bận một cái áo nhung ngắn đến đầu gối và đi một đôi giầy lợp nhung, trên vai quấn một lông dạ vi-dông đắt hơn ngàn đô-la. Lệ thường mọi người chen chúc nhau tới bắt tay Như Luyến và mời nàng khiêu vũ.
Các nhà bác học ở Trung Tâm, nàng đều quen mặt không sót một ai, và ai cũng biết nàng là người Việt. Tuy nhiên, đêm đó có một nhóm bác học mới vừa ở sa mạc thí nghiệm nguyên tử Nêvada chuyển sang và cũng tham dự cuộc dạ hội. Họ trẻ tuổi, và đều nhìn nàng không chán mắt. Trong số đó có một thanh niên cao, nét mặt hiền lành, phục sức giản dị, giản dị đến mức bình thường như sinh viên, với cái vét-tông khác màu với quần, với cái áo len ngắn rằn ri thay cho áo di-lê và cái cà-vạt có sọc đỏ. Thanh niên đó là nhà bác học Việt-Nam Đoàn Trung.
Chàng đứng chôn chân bên cốc rượu, nhìn Như Luyến chăm chăm như sợ nàng tan thành khói. Như Luyến cũng nhìn đáp lại. Trong cái nhìn đầu tiên nàng bỗng thấy say tuy đêm đó nàng chưa uống chén rượu mạnh nào.
Nhưng nếu chỉ có thế thì nàng không đến nỗi yêu Đoàn Trung. Lúc đó dạ hội đã vãn. Như Luyến nhảy suốt buổi nên mệt nhừ. Bên ngoài vừng đông đã ửng màu hồng. Nàng dựa lưng vào ghế bành, uống ly sâm-banh mới rót còn sủi bọt. Đoàn Trung không nhảy một bài nào mà cứ đứng bên bàn rượu thâu đêm không mỏi.
Chợt nhớ đến thằng Lập sắp dậy ở nhà, Như Luyến đứng vội dậy, không ngờ gặp vỏ cam, trượt té xuống sàn gỗ. Hình như Đoàn Trung cũng cầu mong cho nàng ngã xuống để chạy vội tới đỡ. Và khi chạy tới chàng buột ra một tiếng Việt-Nam:
- Trời ơi!
Và nàng cũng kêu lên bằng tiếng Việt-Nam:
- Trời ơi!
Tới khi đó, Như Luyến mới biết chàng là người cùng xứ, và Đoàn Trung cũng vỡ lẽ nàng không là người Trung Hoa. Lầm vì hai người không biết tên nhau vì cả hai chỉ nói tiếng Mỹ. Sáng hôm đó, Đoàn Trung đưa nàng về phòng nàng. Hai người dần dà chơi thân với nhau. Thật ra, sự thân mật giữa hai người không phải là chuyện lạ, vì nàng là giai nhân tuyệt sắc còn Đoàn Trung là nhà khoa học đại tài, lại trẻ trung và đĩnh ngộ. Mấy tháng sau, Đoàn Trung được cử làm phụ tá cho Von Braun trong công cuộc tìm tòi về hỏa tiễn xuyên lục địa. Đoàn Trung chuyên về nghiên cứu nhiên liệu cho hỏa tiễn.
Cho đến ngày Trung Tâm Nghiên Cứu Nguyên Tử Việt-Nam được thiết lập ở Thủ Đức cách Sàigòn 19 cây số. Đoàn Trung được vời về điều khiển bộ phận nghiên cứu của Trung Tâm.
Mãi nghĩ ngợi nên nàng về đến cầu Bình Lợi lúc nào không biết. Xe cộ nối đuôi nhau một hàng dài. Như Luyến xua tay khoát mấy đứa bé kháu khỉnh mời nàng mua mía, những khúc mía róc vỏ sẵn, và cắm vào những que ngắn.
Trông mấy đứa trẻ bán hàng mau miệng, Như Luyến sực nhớ đến thằng Lập, con nàng.
Thằng Lập đã được 7 tuổi, nhưng vì nuôi dưỡng theo phương pháp khoa học nên lớn như đứa trẻ lên 10. Vì vắng nhà cả ngày nên Như Luyến gửi con vào một ký túc xá và buổi chiều, đi làm về nàng mới qua trường lãnh về. Thằng bé giống bố như tạc. Cũng cái miệng có duyên, cái nhìn trầm trầm và gợi cảm của người thanh niên năm nào mà Như Luyến gặp trên con đường sương mù ở kinh đô ánh sáng Ba-lê.
Ngọn đèn xanh trên cầu đã cháy. Chiếc cam-nhông đầu hàng đã băng lên cầu. Như Luyến cho máy nổ, sang số, cho xe chạy từ từ. Sàn cầu rung chuyển ầm ầm. Ngọn gió sông man mát quạt vào mặt Như Luyến.
Nàng rướn ngực thở một hơi dài, như muốn thu hút thật nhiều dưỡng khí cần thiết trước khi về thành phố Sàigòn đông đúc và chật chội.
Thằng Lập thấy nàng đậu xe trước cửa trường đã la rầm lên và chạy vội ra. Như Luyến kéo vội cái thắng tay, và mở tung cửa xe xuống đường, ôm chầm lấy con. Nàng thương con một cách kỳ lạ, có lẽ còn thương hơn bản thân nàng nữa.
Mẹ con nàng ở một cái biệt thự một tầng, xinh xinh và tối tân ở cuối đường Chi Lăng. Biệt thự có vườn rộng, cây cối um tùm. Nàng là nhân viên thuộc một cơ quan quốc phòng nên ban ngày khi nào cũng có một công an viên bận thường phục đứng gác, tuy nhiên có tinh ý mới nhận thấy người gác. Ban đêm, Như Luyến có ba con chó bẹt-giê khổng lồ. Loại chó săn này được huấn luyện chu đáo, theo phương pháp giữ nhà và giết gian phi của công an Anh quốc.
Với những biện pháp canh phòng này, Như Luyến có cảm tưởng như sống trong một pháo đài bằng sắt. Nhiều lần nàng yêu cầu bỏ người gác nhưng ban an ninh của Trung Tâm không đồng ý. Mặc dầu cuộc sống ở Trung Tâm vẫn bình thường, mặc dầu Địch chưa có một dấu hiệu hoạt động nào, biện pháp bảo vệ cũng không vì thế mà sao lãng.
Trời đã chuyển tối. Người nữ quản gia độc nhất của nàng đã bầy bàn tươm tất. Thằng Lập chưa cần đợi xe tắt máy, đã nhảy bổ xuống sân, ba chân bốn cẳng chạy vào trong nhà. Thằng bé mê máy phát thanh như điếu đổ. Ở Huntsville, nàng đã sắm cho con hàng chục cái máy ra-đi-ô tí hon chạy bằng tờ-răng-dít-to.
Thấy ba khăn trên bàn, trên mỗi khăn có đĩa, dao, và phóng xiết, Như Luyến bèn hỏi bà Ngọc:
- U quên rồi à? Có ai ăn mà bầy bàn ba người?
Người nữ lão bộc cười một cách đậm đà:
- Thưa cô, hồi nãy ông Trung gọi giây nói rằng cô mời ông ấy ăn tối nay.
Như Luyến cười xòa:
- Ừ nhỉ, suýt nữa quên mất. Hôm nay có gì ăn không u?
Người lão bộc rút khăn đeo lòng thòng trên vai, lau những giọt mồ hôi trên trán, đoạn giơ ngón tay ra trịnh trọng:
- Thưa, xúp tôm cua này, thịt bít-tết này, sà-lách Đà Lạt này… Tráng miệng thì có sầu-riêng, thứ này bác sĩ Trung ưa lắm.
Như Luyến nhìn u già, có vẻ ái ngại:
- Tội nghiệp u quá! Trời như thiêu thế này mà chui vào bếp!
Người lão bộc cười, nhe hàm răng đen như hạt huyền:
- Cô cứ vẽ….
Thằng Lập đã nép ra-đi-ô sang bên và với tay lấy cái ống nhòm, đeo vào cổ. Nó nhìn ra ngoài cổng, rồi bỗng reo to:
- A, bác Trung đến rồi.
Đoàn Trung vừa lái chiếc Lanh-Côn mui trần đến trước cửa, và được người gác mở toang mời vào.
Thấy Đoàn Trung, lòng Như Luyến vui hẳn lên. Nàng đon đả bắt tay Đoàn Trung rồi dẫn chàng vào phòng khách. Vẫn như mọi lần, nhà bác học trẻ tuổi nheo mắt nhìn u già, đoạn nói đùa:
- Tôi đến chắc sớm quá, u nhỉ? Bản tính vốn tham ăn mà lại!
U già cung kính đáp lại:
- Ông cứ dạy, cháu đâu dám.
Thằng Lập bỏ ống viễn kính và nắm tay áo Đoàn Trung bắt chàng bơm bánh xe đạp cho nó. Thằng bé rõ tinh quái, khi nào nghe chàng tới cũng mở đầu van xe đạp, xì cho xẹp bánh, rồi bắt chàng bơm căng lên. Nó trèo lên xe được một phút lại nhảy xuống và đòi chữa cái xe hơi chạy bằng "bin" bị hỏng và vứt vào một góc nhà. Đoàn Trung cởi áo vét-tông trắng, treo lên mắc, đoạn lúi húi chữa cho thằng Lập.
Ngoảnh sang phía Như Luyến đang đánh cốc-tay, Đoàn Trung nói:
- Luyến này, chữa cái xe điện của cháu Lập còn khó hơn chữa hỏa tiễn đó!
Thằng Lập lanh chanh xen vào:
- Chà, hỏa tiễn có cái gì mà bác bảo khó. Ngày nào mà cháu chả bắn nó.
Vừa nói, nó vừa dơ tay chỉ mấy cái giàn hỏa tiễn chạy bằng bin, một thứ đồ chơi tối tân mới xuất hiện ở Mỹ mà Như Luyến đã gửi mua cho con.
Đoàn Trung xoa đầu thằng bé:
- Cháu của bác giỏi quá. Bác còn thua cháu đấy.
Mà quả Đoàn Trung còn thua nó thật. Chàng chỉ giỏi về tính toán trong phòng thí nghiệm còn ra ngoài đời thì lại dút dát, hiền lành như cậu học sinh trung học. Chàng yêu Luyến đã lâu, từ cái thuở gặp nhau bên Mỹ, và chàng cũng biết cảm tình đặc biệt của Luyến đối với chàng. Không phải lần đầu chàng lại ăn cơm với mẹ con thằng Lập, nhưng lần nào cũng như lần nào, tráng miệng xong, nhắp ly cà-phê phin do tự tay Như Luyến pha và bưng tận tay cho chàng, Đoàn Trung lại lặng lẽ ra về, sau khi ôm thằng Lập hôn lên má lên trán.
Hình như từ mấy tháng nay Như Luyến cũng chỉ đợi chàng nói ra trước. Nhiều khi đôi mắt của nàng bỗng sâu hẳn thêm như chờ mong và oán trách. Nhất định tối nay chàng sẽ nói. Chàng sẽ hỏi Như Luyến làm vợ.
Bữa cơm hôm nay rộn rịp và ngon lành lạ thường. Có lẽ chưa bao giờ Đoàn Trung được ăn một món xúp tôm cua ngọt như vậy. Chàng ra hiệu cho u già múc thêm nữa.
Thằng Lập phê bình:
- Bác Trung sơi nhiều cơm hơn mẹ đấy?
Như Luyến mắng con:
- Hỗn nào? Bác thì bao giờ chả sơi nhiều hơn mẹ?
Đoàn Trung trả lời:
- Vì bác là đàn ông.
Thằng Lập cả cười:
- À ra thế! Còn mẹ là đàn bà, đàn bà ăn ít, chắc yếu lắm nhỉ?
Câu nói vô tình của đứa bé làm Như Luyến trạnh nghĩ đến cuộc sống cô quạnh của mẹ con nàng từ mấy năm nay. Nàng không đáp, cúi đầu xuống dĩa bít-tết. Tâm trí để đâu đâu nên nàng cầm dao vụng về và miếng thịt bị cắt quá mạnh nhảy ra ngoài dĩa, bắn cả nước xốt vào Đoàn Trung đối diện.
Như Luyến đỏ mặt ngượng ngùng:
- Luyến vụng quá, xin lỗi anh.
Đoàn Trung cười một cách hồn nhiên. Chàng lấy dao và nĩa đỡ miếng bít-tết của Như Luyến, để lên dĩa rồi bưng lại trước mặt chàng, cắt hộ. Loáng một cái, chàng đã cắt xong những khoanh thịt hồng hồng, thơm thơm nằm trên mặt dĩa trắng bóng.
Như Luyến đỡ lấy dĩa bít-tết:
- Cám ơn anh, Luyến thì bao giờ cũng vụng cả.
Thằng Lập vừa nhai nhồm nhoàm một miếng sà-lách, vừa nói với mẹ:
- Mẹ bao giờ cũng vụng, tại sao mẹ không mời bác Trung ở lại đây dạy mả mẹ?
Đề nghị ngây thơ của thằng Lập như luồng điện manh giật nàng nẩy bắn người. Một giọt bồ hôi thấm vào cổ áo nàng, mặc dầu không khí trong phòng mát mẻ. Hai người không ai nói với ai một tiếng.
Theo thường lệ, tráng miệng xong, thằng Lập sang phòng bên học bài. Đợi đứa bé khuất ra ngoài hành lang, Đoàn Trung mới nói với Luyến:
- Hôm nay trăng lên sớm, Luyến có ra vườn chơi cho tiêu cơm không?
Nàng gật đầu. Hai người chậm rãi ra vườn. Ba con bẹt-giê to lớn, phục ngay trước cửa xuống vườn. Thấy Đoàn Trung, chúng ve vẩy đuôi, ra vẻ mừng rỡ.
Như Luyến chỉ một giẫy chậu xứ trồng thược dược, nói với Đoàn Trung:
- Ở bên Mỹ anh cũng thích trồng hoa lắm kia mà! Tại sao về đây không thấy anh trồng nữa?
Đoàn Trung đáp:
- Có Luyến trồng rồi nên tôi không muốn trồng nữa, sợ không khéo bằng. Vả lại ….
Chàng không dám nói hết y nghĩ. Hai người đã tới một góc vườn. Mấy cây mít cành lá xum xuê che kín căn nhà phía sau. Ánh đèn nê-ông lọt qua lá xanh có một màu huyền ảo, trông hao hao như ánh trăng rằm đương chiếu trên trời.
Đoàn Trung dừng bước, nói:
- Này Như Luyến….
Như Luyến không đáp. Đoàn Trung tránh dùng tiếng anh và em nên nói bằng tiếng Anh
- Luyến có bằng lòng làm vợ anh không?
Lời tỏ tình của Đoàn Trung như tiếng sét dội bên tai nàng. Nàng vẫn đợi lời tỏ tình ấy, nhưng không ngờ nó lại đến một cách giản dị và long trọng như vậy. Nàng lặng người đi một phút rồi bỗng quay lại phía cửa phòng ăn như sợ u già bắt gặp. Đoàn Trung cười:
- Em nói đi. Em có bằng lòng làm vợ anh không?
Như Luyến muốn đáp, nhưng tiếng nói của nàng bị một sức mạnh vô hình chẹn ở cổ họng. Rồi như muốn tỏ cái bất lực của mình trước sự tỏ tình của Đoàn Trung, nàng òa lên khóc vì sung sướng. Đoàn Trung xiết chặt lấy bàn tay búp măng kiều diễm của nàng:
- Thôi, ta vào đi em.
Đoàn Trung về rồi. Như Luyến như người mất hồn, ngồi thừ trong phòng khách. Thấy mẹ buồn, thằng Lập đề nghị:
- Sao mẹ không ra nghe ra-đi-ô như mọi bữa, hả mẹ? Bác Trung giận mẹ hay sao mà mẹ buồn thiu ra thế?
Sợ thằng bé hỏi vặn, bộc lộ tâm trạng của mình, nên nàng vội đứng dậy, sang phòng học. Chiếc máy phát thanh II đèn to tướng đã được vặn sáng. Ban thoại kịch của đài Sàigòn đương diễn một vỡ kịch vui tả lại cuộc tình yêu éo le giữa một cậu giáo nghèo đến kèm trẻ trong một gia đình trưởng giả, và cô gái đẹp đẽ, nhưng bình dân của gia đình này.
Trong vỡ kịch, xen vào các vai chính là một vai hề ý nhị. Thằng Lập vỗ tay reo ;
- Hay quá, hay quá!
Vai hề tự giới thiệu bằng những danh từ văn vẻ và rí rỏm khiến thằng Lập ôm bụng cười như nắc nẻ. Đến một đoạn, vai hề nói:
- Thưa bà con cô bác, chắc bà con cô bác nóng ruột muốn biết tên tôi là gì? Tôi xin thưa, vì cha mẹ tôi sinh tôi cao như sếu vườn nên người ta mới gọi tên là Kinh Kong, Kinh Kong….
Nàng giật mình tái mặt. Từ mấy năm qua, đột nhiên tiếng Kinh Kong quái ác lại được thốt bên tai nàng. Dầu lần này là trường hợp vui vẻ, nàng vẫn không quên được hôm đó ở bến tàu Nữu-Ước.
Như Luyến tắt ra-đi-ô và nói với thằng Lập:
- Thôi đi ngủ con, khuya rồi.
Thấy mẹ tự động tắt ra-đi-ô không hỏi ý nó như mọi hôm, đứa bé phụng phịu, nước mắt chảy quanh:
- Tai sao đương hay mẹ lại không cho Lập nghe nữa?Con bắt đền đấy!
Nàng đáp:
- Khuya rồi, mai còn đi học.
Thằng bé cũng không kém:
- Khuya đâu mà khuya, mới chín rưỡi mà mẹ bảo khuya ư? Tại sao nhiều hôm đã mười một giờ mà bác Trung ở đây bác muốn về, con đòi đi ngủ, mẹ cứ bảo là còn sớm chán?
Lý luận của thằng bé cứng quá! Không thể biện hộ nổi, nàng liền dùng quyền cha mẹ, mắng át:
- Mẹ nói, con không được cãi. Có chịu đi ngủ không?
Vốn ngoan sẵn, thằng Lập nhảy trên ghế xuống đi vào phòng ngủ, song le cố tình tỏ sự bất bình của mình bằng cách dậm chân xuống đất bành bạch.
Lệ thường, Như Luyến vẫn ngọt ngào với con. Đã bao năm, nàng không đánh con một roi. Nhưng hôm nay kỷ niệm xưa, những kỷ niệm vui buồn có, xâm chiếm hồn nàng. Nàng cần được thảnh thơi để suy nghĩ.
Chỉ mười lăm phút sau, thằng bé đã ngủ say. Ánh trăng bạc chiếu qua kẽ lá vào giường mẹ con nàng. Thằng Lập rúc đầu vào nách mẹ, một chân gác lên người mẹ, trên cái miệng bé nhỏ còn nguyên nụ cười tưoi tắn mà nó dành cho Như Luyến trước khi ngủ thiếp đi.
Cái nụ cười tươi tắn ấy, đêm nào nàng cũng thấy trên môi chồng.
Túc Lăng cũng là một bộ óc khoa học kỳ tài. Cái tài xuất chúng của chàng đã được Von Braun chú ý và nâng đỡ.
Trong thời gian ở Pháp, Túc Lăng liên lạc với một tổ chức cộng sản. Tuy nhiên, chàng chưa được giao công tác gì, mãi đến khi theo Von Braun qua Mỹ.
Một cán bộ do thám đến tiếp xúc với chàng, ngỏ ý cần một số tài liệu. Cũng như một vài nhà bác học khác, tin rằng muốn bảo vệ hòa bình phải san sẻ mọi bí mật nguyên tử cho bất cứ mọi ai trên thế giới nên Túc Lăng nhận lời.
Hành động tội lỗi này của chàng, Như Luyến không hay biết. Đến khi biết thì muộn rồi. Túc Lăng đã thành người thiên cổ.
Túc Lăng phụ trách nghiên cứu một thứ kim khí khả dĩ chịu được sức nóng và lạnh tột độ, để dùng vào việc chế hỏa tiễn. Chàng làm việc trong một phòng thí nghiệm bằng bê-tông cốt sắt, cách mặt đất hai thước, bên cạnh những hóa chất cực kỳ nguy hiểm.
Một hôm, tai nạn xảy ra: chiếc ghế điện trì nguyên tử dùng để thí nghiệm bỗng nhiên không tuân theo các bộ phận điều khiển nữa. Tia phóng xạ nguyên tử được thả lỏng, nhập vào cơ thể Túc Lăng. Hồi đó, tai nạn bị điện trì phóng xạ xảy ra là thường.
Hôm đó, Túc Lăng đương thử sức chịu đựng của một thứ kim khí mới. Chỉ năm phút nữa là chàng sẽ lên mặt đất về nhà, lái xe đưa vợ con đi câu ở ngoại ô.
Nhưng Thần Chết đã lại. Một cây kim trước mặt Túc Lăng vượt qua lằn gạch đỏ, báo hiệu nguy hiểm. Trên táp-lô điều khiển điện trì nguyên tử, cây kim thứ hai, rồi thứ ba, thứ tư, rồi tất cả lần lượt vượt qua cái gạch đỏ. Điện trì không kiểm soát được nữa, tia phóng xạ giết người sẽ bắn vào thân thể các nhà bác học.
Cùng một lúc với cây kim vượt qua lằn đỏ, tiếng chuông báo động reo vang, những tấm cửa bằng chì nặng tự động xập xuống ngăn cho tia phóng xạ khỏi lọt ra ngoài.
Là nhân viên chỉ huy, Túc Lăng phải ở lại đến phút chót, mở kỳ hết các bộ phận báo động và bảo vệ. Vì vậy chàng phải chết. Chàng phải chết cũng như nhà bác học Sơ-lô-tanh, người Gia-nã-đại, người đã tìm ra hộ thống bom nguyên tử đầu tiên, bị tia gam-ma phóng xạ giết chết năm 1946. (1)
Túc Lăng được đưa tới bệnh xá. Đồng hồ do tia phóng xạ cho biết chàng bị tới 1.000 roentgen, nghĩa là bị gấp đôi số phóng xạ chết người (2) .
Trong mười ngày sau tai nạn, bạch huyết cầu bị mất hết. Một trăm ngày sau, hồng huyết cầu bị hủy diệt. Cái chết đến từ từ, đau đớn, thê thảm, không phải đối với chàng, vì chàng là nhà bác học, chàng biết rõ, nhưng là đối với Như Luyến và thằng Lập mới mười mấy tháng.
Cái ngày ghê sợ đã đến. Đêm đó chàng thiếp luôn trên giường bệnh, thiếp đi để không trở lại cõi thế nữa. Nhưng trước khi từ trần, Túc Lăng đòi được gặp mặt Như Luyến. Cái gặp trước khi nhắm mắt là chuyện dĩ nhiên, nhưng đối với Túc Lăng, còn có một ý nghĩa quan trọng hơn nữa. Chàng cần gặp vợ để bộc lộ một tâm trạng đau khổ.
Túc Lăng hấp hối trong một bệnh viện lớn, trông ra bến tàu Nữu-Ước. Nằm trong phòng bệnh, qua ô cửa kính rộng như bức tường, chàng có thể thấy xa xa bức tượng Nữ Thần Tự Do….
Các bác sĩ và y tá đã ra hết, trong căn phòng trắng toát chỉ có một mình nàng ngồi cạnh giường. Không hiểu sao khi sang thế giới bên kia nhà bác học Túc Lăng lại sáng suốt và khỏe mạnh lạ thường. Chàng mở rộng đôi mắt nhìn vợ, từ từ kể lại câu chuyện mà chàng chôn giấu từ lâu dưới đáy lòng. Lời nói của chồng suốt đời có lẽ không bao giờ nàng quên được.
… Như Luyến ơi! em hãy tha thứ cho anh! Mãi đến lúc gần đất xa trời như bây giờ anh mới thấy anh lầm, lầm một cách tai hại. Anh là gián điệp của cộng sản. Anh đã đánh cắp tài liệu trao cho Nga Sô.
… Đúng ra sau ba lần tiếp xúc một cán bộ cộng sản, nhận tài liệu, anh bắt đầu hé thấy sự thật nhưng lúc đó anh không còn là anh nữa… Em ơi, lúc đó con người như là chiếc xe đứt thắng trên con đường đổ dốc, dầu anh có đầy đủ nghị lực đến mấy cũng không kềm hãm nổi. Người ta cứ lôi kéo mình đi và không thể nào cưỡng lại tuy mình không thích.
… Em còn trẻ, lại đẹp, anh không muốn em ở vậy mãi. Em hãy tìm người xứng đáng mà tái giá. Anh chết như thế này là đáng lắm, vì nếu không bị tai nạn trong phòng thí nghiệm, anh cũng sẽ tự tử. Nếu em không tin, em thử về nhà mở cái tủ két trong phòng ngủ sẽ biết. Anh đã viết sẵn một bức thư thú tội với em và nhà chức trách. Điều mà anh van xin là đừng mang chuyện này cho ai biết. Anh van em để linh hồn anh được yên nghỉ nơi suối vàng…. Để cho thằng Lập đinh ninh cha nó là người đáng kính, đáng yêu, có tinh thần ái quốc, chứ không phải là tên gián điệp hoạt động cho kẻ thù của Tự Do.
… Thôi anh sắp ra đi rồi… Chân anh đã lạnh… Kìa, cái lạnh đã lên đến đầu gối… Cái thư trong tủ két, nhớ đốt đi nhé, đốt và nghiền cái tàn vụn ra, bỏ chúng vào thùng tắm, giật nước đi cho hết nhá!....
Túc Lăng thở hắt ra một cái thật mạng, rồi im bặt, trên miệng còn phảng phất nụ cười âu yếm. Tang lễ của chàng được cử hành trọng thể, mọi nhân viên trong Trung Tâm Nguyên Tử đều đi đưa, có cả điếu văn cảm động của ông bộ trưởng Quốc Phòng và ông chủ tịch ủy ban Nguyên Tử Năng nữa. Đó là chưa kể hàng trăm bức điện và thư từ, từ khắp nơi gửi đến chia buồn, và những bài tường thuật kính cẩn trên mặt báo kèm chân dung của chàng.
Nhà bác học Túc Lăng bỏ mình trong vinh dự…. Nhà bác học Túc Lăng vĩnh biệt cõi thế, trong khi thừa hành công vụ, một công vụ cứu nhân loại ra khỏi sự tối tăm… Cái chết của thiên tài Túc Lăng, một cái tang chung cho thế giới tự do… Nhà bác học quá cố Túc Lăng, một công dân gương mẫu, một con người trọn đời hy sinh cho tự do….
Những giòng tít in đậm trên báo chí quốc tế đập vào mắt nàng. Túc Lăng được tôn cao như thiên thần. Nhưng nếu thiên hạ biết rằng thiên thần Túc Lăng chỉ là đảng viên cộng sản đánh cắp tài liệu của Trung Tâm trao cho cán bộ Nga Sô thì phản ứng của họ sẽ ra sao?
Như Luyến không dám nghĩ xa nữa. Nàng đã tuân theo di ngôn của chồng. Dầu chồng lầm lỗi, nàng vẫn thương chồng, vẫn kính chồng như dạo nào còn ở Ba-lê, nàng là sinh viên khoa học, chàng là giảng sư trẻ tuổi nhưng lỗi lạc của trường Soọc-bon…
Như Luyến cố tìm ra nguyên nhân của sự lầm lẫn đó. Nàng càng thương chồng hơn nữa sau khi đọc bức thư thú tội của chồng. Túc Lăng không phải là đảng viên cộng sản thực thụ, Túc Lăng cũng không phải là gián điệp chuyên nghiệp: Người ta lợi dụng chàng, ép buộc chàng, và như chàng dối dăng, chàng chỉ là chiếc xe không còn bộ phận hãm máy nữa….
Bọn cán bộ không đòi Túc Lăng đánh cắp tài liệu ở các phòng khác, mà là ở ngay phòng chàng, những tài liệu tự tay chàng viết ra về công cuộc tìm tòi một thứ kim loại đặc biệt dùng chế hỏa tiễn xuyên lục địa.
Mỗi khi họ cần, chàng thản nhiên về phòng thí nghiệm chụp lại tài liệu, rửa thành phim rồi trao cho một gián điệp tên là Kinh Kong. Kinh Kong là bí danh, tên thật chàng không biết. Chàng cũng không biết mặt mũi người đó ra sao, vì lần gặp nào cũng diễn ra trong bóng tối một công viên ban đêm. Có lần chàng định đánh ngã y. Nhiều phen Túc Lăng định cho công an và Phản Gián hay tự sự, nhưng hễ nghĩ đến lời hăm dọa của Kinh Kong, chàng lại chùn tay.
Kinh Kong cảnh cáo nếu chàng tiết lộ thì Như Luyến và thằng Lập, không phải chỉ đâm chết, mà là giết từ từ mỗi ngày cắt một bộ phận trong cơ thể rồi gửi bảo đảm đến cho chàng… Kinh Kong…. Kinh Kong… Cái tên khủng khiếp ngày nọ lại dội bên tai nàng do lời thốt ra của thằng Lập.
Những lúc này nàng mới cảm thấy sự có mặt của Đoàn Trung là cần thiết. Chàng chưa hề hôn môi nàng, chàng chưa dám có cử chỉ xuồng xã từ mười tháng nay, nhưng trong cái đúng đắn nghiêm chỉnh ấy, nàng đã đọc thấy mối tình chân thành và thắm thiết. Nàng sẽ nhận lời làm vợ Đoàn Trung. Vả lại chính Túc Lăng trước khi nhắm mắt cũng căn dặn, bắt nàng thề như vậy. Thề sẽ tái giá.
Như Luyến quay mặt sang phía thằng Lập cố ngủ. Ánh trăng chiếu rõ vết mực tím mà thằng Lập chơi tự quẹt lên má lúc nãy…
Nằm đã lâu mà Như Luyến vẫn không tài nào ngủ được. Chuông đồng hồ treo bên phòng ăn đã điểm hai giờ lúc nãy. Nàng nghe rõ tiếng xe hơi chạy ngoài đường, tiếng ông lão mù rao bánh mì nóng và tiếng giép lệt xệt của một bà già đêm nào cũng bán bánh chưng, giò chả trên đường liên tỉnh Chi Lăng…
Đột nhiên chuông điện thoại ở đầu giường reo vang…. Ai gọi nàng vào lúc này? Không lẽ ở Trung Tâm gọi, mặc dầu nhiều khi có chuyện cần gấp, viên giám đốc vẫn gọi thẳng cho nàng, nhưng chưa bao giờ xảy ra ban đêm cả. Hay là Đoàn Trung? Mà tiếng Đoàn Trung thật!
Chàng hỏi một cách lo lắng và rồn rập. Nàng nín hơi thở, lắng tai nghe:
- Luyến chưa đi ngủ ư? Tôi cũng thế. Tại sao hồi nãy Luyến không trả lời? Luyến trả lời đi. Nếu không, tối nay tôi sẽ thức trắng mất.
Như Luyến đáp nho nhỏ:
- Anh nói khẽ chứ, thằng Lập vừa cựa mình đấy. Em xin lỗi anh.
Đoàn Trung có vẻ hốt hoảng:
- Em, em từ chối ư?
- Thưa anh, em bằng lòng.
Như Luyến nghe rõ tiếng thở của người yêu ở đầu giây bên kia. Đoàn Trung im lặng một phút, như muốn để cái sung sướng tan thành hơi, lan vào các bộ phận trong cơ thể. Đoạn chàng nghẹn ngào:
- Anh yêu em lắm. Anh cũng tin rằng em sẽ bằng lòng.
Như Luyến kéo cái ống nói sát môi:
- Em cũng vậy. Em yêu anh lắm.
Lại im lặng một phút. Tiếng của Đoàn Trung:
- Thôi, em đi ngủ ngon nhá. Mai anh tới.
Đợi cho chàng đặt ống lên giá, nàng mới có can đảm hôn qua giây nói nghe chụt một cái. Ngực nàng nóng ran lên như vừa có bàn tay yêu đương của chàng. Những cảm giác say sưa của cái thuở ban đầu nàng gặp Túc Lăng, hồi còn là con gái, đột nhiên thức dậy trong lòng nàng. Toàn thân nàng run bắn lên. Như Luyến ôm ghì lấy con, cố ngủ.
Tiếng chuông lại reo vang. Như bắt được của, nàng nhốc vội ống nói, và không cần đầu giây bên kia lên tiếng, nàng đã nói hấp tấp:
- Anh Trung đấy ư? Trời, em cũng không ngủ được.
Không nghe tiếng Đoàn Trung trả lời, Như Luyến lại tiép:
- Anh giận em ư? Tội nghiệp. Em cũng yêu anh lắm.
Đột nhiên trái thương mãi nàng lạnh ngắt đi như bị dầm vào thùng nước đá. Tiếng nói của người đối thoại không êm êm, quyến rũ như của người mà nàng yêu, định lấy làm chồng. Tiếng nói không phải của Đoàn Trung. Một tiếng nói chắc nịch, lạnh lẽo, ráo hoảnh, có pha chút tàn nhẫn và gớm ghiếc. Trời ơi. Kinh Kong! Kinh Kong! Ma quỷ hiện hình! Nàng suýt rú lên một tiếng nhưng vì vốn giầu nghị lực nên nàng cố trấn tĩnh. Điện đàm đã cắt. Như Luyến đặt ống nói vào chỗ cũ.
Con ma Kinh Kong tái hiện. Một nỗi sợ mênh mang từ ngoài đất trời rộng lớn ùa vào tâm hồn Như Luyến.
Chú thích
1. Slotin
2. Roentgen là một đơn vị đo sức phóng xạ nguyên tử. Lệ thường, cứ bị vào khoảng ba, bốn trăm roentgen thì còn cứu được. Hiện nay bị phóng xạ nặng có thể cứu được, như trường hợp của nhà bác học nguyên tử Nam-Tư Maksic, Hodukovic, Grucle và cô Dougachich, bị một điện trì phóng xạ và được đưa sang Ba-lê cứu khỏi chết, bằng cách tiếp tủy. Nhà bác học chỉ huy Vranick bị đến 1.000 roentgen nên chết. Tai nạn xảy ra vào ngày 15-10-58 tại trung tâm nguyên tử Vinicha, cách Belgrade 15 cây số.