When you reread a classic you do not see more in the book than you did before; you see more in you than was there before.

Clifton Fadiman

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 125: Chuyển Về Trại Chính
háng 3/1970. Lúc này, về nghề mộc, ơn đảng và bác đã dạy cho tôi biết làm giường, bàn, tủ, ghế. Tôi đã trở thành một người thợ mộc chính dù chưa thể làm được những hàng mộc kỹ thuật, cao cấp như tổ kỹ thuật của Đinh Sơn.
Vì Mỹ đã thẳng thắn tuyên bố ngừng bắn phá miền Bắc và hẳn do những yêu cầu mới nào đó, trại rục rịch sẽ chuyển tù về trại xây, trại chính. Lê Văn Kinh, Nguyễn Văn Thú, Nguyễn Văn Bắc, tôi và một số người nữa được tách ra thành một nhóm theo bác Cát để tập làm nhà. Bác Cát đã có tay nghề 15 năm xàm nhà, dựng nhà ở miền Bắc. Bác bị bắt vì tội hoạt động trong đảng Liên Xã (Liên Minh Xã Hội) trong vùng Việt Trì, Phú Thọ. Bác bị bắt từ năm 1958.
Hàng ngày chúng tôi đi theo bác để tập xàm nhà. Làm nhà, tuy không luôn chân, luôn tay như làm mộc, nhưng rất nặng nhọc vất vả. Trời nắng hay trời mưa cứ phải phơi mặt ra ngoài sân. Hôm nay tôi phải tranh thủ, lén lút làm cho bác Tiến cái gối bằng gỗ. Cái kiểu gối giống như hình chữ nhân (X) để gối về mùa Hè cho nó mát. Thấy cái gối bác đang gối bằng một đoạn gỗ lim nặng chịch, tôi muốn làm tặng cho bác một cái gối kiểu mới mà không cho bác biết trước. Khâu làm đã phải lén lút che dấu, khâu đưa vào trại cũng không phải là dễ. Với người khác thì khó thật, nhưng như tôi đã trình bầy ở trên, tên Tân trật tự kỳ này rất biết điều với tôi. Thường thường mỗi khi toán về đến cổng trại, lúc y khám, vuốt, mò vào bụng, mò vào lưng tôi, thấy trà hay cái gi vi phạm nội quy, y nhìn tôi một cái như muốn nói “tôi bỏ qua đấy nhé” rồi y tiếp tục khám người khác. Vì vậy tôi tin tôi có thể mang chiếc gối về trại cho bác được.
Nhớ lại lúc giao thừa đêm trừ tịch của ngày Tết vừa qua. Giữa lúc chiếc loa treo ở trên cửa buồng, tên Tôn Đức Thắng đang phều phào đọc bản diễn văn chúc Tết thì bác Tiến bò nhỏm dậy. Bác thò tay sang màn tôi, đập vai gọi tôi dậy. Chẳng biết bác đã chuẩn bị từ bao giờ, bác rút trong túi áo ra một chiếc khăn mặt còn mới tinh. Một tay bác đưa chiếc khăn cho tôi, một tay bác đặt lên vai tôi, bác nói như thâm tình nhắn nhủ:
- Cháu Bình, đây là chiếc khăn mặt bác đã ủ trong người hàng tháng nay. Nhân dịp ngày Tết cổ truyền từ ngàn đời, linh thiêng của dân tộc, bác tặng cháu, để chuyển nhượng, để gửi gấm cho cháu những hoài bảo mà bác còn đang làm dang dở cho quê hương. Thế hệ của bác đã về chiều tối rồi, nhiều việc bác không thể còn mà được nữa. Qua một số ngày bác trao đổi với cháu, bác tin tưởng rồi đây cháu sẽ phải làm được một cái gì cho đất nước, cho giống nòi.
Tôi thấy lòng xốn xang, bàng hoàng. Một nỗi sầu ray rứt, rỉ dần ra trong lòng tôi. Tôi là một tên vô danh tiểu tốt. Tôi đang bị sóng đời dìm vào đáy vực tăm tối, chẳng biết ngày mai, và cũng chưa biết sống chết lúc nào. Nhưng nhìn ánh mắt thiết tha trao gửi của bác, nhìn mái tóc đã trắng gần hết đầu, tôi đành nhận, nén chặt tiếng thở dài để cho bác vừa lòng. Tâm trạng của tôi như một người bị cụt chân, nhưng thấy một người già yếu đang ì ạch đẩy một chiếc xe bò lên dốc, lòng thì muốn ghé vai đẩy giúp mà khả năng không còn. Tôi cũng thông cảm với nỗi lòng của những người già, khi tuổi đã về chiều. Nhìn về phía trước, con đường còn dài ngút ngàn vời vợi mà gối đã mỏi, chân đã chồn và sức đã tàn, lực kiệt. Chắc rồi đây cũng lại sẽ đến lượt tôi, nếu như tôi không chết trẻ.
Từ dạo theo bác Cát tập xàm nhà, để rộng chỗ đẽo và xàm, và cũng tiện chỗ để cho trâu kéo gỗ từ rừng về, chúng tôi được ra thao tác, lao động ở một bãi đất trống ngay cạnh lán thủ công. Không ngờ, vị trí của cái bãi này thật là tuyệt vời. Xa xa khoảng nửa cây số là cùng, trên chỏm một ngọn đồi về phía Đông, có một cây tùng già to tướng. Không biết nó đã bao nhiêu tuổi, nhưng khắp vùng này chả có một cây nào to như nó. Mà cũng chỉ có nó là tùng mà thôi. Xa xưa chả biết ai đã trồng nó hay hạt giống từ một phương nào bay tới. Nó um tùm, kềnh càng ra rất nhiều cành làm tím thẫm cả một ngọn đồi. Cứ sáng nào cũng vậy, nhất là vào những hôm trời trong vắt, không một vẩn mây. Tôi vừa lao động, vừa chờ mảnh mặt trời từ phía bên kia đồi mò lên, để có 15 đến 20 phút, được ngắm, được nhìn, được ngây ngất với cái kỳ ảo của thiên nhiên, của núi rừng.
Hôm nay cũng vậy, sau trận mưa dài một ngày, một đêm, núi rừng cảnh vật như được cọ rửa, lau chùi như mới. Trời cao xanh thẳm, chéo mãi phía Tây vài vẩn mây gầy lởn vởn như sương khói. Làn gió hiu hiu làm đong đưa vài chiếc lá sồi non phía trước mặt. Cảnh núi rừng của một sáng cuối Xuân, đầu Hè thật êm ả lạ thường. Vài tiếng hót “cọt kẹt” của mấy con chim sâu trong khóm vi lan dại càng làm rõ cái vắng lặng quạnh hiu của cõi hồn.
Kia rồi! Mảnh mặt trời đỏ như một cục máu đã lấp ló dưới gốc của cây tùng phía đồi bên ấy. Vừa mới chăm chú để ý bác Cát chỉ cho cách xàm một đầu của cái xà thượng vào một cây cột quân, thế mà mặt trời đã leo lên tới cái chỗ tôi đợi chờ rồi. Liếc nhìn tên Sỹ, cán bộ toán, tay y đang chỉ trỏ nói chuyện với bác Cát ở góc chiếc lều con. Tôi ném vội cả cái bướm lẫn dùi vào thùng đồ nghề. Vờ chạy lại chỗ đống lửa để hút điếu thuốc, nhưng mắt tôi đã hướng về phía cây tùng.
Lúc này vào khoảng 8 giờ. Mảnh mặt trời vừa chui vào cái chỗ nhiều cành lá rậm nhất của cây tùng. Trong cái đám xanh thẫm như một bức màn, từng chùm ánh sáng thọc xuyên qua những khe hở của cành lá, loe ra mọi hướng như lan quạt. Trông như những ánh đèn pha cực mạnh trong buổi tối trời. Chẳng hiểu nó phản xạ ra sao, chùm thì mầu tím hoàng hôn, chùm thì mầu xanh cánh chả; chùm vàng như lúa chín, chùm đỏ, chùm hồng, có chùm tím ngắt như mầu mắt giai nhân. Xuôi theo hai mé đồi, một mầu vàng chói, óng ánh viền trên những ngọn nứa. Một đàn cò trắng toát bay theo đội hình chữ “V” ngang lưng trời. Hồn tôi như luồn ra khỏi cơ thể để hòa lẫn vào thiên nhiên lung linh, mờ ảo.
Tôi liếc nhìn đây đó để tìm một ánh mắt ít nhiều đồng cảm với tôi trong lúc này, nhưng mọi người vẫn cắm cúi làm việc. Tưởng như cái đẹp hùng vĩ kỳ diệu này không hề có liên quan gì đến đời của họ. Lầu Phá Tra gò lưng với chiếc rìu đang đẽo cây cột cái ở phía đầu bãi đất. Không chịu được, tôi đã chạy đến kéo Tra nhìn về phía cây tùng. Anh ngẩng lên, mặt anh ướt đẫm mồ hôi. Vừa hổn hển thở, vừa nhìn về phía cây tùng, đầu anh gật gật không nói một lời. Tôi buồn một giây, trở về chỗ làm việc vì cũng là lúc cái giây phút thần kỳ của tạo hóa đã qua rồi. Những ánh đèn pha đã tắt, những mầu sắc mờ ảo lung linh đã loãng rồi. Mặt trời đã bò lên chỗ ngọn cao nhất của cây tùng.
Về đến chỗ làm một lúc rồi mà tôi vẫn còn băn khoăn mãi, không hiểu Tra gật gật đầu khi nãy là anh cùng đồng ý với tôi cảnh đó đẹp thật, hay ý anh định nói là anh đã nhìn thấy rồi? Tôi lại cúi xuống tiếp tục làm việc, nhưng óc tôi vẫn chảy dài vào một ý tưởng so sánh buổn cười: Khi nhìn một cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt vời, thì lại bảo là cảnh đẹp như tranh vẽ. Nhưng nếu nhìn một bức tranh vẽ thật đẹp, thật tài tình thì lại bảo tranh vẽ như cảnh thật.
Do những yêu cầu về chỗ ở, cho nên hầu hết toán 2 đều phải ra làm nhà hoặc phục vụ cho làm nhà. Nhiều những toán khác, trừ những toán trực tiếp sản xuất ra lương thực không kể, còn hầu hết các toán đều phải băm bã, đan tranh để lợp nhà.
Cuối tháng 8/1970, toàn trại E chuyển ra trại xây, vì ở ngoài ấy đã dựng xong 3 căn nhà và một căn bếp cho trại rồi. Khu kỷ luật cũ vẫn còn lại, như vậy những nét chính cho một trại giam đã hình thành: Có chỗ ở, chỗ nấu ăn và chỗ kỷ luật.
Trước ngày chuyển ra trại xây, lệnh ở trên cục Lao Cải (lao động và cải tạo) tha mười sáu người. Riêng toán 2 có hai anh được về: Lê Sơn, tập trung cải tạo 3 năm mà ở thành 11 năm. Thành Xuân Yên, tội chính chỉ có buôn lậu 5 kg chè búp với án phạt 6 tháng về hình sự. Nhưng khi tù bên hình sự anh lại hay chửi đổng, xuyên tạc chính sách nên trở thành phản động, bị tống sang bên chính trị. Anh phải lãnh cái lệnh tập trung cải tạo 3 năm, nhưng anh cũng đã ở thành 8 năm rồi.
Tôi nhớ lại về anh Yên, trong dịp học tập “lập công chuộc tội…” ở trong tổ học tập một lần anh đã phát biểu: “Tôi thấy đời sống ở trong tù còn thoải mái, dễ chịu, bình yên hơn ở nhà, vì vậy tôi xin biết ơn đảng và nhà nước, tôi muốn ở tù mãi”.
Buổi sinh hoạt có cán bộ chủ trì, lời phát biểu của anh có ghi biên bản. Nhiều người nhìn anh ngạc nhiên, nhất là tôi. Tôi nghĩ đây là một cách nói “lẫy” của anh. Nhưng khi phát biểu, mặt anh rất chân thành, tỏ ra đấy là ý nghĩ thực sự trong lòng anh. Tuy vậy tôi vẫn bán tín, bán nghi. Hôm sau tôi đã lựa lời hỏi riêng anh, anh đã giãi bầy tâm sự:
- “Anh thử tính xem, ở ngoài, tôi có vợ và 2 đứa con nhỏ với một mẹ già. Cả hai vợ chồng tôi đều làm cho hợp tác xã nông nghiệp ngay ở quê tôi. Năm nào cũng vậy, cứ chia bình quân đầu người, mỗi tháng là 14 kg thóc. Cả nhà 5 miệng ăn mà chỉ có 28kg thóc, ăn trong một tháng. Bữa cháo, bữa cơm cũng không đủ, rồi cảnh mẹ già thường bịnh hoạn, ốm đau. Vợ chồng tôi phải làm đêm, làm ngày, ngay ban đêm, giấc ngủ cũng không yên mà vẫn túng, đói nên tôi phải theo người ta đi buôn chè, để rồi bị bắt.
Tám năm tù. Hai năm sau ngày tôi bị bắt, mẹ tôi đã chết, vợ tôi đã bỏ nhà đi theo trai. Năm ngoái, đứa con trai 10 tuổi chết vì bệnh kiết lỵ. Còn lại đứa con gái 12 tuổi đang bị bệnh hen suyễn, sống lây lứt trong hợp tác xã. Tôi mà được về bây giờ, tôi còn khổ cực, lo toan hơn ở đây nhiều. Trong tù tuy mất tự do, tuy đói, nhưng bữa nào cũng có ăn. Về quê, lại là người mang cái tội phản động đi tù về nữa, chẳng ai cho mình làm ăn gì, cho nên tôi nói thực với anh là tôi không muốn về”.
Ngày chuyển trại, hôm ấy cũng thật là vất vả. Do anh em tù đầy lâu dài, nhiều năm tháng nên đã có kinh nghiệm. Theo nguyên tắc, đồng thời cũng là một kế hoạch của trại giam là mỗi khi chuyển tù từ trại này đi trại kia, cán bộ thường giữ bí mật tối đa. Nhiều khi họ còn tung tin hỏa mù, đánh lạc hướng để cho mọi người tù bị bất ngờ nhất.
Đợt này tuy chỉ chuyển từ một phân trại này qua một phân trại khác của cùng một ban giám thị, vậy mà anh em tù cũng không hề một ai biết. Tuy mọi người có nhiều kinh nghiệm nghe ngóng, thăm dò, bén nhậy bắt, chộp từng hiện tượng, từng lời nói sơ hở của tụi cán bộ mà lại vẫn còn bị bất ngờ về cái không ngờ.
Thường thường nhà tù là hình thức của một xã hội thu nhỏ, cô đọng. Vì là cả một cuộc đời cho nên mỗi người đều có ít nhiều những cái riêng tư, bí mật. Tiền bạc, dao, lược, nợ nần, giấy tờ, hẹn hò v.v… Đùng một cái phải chuyển đi trại khác là mất luôn, thường là cả đời chả gặp lại nhau nữa.
Những tháng trước, do chuyển gỗ và dựng nhà ở trại xây, anh em ai cũng hiểu là sẽ chuyển trại, nhưng không biết khi nào. Khi mò mẫm, thu lượm những nguồn tin từ trăm tai, nghìn mắt của anh em đã nắm được ngày chuyển trại, cho nên ai cũng khôn khéo chuẩn bị ổn định những cái riêng tư của mình. Nhưng không ngờ ngay buổi sáng hôm ấy, khi ban giám thị có lệnh mang hết quần áo chăn, chiếu, công tư trang ra ngoài sân. Ai cũng lo buộc gói cẩn thận để khênh, gánh đi đường, thì bất ngờ được lệnh tổng kiểm tra. Đây là một điều rất hạn hữu, thông thường thì chỉ trại nào nhận tù đến mới khám, mới kiểm tra mà thôi. Chính vì thế, rất nhiều anh em bị tịch thu giấy tờ, sách vở (học Anh, Pháp văn lén lút) thậm chí cả tiền bạc.
Anh Bùi Tâm Đồng mặt nhầu như chiếc giẻ lau, rỉ tai thổ lộ với tôi: Anh có 2 tờ giấy 5 đồng (tiền ngoài xã hội, không phải loại tiền âm phủ của trại), anh đã hao tốn bao công sức đổi chác và giữ gìn từ mấy năm nay trong kế hoạch vượt thoát của anh. Thế mà, nếu anh không có cái nghệ thuật “búng” điêu luyện thì chắc chắn sẽ bị vừa mất của mà còn phải đi cùm nữa. Nghĩa là chỉ cần một, hai giây, hay một cái liếc mắt, dù cán bộ đang vuốt, khám người anh, tiền vẫn có thể vo viên búng đi xa hằng 5 – 6 mét mà không ai nhìn thấy. Từ trước người ta thường chú ý đến đối tượng cho vào miệng nuốt.
Khi ra đến trại ngoài, đã có 4 anh phải vào nhà kỷ luật. Ba anh vì tiền, một anh vì một lá thư có lời lẽ phản động, định lén lút gửi về gia đình, nhưng chưa kịp gửi. Còn lược nhôm, dao và đồ dùng thì bị thu vô kể. Toán 2 và 3 vẫn ở chung, cùng được chuyển vào nhà số một ở gần ngay phía cổng trại. Một chiếc cổng xây kiên cố 2 tầng còn lại không bị phá.
Như trên tôi đã nói, lúc này trại dốc toàn lực lượng để làm nhà và dựng nhà. Dựng nhà cho tù ở, lán cho tù lao động và dựng nhà cho cán bộ ở. Khu vực, đất đai trong vòng tường xây của trại rộng gấp 5, gấp 6 lần trại E. Do đấy từ buồng số I (phía gần cổng trại) xuống nhà bếp lấy cơm nước thật xa đến 300 mét. Bởi vậy, những ai phải phiên trực lấy cơm cho mâm, đều phải chạy mệt nghỉ.
Chỉ hơn 3 tháng sau, khi những làn gió lạnh mùa Đông ở mãi bên Trung Quốc bắt đầu mò về, đuổi dòng tộc những chú ve sầu đi về phương trời khác, thì trại đã tươm tất thành từng khu vực riêng biệt. Từ cổng trại đi vào, ngay phía tay phải là khu C gồm 3 căn nhà mới xây, kiểu cơ bản. Một loại nhà tường xây, lợp ngói, kèo, đòn tay…bằng gỗ xẻ vuông, lắp, ghép lại bằng đinh và bù loong (miền Bắc gọi là nhà kiến thiết cơ bản). Khi chúng tôi được chuyển từ trại E ra, thì đã có 3 căn nhà này rồi. Ba căn này vừa mới xây xong, mới lợp ngói và hoàn tất được 1 căn nhà, còn 2 căn nữa đang lợp ngói dang dở. Hẳn đây là những công trình mà công nhân bên ngoài đến làm. Chắc do sự ngăn cách giữa tù và công nhân xây dựng nên họ đã để lại cho tù làm tiếp. Mặc dù nghe nói như thế, nhưng chúng tôi chẳng thấy bóng dáng một người công nhân nào, có lẽ họ đã đi rồi khi chúng tôi đến.
Về phía tay trái là khu A, khu vực tù chính trị gồm có 4 nhà, mỗi nhà chứa hơn 100 tù. Đi vào nữa là nhà hội trường cho cả khu A và khu B. Khu B phía trong là khu tù hình sự, gồm có 5 nhà. Trừ khu C có 3 căn nhà xây cơ bản, toàn trại nhà đều bằng gỗ lợp phên nứa. Mỗi khu đều có hàng rào kín bằng nứa chẻ đôi, cao chừng 4 mét ngăn cách riêng biệt. Ba khu có 3 cái giếng riêng. Một cái giếng riêng cho nhà bếp nữa, như vậy toàn trại có 4 cái giếng nước.
Trên nguyên tắc, giữa các khu tuyệt đối không được liên lạc quan hệ. Dù vậy, với những cái tinh quái của người tù và những nhu cầu của cuộc sống trong tù, vẫn có một số người dùng nhiều cách, lén lút liên lạc để mua bán, đổi chác: trà, thuốc lá, thuốc lào v.v…giữa hình sự và chính trị. Chỉ có khu C, mới có một căn hoàn chỉnh, tuy đã có tù ở nhưng cách một bức tường cao, chúng tôi chưa biết gì về những người tù trong ấy.
Chung quanh trại là bức tường xây bằng đá hộc cao 5 mét. Tuy vậy phía bên trong vẫn có một hàng rào nứa cao 1 mét rưỡi, cách tường 1 mét, gọi là hàng rào cấm. Không kể nơi cổng, chung quanh trại có 4 chòi gác của công an vũ trang.
Như vậy vào cuối năm 1970. Trại chính trung ương số I Phố Lu, Lào Cai hay gọi là K1, xấp xỉ trên dưới một ngàn tù nhân, trong đó có hơn 400 là tù chính trị. Trại lúc này, vẫn do tên Phạm Huy Tân từ trong trại E ra làm trật tự, cả khu A và khu B. K2 là trại nữ cách K1 khoảng hơn một cây số đường chim bay. Còn K3, K4 và K5 thường ở rải rác trong rừng. K này cách K kia chừng 4 – 5 km.
Được chuyển về trại xây, đối với tôi có ý nghĩa và thích thú là nhất là ở hội trường có một thư viện con con, do một anh tên là Phạm Thành trông coi, quản lý. Anh là giáo viên cấp 2, bị tội hủ hóa, thuộc bên hình sự. Điều này thật là bất ngờ đối với tôi. Trước đây tôi không bao giờ nghỉ tới và cũng chả có ai nói với tôi, trong trại giam lại có thư viện.
Tôi nhớ lại, sau ngày chuyển ra K1 này hơn 2 tuần lễ. Sau những ngày bận rộn túi bụi buổi ban đầu cho tạm ổn chỗ ăn, chỗ ở. Tôi chưa có thì giờ nhìn hình thể cái trại nó ra sao, chứ đừng nói mò mẫm ra hội trường làm gì.
Một buổi trưa, sau 4 giờ liền, lao động dựng nhà mệt nhọc, về nghỉ ăn cơm. Ăn xong, tôi xách túi bát đĩa vào buồng, chuẩn bị đánh một giấc ngủ ngày mươi phút. Thoáng thấy anh Lê Liễu, nằm ở sàn dưới đang mải mê đọc một cuốn sách thật dầy. Trông thấy sách như trông thấy hoa, tôi xán đến. Đang nằm, quay lại, thấy tôi, anh bò nhổm dậy tươi cười, nói nhỏ:
- Ngồi chơi anh Bình!
Phần vì không muốn làm phiền những người bên cạnh đang ngủ trưa, phần khác, cũng chẳng muốn quấy rầy chính sự yên tĩnh của anh, nên tôi chỉ vào tập sách anh đã gập lại, hỏi khẽ:
- Anh đọc sách gì thế?
Lúc tôi hỏi anh cũng là lúc tôi đã nhìn thấy nhan đề cuốn “Chiến tranh và hòa bình” của Léon Tolstoi, khi anh đẩy cuốn sách nghiêng nằm ra. Bởi vậy tôi hỏi tiếp là sách của anh hay của ai?
Khi anh cho biết là trại có một tủ sách ở ngoài hội trường, tôi vội cám ơn anh và đi ngay lên hội trường. Vì muốn qua sông nên phải lụy đò, vì yêu sách nên tôi phải yêu cả người coi sách là chuyện cuộc đời rồi, nhưng còn một lý do nữa cũng không thể bỏ qua: khi hai người cùng một sở thích thì thường mến nhau. Anh Thành thích sách và tôi yêu sách nên dễ dàng trở thành bạn.
Thư viện trại I, nói là thư viện là nói theo lối ăn to, nói lớn của cộng sản, chứ thực ra cũng chỉ có khoảng hơn 400 cuốn sách. Đa số là sách lý luận chính trị, rồi đến nông trường, nhà máy, khoa học kỹ thuật. Tuy vậy có một số sách dịch cũng đáng đồng tiền bát gạo: Ruồi Trâu, Sông Đông Êm Đềm, Người Thứ 41 v.v…dịch từ sách của các nước xã hội chủ nghĩa. Trong trại, giai đoạn ấy có một cuốn sách khó mượn nhất, vì thường có đến hàng chục người đăng ký chờ mượn rồi. Đó là cuốn “X30 phá lưới”, một câu chuyện tình báo tưởng tượng khá ly kỳ, hấp dẫn giũa tình báo miền Bắc và nên đệ nhất Cộng Hòa miền Nam. Vai chính trong truyện là Phan Thúc Định, một tên điệp viên cao ráo, đẹp trai, học thức được cài vào cơ quan đầu não của chính quyền miền Nam. Nó tung hoành, xỏ mũi ông Nhu, bà Trần Lệ Xuân cho đến các tướng, tá. Thậm chí cả những tên CIA, Mỹ kếch xù, cũng bị Định dắt cho đi chơi mát.
Theo quy định, mỗi tù nhân được mượn một cuốn sách trong một tuần. Nếu cuốn sách nào hay, có khi phải đăng ký chờ 4 – 5 tháng sau mới được đọc. Nhưng như trên tôi đã thưa rồi, tôi và anh Thành đã trở thành bạn. Tôi nghiễm nhiên được đứng hàng thứ nhì trong 4 cái tiêu chuẩn, có nội lực vô cùng thâm hậu trong sinh hoạt xã hội dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt:
Nhất ngoặc (tiền)
Nhì thân (bạn, thân thuộc)
Tam thần (có quyền)
Tứ thế (quen biết những người có chức, có quyền)
Tôi chỉ chịu thua có đồng tiền. Vì đồng tiền càng trong một cái xã hội nghèo đói, thì uy lực của nó càng kinh hồn. Vì tiền là bà tiên, ông phật có khả năng hoán chuyển tất cả mọi vấn đề theo ý mình muốn. Tóm lại, tủ sách trại I do anh Thành quản lý, tôi tha hồ thao túng, và cũng từ đấy tôi miệt mài bạn bè với sách vở.
Tôi chuyển đối ý đồ của cộng sản. Chúng dùng sách báo để tuyên truyền, cải tạo tư tưởng của phạm nhân. Tôi lại dùng sách báo của chúng như những điểm tựa, những cơ sở để thắp lên ngọn đèn pha soi sáng thực tế. Dần dần cho phép tôi nhìn sâu vào bản chất của chế độ cộng sản.
Dạo này nhân số của trại càng ngày càng đông. Không những ở bên phía khu B hình sự, cứ vài ngày lại có một nhóm tù đến mà ngay bên khu A chính trị cũng vậy. Hôm qua có một nhóm 4 người mới nhập trại. Hai người về toán 3 xẻ, hai người về toán 2 mộc. Qua dáng dấp và cách ăn mặc, tôi có cảm tưởng cũng là người của miền Nam như chúng tôi.
Quả vậy, sáng hôm nay, một anh được phân công đi theo tôi làm thợ phụ, học xàm nhà nên tôi đã hiểu sơ sơ: anh tên là Nguyễn Cao Sơn, chuẩn úy, sĩ quan Thủ Đức khóa 20. Án phạt 20 năm. Một anh nữa cũng ở toán 2 là người Tầu. Anh tên là Trương Nàm Tráng, án phạt 12 năm. Hai người nữa ở toán 3 (xẻ) là:
Nguyễn Như Ánh – Án phạt 15 năm.
Trần Quốc Quang – Án phạt 10 năm. Anh này cũng là người Tầu, nói tiếng Việt còn chưa rõ.
Mấy hôm sau, tôi nghe dư luận: nội vụ của toán biệt kích này, có một vài ẩn khúc không bình thường. Tôi chủ trương, sau này có dip sẽ tìm hiểu kỹ lại.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen