Số lần đọc/download: 22739 / 122
Cập nhật: 2015-10-14 21:37:32 +0700
Z.28 Một Vụ Đánh Cắp Tài Liệu Nguyên Tử - Chương 1: Án Mạng Dưới Tàu Hokan Maru
L
ời chú thích quan trọng:
Đây là một cuộc phiêu lưu kỳ thú của điệp viên Văn Bình Z.28, một nhân vật tiểu thuyết. Vì vai chánh Văn Bình là tiểu thuyết nên các nhân vật khác, tình tiết khác, mặc dầu dựa vào thực tế địa lý và thời sự, chỉ là sản phẩm của tưởng tượng. Tác giả trân trọng nhắc lại một lần nữa rằng nếu có sự gần gận nào với việc đã xảy ra thì đó chẳng qua là ngẫu nhiên khách quan, ngoài ý muốn của người viết.
Mới 4 giờ chiều mà trời bỗng tối sầm lại. Mây đen kéo vần vũ ở chân trời, che lấp những tia nắng cuối cùng của buổi chiều tháng tư trên cửa sông Sàigòn.
Ngọn gió báo mưa từ ngoài khơi thổi lại. Dựa vào lan can con tàu Hokan Maru treo cờ Nhật, Kô-băng nhìn về phía thương cảng đương chạy dài trước mắt. Xa xa một lùm đen cây cối, đó là khu công xưởng Hải Quân và vườn Bách Thảo: cây cột cờ sơn trắng cao ngất còn nguyên lá cờ vàng ba sọc chưa rút xuống, gần đó là những thương thuyền mới ghé bến, sườn sơn màu xám hay trắng đục, xen lẫn hàng ngàn chiếc ghe của bạn chài, của những gia đình lênh đênh trên sông Sàigòn, đọc bến Bạch Đằng và Tân Thuận Đông.
Chiếc Hokan Maru cập bến số 7. Thủy thủ lăng xăng ghì tàu vào cột bến. Tiếng ồn ào trên bờ tuôn xuống tàu làm Kô-băng suýt điếc tai. Một tiếng ồn ào quen thuộc, kết hợp bởi nhiều âm thanh kỳ quặc, mà bến tàu nào cũng có, mà người thủy thủ nào cũng nghe khi con tàu ghé đất liền.
Mọi người tất tả làm việc bởi vì trời sắp nổi cơn bão. Bản tin tức khí tượng mà thuyền trưởng nhận được mấy phút trước trù liệu một cơn giông sẽ từ biển Phi-Luật-Tân ào tới trước khi chiều xuống.
Vẫn không rời lan can tàu, Kô-băng ngước nhìn viên thuyền trưởng người Nhật đương ra lệnh cho thủy thủ bằng máy vi âm. Thuyền trưởng Sa-tô-đa người lùn nhưng to ngang, nét mặt lì lợm… cái lì lợm rám nắng của kẻ sống nhiều trên mặt biển mặn chát. Sa-tô-đa là một viên chỉ huy giỏi giang và sắc sảo, đầy tin tưởng vào sức khỏe vật chất và tinh thần của mình. Sa-tô-đa tin tưởng là phải, vì trước đây y là một võ quan hải quân nổi tiếng ở Trân-châu-cảng. Chiến tranh chấm dứt, Sa-tô-đa giải ngũ và được một hãng buôn chọn làm thuyền trưởng tàu Hokan Maru trên đưòng biển Viễn-Đông.
Giọng Sa-tô-đa qua máy phóng thanh át cả tiếng gió gầm trên thương khẩu. Thủy thủ vâng lệnh răm rắp, chục người như một, vẻ kính sợ hiện rõ trên nét mặt.
Nhưng có một thủy thủ không sợ thuyền trưởng. Thủy thủ đó là Kô-băng.
Kô-băng cao hơn Sa-tô-đa một cái đầu, bề ngang của đôi vai rộng hơn, ngực lại dầy hơn. Kô-băng không có cặp mắt một mí trầm tưởng và cái miệng nho nhỏ, vừa vặn của dân Phù-Tang tam đảo.
Trông Kô-băng, người ta không đoán được y là người xứ nào, ở Á Đông. Tuy nhiên, mũi Kô-băng lại cao cao như người phương Tây. Thật ra, Kô-băng không là người Nhật mà là một sự hỗn hợp tinh vi giữa màu da vàng Nhật-Bản với người Nga.
Kô-băng không sợ Sa-tô-đa, trái lại còn coi thường nữa là khác. Vì dưới bộ áo thủy thủ hạng nhì của tàu Hokan Maru ghé bến Sàigòn, y là thượng cấp của thuyền trưởng Sa-tô-đa.
Kô-băng là một nhân viên quan trọng của sở R.U. (1) Viễn-Đông mà tổng hành dinh đóng bí mật tại Nhật-Bản, cử tới Việt-Nam hoạt động.
Thủy thủ trên tàu không biết Kô-băng là ai cả. Ban đêm, buổi trưa, Kô-băng cũng nằm võng, cũng đánh bài ăn tiền trong phòng, nhưng y không hé răng tâm tình như bạn thủy thủ cùng tuổi. Y mới 34 tuổi nhưng là tinh hoa của trường Do Thám của Nga Sô ở Cộng Hòa Uy-cờ-ren (2) .
Tuần trước; tàu Hokan Maru còn buông neo ở Hoành Tân. Sa-tô-đa nhận được lệnh của R.U. chở một thủy thủ mới rời Nhật-Bản. Chở đi đâu, Sa-tô-đa không biết và không được quyền biết, vì y chỉ là điệp viên ăn lương từng vụ, và trung ương R.U. đã dặn rõ Sa-tô-đa phải tuân theo mọi đòi hỏi của Kô-băng.
Từ giã Hoành Tân, chiếc Hokan Maru ghé Hương-cảng, Ma-ni, Tân-gia-ba và trên đường về lưu lại Sàigòn, chở hàng hóa về Nhật. Đến Hồng-kông, thủy thủ lên bộ, Kô-băng vẫn nằm lì trong phòng. Kô-băng cũng không rời tàu ở Tân-gia-ba. Sàigòn là chặng nghỉ sau chót, trước khi về Nhật.
Cơn giông mùa hạ đã làm bầu trời đen kịt. Ngọn gió không còn mang lại hơi mát nữa mà là cái hơi nồng nặc, tức ngực của những thùng ma-dút chất đống gần bến đò Thủ Thiêm. Đột nhiên, mưa đổ rào rào như thác. Mưa nhiệt đới bao giờ cũng gấp gáp và trâng tráo như vậy.
Kô-băng mở cửa phòng thuyền trưởng vào từ nãy. Sa-tô-đa vừa lau giọt mồ hôi trên trán lẫn với nước mưa vừa đẩy cửa phòng vào.
Kô-băng ngồi yên trên ghế, không thèm đứng dậy. Đã quen với cử chỉ kẻ cả của Kô-băng nên Sa-tô-đa không lấy làm phật ý.
Thở một hơi thuốc lá thơm đắt tiền, Kô-băng hỏittr Sa-tô-đa:
- Thủy thủ đã được phép lên bộ chưa?
Sa-tô-đa đáp một cách nhọc mệt, phần vì chỉ huy trong trận bão lớn, phần khác vì mãi nghe giọng nói trịch thượng của Kô-băng:
- Rồi.
Kô-băng đứng dậy, vặn lưng kêu đánh "rắc" một cái:
- Tôi lên bộ ở đây.
Sa-tô-đa giật mình, như vừa tỉnh giấc mơ đồng thiếp:
- Chút nữa hẵng lên. Đợi tôi tối một chút nữa. Đội an ninh thương cảng ở đây đắc lực lắm chứ không lơ mơ như ở nơi khác dâu. Chỉ sơ suất một tí thì….
Kô-băng khoát tay:
- Anh không có bổn phận dậy tôi. Việc tôi, tôi lo, việc anh, anh liệu.
Sa-tô-đa nuốt nước bọt ừng ực:
- Vì tình anh em tôi góp ý như vậy. Mặt khác, nếu họ biết anh từ tàu tôi xuống, tôi sẽ bị làm khó dễ. Tuy nhiên, tôi muốn hỏi anh một điều: lúc rời Hoành Tân, ông chủ hứa khi nào anh muốn lên bộ tôi sẽ hỏi anh cách nói thế nào để nhà chức trách địa phương không phiền nhiễu và do đó làm bại lộ công việc. Anh còn lạ gì chính phủ Nhật, đồng minh của chính phủ Sàigòn, họ sợ bên ngoài nhập cảnh lậu nên đã kiểm soát danh sách thủy thủ cẩn thận, kiểm soát ngay từ Hoành Tân, chứ chẳng phải đợi đến đây nữa. Tên anh đã được ghi vào sổ bạ thủy thủ. Bây giờ anh rời tàu Hokan Maru, đêm nay hay mai kia nhỡ họ lên khám xét thì tôi biết nói sao?
Kô-băng buông thỏng:
- Nhật là nước đồng minh, có bao giờ họ lại xét trên tàu như vậy?
Sa-tô-đa chống chế:
- Cho dẫu họ không lên tàu nữa, nếu trong số thủy thủ có người làm cho họ, hoặc cho Sở Phản Gián Đông Kinh thì sao? Tôi bị lộ thì sao anh chẳng hỏng việc.
Kô-băng mỉm cười, nhe hàm răng trắng toát và nhỏ như răng chuột:
- Khỏi lo, rồi tôi sẽ cho anh biết. Bây giờ anh đưa tiền cho tôi.
Sa-tô-đa gật đầu, đoạn móc túi lấy chìa khóa. Số tiền mà R.U. gởi Sa-tô-đa cất và giao cho Kô-băng khi lên bộ không phải là nhỏ, và số tiền mà R.U. thưởng cho Sa-tô-đa cũng không ít vậy. Nghĩ đến cái "xéc" có mấy con số dê-rô ở sau, Sa-tô-đa thấy man mát trong ruột như vừa ăn một cốc cà-rem. Thôi, rán một vài phút nữa, Kô-băng sẽ đi khuất mắt.
Sa-tô-đa quay lưng ra phía Kô-băng ngồi hút thuốc, lưng hơi gập xuống, lúi húi vặn cái tủ két gắn luôn vào thân tàu.
Cuộc tấn công diễn ra trong một thời gian chưa đầy nửa tích tắc đồng hồ. Cửa két sắt vừa mở thì Kô-băng đã cho tay xuống chiếc tất len ở chân trái, rút ra một lưỡi dao bấm, thứ dao mà lưỡi nhỏ xíu nhưng sắc như dao cạo, bấm vào một cái nút ở chuôi là lưởi dài gần hai tấc nhảy phọt ra ngoài.
Con dao nhảy khỏi bàn tay thành thạo của Kô-băng cắm phập vào sau gáy thuyền trưởng tàu Hokan Maru. Trúng chỗ phạm, Sa-tô-đa đứng dựng hẳn lên, rồi ngã luôn vào phía trong két.
Lúc phóng dao, Kô-băng vẫn ngồi một cách bình thản, bên tay trái, điếu thuốc lá Mỹ vẫn còn bốc khói nghi ngút. Thấy Sa-tô-đa ngã xuống, y mới đứng lên, rút lưỡi dao khỏi gáy, rồi lau máu vào thân áo trắng muốt giữa hàng cúc mạ vàng óng ánh của viên thuyền trưởng xấu số.
Kô-băng lôi ra cái cặp da màu đen đựng đầy giấy bạc. Y lấy ra một khẩu Colt 45 mạ kền bóng loáng và một hộp đạn, bỏ tất cả vào túi áo trong.
Bây giờ còn xác Sa-tô-đa nữa?
Bên ngoài trận bão vẫn thổi mạnh. Giòng sông Sàigòn bồng bềnh lên, sóng dữ như ở biển khơi. Trong phòng thuyền trưởng Kô-băng mở cánh cửa cấp cứu.
Trời đã tối. Những chiếc tàu gần bên đã lên đèn. Một vài con thuyền lẻ tẻ buộc chặc vào bến cũng có ngọn đèn thắp hơi đất, nhưng ngần ấy ánh đèn không đủ sức xua đuổi khí tối bao trùm lấy sông nước. Trời mùa hạ bao giờ cũng tối sớm. Nhất là những buổi chiều mưa giông dấm dẳn như hôm nay.
Tin rằng mọi người đã chui vào phòng để tránh mưa giông, Kô-băng ném cái xác ngăn ngắn của Sa-tô-đa qua khung cửa xuống sông. Kô-băng không quên gói Sa-tô-đa vào một chiếc chăn dạ xám và buộc vào chân tử thi một quả tạ 50 kí lô, thứ tạ mà Sa-tô-đa thường cử lên cao quá đầu mỗi buổi sáng cho bụng khỏi ứ mở. Giờ này nàm dưới sông Sàigòn, Sa-tô-đa không còn lo to bụng nữa.
Kô-băng lẩm bẩm một mình:
- Ông chủ đỡ tốn 5.000 đô-la. Tham lắm cho chết, con ạ!
Năm ngàn mỹ kim là món tiền thưởng hậu hĩ mà "ông chủ" hứa trao cho Sa-tô-đa sau khi hoàn thành công việc. Sở R.U. còn cần tiền để làm nhiều công chuyện khác, đâu có dư dật để làm giầu cho anh chàng thuyền trưởng hám tiền Sa-tô-đa.
Vả lại, nếu đã mua được bằng tiền thì mai kia Sa-tô-đa sẽ có thể đem bán bằng tiền. Biết đâu ít lâu nữa, người ta lại chẳng đem 10.000 đô-la ra dử trước mũi Sa-tô-đa và hắn sẽ đem bán Kô-băng cho họ? Cẩn tắc vô áy náy, chỉ có bịt miệng Sa-tô-đa vĩnh viễn là ổn nhất.
Lúc ông chủ bắt tay Kô-băng ở Hoành Tân và rót cốc rượu bồ đào thơm phức mời Sa-tô-đa, chính là lúc mà Kô-băng được lệnh thủ tiêu viên thuyền trưởng Hokan Maru khi cập bến Sàigòn.
Kô-băng xốc lại cổ áo vét-tông, mở cửa phòng. Y không còn thu mình trong bộ y phục thủy thủ hàng hải nữa mà là thoải mái trong bộ tét-gan mới cắt, không thấm nước và không nhầu nếp, màu hồng nhàn nhạt. Kô-băng sính màu hồng như cái ông tỉ phú, chủ hãng Kaiser ở Đức, đến đâu cũng tô màu hồng, nhà hồng, quần áo hồng, thậm chí đến tàu thủy của ông cũng sơn hồng nữa.
Tóc Kô-băng láng mượt, tạo cho y cái phong cách của một nhà doanh nghiệp giàu có. Y đeo luôn cái kính cận thị vào mắt. Kô-băng không cận thị, nhưng phải đeo như vậy để khỏi bị công an Sàigòn nhận diện sau này.
Cửa vừa mở, ngọn gió từ đầu kia thổi vút lại làm Kô-băng rùng mình. Kô-băng không rùng mình vì lạnh, vì trời bên ngoài còn nóng nực, mặc dầu bão lớn. Y rùng mình vì thấy chương trình của mình bị vấp chướng ngại vật.
Chướng ngại vật đối với Kô-băng là một người đàn bà. Một thiếu nữ thì đúng hơn, với cái thân hình cân đối, đôi chân dài dấu sau lần tất ni-lông, cái xiêm Tây phương kéo cao trên đầu gối, cái áo hở cổ mở rộng xuống phía dưới, để lộ một làn da trắng muốt, và một bộ ngực tròn trĩnh, cứng chắc và khiêu khích.
Thấy Kô-băng bước ra, nàng mỉm cười thi lễ:
- Chào ông.
Thiếu nữ nói bằng tiếng Pháp. Nói bằng giọng rất đầm. Thi ra thiếu nữ là đầm lai.
Kô-băng lấy lại bình tĩnh. Chương trình của y chắc không thể nào bị lộ. Có lẽ thiếu nữ này là một trong những cô nhân tình ghé bến của Sa-tô-đa chăng?
Kô-băng đoán không lầm. Nàng hỏi Kô-băng:
- Xin lỗi ông, tôi là bạn gái của thuyền trưởng Sa-tô-đa. Lần nào tàu Hokan Maru ghé Sàigòn tôi cũng xuống đây, đưa anh ấy lên bộ. Hiện anh ấy có trong phòng không, thưa ông?
Thế mới nguy chứ! Thiếu nữ này là tình nhân của Sa-tô-đa tất sẽ bị công an mời tới điều tra một khi Sa-tô-đa biệt tích.
Cô ta tất sẽ nhắc đến sự có mặt của y trong phòng thuyền trưởng. Không, Kô-băng không thể để cho thiếu nữ đó trở lên bộ được nữa!
Kô-băng liền cố tạo một nụ cười thật lịch sự mà y đã học trong trường Do Thám bên Nga:
- Thưa có. Tôi là bạn thân của Sa-tô-đa đây. Anh ấy đương bận, có nhờ tôi ra đưa cô vào.
Thiếu nữ mừng rú lên, ôm lấy bên vai lực lưỡng của Kô-băng, miệng nói:
- Thế thì còn gì bằng? Tôi không dè anh Sa-tô-đa lại có một người bạn đẹp trai và phong nhã như ông? Xin ông cho biết quý danh là gì?
- Tôi là Kô-băng.
Kô-băng không cần giấu tên thật nữa. Dù muốn dù không, chốc nữa nàng cũng phải chết. Kô-băng muốn nàng nhớ lấy tên y cho kỹ để sang thế giới bên kia đỡ phải thắc mắc.
- Kô-băng, chà cái tên đẹp quá. Ông là người Nhật sao có dáng điệu như người Tây phương thế?
- Vâng, tôi lai Bạch Nga.
- Thảo nào.
Cánh cửa phòng thuyền trưởng mở hé ra rồi đóng lại. Hình như linh tính báo hiệu có sự nguy hiểm, thiếu nữ đứng dừng hẳn lại, quay đầu, nhìn vào mặt Kô-băng.
Tia mắt của Kô-băng lúc bấy giờ cũng bắt đầu đổi khác. Cái cảm giác hiền lành, hào hoa lúc nãy đã biến đâu mất. Con mắt của người lai Bạch Nga Kô-băng tóe ra cái chết.
Thiếu nữ bước lùi, miệng rú lên một tiếng sợ hãi. Kô-băng từ tốn bước theo, tay phải vẫn xách cái cặp da đen, còn cánh tay trái hoành ra, chụp lấy cổ thiếu nữ. Thiếu nữ vùng ra nhưng cái kềm sắt đã bao quanh cổ. Kô-băng kéo thiếu nữ vào phía mình, khuỷu tay xiết dần dần lại. Thiếu nữ quằn quại, đôi mắt nhắm nghiền, miệng méo xệch đi vì kinh hoàng, mớ tóc dái, quấn lên thành đuôi ngựa, đứt giây tung ra.
Toàn thân thiếu nữ cứng đờ ra như khúc gỗ. Kô-băng đẩy cái xác vô tội xuống sàn tàu.
Thiếu nữ cũng được Kô-băng ném qua khung cửa cấp cứu xuống sông, nối gót tình nhân Sa-tô-đa.
Bây giờ thì không còn chướng ngại vật nào nữa. Kô-băng huýt sáo miệng một bài hát thủy quân đoạn trèo lên boong, xuống bờ.
Màn thứ nhứt của gián điệp Nga Sô, Kô-băng, trên đất Sàigòn bắt đầu.
Chú thích
1. R.U. là Sở Tình Báo của Nga.
2. Hiện trường này còn mở và dạy gần 10.000 nhân viên tình báo.